KỶ NIỆM THỜI ẤU THƠ.
C âu chuyện về làng Vị Xuyên đã hơi dài. Vậy xin chuyển sang một mục khác, cũng vẫn chỉ là nói về thời ấu thơ của tôi thôi.
Người ta, khi hồi tưởng lại công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, thường thường nhiều người hay nghĩ đến mẹ rồi mới nghĩ đến cha, hay tưởng nhớ đến mẹ nhiều hơn là đến cha. Nhưng tôi thì lại hơi khác một chút, nghĩ đến cha nhiều hơn nghĩ đến mẹ. Có lẽ vì giữa tôi và cha có nhiều kỷ niệm hơn với mẹ. Cả thời thơ ấu, tôi đã gần gũi với cha, và là “tiểu đồng điếu đóm” cho cha và được cha giáo huấn nhiều hơn. Sau đây là một kỷ niệm của thời thơ ấu, giữa cha tôi và tôi, cho đến bây giờ tôi cũng đã xấp xỉ đến tuổi bát tuần, nghĩa là đã vượt qua cái ngưỡng “xưa nay hiếm” được 10 năm ! Chuyện như sau :
Hôm ấy, một buổi trưa mùa hè ở thôn quê, cha tôi thường nghỉ hay ngủ trưa, và trước khi đi nằm, ông thường chỉ cho tôi một bài học nào đó và hẹn đến chiều thì “trả bài”. Sau khi cha tôi đi nằm thì hai “đồng chí” Bách và Chương là hai gia nhân của gia đình tôi, hơn tôi một vài tuổi, cũng là hai tay cự phách trong việc “xúi trẻ ăn cứt gà”. Các hắn rủ tôi đi tắm bãi sông (gần nhà) và còn hứa dạy cho tôi biết bơi nữa. Tôi đã bị gãi trúng chỗ ngứa nên mau chóng quên những điều cha dặn, rồi cùng Bách và Chương đi tắm sông, tập bơi và nô giỡn vô cùng vui vẻ, quên phắt ngay những lời dặn dò của cha tôi, đến lúc khi nhớ ra thì đã trễ mất hơn tiếng đồng hồ. Thế rồi việc phải đến đã đến. Dĩ nhiên là hôm đó tôi không thể trả bài và một hình thức kỷ luật cha tôi dành cho tôi hôm đó là “Đứng quay mặt sát vào tường. Miệng phải đọc to và rõ từng tiếng – giống như ông sư tụng kinh, gõ mõ ở trong chùa – câu “BẤT HỌC DIỆN TƯỜNG, VI DONG VI NÔ”, cứ đọc đi đọc lại mãi, đến khi nào coi là đủ thì sẽ được tha cho đi chơi. Câu tôi phải tụng như tụng kinh nói trên có nghĩa là “Không học thì giống như người quay mặt vào tường, không hiểu biết gì. Suốt đời chỉ đi làm đầy tớ cho người, nô lệ cho người mà thôi”. Đấy là kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời thơ ấu của tôi, và đây cũng là lần đầu tôi ghi lại những kỷ niệm này lên giấy, vì sợ rằng một ngày nào đó tôi không còn đủ minh mẫn để nhớ lại nữa. Hiện giờ, tôi vẫn chưa dám khẳng định đây là một kỷ niệm hay hay dở, mà chỉ chắc chắn rằng những gì mà tôi đã có, đang có của con người tôi bây giờ, chính là nhờ ở những kỷ niệm này. Chắc nhiều bạn đọc cho là tôi có thiên kiến, ý nghĩ lạc hậu, cổ hủ, lẩm cẩm của tuổi già nên nói thế chăng ? Tôi xin thêm là, cho đến hiện giờ, sau trên 40 năm trong nghề GODAUTRE, đầm mình, hụp lặn trong bể nước ngoại ngữ Anh văn, chứng kiến nhiều đường lối giáo dục mới, cách dạy dỗ mới, không áp đặt, không dùng hình phạt (vì làm cho đứa trẻ mất tính tự trọng, tự tin), luôn chiều theo ý thích của học sinh v. v… đều vẫn chỉ là một đường lối, một ý kiến mới, đối với tôi chỉ có tính cách thể nghiệm và là một sự xu mị học sinh quá lố mà thôi.
Tôi vẫn còn nhớ hai câu thơ mà tôi được biết hồi đó là :
“Kinh công hạ mã bái kinh tùng[1]
Cảm tạ kinh tùng giáo huấn công”
KINH CÔNG là một ông quan lớn đầu triều, khi về thăm nhà cũ, đi qua một bụi cây mây ở đầu ngõ mà thày giáo cũ của ông vẫn chặt về để làm roi phạt ông những khi ông không nghe lời. Ông đã xuống ngựa, sụp lạy bụi mây này để cảm tạ cái công ơn ngày xưa thày đã làm cho ông được thành đạt như ngày nay. Chúng ta hẳn còn nhớ câu tục ngữ này của người Anh trước đây ít năm trong việc dạy dỗ học sinh : “Spare the rod and spoil the child” (Để cho cái roi được nhàn rỗi là đã làm cho đứa trẻ hư hỏng). Tục ngữ Việt Nam ta cũng có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, giống y như câu của người Trung Hoa xưa : “Liên nhi đa dữ bổng, tăng nhi đa dữ thực” (của Thái Công). Đến đây tôi lại liên tưởng đến câu “Nội vô hiền phụ huynh, ngoại vô nghiêm sư hữu, nhi năng hữu thành giả, tiến hỷ”. Quả thực là như vậy. Cho đến tận bây giờ, tôi mới hiểu một cách sâu sắc hai chũ “nghiêm phụ” hơn lúc nào hết, và cũ g thấy cảm nhớ công ơn của cha tôi vô cùng, và cũng tự nhủ với niềm tự hào rằng mình đã may mắn có được một người cha như thế. Hai bài cổ thi dưới đây mà cha tôi đã dạy cho tôi lúc nhỏ là Bài thứ nhất: CAO THÁP, THANH TÙNG
Cao tháp, thanh tùng lập tại Tê[2]
Thanh tùng, cao tháp bất tương tề
Hành nhân mạc tiếu thanh tùng đoản
Tha nhật ùng cao, tháp hựu đê.
Tạm dịch như sau :
Ngọn tháp cao và cây thông xanh đều ở phía tây đường đi. Cây thông xanh và ngọn tháp cao, độ thấp cao không bằng nhau. Người qua đường chớ có cười cây thông sao không cao như ngọn tháp. Vì một ngày kia, cây thông sẽ lại cao hơn ngọn tháp cho mà xem.
Cha tôi giảng rằng : Người từ lúc còn nhỏ cũng giống như cây thông xanh này, lúc nhỏ đứng bên cạnh ngọn tháp cao. Người đi qua đường thấy vậy, chớ chê cười cây thông thấp hơn ngọn tháp, vì một ngày kia cây thông sẽ cao hơn ngọn tháp. Người bảo tôi rằng : “Con phải thấy mình cũng giống như cây thông xanh, đừng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi thấp hơn ngọn tháp. Phải có một ngày nào mình sẽ cao hơn ngọn tháp mới được”.
Bài thứ hai :
DANH LỢI THUYỀN
Ngạn thượng nhân khiên danh lợi thuyền
Thuyền trung danh lợi bị nhân khiên
Thao thao lưu thủy khứ bất phản
Bất tri khiên đáo kỷ hà niên.
Tạm dịch như sau :
Trên bờ người ta kéo một thuyền danh lợi
Danh lợi ở trong thuyền bị người ta lôi kéo
Dòng nước cứ liên tục chảy đi mãi, không chảy ngược trở lại
Không biết đến bao giờ thuyền danh lợi này mới khỏi bị lôi kéo nữa.
Cha tôi giảng và khuyên rằng : “Đừng nên bắt chước người đời mà đi lôi kéo thuyền danh lợi, nghĩa là đừng chạy theo danh lợi. Vì người đời chẳng biết đến bao giờ mới tỉnh ngộ để mà không ham danh lợi”.
---o0o---
Người thứ hai trong gia đình quan trọng đối với tôi lúc còn nhỏ, không phải là ai khác, mà lại là bà chị lớn của tôi. Tôi có hai bà chị, một bà chị lớn, con của mẹ già tôi là Cô Nguyễn thị Báu, hơn tôi mười tuổi. Bà chị này tuy không nổi trội về ngoại hình, nhưng duyên dáng và khôn ngoan rất mực, nói năng phải lời và rất thương tôi. Bà chị thứ hai là Cô Nguyễn thị Ngọc, cùng cha mẹ với tôi, hơn tôi ba tuổi. Bà này khá xinh, nhưng không được đào tạo nhiều như bà chị, nên về sự khôn ngoan chưa được hoàn chỉnh như bà chị lớn. Tính nết bà rất hiền lành, thục thà, hay thương người. Bà chị này, tuy cùng mẹ với tôi, nhưng lại ít sống chung nên không thân thiết với tôi bằng bà kia. Đặc biệt bà Báu rất ngoan đạo, nên đã ảnh hưởng đến tôi nhiều, dạy dỗ và khuyến khích tôi học kinh, cầu nguyện và rất nhiều thứ khác linh tinh về tôn giáo nữa. Nhiều khi cao hứng bà còn dạy tôi dâng hạt và khuyến khích tôi học ngắm đứng (một cách đọc kinh và suy ngẫm trong dịp lễ Phục Sinh). Chữ ngắm ở đây là do đọc chệch từ chữ ngẫm, suy ngẫm mà ra. Bà đã xin với cha tôi tìm thày dạy ngắm đứng cho tôi. Thế là tôi được thụ huấn với hai sư phụ là hai nhân vật ngắm đứng hàng đầu trong xứ đạo GIA LẠC. Đó là các ông Lương Huy Đô (tức Phó Đô) và ông Lưong Huy Tự (tức Hương Tự). Hai sư phụ của tôi đều là giáo dân họ giáo HỘI KÊ, mỗi người một vẻ. Sư phụ “Phó Đô” thì giọng ngắm rất điêu luyện và nghệ thuật. Sư phụ “Hương Tự” thì tiếng lớn, giọng ngâm trong và vang, phát âm tròn vành rõ nét, nên có nhiều người rất ưa thích. Nếu có phải so sánh tài nghệ của hai sư phụ này, thì ta có thể nói giống như tiếng hát của danh ca Thái Thanh và tiếng hát của danh ca Khánh Ly hay Lệ Thu (Lệ Thu lớn, lớp trước).
Ở nông thôn miền Bắc thời ấy (thời Pháp thuộc), lễ Phục Sinh (Pâques) là một ngày lễ lớn nhất trong tất cả mọi lễ, kể cả lễ Noel. Thời đó, vào dịp lễ này, nhà nước cho học sinh được nghỉ học một tuần lễ liền như nghỉ Tết Nguyên Đán bây giờ. Trong dịp lễ Phục Sinh này, có một loạt những lễ gần như liên tiếp nhau của nhà thờ, từ Ba Vua đến Lễ Lá, rồi Ném Đá, rồi Phục Sinh.
Mùa Phục Sinh năm ấy, vì là đệ tử của hai sư phụ hàng đầu về ngắm đứng trong xứ, tức đứng mà cầu nguyện và suy ngẫm về 15 sự thương khó của Chúa Giêsu trong những ngày Chúa bị quân dữ (quân lính La Mã) đánh đập, hành hạ và cuối cùng dẫn lên đồi Golgotha tức ĐỒI SỌ (còn gọi là Calvaire hay Calvario) để đóng đinh trên Thập Tự Giá, tôi được gia đình và các sư phụ khyến kh1ch ghi tên lên NGẮM NHÂN TÀI ở nhà thờ, mặc dù khi đó tôi mới chỉ là một chú bé 12 tuổi. Tôi cũng chưa ý thức rõ rệt được việc làm này, có lẽ giống như “một người điếc, không biết sợ súng”. Thực ra, cũng chưa hẳn đến nỗi như vậy, vì các ông thày của tôi và gia đình đã khuyến khích và trấn an tôi rằng tôi xứng đáng làm được việc này một cách dễ dàng. Đêm lễ hôm đó là đêm Thứ Sáu, phần nghi lễ trang trọng nhất trong mùa Phục Sinh, diễn lại sự tích Chúa chịu nạn, chịu chết chuộc tội cho thiên hạ như thế nào. Cả nhà thờ được trang hoàng khác hẳn ngày thường. Ngoài đường chung quanh cũng dựng những cột đèn chai (bóng được làm từ những cái chai cắt ra) thắp bằng dầu, như những cột điện xưa ở trong thành phố. Trong nhà thờ được căng một ri-đô lớn bằng vải, cao quá đầu người, ngăn đôi nhà thờ, chia đôi phần có bàn thờ ngày thường với phần còn lại dành cho giáo dân ngồi dự lễ Phục Sinh. Phần giáo dân ngồi dự lễ lại chia thành lối đi hai bên theo chiều dọc như ở trong một nhà hát. Hai bên có bố trí cờ, trống và một phường bát âm để cử hành đón và tiễn những người lên NGẮM NHÂN TÀI, giống như ban quân nhạc của nhà nước khi đón một nguyên thủ quốc gia bạn đến thăm. Hôm đó, tôi mặc tang phục đại tang màu trắng, chân đi dép cói, một loại dép chỉ dùng trong tang lễ, với ý nghĩa là để tang Chúa, đã chịu nạn chịu chết vì loài người tội lỗi. Bắt đầu lên đường vào cuộc từ nhà Quan cư (một nhà phụ, nơi ngồi chờ trước khi vào nhà thờ), đối diện với cửa chính, qua một sân rộng. Trong tiếng trống rập rình của đoàn trống Ngũ Lôi và tiếng đàn sáo của ban nhạc Bát âm, tôi đã làm đúng như đạo diễn của các quân sư cố vấn ở nhà suốt một tuần lễ trước. Tôi ung dung, tề chỉnh, đĩnh đạc, đàng hoàng hiên ngang tiến lên với một tâm trạng vô cùng tự tin, phấn khởi…
Trước khi lên bàn thờ chính, nơi có tượng Chúa bị đóng đanh to bằng người thật, một Thánh Giá dựng trên một bàn thờ cao, tượng trưng cho ngọn đồi Golgotha hay ĐỒI SỌ, tôi phải quỳ lạy trước tượng Đức Mẹ Maria – mẹ Chúa – gương mặt sầu bi trong bộ đồ tang, rồi tiếp theo là bàn thờ Thánh Gioan, một tông đồ trẻ nhất và cũng được Chúa thương yêu nhất., cũng trong bộ đồ tang trong ngày đó. Sau cùng mới đến chỗ bàn thờ chính là nơi Chúa chịu khổ hình. Trên Thánh Giá có thắp 15 ngọn nến, chỉ 15 sự thương khó tức 15 giai đoạn chịu nạn của Chúa trong những ngày này. Khi lên ngắm, tôi phải trèo lên chỗ đứng bằng một chiếc ghế đẩu mà người ta để sẵn, dành cho ai không đủ chiều cao, có thể nhìn vào sách dễ dàng hơn. Một câu hỏi với vẻ nghiêm trang, trịnh trọng kéo dài và giọng nhừa nhựa ở bên trong ri-đô của thày già PHẨM cất lên: “Ngắm NHÂN TÀI về đâ … âu … đâu … ?” (tức là đại diện cho họ nào). Tôi trả lời trúng cách và được chấp nhận bằng ba tiếng KENG-BUNG-TÙNG.
Sau mỗi bài kinh ngắm, một ngọn nến lại được dập tắt đi, đến khi nến được tắt hết là đêm lễ sang phần khác. Trong lúc ngắm NHÂN TÀI, người ta đặt ra một ban cầm TRỊCH, giống như ban giám khảo của các kỳ thi ngày nay, gồm những người có thẩm quyền như các THÀY GIÀ (gọi như vậy, chứ các tu sĩ này cũng vẫn còn trẻ, chỉ vì có tu đến già cũng không bao giờ có thể trờ thành linh mục nữa), và một hai người có trình độ chuyên môn về ngắm. các vị này ngồi sau ri-đô, tức là ở hậu trường sân khấu để lắng nghe đương sự ngắm, để thưởng hay phạt. Đến chỗ nào mà người ngắm làm tốt, thì các vị giám khảo bèn trọng thuởng cho một điểm bằng ba tiếng “KENG-BUNG-TÙNG”. “Keng” là tiếng thanh la được gõ lên với một bù-loong sắt, có âm thanh kim loại. “Bung” là tiếng trống khẩu, một thứ trống nhỏ, có cán để cầm giơ lên đánh, thường đi trước kiệu trong những đám rước, và “Tùng” là tiếng trống lớn. Ba âm thanh này phát ra lần lượt nghe cũng vui tai, giống như âm giai trưởng của âm nhạc. Còn nếu như khi NGẮM NHÂN TÀI mà có sai sót điều gì là bị ban giám khảo phạt ngay, tặng cho một tiếng mõ thật lớn ĐỐP hay CỐC, là cứ việc đi xuống, nhường chỗ cho người khác lên thay thế. Khi đã phải xuống thì không có trống phách gì tiễn đưa như lúc đi lên nữa, mà chỉ âm thầm một mình đi xuống thôi. Nếu hoàn thành được bài ngắm cho đến chỗ cuối thì có một hồi tiếng KENG-BUNG-TÙNG liên tục để chấm dứt. Tôi cũng không nhớ được là trong bài ngắm đã được khen thưởng mấy lần, chỉ nhớ rằng đã đi được đền cuối bài, và lúc xuống cũng đuợc om sòm tiễn đưa như lúc đi lên. Ông Đốc phủ xứ Nguyễn Hữu Biền lúc đó đã chờ đón tôi ở cuối nhà thờ và vỗ vai ban tặng tôi một lời khen : “Em làm tốt đó. Cố lên, kỳ lễ sau lại cứ thế lần nữa nhé”. Tôi thầm cám ơn ông, trong lòng vui sướng … tràn trề hạnh phúc !
Cuối cùng, người ta tháo đanh Chúa xuống, mang đi táng xác trong hang đá. Chúa được đặt trong một quan tài sơn son thiếp vàng, có nắp ván thiên bằng kính, để trên kiệu rước đi quanh nhà thờ, với đầy đủ nghi thức y hệt như một tang lễ ngoài đời. Ngoài tiếng đọc kinh râm ran của bổn đạo, còn có tiếng kèn “lâm khốc” não nuột mà bất cứ ai nghe cũng phải mủi lòng ! Sau đó, quan tài Chúa được đưa vào một hang đá giả, bằng bìa giấy sơn vẽ như thật. Thi hài Chúa nằm trên đống “nẻ” (thóc rang nổ thành những bông gạo trắng đã được lược bỏ vỏ trấu), cùng với những hoa xoan tươi thơm ngát của tháng Ba, đặt thò hai bàn chân ra ngoài để giáo dân vào hôn chân. Đây là giai đoạn Chúa được các tông đồ táng trong hang đá. Những người vào hôn chân Chúa phải đi bằng cách quỳ gối từ ngoài vào đến trong cuối hang, miệng luôn đọc kinh cầu chịu nạn : “CHÚA GIÊSU ĐẦY TỚ TÁNG TRONG HANG ĐÁ … Á … À … THƯƠNG XÓT … Á … À … CHÚNG CON”, đọc đi rồi đọc lại. Có những đứa trẻ cùng trạc tuổi với tôi, đến hôn chân Chúa, cứ vào rồi lại ra đến năm sáu lần, vì mỗi lần lại được bốc một nắm NẺ để ăn. Có đứa nhét NẺ đầy cả hai túi áo. Lễ hôn chân này diễn ra suốt ngày thứ Bảy, sau ngày thứ Sáu là ngày Chúa chịu nạn. Đến 12 giờ đêm thứ Bảy, rạng sáng Chủ Nhật làm lễ mừng, được gọi là ngày lễ Phục Sinh (Chúa sống lại).
Sau lễ Phục Sinh đúng 40 ngày thì Chúa lên trời, ngự bên hữu ĐỨC CHÚA CHA, gọi là lễ THĂNG THIÊN (Ascension), rồi sau đó 10 ngày, CHÚA THÁNH THẦN lại xuống thế để an ủi các THÁNH TÔNG ĐỒ và loài người, được gọi là lễ HIỆN XUỐNG (Pentecôte). Sau lễ này, được coi như là chấm hết mùa PHỤC SINH. Hồi đó, lũ học sinh nhỏ là chúng tôi, sau lễ Phục Sinh, chúng tôi cứ như người mất hồn, nhớ lại những ngày “vui” qua mau của kỳ lễ Phục Sinh đã qua. Tâm hồn bâng khuâng như vừa mới mất một cái gì quý giá vô ngần, không biết đến bao giờ mới tìm lại được !
Đúng như vậy, vì lẽ ra tuần Phục Sinh là để kỷ niệm những sự thương khó, đau buồn của Chúa, người ta đã dựng nên những hoạt cảnh y như thật của một phim trường đầy vẻ hấp dẫn, có đủ các nhân vật trong phim như quân dữ (lính La Mã), quan trấn thủ Philatô (Toàn quyền La Mã Ponce Pilate), vua Do Thái thời đó E-ro-de (Herode), tên hung đồ Ba-ra-ba (Barabba) và cả thằng Giu-đa (Judas) nữa v. v… Nhân vật Giu-đa này, vốn cũng là tông đồ của Chúa, còn có tục danh nữa là Iscariot, là đồng chí của thánh Phêrô (Peter) trong đảng Zealot, ngày Chúa còn sinh thời. Thánh Phêrô cũng đã từng có lúc dao động, và đã trong cùng một đêm, chối bỏ Chúa đến 3 lần : “Tôi chẳng biết người đó là ai” trước mặt kẻ thù (quân lính La Mã), cho mãi đến khi gà vừa gáy sáng mới ăn năn, hối hận. Nhưng Chúa đã tha tội và là người đầu tiên được Chúa giao cho cai quản Hội Thánh của Người dưới trần thế, và cũng là vị thánh tông đồ được Chúa giao cho giữ chìa khóa cửa Thiên Đàng