Saturday 27 October 2012

PHỤC NGUYÊN TỪ CỔ “ĐON SÒNG” TRONG TRUYỆN KIỀU - Nguyễn Khắc Bảo (Thông Báo Hán Nôm Học)



NGUYỄN KHẮC BẢO

Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
I - CÓ ĐÚNG LÀ TÚ BÀ “GẠN GÙNG” THÚY KIỀU ?
Trong hầu hết các bản Truyện Kiều tiêu biểu biên khảo bằng chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký (1875), A. Michels (1884), Nguyễn Văn Vĩnh (1923), Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim (1927, 1950, 1957), Hồ Đắc Hàm (1929), Huyền Mạc đạo nhân (1930), Nguyễn Can Mộng (1936), Tản Đà (1941), Trung Chính - Trần Ngọc (1951, 1952), Lê Văn Hòe (1953) Nguyễn Văn Hoàn (1965), Nguyễn Thạch Giang (1973), Đào Duy Anh (1973, 1979), Đặng Thanh Lê (1984), Phan Ngọc (1989), Nguyễn Quảng Tuân (1995), đều rất thống nhất chép đoạn Tú Bà dùng Mã Kiều làm “con tốt sang sông” để tạo nên cú huých cuối cùng buộc Thúy Kiều đành tặc lưỡi chấp nhận làm kỹ nữ chốn lầu xanh là:
Bày vai có ả Mã Kiều,
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan.
Mụ càng kể nhặt kể khoan,
Gạn gùng đến mực nồng nàn, mới tha.
(Câu 1151 - 1154)
Học giả Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều năm 1974 đã giảng câu 1154 là:
“Theo lời khai ra mà hỏi gạn dần cho đến tội mực”(1)
Còn giáo sư Phan Ngọc cũng trong Từ điển Truyện Kiều năm 1989 đã bổ sung rõ hơn một chút là: “Tức là cứ theo lời khai mà hỏi vặn mãi cho đến tột mực như người ta gạn nước. Tab giải thích: hỏi gạn gùng là hỏi kỹ và khó chịu”(2)
Hai cách giảng trên đã cho ta hiểu một cách gián tiếp người bị Tú bà “gạn gùng đến mực nồng nànlà người đã có lời khai ra”, vậy người đó phải là Thúy Kiều!
Trước đây cụ Lê Văn Hòe đã giảng cụ thể hơn là: “Cả câu: Mụ gạn hỏi lừa lọc hết nước làm sôi nổi lên rồi mới tha cho Thúy Kiều”(3)
Đến năm 1995, ông Nguyễn Quảng Tuân đã tổng hợp các cách giảng trên thành lời giảng là: “Tú Bà đã theo lời khai của Thúy Kiều mà hỏi gạn dần ra cho đến tận cùng của sự việc rồi mới tha”(4)
Nhưng xét văn phong của Thi hào trong Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ dùng từ “gạn gùng” khi người này đã “hỏi gạn, hỏi cặn kẽ” thì bắt buộc kẻ nghe phải “thưa lại, trả lời lại”. Cuộc đối thoại của hai người phải hô ứng như thế mới đủ “ngọn hỏi, ngành tra” “ngành ngọn cho tường” được chứ.
Đọc lại đoạn tả Khuyển, Ưng bắt cóc được Thúy Kiều về nộp cho Hoạn bà, mụ ta đã tra hỏi và Thúy Kiều buộc phải trả lời là:
Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra,
Sự mình nàng đã cứ mình gửi thưa.
(1725 - 1726)
Hoặc khi Thúy Kiều trốn khỏi Quan Âm các đến Chiêu ẩn am xin “Gửi thân chốn am mây” thì sư trưởng Giác Duyên đã hỏi han cặn kẽ và Thúy Kiều đã trả lời loanh quanh là:
Gạn gùng ngành ngọn cho tường,
Lạ lùng, nàng hãy tòm đường nói quanh.
(Câu 2040 - 2041)
Xét kỹ văn cảnh đang bàn, mụ Tú Bà đang dùng mọi thủ đoạn để buộc Kiều phải chấp nhận làm kỹ nữ. Khi mụ đang nói liên tục sòng sã: “Mụ càng kể nhặt kể khoan - Gạn gùng đến mực nồng nàn” ta chưa nghe thấy Thúy Kiều đáp lại lời nào, mà mụ Tú lại dễ dàng tha ngay lúc bấy giờ được nhỉ ?
Thế ra mụ mất công nói sòng sã đến vã bọt mép ra lại chỉ nhận được sự trây ì, im lặng khinh khỉnh, không thèm trả lời của nàng Kiều thôi sao ?
Không những tha ngay, mà mụ còn sai ngay người “Vực nàng vào nghỉ trong nhà” nữa cơ ! Thái độ “ân cần” đó không đúng với bản chất của loại người sẵn máu “nổi tam bành” này.
Theo sự đọc của tôi, người khai sinh ra từ “Gạn gùng” này là học giả Trương Vĩnh Ký. Năm 1875, khi biên khảo cuốn Truyện Kiều đầu tiên bằng Quốc ngữ, học giả đã có trên tay một bản Kiều Nôm viết thảo, chắc 2 chữ đầu câu 1154 này viết “lòi tói” quá, chữ thứ 1 không thể đọc được, nên khi nhìn thấy chữ thứ 2 “Khắc như thanh phù Sùng, do đó Trương Vĩnh Ký đọc “Gạn gùng” và bản A (Tức bản Đào Duy Anh năm 1974) cũng theo như vậy” (Nhận xét của G.S Nguyễn Tài Cẩn(5)).
Chữ “Gạn” chắc là suy đoán theo chữ “Gùng” do thanh phù “Sùng” mà thôi. Chúng tôi không thấy có một bản Kiều Nôm cổ nào đời Tự Đức có chép 2 chữ Nôm cho phép đoán đọc là “Gạn gùng” cả.
Mãi về sau này, mới thấy bản Phúc An hiệu (1933) khắc in là: (+) (+), bản chép tay R987 - TVQG viết là: (++)(+) và bản chép do cụ Giản Chi lưu giữ, công bố trong Truyện Kiều tập chú (6) chép là (+)(+), mà hai bản chép tay này ta dễ dàng phát hiện các dấu hiệu chép trong thế kỷ 20. (Bản R987 chép theo Kiều Oánh Mậu 1902, bản sau chép theo Chu Mạnh Trinh 1906.
Ba cách viết “Gạn gùng” khác nhau lại không dùng cùng một thanh phù “Sùng” như bản cổ mà Trương Vĩnh Ký đã dùng, thể hiện ba người chép có lẽ đã theo âm “Gạn gùng” quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký để tự tạo ra chữ Nôm “Gạn gùng” chứ không theo cùng một bản Kiều Nôm cổ nào cả.
Vậy cơ sở về mặt văn nghĩa và văn tự không cho phép ta tin được từ “Gạn gùng” là của Thi hào sáng tác ra.
II. VÌ SAO XUẤT HIỆN TỪ “ĐÓN RÀO” VÀ CÁCH GIẢI NGHĨA).
Có lẽ cũng thấy sự bất thông văn lý của từ “Gạn gùng” trong văn cảnh trên, nên cách bản Kiều có nguồn gốc ở kinh thành Huế đã chữa lại như sau:
Lâm Nọa Phu - 1870 chép là: 頓 (木+巢)
Kiều Mậu Oánh - 1902 chép là: (辶+顿) (扌+巢)
Thiên Khẩu Thủy - 1916, 1919, 1924 chép là: (扌+顿) (扌+巢)
Chiêm Vân Thị chép là: (辶+頓) (+巢)
Bản R 2003 - TVQG chép là: (辶+頓) (扌+巢)
Bản Kiều Thái Bình chép là: (扌+顿) (扌+巢)
Tất cả đều cùng được đọc là “đón rào”. Chữ thứ nhất được viết rất rõ ràng là: không những chỉ ở bản Lâm Nọa Phu - 1870 mà còn ở tất cả các bản: Liễu Văn đường - 1871, Thịnh Mỹ đường - 1879, Quan Văn đường - 1879, Thuận Thành - 1879, Diễn Châu thời Tự Đức, A. Michels Nôm 1884, ấn Thư hội - 1896 và nhiều bản Nôm có thể đọc là: Đon, Đón(7), nhưng rất tiếc đa số các nhà biên khảo lại chỉ phiên là Đón. Và ở chữ thứ hai các bản Nôm kể trên cũng chép thanh phù Sùng rất rõ, nên có lẽ vì vậy học giả Trương Vĩnh Ký đã đọc chữ thứ hai thành Gùng. Nhưng vì bản Duy Minh Thị - do thợ Trung Quốc khắc không rõ , vậy nên bị đoán là thanh phù Sào vậy nên bị đọc thành Rào.
Do vậy chữ thứ nhất lẽ ra đọc là Đon thì lại do ảnh hưởng của cữ thứ hai đã đọc sai là Rào nên phải thêm các nghĩa phù như bộ Quai xước, bộ Thủ để đọc thành Đón. Chữ Sùng bị đoán thành Sào nên để rõ ý Rào, có bản lại thêm bộ Ly hoặc bộ Thủ vào. Cách chữa tuỳ tiện, đại khái như vậy đã được học giả Hoàng Xuân Hãn nhận xét về chất lượng các bản Kiều Nôm ở Huế như sau:
“Mỗi nhà có một bản Kiều, mà nhiều khi các bản khác nhau là vì ông nào thích thế nào thì chữa như thế ấy… những bản viết tay ấy khác nhau và nhiều khi buồn cười lắm, mình thấy ông Hoàng này có độ học cao hơn, những cái chữa cao hơn. Có ông muốn bông đùa cho vui thì chữa một cách cợt nhả không hay ho gì cả”(8).
Do vậy từ Đón rào do cụ Kiều Oánh Mậu quảng bá trong bản in Đoạn Trường Tân Thanh năm 1902 cũng chỉ được sự hưởng ứng chép theo của vài nhà biên khảo quốc ngữ như Phạm Kim Chi - 1971, Bùi Khánh Diễn - 1926, Chiêm Vân thị (?) và bẵng đi hơn 70 năm đến tận 1998 mới được Vũ Văn Kính chọn lựa.
Vậy nghĩa của từ Đón rào là gì ?
Cụ Chiêm Vân Thị giảng rất ngắn gọn: “Đón rào: Quốc ngữ - Nói rào nói đón”. Do vậy dịch giả Trúc Viên Lê Mạnh Liêu phải giảng kỹ hơn: “Đón rào là Tú bà thắt buộc hết mọi lẽ cay nghiệt, bắt viết ả vào tờ cung, rào trước đón sau không để hở khe kẽ nào khiến Kiều có thể lật được. Có bản chép: “Gạn gùng”(9).
Đến cụ Vũ Văn Kính đã trình bày sự chọn lựa của mình như sau: “Gạn gùng hay Đón rào ? Ba bản Nôm (tức Kiều Oánh Mậu - 1902, Quan Văn đường - 1925 và Duy Minh Thị 1897) và bản quốc ngữ 3 (Bùi Khánh Diễn - 1926) đều là: Đón rào đến mực - Ba bản Quốc ngữ 1, 2, 4 (Bùi Kỷ, Tản Đà, Lê Văn Hòe) đều là:
Gạn gùng đến mực… Xin giữ âm Đón rào. Gạn gùng chỉ ý hỏi tra để xét tới cùng, còn Đón rào chỉ chú ý rào trước đón sau, tức là đư ra những lời nói câu tung câu hứng, câu che đậy, lấp liếm hay là đe dọa dụ dỗ”(10).
Theo ý giảng của các vị trên thì người bị nghe lời Đón rào cũng vẫn là Thúy Kiều, đó chính là đã nhầm lẫn về đối tượng nghe, nên cách biện giải chọn từ Đón rào bị sai (chúng tôi sẽ chứng minh ở phần sau - trang 6)
Cách nói mà “rào trước đón sau” đã được nhà giáo Vũ Dung giảng trong Từ Điển Thành ngữTục ngữ Việt Nam như sau:
“Rào trước đón sau (đón trước rào sau, một đón mười rào, rào sau chặn trước, rào sau đón trước): Đưa ra mọi lý lẽ một cách khéo léo để ngăn ngừa ý kiến thắc mắc, phản ứng lại điều mình sắp nói.
Người khôn đón trước rào sau,
Khiến cho người dại biết đâu mà dò (ca dao).(11)
Với Thúy Kiều là người đã bị mụ Tú bà đán dã man “Uốn lưng thịt đổ, cất đầu máu sa” đành cam chịu nghe lời ép buộc của mụ Tú, đã chấp nhận “Thân lươn bao quản lấm đầu” rồi cơ mà. Mụ ta cần gì phải tốn công Gạn gùng hay Đón rào với Thúy Kiều nữa.
Vậy ta hãy đọc lại đoạn tương ứng trong Kim Vân Kiều truyện xem Thanh Tâm tài nhân tả mụ Tú “kể nhặt kể khoan” với ai:
“Thúy Kiều (nói với Mã Kiều): Chị yêu quý của em ơi, bây giờ thì em biết rõ nghiệp chướng còn nặng chưa thể giải thoát được nào. Vậy xin đành lòng nghe theo số mạng, quyết không dám để liên lụy cho ai.
Mã Kiều đáp: Nếu được như lời em xin bảo lãnh.
Nói xong Mã Kiều vội quỳ gối trước mặt Tú bà để nói với mụ:
- Ví thử sau này chị ấy có làm việc gì không phải, con xin chịu hết trách nhiệm.
Bày vai có ả Mã Kiều
Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan.
(1151 - 1152)
Mụ Tú nhắc lại: Bây giờ mi xin bảo lãnh, mi phải bảo đảm hoàn toàn, nếu có xẩy ra một chút sai lời, thì cái tội ấy sẽ thuộc về bản thân mi đó.
Mã Kiều đáp: Vâng, con xin bảo đảm hết thảy.
Mụ Tú bảo: Nếu vậy mi sẽ thay ta cởi dây treo ra cho nó. Mã Kiều vội gọi chị em đồng nghiệp hợp sức cùng nàng khe khẽ cởi dây cho Thúy Kiều, nhưng nàng đứng không vững. Mọi người phải mặc giúp quần áo, xỏ giày vào chân, chải đầu vấn tóc, rỗi đỡ nàng vào phòng tắm…”(12).
(= Mụ càng kể nhặt kể khoan
(Gạn gùng ? Đón rào ?) đến mực nồng nàn mới tha.
(1153 - 1154)”
Như vậy Thanh Tâm Tài Nhân cho biết, người đối thoại với Tú bà chính là Mã Kiều chứ đâu phải Thúy Kiều ! Mụ Tú rất ranh ma, biết rằng hôm nay Thúy Kiều do bị đánh rất đau nên đành chấp nhận làm gái Lầu xanh, nay mai khỏe ra lại vẫn có thể đi trốn. Nên Mụ phả lôi Mã Kiều vào cuộc “chịu đoan” cho Kiều. Cuộc đối thoại đóng kịch giữa mụ Tú với Mã Kiều là cốt nhằm rót vào tai cho Thúy Kiều nghe là chính. Sau này nếu có ý định đi trốn, thì do vốn là người nhân hậu, Thúy Kiều e sẽ liên lụy cho người “làm ơn” với mình là Mã Kiều, nên lương tâm sẽ không cho phép mình bỏ trốn hặc trây lì trong việc tiếp khách.
Vậy khi đã xác định “giọng điệu” trong cuộc nói chuyên trên là Tú bà nói với Mã Kiều, nhưng chủ địch là nhằm thổi vào tai Thúy Kiều, nên ta sẽ có định hướng để giải mã hai chữ Nôm trên mà đoán đọc ra âm quốc ngữ thích hợp.
III. CÁC BẢN KIỀU NÔM CỔ ĐỜI TỰ ĐỨC CHÉP (忄+崇) CÓ NGHĨA GÌ ?
1. Cách đọc hai chữ Nôm cổ trên.
Đọc lại các bản Truyện Kiều Nôm cổ, chúng tôi thấy có tới 20 bản chép hai chữ đầu của câu 1154 đều na ná như nhau là:
(扌+崇) (Gồm LVĐ 1871, QVĐ - 1879, Diễn Châu chép tay).
(忄+崇) (Gồm TMĐ 1879, ATH 1896, CMT A&B 1906, PVĐ 1918, TMĐ 1919, QTĐ 1952, R274 TVQG).
(扌+崇) (A.Michels 1884).
(忄+菜) (PVĐ 1932, bản in Kinh Bắc).
(土+東)(忄+崇) (QVĐ 1911, VNb. 60).
(扌+東)(扌+崇) (Thuận Thành 1879).
(忄+ ) (Duy Minh Thị 1872, 1879, 1879).
Loại trừ các sai sót do “tam sao thất bản” chúng tôi tin tưởng rằng hai chữ Nôm đúng sẽ là: (忄+崇)
Với chữ thứ nhất không nên phiên là Đón vì trong các câu Kiều sau:
1801: Tiểu thư đón cữa dã dề.
2988: Đón theo tôi đã găp nhau rước về.
Các từ Đón ở 20 bản Kiều Nôm kể trên đều được viết bởi chữ Nôm là Íẽ(có bộ Quai xước làm nghĩa phù và 1/2 chữ Đốn là thanh phù).
Chữ thứ nhất này đã được linh mục Trần Văn Kiệm trong Giúp đọc Nôm và Hán Việt đã ghi nhận đọc chữ là Đon. (13 – tr.428).
Với chữ thứ 2, cũng linh mục Trần Văn Kiệm đã sưu tập được cás chữ Sòng là: (+)(+ ) ( +) (13 - tr.776) trong đó đều do Sùng là thanh phù.
Vậy chữ: (+) và (+) cũng do Sùng làm thanh phù, bộ Thủ hoặc bộ Tâm làm nghĩa phù đều có thể cũng đọc là: Sòng.
Vậy có thể yên tâm đọc 2 chữ trên là Đon sòng.
Chúng tôi không rõ dựa vào từ điển nào mà ông Nguyễn Quảng Tuân lại phiên hai chữ (扌+崇)của cuốn Truyện Kiều bản Nôm cổ nhất Liếu Văn đường 1871 là: Gạn gùng (?). Và xa hơn nữa là A.Michels trong bản Nôm in 1884 cũng viết hai chữ Nôm như trên mà trong bản Quốc ngữ 1884 cũng lại phiên là Gạn gùng.
Lại chính Nguyễn Quảng Tuân cùng với Nguyễn Thạch Giang trong 2 bản Kiều in năm 1995 và 1972 đã đọc cũng hai chữ (忄+崇) của bản Chu Mạnh Trinh Quan Văn đường 1906 là: Đón rào (?).
2. Nghĩa của từ Đon Sòng:
Hai từ: Đon sòng khá lạ, nhưng ta có thể dựa vào các từ điển cổ để tìm nghĩa.
Cuốn Tự Vị An Nam La tinh của Bá Đa Lộc Bỉ Nhu in 1772 - 1773 đã giảng:
“Đon: vấn đề: Đon ren: Tham lam tìm kiếm.
Sòng: Liên tục; Sòng sã: Liên tục.
Lam Sòng: Kiên trì làm cùng một cái gì.
Nói Sòng: Kiên trì nói cùng một điều gì”.(13)
Còng trong Đại Nam Quốc Âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của in 1895 - 1896 cũng giảng.
Đon: ngăn đón thăm chừng; VD: Đon ren: ít dùng.
Ví dụ; Hỏi đon hỏi ren: Hỏi thăm hỏi mót, dò đón, thường nói về người có tịt (có tì tích, có điều xấu hổ)
Sòng: Luôn luôn không khi hở.
Ví dụ: Sòng sả: luôn luôn; ngồi sòng sả; ngồi miết dai”(14)
Vậy câu thơ 1154: “Đon sòng đến mực nồng nàn, mới tha” nhằm diễn tả giọng điệu, cử chỉ của Tú Bà trong khi vờ nói liên tục, sòng sã với Mã Kiều ở mức độ nồng nàn, thắt buộc Mã Kiều vào bản chịu đoan lúc trước. Nhưng chính là vừa dò đón, thăm chừng vừa để cho Thúy Kiều nghe và hiểu được mọi sự liên lụy xấu sẽ xẩy ra với Mã Kiều, nếu sau này Thúy Kiều không chịu tiếp khách. Mụ Tú đã đánh vào lương tâm và lòng nhân hậu của Kiều cho ăn chắc hơn lời “chịu đoan” của ả Mã.
Trong các tác phẩm văn học Trung đại cũng xuất hiện nhiều từ Đon Sòng như:
Hoa Viên: Vườn riêng gióng giả kíp đon; Gặp nhau hớn hở đon chào...
Quốc âm thi tập: “Hoa Nguyệt đon chùng mấy phát lành”.
Đắc thú lâm tuyền thành đạo: “Rèn một tấm lòng đêm ngày đon đả”.
Hồng Đức quốc âm thi tập: “Chẳng mấy ngay sòng những lận gian”.
Bạch Vân: “Cờ bạc ai là có ở sòng”.
Nhị Độ Mai: “Uốn lời thú thực, phô sòng van lơn”.
Hoa tiên: Phô sòng gửi đến tôn đường”.
Nguyễn Công Trứ: “Nghĩ lại thì trời vốn cũng sòng”.
Ngay trong Truyện Kiều hai từ này cũng đã được dùng trong các câu: “Rước mừng đon hỏi dò la” (câu 191); “Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh” (câu 1510).
Nhưng dùng hai từ ghép thành Đon sòng thì có lẽ duy nhất chỉ có thiên tài Nguyễn Du mới sáng tạo như vậy. Vì Thi hào đã tạo nên nhiều từ ghép lần đầu xuất hiện: Cầm lành, cầm cờ, cầm thơ, cầm trăng, bèo bồng… mà nếu tách riêng ra khỏi Truyện Kiều thì chắc cũng không dễ gì hiểu nghĩa một cách trọn vẹn.
Vậy việc xuất hiện từ ghép gồm hai từ cổ Đon Sòng thành Đon sòng với nét nghĩa sơ bộ hiểu như trên là điều có thể lý giải được. Vì như chúng tôi có lần trình bày trong bài: “Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào ?” đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 6-2000, và Tiền Phong Chủ nhật Tết Nhâm Ngọ 2002 và bài: “Tìm hiểu ngôn ngữ ở kinh thành Thăng Long cuối thế kỷ XVIII qua Truyện Kiều của Nguyễn Du” tại cuộc Hội thảo ngôn ngữ và văn hóa 990 năm Thăng Long - Hà Nội, thì đã đủ chứng lý để tin rằng Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều khi ở ẩn tại quê cha Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh trong khoảng 1796 - 1801 hoặc có khi còn khởi thảo từ Thái Bình 1789.
Bản viết tay của thi hào có nhiều câu chữ phạm húy Gia Long và luật Gia Long, chắc mãi sau khi thi hào mất khá lâu con cháu mới dám cho người ngoài đọc. Do vậy các bản Kiều Nôm ra đời sớm nhất 1870 - 1871 - 1872 cũng đã cách xa lúc viết gần trăm năm, chữ đã “tam sao thất bản”, còn các nghĩa cổ từ mới với nghĩa hiện đại hơn để thay thế.
Ví dụ: Câu 41: Cỏ non xanh tạn chân trời --> chữa thành tậndợn.
Câu 1841: Dửng đi chợt nói chợt cười --> chữa thành Ngảnh
Câu 590: Tiếng oan dậy đất, án ngờ dựng mây --> chữa thành lòa
Câu 1250: Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân --> chữa thành dùi
Câu 1509: Đôi ta chút nghĩa bèo bồng --> chữa thành đèo bòng
Câu 1674: Dẩy ngay lên ngựa tức thì --> chữa thành Vực
Câu 1951: Quản chi trên các dưới duềnh --> chữa thành “lên thác xuống ghềnh
Câu 2326: Càng cay ngạt lắm càng oan trái nhiều --> chữa thành nghiệt (15).
Như vậy việc khôi phục từ cổ Đon sòng là một việc làm trong mạch khôi phục các từ cổ của Truyện Kiều để tìm hiểu ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam từ hồi cuối thế kỷ XVIII. Rất mong nhận được sự phủ chính của các bậc thức giả để đến lúc nào đó các câu chữ chân xác do Nguyễn Du đã dùng phải được có mặt trong các văn bản Truyện Kiều thông dụng.
Bắc Ninh, ngày 24 tháng 10 năm 2003
Chú thích:
1. Đào Duy Anh: Từ điển Truyện Kiều; Nxb. KHXH, H. 1974, tr.147.
2. Phan Ngọc: Từ Truyện Kiều; Nxb. KHXH, H. 1989, tr.185.
3. Lê Văn Hòe: Truyện Kiều chú giải, Quốc Học thư xã xuất bản 1953, tr.311.
4. Nguyễn Quảng Tuân: Truyện Kiều. Nxb. KHXH, H. 1995, tr.158.
5. Nguyễn Tài Cẩn: Tư liệu Truyện Kiều, bản Duy Minh Thị 1872; Nxb. ĐHQG, H. 2002, tr.449.
6. Trần Văn Chánh, Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hòa: Truyện Kiều tập chú, Nxb. Đà Nẵng, 1999, tr.968.
7. 13. Linh Mục Trần Văn Kiệm: Giúp đọc Nôm và Hán Việt Nxb. Thuận Hóa, 1999, tr.428, 433, 776.
8. Hoàng Xuân Hãn: “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều”, Tạp chí Văn học, số 3, 1997.
9. Chiêm Vân Thị: Thúy Kiều truyện tường chú. Sài Gòn 1973, tr.292.
10. Vũ Văn Kính: Truyện Kiều hiệu khảo. 1998.
11. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào: Từ điển thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam. Nxb. VH - TT, H. 2000, tr.654
12. Phạm Đan Quế: Truyện Kiều đối chiếu; Nxb. Hà Nội, H. 1991, tr.215 - 216.
13. Bá Đa Lộc Nỉ Nhu: Tự vị An Nam La Tinh 1772-1773. Nxb. Trẻ, 1999, tr.425.
14. Huỳnh Tịnh Paulus Của: Đại Nam quốc âm tự vị. Sài Gòn, 1895 - 1896, tr.316, tập 1 và tr.307 tập 2.
15. Bài “Tìm hiểu ngôn ngữ ở Kinh Thành Thăng Long cuối Thế kỷ XVIII qua Truyện Kiều của Nguyễn Du” của Nguyễn Khắc Bảo, tr.16-24. Ngôn ngữ và Văn hóa 990 năm Thăng Long - Hà Nội. (Nhiều tác giả: Hội Ngôn ngữ học Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ học Đại học KHXH và Nhận văn xuất bản, H. 2000.
PHỤ LỤC
TT
Bản Kiều Nôm
Nội dung khảo
Quốc ngữ
Nội dung khảo
1
Liễu Văn đường
1871
(+)
Trương Vĩnh Ký
1875
Gạn gùng
2
Duy Minh thị
1872
A. Michels
1884
Gạn gùng
3
Văn Nguyên đường
1879
(+)
Nordemann
1897
Gạn gùng
4
Bảo Hoa các
1879
(+)
Nordemann
Huế
Gạn gùng
5
Quan Văn đường
1879
(+)
Phạm Kim Chi
1917
Đón rào
6
Thuận Thành
1879
(+) (+)
Ng. Văn Vĩnh
1923
Gạn gùng
7
Thịnh Mỹ
1879
(+)
Bùi Khánh Diễn
1926
Đón rào
8
Diễn Châu
Tự Đức
(+)
Bùi Kỷ-Trần Tr.Kim
1927
Gạn gùng
9
Michelss
1884
(+)
Hồ Đắc Hàm
1929
Gạn gùng
10
Ấn Thư hội
1896
(+)
Huyền Mặc
1930
Gạn gùng
11
Kiều Oánh Mậu
1902
(+ ) (+)
Ngô Tử Cống
1931
Gạn gùng
12
Chu Mạnh Trinh A
1906
(+)
Ng. Can Mộng
1936
Gạn gùng
13
Chu Mạnh Trinh B
1906
(+)
Tản Đà
1941
Gạn gùng
14
Quan Văn đường
1911
(+)
Bùi Kỷ-TT.Kim
1950
Gạn gùng
15
Liễu Văn-Quảng tập
1916
(+) (+)
Trung Chính
1951
Gạn gùng
16
Phúc Văn đường
1918
(+)
Trần Ngọc
1952
Gạn gùng
17
Thịnh Mỹ đường
1919
(+)
Lê Văn Hòe
1953
Gạn gùng
18
Liễu Văn đường
1919
(+) (+)
Bùi Kỷ
1957
Gạn gùng
19
Quảng Thịnh đường
1922
(+)
Văn Hồng Thịnh

Gạn gùng
20
Liễu Văn-Quảng tập
1924
(+) (+)
Ng. Việt Hoài
1957
Gạn gùng
21
Phúc Văn đường
1932
(+)
Ng. Văn Hoàn
1965
Gạn gùng
22
Phúc An hiệu
1933
(扌+件) (口隅)
Ng. Thạch Giang
1973
Gạn gùng
23
Chiêm Vân thị

(辶+顿) (+巢)
Đào Duy Anh
1974
Gạn gùng
24
VNb.60

(+)
Đào Duy Anh
1979
Gạn gùng
25
Kinh Bắc

(木 +菜)
Đặng Thanh Lê
1984
Gạn gùng
26
R.987

(口+氵+件) (口+窮)
Ng. Quảng. Tuân
1995
Gạn gùng
27
R.2003

(辶+顿)(+)
Phan Ngọc
1989
Gạn gùng
28
Giản Chi

(氵+件) (口+隅)
Vũ Văn Kính
1998
Gạn gùng
29
R.274

(口 +隅)
Chiêm Vân thị

Đón rào
30
Lâm Ngọa Phu
1870
(+)
Ng. Tài Cẩn
2002
Đón rào
31
Bản Thái Bình

(+) (+ )


Đón rào
* Trong ngoặc đơn là một chữ Nôm có cấu tạo bởi 2 hoặc 3 bộ thủ ghép lại.
Người lập biểu: Nguyễn Khắc Bảo
Thông báo Hán Nôm học 2003, tr.28-42

Friday 26 October 2012

Công việc biên soạn từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam (Lê Trung Hoa)


Công việc biên soạn từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam

EmailIn
          1.Sau vài chục năm tìm hiểu lí luận và biên soạn vài cuốn sổ tay địa danh Việt Nam và một số từ điển địa danh ở các tỉnh thành*, tiếp theo chúng ta phải có một cuốn từ điển địa danh Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa của nó. Đây là một công trình quy mô, khoa học, đòi hỏi nhiều sức của, sức người của cả nước. Trong thời gian chờ đợi công trình đó, với điều kiện eo hẹp, chúng tôi cố gắng và hòan thành Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, nhằm góp một phần nhỏ vào công trình vừa nêu.
            2.1.Nhiệm vụ, mục tiêu:
            Địa danh học có nhiều việc phải nghiên cứu. Trước hết, phải xác định các phương thức đặt địa danh. Tiếp theo, phải nói về cấu tạo của địa danh. Nhiệm vụ sau cùng và quan trọng nhất là xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh. Đây là công việc rất khó khăn nên hầu hết các cuốn sổ tay và từ điển địa danh đã công bố đều không hoặc ít đề cập đến. Do đó, nhiệm vụ của cuốn từ điển từ nguyên phải giải quyết, mới mong đáp ứng được nhu cầu  của đông đảo bạn đọc trí thức cũng như bình dân, nhất là các hướng dẫn viên du lịch.
            2.2.Dung lượng từ điển:
            Đây là cuốn từ điển từ nguyên địa danh đầu tiên ở nước ta, nên không thể lớn quá nhưng cũng không nên quá nhỏ. Chúng tôi ước định độ 4.000 mục từ với số trang tương ứng độ 400 trang khố A4. Dung lượng cỡ này vừa phù hợp với trình độ địa danh học sơ khai ở nước ta vừa hợp với điều kiện kinh tế của dân ta hiện nay.
2.3. Cấu trúc mục từ:
Mỗi mục từ gồm 7 nội dung sau đây:
2.3.1.Tên mục từ:
Chúng ta không đưa yếu tố chung chỉ tiểu loại địa danh vào. Ví dụ: Đối với rạch Chiếc, cầu Giấy, chúng ta không đưa các từ rạch, cầu vào tên mục từ mà chỉ nêu các yếu tố riêng vào đây: Chiếc, Giấy. Ở đây có bốn vấn đề cần giải quyết.
 Thứ nhất, chỉ khi nào yếu tố chung đó trở thành một thành tố của địa danh theo phương thức chuyển hoá (tên rạch biến thành tên cầu, tên cầu biến thành tên chợ, phường…) thì chúng ta mới đưa vào. Ví dụ: cầu Rạch Chiếc, quận Cầu Giấy thì tên mục từ sẽ là Rạch Chiếc, Cầu Giấy.
Thứ hai, đối với các địa danh bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số, yếu tố chung thường không được rõ nghĩa và thường được dùng gắn chặt với yếu tố riêng, vì thế chúng ta nên đưa các yếu tố chung này vào tên mục từ; thí dụ Nậm Rốm, Đa Nhim, Plei Ku…
Thứ ba, nếu địa danh là tên người thì ta không được đưa danh từ chung chỉ tiểu loại địa danh vào mà chỉ nêu tên người, vì nhân danh lúc này đã trở thành địa danh. Thí dụ: đường Lê Lợi, thành phố Hồ Chí Minh, huyện Trần Văn Thời… thì chỉ nêu: Lê Lợi, Hồ Chí Minh, Trần Văn Thời…
Thứ tư, nếu địa danh là số từ, ta không nêu danh từ chung mà chỉ nêu số từ, được viết bằng số hoặc bằng chữ. Thí dụ: phường 5, quận 3 thì chỉ nêu: 5 hoặc Năm, 3 hoặc Ba hay Năm/5, Ba /3,…
2.3.2. Tiểu loại địa danh:
Yếu tố chung chỉ tiểu loại địa danh là các từ: sông, rạch, núi, hồ… (địa danh chỉ địa hình thiên nhiên); ấp, xã, huyện, tỉnh… (địa danh hành chính); vùng, xóm, khu, miền… (địa danh vùng); cầu, đường, công viên, sân vận động… (địa danh chỉ công trình xây dựng).
Giữa mục 1 và mục 2, tuyệt đối không được có sự trùng lặp. Vì không tôn trọng qui tắc này, các tác giả Sổ tay địa danh Việt Nam thứ hai đã mắc phải:
Sông Hương: sông chảy qua thành phố Huế.
Cũng thế, nếu xem cả từ tổ thành phố Hồ Chí Minh, huyện Trần Văn Thời là địa danh, ta cũng vi phạm ngay:
Thành phố Hồ Chí Minh: thành phố ở Nam Bộ…
Huyện Trần Văn Thời: huyện của tỉnh Cà Mau…
2.3.3. Vị trí của đối tượng:
Ta phải nói rõ đối tượng của địa danh nằm trên địa bàn của đơn vị hành chính nào, tiếp giáp với những đối tượng nào khác. Nếu đối tượng là sông rạch, thì ta phải nói rõ sông rạch đó chảy từ đâu đến đâu…
2.3.4. Các chi tiết liên hệ đến đối tượng:
Các chi tiết liên hệ đến đối tượng rất đa dạng. Nếu đó là núi đồi, ta phải nói đến độ cao. Nếu đó là công viên, quảng trường, ta phải nói đến diện tích. Đối với cầu cống, phải nói rõ chiều dài, chiều rộng (và có thể cả tải trọng). Đối với đường phố, cần nói rõ chiều dài và lộ giới. Nếu đó là sông rạch, nên nói rõ về độ dài, chiều rộng, độ sâu. Đối với các đơn vị hành chính thì phải nói đến diện tích, dân số, số lượng và tên các đơn vị nhỏ ở trong đơn vị đang đề cập, hoặc thuộc về đơn vị lớn nào…
2.3.5. Thời điểm ra đời của địa danh:
Nếu biết chắc chắn, ta phải đưa vào. Chẳng hạn, phủ Gia Định được lập năm 1698; cầu Chữ Y được xây dựng trong các năm 1938-1941; thành phố Hồ Chí Minh được chính thức gọi vào ngày 2-7-1976. Nếu ta không biết chính xác ngày, tháng, năm, ta có thể nêu khoảng thời gian. Chẳng hạn, địa danh Thị Nghè (tp. Hồ Chí Minh) ra đời trong khoảng thời gian 1725-1750. Nếu không biết rõ thời điểm thì có thể phỏng đoán nhưng phải có căn cứ.
2.3.6. Nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh:
Đây là vấn đề trọng tâm mà người làm từ điển phải lưu ý. Nội dung này rất thú vị đối với người đọc. Thế nhưng điều này cũng cực kì khó. Vì vậy, hầu hết các tác giả của những cuốn từ điển đã xuất bản đều phớt lờ vì phải tốn nhiều thời gian và công sức mới có thể hi vọng phát hiện hoặc hoàn toàn vô vọng.
Dù sao, người biên soạn từ điển cũng phải cố gắng tối đa. Đối với những địa danh mà ta đã tìm được nguồn gốc và ý nghĩa, ta phải trình bày theo những cách sau đây:
Nếu địa danh vốn là tên người (như Ông Tạ ở tp. HCM), ta phải nói rõ tiểu sử và sự nghiệp của nhân vật ấy.
Nếu địa danh vốn là tên cây (như Củ Chi, tp. HCM), ta phải miêu tả chi tiết hình dáng, màu sắc, đặc điểm về thân, lá, rễ, trái… của cây ấy.
Đối với địa danh vốn là tên một địa hình (như rạch Bùng Binh), ta cần phải mô tả hình dáng của địa hình ấy.
Nếu địa danh vốn là tên một con vật chỉ có ở địa phương (như rạch Cá Tra), chúng ta phải miêu tả hình dáng của con vật đó.
Đối với các địa danh vốn là từ cổ, từ địa phương (như Hóc Môn, rạch Thai Thai) hoặc từ mượn của một ngôn ngữ khác (như Vàm Láng), ta cần miêu tả các nét nghĩa và nói rõ từ đó được mượn từ ngôn ngữ nào…
2.3.7. Sự chuyển biến của địa danh và đối tượng:
Nhiều địa danh, sau một thời gian hành chức đã có những biến đổi vỏ ngữ âm. Những nguyên nhân này có thể nội tại hay ngoại lai. Ta phải trình bày đầy đủ âm gốc và âm biến. Ảnh hưởng bởi ngữ âm địa phương, Hàng Sanh, Gò Vắp… (tp. HCM) chuyển thành Hàng Xanh, Gò Vấp… Dưới tác động của luật dị hoá vần, Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn, … biến thành Bà Bèo, Bà Hói, Bà Môn, … Ảnh hưởng bởi sự in ấn, Thạnh Đa, Lôi Giáng… chuyển thành Thanh Đa, Lôi Giang… Các địa danh Đa Kao, Lăng Cô, Kì Hoà là kết quả do ảnh hưởng của người Pháp và tiếng Pháp…
Nhiều đối tượng của địa danh – nhất là các đơn vị hành chính và đường phố – có thể thu hẹp hoặc mở rộng. Tân Bình (tp. HCM) ban đầu là tên huyện, sau chuyển thành tên trấn, rồi phủ, quận, tỉnh rồi trở lại quận với diện tích thay đổi theo đơn vị hành chính. Hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên có một thời gian nhập làm một thành tỉnh Phú Khánh (cuối năm 1975), sau đó lại tách ra thành hai tỉnh và mang tên cũ (cuối năm 1991). Tương tự như vậy, trước năm 2000, đường Cách Mạng Tháng Tám ở tp. Hồ Chí Minh dài hơn 12.000m. Đến ngày 7- 4 -2000, đường được cắt làm hai đường mang tên Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh. Đường Trương Định hiện nay, trước ngày 14 -8 -1975, là hai đường Trương Định và Đoàn Thị Điểm…
Vì đây là cuốn từ điển từ nguyên nên chúng tôi đưa nội dung thứ sáu xuống vị trí cuối cùng và tách thành một phần riêng.
2.4. Việc chọn mục từ:
Trong Từ điển từ nguyên địa danh này, chúng tôi qui định việc chọn mục từ như sau:
a)Đối với địa danh hành chính: Chúng tôi chỉ đưa vào từ điển tên các đơn vị từ cấp quận huyện trở lên (có tổng số 64 tỉnh thành và 638 quận huyện – năm 2006) vì đơn vị xã phường rất lớn. Tất cả các mục từ đều nói rõ đơn vị mà nó trực thuộc và tên những đơn vị mà nó hàm chứa. Ngoài ra, chúng tôi cũng nói rõ diện tích, dân số, năm thống kê (đến năm 2006), năm thành lập (một số mà chúng tôi có tài liệu). Những địa danh nào chúng tôi biết từ nguyên thì có nói rõ, nếu không biết thì ghi “chưa biết rõ”.
Vì đây là cuốn từ điển từ nguyên nên chúng tôi đưa cả những đơn vị dưới cấp quận huyện (xã, phường, ấp, bản) nhưng biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa và có những điểm đặc biệt. Còn những địa danh nào quá dễ hiểu, chúng tôi không đưa vào.
b)Đối với địa danh chỉ địa hình thiên nhiên: Chúng tôi đưa những tên đất đã biết rõ từ nguyên hoặc đã có người giải thích từ nguyên. Ngoài ra, những địa danh có tầm cỡ trong khu vực, được nhiều người biết đến, nhưng chưa biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa chúng tôi cũng nêu ra để tranh thủ ý kiến của mọi người.
c)Đối với địa danh chỉ công trình xây dựng: Chúng tôi quan niệm những công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều như cầu, đường, sân vận động,…mới là địa danh; còn những công trình xây dựng có không gian ba chiều như chùa, đình, nhà thờ, thánh thất,…không thuộc khái niệm địa danh**. Chúng tôi chỉ đưa vào từ điển những công trình tương đối lớn (như cầu dài trên 300m) hoặc có điểm đặc biệt hoặc tiêu biểu của địa phương. Còn đường phố có số lượng quá lớn, lại trùng lặp nhiều lần (vì vốn là tên danh nhân) và từ nguyên rõ ràng thì không đưa vào.
d)Đối với địa danh chỉ vùng: Chúng tôi chỉ đưa một số hạn chế có nguồn gốc rõ ràng và thú vị.
Đối với những địa danh chưa biết thuộc tiểu loại nào, chúng tôi tạm ghi là “địa điểm”. Còn những địa danh chúng tôi đã biết từ nguyên nhưng chưa biết cụ thể thuộc huyện, tỉnh nào thì tạm thời ghi “vùng”.
Địa danh nào có nhiều cách lý giải, chúng tôi trình bày đầy đủ và đưa ra ý kiến cá nhân nếu có thể.
2.5.Từ nguyên tiếng Việt:
Từ nguyên là nguồn gốc của từ ngữ. Ngoài nguồn gốc, ý nghĩa cũng thuộc từ nguyên. Trong địa danh học, từ nguyên còn bao hàm lí do xuất hiện của địa danh. Bởi vì, nhiều địa danh có nguồn gốc và ý nghĩa đã rõ ràng, nhưng nếu không được giải thích lý do ra đời, mọi người sẽ không hiểu.
Từ nguyên tiếng Việt nói chung và địa danh Việt Nam nói riêng hết sức phức tạp. Ngoài 54 ngôn ngữ dân tộc của đại gia đình Việt Nam, tiếng Việt còn chịu ảnh hưởng của tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Mã Lai,…Do đó, cho đến nay chúng ta chưa có một cuốn từ điển từ nguyên tiếng Việt với đầy đủ ý nghĩa của nó.
2.6.Cách giải thích từ nguyên:
Đây là công việc trọng tâm của từ điển này. Do đó, chúng tôi thực hiện mấy cách sau đây:
a)Giải thích nguồn gốc, ý nghĩa, lý do: Đối với những địa danh mà chúng tôi biết đầy đủ các chi tiết thì được giải thích cặn kẽ đủ cả ba khía cạnh. Thí dụ:
Hà Nội: gốc Hán Việt, nghĩa là “trong sông”, vì thnh phố nằm giữa hai sông Hồng và sông Đáy.
b)Chỉ giải thích nguồn gốc, ý nghĩa: Đối với các địa danh chưa biết lý do, chúng tôi chỉ giải thích nguồn gốc, ý nghĩa. Thí dụ:
Cấp Rang (ấp): gốc Pháp Caporal, nghĩa l “viên cai”.
c)Chỉ giải thích nguồn gốc, lý do: Đối với những địa danh chúng tôi chưa biết nghĩa. Thí dụ:
Phó Bảng: gốc Pu Péo, do hiện tượng “mượn âm” địa danh Mơbiêng.
d)Không giải thích từ nguyên:
Đối với những địa danh vốn là số, chúng tôi không giải thích từ nguyên vì không cần thiết.
Đối với một số địa danh Hán Việt, hoặc vì khóng có chữ Hán kèm theo hoặc chưa biết rõ ý nghĩa do hiện tượng đồng âm và đa nghĩa, chúng tôi phải tạm gác lại, đợi khi nào có điều kiện mới giải quyết. Đây là mảng địa danh phong phú nhưng khó giải thích nhất.
2.7.Việc chú thích tên tác giả, tác phẩm:
Để bảo đảm tính khoa học cũng như quyền lợi tinh thần và trách nhiệm của những người đã có ý kiến giải thích nguồn gốc các địa danh trước đây, chúng tôi có chú thích tên tác giả hoặc tác phẩm sau khi giải thích từ nguyên. Tên tác giả và tác phẩm được viết tắt để tiết kiệm và được giới thiệu ở đầu từ điển.
            3.Do địa bàn quá rộng (64 tỉnh thành), số lượng địa danh quá lớn (hàng chục nghìn), số lượng ngôn ngữ quá nhiều (trên 54 ngôn ngữ dân tộc), vấn đề khá phức tạp (từ nguyên) mà thời gian biên soạn quá ngắn (hai năm), kinh phí eo hẹp, tư liệu hạn chế và sự hiểu biết của cá nhân có hạn nên chắc chắn từ điển còn nhiều sai sót. Do đó, chúng tôi vô cùng biết ơn các bậc cao minh chỉ ra những khiếm khuyết để chúng tôi có điều kiện sửa chữa, khắc phục trong những lần in sau, nếu sách được tái bản.

                                                            CHÚ THÍCH
            * Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Lao động, 1996.
            Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Giáo dục, 1998.
            Ngô Đăng Lợi (chủ biên), Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.
      Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tpHCM, Nxb Trẻ, 2003.
             **Trong một cuốn sách của Liên Xô viết về địa danh trước đây mà chúng tôi đã đọc và rất tiếc đã quên tên, có nêu một thí dụ để phân biệt địa danh và không phải địa danh như sau: Một nhà máy có tên Công Nhân, tên đó không phải là địa danh. Nhưng trạm xe buýt trước nhà máy ấy lên trạm là Công Nhân thì tên này là địa danh. Sách không giải thích gì thêm. Chúng tôi suy ra: Trạm xe buýt chỉ có mặt bằng, tức không gian hai chiều nên tên trạm là địa danh; còn nhà máy có không gian ba chiều (chiều thứ ba là vách tường) nên không phải địa danh. Và chúng tôi gọi các đối tượng có không gian ba chiều như đình, chùa, tháp, cơ quan, trường học,… là hiệu danh.

                                                TƯ LIỆU THAM KHẢO
1.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Lao động, 1996.
2.Lê Trung Hoa (chủ biên), Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh, tp.HCM, Nxb Trẻ, 2003.
3.Lê Trung Hoa, Địa danh học Việt Nam, HN, Nxb KHXH, 2006.
4.Ngô Đăng Lợi (chủ biên), Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.
            (Bài này đã đăng trên tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, số 1 (9), 2011)
Nguồn: Khoa Văn Học và Ngôn Ngữ - Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh

Thursday 25 October 2012

Vài nét về địa danh tỉnh Tây Ninh (Lê Trung Hoa)


Vài nét về địa danh tỉnh Tây Ninh

EmailIn
(Hình ảnh: Núi Bà Đen, Tây Ninh nhìn từ xa; nguồn: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=1556.100)
1.Nam Bộ gồm 2 thành phố và 17 tỉnh. Chúng tôi đã và đang hướng dẫn sinh viên và học viên cao học sưu tập và nghiên cứu địa danh của 11 tỉnh, thành; còn 8 tỉnh, thành chưa có điều kiện thực hiện khảo cứu, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Bài viết này mở đầu cho công việc sắp tới.
2.1.Chúng tôi chia địa danh Việt Nam làm 4 loại: địa danh chỉ địa hình thiên nhiên (tên núi, sông, rạch, biển,…), địa danh hành chính (tên thôn, xã, quận, huyện,…), địa danh vùng (tên khu, xóm, địa điểm,…) và địa danh chỉ công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều (tên cầu, đường, công viên, sân vận động,…)*.
2.2.Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt điểm qua bốn loại địa danh trên.
2.2.1. Trước hết là loại địa danh chỉ địa hình.
Bà Đen là tên ngọn núi cách thị xã Tây Ninh 15km, cao 986m, một điểm du lịch nổi tiếng. Cũng gọi là núi Bà.
Có 5 giả thuyết giải thích nguồn gốc của địa danh này: 1.Nàng Đênh quyết chí đi tu ở núi; cha mẹ ép duyên; nàng trốn biệt tích; tên núi Bà Đênh nói chệch thành Bà Đen [5]. 2. Cô Lý Thị Thiên Hương yêu và định lấy một trí thức tên Lê Sĩ Triệt, nhưng bị tên công tử bắt cóc; nàng tuẫn tiết; vua phong cho nàng là Linh Sơn Thánh mẫu [8]. 3. Nàng Rê Đeng cùng chàng trai đắp núi thi; cuối cùng nàng thắng, tên nàng trở thành tên núi; 4. Nữ Oa và Tứ Tượng thi đắp núi; nếu Tứ Tượng thắng thì thành vợ chồng; cuối cùng nàng thắng; núi nàng đắp trở thanh núi Bà Đen. 5. TS. Thái Văn Chải (trao đổi riêng) bảo rằng: Có một nữ thần của người Khmer, gọi là “Mẹ Đen” (Néang Khmâu), mà hòn núi là bàn chân của bà nên trước đây thường gọi là Phnom Chơn Bà Đen (người Việt gọi núi Chơn Bà Đen)[10]; hiện trên núi còn dấu chân này. Chúng tôi vừa đến đó (2009) và thấy dấu chân này khắc trên đá, lớn hơn dấu chân người một chút. Thuyết thứ 5 có lý nhất.
Cái Răng là rạch ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
Cái Răng còn là tên quận của thành phố Cần Thơ; tên cầu trên một tuyến đường ở tỉnh An Giang và là tên đường nông thôn ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.
Có ý kiến cho rằng Cái Răng do từ Khmer Kran “cái cà ràng” mà ra [10]. Chúng tôi nhận thấy: k- thường biến thành cà (crème > cà rem) chứ không biến thành cái. Cái là “rạch” (ở Nam Bộ có độ 300 địa danh mang từ Cái ở đầu); Răng: có lẽ do Kran.
Chàm là hang ở núi Bà Đen, nơi có nhiều đồng bào Chăm vào nghỉ ngơi, ăn uống. Chàm là từ chỉ người, nướcChăm / Chămpa, vì trước đây họ từng ở nơi này.
Rỏng Tượng là tên một dòng nước ở tỉnh Tây Ninh. Cũng gọi là Láng Tượng.
Rỏng Tượng là đường khuyết sâu do voi đi lại nhiều lần tạo nên.
Trao Trảo là gò ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.
Trao Trảo có lẽ là biến âm của tên cây trao tráo, là “loại cây cao 3-4m, thân không gai, trái dẹp, không ăn được, lá giống lá quýt” [1].
 2.2.2.Tiếp theo là địa danh chỉ vùng.
Bàu Nâu là địa điểm ở huyện Gò Dầu.
Bàu Nâu là cái bàu, ở đó có cây nâu - một loại “dây leo, củ có màu đen dùng nhuộm vải” [4]. Ở tỉnh Tiền Giang cóGiồng Nâu.
Bến Đổi là địa điểm nay thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Gò Dầu. Cũng gọi Trường Đổi.
Bến Đổi là “nơi trao đổi hàng hoá giữa người Việt và người Chăm” lúc quân Pháp mới xâm chiếm vùng này [8].
Bến Kéo là địa điểm thuộc xã Long Thành, tỉnh Tây Ninh, trên qưốc lộ 22, cách tỉnh lỵ 8km. Vì trước kia đường sá khó đi nên hàng hoá từ Sài Gòn chở đến đây phải tập trung lại để thuê xe bò chở tiếp.
Bến Kéo là “bến tập trung xe để kéo hàng” [8].
Bố Heo là địa điểm ở trong núi Bà Đen.
Bố Heo có thể là khu có nhiều cây bố, có heo rừng sinh sống ở đó. Cây bố cũng gọi là cây đay, là “cây trồng thuộc loại thân cỏ, vỏ thân có thể tạo sợi dùng làm bao tải, dây buộc” [11]. Có lẽ Bố trong  Bố Lá ở Bình Phước cũng là từ này.
Gò Dầu Hạ và Gò Dầu Thượng là hai khu vực thuộc huyện Gò Dầu.
Gò Dầu Hạ là “gò cây dầu ở phía dưới” và Gò Dầu Thượng là “gò cây dầu ở phía trên”, Gò Dầu Hạ xa biên giới Việt Nam-Campuchia hơn Gò Dầu Thượng.
2.2.3. Kế đến là tên công trình xây dựng.
Dầu Tiếng là hồ nhân tạo ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, cách thị xã Tây Ninh 20km, diện tích 27.000ha, chứa 1,5 tỉ mét khối nước để phục vụ tưới tiêu cho tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Dầu Tiếng còn là tên huyện và thị trấn của tỉnh Bình Dương, được tách ra từ huyện Bến Cát từ năm 1999.
Chúng tôi chưa biết nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này.
Mộc Bài là cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia, ở huyện Gò Dầu, diện tích 21.284ha, có 180.000 lao động tại chỗ; nơi trao đổi hàng hoá giữa hai nước.
Mộc Bài gốc Hán Việt, nghĩa là “cái thẻ hay cái bảng bằng gỗ để làm dấu, chỉ ranh đất” (tablette).
Ông Năm Vinh là tên bến đò ở huyện Gò Dầu. Cũng gọi là bến đò Cầu Sắt.
Ông Năm Vinh là Trình Minh Vinh, cha của Trình Minh Thế, độc quyền quản lý, thường xuyên có hai chiếc tàu đò chạy từ Cầu Sắt đến Cẩm Giang và ngược lại [9].
Tha La là vùng đất ở xã An Hoà, huyện Trảng Bàng. Tha La còn là tên ao ở xã Tân Lý Tây, tỉnh Tiền Giang; tên xóm ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, tên chợ ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.        
Tha La gốc Khmer Sa-la, có hai nghĩa là “trường học” và “chòi ở bên đường để khách nghỉ chân”.
Trại Bí là địa điểm gần núi Bà Đen, thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên, cách thị xã Tây Ninh 22km.
            Trại Bí là nơi mà những người đi chặt củi, bứt mây rừng đem theo bí nấu canh, bỏ hột nên bí mọc khắp nơi [8].
Gò Chai là bến phà vượt sông Vàm Cỏ Đông, thuộc huyện Châu Thành.
Gò Chai là  có nhiều cây chai mọc. Chai là loại cây cho mủ đóng cục, nấu chảy để thắp, đốt.
Gò Kén là địa điểm ở xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành.
Gò Kén là  đất rộng có mọc nhiều cây kén, một loại cây có lá xanh, trái chín như trái hồng đào [8].
2.2.4.Sau cùng là địa danh hành chính.
Địa danh Tây Ninh hiện nay vừa là tên tỉnh vừa là tên thị xã.
Tỉnh Tây Ninh hiện nay có diện tích 4.029,6km2, dân số 1.066.402 người (2009), gồm thị xã Tây Ninh và 8 huyện: Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Hoà Thành, Tân Biên, Tân Châu, Trảng Bàng với 8 thị trấn, 5 phường và 82 xã.
Thị xã Tây Ninh gồm 5 phường: 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh và 5 xã: Bình Minh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh, Tân Bình, Thạnh Tân.
Ở mùa thu năm 1836, Tây Ninh là một phủ của tỉnh Gia Định, gồm hai huyện với 7 tổng và 56 xã thôn. Năm 1878, Tây Ninh là một hạt của khu vực Sài Gòn, gồm 2 huyện Tân Ninh và Trảng Bàng. Đến năm ngày 1-1-1900, Tây Ninh trở thành một tỉnh của Nam Bộ [3].
Tỉnh Tây Ninh được thành lập lại ngày 22-10-1956 (tỉnh lỵ Tây Ninh). Ngày 3-1-1957, tỉnh Tây Ninh có 3 quận (Châu Thành Tây Ninh, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng). Quận Châu Thành Tây Ninh gồm 6 tổng; quận Gò Dầu Hạ gồm 3 tổng và quận Trảng Bàng chỉ có 1 tổng (Hàm Ninh Hạ).
Trong Mê-kông ký sự, người ta thấy ở Trung Quốc hiện giờ cũng có địa danh Tây Ninh.
Tây Ninh gốc Hán Việt, nghĩa là “an ninh ở phía tây”.
Bến Cầu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 233,3km2, dân số 59.000 người (2006), gồm thị trấn Bến Cầu và 8 xã: An Thạnh, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Phước, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận. Tên huyện ra đời năm 1961.
Bến Cầu là “bến nằm cạnh cái cầu”. Chúng tôi chưa biết vị trí bến và cây cầu cụ thể nào ở đây.
Châu Thành là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 571,3km2, dân số 119.200 người (2006), gồm thị trấn Châu Thành và 14 xã: An Bình, An Cơ, Biên Giới, Đồng Khởi, Hảo Đước, Hoà Hội, Hoà Thạnh, Long Vĩnh, Ninh Điền, Phước Vinh, Thái Bình, Thanh Điền, Thành Long, Trí Bình. Tên huyện ra đời năm 1942.
Châu Thành đồng nghĩa với thành phố. Huyện nào bao quanh thị xã hoặc thành phố thì gọi là huyện Châu Thành. Ở Nam Bộ hiện có tất cả 11 huyện mang tên Châu Thành.
Dương Minh Châu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 606,5km2, dân số 99.500 người (2006), gồm thị trấn Dương Minh Châu và 10 xã: Bàu Năng, Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là, Lộc Ninh, Phan, Phước Minh, Phước Ninh, Suối Đá, Truông Mít.
Dương Minh Châu (1912-1947) quê tại làng Linh Thạnh, tỉnh Tây Ninh, là Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Tây Ninh, đại biểu Quốc hội khoá 1, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1998.
Gò Dầu là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 250,5km2, dân số 135.300 người (2006), gồm thị trấn Gò Dầu và 8 xã: Bàu Đồn, Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Đông, Phước Thạnh, Phước Trạch, Thanh Phước, Thạnh Đức.
Gò Dầu gốc thuần Việt, vốn có nghĩa là “gò có nhiều cây dầu”.
Trảng Bàng là quận từ ngày 3-1-1957, gồm quận lỵ Gia Lộc và 7 xã: An Hoà, An Tịnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, Phước Chỉ.
Hiện nay, Trảng Bàng là huyện của tỉnh Tây Ninh, diện tích 337,8 km2, dân số 139.400 người (2006), gồm thị trấn Trảng Bàng và 10 xã: 7 xã cũ và 3 xã mới: Bình Thạnh, Hưng Thuận, Phước Lưu.
Trảng Bàng được dùng làm địa danh hành chính năm 1878. Trảng là khoảng đất rộng giữa rừng hoặc giữa hai khu rừng. Còn Bàng có lẽ là cỏ bàng. Vậy Trảng Bàng vốn có nghĩa là cái trảng có nhiều cỏ bàng. Còn theo Trương Vĩnh Ký, trước kia người Khmer gọi vùng đất này là Srôk Oknha Păn (xứ Ông quan Păn).
Tiếp theo, chúng tôi thử giải mã một số tên xã gốc thuần Việt.
Bàu Đồn là xã của huyện Gò Dầu.
Bàu Đồn là “cái bàu ở gần một đồn lính”. Chưa biết cụ thể đồn này tên gì.
Bàu Năng là xã của huyện Dương Minh Châu.
            Bàu Năng có lẽ có dạng gốc là Bàu Năn, tức “bàu cỏ năn”, bị viết sai chính tả.
Bến Củi là xã của huyện Dương Minh Châu.
Bến Củi là “bến chứa nhiều củi”.
Cầu Khởi là xã của huyện Dương Minh Châu.
Cầu Khởi có dạng gốc là Cầu Khỉ, chỉ chiếc cầu nhỏ và không vững chắc.
Chà Là là xã của huyện Dương Minh Châu.
Chà Là có lẽ là tên cây mọc nhiều ở vùng này.
Mỏ Công là xã của huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Chúng tôi chưa biết nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh này.
Suối Dây là xã của huyện Tân Châu.
Suối Dây có lẽ là “con suối chảy qua vùng rừng có nhiều dây leo”.
Suối Đá là xã ở huyện Dương Minh Châu.
Suối Đá vì dưới lòng và hai bên suối có nhiều đá lớn nhỏ.
Suối Ngô là xã của huyện Tân Châu.
Suối Ngô có lẽ là “suối chảy qua vùng trồng nhiều bắp”.
Truông Mít là xã của huyện Dương Minh Châu.
Truông Mít là “vùng đất hoang, rậm, có nhiều cây mít”.
Sau đây chúng tôi thử giải mã một số tên xã gốc Hán Việt.
Cẩm Giang là xã của huyện Gò Dầu, có nghĩa là “sông gấm”.
Long Chữ là xã của huyện Bến Cầu.Long Chữ có lẽ có dạng gốc là Long Chử, từ tổ Hán Việt, nghĩa là “bãi lớn/thịnh vượng”. Do người ta không biết nghĩa của từ Chử và rất quen với từ Chữ nên viết sai.
Hảo Đước là xã của huyện Châu Thành. Hảo Đước có âm gốc là Hảo Đức, có nghĩa là “đạo đức và tốt đẹp”. Có lẽ do kiêng húy Nguyễn Huỳnh Đức hoặc Trịnh Hoài Đức, là những quan lớn ở thế kỷ 19 nên phải nói chệch.
Tân Bình là xã của thị xã Tây Ninh và huyện Tân Biên, có nghĩa là “yên bình ở nơi đất mới”.
Tân Phong là xã của huyện Tân Biên, có nghĩa là “gió mới”.
Thanh Điền là xã của huyện Châu Thành, có nghĩa là “ruộng xanh”.
Trường Hòa là xã của huyện Hòa Thành, nghĩa là “hòa thuận lâu dài”.
3.Trên đây chỉ là bước đầu khảo sát vài chục địa danh ở tỉnh Tây Ninh. Khi điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu kỹ hơn, đầy đủ hơn địa danh ở vùng đất này. Hi vọng ngày ấy không xa.                                        

                                               
CHÚ THÍCH
*Trong một cuốn sách của Liên Xô trước đây viết về địa danh mà chúng tôi đã đọc và rất tiếc đã quên tên, có nêu một thí dụ để phân biệt địa danh và không phải địa danh như sau: Một nhà máy có tên Công Nhân, tên đó không phải là địa danh. Nhưng trạm xe buýt trước nhà máy ấy có tên trạm là Công Nhân thì tên này là địa danh. Sách không giải thích gì thêm. Chúng tôi suy ra: Trạm xe buýt chỉ có mặt bằng, tức không gian hai chiều nên tên trạm là địa danh; còn nhà máy có không gian ba chiều (chiều thứ ba là vách tường) nên tên nhà máy không phải địa danh. Và chúng tôi gọi các đối tượng có không gian ba chiều như đình, chùa, tháp, cơ quan, trường học,… là hiệu danh.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH – NV, tp.HCM, 2008.
2.Danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam, HN, Nxb Thống kê, 2008.11
3.Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ lục tỉnh, Nxb tp.HCM, 1994.
4.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.
5.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
6.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, 2009, bản đánh máy.
7.Trương Vĩnh Ký, x. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.
8.Huỳnh Minh, Tây Ninh xưa, HN, Nxb Thanh niên, 2001.
9.Nguyễn Văn Nữa (cb), Địa chí Tây Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xb, 2006.
10.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.
11.Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, HN, Nxb KHXH, 2007.
VÀI NÉT VỀ ĐỊA DANH TỈNH TÂY NINH
Địa danh tỉnh Tây Ninh chưa được nghiên cứu nhiều. Bài viết này là bước đầu tím hiểu. Địa danh Việt Nam được tác giả chia làm 4 loại: địa danh chỉ địa hình, địa danh chỉ vùng, địa danh chỉ công trình xây dựng và địa danh hành chính. Ở mỗi loại, tác giả chỉ giải mã một số tiêu biểu.

SOME NOTES ON THE TOPONYMS IN TAY NINH PROVINCE
The toponyms in Tay Ninh have not been studied a lot. This paper is our initial research. The toponyms in Vietnam are divided into four categories: toponyms indicating topology, toponyms showing regions, toponyms introducing building works and administrative toponyms. In each category, the author decodes only some typical ones.
  PGS. TS. Lê Trung Hoa
Nguồn: Khoa Văn Học và Ngôn Ngữ - Đại Học Khoa Học Xã Hội Thành Phố Hồ Chí Minh

Tuesday 23 October 2012

Về chữ liền trong liền anh liền chị _ An Chi (Đã đăng trên Đương Thời số 12-2009).

      Liền anh và liền chị là những lối nói mang tính biệt ngữ trong sinh hoạt  dân ca Quan họ, dùng để chỉ hoặc gọi từng thành viên nam hoặc nữ của một bọn Quan họ. Tuy tài liệu tham khảo về Quan họ không đến nỗi quá nghèo nàn nhưng thật khó mà tìm được một lời giải thích về từ nguyên của chữ liềntrong các cấu trúc trên. Ở đây, chúng tôi xin phân tích chữ này về các mặt ngữ âm, ngữ nghĩa, và ngữ pháp để thử tìm về nguồn gốc của nó.
        Về ngữ pháp thì, cứ theo cách sử dụng phổ biến và quen thuộc, cũng như theo cảm thức tự nhiên của người Việt, ta có thể khẳng định rằng liền anhliền chị là những ngữ danh từ, nghĩa là những cấu trúc do danh từ làm trung tâm. Trong liền anh và liền chị thì liền là trung tâm. Vậy liền là danh từ. Nhưng không một quyển từ điển tiếng Việt quen thuộc nào có ghi nhận danh từ liền. Thuộc loại đáng tin nhất và cũng là loại mới nhất như Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) cũng chỉ ghi nhận chữ liền với tính cách là tính từ, phụ từ (phó từ) và kết từ (liên từ) mà thôi. Lý do là , đối với tiếng Việt toàn dân hiện đại, thì liền là một từ cổ, nghĩa là một từ đã “chết” (nên nhiều người thậm chí còn không biết rằng nó có tồn tại). Nó chỉ còn “sống” ở một vài địa phương mà ngay ở những địa phương này thì nó cũng chỉ còn được sử dụng trong một phạm vi hẹp.
      Về ngữ âm thì liền là âm Hán Việt xưa của chữ  (trong nhiều trường hợp còn có thể chuyển dụng với chữ ),mà âm Hán Việt hiện đại là liên. Nói một cách khác, liên là một biến thể ngữ âm hậu kỳ củaliền. Với những tiếng Hán Việt có phụ âm đầu l- (hoặc cả d-, m-, n-, nh-, ng(h)-, v-) thì việc biến thể có thanh điệu 2 (dấu huyền) xưa hơn biến thể có thanh điệu 1 (không dấu) là hiện tượng phổ biến:
 (trong lụa là) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là la, có nghĩa là lụa;
– làn (trong làn sóng) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là lan, có nghĩa là sóng;
     – lầu (trong lầu đài) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là lâu (trong lâu đài);
       – liềm (trong búa liềm) là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại là liêm, có nghĩa là liềm; v.v..
      Cứ như trên, thì không có gì lạ nếu liền là âm Hán Việt xưa của chữ , mà âm Hán Việt hiện đại làliên. Nhưng, trong tiếng Việt, nó còn có một biến thể ngữ âm nữa là liễn, như đã cho trong Hán-Việt từ- điển (Đào Duy Anh), Hán-Việt tân từ-điển (Nguyễn Quốc Hùng), Đại Nam quấc âm tự vị (Huỳnh-Tịnh Paulus Của), v.v..
      Bây giờ xin nói sang mặt ngữ nghĩa. Vì liền ở đây chỉ có thể là danh từ, như đã phân tích về mặt ngữ pháp, nên các nghĩa “ở kề ngay nhau, sát ngay nhau, không cách” hoặc “ngay lập tức” đã cho trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học không thể áp dụng cho nó vì đó là nghĩa của tính từ hoặc phụ từ. Vậy liền/liên/liễn là gì? Ở Nghệ-Tĩnh, liền có nghĩa là xếp, tệp, xấp,v.v.. Liền trù là xấp trầu. Chữ này và nghĩa này đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung, Thái Kim Đỉnh (Nxb Nghệ An,1998) và Từ điển tiếng địa phương Nghệ-Tĩnh do Nguyễn Nhã Bản chủ biên (Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1999). Còn liễn, điệp thức của nó ở trong Nam, thì được dịch là fasciculus (tập, tệp) trong Dictionarium Anamitico-Latinum của J.L. Taberd (Serampore,1838), với những thí dụ như: – liễn bát : scutellarum fasciculus (chồng chén bát), – liễn trầu : fasciculus betel (xấp trầu). Còn trong Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel, nó được dịch là paquet, liasse (bó, xấp, tệp, v.v.), cũng với những thí dụ như trên. Và dĩ nhiên là ta còn có thể tìm thấy danh từ liễn này với cái nghĩa đang xét trong một số quyển từ điển khác nữa, như Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772-1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine,  Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, v.v.. Riêng điệp thức liên thì có thể được xem là một đơn vị từ vựng của tiếng Việt toàn dân nhưng nó chỉ được sử dụng trong một phạm vi thực sự hạn hẹp với cái nghĩa là (một) cặp, (một) đôi, dùng để chỉ hai câu thơ đi liền nhau. Chẳng hạn trong một bài bát cú Đường luật thì liên 1-2 là hai câu đề, liên 3-4 là hai câu thực, liên 5-6 là hai câu luận và liên 7-8 là hai câu kết.
      Tất cả những nghĩa trên đây của liềnliễn và liên đều bắt nguồn từ nghĩa gốc của chữ liên  trong tiếng Hán. Và vì lời giảng bằng tiếng Hán khó giúp ta phân biệt về mặt từ loại (trong trường hợp này thì phải là danh từ) nên ở đây chúng tôi xin dẫn Dictionnaire classique de la langue chinoise cũa F.S.Couvreur để bạn đọc có thể kiểm chứng dễ dàng hơn về mặt đó. Tại chữ , Couvreur đối dịch là : “ continu (thể liên tục), suite non interrompue ( chuỗi, dãy, loạt, v.v., không đứt đoạn), liaison (sự liên kết, mối liên kết), connexion (sự kết nối), alliance (quan hệ thông gia), association (hội, đoàn, nhóm liên kết, sự kết hội), association de dix personnes, de cing familles ou de deux cents familles (hội mười người, năm gia đình hoặc hai trăm gia đình) – distique (hai câu thơ liền nhau)”. Với nghĩa “chuỗi, dãy, loạt, v.v., không đứt đoạn”, ta đã thấy được cái nghĩa của liền trong liền trù (xếp trầu) của Nghệ-Tĩnh và của liễn trong liễn trầuliễn bát của tiếng địa phương Miền Nam và của liên với cái nghĩa đặc dụng đã nói. Còn với nghĩa “hội, hội đoàn, sự kết hội”, ta sẽ thấy được cái nghĩa của liền trong liền chịliền anh của Quan họ Kinh Bắc. Cái nghĩa này liên quan đến cách tổ chức của các nhóm Quan họ, gọi là bọn Quan họ, mà tác giả Bùi Trọng Hiền cho ta biết như sau:
       “Người Quan Họ chỉ hát đối đáp theo từng nhóm xã hội nhất định – gọi là bọn Quan Họ. Trong đó, chỉ có bọn Quan Họ kết nghĩa mới hát đối đáp với nhau. Nếu không cùng bọn kết nghĩa, các liền anh , liền chị chỉ có thể hát cùng nhau trong các cuộc thi lấy giải ở hội làng ngày xuân. Ðể hình thành nên nhóm, các chàng trai (hoặc cô gái) cùng làng xã phải trải qua một quá trình học hát dưới sự dìu dắt của các thế hệ đi trước. Khi đã có một vốn liếng bài bản nhất định, họ mới tự kết hợp lại thành từng nhóm liền anh hay liền chị, mỗi nhóm trung bình năm hay sáu người.” (Nhân Dân, 15-12-2007).
   Những nhóm năm, sáu liền anh hay liền chị tự kết hợp lại với nhau sau khi đã “thành nghề” đó, tức những bọn Quan họ, theo chúng tôi, chính là những liền, theo nghĩa “hội”, “đoàn” trong từ điển của Couvreur. Liền anh là cách mà bọn Quan họ nữ dùng để gọi bọn Quan họ nam; liền chị  là cách mà bọn Quan họ nam dùng để gọi bọn Quan họ nữ. Còn liền em là cách mà bọn Quan họ nam (hoặc nữ) dùng theo lối khiêm tốn để chỉ liền của mình khi đối thoại vói bọn Quan họ nữ (hoặc nam). Như vậy thì, lúc khởi thuỷ, các ngữ danh từ liền anhliền chị không dùng để gọi hoặc để chỉ cá nhân từng thành viên nam hay nữ của một bọn Quan họ như hiện nay, mà dùng để chỉ chính từng bọn Quan họ nam hay nữ. Rồi về lâu, về dài, do danh từ liền dần dần mất nghĩa – sự mất nghĩa là một hiện tượng thông thường trong ngữ nghĩa học – nên người ta mới dùng các ngữ danh từ liền anhliền chị để chỉ từng thành viên của bọn Quan họ nam hay nữ; còn liền em mới trở thành lối khiêm xưng mà từng thành viên của một bọn nam lẫn bọn nữ đều dùng để tự chỉ cá nhân mình, như hiện nay. Với lối nói chệch nghĩa này, liềntrở thành một hình vi phụ thuộc, luôn luôn đi chung với danh từ anh (chịem) đứng liền ngay sau nó, để chỉ một hàm nghĩa về thứ bậc.
      Ta có thể yên tâm khẳng định những điều trên đây một cách chắc chắn, nhất là khi so sánh liền vớiđàn, một yếu tố đồng nghĩa với nó. Liền vốn là một từ, nay đã trở thành một hình vị phụ thuộc, đồng nghĩa với đàn trong hai công dụng đặc biệt (một là trong đàn ôngđàn , hai là trong đàn anh và đàn chị) của hình vị này, như sẽ phân tích dưới đây. Đàn là một hình vị tách ra từ danh từ đàn trong đàn bòđàn chimđàn gàđàn vịtđàn conđàn thằng ngọng (đứng xem chuông),v.v., với hai công dụng đặc biệt:
–  đặc dụng với ông để chỉ hàm nghĩa về giới tính: đàn ôngđàn bà (công dụng 1);
– đặc dụng với anhchịem để chỉ hàm nghĩa về thứ bậc: đàn anhđàn chị, đàn em (công dụng 2).
Hai công dụng đặc biệt trên đây của hình vị đàn làm ta nhớ đến hai công dụng y hệt của hình vị liềntrong: liền ôngliền bà (công dụng1) và liền anhliền chị, liền em (công dụng 2).
Với công dụng 1, liền có xuất hiện theo kiểu cà rỡn trên một vài trang web nhưng thực ra đây vốn là một hình vị từng được dùng một cách nghiêm túc theo hàm nghĩa này: liền ôngliền bà có nghĩa là “đàn ông”, “đàn bà”. Hiện nay, công dụng này vẫn còn tồn tại với tư cách là một hiện tượng mang tính địa phương. Trao đổi riêng với chúng tôi, ông Nguyễn Như Phong, phó Tổng biên tập chuyên đề An ninh Thế giới, có cho biết ở vùng Chùa Hương quê ông (nay thuộc Hà Nội), người ta vẫn nói liền ôngliền bàchứ không mấy khi nói “đàn ông”, “đàn bà”. Và dĩ nhiên là trong lời bài đồng dao của trò chơi “Thả đỉa ba ba” thì liền ôngliền bà cũng thế chỗ cho “đàn ông”, “đàn bà”:
Thả đỉa ba ba,
Chớ bắt liền 
Phải tội liền ông
Cơm trắng như bông (…)
Hiện tượng ngôn ngữ trên đây ở vùng Chùa Hương rõ ràng là một bằng chứng sống cho mối quan hệ đồng nghĩa giữa liền và đàn. Ngoài ra, ta còn có những bằng chứng khác nữa, vừa liên quan đến hiện tượng phương ngữ, vừa liên quan đến hiện tượng ngữ âm lịch sử, với “Bảng từ vựng Bình Trị Thiên” của Võ Xuân Trang. Theo tài liệu này, ta biết rằng, với nghĩa đang xét thì hai hình vị liền và đàn còn đồng nghĩa với các hình vị đìnhlìnhnìnhnền của phương ngữ Bình Trị Thiên (Xin x. Võ Xuân Trang,Phương ngữ Bình Trị Thiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.257). Trong các hình vị này thì riêngnền là hình vị mà cá nhân chúng tôi từng được nghe một số người cao niên sử dụng, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc: nền ôngnền bà. Một sự khảo sát kỹ lưỡng về phụ âm đầu và về vần có thể sẽ dẫn dắt ta đến nguồn gốc chung của một vài yếu tố trong các hình vị: đànđìnhliềnlìnhnềnnình. Xin phân tích, chẳng hạn, mối quan hệ liền nền.Trước nhất, về vần thì ta có nhiều dẫn chứng cho mối quan hệ -iên -ên:
–      biên (= bờ, cạnh) bên trong bên cạnh, bên thềm,v.v.;
–      điện trong cung điện ~ đền trong đền đài;
–      hiện (=con hến) ~ hến trong “NgaoỐcHến”;
–      phiên (= hàng rào) ~ phên trong phên giậu;
–      quyến trong quyến rũ ~ quến trong rù quến; v.v..
Về phụ âm đầu thì trước nhất ta đã có bằng chứng về sự lẫn lộn giữa l- và n- ở nhiều cá nhân và địa phương, đặc biệt là tại miền Bắc. Còn nếu hạn chế trong phạm vi những điệp thức gốc Hán thì ta có:
–      lạm (= bị lửa táp; làm cho cháy sém) ~ nám trong nám da;
–      loại trong chủng loại ~ nòi trong giống nòi;
–      loan (=ngọn núi nhỏ mà nhọn) non trong núi non;
–      lỗ (= lắm lời, nói nhiều) ~ nỏ trong nỏ mồm;
–      lũng (= gò đất cao) ~ nổng trong gò nổng;
–      noãn (= trứng) đúng theo phiên thiết phải là loãn; v.v..
Sự phân tích về quan hệ từ nguyên giữa liền và nền cũng như về mối quan hệ đồng nghĩa giữa liền đàn cho phép ta đi đến kết luận về quan hệ ngữ dụng giữa ba hình vị: đàn của tiếng Việt toàn dân, liềnở vùng Chùa Hương (và một vài địa phương khác) và nền của phương ngữ Bình Trị Thiên. Với mối quan hệ này thì ta có thể tin rằng nguồn gốc và nghĩa của hình vị liền mà chúng tôi đã nêu là điều có cơ sở vững chắc.
Cuối cùng, xin nói thêm một chút về công dụng 2: Với nghĩa gốc của nó mà chúng tôi đã đoán định (dùng để chỉ chính từng bọn Quan họ nam hay nữ), thì liền anhliền chịliền em tương ứng với đàn anhđàn chịđàn em theo công dụng 2 của hình vị đàn (chỉ thứ bậc). Sự khác nhau chỉ là ở chỗ ba danh ngữ trước còn dùng để tự xưng (trong sinh hoạt Quan họ) mà ba danh ngữ sau thì không.