Wednesday 20 June 2012

Từ nguyên của "chằm" và "trải" (Trần Trọng Dương)

Từ nguyên của "chằm" và "trải"

Bài viết tham gia hội thảo kỷ niệm 1 năm ngày mất Gs Nguyễn Tài Cẩn





KHẢO VỀ CHẰM VÀ TRẢI TRONG TIẾNG VIỆT CỔ

QUA “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ” CỦA TRẦN NHÂN TÔNG



Nguyễn Hùng Vĩ và Trần Trọng Dương




Bắt đầu bằng việc ngồi đọc lại tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông. Trong tác phẩm này, ở Hội năm, câu 11 (câu 63 tính theo toàn bài) ghi:




GS Đào Duy Anh trong cuốn Chữ Nôm- nguồn gốc- cấu tạo- diễn biến phiên:

-Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc kim hoặc chỉ;

Cơm cùng áo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu xoa.

Trăn trở với cách phiên đó, GS Hoàng Xuân Hãn phiên lại:

-Áo miển (mliễn) chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể.

Và dường như chưa thật yên tâm với cách đọc của mình, trong phần Đại ý và lược chú, GS Hoàng Xuân Hãn viết: “Áo thì mặc chằm vá, rách xể cũng chẳng hề, quí hồ ấm (hai chữ Châm 針 và Trĩ 雉 chắc đều chép chữ nôm theo phép mượn âm; nhưng đọc thế nào thì không chắc. CN đọc kim chỉ. Theo âm thì đọc châm trễ là gần nhất, nhưng tứ không hợp. Tôi đọc chằm xể, hợp hơn, tuy rằng những âm ấy ngày nay có thể viết bằng chữ Nho khác. Cũng có thể âm xể xưa là xlể)...” [tr.1118].

Rõ ràng mặc dù chủ trương đọc là chằm- xể nhưng GS cũng không chắc là đã đọc đúng. Vả lại, về nghĩa, cụ hiểu chằm là “chằm vá”, động tác dùng dây, kim luồn để nối kết các tấm vật liệu lại với nhau; còn xể là “rách xể”, lưu tích còn trong từ chổi xể.

Những băn khoăn của các nhà cựu học khiến chúng tôi phải tiếp tục suy nghĩ. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát các ngữ liệu cổ, chúng mạnh dạn đề xuất cách đọc hai câu phú trên như sau:

-Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải.

Dưới đây là những giải thích của chúng tôi qua sự khảo sát từ các từ điển cổ và các ngữ liệu cổ được ghi bằng chữ Nôm. Phương pháp làm việc của chúng tôi là: dựa trên cách đọc Hán Việt của thanh phù ghi âm trong chữ Nôm, từ đó đưa ra các khả năng đoán định về âm đọc; khả năng của âm đọc được củng cố trên các tư liệu từ điển cổ từ cuối thế kỷ XIX về trước. Khi chữ Nôm có dấu vết bị sửa đổi do dọn bản của các đời sau, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, tái lập ngữ âm tiếng Việt đồng thời soi chiếu với các cứ liệu chữ Nôm cổ để tìm ra từ nguyên cũng như lịch sử phát triển, biến đổi ngữ âm- ngữ nghĩa của ngữ tố đang khảo sát.

1. Khảo về chữ CHẰM

GS Hoàng Xuân Hãn ghi ngờ cách phiên “hoặc kim hoặc chỉ” của Gs Đào hẳn có lý của ông. Theo phép đối trong một liên phú, câu dưới ghi “dầu bạc dầu xoa” (cấu trúc: dầu + vị ngữ tính từ; dầu + vị ngữ tính từ), thì câu trên có cấu trúc (hoặc + danh từ; hoặc + danh từ) là cần phải cân nhắc lại. Cách phiên của GS Hoàng “hoặc chằm hoặc xể” với “chằm” và “xể” đều là các tính từ hoặc động từ có chức năng làm vị ngữ, theo chúng tôi là khá hữu lý. Vấn đề cần thảo luận tiếp là cách phiên chuyển, hơn nữa là cách hiểu về ngữ tố tiếng Việt cổ đang xét. Bởi lẽ, như ta biết, Cư trần lạc đạo phú có thể coi là một trong vài ba ngữ liệu sớm nhất hiện nay còn giữ được thuộc về điểm mút đầu của giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ XIII-XVI).

Chữ Châm針, chúng tôi cũng đọc là chằm (hoặc chầm) nhưng hiểu nghĩa khác đi so với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi hiểu chằm là quàng, choàng, ôm lấy...

Đọc như trên, câu phú được hiểu lọn ý hơn với nghĩa nhàn nhã với cuộc sống đạm bạc của một người tu hành hòa mình với bụi trần mà vẫn thung dung lạc đạo: Để đầm ấm cho qua mùa rét thì áo hoặc chăn cái gì cũng xong, hoặc là quàng (áo) hoặc là trải (chăn), tùy lúc, không câu nệ.

Chúng ta thấy một số từ điển từ thế kỉ XIX về trước ghi nhận chữ chằm với nghĩa là quàng, choàng, ôm lấy. Cụ thể như trình bày dưới đây.

1772 – 1773, từ điển Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị Annam Latinh) của Piere Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu) còn ghi mục từ Chằm lấy với chữ扌針 và với nghĩa Ôm chặt [theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên tb. 1999, tr. 67].

1838, từ điển mang tên La Tinh như trên của Aj. L. Taberd (tên Hán Việt là Nam Việt dương hiệp tự vị) cũng có mục từ như trên, được viết bằng chữ Nôm扌針 [tr.54].

1884, Việt Pháp từ điển của Trương Vĩnh Kí có mục từ Chằm và chú tiếng Pháp là Tenir fortement.

1895, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình – Tịnh Paulus Của cũng cho ta ngữ liệu “Chằm lấy. Giữ lấy, chụp lấy. Thấy mặt thì chằm lấy mà mắng” [tr.118]. Chữ Chằm được viết ở dạng 扌針.

Như vậy, trong quá khứ, chữ Chằm với nghĩa “ôm chặt, ôm quàng lấy” đang là một động từ hoạt động độc lập. Nghĩa của nó là rất gần gũi với các chữ quàng, choàng. Ngày nay với tư cách là một động từ như vậy, nó hầu như đã rụng khỏi ngữ dụng phổ thông, chỉ còn lại trong các kết cấu ôm chằm / ôm chầm, chằm vặp / chầm vập, ôm chằm chặp. Ta có thể giải nghĩa được từ chầm trong ôm chầm, vốn là một kết cấu đẳng lập hai động từ gần nghĩa với nhau: Ôm và Chầm. Nhưng chầm dần dần mờ nghĩa nên được hiểu như là một trạng thái bổ trợ cho Ôm và được hiểu như từ ghép chính phụ. Trong tiếng Tày ta có tiếng Chổm là quàng, ví dụ: chổm pạ slửa khửn bá mưà (choàng áo lên vai) [Hoàng Văn Ma 1984: tr.377]. tiếng Dăm có nghĩa là ôm, ví dụ: dăm chăp ăn thù nâng (ôm một mối thù) [Hoàng Văn Ma 1984: 356]. Có thể thấy chằm là một từ cổ thuộc vốn từ vựng của tiếng Việt cổ (tk XIII-XVI). Chữ này sẽ thuộc loại từ cổ thứ ba theo cách phân loại của Vương Lộc [2001, lời nói đầu tr.I]. Những từ cùng nhóm này như: han trong hỏi han, chường trong chán chường, tác trong tuổi tác, tói trong đòi tói (dây xích) và lòi tói (dây dợ),… Từ chằm không còn hoạt động một cách độc lập trong tiếng Việt Trung đại (XVII-XIX) và tiếng Việt hiện đại nữa.

Nếu nghiên cứu của chúng tôi có thể chấp nhận được, thì sẽ đem đến cho kho tàng từ cổ tiếng Việt thêm một đơn vị thú vị nữa, giải tỏa những dùng dằng mà GS Đào Duy Anh và GS Hoàng Xuân Hãn đã đề cập tới. Không những thế, có thể bổ sung cho các từ điển từ cổ và từ điển chữ Nôm một mục từ mới chưa từng xuất hiện trong bất cứ một công trình nào trước đây.



2. Khảo về chữ TRẢI

Chữ Trĩ雉đọc là trải theo kiểu mượn âm là hoàn toàn có thể xảy ra trên lý thuyết và thực tế. Mối quan hệ giữa i- ai là một mốt quan hệ đã từng được biết đến, ví dụ qua đối ứng giữa âm Hán Việt đời Đường và âm Hán Việt phi Đường: 疑nghi- ngại, 義nghĩ- ngãi,眉 mi- mày, 胝 tri- chai/ trai (cái chai tay),脂 chi- chài (mỡ chài), ,厘 li- lai (một li một lai), 理 lí- lái (lí tài- lái buôn),… Với một âm đọc phiên chuyển sang tiếng Việt hiện nay thì khả năng đọc trải là có thể chấp nhận được. Trải với tư cách động từ, có nghĩa là “trải ra, giãi ra”. Sự tương ứng của mô hình âm trong chữ Nôm, dùng thanh phù Hán có thủy âm TR- để ghi chính xác thủy âm TR- khiến chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một chữ Nôm do đời sau lọt vào trong quá trình dọn bản từ thiền sư Chân Nguyên (tk XVII), rồi được bảo lưu trong bản của sư Thanh Hanh (1932). Điều này chứng tỏ việc dọn bản cho chữ Nôm ở đây được thực hiện sau khi quá trình chuyển đổi của các thủy âm kép đã hoàn thành, tức quãng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Chính thiền sư Chân Nguyên cũng đã viết trong cuốn Yên Tử sơn Trần Triều Thiền tông bản hạnh rằng:

“Dược Am gió mát bóng cây

Dọn Thiền tông lại để nay san truyền”[1]

Sở dĩ chúng tôi đi đến nhận định trên đây, bởi những kết quả của ngành ngữ âm học lịch sử đã soi sáng thêm rất nhiều cho giả thuyết này. Từ điển Việt Bồ La đã có phương án ghi khá chính xác cho ngữ tố đang xét. Từ điển này ghi như sau: “blải: trải, giải nghĩa. Léy áo blải lót đàng: lấy áo trải trên đường đi” [tb1994: 39]. Đến đây ta có thể tạm thời đi đến nhận định rằng, blải thế kỷ XVII sẽ cho âm giải ở Miền Bắc và trải ở Miền Trung. Hơn nữa có thể khẳng định lại lần nữa rằng trĩ không phải là chữ Nôm đời Trần mà là chữ Nôm đời Lê Trung Hưng trong quá trình dọn bản, dùng để nghi ngữ tố trải từ thế kỷ XVIII trở lại đây.

Để hiểu thêm về từ này, chúng tôi tiến hành khảo sát các ngữ cảnh có từ thế kỷ XVII trở về trước qua một số tư liệu chữ Nôm. Sách Truyền kỷ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú ghi: Ngủ thì áng cỏ trải làm nệm chiếu, khát thì nước suối dâng làm rượu ngọt (Q.III 67b), bèn khiến trải chiếu bên Đông bên Tây, sánh ngồi luận sự văn (Q.IV 40b), chữ trải đều được ghi bằng . Có thể thấy, chữ Nôm trong Truyền kỳ mạn lục là một chữ Nôm hình thanh, nhưng vẫn có thanh phù lại 吏dùng để ghi phần âm lỏng và khuôn vần của ngữ tố đang xét. Dù cách ghi có khiếm khuyết, nhưng dựa vào cứ liệu của Từ điển Việt Bồ La, ta vẫn có thể tái lập là *blai3. Như thế mô hình âm của chữ Nôm sẽ là L-(BL-), dùng L- để ghi BL-. Theo các kết quả nghiên cứu của Vương Lộc qua An Nam dịch ngữ, từ thế kỷ XV-XVI về trước, ngữ tố này có thể có hai biến thể ngữ âm là *blai3và *tlai3. Quá trình diễn biến ngữ âm, theo chúng tôi có thể trình bày như sau:

*blai3> hòa đúc> trải (Trung)

*blai3> hòa đúc> giải (Bắc)

*blai3> rụng âm [b] > rải/ rãi.

*tlai3> rụng âm lỏng> tãi/ toãi.

Thế kỷ XII, ngữ tố đang xét xuất hiện trong câu sau: mẹ nằm ngày sinh con, năm tạng đều - ra (13a3), dịch từ câu Hán văn 慈母生居日,五臟揔開張. Từ điển Chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm cho tự dạng Nôm là (tr.1142). Hoàng Thị Ngọ cho rằng chữ Nôm đang xét là阿 賴 [tr.58] và nhận định đây là một tổ hợp phụ âm có âm tiền tắc thanh hầu hóa. Chúng tôi theo ý kiến này và tái lập là *?laj3. Tuy nhiên, chúng tôi xin đính chính lại một điểm, tự dạng Nôm chính xác là , vi tính hóa là 阿懶 a lãn. Chữ (cự巨 + lãn懶) thì chữ cự là chữ viết bằng bút lông (chứ không phải nét khắcvốn có của bản khắc), nét chữ mềm, yếu và lạc hẳn phong cách so với toàn bộ văn bản, có lẽ do người đời sau thêm vào. Từ điển chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm thì coi 阿 là một thành tố chưa thể lý giải, bởi nó nằm ở vị trí cuối cùng của dòng trước, cho nên mặc nhận chữ (nằm ở đầu dòng) là đúng.

Tuy nhiên, dấu cự lại là một chứng tích khá xưa do người đời sau thêm vào. Nó phản ảnh một tự dạng cổ trước thế kỷ XVII. Có thể thấy tự dạng này trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi dùng để ghi ngữ tố trái. (cự巨 + lãn懶), âm tái lập: *klai5 xuất hiện trong các câu muốn ăn *blai5 dưỡng nên cây, ai học thì hay mựa lệ chầy (Bảo kính cảnh giới 137.1), (ThuËt høng 64.4)[2]. Như thế, ta có thể có chữ Nôm cổ có trước và xuất hiện sau阿懶. Quá trình diễn biến chữ Nôm có thể như sau:

阿懶 (XII (XV)> 惐(XVII)>雉(XVIII).

Các biến thể ngữ âm đã tái lập từ thế kỷ XVII về trước có thể là, *?laj3, *klai3, *tlai3, *plai3 hoặc *blai3. Các biến thể ngữ âm hậu kỳ là: trải, giải, giãi, rải, rãi, tãi, toãi.

Ít nhiều, ta có thể thấy rằng, cổ hơn雉. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là chữ惐 là một tự dạng phổ dụng hơn nhiều so với 雉, có thể thấy chữ này xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm Nôm thế kỷ XVIII-XIX và đầu thế kỷ XX nữa, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, thơ Nôm Nguyễn Khuyến,…. Lúc ấy, chỉ tồn tại như là một lưu tích của chữ Nôm cổ, chứ không mang giá trị ghi âm như trước nữa.

Về nghĩa, thì các ngữ cảnh đã xét ở trên cho ta nghĩa cơ bản của ngữ tố trải, trỏ một vật được rãi ra, tãi ra trên một mặt phẳng, trên một không gian. Như quy luật chung của ngôn ngữ, nghĩa liên quan đến không gian sẽ được chuyển sang nghĩa liên quan đến thời gian. Đến đây, chúng tôi cho rằng, trải trong các từ và các ngữ trải qua, từng trải, trải làm, trải giữ, trải đời, bươn trải,… là nghĩa dẫn thân của chữ giải/ trải/ rải/ tãi đang xét. Khảo các ngữ liệu cổ, chúng tôi bắt gặp khá nhiều ngữ cảnh có nghĩa này. Cụ thể như sau: NhËt nguyÖt soi ®ßi chèn hiÖn, §«ng hÌ tr¶i ®· x­a hay (Quốc âm thi tập, TrÇn t×nh 45.6), được ghi bằng (thanh phù: lại), âm tái lập: *tlai3 > trải/ giải (-qua, kinh lịch qua). AR ghi một từ đồng âm gần nghĩa là blải (trải, giải nghĩa) [1994: 39]. Gaston Nhẫn tái lập âm *plải [1967: 50]. Chữ trải trong QATT của Nguyễn Trãi mang nghĩa “trôi qua” thuộc loại động từ bất cập vật. Bạch Vân Am thi tập thế kỷ XVI của Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi trong câu trải gian nguy đã mấy phen (tr.3b), chữ trải mang nghĩa “từng kinh qua”, lưu tích còn trong từ nếm trải, từng trải. Hai nghĩa trên còn thấy xuất hiện trong một số ngữ cảnh sau. Truyền kỳ mạn lục thế kỷ XVI-XVII có câu trải xuân thu hai khoa thi (QI 52b), ở quan trải một tháng (QIII 4b), Trải khổ từng nghèo (QVI 36b). Truyện Kiều có câu trải bao thỏ lặn ác tà (26). Lục Vân Tiên có câu trải bao dấu thỏ đường dê (15). Nguyễn Khuyến có câu ăn chơi đã trải chết chôn chưa hề (14a). Thiên Nam ngữ lục thế kỷ XVII ghi trải xem lịch đại đế vương (tr.130a), ở ngữ cảnh này trải mang nghĩa là “khắp”, là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ vị ngữ. Sô Nghiêu đối thoại thế kỷ XVIII ghi ngắm chơi đã trải miền thôn dã (5a), chữ trải ở đây là một động từ nghĩa là “đi hết, đi khắp”.

Với âm giãi, ta có một số nghĩa sau. Nghĩa thứ nhất là trỏ (ánh sáng) rải ra trên một bề mặt. Ví dụ QATT của Nguyễn Trãi có những câu như: Quỹ Đông giãi nguyệt in câu (Ngôn chí 14.4), cửa song giãi xâm hơi nắng (Ngôn chí 21.3), Hang thỏ chìm tăm hải nhược, Nhà giao giãi bóng thiềm cung (Thủy thiên nhất sắc 213.4). Nghĩa dẫn thân là “phơi ra” trong câu mới hay thế khốn anh hùng giãi thây (Thiên Nam ngữ lục,104a). Nghĩa bóng dẫn thân cuối cùng là “phơi bày tâm can” như giãi thực niềm đan trẫm được hay (Hồng Đức quốc âm thi tập 66b), rỉ tai nàng mới giãi bày thấp cao (Kiều 19a), lưu tích còn trong từ giãi bày, giãi lời. Chữ giãi trong các ngữ cảnh trên đều được ghi bằng chữ Nôm có thanh phù 豸trĩ /trãi. Điều này càng củng cố cho cách đọc trải cho ngữ liệu Nôm trong Cư trần lạc đạo đã bàn ở trên.

Tóm lại, qua khảo sát các cứ liệu chữ Nôm và ngữ liệu tiếng Việt cổ từ thế kỷ XIX trở về trước, chúng tôi đề xuất cách đọc chằm và trải cho câu phú của vua Trần Nhân Tông: Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải. Đây là cách phiên chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, từ tiếng Việt cổ sang tiếng Việt hiện đại. Còn nếu thật sự chặt chẽ, phải tiến hành phiên sang tiếng Việt cổ- với một hệ thống các ký hiệu chữ Quốc ngữ riêng biệt- đặc thù, nhất là với những ngữ tố có tổ hợp phụ âm đầu như mliễn hay klải. Tuy nhiên, vấn đề nêu ra là khá phức tạp, cần phải thảo luận chi tiết trong một dịp khác.



Hà Nội 10-13/12/2011







Tư liệu tham khảo:

A. de. Rhodes 1651. Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae : typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p. 633., tb.1994. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.
Cư trần lạc đạo. Thanh Hanh trùng san 1932. Bản in ván chùa Vĩnh Nghiêm do tác giả thực hiện năm 1999.
Đào Duy Anh – Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến. Nxb KHXH. Hà Nội.
Gaston Nhẫn. 1967. Etude du consonantisme du Quốc âm thi tập (Nghiên cứu hệ thống phụ âm đầu của Quốc âm thi tập, Luận án Tiến sĩ đệ tam cấp, 203 trang, hiện lưu tại Thư viện I. N. A. C. O. - Pháp).
Hoàng Thị Ngọ (khảo cứu, phiên âm, chú giải). 2009. Thiền tông bản hạnh. Nxb Văn học. Tp Hồ Chí Minh.
Hoàng Xuân Hãn. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần Lê… Trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập 3. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo. 1984. Từ điển Việt- Tày- Nùng. Nxb KHXH. Hà Nội.
Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), “大 南 國 音 字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896).
Khuyết danh. XII. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản Trịnh Quán in <1730. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh) bản chép tay, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ. (tb.1999). L.J. Taberd, 1838, Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore. Thiều Chửu. 1997. Hán Việt tự điển. Nxb Tp Hồ Chí Minh. Trương Vĩnh Ký, P.J.-B., 1884, Petit dictionnaire français-Annamite, Saigon, Imprimerie de la Mission à Tân Định. Vương Lộc. 2001. Từ điển từ cổ. Nxb. Đà Nẵng. Vệ Thạch Đào Duy Anh. 1932. Từ điển Hán Việt. (Hãn Mạn Tử - Giao Tiều hiệu đính) TIENG DAN. HUE. (tb 2001) Nxb KHXH. Hà Nội. -------------------------------------------------------------------------------- [1] Quá trình truyền bản và “dọn bản”, Hoàng Thị Ngọ đã viết như sau: “Lúc đầu Thiền tông bản hạnh vốn chỉ có bốn bài, trong bốn bài này thì bài đầu do thiền sư Chân Nguyên sáng tác còn ba bài phú tiếp theo là do thiền sư sưu tập những trước tác của các vị sư tổ thứ nhất và thứ ba thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để làm thành một cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên này phải được hoàn thành khi thiền sư Chân Nguyên còn sống, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Như vậy, rất nhiều khả năng chính thiền sư Chân Nguyên là người đầu tiên đã biên soạn lại hay nói như người xưa là "dọn" lại văn bản Nôm thời Trần và cho khắc in cùng với bài kể hạnh của mình lấy nhan đề sách là Thiền tông bản hạnh để lưu truyền lại. Sở dĩ nói là "dọn" lại hay biên soạn lại văn bản chữ Nôm thời Trần vì cả 2 văn bản hiện còn đều không phải là chữ Nôm thời Trần mà chỉ còn lưu lại dấu vết của văn Nôm và chữ Nôm thời Trần mà thôi. Bản in càng sớm thì dấu vết chữ Nôm thời Trần còn càng nhiều và ngược lại, bởi vậy mà chữ Nôm trong 2 bản khắc in đều mang những đặc điểm của chữ Nôm ở thời điểm khắc in văn bản.” [tr.26-27]. [2] Ngoài ra, QATT còn dùng tự dạng khác, để ghi một biến thể ngữ âm khác. (ba巴+ l¹i賴), âm tái lập: *blai5. . Như vậy ta có hai biến thể ngữ âm cùng tồn tại trong một văn bản là: *blai5/ *klai5> trái (cây trái). An Nam dịch ngữ ghi: 菓園:文拜quả viên: vườn trái, âm tái lập là *blai5. Từ điển Việt Bồ La tuy không có mục từ trái trỏ hoa quả, nhưng có ghi nhận từ đồng âm trái (với nghĩa phía trái, mặt trái), như: tlái áo, tay tlái, tlái mlẽ, nói tlái, tlái mặt thuốc, lúa tlái. [A. de Rhodes 1651, tb 1994: 230]. Xuất hiện tại các vị trí: co que thay bấy ruột ốc, khúc khuỷu làm chi *blai5 hòe (Trần tình 44.4).

Tuesday 19 June 2012

Suy nghĩ về dịch thuật (Cao Xuân Hạo)

Năm 2004 có mấy cuộc hội nghị về dịch thuật tập hợp những chuyên gia có uy tín trong ngành này, phần lớn đều lấy ba tiêu chuẩn TÍN, ĐẠT, NHà làm căn cứ để thảo luận, trao đổi. Hình như phần lớn đều chỉ băn khoăn về chữ NHà – một nỗi băn khoăn mà chúng tôi nghĩ là hoàn toàn chính đáng, vì chữ NHà hình như chỉ thích hợp với một văn phong nhất định, và khó lòng có thể nói rằng “phàm là một bản dịch thì nhất thiết phải có cái văn phong được gọi là “NHÔ. Nếu nguyên bản không “nhã”, mà lại gồ ghề thô lỗ, thì bản dịch “nhã” chắc chắn là sẽ không thực hiện được chữ “tín”, và sẽ nảy sinh một mâu thuẫn đối kháng ngay trong nội bộ của tiêu chuẩn được đề ra.
Nhưng như thế vẫn chưa hết. Ngay cả chữ ĐẠT cũng có một nội dung rất khó hiểu, khiến ta phải tìm xem những người lấy chữ ĐẠT làm tiêu chuẩn, họ hiểu chữ TÍN như thế nào. Nếu bản dịch hoàn toàn trung thành với nguyên bản (TÍN), nhưng lại rất dở, trong khi nguyên bản là một kiệt tác của văn học thế giới, thì lẽ nào có thể nói rằng đó là một bản dịch trung thành? Người đọc bình thường chắc hẳn phải nẩy ra cái ý nghi ngờ rằng người đặt ra tiêu chuẩn quan niệm chữ TÍN theo cái nghĩa là”sát từng chữ”. Nhưng bất cứ người nào đã học qua một ngoại ngữ, dù chỉ trong buổi học đầu tiên, cũng đã thấy ngay rằng dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn [i.
Dĩ nhiên mỗi người có thể có một hay nhiều bí quyết riêng để dịch cho đúng và cho hay theo thẩm năng của họ… Và quan trọng hơn nữa là mỗi người có thể tự cho mình những cái quyền riêng trong cách hiểu, đánh giá và xử lý một văn bản mà mình chọn. Chúng tôi có biết một dịch giả nổi tiếng, có mấy mươi bản dịch được xuất bản nhiều lần, đánh giá một nhà văn như Lev Tolstoy là “chưa biết viết văn” và tự ban cho mình cái quyền bỏ từng đoạn dài mấy chục trang của tác giả, đồng thời tự cho mình cái quyền không hiểu tác giả muốn nói gì trong hàng trăm trang khác!
Trong bài này chúng tôi muốn tự bó hẹp trong phạm vi phiên dịch (translation) hiểu theo nghĩa hẹp, gạt ra ngoài mọi công trình sáng tạo, dù vĩ đại đến đâu. Vì vậy trước hết chúng tôi cố tìm một cách định nghĩa có cơ may được nhiều người thừa nhận nhất. Đó là cách định nghĩa của M. Fyodorov (1950): “Dịch là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ này (nguồn) sang một ngôn ngữ khác (đích) một cách trung thành trong chừng mực có thể, cả về nội dung lẫn về hình thức.” Vậy, xét về lý tưởng, sự thay đổi duy nhất mà người dịch có quyền thực hiện là ngôn ngữ, là thứ tiếng mà nguyên bản dùng để biểu đạt những ý nghĩa mà mình muốn biểu đạt, và nhiệm vụ của anh ta chính là dùng một thứ tiếng khác để truyền đạt tất cả những cái gì đã được truyển đạt bằng thứ tiếng kia.
Vậy “những cái đã được truyền đạt” mà người dịch có bổn phận truyền đạt lại một cách trung thành ấy (chữ TÍN, và chỉ một chữ TÍN mà thôi!), là những cái gì? Và người dịch phải có những cách thức nào, phải thực hiện những thao tác nào để làm tròn cái bổn phận ấy? Dĩ nhiên, trả lời câu hỏi này không đơn giản chút nào, vì ngôn ngữ là một thực thể hết sức đa diện, khó lòng có thể phân tích thành một số khía cạnh hữu hạn. Sau đây chúng tôi chỉ mong kể ra những bình diện cơ bản nhất của một văn bản thông thường có thể làm đối tương cho công việc phiên dịch.
1. Thể loại
Một văn bản, dù muốn dù không, cũng phải thuộc một thể loại nhất định, và “tính thể loại” chính là cái mà người dịch phải truyền đạt trước tiên. Tôi đã từng đọc một chồng bản dịch chuyện cổ tích trong đó người dịch truyền đạt những nguyên bản dài từ 2 đến 12 trang thành những thiên tiểu thuyết dài từ 200 đến 500 trang, và rất tự hào vì đã chuyển được những chuyện cổ tích sơ sài buồn tẻ thành những pho tiểu thuyết ly kỳ hấp dẫn đầy những chi tiết tinh vi và những đoạn đối thoại sắc sảo cho thấy một vốn hiểu biết sâu rộng về tâm lý người đời, mà vẫn giữ được y nguyên cốt chuyện của nguyên bản. Dịch giả từ biệt tôi với một nỗi tuyệt vọng khôn xiết không phải đối với mấy ngàn trang tiểu thuyết của mình, mà đối với sự kém cỏi của tôi, người đã không đủ sức hiểu cái giá trị tuyệt vời của cái công trình mà ông đã bỏ ra bấy nhiêu công sức để thực hiện. Ba mươi năm sau, khi chúng tôi gặp lại, vẫn chưa có một nhà xuất bản nào đủ sáng suốt để công bố bộ sách của ông. Ai cũng trả lời ấp úng một câu vô nghĩa: “Hay thì hay tuyệt, nhưng… nó thế nào ấy, không thích hợp lắm”. Tôi trộm nghĩ: cái không thích hợp ở đây chính là tính thể loại.
2. Chuyển thể
Tôi không hề phản đối việc chuyển thể – như đưa lên sân khấu (kịch nói, kịch thơ, tuồng, chèo, cải lương) hay màn ảnh, chuyển tiểu thuyết văn xuôi thành trường ca có vần điệu, chuyển truyện ngắn thành ngụ ngôn, chuyển chuyện cổ tích thành vè hay thành vũ kịch v.v., v.v. Có những tác phẩm được chuyển thể thành công, có tác phẩm được chuyển thể không thành công bằng. Tất cả đều lệ thuộc vào tài năng và công sức của người thực hiện việc chuyển thể. Dù sao thì nhìn chung, qua việc chuyển thể khó lòng tránh khỏi tình trạng mất mát một cái gì đó trong nguyên tác, tuy không phải không có những trường hợp lệ ngoại quý giá, trong đó kết quả của chuyển thể vượt hẳn nguyên tác về giá trị nghệ thuật. Những thí dụ về trường hợp này, có lẽ bất kỳ bạn đọc nào cũng có thể tìm ra một cách dễ dàng. Xin nhắc lại một lần nữa là chúng tôi đang nói đến dịch thuật hiểu theo nghĩa hẹp, cho nên không dám có tham vọng mở rộng phạm vi luận bàn sang những ngành lân cận.
3. Phóng tác
Rất gần gũi với chuyển thể công việc phóng tác, khi một người cầm bút thấy cần sửa đổi nguyên tác ít nhiều để cho tác phẩm thích hợp hơn với một đối tượng nhất định, thường hẹp hơn cái đối tượng mà tác giả hướng tới. Thường thường đó là đối tượng thiếu nhi. Làm việc này thường là một người lấy làm tiếc rằng một tác phẩm hay nào đó có phần không thích hợp với một công chúng lẽ ra có thể hiểu và thưởng thức nó nếu có ai căn cứ vào những đặc thù của lớp người mình đang muốn phục vụ mà cải biên lại chút ít, sao cho nó khớp với công chúng của mình. Nguyện vọng này hoàn toàn chính đáng, có thể thực hiện được và hơn nữa cũng rất cần thiết đối với những người còn phải chờ đợi một sự trưởng thành về trí tuệ mới có thể tiếp cận được một tác phẩm. Cũng xin nói rõ rằng công việc này chỉ có thể làm được với những tác phẩm văn học mà thôi, chứ đối với những tác phẩm nghệ thuật khác thì không ai nẩy ra cái ý phóng tác một bức tranh, một vở kịch câm hay một vũ kịch để cho nó thích hợp hơn với bất kỳ đối tượng nào. Vì một lẽ giản đơn: việc đó không thể nào làm được.
Còn như một loại tác phẩm quan trọng đối với mọi dân tộc như những bài hát ru con (thường là trích mượn từ những bài ca dao) thì công chúng chủ yếu của nó lại chính là “những người chưa đủ trưởng thành về trí tuệ”, nhưng lại không thể phóng tác được, phải hát đúng từng chữ khi ru con, với niềm hy vọng là nó sẽ được ghi lại trong ký ức thành những kỷ niệm không bao giờ phai mờ để sau này nhớ lại, con người trưởng thành sẽ coi nó như một truyền thống vĩnh hằng thiêng liêng nhất, quý giá nhất của dân tộc [ii.
Sau khi đã nói rõ nội dung của những công việc có phần gần gũi với dịch thuật, khi bạn đọc đã có thể có được một khái niệm tương đối rõ ràng về những ranh giới khu biệt giữa dịch thuật với những công việc ấy, chúng tôi xin trình bày công việc dịch thuật như một quá trình gồm có mấy công đoạn tách biệt. Đó là một cách trình bày có tính ước định, chẳng qua để cụ thể hoá những chi tiết nhiều khi khó xác định của cái công việc không lấy gì làm đơn giản này
4. Những công đoạn của việc dịch thuật
Các tác giả của những giáo trình được đem giảng tại các khoa và bộ môn ngôn ngữ học mà chương trình có bao gồm nội dung Dịch thuật thường trình bày công việc của ngành khoa học này dưới dạng một quá trình có bốn công đoạn sau đây:
(1) Phân tích nguyên bản trong ngôn ngữ nguồn (Source Language) để “hiểu” thật rõ tác giả “muốn nói” gì.
(2) Xoá cách ngôn từ hoá của nguyên bản (Deverbalisation of the text)
(3) Phân tích những đặc trưng trong nội dung và hình thức của nguyên bản (qua một siêu ngôn ngữ ước định)
(4) Tái ngôn từ hoá bằng ngôn ngữ đích để có được một văn bản tương đương với nguyên bản (Reverbalisation in the Target Language so that the text obtained would be equivalent to that written in the Source Language).
Dĩ nhiên, cách phân ra thành công đoạn như trên không nhất thiết phải là một quá trình gồm những giai đoạn lần lượt kế tiếp nhau theo trật tự thời gian. Mỗi người dịch có thể làm việc theo một phương thức khác nhau, kể cả những phương thức hoàn toàn mặc ẩn (implicite), thậm chí vô thức (unconscious). Nhưng, cũng như khi nói về quá trình thụ đắc (acquisition) vốn tri thức của người bản ngữ về tiếng mẹ đẻ của mình, muốn dạy cách phiên dịch không thể có cách gì ngoài cách hiển ngôn hoá (explicitating), nghĩa là nói ra thành lời một cách tỏ tường để người học nhận thức được từng chi tiết, từng giai đoạn của quá trình thụ đắc vốn tri thức cần thiết. Ta hãy xét kỹ từng công đoạn trong quá trình làm việc của người phiên dịch có tri thức hiển ngôn về quá trình này.
(1), (2) Hiểu và phi ngôn từ hoá nguyên bản (xóa hết những từ ngữ của nguyên bản)
Câu hỏi tất nhiên phải nảy sinh trong tâm trí người đọc trước hết là: tại sao lại phải xóa những từ ngữ của nguyên bản, và sau khi làm như vậy, thì trong trí nhớ của người phiên dịch phỏng còn sót lại được những gì?
Người có kinh nghiệm và kỹ năng dịch thuật [iiisẽ đáp:
- Không ai có thể nhớ hết từ ngữ trong một lời phát biểu ở hội nghị, nếu dịch miệng. Người dịch chỉ nhớ cái nghĩa của lời phát biểu. Người dịch viết có kinh nghiệm cũng biết rằng khi hiểu một câu văn, người dịch phải quên cách biểu đạt câu ấy bằng những từ ngữ gì. Sự quên lãng này sẽ càng ngày càng trở nên tự nhiên, thậm chí tự phát. Trong tâm trí người nghe (người đọc), những từ ngữ của nguyên bản lập tức bị quên đi để nhường chỗ cái ý mà tác giả muốn truyền đạt. Có thế người nghe (người đọc) mới hiểu được cái ý ấy.
- Vậy cái ý ấy cụ thể là cái gì, khi đã quên hết cách diễn đạt nó bằng những từ ngữ vốn làm thành cái bệ đỡ vật chất của nó?
- Cái ý ấy thường được giữ lại trong ý thức của người nghe (hay người đọc) dưới dạng nhữnghình ảnh về những gì đã được thuật lại bằng lời. Những hình ảnh này có thể tĩnh (tư thế, dáng vẻ) hay động (động tác hay sự thay đổi tư thế, hình dáng). Ngoài ra, những hình ảnh này lại phải được đặt trên bối cảnh của những hình ảnh đã có trong văn cảnh trước đó, rồi lại được cắt nghĩa bằng những tri thức phổ thông (ngoài ngôn ngữ học) của người nghe hay người đọc.
Những người nghe dịch miệng trong hội nghị thường kinh ngạc trước cái trí nhớ “kỳ dị” của người phiên dịch chính là vì cứ tưởng anh ta nhớ hết các từ ngữ, trong khi thật ra anh ta chỉ nhớ cái nghĩa, cái ý mà người kia muốn nói ra thôi. Người dịch viết cũng không hề làm khác, nếu anh ta đã thực sự hiểu tác giả muốn nói gì. Ở đây chỉ cần lưu ý một chút nữa để thấy cần phân biệt mấy chữ muốn nói gì với những câu hỏi về nguyên do (tại sao mà nói thế?) về động cơ (nói thế để làm gì?).
Nói tóm lại, phi ngôn từ hoá nguyên bản không hề gây trở ngại cho người dịch mà chính là tạo một điều kiện không thể thiếu để họ có thể dùng nội quan (introspection) soi sáng tâm trí mình để thoát ra ngoài những từ ngữ có thể gây nên những tạp âm (noise – hiểu theo nghĩa của lý thuyết thông tin) có hại cho hoạt động “hiểu” (comprehension) của tâm trí nếu người nghe không quên ngay đi để chỉ tập trung vào việc hiểu cho đúng tác giả muốn nói gì, muốn mình hình dung được những hình ảnh nào.
(3) Công việc tìm hiểu cái nghĩa, cái ý mà tác giả muốn nói sẽ được nhận thức một cách minh xác hơn nữa khi ta phân tích một cách hiển ngôn, bằng siêu ngôn ngữ của ngôn ngữ học và của ngữ dụng học (nhất là trong những hành động ngôn từ (speech acts) của tác giả và của các nhân vật, trong đó có những câu được gọi là câu ngôn hành – performative sentences) 
Những bình diện của lời nói và của văn bản đều được quan tâm phân tích đến mức chi ly, để không bỏ sót bất kỳ một chi tiết nào.
Tuy nhiên không nên nghĩ rằng hiểu một văn bản là một quá trình làm việc công phu đòi hỏi một thời gian dài. Công việc kiểm tra và phê bình, đánh giá mới đòi hỏi như vậy, còn việc người nghe (hay người dịch) hiểu cái nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt bất chấp những lỗ hổng, những sự tỉnh lược, những chỗ không nói hết trong ngôn từ thường chỉ cần một khoảnh khắc, một nháy mắt cũng có thể được bù đắp ngay trong ý thức của người nghe (hay người dịch).
Sau đây là những nội dung ý nghĩa chứa đựng trong nguyên bản không bao giờ được truyền đạt bằng ngôn từ mà người nghe hay người dịch vẫn phục hồi được và hiểu ngay lập tức khi tiếp xúc với văn bản:
1. Tiền giả định (presupposition) . Khi gặp một người quen hỏi thăm mình bằng câu “Anh đã khoẻ chưa?”, người nghe (hay người dịch) biết ngay rằng người ấy có nghe ai đó nói rằng trước đó mình có bị bệnh. Nếu cái tiển giả định ấy đúng, anh ta có thể trả lời là “Khoẻ rồi” hay “Chưa khoẻ“. Nhưng nếu cái tiền giả định ấy sai (tức trước đó anh ta không hề đau ốm gì), thì dù có trả lời thế nào cũng không ổn, vì cũng vô hình trung thừa nhận một tiền giả định hoàn toàn sai. 
2. Hàm nghĩa từ vựng (lexical implication) . Khi một nhân vật trong nguyên bản nói “Nó sắp cưới vợ mới“, người nghe (và người dịch) biết ngay rằng nó là một người đàn ông trưởng thành từng có một đời vợ, mặc dầu trong câu không có một từ nào nói rõ giới tính của nó (dĩ nhiên có thể là một đứa con gái) và tình trạng hôn nhân trước đó của . Tuy vậy người nghe (và người dịch) suy diễn được ngay những điều này từ những từ khác có mặt trong câu như cưới vợ và mới
3. Hàm ngôn hội thoại (conversational implicature) . Ta thấy có một hàm ngôn hội thoại khi người nghe (hay người dịch) có thể căn cứ vào một ý trong cuộc hội thoại mà suy ra một ý khác không nói ra nhưng vẫn có mặt trong ý thức người nghe (hay người dịch). Chẳng hạn khi nghe ai nói “Hôm nay nó không say“, người nghe hiểu ngay là có những hôm khác nó say. 
Nói chung, ta thấy rằng một nguyên bản bất kỳ không nhất thiết phải nói hết nội dung của nó ra bằng từ ngữ, vì có những ý có thể được người nghe suy ra một cách dễ dàng ngay từ sự vắng mặt của những từ ngữ ấy.
Về những Đơn vị Ý nghĩa
Khi nghe một lời phát biểu ở hội nghị cũng như khi đọc một câu văn cần dịch, người nghe hay người đọc đang muốn dịch câu ấy thường bất giác chia câu ấy ra thành từng “cụm từ ” để lần lượt hiểu cho được những gì vừa nghe hay vừa đọc xong. Những “cụm từ” này không trùng với những đơn vị cấu trúc mà nhà ngôn ngữ học dùng những thủ pháp phân tích nghiêm ngặt để tách ra khỏi ngữ lưu (những ngữ đoạn, những từ đơn, những từ ghép, những thành ngữ, v.v.). Lederer gọi đó là những Đơn vị Ý nghĩa (Unités de sens).
Người nghe hay người dịch lần lượt hiểu và quên ngay những từ ngữ vừa nghe hay vừa đọc được không phải theo một kỹ năng khoa học, có cơ sở lý luận, mà theo bản năng, trong quá trình nghe hay đọc, hễ hiểu ra được khúc nào là ghi nhận ý nghĩa (và quên ngay từ ngữ) của khúc ấy.
Những đơn vị ý nghĩa này nối tiếp theo nhau (và có những chỗ chồng chéo lên nhau) trong tâm trí người nghe để cuối cùng làm thành cái ý nghĩa chung của câu văn và đoạn văn, rồi hội nhập vào những đơn vị rộng lớn hơn nữa,, những ý nghĩa mạch lạc hơn, và biến thành những kỷ niệm, những tri thức phi ngôn từ hoá trong tâm trí người nghe hay người dịch.
Kích thước của những đơn vị ý nghĩa có thể ở mỗi người một khác. Có người phải chờ cho hết một đoạn dài mới tổng kết được ý nghĩa của nó; có người chỉ cần nghe một hai chữ đầu đã hiểu cả đoạn.
(4) Tái ngôn từ hóa
Công đoạn cuối cùng của việc dịch thuật, – và cũng chính là mục đích tột cùng của nó – là việc tái ngôn từ hoá những gì người đọc đã hiểu được khi đọc nguyên bản, tức những ý và nghĩamà tác giả muốn truyền đạt bằng cách sử dụng ngôn ngữ đích – thứ tiếng mà người dịch chọn làm phương tiện biểu đạt cho bản dịch của mình..
Như đã nói trên kia, một bản dịch xứng đáng với danh từ này phải có giá trị tương đương (equivalent) với nguyên bản về mọi phương diện, nội dung cũng như hình thức. Vậy muốn bản dịch có giá trị tương đương này, người dịch phải làm những gì?
Tính tương đương của một bản dịch so với nguyên bản có thể phân tích thành hai bình diện: bình diện nhận thức (équivalence cognitive) và bình diện xúc cảm (équivalence affective)
1. Tính tương đương về nhận thức
Tính tương đương trên bình diện nhận thức là kết quả của việc sử dụng những yếu tố phụ trợ về khái niệm mà người dịch đưa vào bản dịch để bổ sung cho ngữ nghĩa của nguyên bản. Việc bổ sung này là cho bản dịch khác với nguyên bản về hình thức. Mức độ khác nhau giữa nguyên bản và bản dịch tùy thuộc vào sự khác nhau về loại hình giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích.
Cái khoảng cách này càng nhỏ thì càng có nhiều sự tương ứng (correspondences) về hình thức biểu đạt. Vì vậy giữa hai thứ tiếng cùng loại hình như tiếng Hán và tiếng Việt, đều là ngôn ngữ đơn lập (isolating) và phân tích tính (analytic) đến triệt để, đều không dùng đến hình thái học[iv, chỉ còn khác nhau ở trật tự từ ngữ trong ngữ danh từ (phụ trước chính sau), trong khi ngữ vị từ thì vẫn theo trật tự chính trước phụ sau, có thể tìm thấy khá nhiểu sự tương ứng về ngữ pháp và từ vựng trong cách biểu đạt. Huống chi trong tiếng Việt có đến từ 70% đến 80% từ ngữ gốc Hán, trong đó có những ngữ đoạn có cấu trúc chặt và thường có chức năng định danh, gọi là “từ Hán-Việt” [v.
Còn giữa tiếng Việt và các thứ tiếng châu Âu, vốn thuộc loại hình khuất chiết hay biến hình (inflectional) và tính tổng hợp (synthetic) rất cao, cái khoảng cách ấy rất lớn, cho nên ít khi có thể tìm thấy những sự tương ứng, nhất là những sự tương ứng một đối một, giữa hai bên. Trong việc dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, công đoạn phi ngôn từ hoá lại càng quan trọng và cần thiết. Khi đã hiểu được cái ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt, thà xoá hết những từ ngữ của nguyên bản tiếng Âu châu còn hơn mãi loay hoay với những từ ngữ ấy mà sao lãng việc tìm cho ra cách biểu đạt cho thật đúng và thật hay những ý nghĩ và hình tượng mà tác giả muốn truyền đạt.
Tôi còn nhớ mãi một câu văn trong sách “kinh điển” do một nhà xuất bản lớn của Thủ đô ấn hành vào những năm 50 của thế kỷ vừa qua:
Cứ cái đà này, những con người rồi sẽ đến nước phải gặm cỏ nội như những con cừu cái.
Trong nguyên bản tiếng Pháp (xuất xứ của bản dịch vừa dẫn), ta thấy:
De ce train-là, les hommes en viendront à brouter l’herbe des prés comme les brebis.
Tôi hoàn toàn thông cảm với dịch giả trong sự nỗ lực dịch thật sát nguyên bản sách kinh điển, vốn được coi là một thứ thần văn mà nếu dịch sai dù chỉ một chữ hay một cái dấu chấm câu cũng có thể đề lại cho hậu thế những hậu quả khôn lường. Nếu dịch giả không dịch như thế, thì ban biên tập chắc chắn sẽ sửa lại cho đúng như thế.
Nhưng đứng trên quan điểm của nghề dịch thuật, không thể không nói ra những nhận xét sau đây:
(a). dịch giả dịch sát những từ ngữ, chứ không truyền đạt cái ý mà tác giả muốn nói;
(b). dịch giả không biết tiếng Việt chuẩn khác tiếng Pháp như thế nào. Chẳng hạn, les hommeskhông tương ứng với những con người, mà với con người hay người ta; khi nói về động vật, tiếng Việt không có nhu cầu phải nói rõ số và giống như tiếng Pháp, cho nên viết ăn cỏ như cừu là đủ và đúng. Vả lại chẳng lẽ chỉ có cừu cái mới ăn cỏ, còn cừu đực thì không?
Dù câu dẫn trên đây có là một câu thần chú, trong đó mỗi chữ đều linh thiêng và có giá trị sinh tử đối với người khấn nguyện, thì cách dịch như thế vẫn là sai vì dùng ngôn ngữ đích không đúng chuẩn và do đó không tương đương với nguyên bản, ít nhất là về phương diện ngữ pháp và phong cách, vì có quá nhiều nét thừa dư (redundancies) nếu lấy nguyên bản tiếng Pháp làm chuẩn để so sánh.
Giáo sư phật học Minh Chi nhiều lần than phiền rằng những bản dịch kinh Phật đọc lên không ai hiểu được chút gì, nhưng ông đã đề nghị dịch lại mấy lần mà Giáo hội không chịu, vì Kinh Phật “chỉ cần tụng niệm chứ không cần hiểu”.
2. Tính tương đương về xúc cảm
Không thể có một lý thuyết chung để xác định mức độ tương đương về tính xúc cảm giữa một bản dịch với nguyên bản, vì trên bình diện này sự khác nhau giữa các ngôn ngữ có thể nói là muôn hình vạn trạng. Mỗi ngôn ngữ có một cách riêng để kết hợp hai bình diện nhận thức và xúc cảm trong những thủ pháp thường gọi là tu từ học, hay phong cách học, hay hùng biện (rhetorics). Bình diện xúc cảm cũng có mặt trong cách dùng những thành ngữ, những tục ngữ, những lối nói mà truyền thống lâu đời của văn học dân gian đã nhuộm những màu sắc xúc cảm không mấy khi có thể phân tích và xác định bằng những thuật ngữ khoa học.
Tính tương đương về hai bình diện xúc cảm và nhận thức thường quyện vào nhau một cách hết sức nhuần nhuyễn trên khắp các cấp độ khác nhau của hệ tôn ti giữa các đơn vị ngôn ngữ.
Sau đây là cách trình bày của Werner Koller (1992) về những chuẩn tắc của tính tương đương trong dịch thuật:
* bản dịch phải chuyển đạt đủ những thông tin của nguyên bản về hiện thực ở bên ngoài ngôn ngữ (denotative Äquivalence)
* nó phải tôn trọng phong cách của nguyên bản: âm vực của ngôn ngữ, biệt ngữ xã hội và địa phương của nguyên bản (konnotative Äquivalence)
* nó phải phù hợp với thể loại chuẩn của nguyên bản (textnormative Äquivalence)
* nó phải được thích nghi với vốn tri thức của độc giả để cho độc giả hiểu được. Đó là một sự tương đương về dụng pháp (pragmatische Äquivalence)
* cuối cùng, bản dịch phải tạo ra được một hiệu quả thẩm mỹ tương đương với nguyên bản (formal-ästhetische Äquivalence).
Ta có thể tin chắc rằng những chuẩn tắc trên đây của W. Koller đề ra phải được tính đến, một cách có ý thức hay chỉ trong mẫn cảm trực giác, khi đánh giá một bản dịch. Tất nhiên, những chuẩn tắc này không phải là một phương pháp dịch thuật có thể dùng để soạn sách giáo khoa đào tạo những người phiên dịch. Nhưng nó có thể cho phép người ta kiểm nghiệm lại xem thử một bản dịch nào đấy có thiếu sót điểm nào trong việc đi tìm sự tương đồng hay không.
Ngay trong cách trình bày những chuẩn tắc của mình về tính tương đồng của bản dịch so với nguyên bản, W. Koller không tránh khỏi việc so sánh giữa từ ngữ của bản dịch với từ ngữ của nguyên bản. Điều này có phần mâu thuẫn với nguyên lý chung của ngành dịch thuật: dịch không phải là thay thế những từ ngữ của nguyên bản bằng những từ ngữ của một thứ tiếng khác, mà hiểu lấy ý nghĩa của nguyên tác bằng cách xoá sạch từ ngữ của nó đi để tạo nên một ý nghĩa tương đương bằng những từ ngữ của một thứ tiếng khác.
Nhưng kiểm tra và đánh giá một bản dịch lại là một công việc khác.
*
Những dòng trên đây của chúng tôi không có tham vọng gì hơn là phác thảo một vài nguyên lý cơ bản của công việc dịch thuật xét về lý thuyết, chủ yếu dựa trên một cuốn sách tương đối mới (so với thuyết TÍN-ĐẠT-NHÃ của hai thế kỷ trước). Chúng tôi biết rằng bài này chưa đáp ứng được bao nhiêu những nhu cầu lý thuyết và thực tiễn của các bạn đồng nghiệp. Tôi chỉ mong sao những người có chú ý đến dịch thuật và có trách nhiệm trong ngành xuất bản quan tâm ít nhiều đến việc cho dịch và xuất bản một vài công trình có thể giúp cho những người làm việc trong ngành này có tài liệu để trau dồi tri thức về nghề nghiệp.
Cao Xuân Hạo (dịch giả, nhà ngôn ngữ học) 
[iTrong số những chuyên gia nổi tiếng về phiên dịch có PGS. Phan Ngọc đã hàng trăm lần căn dặn các môn đệ rằng “muốn đổi gì thì đổi, chứ trật tự từ ngữ thì nhất thiết phải giữ y nguyên”. 
[iiMột điều đáng tiếc là những bài ca dao thường dùng khi ru con rất ít được học trong các giáo trình tiếng Việt, vì nó rất khác tiếng Tây, và do đó “chẳng có giá trị gì về ngữ pháp”.(ngay sách giáo khoa dạy tiếng cũng rất ít khi dẫn ca dao, vì câu ca dao tường cải chính một cách hùng hồn những quy tắc ngữ pháp tiếng Tây mà sách giáo khoa đem dạy cho người Việt). 
[iiiNhững tài liệu chủ yếu mà chúng tôi sử dụng trong bài này gồm có những đầu đề sau đây: Lederer M. La traduction aujourd’huiLe modèle interprétatif. Hachette 1994; Seleskovich D. Traduire, de l’expérience au concept. Études de Linguistique Appliquée 24. Didier 1986. Sperber D. & Wilson D. Relevance, Communication and Cognition.Blackwell 1986. Sartre J. P. Qu’est-que la littérature. Gallimard 1985. Steiner G. After Babel.Aspects of Language and Translation. Oxford U.P. 1978; Delisle J. L’analyse du discours comme méthode de traduction. P.U.Ottawa 1984; Koller, W.Einführung in die Übersetzungwissenschaft. Heidelberg. 1992. 
[ivĐây là nói đến tiếng Hán”cổ điển” (thời Đường–Tống), vì tiếng Hán hiện đại đã có những yếu tố khá rõ của loại hình chắp dính (agglutinating languages) với sự xuất hiện hàng loạt của những phụ tố (affixes), do quá trình ngữ pháp hoá (grammaticalisation) của những “thực từ” vốn mang nghĩa từ vựng (lexical meaning) như danh từ (nouns) và vị từ (verbs), nay đã mất nghĩa từ vựng (“hư hoá”) mà chuyển thành những công cụ ngữ pháp (những phụ tố như tử, nhi, nhĩ, tố, đích, v,v,).
[vDanh ngữ này, thường được coi như một vế đối lập với “từ thuần Việt”, đã gây nên nhiều sự ngộ nhận không đáng có.. Có nhiều người tưởng rằng “từ Hán-Việt” là những từ ngữ được “vay mượn” từ nước ngoài rồi đem du nhập vào tiếng Việt, cũng giống như những từ ngữ tiếng Pháp, tiếng Anh hay Quảng Đông, Phúc Kiến, Nhật Bản, Hàn Quốc, đổng thời tưởng rằng từ “thuần Việt” là những từ gốc Việt có từ thời khai thiên lập địa. Thật ra từ “thuần Việt” hầu hết là những từ gốc Thái, gốc Mường hay gốc Môn-Khmer. Trong khi đó thì từ Hán-Việt là một trong những cội nguồn quan trọng và cổ xưa nhất của tiếng Việt, nằm trong lớp hạ tầng của tiếng “thuần Việt”, chứ tuyệt nhên không phải là những từ mới vay mượn từ tiếng nước ngoài.
Nguồn: Báo điện-tử VietNamNet, năm 2006 tháng 01 ngày 18.