Tuesday 11 September 2012

Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: những từ đã đi vào quá khứ (Nguyễn Ngọc Chính)

Nguồn: http://nguyenngocchinh.multiply.com/journal/item/97/97



Ngôn ngữ là phương tiện trao đổi ý tưởng – suy nghĩ trong cuộc sống hàng ngày nên cũng phải thay đổi theo cách sống và lối sống của từng thời kỳ. Sự kiện tháng 4/1975 là một cột mốc thay đổi lớn nhất trong đời sống văn hóa, chính trị và xã hội của người miền Nam, kéo theo sự mai một của một số từ ngữ vốn đã dùng quen hàng ngày.

Thay đổi sâu rộng nhất là cả một hệ thống chính trị tại miền Nam cho nên những từ ngữ có liên quan đến ý thức hệ cũ dần dần đã đi vào quá khứ. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Bài viết này có mục đích ghi lại những từ ngữ đã một thời phổ biến trong xã hội miền Nam để những thế hệ kế tiếp có thể hiểu được những gì cha ông đã thường nói trong cuộc sống hàng ngày.

Chiêu hồi là một trong những từ ngữ của Sài Gòn xưa và sẽ dần dần đi vào quên lãng. Đây là một chương trình do chính phủ Việt Nam Cộng hòa đề ra để khuyến khích các thành phần vũ trang của Mặt trận Giải phóng miềnNam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa buông súng quay về với phe chính phủ. Vận động tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức: truyền đơn thả từ máy bay hoặc qua những chương trình phát thanh và đài phát thanh [1].

Giấy thông hành

Chính phủ VNCH cho in và phổ biến Giấy thông hành nhằm mục đích giúp các cán binh, du kích trở về với quốc gia. Phần trên của Giấy thông hành có cờ VNCH và cờ của các quốc gia tham chiến gồm Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, Thái Lan, Đại Hàn, Tân Tây Lan và Phi Luật Tân. Giấy thông hành được viết bằng 4 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đại Hàn và tiếng Thái. Phần dưới có nội dung như sau:

“MANG TẤM GIẤY THÔNG HÀNH nầy về cộng tác với Chánh Phủ Quốc Gia các bạn sẽ được:
  • Đón tiếp tử tế
  • Bảo đảm an ninh
  • Đãi ngộ tương xứng
(Ký tên)
Nguyễn Văn Thiệu
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa

Bản nhạc Ngày Về của Hoàng Giác được dùng làm nhạc hiệu cho các chương trình phát thanh Chiêu hồi (Nghe Ngày Về qua giọng ca của Anh Ngọc trên http://www.youtube.com/watch?v=rNKpu3IEW2c):

"Tung cánh chim tìm về tổ ấm
nơi sống bao ngày giờ đằm thắm
nhớ phút chia ly, ngại ngùng bước chân đi
luyến tiếc bao ngày xanh…”

Điều khá lý thú là Hoàng Giác (sinh năm 1924) vốn là nhạc sĩ theo kháng chiến chống Pháp và đã từng là đội viên tuyên truyền trong chiến khu Việt Bắc. Năm 1947, Hoàng Giác viết Ngày về, theo ông, đó là ca khúc ưng ý nhất. Năm 1948 Hoàng Giác “dinh tê” trở về Hà Nội, hoạt động nghệ thuật như một nhạc sĩ và cũng là một ca sĩ được Hà thành hâm mộ.

Cũng giống như một số nhạc sĩ cùng thời, Hoàng Giác sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 20 ca khúc, trong số đó có những bài hát nổi tiếng, vượt thời gian như Mơ hoaNgày vềHương lúa đồng quê. Ông hiện sống ở Hà Nội và có người con trai là nhà thơ khá nổi tiếng Hoàng Nhuận Cầm.

Báo Công an Nhân dân trong bài viết “Nhạc sĩ Hoàng Giác: Mãi giấc mơ hoa” có đoạn đề cập đến bản nhạc Ngày về: “Sau khi được một số ca sĩ hát ở ngoài Bắc, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, rất ngẫu nhiên, giai điệu của "Ngày về" được chính phủ Việt Nam Cộng hòa chọn làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu hồi. Vì tình huống nhạy cảm này mà mãi đến sau 1975, bài "Ngày về" mới được hát trở lại ở ngoài Bắc với nhiều giọng ca nổi tiếng như tài tử Ngọc Bảo, Cao Minh, Lê Dung, Ngọc Tân…”

Nhạc sĩ Hoàng Giác

Những cán binh trở về với Chính phủ VNCH được gọi là người hồi chánhhay hồi chánh viên. Trong số những người hồi chánh có ca sĩ Bùi Thiện và Đoàn Chính (con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn), nhà văn Xuân Vũ (tác giả hồi ký Đường Đi Không Đến  và Vượt Trường Sơn, đã qua đời tại Texas năm 2002), Trung Tá Lê Xuân Chuyên (bị tử hình vào ngày 30/4/1975), Trung tá Tám Hà, Trung tá Phan văn Xưởng, Trung tá Huỳnh Cự…

Hồi chánh viên (từ trái qua phải): Trung Tá Phạm Viết Dũng,
Trung đoàn phó Phạm Văn Xướng, Trung Tá Tám Hà

Chiêu hồi ngoài ý nghĩa chính trị còn được dùng như động từ để chiêu dụai đó, chẳng hạn như: “Hắn đã ‘chiêu hồi’ được một tay chọc trời khuấy nước về làm việc dưới trướng”. Gần đây, trênhttp://nguoivietblog.com/hagiang/?p=497, tác giả Tam Thanh có một bài viết với tiêu đề “Chiêu hồi” ngôn ngữ, bàn về cách dùng khác nhau và ý nghĩa đúng-sai của những từ ngữ xuất xứ từ miền Nam và miền Bắc.

Trần Trung Đạo trong bài “Mặc cảm chiêu hồi và khát vọng tự do” viết: “Tôi có mặc cảm rằng ra Hà Nội là đầu hàng, ra Hà Nội là chấp nhận chế độ, là một hình thức chiêu hồi. Tôi ở lại Việt Nam thêm 6 năm nhưng nhất định không đi thăm miền Bắc, dù có nhiều cơ hội…” (http://www.trantrungdao.com/?p=262).

Thuật ngữ “chém vè” cũng là một từ ngữ chính trị được sử dụng tại miềnNamChém vè nguyên thủy có ý nghĩa ẩn mình dưới nước hoặc những nơi lùm bụi rậm rạp gần bờ nước để trốn tránh. Theo một số người, “chém vè” xuất phát từ con ba ba (cua đinh) với hai càng rất khỏe còn gọi là . Hễ nghe tiếng động, hai  của nó chém mạnh rồi chui vào bùn để trốn.

Đối với chính quyền VNCH, thuật ngữ “chém vè” chỉ tình trạng các cán binh “giã từ vũ khí” để chuẩn bị “hồi chánh”. Xem ra, cũng chỉ một từ ngữ nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau tùy theo chính kiến. Đó cũng là điều dễ hiểu ở một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh về ý thức hệ.

Chuyện cười của Bác Ba Phi trong Rùa U Minh viết: “Hai bác cháu tui chạy một mạch qua tới Lung Bùn, chém vè cho tới chiều. Về chưa tới nhà thì thằng Ba Lùn chặn lại rủ vô nhà nhậu thịt rùa rang muối. Nó bảo là hồi trưa nó đốt giang sậy ven Lung Tràm, bắt được vài chục con rùa. Nghe nói mà tui tiếc hùi hụi. Hồi trưa thấy bầy rùa bò đó mà tưởng đâu xe lội nước [thiết vận xa M113, chú thích của NNC], bỏ chạy trốn. Thiệt tức!”. Chém vè ở đây chỉ thuần túy là ẩn núp.

Theo hồi ký “Chém vè giữa làng báo Sài Gòn” của nhà văn Nguyên Hùng [2], thuật ngữ “chém vè” trong trường hợp này chỉ việc những cán bộ Cộng sản, sau hiệp định Genève 1954, được đưa về Sài Gòn để “trường kỳ mai phục”, hoạt động trong lòng địch hay còn gọi là “nằm vùng”.

Nằm vùng” quả là một từ vừa gợi hình lại gợi ý. Đối với chính quyền VNCH, nằm vùng là một từ có ý miệt thị chỉ những người sinh sống tại miền Nam hoạt động bí mật cho Cộng sản, tương tự như cụm từ người ta thường nói: “Ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản”. Mãi đến sau năm 1975, những nhân vật nằm vùng mới dần dần lộ diện.

Theo cuốn Decent Interval của Frank Snepp, cựu chuyên viên thẩm vấn của CIA, có đến hàng chục ngàn cán bộ Cộng sản “nằm vùng” tại miền Nam trong cuộc chiến vừa qua. Họ có thể là một người lái taxi, đạp cyclo… hằng ngày vẫn theo đuổi công việc của mình nhưng sau 30/4/1975 họ lại là những cán bộ trong Ủy ban Quân quản giữ nhiệm vụ điều hành một thành phố Sài Gòn còn đang trong thời kỳ hỗn mang.

Ở một mức độ cao hơn, cán bộ “nằm vùng” nằm ngay trong guồng máy chính phủ Sài Gòn, nổi bật nhất là nhân vật tình báo bí ẩn Phạm Ngọc Thảo [3]. Điều bất ngờ là Thảo mang cấp bậc Đại tá của Quân lực VNCH tại miền Nam trong khi chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn không biết ông còn là Đại tá trong Quân đội Nhân dân ở miền Bắc.

Biết Phạm Ngọc Thảo từng là chỉ huy du kích Việt Minh, đầu năm 1961 Ngô Đình Nhu đã quyết định cử ông làm tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (tức Bến Tre) để trắc nghiệm Chương trình Bình định. Từ khi Phạm Ngọc Thảo nhậm chức, tình hình an ninh tại vùng này trở nên rất yên ổn, không còn bị phục kích hay phá hoại nữa. Tuy nhiên, do có nhiều tố cáo nghi ngờ ông là “cán bộ cộng sản nằm vùng”, ông thôi giữ chức Tỉnh trưởng và được cử sang Hoa Kỳ học một khóa về chỉ huy và tham mưu.

Tháng 9/1963 Bác sĩ Trần Kim Tuyến nguyên Giám đốc Sở Nghiên cứu chính trị (thực chất là cơ quan mật vụ) và Phạm Ngọc Thảo âm mưu một cuộc đảo chính. Phạm Ngọc Thảo đã kêu gọi được một số đơn vị như Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Biệt động quân, Bảo an... sẵn sàng tham gia. Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1/11/1963, Phạm Ngọc Thảo được lên chức đại tá, làm tùy viên báo chí trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng.

Sau đó, Phạm Ngọc Thảo phải rút vào hoạt động bí mật vì ngày càng nhiều nghi vấn ông là “Việt Cộng mằm vùng”. Phạm Ngọc Thảo bị chính quyền của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu kết án tử hình và treo giải 3 triệu đồng cho ai bắt được. Cuối cùng, Phạm Ngọc Thảo bị Cục an ninh quân đội (Số 4 Nguyễn Bỉnh Khiêm) bắt giữ và bị thủ tiêu ngày 17/7/1965 khi mới 43 tuổi. 

Những năm hoạt động “nằm vùng” của Phạm Ngọc Thảo cho chính quyền miền Bắc được ngụy trang rất kỹ và rất ít người ở miền Nam biết ông là một nhà tình báo. Ngay cả sau 30/4/1975, nấm mộ ông vẫn chỉ là nấm mồ vô danh vì ông hoạt động “đơn tuyến”. Mãi sau này, một số đồng đội đã sưu tầm tài liệu về ông và đề nghị Nhà nước truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân... Năm 1987, nhà cầm quyền truy tặng ông danh hiệu liệt sỹ với quân hàm đại tá và mộ của ông được đưa về nghĩa trang thành phố, trên đồi Lạc Cảnh (huyện Thủ Đức).

Phạm Ngọc Thảo được coi là một trong 4 tình báo viên xuất sắc nhất của Chính phủ miền Bắc (3 người kia là Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy). Đối với Chính phủ miền Nam, cả 4 người này đều là “Việt Cộng Nằm Vùng”, không hơn không kém!

Tiểu thuyết Ván Bài Lật Ngửa của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) được mở đầu bằng câu: “Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng”. Nhân vật chính trong truyện, Nguyễn Thành Luân, chính là hình ảnh của Phạm Ngọc Thảo, bí danh Chín T. hay Chín Thảo.

Đại tá Phạm Ngọc Thảo dưới sắc áo Quốc gia

Nhân vật “nằm vùng” thứ hai là Phạm Xuân Ẩn [4] là một thiếu tướng tình báo của Hà Nội với biệt danh Trần Văn Trung hay Hai Trung. Trong suốt thời gian chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn sống tại Sài Gòn dưới vỏ bọc ký giả làm việc tại Việt tấn xã, cộng tác với hãng thông tấn Reuters và có nhiều bài viết trên tạp chí TimeNew York Herald TribuneThe Christian Science Monitor...

Theo một tài liệu được công bố, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về Hà Nội 498 báo cáo bao gồm tài liệu nguyên gốc đã được sao chụp, các thông tin thu lượm cùng phân tích và nhận định của Ẩn về VNCH và Hoa Kỳ. Là người đã từng được đào tạo về ngành báo chí tại Mỹ, Phạm Xuân Ẩn là nhân vật được chèo kéo bởi nhiều cơ quan tình báo miền Nam cũng như miền Bắc, trong nước cũng như ngoài nước, kể cả CIA.

Ngày Sài Gòn đổi chủ, vợ con Phạm Xuân Ẩn đã rời Việt Nam theo chiến dịch di tản của người Mỹ và theo kế hoạch của miền Bắc, ông sẽ được gửi sang Mỹ để tiếp tục hoạt động tình báo. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, Phạm Xuân Ẩn đã đề nghị cấp trên cho ngưng công tác vì lý do đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Kế hoạch thay đổi, vợ con ông đã phải mất một năm để quay lại Việt Nam theo đường vòng: Paris - Moscow - Hà Nội - Sài Gòn.

Như cái tên “định mệnh” mà ông mang, cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn lúc “ẩn”, lúc “hiện” và cũng có lúc “lên voi”, lúc “xuống chó”. Năm 1997, chính phủ Việt Nam từ chối không cho phép Phạm Xuân Ẩn đến Hoa Kỳ để dự một hội nghị ở New York mà ông được mời với tư cách khách đặc biệt. Trong những năm cuối đời, có vẻ như Phạm Xuân Ẩn cảm thấy thất vọng với những gì ông chứng kiến tại Việt Nam sau cuộc chiến. Ông tiết lộ với Thomas A. Bass, tác giả cuốn The Spy Who Loved Us: “Dân chúng tại đây [Việt Nam] không được viết tự do. Đó là vì sao tôi không viết hồi ký”.

Năm 1978 Phạm Xuân Ẩn ra Hà Nội học tập chính trị dành cho cán bộ cao cấp trong 10 tháng. Sự kiện này được xem như một hình thức “cải tạo” và ông giải thích vì lý do đã “sống quá lâu trong lòng địch”. Có người cho rằng ông bị nghi kị và bị quản chế tại gia, không được xuất ngoại, bị cấm tiếp xúc với bên ngoài, đặc biệt với giới báo chí ngoại quốc do cách suy nghĩ, cư xử… “rất Mỹ”.

Ông đã từng giúp bác sĩ Trần Kim Tuyến rời khỏi Việt Nam vào ngày 30/4/1975 (Bác sĩ Tuyến là “xếp” cũ của Phạm Xuân Ẩn năm 1959. Cơ quan mật vụ của BS Tuyến biệt phái ông sang làm việc tại Việt tấn xã, phụ trách bộ phận các phóng viên ngoại quốc làm việc trong cơ quan này). 

Phạm Xuân Ẩn và các con

Vũ Ngọc Nhạ [5], Thiếu tướng tình báo của Hà Nội cũng là một trường hợp “nằm vùng” ngay trong đầu não của nền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa tại miền Nam, kéo dài từ năm 1954 đến ngày Sài Gòn sụp đổ. Miền Bắc ca tụng ông là “điệp viên siêu hạng” với những “điệp vụ bất khả thi” trong “vụ án chính trị lớn nhất thời đại”.

Với vỏ bọc của một “con chiên ngoan đạo” đã từng sát cánh với Giám mục Lê Hữu Từ và Linh mục Hoàng Quỳnh, Phạm Ngọc Thảo trở thành một người tâm phúc, thường xuyên bàn bạc những vấn đề cơ mật với Tổng thống Ngô Đình Diệm. Thời Đệ nhất Cộng hòa có “bốn con rồng”:Bạch Long (Ngô Đình Diệm), Hồng Long (Ngô Đình Thục), Thanh Long(Ngô Đình Nhu) và Hắc Long (Ngô Đình Cẩn). Cố vấn Ngô Đình Nhu đã gọi Vũ Ngọc Nhạ là Hoàng Long để trở thành con rồng thứ năm trong Ngũ Long của Đệ nhất Cộng hòa.

Cuối năm 1965, do sự chạy đua quyền lực quyết liệt trong nhóm tướng trẻ, tướng Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng Vũ Ngọc Nhạ trong vai trò liên lạc viên với Công giáo, qua sự giới thiệu của Linh mục Hoàng Quỳnh, nhằm tìm chỗ dựa chính trị. Là một điệp viên, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo sử dụng vai trò này để tạo dựng các mối quan hệ và gây ảnh hưởng đến giới chính trị gia cả trong dân sự lẫn quân sự.

Một lần nữa, Vũ Ngọc Nhạ trở thành “Ông Cố Vấn” sau khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống năm 1967. Đây cũng là thời điểm mạng lưới tình báo A.22 (vốn là mật danh riêng của Nhạ) được hình thành và phát triển.Thành công ngoạn mục nhất của cụm tình báo A22 là thu hút được Huỳnh Văn Trọng, một phụ tá của Tổng thống Thiệu.

Tháng 8/1968, tướng Thiệu đã cử Huỳnh Văn Trọng cầm đầu một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của Chính phủ Johnson đối với cuộc chiến tại Việt Nam. Chính những thông tin này đã góp một phần cho Hà Nội trước khi ngồi vào bàn đàm phán tại Paris với Mỹ.

Vũ Ngọc Nhạ và “vụ án chính trị lớn nhất thời đại

Ở trường Sinh ngữ Quân đội, một đơn vị tương đối nhỏ trong quân lực VNCH, cũng đã có vài trường hợp “nằm vùng”. Nổi bật nhất có Đại úy TVQ và Thiếu úy NCD. Đại úy Q. là người từ đơn vị chuyển về trường SNQĐ khi nhu cầu huấn luyện Anh văn cho quân đội tăng cao do chương trình Việt Nam hóa chiến tranh nhằm đào tạo quân nhân các binh chủng Hải-Lục-Không quân VNCH đi học chuyên môn tại Hoa Kỳ để về nước đảm nhận công việc của quân đội Mỹ.

Sự gia tăng bất ngờ về số khóa sinh tại trường SNQĐ khiến nhà trường phải tuyển thêm quân nhân có khả năng tiếng Anh từ các đơn vị về để đào tạo thành giảng viên. Đại úy Q. thuộc thành phần bổ xung đó. Q. về trường khi đã đeo lon Đại úy từ một đơn vị chiến tranh chính trị. Anh là một sĩ quan hiền lành, ít nói nhưng sau ngày 30/4/75 bạn bè cũ mới “bật ngửa” khi biết anh thuộc hàng ngũ… bên kia chiến tuyến.

Sau thời gian cải tạo tôi trở về Sài Gòn gặp lại Q. khi đó là nhân viên hành chánh của trường Đại học Kinh tế. Tôi tiếp xúc với anh một cách dè dặt trong một vài buổi họp mặt các anh em giảng viên cũ. Sau đó Q. biến mất khỏi các cuộc gặp gỡ, có lẽ vì không chịu nổi những xầm xì, bàn tán về vai trò “nằm vùng” của mình.

Trường hợp “nằm vùng” thứ hai ở trường SNQĐ là Thiếu úy NCD, một người được tuyển thẳng từ Thủ Đức về trường. Cũng như Đại úy Q., Thiếu úy D. là người ít nói và hầu như rất ít giảng viên trong trường để ý đến người thanh niên “trầm lặng” này. Có một số anh em giảng viên nói chính Thiếu úy NCD đã “tiếp quản” trường SNQĐ những ngày đầu tháng 5/75.

Sau này hành tung của viên thiếu úy “nằm vùng” được sáng tỏ: anh của NCD là một cán bộ cao cấp. Được coi là một trí thức Marx-Lenin, Viện sĩ NCT (Sáu Quang), anh ruột NCD, là nguyên Bí thư Thành Đoàn giai đoạn 1977 - 1981, Trưởng Ban quản lý Khu Chế Xuất – Khu Công Nghiệp đầu tiên của thành phố, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài và hiện là Viện phó Viện khoa học công nghệ Phương Nam (thuộc Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam). Có người anh như vậy nên thiếu úy NCD không “nằm vùng” mới là chuyện lạ!

Với những câu chuyện “nằm vùng” điển hình ở mọi cấp chính quyền miền Nam kể trên, quân đội miền Bắc ngày càng tiến dần đến thủ đô và người Sài Gòn ngỡ ngàng trước biến cố 30/4/1975. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” có lẽ là một trong những triết lý thâm thúy nhất được rút ra trong cuộc chiến vừa qua.

===  

Chú thích:

[1] Chương trình Chiêu hồi phát động dưới thời Đệ nhất Cộng hòa vào đầu năm 1963 theo hai mô hình mẫu của Phi Luật Tân và Mã Lai Á: chương trình EDCOR của Philippines để chiêu dụ lực lượng cộng sản Hukbalahap và chương trình của Sir Robert Thompson thuộc quân đội Anh để bình định tại Malaysia.

Chương trình này trực thuộc Bộ Công dân vụ của Bộ trưởng Ngô Trọng Hiếu và một thời mang tên Phong trào Chiêu tập Kháng chiến Lầm đường. Sau năm 1963 thì phân ban Chiêu hồi trực thuộc Phủ Thủ tướng. Năm 1965 thì chuyển sang Bộ Thông tin. Sang thời Đệ nhị Cộng hòa thì chính phủ nâng Phủ Đặc ủy Dân vận Chiêu hồi thành Bộ Chiêu hồi riêng để điều hành hệ thống chiêu hồi trên khắp 44 tỉnh thành của bốn vùng chiến thuật, mỗi tỉnh có một Ty Chiêu hồi.

Huy hiệu ngành Chiêu hồi

Năm 1967 chính phủ đưa ra chính sách Đại đoàn kết. Theo đó thì các thành phần hồi chánh không những được giúp đỡ để tái định cư và đoàn tụ cùng gia đình mà còn được trưng dụng tài năng tương xứng với công việc ở bên kia chiến tuyến. Chính sách này chưa mấy hiệu quả thì sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968 xảy ra. Biến cố này làm gián đoạn chương trình Chiêu hồi vì tình hình an ninh bất ổn, nhưng đến năm 1969 thì số lượng hồi chánh lại tăng, đạt tổng số 47.023 người trong năm 1969.

Trong thời gian từ năm 1963 đến 1973 chương trình Chiêu hồi thâu nhận hơn 194.000 người hồi chánh, tức là loại được bấy nhiêu quân đối phương khỏi chiến trường. Người Hồi chánh được chuyển vào 1 trong hơn 200 trại để “học tập chính trị” trong thời gian từ bốn đến sáu tuần. Cùng lúc đó họ được phát quần áo và thức ăn, đến khi xuất trại thì trả về nguyên quán hoặc định cư ở những vùng ấn định. Một số được kết nạp vào Cục Tâm lý chiến. Ngày 18/2/1973 Bưu chính VNCH cho phát hành con tem "Chiêu hồi" với giá tiền10 đồng để kỷ niệm người hồi chánh thứ 200.000.

Tem Chiêu-Hồi của VNCH

[2] Nguyên Hùng là một trong số những nhà văn, nhà báo “nằm vùng” hoặc “thiên Cộng”. Trong số này phải kể đến Vũ Bằng, Vũ Hạnh, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Thiếu Sơn, Lý Văn Sâm... Sau này còn được bổ sung thêm một đội ngũ trẻ hơn và giữ những vai trò gây tác động trong đời sống báo chí và chính trị miền Nam như Huỳnh Bá Thành (còn được biết đến qua tên Họa sĩ Ớt trên báo Điện Tín), Cung Văn, Hoàng Thái Nguyên, Nguyễn Ngọc Thạch, Hoàng Minh Phương, Kỳ Nhân...

[3] Phạm Ngọc Thảo (1922-1965) cùng 12 người từ miền Nam được cử ra Sơn Tây để theo học Khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn vào năm 1946. Khi ra trường, Thảo được điều về Phú Yên với nhiệm vụ giao liên. Trong thời gian này, ông được giao nhiệm vụ đưa một cán bộ vào Nam, đó chính là Lê Duẩn, người có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tình báo của ông sau này.

Thảo được giao nhiệm vụ Trưởng phòng Mật vụ Ban quân sự Nam Bộ – là tổ chức tình báo đầu tiên của miền Bắc ở Nam Bộ. Sau Hiệp định Genève, các cán bộ của Việt Minh (cả dân sự lẫn quân sự) đều được “tập kết” ra Bắc. Cũng có một số ít cán bộ đã được lệnh bí mật ở lại để “nằm vùng”, trong đó có PNT ở lại miền Nam để hình thành “lực lượng thứ ba” theo lệnh của Lê Duẩn.  

Dưới vỏ bọc của một giáo sư, Thảo về dạy học tại trường Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long, thuộc giáo phận của Giám mục Ngô Đình Diệm, anh của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Giám mục Ngô Đình Thục rất quý mến Thảo, ông đã từng làm lễ rửa tội cho Thảo và coi như con nuôi. Chính Giám mục Thục đã giới thiệu ông với “cố vấn” Ngô Đình Nhu để vào làm việc ở Sở Tài chánh Nam Việt.

Nhờ chính sách “đả thực, bài phong”, khuyến khích những người theo kháng chiến cũ về với chính nghĩa quốc gia của Ngô Đình Diệm, PNT đã khôn khéo công khai hết quá khứ theo kháng chiến của mình, chỉ trừ một điều không nhận là Đảng viên Đảng Cộng sản. Năm 1956, ông được phép đưa vợ con ra Sài Gòn sinh sống, làm việc tại ngân hàng quốc gia; rồi được chuyển ngạch quân sự, mang cấp bậc Đại uý “đồng hóa”.

PNT còn được cử đi học khóa huấn luyện tại trung tâm Nhân vị, Vĩnh Long, và sau đến tháng 10/1956 gia nhập đảng Cần Lao, phụ trách tổ quân sự, giữ nhiệm vụ nghiên cứu về chiến lược và chiến thuật quân sự và huấn luyện quân sự cho các đảng viên. Trong hàng ngũ Quốc gia, Thảo đã viết 20 bài báo trên tạp chí Bách Khoa nói về các vấn đề chiến lược, chiến thuật, nghệ thuật chỉ huy, huấn luyện quân sự, phân tích binh pháp Tôn Tử, Trần Hưng Đạo....

Những bài báo đó đã được giới quân sự chú ý và nâng cao tên tuổi của PNT. Năm 1957, ông được điều về làm việc tại Phòng Nghiên cứu chính trị tại Phủ tổng thống, thực chất là cơ quan mật vụ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Năm 1960, sau khi học một khóa chỉ huy và tham mưu ở Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, PNT được thăng thiếu tá và được cử làm Thanh tra Khu Trù Mật.

Năm 1965, Phạm Ngọc Thảo cùng thiếu tướng Lâm Văn Phát, Đại tá Bùi Dzinh và Trung tá Lê Hoàng Thao đem quân và xe tăng vào chiếm trại Lê Văn Duyệt, đài phát thanh Sài Gòn, bến Bạch Đằng và sân bay Tân Sơn Nhất nhằm lật đổ chính phủ của Tướng Nguyễn Khánh. Hội đồng tướng lãnh cử Nguyễn Chánh Thi làm chỉ huy chống đảo chính và ra lệnh cho Phạm Ngọc Thảo, Lâm Văn Phát và 13 sĩ quan khác phải ra trình diện trong 24 giờ. Khi biết tin quyền lãnh đạo đã rơi vào tay các tướng lĩnh khác, Phạm Ngọc Thảo bỏ trốn.

Phạm Ngọc Thảo là tình báo viên hoạt động đơn tuyến, không có đồng đội trực tiếp hỗ trợ, chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Lê Duẩn. Nhiệm vụ của ông không phải là đưa tin mà là tác động đến sự “thay đổi chế độ”. Có thể nói, với nhiệm vụ này, tầm quan trọng của Phạm Ngọc Thảo ngang với sức mạnh của một đạo quân.

[4] Phạm Xuân Ẩn (1927-2006), sinh tại xã Bình Trước, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong gia đình một viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa. Năm 1950, ông vào làm ở Sở thuế quan Sài Gòn. Thực chất lúc này ông được Việt Minh giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình vận chuyển hàng hóa quân sự và quân đội từ Pháp sang Việt Nam và từ ViệtNam về Pháp. Đây là những bước đầu hoạt động tình báo của ông, một trong khoảng 14 ngàn điệp báo viên Cộng sản được cài cắm và hoạt động tại miền Nam.

Năm 1952, ông ra Chiến khu D và được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ - giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. Năm 1953 tại rạch Cái Bát, Cà Mau trong rừng U Minh, dưới sự chủ tọa của Lê Đức Thọ (khi này là Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam), PXA được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1957, PXA qua Mỹ học ngành báo chí trong 3 năm và khi về nước ông làm việc tại Sở Nghiên cứu Chính trị của Bác sĩ Trần Kim Tuyến. Từ năm 1960 đến giữa năm 1964, PXA làm việc cho Hãng thông tấn Reuters. Từ năm 1965 đến năm 1976 ông là phóng viên người Việt chính thức và duy nhất của tuần báo Time tại Sài Gòn, ngoài ra ông còn là cộng tác viên của các tờ báo khác như The Christian Science Monitor...

Murray Gart, thông tín viên trưởng của Time trong thời gian chiến tranh, sau khi biết tin PXA là một điệp viên, bực tức nói rằng: “Thằng chó đẻ ấy, tôi muốn giết nó”. Một phóng viên khác, Peter Arnett, mềm mỏng hơn: “Tôi không biết phải xử lý ra sao đối với Phạm Xuân Ẩn. Tôi hiểu anh là một người Việt Nam yêu nước, nhưng tôi vẫn cảm thấy bị phản bội về phương diện nghề nghiệp... Trong hơn một năm trời, tôi cảm thấy bị xúc phạm, nhưng sau đó tôi lại nghĩ ra rằng chẳng qua đó là công việc riêng của anh”.

McCulloch từng là giám đốc các văn phòng của Time ở châu Á nói: “Tôi có căm giận Phạm Xuân Ẩn không sau khi tôi biết qua những hoạt động gián điệp của anh? Hẳn nhiên là không. Tôi nghĩ Việt Nam là quê hương của anh. Nếu tình thế đổi ngược lại, chắc tôi cũng sẽ làm như anh mà thôi. Phạm Xuân Ẩn là đồng nghiệp của tôi và là một phóng viên sáng giá. Phạm Xuân Ẩn có một sự hiểu biết tinh tường về hiện tình chính trị Việt Nam, và đáng chú ý là những tin tức tài liệu của anh chính xác một cách lạ thường”.

[5] Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002), tên thật Vũ Đình Long, sinh tại Thái Bình, tham gia Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến, gia nhập đảng Cộng sản năm 1947, năm 1951 trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình. Bị kỳ thị vì xuất thân gia đình gốc địa chủ và Công giáo nên đã bỏ Việt Minh, về sống ở quê ngoại tại Phát Diệm, Ninh Bình.

Tại Ninh Bình, VNN tham gia Tổng bộ tự vệ Phát Diệm do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo. VNN trở thành phụ tá của hai vị thầy tu khét tiếng chống Cộng này. Di cư vào Nam năm 1954, VNN tiếp tục phụ giúp việc đạo cho linh mục Hoàng Quỳnh tại giáo xứ Bình An (Sài Gòn) cho đến ngày bị bắt.

Theo tiết lộ của Tiền Phong Online, VNN đã từng là một trong 300 đại biểu kháng chiến được mời về dự Hội nghị chiến tranh du kích đồng bằng Bắc Bộ: “Sau vài lần gặp gỡ, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn anh vào hàng ngũ những người tiên phong làm công tác tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, anh được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phái vào Nam hoạt động”.

Tại trại giam, VNN viết bản tường trình phân tích nguy cơ đe dọa chế độ mà Ngô Tổng thống đã dày công vun đắp” đã khiến Ngô Đình Cẩn, sau đó là cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm quan tâm và chú ý. VNN đã khéo léo tiết lộ cho anh em họ Ngô biết rằng tất cả những ý kiến trong tờ trình đều là chính kiến của Giám mục Lê Hữu Từ. Đánh giá rất cao trách nhiệm và sự sâu sắc của bản báo nguy chế độ, anh em Diệm - Nhu đã mời Vũ Ngọc Nhạ về làm cố vấn.

Thâm nhập vào nền Đệ nhất Cộng hòa, VNN nhanh chóng liên kết với các đồng chí nằm vùng” của mình như Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe... hình thành nên một mạng lưới tình báo (lưới A.22) nắm giữ các vị trí chóp bu trong chính phủ Sài Gòn để khai thác tin tức chiến lược.

Lai lịch ông Ba Bị ( Năng Lượng Mới số 143 ,3-8-2012) An Chi


Lai lịch ông Ba Bị ( Năng Lượng Mới số 143 ,3-8-2012).

by An Chi on Friday, August 3, 2012 at 10:13am ·
BẠN ĐỌC : Xin ông An Chi cho biết ông Ba Bị là ai mà có câu “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt”? Xin cám ơn.
                                                                                       Nguyễn Duy Thức – Hải Phòng.
AN CHI : Muốn biết ông Ba Bị là ai thì có lẽ trước nhất phải nhờ đến từ điển.
Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức (1931) ghi :
“Ba bị : Giống quái lạ người ta bịa ra để doạ trẻ con : Ba bị chín quai mười hai con mắt : nghĩa bóng là tồi tàn, xấu xí : đồ ba bị.”
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (2007) do Hoàng Phê chủ biên ghi :
“Ba bị : tên gọi một hình người quái dị bịa ra để dọa trẻ con.”
Tại trang http://www.trungtammucvudcct.com (Chuyên san Giáo lý số 29, 1-9-2005), Nguyễn Thế Bài viết:
“Nhân vật Ông Ba Bị trong bài vè ngắn này, ác thay, lại muốn chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi và triều thần thánh thiên quốc: Chín quai ( hoặc chín quan ) là chín phẩm thiên thần; còn Mười Hai con mắt là mười hai thánh Tông Đồ.”                                              
Trên đây dĩ nhiên cũng chẳng phải là ý nghĩa đích thực của câu “Ba bị, chín quai, mười hai con mắt” vì cũng chỉ là suy diễn trên cơ sở một “sản phẩm” dân gian sẵn có mà thôi. 
Ở đây, Nguyễn Dư đã nhầm lẫn: Ba Bị không phải là một cái tên Việt đặt ra “tức thì” để gọi chàng Barbe-Bleue của Tây vì chỉ là một cái tên sẵn có được dùng theo ẩn dụ để chỉ con Yêu Râu Xanh đó mà thôi. Barbe-Bleue của Tây chỉ ham gái chứ đâu có bắt trẻ con nhưng chính vì hiểu cái tên Ba Bị một cách tréo ngoe nên Nguyễn Dư mới viết:“Không hiểu tại sao các bà các cô lại đẩy người tình Barbe-Bleue râu ria, lông lá của mình sang cho đám trẻ con ?” Thực ra thì chính Nguyễn Dư đẩy chứ các bà các cô đâu có đẩy. Tiếc rằng búp bê Barbie lại là một cô gái mảnh dẻ, dịu dàng chứ nếu đó là một hình người mặt mày dữ tợn, râu ria xồm xoàm thì chính hai tiếng Barbie mới gần với Ba Bị hơn là cái tên Barbe-Bleue của ông Nguyễn Dư.
Ba Bị là một nhân vật Việt Nam chính tông. “Tên cúng cơm” của ông ta chỉ là “Bị”, không có chữ “Ba” nên người ta vốn chỉ gọi ông ta là “Ông Bị”. Ông Bị đã theo lưu dân người Việt Đàng Ngoài đi vào đất phương Nam từ mấy trăm năm về trước và vẫn còn “sống” tại miền đất này cho đến hiện nay. Cách đây hơn 100 năm, Huình-Tịnh Paulus Của cũng đã ghi nhận tên ông ta vào Đại Nam quấc âm tự vị :
“ Ông bị. Tiếng nhát con nít; có người hiểu là thần.”
Vậy thì Ông Bị làm nghề gì? Thưa rằng ông ta làm “nghề” ăn xin. Cái bị là “đồ nghề” của ông ta và vì thế nên nó mới được dùng theo hoán dụ để làm tên cho chính ông. Từ điển của H.-T. Paulus Của ghi:
–“Bị gậy. Một cái bị, một cây gậy, là đồ nghề ăn mày.”
–“Mang bị. Đi ăn mày.”
–“Xách bị. Đi ăn mày.” 
Đi ngược lên giữa thế kỷ XVII, ta cũng thấy A. de Rhodes ghi trong Từ điển Việt Bồ La(Roma, 1651):
–“Bị. Cái bị. Lếy bị đi ăn mày. Mang bị để xin ăn.”     
–“Bị ăn mày. Cái bị của người xin của bố thí.” (Bản dịch của nhóm Thanh Lãng, Nxb Khoa học xã hội, 1991, tr.38 &144).
Cứ liệu ngôn ngữ về nghề ăn xin của Ông Bị như thế là rất rõ ràng. Ăn xin là một cái “nghề” hoàn toàn tiêu cực, chẳng giúp ích được gì cho sự phát triển của xã hội, ngoại trừ việc hù doạ con nít. Ông Bị đã theo lưu dân trôi nổi vào Nam, tại đây tên ông vẫn được giữ nguyên trong khi ở quê hương của mình, người ta đã “chế biến” nó thành “Ông Ba Bị”, ngỡ rằng “Ông Bị” đồng nhất với “ba bị” trong câu đồng dao: Ba bị chín quai –  Mười hai con mắt.
Trẻ con Đàng Ngoài thời xưa đã chơi khăm các nhà văn, nhà từ điển tương lai bằng mấy câu ngắn ngủi mà rắc rối này. Nguyễn Dư viết:
“Nước ta không có bị chín quai. Tranh Oger có nhiều tấm vẽ ăn mày. Bị của ăn mày là bị thông thường, chỉ có một quai. Tranh Ông Ba Bị vẽ một người râu xồm, đeo 3 cái bị một quai.” (Bài đã dẫn).
Lời của Nguyễn Dư có tiền giả định là ta có thể thấy “bị chín quai” ở nước khác chăng? Chẳng những thế, Nguyễn Dư còn diễn giải sai cái lời dịch đã sai của Gustave Hue. Ông viết:
“Gustave Hue cũng đồng ý rằng Ông ba bị chín quai là ... ông già đeo 3 cái bị chín quai (le vieux aux trois sacs et neuf anses).”
Nhưng cái ngữ đoạn “le vieux aux trois sacs et neuf anses” của tiếng Tây đâu có nghĩa là “ông già đeo 3 cái bị chín quai”. Dịch cho chính xác thì nghĩa của nó là “ông già với ba cái bị và chín cái quai”; ở đây, quai và bị rời nhau. Muốn cho quai dính vào bị thì phải thay liên từ “et” bằng giới từ “à” mà viết “le vieux aux trois sacs à neuf anses”. “Sac(s) à neuf anses” mới là bị chín quai chứ! Từ điển gia Gustave Hue viết tiếng Tây ở đây hình như cũng không được chuẩn?
Vẫn chưa hết chuyện này đâu nhưng ta hãy tạm gác nó để nói về hai câu ngắn ngủi, rắc rối của trẻ con Đàng Ngoài. Chúng đã nói, và chỉ nói, đúng phong cách câu bốn chữ của đồng dao:
Ba bị, chín quai,
Mười hai con mắt.
Không có chữ “ông” ở đầu câu trước, vì chúng chỉ muốn nói về cái bị. Quai là quai bị; con mắt cũng là mắt bị. Ta hãy đọc nghĩa 4 của từ mắt trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007): “lỗ hở, khe hở đều đặn ở các đồ đan –mắt lướirổ đan thưa mắt.” Vậy thì mắt ở đây hiển nhiên là mắt bị, những cái bị đan bằng cói thời xưa. Và tuy là đồng dao nhưng luận lý ở đây rất chặt chẽ: ba cái bị, mỗi cái ba quai, vị chi chín quai; mỗi cái bốn mắt, vị chi mười hai con mắt. Nhưng người lớn lại hiếu sự nên mới hoá phép cho “ba (cái) bị” của con nít biến thành người mà gọi là “Ông Ba Bị”. Rồi nhà từ điển lại “nhiễu” thêm một lần nữa mà giảng rằng “Ba Bị” là “một hình người quái dị bịa ra để dọa trẻ con”. Họ giảng như thế này vì họ có biết “Ông Ba Bị” hình thù ra làm sao đâu, nhất là vì họ đâu có biết lai lịch của ông ta! Một thằng người có sáu cái quai và mười hai con mắt mà không quái dị thì chẳng nhẽ lại là người hoàn toàn bình thường?
Thực ra thì tên dân gian chính cống của nhân vật này vốn chỉ là “Ông Bị” như đã nói trên kia. “Ông Bị” đã đi theo lưu dân vào Nam, tại đây ông và tên ông vẫn còn sống cho đến bây giờ. Người ta đã đi đến cái kết luân ngữ học phổ quát là hễ một ngôn ngữ càng đi xa địa bàn gốc và “mất liên lạc” với nó trong một thời gian càng dài thì nó càng có thể giữ được nhiều yếu tố cũ trong khi ở địa bàn gốc thì những yếu tố này đã thay đổi. Tiếng Pháp ở Québec (Canada) là một thí dụ. Marcel Rioux đã nhận xét trong quyển Les Québécois (Éditions du Seuil, 1974) rằng “nhiều cách diễn đạt cổ xưa, liên quan đến một lối sống [nay] đã mất đi, [vẫn] sống sót tại đây” (des expressions anciennes, liées à un genre de vie disparu, survivent ici). Từ thế kỷ XVII, nước ta đã trải qua cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài hơn 100 năm, rồi sau đó việc giao thông giữa Đàng Trong với Đàng ngoài cũng không hoàn toàn thuân lợi cho nên khi dân Đàng Ngoài thêm lượng từ “ba” vào giữa danh ngữ “Ông Bị” thành “Ông Ba Bị” thì dân Đàng Trong không hề hay biết. Họ cứ gọi ông ta là “Ông Bị”, như đã gọi tự bao giờ. Sau này, khi việc tiếp xúc giữa hai miền thuân lợi hơn trước kia thì danh ngữ “Ông Bị” đã trở thành một lối nói đặc thù của Miền Nam từ lâu và chính nhờ sự bảo tồn danh ngữ này ở trong Nam mà ta biết được Ông Bị chẳng qua là ông già ăn xin còn “Ông Ba Bị” chỉ là một hình ảnh méo mó, vẹo vọ của Ông Bị chứ chẳng phải là “giống quái lạ” hay “hình người quái dị” gì cả.

Monday 10 September 2012

Parôki là chức phận gì?


Bức thư tập thể gửi Cadinalê báo cáo tình hình xấu trong việc đạo ở nước Tunkinh mở đầu như sau:
Jesus Maria Joseph
Những Sacêdotê Parôki Vito Trí tuổi 64, Mighê Họp tuổi 56...
(Đoàn Thiện Thuật, 2008:170)
Đoàn Thiện Thuật (2008:201) chú thích:
(1)   Sacêdote: linh mục
(2)   Parôki Vitô Trí: Parôki = một chức phận
Vitô – Tên thánh Victor
Thật ra cả cụm Sacêdote Parôki tương ứng với chức vụ cha xứ của Công giáo. Sacêdote, tiếng Bồ Đào Nha là sacerdote có một nghĩa chỉ người giữ chức linh mục trong Công giáo. Paróquia, tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là giáo xứ. Cụm Sacêdote Parôki cũng áp dụng cho Mighê Họp và những người sau đó nữa chứ không chỉ dùng riêng cho Vito Trí.

Sunday 9 September 2012

Về bài liên quan đến hai tiếng "Hoa Lang" của Roland Jacques (Kiến Thức Ngày Nay số 365, ngày 01-10-2000) - An Chi

 ĐỘC GIẢ: Trong một số sách, hai tiếng “Hoa Lang” được dùng để chỉ người Bồ Đào Nha và/ hoặc người Hà Lan, rồi người châu Âu nói chung. Nhưng đâu là xuất xứ của hai tiếng đó?

AN CHI: Trong bài viết rất công phu và đầy tư liệu quý hiếm nhan đề Nguồn gốc và ý nghĩa các tên gọi “Hoa Lang” và “Hoa Lang đạo”, đăng trên Ngôn ngữ, số 8-2000, Roland Jacques đã giải thích về nguồn gốc của tên gọi “Hoa Lang” đại khái như sau. Nguồn gốc xa xăm của nó là các từ “Frans”, “Franken”, “Franchi” trong một số ngôn ngữ ở châu Âu, dùng để chỉ một dân tộc gốc Đức là người Frăng (theo cách phiên âm của tác giả). Đây là thành phần cư dân chủ yếu của đế quốc Charlemagne ở Tây Âu đầu thế kỷ IX. Người Ả Rập theo Hồi giáo gọi họ là “Ifranji” (số nhiều), rồi từ đó lại thành ra “Faranji”. Trong thời Thập tự chinh, “Ifranji/ Faranji” trở thành từ phổ biến ở vùng Trung Đông và được dùng để gọi quân thù. Khi người Bồ Đào Nha chiếm thành quốc Malacca vào năm 1511 thì họ cũng được gọi là “Ifranji/ Faranji” hoặc “Ifranghi/ Faranghi”. Nhưng tên gọi này dần dần mất đi sắc thái thù địch và người Bồ được gọi là “Frangue (s)” /fraŋ-gə/ theo mẫu “Ifranghi” nhưng mất đi nguyên âm ở đầu. Tiếng Mã Lai và tiếng Indonesia hiện nay vẫn còn dùng từ “Perenggi”, còn tiếng Thái Lan thì dùng từ “Farang” (cả hai đều theo mẫu “Faranghi”) để gọi người châu Âu với sắc thái hơi coi thường. Thành phố Malacca bấy giờ có ba phường của người Trung Hoa, một của người Phúc Kiến, một của người Chương Châu và một của người Quảng Châu. Nhờ họ mà tên dùng để chỉ người Bồ Đào Nha sớm được truyền đến Trung Hoa, hẳn là theo cách ghi thích hợp cho từng phương ngữ. Mục thời luận trong Minh sử năm Chính Đức thứ 16 (1521) còn nhắc đến một khẩu đại bác, có tên gọi là “Fu-lang-chi” (nhưng không rõ được ghi bằng những chữ Hán nào, vì chỉ dẫn theo phiên âm), dạo ấy bị tước đem về Bắc Kinh. Về sau, người ta đã xác định nghĩa đen của ba chữ đó là tên gọi một loại “dương nhân” (người nước ngoài), chứ không phải một loại pháo. Từ “faranji” đến “fu-lang-chi” không xa rồi từ “fu-lang-chi” chuyển sang “Hoa Lang” cũng khá gần gũi. Có thể chữ thứ ba bị bỏ đi vì được coi như chữ 之 “chi” là một trợ từ vô nghĩa, hoặc là dùng giữa định ngữ và danh từ trung tâm trong tiếng Hán cổ, có nghĩa là “của”. “Fu-lang-chi pháo” là “súng đại bác của người Fu lang”. Còn có một giả thiết khác: song song với dạng Á Rập hoặc Mã Lai, từ “Farang” của tiếng Xiêm cũng được truyền miệng đến Trung Hoa. Nếu đúng thì riêng tiếng “Farang” này được người Quảng Đông phiên âm bằng chữ Hán: về sự tương ứng “rang ~ lang” thì đã rõ còn chữ “Hoa” (Hán Việt) thì tiếng Quảng Đông đọc là “Fa”. Từ Quảng Đông sang Việt Nam hồi giữa thế kỷ XVI thì có cả hai dạng, đều dùng để gọi người Bồ Đào Nha: dạng truyền miệng là “Falang”, ghi bằng chữ quốc ngữ “Pha lang” và dạng viết bằng chữ vuông mà người Việt đọc thành “Hoa Lang”.
Trở lên chúng tôi đã lược thuật kiến giải của Roland Jacques về nguồn gốc của hai tiếng “Hoa Lang” còn sau đây là nhận xét của chúng tôi về kiến giải đó.
1. - Sự ráp nối “faranji > fu-lang-chi (~ fu lang chi pháo) > Fu lang > Hoa Lang” là một chuỗi thao tác không chặt chẽ. Fu-lang-chi là ba tiếng mà Hán tự là 佛郎機, đọc theo âm Hán Việt là “Phật lang cơ”. Đây là một hình thức phiên âm để chỉ người Franc(s) như đã được ghi nhận và chú giải trong nhiều quyển từ điển quen thuộc: Từ nguyênTừ hải (bản cũ), Từ hải (bản tu đính 1989), Mathews’ Chinese – English DictionaryVương Vân Ngũ đại từ điển, v.v.. Đặc biệt bản tu đính 1989 của Từ hải đã ghi nhận cho ba chữ “Phật lang cơ” đến bốn nghĩa mà nghĩa thứ nhất là: “Đời Minh gọi người Bồ Đào Nha là Phật lang cơ (phiên âm từ tiếng Ba Tư frangí hoặc firingí, vốn chỉ chung tín đồ Cơ Đốc giáo của châu Âu)”. Còn sau đây là nghĩa thứ tư: “Đời Minh cũng gọi pháo (đại bác) do người Bồ Đào Nha chế tạo là phật lang cơ”. Vốn chỉ là một hình thức phiên âm thuần túy (cả ba âm tiết đều vô nghĩa) với nghĩa thứ nhất, đến nghĩa thứ tư thì âm tiết thứ ba () vô hình trung đã được xem như một danh từ có nghĩa là “máy móc”, “súng ống” (nên Phật lang cơ mới có nghĩa là súng do người Phật Lang, tức người Bồ Đào Nha chế tạo). Nhưng để tránh nhầm lẫn hoặc tên tộc người thành tên một loại đại bác hoặc ngược lại, người ta đã đặt ra cụm từ “Phật lang cơ pháo”, có nghĩa là “đại bác (của người) Phật lang cơ (tức Bồ Đào Nha)”, như đã được ghi nhận trong Từ nguyên và Vương Vân Ngũ đại từ điển.Từ trên đây suy ra, chữ “chi” trong “Fu-lang-chi” chẳng qua chỉ là một cách ghi âm cũ theo tiếng Bắc Kinh của chữ  機, mà phương án pínyín hiện nay ghi thành “jí ” (nên trong Xứ Đàng Trong, Nxb Trẻ, 1999, tr.86, d.5, Li Tana mới ghi thành “fulangji” để chỉ người Bồ Đào Nha) chứ không phải của chữ chi 之 mà âm Bắc Kinh (pínyín) là “zhí ”. Một đằng là (Hán Việt)/   (Bắc Kinh) còn một đằng là chi (Hán Việt)/ zhí  (Bắc Kinh) nên không thể lẫn lộn được. Do đó, việc ông Roland Jacques đưa chữ chi 之 vào cấu trúc “Fu-lang-chi” là một việc làm thực sự không thích hợp. Huống chi chữ 佛, mà âm Bắc Kinh là , âm Quảng Đông là fặt, âm Hán Việt là phật, âm cổ Hán Việt là bụt, tuyệt đối không thể nào được phát âm thành “hoa”!!! Vậy thì làm sao mà “Fu lang” có thể trở thành “Hoa Lang”?
2. - Tiếng Xiêm Farang có được người Quảng Đông phiên âm bằng chữ Hán hay không là một vấn đề khó khẳng định hoặc phủ định. Nhưng nói rằng tiếng Xiêm Farang đã được người Quảng Đông phiên âm bằng hai chữ 花郎 (Bđd, tr.8) nên người Việt mới đọc thành “Hoa Lang” (Bđd, tr.12), thì lại là một việc có thể phủ định được. Ám chỉ chữ 花, tác giả có lập luận rằng trong phương ngữ Quảng Đông chữ Hán Việt “Hoa” được đọc là “Fa”. Quả có gần đúng như thế vì âm Quảng Đông của chữ đang xét là “fá”, thí dụ: Fá khềy là “Hoa Kỳ”, fá fúi là “hoa khôi”, fá chúc là “hoa chúc”, v.v.. Vậy nói rằng người Quảng Đông dùng chữ 花 mà họ đọc là “fá” trong tiếng Xiêm “Farang” là một điều có thể tạm chấp nhận được. Đến như nói rằng chữ 郎 mà lại được họ dùng để phiên âm âm tiết “rang” của từ đó thì lại khó có thể chấp nhận. Dùng “l” để phiên âm “r” là chuyện hoàn toàn bình thường. Bất bình thường là ở chỗ dùng một nguyên âm tròn môi là “o” [ɔ] để phiên âm một nguyên âm không tròn môi là “a”. Âm Quảng Đông của chữ 郎 là “loòng”  nên không thể dùng để phiên âm âm tiết “rang” của tiếng Xiêm. Đây là nói về điểm xuất phát. Còn nói về điểm đến thì nếu họ đã dùng hai chữ花郎 để phiên âm tiếng Xiêm “Farang” thì tất nhiên là họ phải đọc thành “Fá loòng” nên cái dạng truyền miệng sang tiếng Việt cũng phải là “Phá loòng” (người Việt vẫn đọc được vần "oong" : kính coong,xoong chảo) chứ không thể là “Pha lang”. Nhân tiện, xin nói thêm về hai tiếng “Pha lang”. Đây là dạng “truyền miệng” mà người Đại Việt đã đọc theo âm Bắc Kinh của hai chữ pháp lang 法郎. Âm Bắc Kinh của hai chữ này, ghi theo lối pínyín, là “fáláng”. Đây là một hình thức phiên âm tương ứng với hai chữ phật lang 佛郎 (trong Phật lang cơ). Bằng chứng là danh từ franc dùng để chỉ một đơn vị tiền tệ (của Pháp hoặc Thụy Sĩ) có thể được phiên âm bằng một trong hai dạng: pháp lang (nay dùng phổ biến trong tiếng Bắc Kinh) hoặc phật lang (mà trước đây người Việt Nam đã đọc trại thành “phật lăng”). Dạng “truyền miệng” của âm Bắc Kinh không phải là một hiện tượng hiếm hoi trong tiếng Việt sau thời nhà Minh, mà cái thí dụ có thể coi như đã trở thành “cổ điển” là tiếng “tủ” vốn là đọc theo âm Bắc Kinh (pínyín) của chữ độc 櫝, có nghĩa là... cái tủ (Chú ý: chữ “d” của lối pínyín  dùng để ghi âm [t]).Tóm lại, giả thiết thứ hai của Roland Jacques về nguồn gốc của tên gọi “Hoa Lang” cũng không đáng tin.
3. - Vậy thì đâu là nguồn gốc đích thực của tên gọi “Hoa Lang” trong tiếng Việt? Chúng tôi cho rằng đó chính là tên gọi “Hoa Lang” 花郎 sẵn có trong tiếng Hán. Tại mục từ cùng tên, Từ nguyên đã giảng như sau: “Tục của nước Tân La, chọn trong con em các gia đình cao sang những người xinh đẹp mà tô son điểm phấn, gọi là hoa lang”. Vậy hoa lang hẳn phải là những trang thanh niên trắng trẻo, hồng hào và đặc điểm này có lẽ chính là cơ sở cho cách dùng hai tiếng đang xét theo phép ẩn dụ để chỉ người Bồ Đào Nha chăng, vì nói chung họ cũng là những người "hồng hào, trắng trẻo"? Chẳng biết đúng, sai thế nào, xin cứ tạm nêu lên để chất chính cùng các bậc thức giả.

Thursday 6 September 2012

Chim QUYÊN là chim gì? (Kiến Thức Ngày Nay số 203, ngày 20-3-1996)

Nguyên bản ở Facebook
ĐỘC GIẢ:
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa 
(Kiều, câu 556) 
Dưới trăng quyên đã gọi hè (Kiều, câu 1307)
Chim “quyên” là chim gì và con chim quyên trong hai câu trên đây có phải là một hay không?
AN CHI: Ông Nguyễn Quảng Tuân cho rằng đó là hai thứ chim khác nhau còn phần lớn các nhà chú giải thì lại cho rằng đó chỉ là một. Theo nhiều người, đó là con cuốc, tức con quấc (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu, Nguyễn Thạch Giang), còn theo Đào Duy Anh thì đó là con chim tu hú: “Chim đỗ quyên, vốn là chim tu hú, hay kêu về mùa hè. Ở nước ta nhiều người lộn nó với chim cuốc cũng kêu về mùa hè, do tiếng nó kêu “quốc quốc” mà liên hệ với điển Vọng-đế chết hóa thành chim đỗ quyên” (Từ điển Truyện Kiều, Hà Nội, 1974, tr.322). 
Chúng tôi tán thành Đào Duy Anh vì cũng cho rằng quyên là chim tu hú chứ không phải chim cuốc. Con cuốc, tiếng Hán gọi là phiền 鷭 hoặc cô ác 姑惡 , không liên quan gì đến tích vua Vọng Đế của nước Thục là Đỗ Vũ. Chỉ có con quyên mới thực sự liên quan đến sự tích của ông vua này nên đã “ăn theo” họ của ông ta mà được gọi là “đỗ quyên”, thậm chí còn “ăn theo” cả họ lẫn tên mà được gọi là “đỗ vũ”; về sau lại có thêm các tên gọi khác nữa là: tử quyên, tử quy, tử huề, tư quy và thôi quy. Nhưng tên gốc của nó thì vẫn chỉ là quyên còn tên thông dụng là đỗ quyên. Mathews’ Chinese-English Dictionary dịch đỗ quyên 杜鵑 là “the cuckoo” còn Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur thì dịch là “coucou”. Từ điển song ngữ Anh Việt hoặc Pháp Việt thường dịch cuckoo hoặc coucou  thành chim cu cu. Thực ra, đây chính là con chim tu hú, đúng như quyển Danh từ khoa học của Đào Văn Tiến (Minh Tân, Paris, 1950) đã dịch. Coucou (Pháp), cuckoo (Anh), tiếng Nga là kukushka. Russko-kitayskiy slovar của L.Z. Orlikov (Moskva, 1951) dịch kukushka là “đỗ quyên”. Nga Hán đại từ điển do Lưu Trạch Vinh chủ biên (Bắc Kinh, 1962) cũng dịch y hệt như thế. Từ điển Nga Việt của K.M. Alikanov, V.V. Ivanov và I.A. Malkhanova (Moskva, 1977) đã dịch kukushka là “(chim) tu hú”. Từ điển Việt Hán của nhóm Hà Thành, Trinh Ngọa Long (Bắc Kinh 1960) dịch tu hú là “đỗ quyên điểu”. Con chim này thuộc họ cuculidés; danh từ này đã được quyển Danh từ khoa học của Đào Văn Tiến dịch là “họ chim đỗ quyên”. Bấy nhiêu bằng chứng tưởng cũng đủ tỏ rằng đỗ quyên là con chim tu hú. Nhưng chúng tôi còn muốn nêu thêm một bàng chứng rất có ý nghĩa nữa như sau. Hình mà ông Nguyễn Quảng Tuân đưa ra để minh họa con chim tu hú ở trang 184 của quyển Chữ nghĩa Truyện Kiều (Hà Nội, 1990; tái bản 1994) giống hệt hình mà Cao Thụ Phiên đưa ra để minh họa con chim đỗ quyên ở trang 671 của quyển Hình âm nghĩa tổng hợp đại tự điển (Đài Bắc, 1974). Hình này lại xuất hiện ở trang 104 của quyển Truyện Kiều do Nguyễn Quảng Tuân khảo đính và chú giải (Nxb KHXH, 1995) cũng để minh họa con chim đỗ quyên. Điều này gián tiếp nói rằng đỗ quyên đích thị là con chim tu hú.
Tiếc rằng ông Nguyễn Quảng Tuân lại không thừa nhận tu hú là tên tiếng Việt của con chim đỗ quyên. Ông viết:
“Vì không biết chim quyên là loại chim gì nên mọi người mới đoán quanh là con cuốc hoặc con tu hú và mới cho rằng Nguyễn Du dùng chữ “đầu cành” chưa được chỉnh (ý nói con cuốc không sống trên cây – AC).
“Sự thực thì chim quyên là một giống chim khác hẳn với chim cuốc và chim tu hú.
“Chim quyên 鶰 có tên khoa học là Acredula trivirgata, là một loài chim hay hót, có đuôi dài, đầu lông sắc trắng, trên lưng lông màu đen, dưới bụng lông màu trắng, hai cánh lông màu trắng hoặc lốm đốm trắng, mùa hè ở trên núi rừng, mùa thu bay thành đàn xuống đồng bằng, thích ăn sâu bọ và hay hót.
“Nguyễn Du ở đây (câu 566 – AC) tả cảnh cuối hè sang thu tức là đúng vào thời gian chim quyên bay từng đoàn từ trên rừng núi xuống đồng bằng và kêu hót ở đầu cành (đầu cành quyên nhặt).
“Trái lại con quyên gọi vào hè thì con quyên đó là con cuốc như Nguyễn Du đã nói đến trong câu 1307: Dưới trăng quyên đã gọi hè.
“Chúng ta phải nhận định rõ ràng nếu không sẽ dễ nhầm lẫn: 
“Chim quyên, hót ban ngày, đậu trên cành cây, hót rất nhiều về mùa thu. 
“Con đỗ quyên, ta quen gọi con cuốc, kêu về đêm, thường lủi ở bờ nước trong bụi rậm, kêu về mùa hè”.
(Chữ nghĩa Truyện Kiều, tr.184-185). 
Thực ra thì chính Nguyễn Quảng Tuân đã nhầm lẫn khi ông đánh đồng chữ 鶰 với chữ 鵑. Chữ trước, do ông đưa ra, đọc là viên, còn chữ sau, là chữ mà Nguyễn Du đã dùng, thì mới đọc là quyên. Vì chữ 鶰 không phải là chữ mà Nguyễn Du đã dùng nên con Acredula trivirgata, tức con chim “hót ban ngày, đậu trên cành cây, hót rất nhiều về mùa thu”, không có liên quan gì đến câu 566 của Truyện Kiều. Có lẽ do đã phát hiện ra điều này nên đến khi khảo đính và chú giải quyển Truyện Kiều (Nxb KHXH, 1995), Nguyễn Quảng Tuân đã không còn nhắc đến con Acredula trivirgata nữa. Và ông đã nhận rằng “chim quyên tức đỗ quyên” (X. sđd, tr.103). Ông đã giữ nguyên tên mà không đối dịch nhưng, như chúng tôi đã chứng minh, đỗ quyên chính là con chim tu hú. 
Tại sao Nguyễn Quảng Tuân phải viện dẫn đến chữ 鶰 (viên)? Là vì ông đã phát hiện ra rằng con viên “hót rất nhiều về mùa thu” mà theo ông thì câu 566 lại “tả cảnh cuối hè sang thu” (còn con “quyên” chính cống thì lại hót vào mùa hè). Nguyễn Thạch Giang cũng cho rằng “câu này tả cảnh cuối hè sang thu” (Truyện Kiều, khảo đính và chú thích, Hà Nội, 1972, tr.387). Chúng tôi ngạc nhiên về sự khẳng định này vì đây thực ra lại là cảnh cuối xuân sang hè. Thời gian trong lời kể chuyện của Nguyễn Du cũng bắt buộc ta phải kết luận như thế. 
Lấy câu 370 làm điểm khởi đầu và câu 566 làm điểm kết thúc cho mạch văn, ta sẽ dễ dàng thấy rằng từ lúc:
“Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua” (câu 370)
cho đến lúc
“Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa” 
(câu 566),
thì thời gian trôi qua chưa hết hai ngày một đêm. Thật vậy, câu 370 tả tiết trời trước và trong ngày mà cha mẹ và hai em của Kiều đi mừng “sinh nhật ngoại gia” còn câu 566 thì tả tiết trời và cảnh vật vào giờ ngọ của ngày hôm sau, lúc gia đình Kiều vẫn còn chưa về đến nhà. Chưa đầy hai ngày một đêm thì làm sao xuân vừa mới qua (đã chừng xuân qua) mà đã có thể là “cuối hè sang thu”? 
Các nhà chú giải đó có lẽ đã căn cứ vào vế sau của câu thơ (cuối trời nhạn thưa) nên mới khẳng định như thế! Nhưng xin nói rằng nhạn là một giống chim di cư mỗi năm có hai hướng bay: Bắc-Nam trong mùa thu rồiø Nam-Bắc trong mùa xuân. Trong mùa thu, chúng phải rời vùng ôn đới Bắc bán cầu mà bay đến phương Nam để tránh mùa đông còn trong mùa xuân thì chúng lại rời vùng nhiệt đới phương Nam mà bay về phương Bắc để sinh sản trong mùa hè. Vế sau của câu 566 tả cảnh những con nhạn cuối cùng đang bay về phương Bắc. Bầy đàn đông đúc của chúng đã về đến nơi trong mùa xuân rồi mà chúng còn lẻ tẻ và lẹt đẹt chưa bay về đến trong khi trời đã sang hè. “Cuối trời nhạn thưa” là như thế. Tóm lại, con nhạn không chỉ là dấu hiệu của mùa thu mà cịn của cả mùa xuân, tùy theo hướng bay của nó. Đó là một giống hậu điểu “thu Nam lai, xuân Bắc khứ”. Các nhà chú giải vì không căn cứ vào thời gian thực tế trong lời kể của tác giả để đoán định nên mới cho rằng “cuối trời nhạn thưa” là dấu hiệu của mùa thu. Thực ra, nếu đang độ thu thì chúng bay theo đàn đông đúc (một đàn nhạn đông đến hàng ngàn con) chứ làm gì có được cảnh “nhạn thưa”. Chỉ những con cuối cùng mới còn lẻ tẻ, và lẹt đẹt bay từ Bắc xuống Nam khi trời đã cuối thu hoặc chớm đông.
Tóm lại, cảnh trong câu 566 là cảnh cuối xuân đầu hè chứ không phải cuối hè sang thu. Vậy ta có thể yên tâm khẳng định rằng quyên là một giống chim kêu vào mùa hè (chứ không phải là con “viên” kêu vào mùa thu) và đó là con chim tu hú (chứ không phải con cuốc như nhiều người đã hiểu). Trong cả câu 566 lẫn câu 1307 thì con chim đó là con đỗ quyên chứ không phải chỉ là con đỗ quyên ở câu 566 còn ở câu 1307 thì lại là con cuốc như Nguyễn Quảng Tuân đã phân tích. Mối bận tâm của ông là ở chỗ: con cuốc kêu vào mùa hè và nhất là kêu vào ban đêm nên mới thích hợp với thời khắc (dưới trăng = ban đêm) và thời tiết (gọi hè) nói đến trong câu này. Nhưng chẳng có lẽ con đỗ quyên lại không kêu vào mùa hè? 
Lời chú trong sách Quảng sư loại có nói rằng “đỗ quyên xuân tắc minh, chí hạ vưu thậm” (dẫn theo Thúy Kiều truyện tường chú, Chiêm Vân Thị chú đính, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu phiên dịch và phụ chú, q.hạ, Sài Gòn, 1974, tr.11 chth.22), nghĩa là “mùa xuân thì tu hú kêu, vào hè càng kêu dồn”. Và chẳng có lẽ nó lại không kêu vào ban đêm? Hiêïn đại Hán ngữ từ điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1992) nói rõ rằng con đỗ quyên “vào đầu mùa hè thì thường ngày đêm kêu không ngớt” (sơ hạ thời thường trú dạ bất đình địa khiếu).
Chú giải mà không căn cứ chặt chẽ vào mạch văn và cốt truyện, chỉ chăm chú một chiều vào từ điển thì khó lòng mà hoàn toàn chính xác!