Wednesday 14 August 2013

Những cách trị tội gian dâm “chỉ có ở Việt Nam” (Kiến Thức)


Những cách trị tội gian dâm “chỉ có ở Việt Nam”

(Kienthuc.net.vn) - Người Chăm ngoại tình phải nộp phạt trâu bò, phải làm lễ thề chừa bỏ ngoại tình, và còn phải vục đầu ăn cơm trong máng lợn trước bà con dân làng.
Gian dâm được hiểu là quan hệ tình cảm với người khác giới ngoài hôn nhân. Nói cách khác, gian dâm là hành vi quan hệ tình dục ngoài hôn nhân với người khác giới. Một người quan hệ với người không phải vợ/chồng mình (dù người thứ ba có gia đình hay không) thì coi là thông dâm. 

Ở một số dân tộc ít người ở miền Nam Việt Nam đã từng tồn tại những cách trừng phạt người gian dâm rất nặng nề. Những tục lệ này vẫn còn tồn tại ở một số dân tộc đến ngày nay, giữ một phần quan trọng trong những phong tục chi phối đời sống của các dân tộc ít người.
 Ở một số dân tộc ít người ở miền Nam Việt Nam đã từng tồn tại những cách trừng phạt người gian dâm rất nặng nề. Ảnh minh họa: Internet. 

Thông dâm bị bỏ máu trộn gạo lên đầu

Người Xê Đăng (Xơ Đăng) sống rải rác từ miên Tây Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng suốt miền Tây tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi đến Kon Tum và chia làm nhiều bộ tộc: Rongao (R’ngao), Halang (H’lang), Dié (Gié) và Xê Đăng chính. 

Tục lệ cưới xin của người Xê Đăng rất khác người Kinh. Họ không theo hẳn chế độ phụ hệ hay mẫu hệ, vì thế, trai gái đôi bên thương yêu nhau, không phân biệt bên nào đến hỏi trước sau. Sau khi cưới xin, con rể phải về ở nhà bố mẹ vợ ít nhất 3 năm. 
 Thiếu nữ Xê Đăng. Ảnh minh họa. Nguồn: Xzone. 
Sự thông dâm tại dân tộc Xê Đăng bị trừng phạt rất nặng. Người thông dâm bị phạt trâu bò để giết thịt cho cả làng ăn. Đôi trai gái nếu lấy nhau chưa đầy năm, mà phạm tội thông dâm thì cả kẻ thông dâm lẫn người đồng lõa bị trừng phạt rất nghiêm. Họ bị đuổi ra khỏi làng và không bao giờ được đặt chân trở lại đất làng nữa. Chỉ đến khi nào kẻ phạm tội giết một con lợn trộn máu vào gạo, ngồi tại một nơi để tất cả dân làng đi qua, mỗi người bỏ một ít gạo trộn máu lên đầu kẻ phạm tội và nói: "Tao tha tội cho mày để từ sau không tội phạm nữa", kẻ phạm tội mới được trở về làng. 

Vì sự trừng phạt khắt khe nên mặc dù người Xê Đăng có tục trai gái ngủ chung tại nhà làng mà rất ít khi xảy ra những chuyện đồi bại đáng tiếc.

Phạt vục đầu ăn cơm trong máng lợn

Giữa khu vực Tây Nguyên và ven biển miền Trung suốt theo bờ biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ngày nay là giang sơn của đồng bào thiểu số người Chăm.

Hôn lễ người Chăm rất tốn kém và phiền phức. Người Chăm cũng trừng phạt gắt gao những người mắc tội ngoại tình và loạn dâm. Một tài liệu nghiên cứu về con người Việt Nam viết: Người đàn bà Chăm có chồng còn ngoại tình phải nộp vạ hai con lợn, một con cho chồng và một con cho làng để làm thịt mời bà con làng nước tới ăn và làm lễ chuộc tội.

Ngoại tình với người trong thân tộc, tội nặng hơn, phải nộp hai con trâu, một con cho làng, một con để cúng Trời Đất. Họ cũng phải làm lễ thề sẽ chừa bỏ ngoại tình, lễ thề cử hành ở bên suối, kẻ ngoại tình giết một con gà trắng và nguyện không tái phạm.

Ngoài sự trừng phạt trên, gian phu, dâm phụ còn chịu thêm một hình phạt về thể xác. Bà con dân làng sẽ họp tại một địa điểm rộng, chia đứng sang hai bên, ở giữa là một mâm cho lợn ăn, trong mâm có cơm nước trộn lẫn lộn. Gian phu, dâm phụ đứng hai bên máng và phải vục đầu vào ăn như lợn. 

Hình phạt này có ý rằng tư cách hai phạm nhân không hơn gì con lợn, họ phải biết sửa mình tu tỉnh lại. Dân làng bà con thay nhau cầm roi quất vào hai người, hai người cứ phải vục đầu ăn cho hết chỗ cơm ở máng. Ăn xong hai người bỏ chạy vào rừng.

Sáu hình phạt thể xác này, sau khi nộp vạ như đã định, họ mới được trở về làng sống bình thường.

 Thiếu nữ dân tộc Chăm. Ảnh minh họa: Internet
Khai trừ người ngoại tình khỏi thôn

Người Chăm Châu Đốc là những người Chăm ở mấy huyện Tân Châu, Châu Phú, thuộc tỉnh Châu Đốc (An Giang). Người Chăm Châu Đốc theo Hồi giáo, bởi vậy hôn lễ của họ cử hành theo nghi thức Hồi giáo. 

Trai gái Chăm Châu Đốc lập gia đình khi đã được coi như trưởng thành. Con trai được coi như trưởng thành khi đã chịu xong lễ cắt da quy đầu, con gái thì vào tuổi dậy thì, tức là 13, 14 tuổi.  

Việc hôn nhân của người Chăm Châu Đốc được thành tục nhờ mai mối, tương tự như tục lệ Việt Nam. Phong tục người Chăm Châu Đốc cấm hẳn sự yêu đương vụng trộm. Nếu có trường hợp yêu trộm giấu thầm, dân làng bắt được, người đàn ông buộc phải cưới cô gái kia.

Người Chăm Châu Đốc trừng phạt người ngoại tình rất nặng nề. Người chồng có quyền bỏ nếu người vợ ngoại tình. Người ngoại tình dù là đàn ông hay đàn bà đều bị khai trừ khỏi thôn ấp. Người đàn ông ngoại tình còn phải chịu một hình phạt khác là cưỡi một con bò cái, mắt nhìn về phía sau, bị dẫn đi từ đầu tới cuối làng, đồng thời có một vị chức sắc rêu rao. 

Gia đình nhà vợ phải lo vợ khác cho con rể

Người Bahnar (Ba Na) sống ở miền Đông Nam Kontum, Tây Bắc Pleiku và phía Tây Bình Định, gồm tất cả 7 tộc chính và nhiều chi phối nhỏ. 

Sự ngoại tình và thông dâm của người Bahnar (Ba Na) rất hiếm. Đàn bà có chồng còn ngoại tình, lần đầu tiên phải đền cho chồng và làng nước một con lợn. Nếu tái phạm, người ngoại tình phải đền nhiều hơn, có khi một con trâu. Trâu và lợn này được mổ thịt đãi dân làng.

Trong trường hợp ngoại tình nhiều lần, người chồng có quyền ly dị và gia đình nhà vợ phải lo vợ khác cho con rể.

Người ngoại tình sẽ bị sỉ vả

Người Djarai (Gia rai) cư ngụ ở phía Nam  KonTum, gần khắp tỉnh Pleiku, miền Bắc Dăl Lăk, Tây Bắc Phú Yên và Bắc Khánh Hòa. 

Phong tục của người Djarai rất phiền phức. Ở đây, câu "nam nữ thụ thụ bất thân" được tuyệt đối áp dụng cho trai gái thanh tân. Người Djarai trừng phạt tội ngoại tình và thông dâm cũng gần giống như người Chăm, nghĩa là bắt nộp vạ lợn, bò, trâu, dê, để mời dân làng ăn.

Về thể xác, sự trừng phạt khe khắt hơn nhiều: gian phu, dâm phụ phải ăn cơm trong máng lợn luôn ba tháng, bị sỉ vả và bị roi quất vào người. Tuy nhiên, việc ngoại tình và thông dâm ít xảy ra ở người Djarai.

Người vợ ngoại tình bị chồng coi như nô lệ

Người Stêng sống theo ranh giới Campuchia - Việt Nam, từ Tây Nam Lâm Đồng tới Bình Long (Sông Bé) Tây Ninh và ở rải rác tại các tỉnh Đồng Nai, không chia thành nhiều bộ tộc nhỏ. 

Với người Stêng, người chồng ngoại tình bị vợ bắt được quả tang, người vợ có quyền bắt vạ một con gà, nhưng không được xin ly dị. Người vợ ngoại tình trong rừng, bị chồng bắt được, gian phu phải nộp vạ bằng tiền, một con lợn và một vò rượu. Nếu việc gian dâm xảy ra ở trong nhà người chồng, gian phu sẽ bị phạt 4 con trâu và nộp làng một con lợn để mổ thịt.

Kể từ ngày ngoại tình, người vợ bị chồng coi như nô lệ, nếu tái phạm sẽ bị ly dị và phải trả của. Kẻ phạm gian bị phạt nếu không có tiền để nộp sẽ phải làm nô lệ cho gia đình người hưởng phạt suốt đời.

Trong quá khứ, người mắc tội gian dâm phải chịu nhiều hình phạt nặng nề, thậm chí, ở một số khu vực, phương thức trừng phạt tội gian dâm là ném đá cho đến chết. 

Xã hội Việt Nam thời phong kiến cũng đề ra các hình phạt cho tội gian dâm, như thời Hậu Lê, tội ngoại tình nặng thì bị xử tử, bị đi đày, làm kẻ chăn voi, hoặc bị thích chữ vào mặt cho ê chề hổ thẹn. 

Tuesday 13 August 2013

Vụ ngoại tình chấn động thời Lê sơ



Vụ ngoại tình chấn động thời Lê sơ

"Đinh Tỵ (1437) tháng 8, Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn Thị, chuyện bị phát giác"...Việc gian díu trai gái, “mèo mả gà đồng” đời nào cũng có. Nhưng chúng ta cũng nên biết rằng, ở chế độ phong kiến, nơi mà nam giới bị quy định trong giáo lý “tam cương, ngũ thường”, nữ giới bị bó buộc bởi “tam tòng, tứ đức”, thì việc có những sự vụ ngoại tình, thông dâm chắc chắn là việc động trời mà  pháp luật không thể bỏ qua. Hãy xem luật nhà Lê sơ xử những tội ấy như thế nào?

Vụ án đầu tiên về quan hệ trai gái bất chính được chính sử ghi nhận thời Lê sơ là vào năm Ất Mão (1435) đời vua Lê Thái Tông: “Người đàn bà ở xã Thương Xá, lộ Quốc Oai  (nay thuộc Hà Nội – người dẫn chú) là Nguyễn Thị Ngọc đã có 8 con với chồng. Chồng bị bệnh hủi, Nguyễn Thị Ngọc không cứu chữa nuôi nấng, mà còn lấy trộm tài sản của chồng, tư thông với khố giám là Nguyễn Chiếm để mưu lấy chồng khác” (Trích Đại Việt sử ký toàn thư).
Xử đánh trượng thời trung đại. 
Với trường hợp này, Nguyễn Thị Ngọc sau đó đã “bị xử giảo”, tức là xử thắt cổ cho chết. Xem trong Hồng Đức thiện chính thư (Những chính sách tốt thời Hồng Đức), thì tội của Thị Ngọc ứng với tội “Thông dâm với chồng người”, trong đó “… Người đàn bà bị phạt đánh 50 roi, điền sản trả lại cho người chồng”. Tuy nhiên, Thị Ngọc không chỉ phạm tội ngoại tình, mà còn hắt hủi người chồng bị bạo bệnh, lấy cắp tài sản của chồng, nên ứng với tội “Đàn bà ngoại tình”, tội này bị “xử giảo, phạt 80 roi, điền sản trả lại cho người chồng, theo luật thi hành không thể tha thứ”. Kết quả, Nguyễn Thị Ngọc phải đối mặt với dải lụa đào mà hồn lạc muôn kiếp.

Hai năm sau, chính sử tiếp tục ghi nhận một trường hợp nặng hơn khi con rể thông dâm với mẹ vợ: “Đinh Tỵ (1437) tháng 8, Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn Thị, chuyện bị phát giác” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư). Với tội này, áp dụng chương Thông gian (ngoại tình có đi lại với nhau) trong Quốc triều hình luật, tội của viên quan Vũ Văn Phỉ ứng với Điều 1: “Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết” và Điều 5: “Thông gian với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bắt nộp tiền nhiều ít theo bậc cao thấp của người đàn bà, nếu sang hèn cách xa thì lại xử khác”, lại ứng với “Lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác” trong Thiên Nam dư hạ tập: “Gian dâm với vợ người thì xử lưu hoặc tử hình”. Nhưng cụ thể và rõ ràng nhất thì tội của Phỉ được áp vào Điều 11 của Hồng Đức thiện chính thư: “Con rể thông dâm với mẹ vợ là việc đồi bại làm tổn hại đến luân thường đạo lý, theo luật phải xử chém”.

Tổng hợp lại những quy định ấy, tội của Vũ Văn Phỉ sau đó được tuyên là “phải xử tội chém”. Tuy nhiên, chính sử cho hay, Vũ Văn Phỉ “xin được chuộc tội, cuối cùng bị đày ra châu xa”.
Xử giảo thời trung đại. 
Đến năm Mậu Thìn (1448), khi vua Lê tổ chức thi Hội, rồi thi Đình chọn học vị Tam khôi, danh hiệu Trạng nguyên đã thuộc về Nguyễn Nghiêu Tư “Người làng Phù Lương, huyện Võ Giàng” (Theo Đại Việt Lịch triều đăng khoa lục, tức huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Điều đáng nói là Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ. Việc ấy dân quê ông đều biết. Nhưng khi ông giành học vị cao nhất của khoa cử, thì thiên hạ ai ai cũng hay. Thế mới có chuyện nhiều người đã nhân đó mà báng bổ tân trạng nguyên họ Nguyễn. Có người ghi vào chuồng lợn là “Phường trạng nguyên”, có người hát ở đường cái rằng: “Trạng nguyên trư, Nguyễn Nghiêu Tư” để chế giễu. Tuy nhiên, trường hợp của vị Trạng Lợn Nghiêu Tư lại không thấy chính sử đề cập đến việc ông bị phạt chuộc tội hay bị xử tội chém mà được tha. Nhưng thiết nghĩ, tòa án lương tâm và miệng lưỡi thế gian còn ghê gớm gấp trăm nghìn lần cái án chém mà luật nước có thể xử ông.

Năm Đinh Hợi (1467) thời vua Lê Thánh Tông ngồi ngai vàng, chẳng biết có phải là năm của con giáp đầy “phồn thực” hay chăng mà lại một sự vụ nữa diễn ra. Theo như tờ tâu của Hàn lâm viện trực học sĩ quyền Công khoa cấp sự trung Lương Thế Vinh lên vua Lê Thánh Tông để hặc tội đối với Trấn điện tướng quân Bùi Huấn cho hay: “Luân thường lớn của con người có năm điều trong đó. Nay Huấn đương lúc còn tang vợ mà đi lấy con gái của người về hàng bạn hữu, hơn nữa trước đây đã lấy con gái của người ấy làm vợ cả rồi. Tệ bạc trong ân ái vợ chồng, khinh miệt đạo cương thường đến thế. Việc này quan hệ tới phong hóa, làm rối loạn nhân luân, xin giao cho pháp ty trị tội”. Xét thấy lời tâu của Lương Thế Vinh đúng sự thật, vua Thánh Tông ra lệnh y theo luật mà xử viên quan võ Bùi Huấn. Tiếc rằng chính sử không cho hay hình thức xử lý cụ thể như thế nào.

Một năm sau, vào tháng 11 năm Mậu Tý (1468), có tên nội thần Phan Tông Trinh là kẻ hầu cận trong cung, nhưng lại cùng với bọn đồng cấp là Nguyễn Thư, Chu Đức Đại, Dương Minh Phong, Ngô Át quen thói ăn hối lộ, tội đáng phải xử tử. Tuy nhiên, trừ Phan Tông Trinh, còn lại bọn Nguyễn Thư đều được vua Thánh Tông lệnh cho tha vì “còn mong một ngày kia chúng sửa lỗi, để phòng có khi sai khiến đến” (Trích Khâm định Việt sử thông giám cương mục).

Sở dĩ tên quan hoạn giả như Phan Tông Trinh vẫn bị y án tội chết, bởi theo như Việt sử cương mục tiết yếu có viết: “Trinh là con nuôi của viên hoạn quan Hiền. Hiền chết, Trinh cướp lấy vợ Hiền. Năm trước Trinh lại thông dâm với cung nữ, chết là đáng rồi!”. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, thì Trinh dù là con nuôi của nội quan Hiền, nhưng khi “Hiền chết, xác còn hôi hổi đã thông dâm với vợ Hiền, cướp lấy làm vợ lẽ của mình; năm trước nó lại thông dâm với cung nữ là Nguyễn Mai”. Chính từ việc trái với nhân luân, thêm tội tư túi nên “cả hai tội đều nặng, giết là đáng rồi”.

Khi tra trong Hồng Đức thiện chính thư, xét tội của Phan Tông Trinh thì thấy ứng với Điều 9: “Con nuôi và con thừa tự thông dâm với mẹ nuôi, hoặc người làm thuê thông dâm với gia chủ thì xử tội chém”. Bởi Tông Trinh là con nuôi hoạn quan Hiền, suy ra hắn ắt là con nuôi của vợ Hiền. Việc con nuôi thông dâm với mẹ nuôi rõ ràng trái luân thường nên mới ứng tội như vậy. Lại trong Thiên Nam dư hạ tập, có Lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác, đã quy định: “Phản bội chồng trốn cha mẹ mà cải giá thì cha mẹ bị phạt đánh 80 trượng, người đàn bà đó bị sung làm Thung thất phụ”.

Tội ấy cũng ứng với Điều 34 trong Quốc triều hình luật có nội dung tương tự: “Có tang ông bà, cha mẹ và chồng, mà cố ý giấu không cử tang thì phải tội đồ làm khao đinh, đàn bà đồ làm tang thất phụ”.

Trong khi ấy, Tông Trinh tiếng là con, vợ nội quan Hiền tiếng là vợ, hai kẻ ấy khi cha – chồng chết mà không đoái hoài, lại thông dâm với nhau, tội càng nặng thêm. Đồng thời, Tông Trinh lại lấy mẹ nuôi làm vợ lẽ của mình, tội thêm tội, thế nên hắn mới “mua vui phút chốc” mà đã để lại hậu họa ngàn thu, đầu lìa khỏi cổ nơi pháp trường định tội, âu cũng là cái kết cho kẻ làm trái nhân luân.

Trên đây là những vụ án điểm về ngoại tình, thông dâm được chính sử ghi nhận lại. Còn trong nhân gian chắc hẳn cũng có không ít vụ việc tương tự. Cũng qua đây chúng ta thấy pháp luật nhà Lê sơ rất nghiêm ngặt và cứng rắn với loại tội này, hòng mong cho xã hội xây dựng trên nền tảng Nho giáo được bền vững, giữ được đạo lý làm người mà đấng nam nhi hay phận bồ liễu đều phải nhất nhật tuân theo.
Theo Pháp luật & Xã hội

Monday 12 August 2013

Môn cơ bản khác gì môn cơ sở?


Thí sinh dự thi nghiên cứu sinh, nếu chỉ có bằng đại học, phải thi môn cơ bản, môn cơ sở, môn chuyên ngành, ngoại ngữ, và bảo vệ đề cương nghiên cứu. Thí sinh đã có bằng thạc sĩ được miễn thi môn cơ bản và môn cơ sở, xem như đã thi hai môn này ở đầu vào chương trình cao học.
Năm 2008 đại học Nha Trang tuyển sinh năm ngành cao học và tiến sĩ. Không kể ngoại ngữ, thí sinh ở cả năm ngành đều phải thi môn cơ bản là toán. Môn cơ sở cho thí sinh dự thi chuyên ngành:
-nuôi trồng thủy sản:  sinh lý, sinh thái;
-kinh tế: kinh tế chính trị; 
-khai thác thủy sản: cơ chất lỏng; 
-công nghệ sau thu hoạch: hóa sinh - vi sinh;
-kỹ thuật tàu thủy: sức bền vật liệu.
Nói tóm lại, môn cơ bản là môn thi chung cho nhiều ngành, môn cơ sở là môn thi riêng cho một ngành. Đây là sự phân biệt của riêng bộ giáo dục.

Nhưng cũng có người đã qua phà thạc sĩ rồi vẫn không nắm được tinh thần xếp loại môn học của bộ giáo dục:

Cả hai cách phân biệt đều là tùy tiện (và bất tiện) vì không dựa trên cơ sở / căn bản nào cả.
Cái nền để dựng nhà là cơ, hòn tảng để trồng cột gọi là sở (Đào Duy Anh, 2005:128). Cơ sở có thể được dùng như cơ bản (Đào Duy Anh, 2005:128).
Cơ bảncái làm cơ sở cho những cái khác trong toàn bộ hệ thống hoặc có tác dụng làm cơ sở cho những cái khác trong toàn bộ hệ thống (Nguyễn Kim Thản, 2005:390).

Sunday 11 August 2013

VỀ BỘ SÁCH SÁCH DẠY TẬP ĐI ĐÀNG NHÂN ĐỨC LỌN LÀNH

15. Về bộ sách SÁCH DẠY TẬP ÐI ÐÀNG NHÂN ÐỨC LỌN LÀNH (TBHNH 2004)
Cập nhật lúc 15h36, ngày 27/06/2007
NGUYỄN HỒNG DƯƠNG
VÕ PHƯƠNG LAN
Viện Nghiên cứu Tôn giáo
Năm 2003, trong chuyến đi thực tế ở xứ đạo Hoàng Xá (thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) chúng tôi có thu thập được cuốn sách chữ Nôm về Công giáo: Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành.
Hoàng Xá là một xứ đạo ra đời vào thời Nguyễn. Bắt đầu bằng việc xuất hiện những người Công giáo làm nghề đánh cá ven sông Con (Gia Lô) thuộc phủ Vĩnh Tường lên trú ngụ ở các vùng ven sông như Đoan Hạ, Đoan Thượng khoảng thời gian từ năm 1841 - 1847. Khi nhà Nguyễn bãi bỏ lệnh cấm đạo qua hai điều ước 1862 và 1874, ở đây đã có một giáo đoàn, linh mục Lý bấy giờ đang coi sóc xứ đạo Nỗ Lực đã đến đây làm phúc cho giáo hữu. Linh mục khuyên giáo dân lên bờ, vỡ đất, định cư, làm nhà ở. Một họ đạo Công giáo dần dần được hình thành, trên cơ sở những người Công giáo tách ra, cư trú thành một khu vực riêng. Nhà thờ đầu tiên được xây dựng để giáo dân tụ họp, đọc kinh, cầu nguyện. Khi xây dựng nhà thờ, họ đạo có khoảng 100 giáo dân, họ nhận thánh quan thầy là Phêrô vì nguồn gốc cư dân - tín đồ Hoàng Xá làm nghề chài lưới. Dưới thời giám mục P. F. Puginier (Phước) (1868 - 1892) chia xứ Nỗ Lực và Hà Thạch thì Hoàng Xá thuộc về xứ Hà Thạch. Khi họ đạo Đức Phong được nâng lên chính xứ thì Hoàng Xá lại thuộc về Đức Phong. Trong thời gian từ 1890 - 1894 Hoàng Xá có khoảng 500 - 700 giáo dân, trở thành họ đạo toàn tòng.
Năm 1895, Tòa thánh Lamã phân chia giáo phận Tây thành hai giáo phận, một giữ tên cũ giáo phận Tây, giáo phận mới lấy tên gọi là giáo phận Đoài (Hưng Hóa). Năm này, Hoàng Xá được nâng lên thành chính xứ. Nhà thờ Hoàng Xá được xây dựng lại ở địa điểm ngày nay vừa là nhà thờ họ trị sở đồng thời cũng là nhà xứ. Khi đó xứ đạo Hoàng Xá gồm các họ đạo Hoàng Xá - Phù Lao - Đoan Hạ - Thượng Lộc - Thạch Khoán. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1895 đến 1903 thì hoàn thành. Đây là nhà thờ kiến trúc theo phong cách Á Đông, dân gian quen gọi là NHÀ THỜ NAM.
Trải thời gian số lượng tín đồ ngày càng đông đảo, các họ đạo lẻ xin gia nhập vào xứ cũng tăng. Năm 1991 xứ Hoàng Xá có 12.302 giáo dân, trong đó họ đạo Hoàng Xá, họ đạo trị sở là 5.307 giáo dân. Thời điểm 31-7-1993 cả xứ có 15.672 giáo dân thì họ đạo Hoàng Xá là 6.707. Cả xứ có 9 họ đạo: Hoàng Xá, Trại Sơn, Thủy Trạm, Sơn Vi, Lương Sơn. Đoan Hạ, Hòa Bình, Thắng Sơn và Văn Luông. Năm 2004, Hoàng Xá có khoảng 26.000 giáo dân, trong đó họ đạo Hoàng Xá có khoảng 9.000. Cả xứ có 11 họ đạo.
Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành là loại sách Tu đức - Đạo đức của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Bộ sách này gồm 24 quyển. Người soạn là Serard Trung Philippe, Hội Thừa sai Paris (Société des Étrangène de Paris - M.E.P).
Bộ sách in bằng mộc bản, in tại nhà in Kẻ Sở, năm1865 (Kẻ Sở thuộc xã Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Độ dày mỗi quyển có sự khác nhau, quyển dày nhất 357 trang (q.11), quyển mỏng nhất 37 trang (q.6)(1)
Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành là sách dạy cho giáo dân sống tu đức theo gương Thiên chúa, gương các thánh, sống đời sống đạo theo giáo lý, giáo luật Công giáo.
Quyển thứ 15 và 16 của bộ sách mà chúng tôi có trong tay in mộc bản trên giấy bản mỏng, mỗi tờ giấy đều được gấp hai và đóng bìa lại thành quyển có kích thước 16x27cm. Tổng số là 248 trang(do chúng tôi đánh số). Mỗi trang được kẻ chia thành 10 dòng thẳng đứng, mỗi dòng có 30 chữ. Chữ rõ ràng, có thể đọc được, trừ một số trang cuối giấy nhăn, chữ mờ. Quyển thứ 15 từ trang 1 đến trang 84 với tự đề Quyển thứ mười lăm giảng về những sự lành ta ăn mày bởi Đức Chúa Giê su mà ra, cùng về sự phải ngắm sự thương khó Đức Chúa Giê su là thể nào và về những ích do sự thương khó ấy mà ra. Như vậy quyển thứ 15 giảng về sự thương khó của Đức chúa Giê su và khi tín đồ “ngắm” sự thương khó sẽ được những ơn gì. Quyển thứ 16 từ trang 45 đến trang 248 với tự đề Quyển thứ mười sáu giảng về sự chịu lễ Cô mô thức cùng về thánh lễ Misa.
Ngắm sự thương khó Đức Chúa Giê su là một nghi lễ được tổ chức trong mùa chay - mùa mà chúa Giê su chịu nạn. Nghi thức lễ này được Alexandre de Rhodes quen gọi là Đắc Lộ sáng tạo ra. Giáo sĩ Đắc Lộ đến Thăng Long - Kẻ Chợ ngày 2-7-1627, là một trong những giáo sĩ có mặt sớm nhất ở Thăng Long - Kẻ Chợ. Sau một thời gian truyền bá, phát triển đạo Công giáo, một số giáo đoàn được hình thành ở Thăng Long - Kẻ Chợ và quanh vùng. Đến đây vấn đề sinh hoạt tôn giáo được đặt ra. Trong điều kiện hầu hết tín đồ không biết chữ, sách kinh bổn chưa có, nhận thức về đạo Công giáo còn hết sức mới mẻ, A. de Rhodes sáng tạo ra những nghi thức và nghi lễ cho hợp với điều kiện và hoàn cảnh lúc bấy giờ. A. de Rhodes phân chia việc chúa Giê su chịu khổ nạn thành 15 đoạn, gọi là 15 sự thương khó rồi lập ra phép ngắm 15 sự thương khó với 15 cây nến lớn đặt trên giá kèo. Mỗi lần tín đồ nhắm nguyện xong một sự thương khó mà chúa Giê su phải chịu thì tắt một ngọn nến. Bản “ngắm” do A. de Rhodes soạn là một bản ngắm hay. Bản ngắm này có sửa chữa về sau nhưng vẫn phản ảnh lối hành văn hay, các từ ngữ cổ thế kỉ XVII(2).
Dưới đây là phần phiên âm mục lục của hai quyển 15 và 16 của bộ sách.
MỤC LỤC
Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành
Quyển thứ mười lăm giảng về những sự lành ta ăn mày bởi Đức Chúa Giêsu mà ra, cùng về sự phải ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu là thể nào và về những ích do sự thương khó ấy mà ra.
Đoạn thứ nhất giảng về những ơn trọng ta ăn mày bởi Đức Chúa Giê su mà ra. (Lá thứ nhất)
Đoạn thứ hai giảng về ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu có ích trọng cho ta cùng đẹp lòng Đức Chúa Trời là dường nào. (Lá thứ mười hai)
Đoạn thứ ba giảng về sự phải ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu cũng phải động lòng thương mà đau đớn là thể nào. (Lá thứ mười bốn)
Đoạn thứ bốn giảng về sự phải động lòng đau đớn ăn năn tội khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu là thể nào. (Lá thứ mười tám)
Đoạn thứ năm giảng về sự động lòng kính mến Đức Chúa Trời khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu. (Lá thứ hai mươi ba)
Đoạn thứ sáu giảng về sự động lòng tạ ơn Đức Chúa Trời khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu. (Lá thứ hai mươi lăm)
Đoạn thứ bảy giảng về sự động lòng sợ sệt cùng lòng cậy trông khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu. (Lá thứ hai mươi chín)
Đoạn thứ tám giảng về sự động lòng muốn bắt chước khi ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu. (Lá thứ ba mươi bốn)
Đoạn thứ chín giảng năm ba tích giám chứng cho biết sự ngắm về thương khó Đức Chúa Giêsu có ích cho ta và đẹp lòng Đức Chúa Trời là dường nào. (Lá thứ ba mươi bảy)
MỤC LỤC
Quyển thứ mười sáu dạy về sự chịu lễ Cô mô giới(3) cùng về thánh lễ Misa
Đoạn thứ nhất giảng về ơn trọng Đức Chúa Giêsu ban cho ta khi lập phép Santi sai mô sa ca la men tô(4) cùng tỏ ra lòng thương yêu ta là thế nào. (trang thứ 1)
Đoạn thứ hai giảng về những sự cực cao cực lạ ta phải tin về phép Santi sai mô sa ca la men tô này. (trang thứ 7)
Đoạn thứ ba giảng về sự phải tuân mệnh cho được chịu Santi sai mô sa ca la men tô cực trọng này là thể nào. (trang thứ 16)
Đoạn thứ bốn giảng về sự phải tuân mệnh cho sạch tội trọng tội mọn cùng sạch nết xấu trong mình cho được ăn mày chịu lễ là thế nào. (trang thứ 21)
Đoạn thứ năm giảng về sự tuân mệnh khác riêng hơn nữa cho được chịu Mình thánh Đức Chúa Giêsu. (trang thứ 22)
Đoạn thứ sáu giảng về một hai lý giúp ta cho được tuân mệnh chịu mệnh Đức Chúa Giêsu. (trang thứ 26)
Đoạn thứ bảy giảng về những sự phải làm khi đã chịu lễ đoạn phải tạ ơn Đức Chúa Giêsu là thể nào. (trang thứ 29)
Đoạn thứ tám giảng về sự cảm ơn cách khác khi đã chịu lễ đoạn. (trang thứ 31)
Đoạn thứ chín giảng về những ích trọng bởi chịu lễ mà ra. (trang thứ 33)
Đoạn thứ mười giảng về sự năng chịu lễ là thuốc mạnh giúp khỏi các chước kẻ thù cám dỗ và thêm sức cho được giữ mình sạch sẽ. (trang thứ 35)
Đoạn thứ mười một giảng về một ích rất trọng bởi chịu Cô mô giới mà ra và làm cho ra được hợp làm một cùng Đức Chúa Giêsu và làm cho ta trở nên giống Đức Chúa Giêsu. (trang thứ 37)
Đoạn thứ mười hai giảng về một ích trọng khác ta phải ra sức ăn mày bởi chịu rất thánh Cô mô giới mà ra là dâng mình cùng mỗi sự về mình trong tay Đức Chúa Trời mà khi tuân mệnh cùng khi cảm ơn thời cùng phải dâng mình như thế ấy nữa. (trang thứ 41)
Đoạn thứ mười ba giảng về sự Mình thánh Đức Chúa Giêsu vốn hay sinh ra những ích lạ lùng tốt lành dường ấy mà nhân sao có nhiều kẻ năng chịu Mình thánh Đức Chúa Giê su mà chẳng được những ích ấy. (trang thứ 46)
Đoạn thứ mười bốn giảng về lễ Misa gọi là Xa cơ di phi xuy âm(5) là việc tế lễ Đức Chúa Trời. (trang thứ 52)
Đoạn thứ mười lăm dạy về sự phải xem lễ là cách nào. (trang thứ 60)
Đoạn thứ mười sáu kể năm ba tích về lòng sốt mến mà làm lễ mỗi ngày và phải có lòng cung kính mà làm việc trọng ấy là thế nào. (trang thứ 71)
Sau đây là phiên âm đoạn thứ hai của quyển thứ 15 với tựa đề Giảng về ngắm sự thương khó Đức Chúa Giê su có ích trọng cho ta cùng đẹp lòng Đức Chúa Trời là dường nào.
Có lời ông thánh Âucutinh(6) nói rằng chẳng có sự chi làm ích trọng cho người ta bằng hằng tưởng nhớ những sự chúa Diêu làm người đã chịu vì ta. Ông thánh Pha na du cũng nói rằng chẳng có sự chi có sức giúp những dấu tích trong linh hồn ta cùng rửa lòng ta cho sạch cho bằng hằng suy ngắm những dấu tích ở mình chúa Giêsu. Mà các thánh cũng nói rằng thuốc tốt nhất cho được giúp ta khỏi các chước ma quỷ cám dỗ, nhất là khi nó xui giục về sự dơ dáy, là cầm trí lại mà suy ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu cùng ẩn mình vào trong dấu thánh. Ngày sau nữa trong các cơn gian nan ta mắc phải ở đời này thời ta được thoát nhiễm ở nơi sự thương khó Đức Chúa Giêsu sẽ cứu giúp ta. Như lời ông thánh Âucutinh nói rằng tôi chẳng tìm đâu được thuốc nào mạnh sức mà giúp tật linh hồn cho bằng những dấu tích nơi mình Chúa Giêsu. Ông thánh Bô na biên tu la(7) nói rằng: ai có ý có tứ và thật lòng đạo mà suy ngắm những việc Đức Chúa Giêsu làm khi còn sống cùng những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã chịu ở đời này thời sẽ được mọi sự cần phải dùng chẳng phải đi tìm nơi khác xa làm chi. Bởi đó cho nên các thánh cùng các kẻ có lòng đạo xưa năng suy ngắm sự thương khó Đức Chúa Giêsu cho nên đã được đi đàng nhân đức cả thể cùng đã được nên thánh. Vì sự ấy ta phải suy những sự thương khó Đức Chúa Giêsu làm vậy, dầu mà ta chẳng được sự chi khác, một ngày sự năng nhắc lại những ơn trọng ta đã ăn mày bởi Đức Chúa Giêsu mà ra, thời ta cũng phải lấy sự ấy làm trọng lắm. Vì chưng vốn kẻ có lòng thương yêu ai thời muốn cho kẻ mình yêu năng nhớ đến mình, cùng năng tưởng và năng nói đến những ơn mình đã làm cho nó, mà mình lấy sự ấy làm vui lòng hơn là kẻ ấy gửi của quý trọng cho mình. Tỉ dụ như đàn bà giàu sang kia có con làm quan ở nơi xa mà nhớ yêu con lắm. Nhược bằng có ai đem tin cho mẹ rằng con năng nhớ đến mẹ, năng nói chuyện về sự mẹ thương yêu con, cùng kể lại những cách êm ái dịu dàng ở cùng con và nhắc lại các sự lành mẹ đã làm, cùng các sự khó mẹ đã chịu cho con, âu là mẹ nghe những sự ấy thời lấy làm trọng cùng vui mừng hơn là con gửi vàng bạc, đá ngọc, châu bảo cho mẹ vậy. Cũng một lý ấy Đức Chúa Giêsu là đấng hay thương yêu ta, thời Người cũng xử một thể một cách như kẻ hay thương yêu nhiều lắm. Bởi đó cho nên Đức Chúa Giêsu muốn cho ta năng nhớ năng tưởng đến người, cùng nhớ đến các ơn, các sự lành và các sự lạ Người đã làm cho ta. Người lấy sự ấy làm trọng, vì chưng ta có nhớ các ơn Đức Chúa Giêsu đã làm cho ta ắt là chẳng bao lâu ta sẽ chầu lòng muốn dâng mình làm tôi Đức Chúa Giêsu cho lọn. Ông Bô lô chi ô đã chép truyện bà thánh Chi di tu du dê rằng: Đức Chúa Giêsu dạy bà ấy cho biết hễ lần nào ta lấy lòng kính mến mà lồng hình tượng Đức Chúa Giê su chịu đóng đinh trên cây câu rút thời Đức Chúa Giêsu lại lấy lòng lành mà lồng lại ấy vậy. Nếu Đức Chúa Giêsu chẳng nề chịu khó vì lòng thương con sao con lấy làm khó năng nhớ sự thương khó người đã chịu cho vì con. Có kẻ đã chép truyện ông thánh Phan chi cô(8) Khó khăn rằng: có một lần người đi qua gần nhà thờ kia mà khóc cả tiếng lắm, phải khi gặp một người khôn ngoan nhân đức đã quen, mà thấy ông thánh ấy khóc làm vậy, nghĩ là đã phải sự chi khốn nạn liền chạy đến hỏi rằng: thầy phải làm sao mà lo buồn khóc lóc làm vậy. Ông thánh ấy thở dài mà thưa rằng: tôi đau đớn cay đắng vì những sự thương khó Đức Chúa Giêsu đã phải chịu. Đức Chúa Giêsu là đấng rất nhân lành chẳng có phạm tội chi, một thấy chúng tôi là kẻ có tội đã làm cho Đức Chúa Giêsu phải đau đớn cực nạn làm vậy, mà chúng tôi quên ơn rất trọng ấy. Chẳng kêu khóc thời làm sao.
Chú thích:
(1)Tổng hợp từ cuốn: Linh mục Nguyễn Hưng. Sơ thảo thư mục Hán Nôm Công giáo Việt Nam. Lưu hành nội bộ. 2000.
(2)Hồng Nhự Nguyễn Khắc Xuyên: Lược sử địa phận Hà Nội 1626 - 1954. Hà Nội 1994. Bản đánh máy vi tính, khai thác từ phía Giáo hội Công giáo, tr 29.
(3)Chịu lễ cô mô giới: Chịu phép Mình Thánh.
(4)San ti sai mô sa ca la men tô (Sacramentô): Bí tích Thánh thể.
(5)Sacrifice: Hiến tế.
(6)Âucutinh: Augustin (354-430).
(7)Bô na biên tu la: Bonavanture (1221-1274).
(8)Phan chi cô: Francois - Phanxicô./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.130-137)

Saturday 10 August 2013

Đồng tính là gì?


Đồng tính cùng giống đàn ông hay cùng giống đàn bà với nhau ((Lê Văn Đức, 1970a:487), nói gọn là cùng giới tính (Hoàng Phê, 2006:344)

Đồng tính luyến ái là một tổ hợp Hán Việt với trung tâm là luyến ái (nghĩa là tình yêu) và đồng tính đóng vai trò thành phần phụ. Cả tổ hợp bốn chữ đó có nghĩa là tình yêu tha thiết, say mê, không rời nhau được giữa đôi bạn trai hay đôi bạn gái, một hiện tượng bất thường (Lê Văn Đức, 1970a:487). Người có quan hệ yêu đương, ham muốn tình dục với người cùng giới tính là người đồng tính luyến ái (Hoàng Phê, 2006:344).

Có lẽ vì cụm từ đồng tính luyến ái quá dài, người Việt hiện nay bỏ luôn hai chữ luyến ái (người đồng tính, bệnh đồng tính...) khiến cho hai tiếng đồng tính phải gánh thêm một ý nghĩa mà từ điển khó chấp nhận được. Cũng có thể đồng tính hiện nay được dịch thẳng từ same sex của tiếng Anh: same-sex marriagehôn nhân đồng tính, same-sex kissnụ hôn đồng tính, same-sex lovetình yêu đồng tính tức đồng tính luyến ái...

Friday 9 August 2013

Sử dụng ngôn ngữ không chỉ cần đúng, hay mà còn phải có nghệ thuật (Nguyễn Đức Tồn)

Sử dụng ngôn ngữ không chỉ cần đúng, hay mà còn phải có nghệ thuật

Thời gian qua, trên lĩnh vực truyền thông đại chúng, nhất là trong thông tin quảng cáo các chương trình lễ hội lớn của đất nước, việc sử dụng ngôn ngữ đã để sót những hạt sạn không đáng có …


GS-TS Nguyễn Đức Tồn

Hoạt động ngôn ngữ trong đời sống xã hội có những hiện tượng khiến người ta cảm thấy xô bồ, thả nổi, đã làm dấy lên vấn đề cần phải có sự chuẩn mực hoá trong sử dụng ngôn ngữ nói và viết. Đối với nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu,  các nhà văn hoá, giáo dục luôn canh cánh một nỗi niềm làm thế nào có thể ban hành được Luật Ngôn ngữ để điều chỉnh các hoạt động ngôn ngữ nhằm hạn chế, loại bỏ những hạt sạn ấy! Nhân dịp đầu xuân Tân Mão, phóng viên Nhà báo và Công luận đã có dịp trò chuyện cùng GS.TS Nguyễn Đức Tồn, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học.

PV:
 Thưa GS, những năm gần đây, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt dường như bị người ta lãng quên, bởi hiện nay trong "văn hóa nói và viết" có cảm giác là “mạnh ai nấy viết, mạnh ai nấy nói” bất kể đúng sai, GS nghĩ sao về điều này?

GS Nguyễn Đức Tồn: Năm 2010 cũng như các năm trước, nhiều vấn đề về ngôn ngữ nổi cộm  đã được đặt ra xoay quanh cuộc vận động do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khởi xướng - Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây là cuộc vận động có nội dung tương đối rộng, bao hàm hầu hết các lĩnh vực của ngôn ngữ. Ví dụ như: vấn đề viết đúng chính tả. Nếu như viết sai thì không những năng lực của người viết bị phủ nhận, mà còn tai hại hơn nữa nếu như cái sai đó lại được đem trương lên các pa nô, áp phích trong một dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước thì chắc chắn nó sẽ gây ra sự phản cảm đối với người đọc, người xem, gây bất lợi cho mục đích tuyên truyền, vận động, đồng thời hạ thấp trình độ văn hoá, uy tín quản lí, lãnh đạo của một tổ chức,... và còn nhiều những nguy cơ khác nữa mà chúng ta không thể lường hết được! Chắc hẳn chúng ta còn nhớ những hạt sạn chính tả khó tẩy mờ kiểu như vậy trên băng rôn trong dịp lễ hội Đền Hùng vừa qua, dòng chữ “bánh chưng, bánh giầy” viết sai thành "bánh trưng, bánh dầy"; rồi trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, “vạch xuất phát” ở đường Thanh Niên ghi thành "vạch suất phát"(!). Đây là những lỗi sai đơn giản nhất, sâu hơn  chút nữa là vấn đề sử dụng từ ngữ.

Vấn đề sử dụng từ ngữ đúng về ý nghĩa, phong cách, hoàn cảnh nói năng… liên quan đến văn hóa trong ngôn ngữ mà ngôn ngữ học gọi là "sự trau dồi ngôn ngữ”. Chúng ta phải làm thế nào để sử dụng ngôn ngữ không chỉ đúng, hay mà cao hơn nữa còn phải sử dụng có nghệ thuật. Đó mới là cái đích cần hướng đến trong thuật ngữ “trau dồi tiếng Việt”. Vấn đề sử dụng câu chữ, hay là dùng từ đặt câu, cũng liên quan đến vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà sâu xa hơn nữa còn là vấn đề tự tôn dân tộc. Giữa từ nước ngoài và từ trong nước, từ thuần Việt và từ ngoại lai thì chúng ta nên chọn sử dụng từ nào? Hiện nay các bạn trẻ có xu hướng thích dùng các từ " tân kì", các từ nước ngoài, nhất là từ tiếng Anh. Hiện tượng này không còn chỉ bó hẹp trong giao tiếp cá nhân hằng ngày nữa, mà đã lan ra cả các phương tiện thông tin đại chúng. Tại sao không dùng các từ ngữ mà tiếng Việt đã có? Sao không dùng "buổi biểu diễn", " buổi công diễn" mà cứ phải là liveshow? Phải chăng tiếng ta không có từ để chỉ tiền thù lao buổi biểu diễn mà phải dùng từ cát-sê?

PV: Đúng vậy, sử dụng chêm từ tiếng nước ngoài hiện nay đang là một trào lưu "mốt" trong giới trẻ, đặc biệt trong ngôn ngữ “chat”, nhiều ngôn từ sử dụng đến kì lạ, rất khó hiểu và dư luận từng lên tiếng báo động về hiện trạng này đã làm vẩn đục tiếng Việt vốn rất phong phú và trong sáng, GS nghĩ sao về điều này? 

GS Nguyễn Đức Tồn: Có nhiều đồng bào Việt kiều về thăm quê hương đã tâm sự, ở nước ngoài, chúng tôi mong muốn cho con em mình thường xuyên sử dụng tiếng Việt, nên ngoài thời gian học trong trường, thì khi ở nhà, giao tiếp trong gia đình, thường chúng tôi quy định phải dùng tiếng mẹ đẻ để mọi người không quên cội nguồn.Thế nhưng trở về nước thì chúng tôi lại thấy một điều trái ngược là con em mình trong nước lại rất thích sử dụng chêm đệm các từ tiếng Anh, đặc biệt là những từ lóng. Những trường hợp này cần phải suy nghĩ, cân nhắc, nếu như sử dụng từ tiếng Anh để học tập và làm giàu vốn từ của mình thì đó là một việc rất đáng khuyến khích, nhưng sử dụng từ tiếng Anh tràn lan, tùy tiện, không đúng chỗ, không đúng mục đích thì sẽ phản tác dụng, làm hỏng cả tiếng mẹ đẻ, gây phản cảm cho những người giao tiếp xung quanh.

Đặc biệt hiện nay, nhiều người cảm thất rất bức xúc với ngôn ngữ “chát” của lớp trẻ. Ngôn ngữ “chát”, nếu đứng về mặt phong cách học, nó không có lỗi gì cả, trái lại còn đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng - đó là tầng lớp thanh thiếu niên. Cách sử dụng từ ngữ và viết các kí tự khi“chát” thoả mãn được 2 yêu cầu: nhanh và "biểu cảm" hơn.Thứ nhất, thường thì chúng ta nói nhanh hơn viết, nhiều khi viết chậm không theo kịp dòng tư tưởng cần trao đổi, nên ngôn từ “chát” được thu gọn, viết tắt tối đa; thứ hai, nhiều từ ngữ, cách nói được thể hiện qua cách viết trong ngôn ngữ "chát" có sắc thái biểu cảm rất cao, thể hiện được tình cảm âu yếm, trìu mến đối với nhau giữa các đối tượng cùng "chát". Cho nên trong các dòng tin nhắn khi "chát", người ngoài cuộc thấy có rất nhiều các hình thức diễn đạt cùng cách viết đến kỳ dị là vì vậy. Thực ra đây là một thứ biệt ngữ của giới trẻ giao tiếp trong thời đại "A còng". Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên lên án hiện tượng này vì khi nhu cầu giao tiếp của đời sống đòi hỏi thì ngôn ngữ sẽ phải đáp ứng, do vậy , ngôn ngữ "chát"- tạm gọi như thế, ít nhiều có lí do riêng để ra đời và tồn tại. Trong hoàn cảnh giao tiếp có tính cá nhân khi giới thanh thiếu niên "chát" với nhau, thì việc họ sử dụng biệt ngữ của mình thiết nghĩ cũng  hoàn toàn bình thường.Ngôn ngữ "chát" thể hiện cá tính nhanh, nhạy, thích cái mới, lạ, tân kì của lớp trẻ, nhưng vì về mặt hình thức nó có nhiều điểm lệch với ngôn ngữ chuẩn mực, toàn dân nên không phải với ai, nhất là những người có tư tưởng "bài bản", truyền thống, cũng thấy thuận mắt xuôi tai và do đó không dễ gì một sớm một chiều nó được người ta chấp nhận. Đó là lí do vì sao có nhiều ý kiến hay dư luận xã hội phê phán hiện tượng này.Theo tôi nghĩ, chúng ta không nên quá khắt khe, cấm đoán, hay lên án cách sử dụng biệt ngữ của lớp trẻ khi “chát” với nhau trong phạm vi giao tiếp cá nhân, mà chỉ nên "có ý kiến" nếu họ mở rộng việc sử dụng ngôn ngữ “chát” sang các phạm vi giao tiếp chính thức, mang tính quy thức, ví dụ, khi làm bài, phát biểu trong lớp, nơi công cộng, hay khi giao tiếp với thầy cô giáo... Chân lý chỉ đúng trong một phạm vi, giới hạn nhất định của nó, nếu đẩy quá giới hạn thì nó sẽ trở thành phi lý. Vì thế, chúng ta cần  có sự thống nhất quan điểm trong xã hội, nhìn nhận vấn đề "ngôn ngữ chát" đúng đắn hơn khi nó được sử dụng đúng trong hoàn cảnh giao tiếp của nó - đó là khi lớp trẻ "chát" trong nội bộ với nhau.

PV: Thưa GS, hiện nay trong việc dạy và học của học sinh phổ thông đang có rất nhiều ý kiến bàn luận như: Có nên dạy chữ Nho cho học sinh hay không, … và cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ. Ý kiến của GS như thế nào, và với việc ra đời Luật Ngôn ngữ liệu có hạn chế được tình trạng nói và viết sai tràn lan?

GS Nguyễn Đức Tồn: Chữ Hán ngày xưa ông cha ta học và sử dụng trong thi cử... còn gọi là chữ Nho. Đây là thứ chữ Hán của văn bản cổ đại mà người Trung Quốc gọi là văn ngôn. Những người chủ trương dạy chữ Hán cho học sinh phổ thông thực chất là chủ trương dạy văn ngôn chứ không phải là dạy tiếng Hán hiện đại như hiện nay trong trường phổ thông Việt Nam học sinh học môn tiếng Trung cùng các môn sinh ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v... Học chữ Nho thì phát âm theo cách đọc Hán Việt, còn học chữ Hán của tiếng Hán hiện đại thì phát âm theo hệ thống ngữ âm Bắc Kinh hiện đại.

Theo tôi, không nên, không cần thiết phải dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông với tư cách là một môn học bắt buộc. Trước đây đã có một số người viết bài tỏ rõ ý kiến không đồng tình với chủ trương dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông, nhất là ý kiến trao đổi gần đây mang tính chuyên sâu hơn về ngôn ngữ học của PGS.TS Lê Xuân Thại về vấn đề này trên trang điện tử (Website) của Viện Ngôn ngữ học.

Một vấn đề nữa cũng đang được rất nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa lớn đề xuất là lập pháp trong ngôn ngữ. Hiện nay trước tình hình sử dụng ngôn ngữ có phần xô bồ, gần như thả nổi, thì rất cần phải có luật về ngôn ngữ. Hoạt động ngôn ngữ được sử dụng hầu hết trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, từ quản lý  nhà nước đến các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, giáo dục… Việc sử dụng ngôn ngữ nếu như không có tổ chức, không được chuẩn hoá, thì sẽ làm vẩn đục tiếng Việt, thậm chí có thể còn làm cho máy vi tính không thể hoạt động được để giúp cho con người trong lĩnh vực quản lí.... Ví dụ: các từ phiên âm tên riêng của cùng một người nước ngoài, được viết tách rời có gạch nối hay viết liền, tư duy con người dễ dàng nhận ra đó chỉ là cùng một tên gọi một người, nhưng máy coi đó là những tên gọi những người khác hẳn nhau. Cho nên việc xây dựng Luật Ngôn ngữ là hết sức cần thiết. Luật ngôn ngữ sẽ bao hàm nhiều nội dung như: việc chọn và tuyên bố ngôn ngữ chính thức của Nhà nước, ngôn ngữ quốc gia là ngôn ngữ nào;  vấn đề quy định, phân công chức năng, nhiệm vụ cho các ngôn ngữ cùng tồn tại trong một quốc gia; vấn đề dạy các ngôn ngữ trong nhà trường; vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện thông tin đại chúng ra sao… Ngoài ra còn vấn đề sử dụng, dạy ngoại ngữ như thế nào? Xin lưu ý là luật ngôn ngữ chỉ điều chỉnh các phạm vi giao tiếp chính thức, có tổ chức , chẳng hạn, trong giao tiếp hành chính, trong báo chí, đài phát thanh, các văn bản pháp quy... Nó không điều chỉnh hoạt động ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp không chính thức của cá nhân, hay các tổ chức tôn giáo, xã hội, nghề nghiệp... Khi có luật ngôn ngữ thì tất nhiên việc sử dụng ngôn ngữ  trong các phạm vi giao tiếp có tổ chức sẽ tốt hơn, đồng thời nó cũng sẽ có tác dụng đưa ra những khuôn mẫu hướng dẫn việc sử dụng ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp không chính thức như đã nêu.

PVThưa GS, Viện Ngôn ngữ học đã có truyền thống trên 40 năm, và mới đây (năm 2008) đã tách ra làm 2 viện, là Viện Ngôn ngữ học và Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam… Vậy việc này có ảnh hưởng gì đến hoạt động nghiên cứu khoa học và một số công việc khác của Viện ta hay  không?

GS Nguyễn Đức Tồn: Năm 2010 là năm ổn định và phát triển của Viện Ngôn ngữ học. Nhờ vậy, trong năm qua Viện Ngôn ngữ học đã có những bước tiến vững chắc về mọi mặt. Công tác khoa học đã được đặc biệt chú trọng. Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ (2009-2010) với 7 đề tài do Viện trưởng làm Chủ nhiệm đã được tổ chức chu đáo, mang tầm chiến lược phát triển của Viện: Các phòng chuyên môn đều chủ trì đề tài cấp Bộ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của từng phòng. Viện đã rất chú ý tạo điều kiện cho tất cả mọi cán bộ dù là nghiên cứu hay phục vụ nghiên cứu đều được tham gia vào các đề tài theo khả năng chuyên môn và năng lực của từng cá nhân để vừa có thể nâng cao về chuyên môn vừa có thu nhập cải thiện đời sống. Trong thời gian tới, Viện sẽ quyết tâm giữ vững khối đoàn kết nhất trí trong toàn cơ quan; xây dựng tốt kế hoạch 2011 và có lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch chuyên môn đã đề ra ngay từ những tháng đầu tiên của năm mới. Viện cũng sẽ chú trọng đặc biệt tới việc bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ mà hiện nay chiếm tới một nửa số cán bộ của Viện để có lực lượng kế tục trong những năm tiếp theo.

PVXin cảm ơn GS!
Lan Hương (thực hiện)

Thursday 8 August 2013

CHỮ NÔM KIÊNG HUÝ TRÊN TẤM BIA ĐỜI TRẦN - Lâm Giang

15 . Chữ Nôm kiêng húy trên tấm bia đời Trần. (TBHNH 1998)
Cập nhật lúc 17h00, ngày 27/09/2007
LÂM GIANG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Đó là trường hợp xuất hiện trên tấm bia khắc ở vách đá chùa Hưng Phúc, xã Chỉnh Đốn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, có tên: Phật pháp tăng bảo.
Bia cao 1,04 mét, rộng 0,73 mét, một mặt, gồm 18 dòng, mỗi dòng 40 chữ, tổng cộng 720 chữ.
Bia khắc trên vách đá (ma nhai bi), không có hoa văn trang trí. Trải nhiều năm tháng dầm mưa dãi nắng, nên mất nhiều chữ, số chữ còn lại đều mờ, mất nét rất khó đọc. Hiện 1/3 số chữ khắc trên bia bị mất hoàn toàn, không thể nhận ra lấy một nét chữ. Bia không ghi tên người soạn, người viết chữ, hoặc người khắc chữ. Duy dòng nhiên đại khắc ngay dòng đầu tiên của bia thì còn rất rõ: Ngày 13 tháng Giêng, năm Đinh Dậu, niên hiệu Thiệu Phong thứ 17 (1357).
Bia chưa được ai nghiên cứu, giới thiệu.
Thác bản hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu N.19162.
Nội dung: Khắc họ tên cùng số ruộng (gồm số thửa, tên xứ đông, Đông Tây giáp giới) của các quan viên, thái ông lão bà, thiện nam tín nữ, đã cúng ruộng cho nhà chùa Hưng Phúc.
Như vậy, nội dung bia nghèo nàn, thoạt nhìn tưởng chừng chẳng có điều gì cần nói thêm, ngoài yếu tố là một tấm bia đời Trần hiếm hoi còn lại. Và, các thiện nam tín nữ tiến cúng ruộng cho nhà chùa, được khắc bia ghi tên, nêu công đức, cũng là việc đã từng thấy ở thời đó, không mới mẻ gì. Có chăng ở đây cung cấp thêm tên một số quan chức: Hỏa đầu, Dũng thủ, Sổ dịch nhan… Có lẽ là những chức quan nhỏ ở hương thôn thời ấy. Nhưng nếu chu ý thêm một bước nữa thì thấy tên người, tên đất trong bia đều dùng chữ Hán, ngoài trường hợp sẽ trình bày sau đây.
Lại đọc ký thêm nữa thì thấy, các tín thí cúng ruộng cho nhà chùa, người ít nhất là một, nhiều nhất là năm sào. Với số chữ còn đọc được trong bia, thống kê lại được số người tiến cùng với số lượng như sau:
+ 4 người tiến cúng một sào.
+ 1 người tiến cúng một sào bảy thước.
+ 3 người tiến cúng 3 sào.
+ 2 người tiến cúng 4 sào.
+ 2 người tiến cúng 5 sào.
Sau thống kê xong mới phát hiện ra rằng, những chữ số 1, 3, 4, 4 có cách viết khác nhau: Những chỗ kê số ruộng phải dùng đến chữ số “tam cao” (3 sào) có cách viết không bình thường: Trong bia có 3 trường hợp phải ghi “tam cao” đều được viết tránh thành chữ Hán đọc Nôm “ba sào” . Các chữ số còn lại như: “Nhất cao”, “tứ cao”, “ngũ cao”, không viết thành chữ Nôm “một sào”, “bốn sào”, “năm sào” như trường hợp vừa nêu trên.
Chữ “tam” được viết tránh trong bia có thể là kiêng húy trong từ “tam bảo” song các chữ “tam” trong từ “tam bảo” xuất hiện trong bia đều được viết bình thường, có thể phép kiêng húy trong trường hợp này chỉ quy định như vậy, chưa thật chặt chẽ. Dẫu sao, việc dùng chữ Nôm để viết kiêng húy như trên là một trường hợp ít thấy. Mặt khác, về phương diện chữ Nôm, thì đây là một bằng chứng khác xác đáng chứng minh rằng chữ Nôm đã có từ đời Trần.
Như trên đã thấy, chữ “ba sào” không phải chỉ xuất hiện một lần mà là ba lần trong tấm bia này.
Cần nói rõ thêm, chữ trong bia hầu hết là lờ mờ, riêng các chữ ghi số ruộng “nhất cao”, “ba sào”, “tứ cao”, “ngũ cao” lại khá rõ ràng, giúp cho việc khảo sát thêm thuận lợi và cũng là một thiết chứng đáng tin cậy.
Dưới dây xin trích mười câu có ghi số ruộng do thiện nam tín nữ tiến cúng cho tam bảo, trong đó có chữ “ba sào”, xuất hiện ở ba câu khác nhau để bạn đọc tham khảo.
1.
2. 西
3.
4. 黃 氏 乙 二 人 施 田 望 快 洞 波 篙 有 餘
5. 西
6. 丁 賢 並 妻 丁 氏 將 施 在 望 快 洞 田 一 高 東 近 何 本 西 近 謝 休 為 界
7. 鄭 氏 別 施 田 望 快 洞 用 一 高 七 尺 東 近 路 西 近 三 寶 地
8. 在 頓 廊 所 役 火 頭 于 麻 郎 並 妻 宋 氏 熙 二 人 共 施 田 在 望 辦 洞 用 西 高 東 近 丁 笛 西 近 丁 特 為 界
9. 堂 口 口 口 施 田 波 高 東 近鉅 人 阮 丁 歑 西 近 口 何
10. 侍 衛 都 勇 黃 氏 秀 並 所 役 人 丁 現 妻 黃 氏徒 四 人 共 在 群 祠 田 處 一 所 西
Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.121-124)