Saturday 11 January 2014

"TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM" CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG CÓ SAI SÓT (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Ba, ngày 05 tháng 11 năm 2013

"TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM" CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN

MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG CÓ SAI SÓT
                      Hoàng Tuấn Công
(tiếp theo, mục chữ cái C)
C
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ:Ý nói đôi trai gái đã yêu nhau thì khó mà ngăn cản.
Thực ra câu này ý nói sự việc nào đó đã rồi, đã xong xuôi, không có cách nào thay đổi được nữa.

Cá chépCá nước ngọt, thân dày, vảy to, vây và đuôi rộng.
Giải nghĩa như vậy là bỏ mất hai đặc điểm rất quan trọng của cá chép là có râu hai bên mép, vảy và vây có ánh vàng phớt đỏ.
Cá giếcLoài cá nước ngọt, giống cá chép, nhưng bé hơn nhiều, mắt đỏ.
Cá giếc chỉ gần giống cá chép chứ không "giống cá chép".Ngoài mắt đỏ, điểm quan trọng cá giếc khác cá chép là không có râu hai bên mép.Cho nên mặc dù thân hình cá giếc trông gần giống cá chép con, nhưng ta vẫn phân biệt được dễ dàng, chính xác đâu là cá giếc, đâu là cá chép nhờ đôi “ria mép”.
Cá mè. (...) Phú ông xin đổi một xâu cá mè (ca dao)
Trích dẫn sai. Ca dao nói Phú ông xin đổi ao sâu cá mè, không phải “một xâu cá mè”. Cái "ao sâu" nuôi thả đầy cá mè xưa kia quý giá lắm (cũng như trâu bò, gỗ lim...trong câu ca dao vậy). Nếu chỉ là"một xâu cá mè" như GS viết thì Bờm đâu đến nỗi “bờm” lắm đâu ?
Cá ngựa. Loài cá biển nhỏ, đầu dài, lưng cong, đuôi nhỏ.
Có một đặc điểm rất quan trọng làm nên tên gọi của con cá ngựa không được GS đề cập: đầu giống đầu ngựa. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) mô tả như sau: “Cá biển, đầu giống đầu ngựa, thân dài, nhiều đốt, đuôi thon nhỏ và cong, có thể dùng làm thuốc”.Và thực tế (cũng như Hoàng Phê đã mô tả), phần cong của con cá ngựa là đuôi chứ không phải "lưng cong" (như GS Nguyễn Lân viết). Ngoài ra, so với Hoàng Phê, “cá ngựa” của GS Nguyễn Lân thiếu hẳn 2 nghĩa thông dụng: “Cá ngựa. Đánh cuộc ăn tiền trong các cuộc đua ngựa” và “Cá ngựa. Trò chơi súc sắc tính điểm để chạy thi quân ngựa gỗ. Chơi cá ngựa”.
Cá nóc. Cá nước ngọt thân tròn và ngắn.Cá nóc đuổi bắt cá con.
Sai nghiêm trọng. Cá nóc là cá nước mặn (cá biển) chứ không phải cá nước ngọt. Từ điển Bách khoa nông nghiệp cho biết "Cá nóc (Tetraodontiformes) bộ cá xương, chủ yếu sống gần bờ biểnnhiệt đới và cận nhiệt đới". Mặt khác từ điển thiếu một thông tin quan trọng và bổ ích: cá nóc rất độc, có thể gây chết người khi ăn. Nếu am hiểu, người làm từ điển có thể thay thế ví dụ vô bổ "Cá nóc đuổi bắt cá con" bằng ví dụ: Ăn cá nóc có thể bị ngộc độc gây chết người. Qua đó, người sử dụng từ điển có thêm thông tin cơ bản, hữu ích về loài cá "giết người" này.
Cá sộp. Cá nước ngọt, giống cá quả, mình tròn và dài, da có chấm đen.
Thực ra “cá sộp” chính là một loại cá quả, con cá quả, cá lóc, cá chuối chứ không phải là nhìn“giống cá quả”.
Cá trắm. Loài cá nước ngọt, mình dài và to, nuôi chóng lớn:Con cá trắm to bằng bắp chuối (Tô Hoài).
Thực ra "nuôi chóng lớn" không phải là thuộc tính của cá trắm. Thông tin này bị thừa so với yêu cầu giải nghĩa ngắn gọn, đủ, đúng của từ điển. Trong khi đó, từ điển lại thiếu nét tiêu biểu của cá trắm là “mình tròn”. Đặc điểm này rất quan trọng nên dân gian hay so sánh người phụ nữ có thân hình tròn lẳn, rắn chắc là mình trắm là vậy. Và không phải ngẫu nhiên mà Tô Hoài so sánh con cá trắm với cái “bắp chuối” trong câu văn soạn giả trích dẫn.
Cả cười. Nói mọi người cười đùa vui vẻ. Cùng nhau trông mặt cả cười (K)
“Cả” ở đây là to (trong cả thèm, cả ghen, cả sợ, cả mừng...)không phải "cả" tất cả“Cả cười” là cười to chứ không phải cười cả (tất cả đều cười). Có lẽ soạn giả hiểu lầm ý câu Kiều, trong đó"cùng nhau..." có nghĩa là tất cả mọi người...và lấy đó làm căn cứ để giải nghĩa chăng ?
Cao lương mỹ vị (mĩ: đẹp; vị: hương vị)
“Mỹ” ở đây không phải là đẹp mà là ngon. Như “mỹ tửu” = rượu ngon. Trong bài thơ “Nhị vật” nói về việc bỏ thuốc lá và rượu, Bác Hồ viết: “Mộng lý hấp yên, ngật mỹ tửu, Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần” (Trong mơ thấy hút thuốc lá, uống rượu ngon, Tỉnh dậy càng thêm phấn chấn tinh thần).“Mỹ tửu” ở đây chính là rượu ngon.
 Cao minh (minh: sáng) Sáng suốt hơn người.
Chính xác hơn, “cao minh” là người có học rộng.
Cao nguyên (Nguyên: đồng bằng)
“Nguyên” có nghĩa là cánh đồng hoặc chỗ đất bằng phẳng chứ không phải là “đồng bằng”. Cánh đồng có thể nằm ở miền núi, trung du, nhưng còn "đồng bằng" lại không thể ở ngay trong chính khu vực miền núi cao kiểu "hai trong một được".
Cao tốc (tốc: nhanh) nói con đường cho phép xe cơ giới đi nhanh.
  Giải nghĩa như vậy là phiến diện. Người ta vẫn nói “tàu cao tốc” đấy thôi. Bằng không soạn giả phải đưa "cao tốc" và mục từđường cao tốc mới đúng với nội dung giảng giải.
Cầm cương nảy mực (Cầm cương ngựa và nảy mực lên mặt gỗ để cưa). Điều khiển và chỉ dẫn những người dưới quyền làm theo:Trong những năm Hồ Chủ tịch cầm cương nảy mực.
Nhầm lẫn. Cầm cân chứ không phải “cầm cương”. Có lẽ GS cho rằng người cầm cương điều khiển để con ngựa rẽ theo ý muốn, còn người nảy mực nảy lên mặt gỗ để chỉ dẫn thợ mộc cứ thế làm theo ? Thế nhưng người ta dùng chiếc cân để so sánh với công lý, và nảy mực tàu được ví với cách làm thẳng thắn, khách quan, không thiên, không lệch (có câu Thẳng mực tàu làm đau lòng gỗ là vậy). Hai vế của thành ngữ đều nói về sự thẳng thắn, công bằng, không thiên, không lệch, chứ không phải nói về sự dẫn đường chỉ lối. Cũng nên lưu ý soạn giả: người ta chỉ nảy mực lên mặt gỗ để xẻ(dọc) cho thẳng. Còn "cưa" (ngang) không ai nảy mực làm gì.
Câu lạc bộ (Câu: đều; lạc: vui; bộ: bộ phận - Do từ Anh clubphiên âm ra tiếng Trung Quốc.
Đã là từ phiên âm thì nó chỉ làm nhiệm vụ ghi âm chứ không ghi nghĩa.Việc giải nghĩa từng từ như trên là không đúng.
Câu thần.Câu thơ mà thi sĩ cho là có thần linh giúp cho.
Thực ra “câu thần” là câu thơ hay, chứa đựng tinh túy, mang tính “xuất thần” của tác giả trong bài thơ chứ không phải thơ do thần linh làm “giúp cho”.
Cầu kiều. Cầu bắc qua sông để tiện việc đi lại.
Nếu chỉ riêng từ “cầu”, cách giải nghĩa như vậy có thể đúng. Còn “cầu kiều” phải hiểu là loại “thượng gia, hạ kiều” - bên trên là nhà, bên dưới là cầu (tức cầu có mái che bên trên). Loại cầu này không đơn thuần bắc qua sông chỉ để “tiện việc đi lại”. Bởi thế mới có câu ca dao: Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Sang ở đây là sang trọng, không phải sang (qua)sông.
Cẩu trệ. (cẩu: chó; trệ: lợn)
Chữ “trệ” nghĩa chính xác là con lợn sề, không phải chỉ lợn nói chung.Vì cặp từ này thường nằm trong câu có hàm ý chửi rủa, khinh bỉ.
Cây thế. Cây uốn thành hình đồ vật hay giống vật để làm cảnh.
Cây thế có thể gọi chung là cây cảnh, nhưng không phải cây cảnh nào cũng được gọi là cây thế.Ví dụ cây uốn tỉa giống con hươu thì đó là cây cảnh hình con hươu chứ không phải thế con hươu. Các nghệ nhân cây thế thường bắt chước dáng dấp của cây cối trong tự nhiên rồi khái quát hóa, điển hình hóa, tạo thành thế cây trong chậu tập trung được những nét đẹp nhất, có tính biểu tượng cao. Ví dụ: thế hoành, thế trực, thế bạt phong, thế thác đổ…Rồi thế quần thụ, song thụ, tam đa,v.v…Mỗi thế cây đều có ẩn ý của nghệ nhân tạo tác. Trong khi đó, cây hình con vật (thường là hươu nai, voi, gà trống, hạc...) và hình đồ vật (thường là hình đỉnh đồng, chùa một cột...) lại trần trụi phô bày...
Cầy. Con chó dùng để ăn thịt: Chén một bữa thịt cầy.
Từ“cầy” không phải “chuyên dùng” để gọi “con chó dùng để làm thịt”. Quan điểm của soạn giả xuất phát từ các tấm biển ở cửa hàng “Cầy tơ” hoặc “Thịt cầy 7 món” chăng ? Thế nhưng, người ta vẫn gọi các món từ“con chó dùng để làm thịt” là dồi chó, chả chó,chứ không gọi là dồi cầy, chả cầy. Thực ra cày (cầy) là cách gọi khác chỉ con chó (bất kể để nuôi hay làm thịt) ở nhiều địa phương. Riêng vùng nông thôn Thanh Hóa như các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, người ta gọi con chó là con cày. Mãi đến khoảng vài ba chục năm gần đây, cách gọi con chó mới phổ biến. (Có thể cách gọi này phản ánh dấu vết thuần dưỡng vật nuôi của người Việt).
Chả nướng. Thịt lợn hoặc thịt bò thái thành miếng xỏ vào cái xiên tre rồi nướng trên than.
Nói như vậy có nghĩa món chả không làm bằng “thịt lợn hoặc thịt bò”, mà bằng thịt chó, không “xỏ vào cái xiên tre” mà lại xỏ vào cái xiên sắt để nướng sẽ không được gọi là chả nướng hay sao ?Hoặc thịt lợn không “thái thành miếng” mà băm nát, không “xỏ vào cái xiên tre” mà nặn thành miếng tròn bẹt, kẹp vỉ sắt, nướng trên than hồng cũng không thể gọi là chả nướng ? Lưu ý chả nướngbằng kẹp, bằng vỉ hay bằng xiên; dụng cụ nướng bằng tre hay bằng sắt không làm thay đổi khái niệm chả nướng.
Nhìn chung, tính khái quát khi giải nghĩa từ vựng của soạn giả chưa tốt. Bởi thế, nhiều khái niệm đáng lẽ được giải quyết theo hướng mở, bao hàm hơn, vừa đúng, vừa đủ lại bị soạn giả hạn chế đóng chặt, khép kín bằng những ngôn từ quá cụ thể. Ví dụ ở trường hợp này có thể viết: Chả nướng: thịt thái thành miếng hoặc băm nhỏ, ướp gia vị rồi nướng chín trên than hồng.
Cháy cạnh. Nói thức ăn rán vàng đều: thịt gà cháy cạnh.
“Cháy cạnh” là cách nấu thịt ban đầu rang lên (chứ không phảirán) cho miếng thịt cháy sém vàng phần cạnh, chảy bớt mỡ rồi mới cho mắm muối, gia vị nấu lên. Còn "rán" phải hiểu là dùng mỡ để nấu chín vàng món thức ăn nào đó. Và khi đã “rán vàng đều”phải gọi là vàng ruộm chứ, sao còn được gọi là “cháy cạnh” ? Soạn giả nhầm món thịt rang "cháy cạnh" với thịt quay chăng ?
Chằn chặn. Từ dùng sau từ bằng và từ vuông để tỏ ý tuyệt đối: Đôi đũa bằng chằn chặn; Cái bàn vuông chằn chặn.
Không hẳn chỉ đứng sau từ bằng và từ vuông. Vậy đều chằn chặn thì sao ? Mặt khác lấy ví dụ “Cái bàn vuông chằn chặn” là chưa chính xác.Vì từ “chằn chặn” ý chỉ những vật gì đó có cùng hình dáng, kích thước, khi đặt cạnh nhau thì thấy bằng, đều, chằn chặn.
Chắn bùn. Bộ phận đặt trên bánh xe để ngăn bùn bắn lên.
Nếu“đặt trên bánh xe” thì lúc xe chuyển bánh nó sẽ bị văng đi mất. Nói chính xác là: bộ phận ôm vòng, che phía nửa trên bánh xeđể ngăn bùn, đất bắn lên khi xe chuyển động.
Châm biếm (châm: chọc bằng kim; biếm: đá để lể) Chế giễu một cách hóm hỉnh.
Chữ “biếm” mà giải nghĩa là“đá để lể’ thì ai biết nó là cái gì ? Cần viết rõ hơn: biếm: cái kim bằng đá, phép chữa bệnh ngày xưa dùng để lể, hoặc châm cứu. Châm biếm vốn là một phép chữa bệnh,. Về sau, từ “châm biếm” không chỉ cách chữa bệnh theo nghĩa đen mà là chữa những căn bệnh vô hình, những thói hư tật xấu trên đời. Như thế, “châm biếm” không đơn giản là“chế giễu một cách hóm hỉnh” mà là đấu tranh, phê phán những hiện tượng tiêu cực, thói hư tật xấu một cách sâu cay, khiến cho đối tượng thấy “đau” mà phải sửa chữa.
Chè liên tử dt Chè khi pha thì nước có màu vàng nhạt.
Chè ô long dt Chè khi pha thì nước có màu hung.
Rất khó để phân biệt rõ ràng giữa “mầu hung” và mầu “vàng nhạt” của chén nước chè.Mỗi một loại chè, (đặc biệt là loại ngon quý) thường có rất nhiều đặc trưng để giới thiệu: ví dụ xuất xứ, cách chế biến, hình dạng, màu sắc cánh trà, hương vị, màu nước khi pha…Giải nghĩa hai loại chè như cách của soạn giả khác nào đánh đố ?
Chỉ đâu đánh đấy (theo câu Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy) Cấp trên giao cho nhiệm vụ gì thì quyết thực hành đúng:Tin vào cấp trên sáng suốt nên chỉ đâu đánh đấy.
Câu thành ngữ này chê kiểu hành động, việc làm thiếu sáng tạo lại được GS giải thích và dùng với nghĩa tích cực.
Chỉ thống (chỉ: ngăn cản; thống: đau) Làm cho khỏi đau.
Thực ra “chỉ” ở đây nghĩa là dừng lại chứ không phải “ngăn cản”.
Chiền chiện Loài chim nhỏ màu vàng hay hót.
  Chim chiền chiện hót hay chứ không phải "hay hót", có màu lông xám nâu chứ không phải "mầu vàng". Soạn giả nhầm “chiền chiện” với giống chim yến có tên hoàng yến chăng ? Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết, chiền chiện "thuộc bộ Sẻ chứa khoảng 110 loài, chim tựa như chim chích (...) với bộ lông màu nâu-xám hay xám...Thông thường rất khó nhìn thấy chúng và do nhiều loài có bề ngoài khá giống nhau nên tiếng hót của chúng có lẽ là chỉ dẫn nhận dạng tốt nhất". Tình trạng "nhìn gà hóa cuốc" xuất hiện khá nhiều trong từ điển của GS mỗi khi nhận diện các đồ vật, sinh vật.
Chiết tự (chiết: bẻ; tự; chữ) Chia chữ Hán ra từng bộ phận nhỏ rồi căn cứ vào đó mà đoán tương lai: Tin vào cách chiết tự là mê tín.
Chữ Hán, đặc biệt là những chữ được tạo nên bởi phép chỉ sự, hội ý, hình thanh, do hai hoặc nhiều chữ (bộ) ghép lại mà thành. Do đó, khi “chiết” thì chia, tách riêng rẽ từng chữ ra. Không phải chia“ra từng bộ phận nhỏ”.Mặt khác, không dứt khoát “chiết” phải là chia ra. Có cả cách “chiết” là ghép thêm vào, hoặc bớt bộ này, rồi lại thay bộ kia vào để tạo ra một tự dạng mới, một nghĩa mới. Ví dụ bài thơ “Chiết tự” của Hồ Chí Minh: Bài thơ này còn có nghĩa đen như sau: chữ tù () bỏ chữ nhân (), cho chữ hoặc () vào, thành chữ quốc () - Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc. Chữ hoạn () bớt phần trên đi thành chữ trung (). Họan quá hoàn đầu thủy kiến trung.Thêm bộ nhân () đứng vào chữ ưu () trong “ưu sầu” thành chữ ưu () trong “ưu điểm” - Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại.Chữ lung () bỏ bộ trúc đầu () thành chữ long () - Lung khai trúc sản xuất chân long.
Chiết tự là cách chơi chữ độc đáo, tao nhã của người xưa, thể hiện sự uyên thâm chữ nghĩa. Chiết tự có khi để đoán vận mệnh, nhưng cũng nói lên chí khí của người chơi chữ. Người Việt xưa còn dùng cách chiết tự bằng ca dao để ghi nhớ chữ Hán rất độc đáo.Ví dụ: Con gái mà đứng éo le,Chồng con chưa có kè kè mang thai. Ở đây chiết tự chữ thủy . Chữ thủy  do chữ nữ  làm thiên bàng, đứng chếch (éo le) bên cạnh chữ thai .Ch thai  có nghĩa là đài trạm, sao thai, chơi chữ đồng âm nôm thành là thai nghén, có chửa.
GS Nguyễn Lân lấy ví dụ “Tin vào cách chiết tự là mê tín” dễ khiến người sử dụng từ điển hiểu sai về ý nghĩa của chiết tự.
Chiêu dân lập ấp (lập: làm nên; ấp: nơi tập trung người lao động). Mộ dân đến một nơi để họ cùng lao động.
Sai ! Ấp không phải "nơi tập trung người lao động" mà là một đơn vị, một tổ chức cộng đồng ăn ở và lao động sản xuất. “Chiêu dân lập ấp” là cách tập hợp, tổ chức cho dân ly tán, dân nghèo không có đất sản xuất đến khai hoang, lập ấp, sinh sống. Giải nghĩa như GS Nguyễn Lân  thì ấp đồng nghĩa với trại tập trung lao độngmất rồi !
Chiêu mộ(Chiêu: sáng; mộ buổi chiều) sáng và chiềuBa hồi chiêu mộ chuông gầm sóng (HXHương).
Viết sai chính tả “triêu” thành “chiêu”. Chữ “triêu” () mới có nghĩa là buổi sáng. Còn “chiêu” () lại có nghĩa là vời, vẫy, tuyển mộ. Chiêu () mới chính là chữ có nghĩa như GS đã giảng trong mục Chiêu mộ(Chiêu: vời tới; mộ: cầu tìm).Tuy nhiên, việc đặtchiêu mộ1 và chiêu mộ2 là sai.Vì cách trình bày này chỉ đúng khi cả triêu và mộ đều là những cặp từ cùng tự dạng, đồng âm nhưng dị nghĩa. Cuối cùng và tất nhiên, phải trả lại cho câu thơ của Hồ Xuân Hương là "Ba hồi triêu mộ..."
Chim én Loài chim nhỏ, đuôi chẻ đôi, cánh dài, bay nhanh.
Chưa chưa đúng và chưa đủ. Chưa đúng: Đuôi chim én không“chẻ đôi” mà là chẻ hình chữ V, không phải “bay nhanh” mà bay chấp chới (dáng bay rất đặc trưng do chúng có tập tính vừa bay vừa bắt côn trùng, liệng đi, liệng lại như thoi đưa). Chưa đủ: Thiếu thông tin quan trọng: loài chim thường được gắn với hình tượng mùa xuân.(Ngày xuân con én đưa thoi-Kiều)
Chim ưng Loài chim lớn, rất khỏe.
Chưa nêu được đặc điểm của chim ưng. Chim ưng là loài chim dữ, săn mồi, móng sắc, mỏ khoằm, mắt sáng và tinh, có khi được thuần dưỡng để đi săn.
Chĩnh Đồ gốm nhỏ hơn vại và dài.
Ở đây, GS Nguyễn Lân đã vận dụng phương pháp của người làm từ điển là dùng cái đã biết để định nghĩa, hình dung cái chưa biết. Cụ thể ở đây: dùng cái vại để giúp độc giả hình dung ra cái chĩnh. Thế nhưng hình như soạn giả lại chưa nhìn thấy cái vại bao giờ. Hoặc nhìn thấy cái chum nhưng lại đinh ninh đó là cái vại.Thực tế cái chĩnh có hình dáng gần giống cái chum chứ không phải giống cái vại. Cổ chĩnh thắt lại nhiều hơn và cao hơn cổ chum. Còn cái vại thì thành đứng, đáy và miệng có kích thước bằng từ trên xuống dưới. (Thế nên mới có câu Cháy nhà hàng phố bình (bằng) chân như vại là vậy). Ở mục từ vại, chính Giáo sư đã giải nghĩa: “Đồ dùng bằng sành, hình trụ”. Có thể GS Nguyễn Lân đã tham khảo cuốn Việt Nam tự điển“Chĩnh: thứ đồ gốm nhỏ hơn cái vại mà dài. Chĩnh gạo, chĩnh tương” và bê nguyên cái sai của Hội Khai Trí Tiến Đức sang chăng ? Việc tham khảo, kế thừa trong các công trình từ điển là điều thường thấy. Tuy nhiên, tham khảo, kế thừa của người đi trước để tạo ra lợi thế đúng hơn, đủ hơn chứ không phải lập lại cái sai, cái hạn chế của người đi trước. Cũng lưu ý thêm: Dù vại hay chĩnh thì chiều đứng của nó phải được gọi là cao,không ai nói là “dài” (trừ trường hợp các đồ vật chĩnh, vại này sinh ra để sử dụng ở tư thế...nằm ngang !).
Cho chữ Viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác (cũ):không khuyên được vợ, anh ấy đành cho chữ.
Ta có thể tạm chấp nhận khái niệm“cho chữ” rất lạ này của GS Nguyễn Lân. Bởi có thể nó là từ địa phương hoặc là từ “cũ” như GS mở ngoặc. Tuy nhiên, soạn giả chỉ đưa ra một nghĩa duy nhất của từ “cho chữ” khiến người sử dụng từ điển (đặc biệt là thế hệ trẻ) có thể lầm tưởng ông đồ “cho chữ” cũng có nghĩa là “viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác” (!)
Chó Loài động vật có vú, có bốn chân, thuộc loại ăn thịt, thường nuôi để giữ nhà hay để đi săn.
Chúng ta thường thấy cách mô tả các sự vật hiện tượng của GS Nguyễn Lân rất sơ sài: ví dụ chim cắt là “loài chim bay rất nhanh”; chích chòe là “loài chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp” hoặc cây xoan (sầu đông) chỉ vẻn vẹn có 5 chữ “một thứ cây có quả”.Thế nhưng, trong trường hợp này cách mô tả con chó “có bốn chân” lại kỹ lưỡng và số học quá. Dường như nó phù hợp với bài tập làm văn “con bò nhà em có bốn cái chân, một cái đuôi…” của trẻ con hơn là cách mô tả của từ điển.
Cho vay Chuyển tiền hay thóc của mình cho người khác dùng trong một thời gian và đòi phải trả lãi.
Thực ra trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta vẫn nói đi vay gạo về nấu mà không nói đi mượn gạo. Hoặc nói vay tiền của nhau với nghĩa chỉ phải hoàn trả bằng giá trị tương đương đấy thôi ? Thế nên trong phần lời giới thiệu băng nhạc “Chế Linh Tình bơ vơ” (còn gọi Chế Linh 18 ca khúc) mới có đoạn: “...Tình bơ vơ, một nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương được vay làm chủ đề”. Từ vay ở đây là vay mượn, vay đồng nghĩa mượn. Như thế, nội dung giải thích của GS Nguyễn Lân chỉ đúng khi đó là cụm từ cho vay lấy lãichứ không phải hai từ “cho vay” đơn thuần.
Chó dáiNgười đàn ông hay đi lang thang, mất thì giờ vô ích.Vợ thì làm quần quật suốt cả ngày mà anh chồng thì như con chó dái.
Hai chữ “chó dái” chỉ có thể hiểu là con chó đực, hoặc câu chửi(đồ) chó dái mà thôi. Nội dung mà GS giảng phải là nghĩa của cả câu thành ngữ Chạy như chó dái.
Chó má Chó nói chung:Nuôi chó má để giữ nhà.
Giải nghĩa từ như vậy có thể tạm chấp nhận. Nhưng hướng dẫn cách dùng từ lại rất "khó nghe". Người Việt Nam chỉ dùng từchó má một khi muốn truyền đi một thông điệp xấu đối với chính con chó hoặc ám chỉ một kẻ xấu nào đó, ví dụ “Đồ chó má”. Bởi thế, thường nói nuôi chó để giữ nhà chứ không nói “nuôi chó má để giữ nhà”.
Choe choét Nói tiếng cười không nghiêm chỉnh:Mấy cô thiếu nữ cười đùa choe choét.
Người ta không dùng từ “choe choét” để ví với tiếng cười của bất cứ ai, ở bất cứ cấp độ nào. GS nhầm với kiểu cười toe toétchăng ? Nhưng toe toét lại phải hiểu là kiểu cười vô duyên. Cũng không có khái niệm cười nghiêm chỉnh hay cười không nghiêm chỉnh. Đã cười thì sao còn gọi là nghiêm chỉnh nữa ? Cười là một động thái thể hiện cảm xúc, thái độ của con người. Thế nên người ta nói rằng có tới 36 điệu cười. Con số mang tính ước lệ này phản ánh trạng thái và âm điệu của tiếng cười là vô cùng phong phú. Tuy nhiên trạng thái của tiếng cười cũng rất cụ thể: cười giòn, cười ruồi, cười đáng ghét (khả ố), cười đáng yêu, cười buồn, cười tươi, cười ra nước mắt, cười đau bụng, cười ha hả, cười hì hì, cười không thành tiếng hay cười khó hiểu...
Chôn chặtĐể sâu vào trong đất:Chôn chặt văn chương ba thước đất (HX Hương)
“Để sâu vào trong đất” mà không lấp đất lại thì sao được gọi làchôn ? Như thế gọi là "để" dưới hố sâu thì đúng hơn. Huống gì ở đây là “chôn chặt” cơ mà ? Từ điển cần chính xác đầy đủ: Chôn chặt = chôn sâu và lèn chặt. Ngoài ra từ “chôn chặt” còn được hiểu theo nghĩa bóng “chôn chặt trong lòng” với ý giấu kín, không bao giờ để lộ.
Chôn đứng dựng ngược.
Chôn sấp, liệm ngửa. Như chôn đứng dựng ngược, nhưng có nghĩa mạnh hơn. Kẻ ác đã chôn sấp, liệm ngửa việc ấy hòng làm mất uy tín của ông ấy.
Hai câu này không thể đồng nghĩa với nhau. Vì câu đầu có nghĩa là vu oan, bịa chuyện một cách trắng trợn cho ai đó. Còn câu thứ hai lại có nghĩa là chôn vội, chôn vàng một thi thể nào đó.
Chồng ăn chả, vợ ăn nem Nói cặp vợ chồng không hòa thuận, mỗi người chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình.
Chưa chính xác. Dân gian không có ý nói chung chung như vậy. Đây còn ám chỉ cả tình trạng hai vợ chồng đều ngoại tình, vụng trộm, đi theo sở thích của mình. Chả và nem là hai món ăn đều khoái khẩu. Tục ngữ có câu: Chồng ăn chả, vợ ăn nem, Đứa ở có thèm mua lấy mà ăn.
 Chơi gái. Có quan hệ sinh lý với phụ nữ (thông tục): Hắn có học hành gì đâu, chỉ nghĩ đến chuyện chơi gái mà thôi.
 “Gái” ở đây không thể hiểu là “phụ nữ” nói chung mà là hạnggái điếm, kỹ nữ (mà gần đây còn gọi bớp, ca ve, gái gọi, gái bao, v.v...) Còn “quan hệ sinh lý” là nói nhu cầu chính đáng của đời sống tình dục và hàm chứa hoạt động duy trì nòi giống của con người, trong khi từ “chơi gái” lại nói về kiểu chơi bời trác táng, thiên về trải nghiệm nhục dục, thỏa mãn xác thịt, không được xem là hoạt động tình dục có ý thức của con người. Kẻ đi “chơi gái” thì phải có “gái chơi”. Thế nên, gái điếm, kỹ nữ còn được gọi là “gái làng chơi” là vậy.
Chu niên (H chu: đầy đủ; niên: năm) Đủ số năm đã qua:Kỷ niệm đệ ngũ chu niên ngày giải phóng.
Chu không phải là “đầy đủ” mà là tròn.Chu niên nghĩa là năm tròn, năm chẵn. Ví dụ thập lục chu niên = tròn 60 năm. Hoặc ngũ chu niên = tròn 5 năm (cách tính năm đủ ngày, đủ tháng). Ví dụ năm 2010 Việt Nam - Trung Quốc kỳ niệm tròn 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng chữ bằng Trung văn viết (tham khảo tư liệu ảnh trên VOV): 慶祝越-中建交六十周年 Khánh chúc Việt - Trung kiến giao lục thập chu niên  (18/01/1950 - 18/01/2010).  nghĩa là:Chúc mừng Việt-Trung tròn 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.Còn khi nói đệ thập lục niên = năm thứ 60 tức mới chỉ bước sang năm 2010 chứ chưa tròn (chưa đến ngày 18/01/2010). Không ai đã“đệ” rồi còn dùng “chu”. Giống như tròn 10 tuổi khác với tuổi thứ 10. Và không ai nói tròn thứ 10 tuổi.
Chủ tịch (H. chủ: đứng đầu; tịch: chiếu, chỗ ngồi)
Tịch ở đây phải hiểu là chức vụ.“Ngày xưa giải chiếu để làm việc nên gọi chức vụ là tịch, như hình tịch 刑席, người bàn giúp về việc hình danh” (Thiều Chửu). Giải nghĩa như GS Nguyễn Lân hoá ra “chủ tịch” là đứng đầu chiếu” hay “chỗ ngồi” hay sao ?
ChùaNơi dựng lên để thờ Phật.
Chưa đủ nghĩa. Chùa còn là nơi tu hành của người xuất gia, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng...
Chung kiếp (chung: cuối cùng; kiếp: thời vận) Cuối đời: đến chung kiếp vẫn còn giữ tròn được nhân phẩm.
GS phát âm sai dẫn đến viết sai chính tả và đưa ra một kết hợp từ hoàn toàn xa lạ và mâu thuẫn. Nếu "kiếp" = "thời vận" như cách giảng của soạn giả thì "chung kiếp" phải hiểu là thời vận cuối cùng, sao lại có nghĩa là "cuối đời" ? Mặt khác, chỉ có khái niệm trung kiếp (中劫), không có “chung kiếp”.“Kiếp” ở đây không phải là "thời vận"mà là số kiếp, đời kiếp, tiếng Phạm là kiếp ba ( )“Tính từ lúc người ta thọ được 84. 000 tuổi, trải qua một trăm năm, lại giảm đi một tuổi, giảm mãi cho đến lúc chỉ còn thọ được có mười tuổi, rồi cứ một trăm năm tăng thêm một tuổi, tăng cho đến 84.000 tuổi, trong một thời gian tăng giảm như thế gọi là một tiểu kiếp小劫. Hai mươi lần tăng giảm như thế gọi là trung kiếp中劫. Trải qua bốn trung kiếp thành, trụ, hoại, không là một đại kiếp大劫 (tức là 80 tiểu kiếp)” (T.Chửu) Theo Phật học từ điển (Đoàn Trung còn): "Trung kiếp: Thường thì kêu kiếp, tức là trung kiếp (kiếp vừa vừa). Một trung kiếp có 20 tiểu kiếp, tính ra có 336.000.000 năm".
Chung lưng đấu cật (Cật là chỗ thắt lưng)
Cật là toàn bộ phía sau lưng chứ không phải là "thắt lưng". Đại nam quấc âm tự vị giải nghĩa đúng: "Cật: lưng (...) sấp cật: sấp lưng"
Chung sống hòa bình Nói các nước có chế đội khác nhau nhưng vẫn có quan hệ bình thường với nhau, không gây chiến tranh.
Không chỉ “nói các nước” mà còn có thể nói các phe phái, tôn giáo cộng đồng dân tộc nào đó trong một nước.
Chung thân (chung: trọn vẹn; thân: thân mình) Suốt đời.
Chữ thân ()có nhiều nghĩa như: thân mình, bản thân, gốc cây, tuổi, đời... Ở đây, thân không phải là “thân mình” mà là đời. "Chung thân"  là hết đời, như “tiền thân 前身 đời trước” (Hán Việt tự điển-Thiều Chửu).
Chuối ngự Thứ chuối quả nhỏ, thịt rắn và thơm.
Từ "rắn" trong “thịt rắn” phải thay bằng chắc (thịt chắc, không nhão). Chuối mà “rắn” (cứng) thì còn gì gọi là chuối.Từ“thơm” nên đi đôi với “ngon” = thơm ngon. Vì thơm nhưng chưa chắc đã ngon. Đây đang nói về giống chuối tiến vua (chuối ngự) thơm ngon nổi tiếng cơ mà ?
Chuồng. Chỗ che kín giành cho việc nuôi súc vật.
Chuồng trại Chỗ nhốt các giống vật: Chuồng trại trong vườn bách thú.
Có sự bất hợp lý trong cách giải nghĩa hai mục từ "chuồng" và"chuồng trại". Nghĩa mà soạn giả giải về từ "chuồng trại" dường như chính xác hơn khi áp dụng cho từ "chuồng". Vì chỉ có chuồng mới có thể hiểu là “nhốt các giống vật”. Còn “chuồng trại” không phải nơi“nhốt” mà là nuôi nhốt và quản lý gia súc, gia cầm. "Trại" ở đây được hiểu là hệ thống hàng rào lớp ngoài để quản lý vật nuôi. Còn"chuồng" lại là hình thức xây dựng có mái che, cửa ra vào để nhốthoặc nuôi nhốt vật nuôi. Như thế chuồng trại phải được hiểu là nơiquản lý và nuôi nhốt các giống vật nuôi, không phải "chỗ nhốt các giống vật".
Từ điển phải chính xác, không thể đại khái như vậy.
Chuyên canh Chỉ trồng một cây trong một thời gian: Vùng ấy chuyên canh lúa.
"Chuyên canh" là chỉ chuyên trồng một loại cây trên chân đất nào đó.Ví dụ vùng chuyên canh mía thì ngoài mía ra không trồng một cây nào khác. Nếu trồng một loại cây“trong một thời gian”, rồi chuyển sang cây khác thì gọi là luân canh chứ sao gọi là chuyên canh được ?
Chuyên đề (đề: đưa ra)
Nhầm lẫn. Chữ đề trong chuyên đề (專題)là đề mục, luận đềchứ không phải đề nghĩa là “đưa ra”. Chữ đề này có bộ hiệt () tự dạng là (-đề). Còn chữ đề nghĩa là “đưa ra” có bộ thủ () tự dạng là ().
 Chuyên gia (gia: nhà)
Không đúng ! Mặc dù đều có tự dạng là ,nhưng chữ gia trong chuyên gia lại không có nghĩa là nhà. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa thứ 4 của chữ gia: “Có cái học vấn giỏi riêng về một môn gọi là gia. Như văn học gia 文學家, nhà văn học, chính trị gia 政治家 nhà chính trị, v.v...” Như vậy “gia” ở đây được hiểu làngười (có học vấn, tài năng chuyên sâu).
Chuyên san (san: in ra)
Đúng là từ “san” có một nghĩa là khắc in, như san thạch = khắc chữ vào đá, san ấn = in. Nhưng san trong “chuyên san” lại có nghĩa là một loại báo chí xuất bản theo định kỳ như tuần san, bán nguyệt san...
Chuồng xí Nơi kín đáo dành cho việc đại tiện.
Thực ra“chuồng xí” là chỗ được làm đơn giản để đại tiểu tiện. Còn việc kín đáo, hay không kín đáo, hoặc kín đáo tới mức nào nó vẫn được gọi là chuồng xí. Chính cách gọi chuồng xí, chuồng tiêu, hố xí, hố tiêu, cầu tiêu phản ánh mức độ thô sơ của “công trình” này ở thôn quê ngày trước. Đến mức đôi khi nó lộ thiên hoàn toàn và chỉ là cái hố, vài khúc cây bắc qua để "ngồi" và được quây bằng mấy cái lá dừa cho phải phép. Nếu viết “nơi kín đáo giành cho việc đại tiện” dễ khiến người ta lầm tưởng nó đồng nghĩa với nhà xí, nhà tiêu, nhà vệ sinh, thậm chí là cái toilette trong công trình khép kín - những hình thức tiến bộ và cao hơn “chuồng xí” nhiều.
Chuyển khẩu (...) Sang nước khác:nhiều người Việt Nam đã chuyển khẩu từ Pháp về nước.
Thật khó tin cách giải nghĩa sai hoàn toàn này lại nằm trong một cuốn từ điển có tên Từ điển từ và ngữ Việt NamThứ nhất, ta vẫn nói chuyển khẩu từ địa bàn này sang địa bàn khác, từ tỉnh này này sang tỉnh khác mà không cần phải “sang nước khác” mới gọi là“chuyển khẩu”. Thứ hai, nhập khẩu hay chuyển khẩu là cách quản lý hành chính nội địa của riêng Việt Nam, chỉ áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam.Theo Bách khoa toàn thư mở: Hệ thống hộ khẩu hiện nay chỉ tồn tại ở 3 nước: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên  Việt Nam.Tuy nhiên cách quản lý, các chế độ liên quan đến hộ khẩu của mỗi nước khác nhau. Nếu có việc đi lại trong phạm vi ba nước nói trên cũng không thể gọi là chuyển khẩu được.Việc “đi sang nước khác”được gọi là xuất cảnh,nhập cảnh,  phải đáp ứng một số thủ tục hải quan theo quy định giữa hai nhà nước (cảnh đây có nghĩa là biên giới, bờ cõi). Ví dụ của GS “nhiều người Việt Nam đã chuyển khẩu từ Pháp về nước” có lẽ ý chỉ Việt kiều Pháp hồi hương và sinh sống lâu dài chăng ? Để làm được việc này, Việt kiều sẽ thực hiện một số thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nhưng dứt khoát không thể gọi là “chuyển khẩu”.
Chuyển khoản (khoản: từng mục chi tiêu)
Không có chuyện chi tiêu hay hạng mục gì ở đây. “Khoản” đơn giản là số tiền, khoản tiền gửi qua bưu điện hoặc ngân hàng...mà thôi. Hán Việt tự điển của Trần Văn Chánh giải nghĩa thứ 2 của “khoản”: “Khoản tiền: 匯款 (hối khoản - H.T.C chú thích) Khoản tiền gởi qua bưu điện hoặc ngân hàng...”
Chữ đinh (chữ Hán có nét ngang và nét sổ dọc)
Cách mô tả trên đích thị là chữ T in hoa chứ không phải chữ"đinh".Vì chữ đinh gồm nét ngang và sổ móc chứ không phải “sổ dọc”.
Chữ triện  Lối viết chữ Hán dùng để khắc dấu, khắc ấn, khắc tên hiệu.
Triện thư (篆書), hay chữ triện, là một kiểu chữ cổ của thư pháp Trung Hoa, có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu, sau trở thành chữ viết chính thức dưới thời nhà Tần và tiếp tục được sử dụng rộng rãi để khắc trên trán bia, viết hoành phi, câu đối, các tác phẩm thư pháp, khắc ấn tín qua nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc. Ở nước ta, chữ triện cũng được thấy sử dụng để viết tên sách, tên bia, viết hoành phi, câu đối xưa kia. Đến nay, do chữ triện khó đọc nên nó chủ yếu được dùng để khắc con dấu, thể hiện thư pháp hay trang trí bao bì, tem nhãn, đề từ cho các bức thư họa...Cách giải nghĩa như GS Nguyễn Lân có thể khiến người dùng từ điển lầm tưởng, chữ triện sinh ra chỉ có mỗi tác dụng để khắc dấu, khắc ấn, khắc tên hiệu”.Vậy mục từ chữ triện có thể được giảng: Lối viết chữ Hán cổ, khó đọc, khó viết, có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu, là văn tự chính thức thời nhà Tần, hiện nay dùng để khắc ấn triện, thể hiện thư pháp hay đề từ cho các bức thư họa là chính.
- Chức vị (vị: đơn vị) Đơn vị phù hợp với chức vụ.
“Chức vị” có phải phép tính hay số đếm đâu mà dùng đến khái niệm “đơn vị” ? Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa chữ “vị” trong chức vị là: “Ngôi, cái chỗ ngồi của mình được ở gọi là vị, như địa vị 地位, tước vị 爵位, v.v”.  
- Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn)
Soạn giả giải thích ngược. Đúng ra là con én bay qua, bay lại giống như cái thoi khung dệt mới phải.
- Cộng hòa tư sản (sản: sinh ra)
“Sản” đây là tài sản mới đúng.
- Cốt cách (cốt: xương; cách: cách thức)
Ở đây “cốt”()là xương mà “cách”() cũng có nghĩa là xương.Chữ “cách” mà GS nhầm lẫn có tự dạng là  (bộ mộc), được dùngtrong cách thức, khác với chữ cách  (bộ cốt), dùng trong "cốt cách".
- Cu gáy dt Chim cu hay gáy.
Giải nghĩa như vậy, cu gáy không được hiểu là tên một loài chim (danh từ) mà nó chỉ có nghĩa là con chim cu nó hay gáy (động từ). Cu gáy là loài chim hoang dã, nhỏ hơn bồ câu, lông xám nâu, cổ có nhiều cườm trắng, con trống có tiếng gáy rất hay, thường được nuôi làm cảnh.
- Cùi dừa Bộ phận của quả dừa ở dưới vỏ cứng, màu trắng, ăn giòn.
Quả dừa hình tròn, cấu tạo nhiều lớp: vỏ ngoài cùng, sau đến lớp xơ, đến gáo và cùi dừa, nên phải dùng khái niệm bên trong vàbên ngoài, tại sao GS nói "ở dưới" ? Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê không có mục từ riêng cho "cùi dừa". Tuy nhiên, mục "cùi" nghĩa 2 được dùng với khái niệm bên trong, bên ngoài: "cùi: phần dày bên trong vỏ của một số quả. cùi dừa". Trở lại với "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân. Nếu có riêng mục "cùi dừa", chúng tôi đề xuất giải nghĩa: Cùi dừa: miền Nam còn gọi là cơm dừa, màu trắng, nằm ở bên trong gáo dừa, dùng ăn tươi hoặc ép dầu, chế biến thực phẩm.
 Củi tạ Củi bằng những thanh gỗ dài gần bằng nhau bán từng tạ.
Thực ra, "củi tạ" là loại củi không bán theo bó mà bán theo khối lượng. Do đó “củi tạ” có thể là một đống hỗn độn gồm các thân gỗ to nhỏ, dài ngắn khác nhau được cân lên bán. Những thân gỗ, cành cây “dài gần bằng nhau” đó là nguyên liệu làm ra củi bó chứ không phải củi tạ.
Cung cầu (cung: cấp cho; cầu: hỏi xin)
Chữ "Cung" ở đây là cung cấp“Cầu” ở đây nghĩa là nhu cầuchứ không phải “hỏi xin”. Nếu có nhu cầu thì phải đi mua tại nơicung cấp, còn “hỏi xin” thì lấy đâu ra để “cấp cho” ? !
Cung cúc Nói đi lùi lũi và nhanh.
Nghĩa riêng biệt của hai từ trên: "cung": cung kính tỏ thái độ rangoài; cúc: cong, khom. "Cung cúc" không phải chỉ mình dáng đi, mà là đi hoặc làm việc gì một cách ngoan ngoãn, tỏ thái độ khép nép, phục tùng tuyệt đối.
Cùng khổ (cùng: khốn khổ; khổ: khổ sở)
Thực ra “cùng” ở đây có nghĩa là cùng cực, đỉnh điểm, “cùng khổ” là khổ đến mức tột cùng, khổ quá.
Cử tọa (cử: cất lên; tọa: ngồi) Tất cả những người dự một buổi họp:Lời tuyên bố đó khiến cử tọa vỗ tay như pháo nổ.
Ở đây Giáo sư giảng sai nghĩa của cả hai từ "cử" và "tọa". Cho dù đều có tự dạng là , nhưng chữ “cử” trong cử tọa nghĩa là hết thảy, tất cả chứ không phải là “cất lên”. Ví như cử quốc = cả nước(Hán Việt tự điển - Thiều Chửu) Hán Việt tự điển-Trần Văn Chánh giải nghĩa chữ "cử": "Cả, khắp, tất cả đều, mọi, hết thảy mọi người:舉座 Tất cả những người dự họp; 舉國歡騰 Khắp nước tưng bừng". Thứ hai, chữ "tọa" () đây là chỗ ngồi chứ không phải chữ "tọa" () là "ngồi".
Cưa tay Cưa nhỏ một tay có thể sử dụng được.
Thực ra "cưa tay" có nghĩa là cưa thủ công, trái với cưa máy. Còn cưa một tay hay hai tay, hai người hay một người tham gia cưa đều là cưa tay cả.
Cước sắc (cước: cuối cùng; sắc: lệnh vua). Phẩm hàm (cũ)Người có cước sắc ở trong làng.
Sai ! Cước sắc (腳色) có nghĩa là “Nhân vật, vai (trong tuồng kịch, phim ảnh)” (Hán Việt tự điển-Trần Văn Chánh). Soạn giả nhầm với từ chức sắc chăng ?
Cười đứt ruột Cười nhiều quá, không thể nhịn được.
Cười rũ ra, cười bò ra cũng có thể gọi là "cười nhiều quá, không thể nhịn được" chứ ? Chính xác "cười đứt ruột" phải được giảng là: cười đến mức đau cả bụngruột thắt lại từng cơn, tưởng có thể “đứt” ruột đi được.
Cương vị (Cương: sườn núi, vị: ngôi thứ).
Giải nghĩa mà như không giải gì. Thực ra “vị” đây là vị trí chứ không phải "ngôi thứ". Thiều Chửu giảng nghĩa ban đầu của “cương vị”: “Chỗ đội xếp đứng gác gọi là cương vị”.
Cương vực. (Cương: đường biên giới; vực: khu vực).
Chữ “vực” đây là bờ cõi, đất đai, lãnh thổ mới chính xác.
Cướp vợDùng mưu mô hoặc sức mạnh để ép vợ người khác lấy mình.
Không phải ép mà là chiếm đoạt. Mặt khác “cướp vợ” còn chỉ phong tục của một vài dân tộc thiểu số, tổ chức cướp cô gái (chưa chồng) mà mình ưng ý về làm vợ.
Cừu địch (cừu: thù hằn; địch: chống cự).
Đúng ra “địch” ở đây cũng có nghĩa là kẻ thù, kẻ địch.

Friday 10 January 2014

Từ điển từ và ngữ Việt Nam Của GS NGUYỄN LÂN MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG SAI SÓT (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Hai, ngày 30 tháng 9 năm 2013

Từ điển từ và ngữ Việt Nam


B
Ba mươi sáu chước (dịch từ chữ Hán: tam thập lục kế) Ý nói trốn đi là hợp.
Ba mươi sáu chước đúng là dịch từ “tam thập lục kế”. Tuy nhiên nó đâu có nghĩa “trốn đi là hợp” nếu không bao gồm cả vế thứ hai “chước chuồn là hơn” ? (Giống như câu nguyên văn chữ Hán phiên âm: Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách)

Cuốn Từ điển không thể tin cậy của GS Nguyễn Lân

Bạch hổ. Con cọp trắng vẽ trong các tranh tôn giáo.
Giải thích như vậy là phiến diện. Bởi cọp trắng không chỉ xuất hiện trong tranh thờ mà nó còn là con vật có thật, sống hoang dã. Theo Bách khoa toàn thư mở Hổ trắng hay Bạch hổ  hổ với một gen lặn tạo ra những màu sắc nhạt. Một đặc tính di truyền làm cho các sọc của hổ rất nhạt; trắng”. Ấy là chưa nói việc soạn giả bỏ quên Bạch Hổ với tư cách địa danh nổi tiếng - một mỏ dầu lớn ngoài khơi thuộc vùng biển Vũng Tàu nước ta.
Bạch yến (yến: chim én) Chim én trắng: Bạch yến trong lồng làm cảnh.
Cần phân biệt giữa chim én (đuôi chẻ hình chữ V, bay chấp chới bắt côn trùng, gắn với hình tượng mùa xuân) và chim yến nuôi trong lồng. Chim yến nuôi trong lồng nghe hót, làm cảnh có nhiều sắc lông như: bạch yến, hoàng yến, hồng yến...Trong khi chim én ngoài bầu trời gắn với hình tượng mùa xuân, đuôi chẻ chữ V, có mầu lông thuần nhất: lưng cánh mầu sẫm biếc, bụng màu trắng bạc. Vì không thuần trắng nên người ta không gọi là bạch yến mà gọi là ngân yến (én bạc), ý chỉ cái mầu trắng như ánh bạc ở bụng con én. Cách giải thích của GS Nguyễn Lân là lẫn lộn giữa hai con hoặc biến hai con làm một.
Bát dật (bát: tám; dật: yên vui) Lối múa xưa, có tám hàng, mỗi hàng tám người: Múa bát dật trong cung điện.
Đội múa có tới 64 người tham gia quả là vui thật. Mà có yên thì mớivui, mới bày đặt ra chuyện múa may...Nghe thật có lý ! Thế nhưng “dật”(佾) ở đây không phải là “yên vui” mà có nghĩa là hàng. Không biết chữ"dật" với nghĩa "yên vui" có tự dạng như thế nào và soạn giả căn cứ vào sách nào ? Hán Việt tự điển của Thiều Chửu cho biết: "Dật 佾 : Hàng dật. Trong lễ định vua Thiên tử được bắt sáu mươi tư người múa bài hát, mỗi hàng tám người gọi là múa bát dật". Chính soạn giả đã thừa nhận“bát dật” là “Lối múa xưa, có tám hàng, mỗi hàng tám người” đấy thôi.
Bay lả bay la. Nói chim bay nơi này nơi khác sát mặt đất: con quạ bay lả bay la tìm mồi.
Chưa chính xác.“Bay sát mặt đất” là kiểu bay là là. Đó là kiểu bay dang thẳng hai cánh (chứ không vẫy) để hạ dần độ cao và chọn vị trí đỗ của con cò (và nhiều giống chim cánh rộng khác). Nếu chưa chọn được nơi đỗ ưng ý, con cò tiếp tục vẫy rất nhanh đôi cánh để tăng độ cao, sau đó lại tiếp tục động tác bay là là. Và cuối cùng, nó liệng lại (vòng lại một quãng ngắn) để triệt tiêu quán tính bay rồi mới nhẹ nhàng đỗ xuống mà không bị trượt dài trên mặt ruộng. Còn “bay lả bay la” là kiểu bay trên bầu trời cao rộng, cánh của chim dài mà vẫy khoan thai, mềm mại như “lả”, như “la” vậy. Cần lưu ý, chỉ khi bay cao, nhờ vào gió và các luồng khí bốc lên từ mặt đất, con chim, con cò mới cỏ thể vẫy cánh khoan thai, thậm chí chỉ cần dang hai cánh mà liệng, bay. Còn khi bay sát mặt đất, hai lợi thế kia không còn, nếu "bay nơi này nơi khác" bắt buộc nó phải vẫy cánh liên tục, nếu không muốn rơi lăn quay xuống đất. Cuối cùng ví dụ “con quạ bay lả, bay la” nên thay bằng hình ảnh quen thuộc, chính xác hơn “Con cò bay lả bay la” trong ca dao.
Bắc thần (bắc: phương bắc; thần: tinh thầnNgôi sao sáng nhất trong chùm sao tiểu hùng tinh, giúp người ta xác định hướng chính bắc.
Sai nghiêm trọng. Chữ thần (辰) ở đây chỉ chung mặt trời, trăng, sao. Ví dụ “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi:為政以德,譬如北辰,居其所而眾星拱.Nghĩalà: Dùng đạo đức để giải quyết việc nước thì cũng ví như ngôi sao Bắc cực, ở yên một chỗ mà các ngôi sao khác đều chầu về (Luận ngữ - Vi chính). Chữ thần (辰) này khi đọc là thìn lại có nghĩa là rồng - chi thứ năm trong thập nhị chi. Còn chữ thần trong tinh thần có tự dạng là (神), không liên quan gì đến bắc thần (北辰). Ở đây chữ thần (辰) phải có nghĩa là trăng sao thì “bắc thần” mới nghĩa là "ngôi sao sáng nhất" thuộc chùm tiểu hùng tinh ở phía Bắc như chính GS Nguyễn Lân đã giảng chứ ? Nếu "thần" là “tinh thần”thì "bắc thần" lại nghĩa là "tinh thần phương Bắc" hay phương nào đó rồi !
Bần nông (bần: nghèo; nông: làm ruộng)
Nông đây là người làm ruộng (danh từ) chứ không phải “làm ruộng”động từ.
Bất chắc. Không chắc nhưng có thể cũng sẽ diễn ra:Phòng khi bất chắc dụng binh (Tú-mỡ)
Người Việt chỉ nói không chắc chứ không dùng kết hợp từ: bất (không) + chắc (chắc chắn) = không chắc. Hơn nữa, soạn giả đã lẫn lộn giữa bất chắc (từ do tự GS Nguyễn Lân nghĩ ra) có nghĩa không chắc vàbất trắc với nghĩa không lường được trong câu thơ của Tú Mỡ. Sai sót này xuất phát từ lỗi phát âm không phân biệt “ch” và “tr” dẫn đến lỗi chính tả, và cuối cùng là lỗi từ vựng của chính người làm từ điển.
Béo mầm. Béo và khoẻ.
Chưa chính xác. Từ này không hàm ý béo khỏe. Béo mầm = Béo mềm và mũm mĩm những thịt mới đúng.
Béo ngấy. Thức ăn có nhiều mỡ quá.
Béo ngậy. Như béo ngấy.
“Béo ngậy” không thể đồng nghĩa với “béo ngấy”. Béo ngậy = Béo có vị ngọt, bùi, dậy mùi thơm ngon quyện lẫn nhau. Còn “béo ngấy”  = béo khiến người ta không muốn ăn nữa vì quá nhiều mỡ.
Bón đón đòng. Bón phân cho lúa khi sắp trổ bông: Kịp thời bón đón đòng nên năng suất cao.
Đã gọi là “bón đón đòng” có nghĩa phải bón khi lúa mới bắt đầu giai đoạn hình thành đòng chứ ? Sao lại bón vào lúc lúa sắp trổ bông ? Khi lúa sắp trổ bông người ta gọi là có đòng già hoặc đòng trổ. Lúc này quá trìnhhình thành đòng đã xong. Đòng to hay đòng nhỏ, bao nhiêu vỏ hạt cũng đã định hình; lúa chỉ đợi trổ bông, phơi màu thụ phấn và vào chắc nữa là ổn. Vậy, bón đón đòng được tiến hành khi nào ? PGS TS Nguyễn Văn Bộ-Trường đại học Cần Thơ cho biết: Để có bông lúa nhiều hạt và hạt to, cần phải bón phân đón đòng đúng lúc và đủ lượng. Thông thường, nông dân dựa vào thời gian tính từ khi sạ (khoảng 40 - 45 ngày) để bón đón đòng. Bón đón đòng dựa vào thời gian không chính xác vì thời điểm tượng đòng thay đổi theo chu kỳ sinh trưởng của giống, thời tiết và kỹ thuật canh tác. Bón sớm cây lúa tiếp tục nhảy chồi, chồi sẽ cạnh tranh dinh dưỡng ảnh hưởng đến bông; bón trễ khi hạt trên bông đã hình thành, dù bón phân cũng không thể nào tăng thêm số hạt được. Thường sau khi sạ 36 - 38 ngày phải thăm ruộng thường xuyên, nhổ cây lúa xé ra quan sát đỉnh sinh trưởng, khi thấy có tim đèn (hay còn gọi là bông gòn) nhô lên chừng 1mm là bón đón đòng được”. (Quản lý tốt giai đoạn làm đòng, lúa có năng suất cao-Báo Kiên Giang). Thời gian từ có tim đèn(hay tượng đòng) này đến lúc trổ cũng phải mất đến 25 ngày, đủ để cây lúa hấp thu dinh dưỡng nuôi đòng và nuôi hạt sau này. Nếu thực tế có chuyện bón phân vào lúc lúa sắp trổ bông thì phải gọi là bón “tiễn đòng” mới đúng chứ không còn đón rước gì nữa. Tuy nhiên, không ai còn đem phân bón cho lúa thời kỳ này.
Bón lót. Bón phân vào ruộng trước khi cấy lúa: Đã bón lót rồi nên cấy kịp thời.
Bón lót không phải là khâu kỹ thuật chỉ áp dụng cho cây lúa nước. Trong thâm canh cây trồng, từ đậu, lạc, ngô khoai...đến các loại cây công nghiệp mía, dứa, cà phê, rồi cây ăn quả lâu năm, cây lâm nghiệp đều áp dụng biện pháp kỹ thuật bón lón. Nói về khâu “bón lót” nói chung phải giải nghĩa là: bón phân trước khi cấy, trồng hoặc gieo hạt, nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây ngay sau khi bén rễ, hồi xanh, ra lá mới.
Bón phân. Bỏ phân vào ruộng: Bón phân bằng u-rê.
Người ta thực hiện bón phân với mọi loại đất trồng. Không chỉ ruộng mới bón phân và cần phải bón phân. Bởi vậy “bón phân” phải được giảng là: bỏ phân vào đất để bổ sung chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Bón thúc. Bón phân để đẩy mạnh sự trưởng thành của lúa: Nhờ có bón thúc nên lúa được xanh tốt.
Bón thúc cũng là biện pháp kỹ thuật áp dụng cho tất cả các loại cây trồng thâm canh, không riêng gì cây lúa. Ví dụ: bón thúc cho ngô, mía, cây ăn quả các loại. Bón thúc được thực hiện vào những giai đoạn cây trồng cần nhiều dinh dưỡng để sinh trưởng, phát triển như: giai đoạn phát triển thân, lá, đẻ nhánh, phân cành, giai đoạn hình thành hoa, giai đoạn nuôi quả.
Nhìn chung các từ bón lót, bón phân, bón thúc mà GS Nguyễn Lân giải thích chỉ phù hợp với các chuyên đề về kỹ thuật trồng lúa nước chứ không phải là “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” nói chung.
Bong bong. Tả tiếng kêu nhỏ và thanh: Sóng dồn mặt nước vỗ bong bong (HXHương)
Câu thơ của Hồ Xuân Hương mà GS trích dẫn ở trong bài “Kẽm Trống”.Thơ Hồ Xuân Hương thường có nhiều dị bản. Tuy nhiên trong trường hợp này GS Nguyễn Lân đã trích dẫn sai. Chính xác là: “Gió đập cành cây khua lắc cắc, Sóng dồn mặt nước vỗ longbong”. Như thế  vỗ "long bong" đã bị GS trích dẫn thành vỗ bongbong”). Chúng ta thấy ở câu trên là khua lắc cắc” chứ đâu phải khua cắc cắc” ? Phải là từ “long bong” mới tinh tế và phù hợp với âm thanh rất khó tả của nước dội vào Kẽm Trống. Nó khác hẳn với tiếng kêu"bong bong" khô cứng phát ra từ chiếc trống bỏi (muỗi).
Bồ đề (bồ: tên cây; đề: nêu lên) (Chữ Phạn bodhi có nghĩa là giác ngộ, đồng thời chỉ cây bồ đề  mà Thích Ca ngồi dưới gốc trước khi giác ngộ) đạo Phật.
Đây chỉ là từ phiên âm (từ chữ Phạn bodhi như chính soạn giả đã thừa nhận). Do đó “bồ" và "đề” khi tách ra tuy có chữ mà không có nghĩa. Việc giải nghĩa tách riêng từng từ trong hai từ này là việc làm...vô nghĩa.

Thursday 9 January 2014

NĂM ĐẶT TÊN ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH THANH HÓA mốc 1029 hay 1082 ? (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Tư, ngày 11 tháng 12 năm 2013

NĂM ĐẶT TÊN ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH THANH HÓA mốc 1029 hay 1082 ?


HOÀNG TUẤN CÔNG



Đền Đồng Cổ ở Đan Nê-An Định-Thanh Hóa

Nước Việt Nam ta, tỉnh Thanh Hoá là một trong số rất ít tỉnh nhà nước phong kiến đặt cho nhiều tên nhất: Cửu Chân, Ái Châu, Thanh Hoá, Thanh Hoa,  Thanh Hoá…Về cương vực (địa giới), từ bộ Cửu Chân thời Hùng vương đến Ái Châu nhà Lương, Ái Châu nhà Đường đều chưa thật ổn định. Đến đời nhà Lý, tên Thanh Hoá ra đời, địa giới bắt đầu dần dần đi vào ổn định và thật sự ổn định vào đầu đời Thiệu Trị, trong những năm 1841-1843 cho đến thời thuộc Pháp.
          Thời vua nhà Lý dài 217 năm (1010-1226), triều đình đặt tên Thanh Hoá với tư cách một địa danh hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương từ bao giờ ? Hai bộ sử lớn nước ta được xem là chính sử, quốc sử:Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mụcđều không ghi chép rõ. Vì thế mới thành vấn đề phải trao đổi ý kiến, phải bàn luận.
          Tháng 11/2011, Sở Văn hoá TT Du lịch Thanh Hoá phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Thanh Hoá đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến”. Theo bản báo cáo Đề dẫn hội thảo khoa học của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở văn hoá TT và Du lịch Thanh Hoá, trong 17 báo cáo tham luận, có nhiều ý kiến khác nhau căn bản trên những tư liệu tham khảo khác nhau hoặc có giống nhau nhưng không cùng kiến giải.
Đọc tài liệu kỷ yếu Hội thảo của Hội khoa học lịch sử Việt Nam-Sở văn hoá văn hoá TTDL Thanh Hoá(Ấn hành 24-12-2011) chúng ta thấy riêng vấn đề “Tên gọi Thanh Hoá đặt ra từ bao giờ ?” nổi lên hai nhóm tác giả:
Nhóm thứ nhất: NNC Hoàng Tuấn Phổ, PGSTS Đỗ Bang - ThS Trần Văn Quyến (Huế), PGSTS Lâm Bá Nam (Hà Nội) cho rằng tên Thanh Hoá đặt ra năm 1029, đời vua Lý Thái tông (gọi tắt là Nhóm 1029)
Nhóm thứ hai: PGSTS Nguyễn Minh Tường, PGSTS Nguyễn Hải Kế, PGSTS Trịnh Khắc Mạnh, PGSTS Lê Đình Sĩ,v.v…(15 tác giả) nhất trí: tên Thanh Hoá được nói đến từ năm 1082 đời vua Lý Nhân tông ( gọi tắt là Nhóm 1082).
          Căn cứ tài liệu chủ yếu của Nhóm 1029: phần khảo cứu chú giải của Quốc sử quán triều Nguyễn, một công trình công phu nghiêm túc, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, và một số công trình khác: Dư địa chí của Nguyễn Trãi, do GS Hà Văn Tấn chú thích về mục Thanh Hoá, Việt sử địa dư của Phan Đình Phùng,.v.v…Nhóm 1082 luận cứ trên cơ sở mấy tấm bia đá đời Lý Nhân tông ở Thanh Hoá: Bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, Bia chùa Ngưỡng Sơn Linh Xứng, sáchLý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn,v.v…
          Luận điểm của Nhóm 1029 bị Nhóm 1082 (qua nội dung tham luận và tranh luận tại hội thảo) bác bỏ, vì: 1/Khi đưa ra niên đại 1029, Quốc sử quán triều Nguyễn không cho biết căn cứ vào tài liệu nào. 2/ Tại sao từ sau 1029 quốc sử vẫn còn nhắc đến tên Ái Châu mỗi khi xảy ra sự việc quan trọng ? Dường như đã tính trước được sự phản biện này, trong tham luận của Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đã lần lượt giải thích thoả đáng: 1/Cách làm việc của Quốc sử quán triều Nguyễn rất công phu nghiêm túc, rất đáng tin cậy, theo cách khảo cứu, chú thích thời xưa, có nhiều trường hợp không phải cần dẫn chứng tư liệu. Ngay như GS Hà Văn Tấn, một nhà khoa học nổi tiếng chú thích Dư địa chícủa Nguyễn Trãi, mục Thanh Hoá, ghi rõ là “Năm Thiên thành thứ 2 (1029) đổi làm phủ Thanh Hoá” mà có nói theo tài liệu nào đâu ! Nghĩa là nhà khảo cứu xét thấy trong “chú thích” lại phải làm thêm “khảo cứu”, “chú thích” nữa thì không cần thiết. Cách chú thích khoa học nhất là ngắn gọn, rõ ràng, chính xác. Lẽ nào một nhà khoa học đầu ngành lịch sử Việt Nam rất giỏi về thư tịch học, Thạch học, văn bản học như GS Hà Văn Tấn không biết đến cả mấy tấm bia thời Lý ở Thanh Hoá và cuốn sách biên khảo của Hoàng Xuân Hãn về mấy tấm bia này ?
2/ Từ sau 1029, Ái Châu đổi làm Thanh Hoá, một số sự kiện như đánh giặc Đãn Nãi, vẫn dùng địa danh Ái Châu, tên một đơn vị hành chính tương đương quận, huyện vẫn còn dùng cùng với quận Cửu Chân, thuộc phủ Thanh Hóa từ 1029.
Có thể nhận thấy rõ, những cứ liệu làm luận điểm của Nhóm 1082 chỉ được Nhóm 1029 nhắc đến trong tham luận của mình như một loại sự kiện xảy ra được nhắc đến tên Thanh Hoá, không phải là sự kiện đặt tên Thanh Hoá bắt đầu từ đó. Ví dụ:
Bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, tác giả Chu Văn Thường viết về Lý Thường Kiệt: “Chí Nhâm Tuất chi tuế, hoàng đế đặc gia Thanh Hoá nhất quân, tứ công phong ấp…” Dịch nghĩa: “Đến năm Nhâm Tuất (1082) nhà vua đặc biệt ban thêm cho một quân Thanh Hoá, cho ông làm phong ấp…” (Thơ văn Lý - Trần). Đối chiếu Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm Nhâm Tuất, kỷ Lý Nhân tông, chỉ ghi chép mỗi một sự kiện: “Nhâm Tuất, năm thứ 7 (1082) mùa xuân, đem công chúa Khâm Thánh gả cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh”. Ngoài ra không còn sự kiện nào khác. Sự kiện Lý Thường Kiệt được vua nhà Lý đặc biệt cho giữ thêm việc trông coi Thanh Hoá và cuối đời Lý Nhân tông. Đối chiếu văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn chép: “Anh Vũ Chiêu Thắng sơ, bao thiên tử nghĩa đệ, tri Ái Châu Cửu Chân quận (   ) Thanh Hoá trấn chư quân sự, phong thực Việt Thường vạn hộDịch: Đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng, (1076-1084), Thái uý được phong làm em nuôi vua, trông nom mọi việc quân ở các châu thuộc trấn Thanh Hoá, quận Cửu Chân, châu Ái và phong cho thái ấp một vạn hộ ở Việt Thường (Thơ văn Lý - Trần). Như vậy, đầu năm Anh Vũ Chiêu Thắng phải là năm 1076, không thể là năm 1082 vì năm 1082 đã sang khoảng cuối niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng, chỉ còn hai năm (1082-1084) là hết niên hiệu. Có lẽ các nhà khoa học đã lầm lẫn chữ  và chữ bao. Theo đúng mặt chữ Hán, chữ () này là bắt đầu, đầu tiên (niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng) tức là năm 1076, còn chữbao() này là bao phong, khen ngợi mà phong cho là Thiên tử nghĩa đệ(em nuôi vua), bị nhầm là chữbao() là bao bọc, bao gồm, rồi ghép hai chữ sơ, bao trong câu Anh Vũ Chiêu Thắng sơ, bao thiên tử nghĩa đệ lại thành Anh Vũ Chiêu Thắng sơ baovà hiểu sai lệch thành khoảng những năm đầu Anh Vũ Chiêu Thắng. Tuy nhiên cho dù cách hiểu này là đúng thì những năm đầu cũng chỉ vào khoảng 1076 – 1078, từ 1079 đến 1081đã là khoảng giữa niên hiệu. Các tác giả không thể suy diễn theo ý muốn chủ quan của mình.
          Chúng ta cũng cần xem lại con số 19 năm Lý Thường Kiệt làm quan ở Thanh Hoá. Chức Tri Ái Châu quận Thanh Hoá trấn chư quân châu sự không phải là chức trọng nhậm mà là chức kiêm nhiệm. Chức quan chính của ông là ở Kinh đô. Đặc biệt từ sau Lý Thái tông mất, Lý Nhân tông nối ngôi còn nhỏ, mới 7 tuổi, Thái sư Lý Đạo Thành đang giúp đỡ chính sự, lấy chức Tả giám nghị đại phu ra coi châu Nghệ An. Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng: Có lẽ vì Nhân tông nghe lời mẹ đẻ (Ỷ Lan) giết thái hậu Thượng Dương, Đạo Thành vì can ngăn phải ra trấn bên ngoài (Đại Việt sử ký toàn thư). Năm Giáp Dần (1074), Đạo Thành được làm Thái phó Bình chương, tức là tạm quyền Tể tướng (Thái uý bình chương). Năm Ất Sửu (1085), Lê Văn Thịnh làm Thái sư tể tướng, Lý Thường Kiệt vẫn giúp nhà vua trông coi chính sự, quân đội và đánh giặc. Cho nên, các bia Báo Ân, Linh Xứng đã chép những chữ như đặc gia (đặc biệt ban thêm), gia kính (kính trọng mà ban thêm) chức trông coi việc quân ở Thanh Hoá.
          Nếu so sánh về số đông, các nhà khoa học thuộc về nhóm 1082 đông hơn nhóm 1029 nhiều lần. Tuy nhiên, khoa học không thuộc về số đông ! Thực tế cho thấy, vấn đề Danh xưng Thanh Hoá, mốc năm 1082, tư liệu trích dẫn thiếu chính xác, lập luận nhiều suy diễn, trong khi năm 1029 có căn cứ khoa học hơn ./.

(Nghe, đọc từ Hội thảo khoa học “Thanh Hoá đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương khởi đầu và diễn biến”)

Wednesday 8 January 2014

"TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM" của GS Nguyễn Lân MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG CÓ SAI SÓT (Kỳ I Mục chữ cái A-Ă-Â) (HOÀNG TUẤN CÔNG - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2013

"TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM"

Cuốn Từ điển có nhiều sai lầm
của GS Nguyễn Lân
Từ điển từ và ngữ Việt Nam -tác giả GS Nguyễn Lân. Xuất bản lần đầu năm 2000, tái bản lần 1 năm 2006, 2.119 trang; tập hợp 51.700 từ và ngữ - Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
Lời Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (dịp tái bản lần thứ nhất) cho ta biết: “Sau khi cuốn sách ra mắt bạn đọc, Tác giả và Nhà xuất bản đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh công trình này, đồng thời tác giả cũng đã kịp thời sửa chữa, bổ sung những chỗ còn sai sót (*) của lần xuất bản đầu tiên trước khi qua đời 7/8/2003” và “… công trình này của GS Nguyễn Lân dù có cố gắng đến đâu vẫn không thể tránh khỏi sai sót, khiếm khuyết …và rất mong nhận được sự ủng hộ và chỉ giáo của quý bạn đọc gần xa”. Trong“Đôi lời tâm 
sự thay lời tựa” GS Nguyễn Lân viết: “Trong năm năm qua, mặc dầu tôi đã để toàn tâm toàn ý vào việc biên soạn bộ từ điển này gồm 51.700 từ và ngữ, nhưng vì tuổi cao, có thể có những sai sót, dám mong các độc giả sách này vui lòng chỉ bảo cho”.Với tinh thần xây dựng, chúng tôi xin đáp lời ngỏ ý của GS Nguyễn Lân và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh về cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam (tái bản lần thứ nhất đã được sửa chữa bổ sung của tác giả).
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi xin được lược bàn những sai sót theo mục chữ cái (từ A đến Y) của từ điển:

A
A hành ác nghiệp (A: dựa theo; hành: làm; ác: ác; nghiệp: kiếp trước) Nói người độc ác hành hạ người khác:Người mẹ chồng a hành ác nghiệp.
Không đúng ! Thứ nhất: nghiệp không phải là kiếp trước.Phật học từ điển (Đoàn Trung Còn) giải nghĩa “ác nghiệp:nghiệp dữ. Những sự tạo tác dữ mà mình đã gây ra từ những đời trước hoặc trong đời nầy (….) Ác nghiệp là nhơn duyên, còn cảnh khổ đời này và cành khổ đời sau là quả báo”. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa chữ “nghiệp”“Cái nhân, như: nghiệp chướng 業障 - nhân ác làm chướng ngại”.Như thế, “nghiệp” đây không phải là “kiếp trước” mà là cái nhân. Có “ác nghiệp” (nhân ác) và “thiện nghiệp” (nhân lành). Có thể hiểu là hành vi, việc làm của người ta nó giống như hạt giống, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mặt khác, “a” ở đây không phải “dựa theo” mà nghĩa là hùa theo.“A hành” là hùa theo người khác. A hành ác nghiệp là hùa theo người khác để làm điều ác chứ không phải “nói người độc ác hành hạ người khác” như cách giải thích của GS.        
  Á nguyên (Á: sau một bậc; nguyên: bắt đầuNhư á khôi.
“Nguyên” ở đây là đứng đầu chứ không phải là “bắt đầu”.Mục từ “á nguyên” được tác giả chú “như á khôi”. Mà chữ“khôi” ở ngay trang trước đã được chính soạn giả chú nghĩa là“đứng đầu” đấy thôi.
Ái nam, ái nữ. Có cả hai bộ phận sinh dục ngoài của nam và nữ.
Nếu theo cách mô tả của GS Nguyễn Lân có lẽ đây là một ca sinh đôi có “cả hai bộ phận sinh dục ngoài” của một người nam và một người nữ nhưng chung một cơ thể chăng ? Theo Việt Nam từ điển của Hội khia trí Tiến Đức Ái nam. Tiếng gọi  đàn ông hay đàn bà không đủ bộ phận sinh dục. Có khi gọi ái nam, ái nữ, cũng là người bán nam, bán nữTừ điển tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê giải nghĩa: Ái nam, ái nữ. Có bộ phận sinh dục ngoài không giống của nam, cũng không giống của nữ”.Như vậy cách “hình dung” về bộ phận sinh dục người ái nam, ái nữ của soạn giả không đúng và nghe thật đáng sợ !
Anh hùng nhất khoảnh (khoảnh: thời gian ngắn) Nói người tự cho mình là hơn cả mọi người trong một thời gian: Ở bến xe có tên lưu manh tự mình cho là anh hùng nhất khoảnh.
Chữ “khoảnh” trong câu thành ngữ gốc Hán này tự dạng là (頃)có nhiều nghĩa: khoảng ruộng 100 mẫu; thoáng chốc, khoảnh khắc... Ở đây, khoảnh (nghĩa đen = khoảng rộng100 mẫu) được hiểu là một vùng, một địa phận, khu vực (chỉ không gian) chứ không phải khoảnh khắc (chỉ thời gian) như GS lầm tưởng. Thành ngữ nói kẻ chỉ (dám) xưng hùng, xưng bá, làm mưa làm gió trong một khu vực nhất định. Cái “bến xe” mà tên lưu manh tự xưng anh hùng trong câu dẫn chứng của GS chính là“nhất khoảnh” (chỉ không gian) đấy thôi.
  Áo cứ chàng, làng cứ xã. Chê người có tính ỷ lại không biết tự mình lo việc cho mình: Chị ta dạo này thì áo cứ chàng, làng cứ xã, chẳng muốn làm ăn gì.
Chính xác hình thức của câu này phải là “Áo cứ tràng, làng cứ xã”. “Tràng” đây là cái cổ áo, bộ phận quạn trọng nhất của cái áo. Cũng như “xã” (xã trưởng, lý trưởng) là bộ phận chủ chốt, quan trọng nhất của làng (xin xem bài “Chàng hay tràng, vạt áo hay cổ áo” trong cuốn sách này). Đây là một trong những sai sót được soạn giả bê nguyên xi từ cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam.
  Áo rách vẫn giữ lấy tràng (Tràng cái vạt trước của áo dài).
Chính xác “tràng” trong câu tục ngữ này là cái cổ áo chứ không phải vạt trước của áo dài (xin tham khảo bài “Chàng hay tràng, vạt áo hay cổ áo” trong Blog này).

Ă
Ăn lông ở lỗ (ở lỗ tức là cởi truồng) Nói cuộc sống của người nguyên thuỷ.
Thực ra “lỗ” đây có nghĩa là hang hốc, hang động. Ý nói chuyện ăn và ở, chứ không nói chuyện ăn và mặc: ăn thì ăn sống nuốt tươi (còn cả lông của thịt thú rừng) ở thì chưa có nhà cửa mà ở lỗ (hang động).
Ăn ít ngon nhiều. Nói một món ăn chỉ cần ăn ít cũng đã thấy ngon: món tôm này ăn ít ngon nhiều.
Sai sót này cũng thuộc dạng được “copy” từ cuốn Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam sang mà chúng tôi đã nói đến trong bài “Những sai lầm mang tính hệ thống của Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam”.
Ăn xó mó niêu. Sống chui rúc, khó khăn: Sức dài vai rộng mà chịu ăn xó, mó niêu thế này ư ?
Thực ra câu này ý nói con người hèn kém, không đi đây đi đó để mở mày mở mặt với thiên hạ. Nói hoàn cảnh "sống chui rúc khó khăn" là không đúng.
  Ăn trắng mặc trơn. Nói cuộc sống đầy đủ và nhàn hạ:Thanh niên không nên chỉ lo ăn trắng, mặc trơn.
  Nếu nói "cuộc sống đầy đủ và nhàn hạ" thì các cụ về hưu cũng xứng đáng sống một cuộc sống như vậy lắm chứ ? Chính xác phải là nói lối sống chỉ biết hưởng thụ, tiêu xài mà không chịu lao động để tự làm ra của cải vật chất.

Â
Âm phủ (âm: chết; phủ: dinh thự) Chỗ người chết ở theo mê tín.
Sai ! Ở đây "âm" là thế giới của người chết chứ không phải “chết”“phủ”  là cõi chứ không phải “dinh thự”.
Âm sắc (âm: tiếng; sắc: màu) Tính chất khác nhau giữa hai âm cùng độ cao và độ to hơn: Âm sắc của hai nhạc cụ khác nhau.
Thực ra “sắc” đây nghĩa là sắc thái, tính chất chứ không phải là “màu”, cho dù hai nghĩa đều xuất phát từ chữ sắc có cùng tự dạng là ().
Âm thanh (âm: tiếng; thanh: giọng) tiếng phát ra từ một vật rung động.
Theo Thiểu Chửu “Tiếng  phát lộ ra có điệu trong đục cao thấp gọi là âm. Tiếng phát ra thành văn cũng gọi là âm”. Theo “Quấc âm tự vị” Âm = “Tiếng, cung, giọng”. Thế nên âm còn được hiểu là giọng. Còn thanh có nghĩa là tiếng chứ không phải là “giọng”.
Âm thoa (âm: tiếng; thoa: trâm cài đầu) Dụng cụ bằng kim loại, hình chữ U dùng để lấy âm tiêu chuẩn.
Thực ra chữ thoa () đây không phải cái trâm cài đầu mà có nghĩa là dạng, dang ra, rẽ ra, chính là từ mô tả cái “dụng cụ kim loại, hình chữ U” soạn giả nói. Còn chữ thoa với nghĩa trâm cài đầu có tự dạng là ()
Âm vị (âm: tiếng; vị: nói) Đơn vị ngữ âm nhỏ nhất có tác dụng phân biệt ý nghĩa của từ.
Thực ra "vị" đây có nghĩa là đơn vị, tự dạng là () chứ không phải tự dạng vị () là nói (bảo). Chính soạn giả đã giảng“âm vị” là “đơn vị ngữ âm nhỏ nhất...” cơ mà ?
Ẩm thực (ẩm: uống; thực: ăn) Ăn uống: Phải giữ vệ sinh trong việc ẩm thực.
Ẩm thực có nghĩa là ăn uống. Nhưng người Việt chúng ta chỉ dùng những khi nói về văn hóa ăn uống (tức văn hóa ẩm thực) chứ không chỉ ăn uống thường ngày. Ví dụ thường nói: Ăn uống điều độ, chứ không nói Ẩm thực điều độ.
Ân trạch (ân: ơn; trạch: ân huệ) Ơn huệ thấm nhuần (Ân trạch của Hồ Chủ tịch đối với nhân dân).
Thực ra “trạch” () đây là thấm ướt chứ không phải là "ân huệ". Thế nên Thiều Chửu mới giải thích “Ân trạch: làm sự lợi ích (ân đức thấm tới mọi người)” và Giáo sư mới giảng thành"Ơn huệ thấm nhuần" chứ ?
Ẩn dụ (ẩn: giấu kín: dụ: rõ ràng)

Không đúng ! Chữ “dụ” (喻) đây không phải “rõ ràng” mà có nghĩa là so sánh, ví dụ. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa thứ 2 của “dụ” (喻) là “ví dụ”. 


(Lược trích từ "Phê bình từ điển" - HOÀNG TUẤN CÔNG, bản thảo được nhận tài trợ sáng tác của Nhà nước năm 2013-chưa in)
Chú thích:

(*) Người góp ý xác đáng về một số sai sót trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân phải kể đến Nhà khảo cứu An Chi. Được biết GS Nguyễn Lân không phục và phản hồi: «Sau khi đọc bài «Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân» do ông Huệ Thiên viết, tôi rất ngạc nhiên trước những nhận xét sai lệch của ông ấy (...) Ông Huệ Thiên nêu lên đến 34 từ (thực ra là 33 – HT) để phê bình tôi, nhưng đại loại từ nào ông ấy cũng mắc sai lầm cả.» ( Theo khoavanhoc-ngonngu.edu.vn)