Tuesday 12 November 2013

Những vụ án oan sai thấu trời xanh (Loan Hoàng - Đời Sống & Pháp Luật)

(ĐSPL) - Những vụ án oan gây ra bao hệ lụy khôn lường đã xảy ra trong cả nước tại những thời điểm khác nhau khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, bức xúc.
1. Bắc Giang: 8 người bị án oan, 1 người chết trong trại giam do ép cung
Năm 2003, cùng thời điểm xử án “giết người, hiếp dâm” bị can là ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ  quan tố tụng tỉnh Bắc Giang còn xử án “Trộm cắp tài sản”, bị can là 8 công dân sống trong tỉnh.
8 công dân này bị cáo buộc gây ra hàng loạt vụ trộm cắp tượng, cổ vật trong nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003.
Thái độ làm việc cảm tính, chủ quan, dùng vũ lực để ép cung lại gây thêm án oan sai cho 8 công dân trên.
Những vụ án oan sai thấu trời xanh
 Ông Dương Phúc Thịnh, 1 trong những bị cáo của vụ trộm cổ vật tại buổi xin lỗi của VKSND tỉnh Bắc Giang.
Hơn 2 năm trời và trải qua 4 phiên tòa, do không đủ chứng cứ để buộc tội những người bị truy tố, 8 bị can đã được đình chỉ điều tra, xác định bị oan.
Đặc biệt, bị can Phan Hữu Hường - một nhà sư - đã chết trong trại tạm giam Kế (tỉnh Bắc Giang) khi chưa kịp giải oan và sau đó được kết luận do bị bệnh.
Trong các phiên tòa các bị can đều một mực kêu oan, và tố cáo mình bị đánh đập, ép cung ở cơ quan cảnh sát điều tra.
Tuy nhiên, phải tới phiên tòa  lần thứ 4 ( khoảng tháng 6/2006), Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang mới tuyên cả 8 bị cáo trong vụ việc này đều vô tội và trả tự do ngay tại tòa.
Mãi 2 năm sau (tháng 7-2008), ban lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Giang mới tiến hành xóa án tích và công khai xin lỗi những nạn nhân chịu án oan.
2. Tiền Giang: Chấp hành xong bản án chung thân mới được giải oan
Một điển hình nữa về sự "chủ quan" và “năng lực” của các cơ quan chức năng trong việc thi hành pháp luật là trường hợp của ông Trần Văn Chiến (quê ở Tiền Giang).
Ông Trần Văn Chiến đã phải chấp hành xong bản án chung thân về tội giết người, sau mới được minh oan.
Những vụ án oan sai thấu trời xanh
Ông Trần Văn Chiến chấp hành xong bản án chung thân mới được giải oan
Tháng 5/1979, vị trưởng công an xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang  bị giết hại. Lúc này, ông Chiến đang ở cùng người thân thì nghe tiếng kêu thất thanh bên ngoài rồi thấy Trần Văn U, người cùng xã, chạy qua nói “tao vừa giết thằng Sên” rồi chạy mất hút.
Khi vụ án rơi vào bế tắc, bất ngờ ông Chiến cùng một số người khác trong xóm bị bắt với cáo buộc phạm tội giết người, dù ông Chiến đã đưa ra các lập luận hết sức thuyết phục và chỉ đích danh Trần Văn U mới chính là thủ phạm.
Có thêm tình tiết mới, đáng lẽ các cơ quan tố tụng phải tiến hành xác minh điều tra và triệu tập các đối tượng nghi vấn, nhưng  vụ án lại  kết thúc một cách rất chủ quan.
Sau 16 năm ngồi tù để thi hành án chung thân, do cải tạo tốt, ông Chiến được trả tự do. Rồi đối tượng U xuất hiện và bị dân làng vây bắt, hắn đã khai nhận hoàn toàn hành vi giết người của mình.
Khi ông Chiến được minh oan, TAND tỉnh Tiền Giang công khai xin lỗi và đền bù oan sai thì cũng là lúc sức khỏe của ông bị suy kiệt do bị hoảng loạn về tinh thần bởi cái "họa" từ "trên trời rơi xuống". 
4. Tây Ninh: Đối mặt với án tử bởi "kịch bản" của điều tra viên
Một vụ án oan sai trầm trọng nữa là tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh hơn hai lần tuyên án tử hình đối với anh Nguyễn Minh Hùng (quê ở Tây Ninh) với cáo buộc vận chuyển trái phép 25 bánh heroin.
Những vụ án oan sai thấu trời xanh
Anh Hùng trở về với gia đình 4 năm cận kề với án tử hình 
Người gây "thảm kịch" chính là một nữ điều tra viên công an tỉnh Tây Ninh.
Cuối cùng, "bà trùm" trong vụ án buôn bán ma túy này đã khai nhận do bị các cán bộ điều tra mớm cung nên mới khai Hùng có tham gia vào đường dây. Năm 2008, vì không đủ chứng cứ, Nguyễn Minh Hùng được VKSND Tây Ninh ra quyết định trả tự do sau 4 năm đối mặt với bản án tử hình.
Chưa có số liệu thống kê chính xác số vụ án oan sai mỗi năm. Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn vụ án phát hiện oan sai nhờ sự nỗ lực kêu oan, đòi công lý tột cùng của gia đình “nạn nhân”, chứ không phải do cơ quan bảo vệ pháp luật tìm ra.
Chỉ đến khi, đầy đủ các nhân chứng, vật chứng, hung thủ “phơi bày” không thể rõ ràng hơn thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới nhận ra mình sai, trong khi trước đó đã “làm ngơ” trước mọi lời kêu oan thấu trời của “nạn nhân”. 
Loan Hoàng

Ông Nguyễn Thanh Chấn: Tôi hỏi, cán bộ tha tôi thì khi nào bắt lại? (Xuân Hải - Infonet)


Ông Nguyễn Thanh Chấn: Tôi hỏi, cán bộ tha tôi thì khi nào bắt lại?

Thứ hai 11/11/2013 08:51
“Tôi không hiểu gì về pháp luật nên hôm ông Thể, Viện Phó Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đọc quyết định tạm tha, thì tôi hỏi ngược trở lại: Thế hôm nay cán bộ tha tôi, đến hôm nào lại bắt tôi? ", ông Nguyễn Thanh Chấn nhớ lại...

Ông Nguyễn Thanh Chấn: "Tôi đi tù bao nhiêu năm thì các điều tra viên đi tù bằng tôi bấy nhiêu năm". (Ảnh. Xuân Hải chụp chiều 10/11).

"Tôi đi tù bao nhiêu năm thì các điều tra viên đi tù bằng tôi bấy nhiêu"

Ông Nguyễn Thanh Chấn là người vừa được Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị tái thẩm và tạm hoãn thi hành án tù chung thân về tội giết người mới được trở về nhà sau 10 năm tù và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị tái thẩm của VKSNDTC hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Do hung thủ Lý Nguyễn Chung (28 tuổi) quê Lạng Sơn đã ra đầu thú.
Chiều 10/11, tại gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961), ở Thôn Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, có rất đông người dân từ nhiều nơi đến thăm hỏi, chia sẻ và ủng hộ chút tiền để giúp đỡ gia đình ông vượt qua khó khăn. Người giúp đỡ ít thì vài trăm ngàn, có người ủng hộ 5 triệu đồng. Không ít doanh nghiệp cũng đến để chúc mừng và ủng hộ gia đình ông Chấn.
Sau 7 ngày trở về đoàn tụ cùng gia đình, hiện nay sức khỏe của ông Chấn đã khá hơn. Trong bộ quần áo được sơ mi, được "cắm thùng" cẩn thận, mái tóc chải gọn gàng, nước da đã bớt xanh xao, ông Chấn vui vẻ đón các bạn cùng lớp cũ đến thăm.
“Sau 10 năm tù, mặc dù đã được trở về nhà được 7 ngày rồi nhưng lúc nào tôi cũng đi lâng châng như người say, mặc dù 10 năm nay tôi không uống một chén rượu nào”, ông Chấn nói.
Khi biết tin các điều tra viên đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập mình, ông Chấn cho biết: “Tôi không nhất trí đâu. Tôi đề nghị tôi đi tù bao nhiêu năm thì yêu cầu các điều tra viên cũng phải đi tù như tôi bằng nấy năm. Tôi đã nói là Ngô Đình Tân, Trần Nhật Luật và Ngô Đình Dung có đánh tôi rồi cho chuyển từ buồng giam này sang buồng giam khác nhiều lần, đại ý là cho vào buồng đầu gấu đánh tôi. Từ bé tôi là con độc nhất, bản thân tôi mới tròn 3 tuổi thì bố tôi mất, khi đó mẹ tôi mới 23 tuổi, tôi rất hoảng sợ khi bị đánh đập tra tấn như thế. (Họ) bắt làm hết cái nọ đến cái kia, rồi vô lý bảo tôi viết đơn xin đầu thú, trực tiếp Ngô Đình Dung bắt tôi viết đơn đầu thú và bắt tôi đọc lại đơn nhiều lần”.
Ông Chấn kể tiếp: “Còn Nguyễn Văn Dũng trực tiếp viết giấy mời lần thứ nhất là vào ngày 30/8, sau đó khi đến tận 20/9 thì có giấy triệu tập lần thứ 2, giấy lần thứ nhất là giấy mời, trong khi đó giấy mời lần thứ 2 không có, lần thứ 3 cũng  không có, sau đó tôi mới hỏi “sao giấy triệu tập lần thứ nhất không có, sao anh đã có giấy triệu tập lần thứ 2, thì cán bộ trả lời rằng: “Tôi nhầm”. Trong khi đó tôi bảo rằng: Các anh hỏi mãi tôi đau đầu lắm rồi, ép buộc tôi thúc suốt ngày thế này, đêm lại không cho ngủ. Tôi còn bảo ông  Thâu  mấy lần điều tra tại xóm, điều tra được cái gì ông ấy đều ghi lại hết, nhưng cán bộ không nghe”.
Theo ông Chấn, khi ra tòa ông Chấn đã kêu oan với HĐXX sơ thẩm, phúc thẩm nhưng không được chấp nhận. “Ra tòa tôi cũng nói, nhưng rồi lại không cho tôi nói, nói lại bảo phải trả lời theo hồ sơ bản án. Khi đến tòa phúc thẩm tôi cũng trình bày như thế, tòa thì cũng cứ đọc như các cụ đọc sớ. Mà cái phiên tòa trước, tòa cũng chỉ định luật sư và luật sư cũng nói rằng: Sao em không giết người mà em lại nhận như thế. Tôi bảo các điều tra cứ bắt tôi tập tành thành thục, từng động tác bê người bị hại thế này thế nọ...
Cụ thể, đó là các điều tra Trần Nhât Duật, Ngô Văn Tân, Ngô Đình Dung và cả kiểm sát viên Đặng Thế V. cũng vào dọa dẫm tôi. bắt tôi ký. Nhiều hôm (họ) bắt tôi làm cả đêm, diễn đi diễn lại cái động tác ấy, lúc thì bên phải, lúc thì bên trái cứ lộn ngược lung tung, sau rồi tôi cũng đành theo ý của họ, luyện tập một cách thành thục, sau đó đến buổi quay thì mượn một nhà dân cũng sang trọng, vôi ve xanh ngoài cổng chứ không như một tờ báo nào đó nói là ngôi nhà hoang”.
Sau khi ngồi 10 năm tù với án chung thân về tội giết người, vợ ông Nguyễn Thanh Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến đã gửi đơn kêu oan cho chồng, cùng với đó là hành trình truy tìm thủ phạm gần 10 năm để minh oan cho ông Chấn.
“Cảm xúc của tôi lúc đó thì, tôi nói rằng rất đau lòng, cả một cơ quan công quyền mà không điều tra được mà phải để vợ tôi mới lớp học hết lớp 3, lớp 4 đi tìm vụ án, rồi mới biết", ông Chấn buồn bã nói.
"Sau 10 năm tù trở về nhà cửa tan hoang, tôi không cả nhận ra người quen"

Ông Chấn kể lại: “Tôi không hiểu gì về pháp luật nên hôm ông Thể, Viện Phó Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao đọc quyết định tạm tha, thì tôi hỏi ngược trở lại: Thế hôm nay cán bộ tha tôi, đến hôm nào lại bắt tôi? Ông Thể trả lời không bắt nữa bây giờ anh được trả tự do rồi. Hôm nào chúng tôi có một buổi mở một phiên tòa tái thẩm thì anh cũng không phải đi".
Ông Chấn và mẹ (thứ 3 bên trái) chụp ảnh cùng các bạn học cũ của ông Chấn. (Ảnh. Xuân Hải).
Ông Chấn tâm sự: Thực tế sau mười năm, khi tôi bị án oan đi tù  các con tôi khi đó thì còn bé nheo nhóc, lại thêm mẹ già, vợ trẻ. Giờ về quê thấy quê hương thay đổi nhiều, bỡ ngỡ, không biết ai với ai, nhiều người trong làng tôi vẫn chưa nhận ra và nhà cửa thì tan hoang như thế này. Địa phương và bà con dân làng cũng đã đến thăm hỏi và có một số doanh nghiệp đến thăm và ủng hộ gia đình. Có cả ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và ông Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã đến thăm tôi và gia đình để động viên”.
Sáng 10/11 báo cáo với tỉnh ủy, HĐND Bắc Giang, Đại tá Phạm Văn Minh cho biết, việc giải trình “không thấy có vấn đề gì”. Những người phải viết tường trình đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập để ông Chấn nhận tội giết chị Nguyễn Thị Hoan 10 năm trước.7 người phải làm tường trình gồm các ông: Thái Xuân Dũng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyến, Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành.
Theo một số nguồn tin, ông Thái Xuân Dũng hiện là Chánh thanh tra Công an tỉnh. Ông Lê Văn Dũng, chỉ huy điều tra vụ án, đang là Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Ông Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật đang là Phó trưởng Công an huyện Lục Nam và huyện Việt Yên. Ông Nguyễn Trung Thành giờ là Phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng...
Năm 2004, ông Chấn bị hai cấp xét xử tuyên án chung thân vì tội Giết người. Khi thụ án tại trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an), ông Chấn đã viết một số đơn kêu oan. Trong lá đơn viết năm 2007 gửi Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Chấn cho biết, ngày 15/8/2003, sau khi phát hiện chị Nguyễn Thị Hoan (hàng xóm) bị giết, ông là người gọi điện báo cho công an huyện, là người đi mua quan tài. Chừng nửa tháng sau đó, công an đã bắt ông vì cho rằng đã giết chị Hoan trong thời gian đi xin nước từ khoảng 19h đến 19h25, trong khi lúc đó ông có chứng cứ ngoại phạm là đang bấm máy cho khách hàng gọi điện thoại.
Trong đơn ông Chấn cho biết "bị đánh đập, đe dọa ép cung” để nhận tội. Ông Chấn nêu tên cụ thể những người ép cung. Trong lá đơn kín 4 mặt giấy, ông Chấn cho biết: "Do bị tra tấn đánh đập, làm cho hoảng loạn, sợ hãi, tôi buộc phải nhận và làm theo những gì công an hướng dẫn mà thực tế không phải như vậy… tôi không giết chị Hoan".

Bản cầu là gì?



Trung Quốc dịch cricket板球 (Hán Việt: bản cầu) nhưng người Việt không dùng từ này.

Từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh (1950:364) không dịch từ cricket, chỉ ghi là một lối đánh cầu ở nước Anh. Trong từ điển này, cricket-clubhội chơi cricketcricketeurngười chơi cricket (Đào Duy Anh, 1950:364).

Từ điển Anh Việt của Nguyễn Văn Khôn (1959:357) cũng giữ nguyên dạng cricket.

Từ điển Pháp Việt của Lê Khả Kế (2001:401) phiên âm cricketcriket.

Phiên âm cricket tiếng Pháp thành cri-kê hay crích-kê cũng được:
Cố vấn Hội đồng Olympic Châu Á (OCA), ông Muhammad Latif Butt cho biết, 41 môn thể thao, trong đó có môn cri-kê, sẽ được tổ chức thi đấu tại Đại hội thể thao Châu Á lần thứ 16, Quảng Châu (Trung Quốc) vào năm 2010. 

Những viên đạn bắn vào thành xe ô tô tạo âm thanh chát chúa làm các cầu thủ thuộc đội tuyển quốc gia crích-kê (một môn bóng gậy) của Xri Lan-ca đang lim dim ngủ bừng tỉnh, nháo nhào xô lên không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Khủng bố vào “crích-kê”
QĐND - Thứ Sáu, 06/03/2009, 22:47 (GMT+7)
KIM OANH

Trong tiếng Pháp từ cricket có thể đọc là [kʁi.kɛt] (có [t]) hay [kʁi.kɛ] (không có [t]). Có [t] thì gần với nguồn gốc tiếng Anh, nhưng từ đầu thế kỷ 20, từ này xem như đã Pháp hóa hoàn toàn, không đọc [t] cuối nữa.

Vấn đề đáng suy nghĩ là tại sao người Việt lại chọn phiên âm từ tiếng Pháp. 

Monday 11 November 2013

Năng lực như thế, tư cách như thế sao có thể gánh vác những công việc như thế?


Báo chí đồng loạt đưa tin 6 điều tra viên cùng phủ nhận đánh đập, ép cung ông Chấn.
Đại tá Phạm Văn Minh, Giám đốc CA Bắc Giang, cho biết 6 điều tra viên trực tiếp điều tra ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm trước đã hoàn tất giải trình mà theo đó “không thấy có vấn đề gì”, tất cả đều đều khẳng định không ép cung, đánh đập, “hướng dẫn khai” như tố cáo.
Phạm Văn Minh năm xưa mà ưu ái cho Nguyễn Thanh Chấn làm tường trình chắc cũng sẽ không thấy có vấn đề gì.
 Sự thật một đàng, hồ sơ ra một nẻo, đó là vấn đề.
Không nhìn thấy một vấn đề to như trái núi, đó cũng là vấn đề.
Những con người như vậy đã và đang giữ cương vị như vậy trong ngần ấy năm, đó mới chính là vấn đề. Thậm chí việc xem xét trách nhiệm đối với ông Minh chưa được đặt ra.

Sẽ còn những Nguyễn Thanh Chấn khác. Đây không phải là vấn đề nữa, vì là chuyện ai cũng biết rồi. 

Sunday 10 November 2013

Ta điều tra ta, biết chừng nào ra?



Trước đây còn ngờ nhưng bây giờ đã rõ lý do vì sao công an Bắc Giang khởi động ì ạch, chậm chạp sau khi quả bom án oan Nguyễn Thanh Chấn nổ tung giữa thanh thiên bạch nhật.
Báo Người Lao Động thứ sáu 8/11/2013 vừa công bố “Danh tính, chức vụ các điều tra viên vụ án Nguyễn Thanh Chấn” như sau:

Đó là các ông:

1. Thái Xuân Dũng, khi đó là Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó phòng Cảnh sát điều tra (PC16 ngày ấy). Ông Dũng là người ký kết luận điều tra vụ án để chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Thái Xuân Dũng đã đeo hàm Đại tá và là Chánh thanh tra Công an tỉnh.

2. Ông Lê Văn Dũng, ngày ấy là Phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Dũng là Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47).

3. Ông Nguyễn Đình Dung là điều tra viên chính của vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Nay ông Dung là Thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

4. Ông Trần Nhật Luật là điều tra viên, nay là Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

5. Ông Đào Văn Biên, điều tra viên, nay là Phó trưởng phòng PC45.

6. Ông Nguyễn Trung Thành, điều tra viên, trực tiếp hỏi cung Nguyễn Thanh Chấn. Nay là Phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng.

7. Một điều tra viên tên là Tân, đã mất.

http://nld.vcmedia.vn/BJ072xyCtEPHtnnWS0mbQaWHs01BP3/Image/2013/11/Quyet-dinh-tam-dinh-chi-vu-an_92881.jpg
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh văn phòng Viện KSND Tối cao, trao quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn ngày 4-11 - Ảnh: TTXVN

Được biết, chiều ngày hôm qua (7-11-2013), Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Minh đã yêu cầu các cán bộ điều tra trực tiếp điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn phải làm bản tường trình báo cáo lại toàn bộ quá trình điều tra vụ án này.  Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang cũng sẽ kiên quyết xử lý những ai đã gây nên vụ án oan sai này.

Theo Petrotimes, trong vụ án oan này, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công tỉnh Bắc Giang hiện nay cũng không thể không có trách nhiệm. Bởi lẽ, vào thời điểm vụ án xảy ra, ông Minh là Phó Giám đốc Chỉ huy cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang.



Trong những ngày vừa qua chắc chắn các ông ấy đã kịp làm những việc cần làm ngay. Muốn làm gì cũng được, bởi vì không có ai đứng ra chặn bàn tay của các ông. 

Saturday 9 November 2013

Tòa án Pháp đã xử sai bao nhiêu vụ từ năm 1945 đến nay?



Có thể đếm được trên đầu ngón tay vì chỉ có chín vụ thôi. Phần lớn đều có điểm tương đồng với vụ Nguyễn Thanh Chấn ở nước ta hiện nay.

Vụ oan sai đầu tiên xảy ra ngay sau chiến tranh là trường hợp của Jean Dehays năm 1945. Jean Dehays khai nhận tội giết người rồi phản cung nhưng vẫn bị kết án 20 năm khổ sai. Phải bảy năm sau (năm 1952) cảnh sát mới tình cờ tìm ra thủ phạm. Có khá hơn cảnh sát xứ ta chỉ chờ thủ phạm ra đầu thú hoặc tố giác lẫn nhau, nhưng về bản chất vẫn là do tình cờ. Ba năm sau đó (năm 1955) Jean Dehays mới được tuyên trắng án và nhận bồi thường (hơn 12 nghìn quan Pháp).


Năm 1963 một người hàng thịt tên Jean-Marie Devaux bị buộc tội giết đứa con gái 7 tuổi của ông chủ. Anh này hình như từng giết một con mèo. Viên chánh án tòa đại hình Rhône lập luận rất củ khoai, đại khái là Giết một con mèo được thì giết một đứa con nít được (Qui tue un chat, tue une fillette). Devaux luôn miệng kêu oan. Năm 1969 Devaux được đem ra xử lại. Tòa tuyên trắng án và đền cho 8 năm tù bằng 125 nghìn quan Pháp (đồng phơ-răng).
Vụ Devaux là nguồn gốc của đạo luật về việc bồi thường cho những người được trắng án.

Năm 1975 một bà già bị giết ở La Rochelle. Cơ quan điều tra đưa ra kết luận dựa trên lời khai của nạn nhân trước khi tắt thở. Suốt bảy tháng trời, họ không tìm ra động cơ gây án, không có bằng chứng và nghi phạm Guy Mauvillain từ đầu đến cuối nhất định không khai nhận nhưng vẫn bị kết án 18 năm tù. Thân nhân của Guy Mauvillain kiên trì đấu tranh để đưa vụ án ra xử lại. Năm 1985 Guy Mauvillain được tuyên trắng án và nhận 400 000 quan (khoảng 96 000 euro) bồi thường cho 6 năm tù oan.

Không có thân nhân đấu tranh cho nên Roland Agret phải tự lo mọi việc để đòi lại công lý cho mình. Năm 1970 có người làm chứng gian nên ông này bị kết án 15 năm tù vì tội tổ chức giết người. Ở tù được bảy năm rồi ông quyết định tuyệt thực. Thế mà tổng thống Pháp phải ký lệnh đặc xá. Ông lên báo đài đòi công lý và tự chặt hai ngón tay mang đến bộ tư pháp (năm 1983). Năm 1985 vụ án của ông được đem ra xử lại. Ông trắng án nhưng không được bồi thường. Hai mươi năm sau vẫn còn ấm ức, ông tự bắn một phát súng vào chân và lần này thì được đền nghe đâu tới 500 nghìn euro.

Nói chung, muốn tòa nhận sai không dễ chút nào. Rida Daalouche , nghi phạm lý tưởng trong vụ giết một tay bán lẻ ma túy năm 1991, bị bắt ngay lập tức. Suốt trong quá trình điều tra, anh ta toàn nói nhăng nói cuội, chẳng ra đâu vào đâu. Năm 1994 tòa đại hình Bouches-du-Rhône 1994 quyết định tặng anh 14 quyển lịch. Mãi ba năm sau gia đình của phạm nhân mới tìm được chứng từ y tế cho thấy ngày xảy ra vụ giết người anh ta đang cai nghiện ma túy trong bệnh viện đàng hoàng. Mất thêm một năm nữa bản án của anh mới bị hủy và rồi thêm một năm sau nữa anh mới được tuyên trắng án. Nhưng anh không được một đồng bồi thường nào cả vì đã không xuất trình giấy bác sĩ đúng lúc.

Khinh quân là gì?



Tiểu đoàn khinh quân trên các tài liệu tiếng Pháp viết về chiến trang Đông Dương thời 1953-1954 được ghi là bataillon léger de commandos / bataillon léger / bataillon d’infanterie légère.
Tiểu đoàn khinh quân đầu tiên được thành lập năm 1953. Mỗi tiểu đoàn được biên chế 737 quân (ban đầu là 625) hoàn toàn là người Việt, lấy từ số thanh niên quân dịch. Quân số luôn luôn thiếu: các tiểu đoàn khinh quân thưởng được gọi là tiểu đoàn 500 quân (bataillon de 500). Khinh quân sử dụng vũ khí và quân trang do Mỹ cung cấp (JM Le Page, 2007).

Tiền thân của khinh quân là các đại đội com-măng-đô, một loại phụ lực quân thời bấy giờ. Vào đầu năm 1953 có 91 đại đội như vậy trong tổng số 595 đại đội phụ lực quân (Lê Văn Dương, 1972:195). 



Ngày 24/2/1953 trước nguy cơ mất trọn vùng Thái, Pháp và chính quyền Bảo Đại gom các đại đội com-măng-đô vào 54 tiểu đoàn com-măng-đô, đổi tên là khinh quân. Kế hoạch dự trù phát triển quân số đến mười vạn  nhưng trong năm 1953 chỉ gọi bốn vạn (chia làm bốn đợt bắt lính ngày 1/7/1953, 1/8/1953, 1/9/1953 và 1/10/1953) (Lê Văn Dương, 1972:195).

Khinh quân là bộ binh nhẹ, được sử dụng cho mục tiêu bình định lãnh thổ (Lê Văn Dương, 1972:197), giành lại quyền kiểm soát đất đai: tháng 3-1952 5000/7000 làng ở miền Bắc nằm trong tay Việt Minh (Le Page, 2007:116-117).  Nếu rảnh tay không phải lo giữ đất, các đơn vị tinh nhuệ có thể được tập trung lại thành những binh đoàn cơ động mạnh, sẵn sàng đối phó với chủ lực của ta.


Đó là một âm mưu hết sức nguy hiểm. Vì vậy Việt Minh không ngại sử dụng chủ lực để đánh khinh quân vừa để gây khó khăn cho kế hoạch tập trung lực lượng tinh nhuệ của địch, vừa để chứng tỏ rằng các tiểu đoàn mang danh com-măng-đô nảy trên thực tế com-măng-đô không ra com-măng-đô, tiểu đoàn không ra tiểu đoàn.

Ngày 19-10-1953 Trung đoàn tập kích bốt Văn Lý - Xương Điền ở xã Hải Lý (Hải Hậu), tiêu diệt hai tiểu đoàn khinh quân 701, 703 là lực lượng chủ lực cơ động thuộc đặc khu Phát Diệm - Bùi Chu của địch, mở rộng vùng du kích Hải Hậu - Nghĩa Hưng.
Tổng cộng có bảy  tiểu đoàn khinh quân bị trung đoàn 46 và trung đoàn 50 của Việt Minh đánh tan ở Bùi Chu. Pháp phải điều hai binh đoàn cơ động (GM)  đến giải tỏa (Le Page, 2007).