Sunday 6 April 2014

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là gì?



Chủ nghĩa tư bản thân hữu là hệ thống kinh tế trong đó doanh nghiệp không thể vận hành và tìm kiếm lợi nhuận nếu không câu kết chặt chẽ với các quan chức nhà nước. Đồng nghĩa có tư bản bè phái, tư bản thân tộc. Nôm na hơn có tư bản móc ngoặc, tư bản cánh hẩu, tư bản bồ bịch... Tất cả được dịch từ crony capitalism của tiếng Anh và capitalisme de copinage của tiếng Pháp.

Báo Việt Nam sử dụng các thuật ngữ nói trên khi chuyển ngữ các bài báo nước ngoài về nạn tư bản bè phái ở nước ngoài (Ai Cập, Mê-hi-cô...):

Trước tiên là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (crony capitalism), cái mà chỉ rõ tính chất mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp từ những năm 1970 và phát triển mạnh mẽ trong suốt thời Mubarak phải được giới hạn một cách rõ ràng.


 "Cả một lũ tư bản bè phái" - phát biểu của vị giám đốc mới của ECES hiện nay.



Cách đây 15 năm, đặc quyền của những nhà tư bản thành công lớn được gọi là Chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism), qua đó các doanh nhân bắt tay kinh doanh với các quan chức nhà nước, và có thể tạo nên những bất ổn rất lớn vì  nó sẽ dẫn đến tham nhũng, lạm quyền của quan chức nhà nước.



Báo Tuổi Trẻ có thời dịch crony capitalismtư bản bộ phận để nói chuyện các nước xa như Xu-đăng, gần như In-đô-nê-xi-a:

Thế nhưng, thị trường thì bao la, con cháu đâu mà “bao sân” cho hết? Đến đây, “vòng tay” mở rộng ra đến bạn bè, từ “gia đình trị” tiến đến “bè phái trị” (cronyism). Ở châu Á, một số tác giả gọi đó là “chủ nghĩa tư bản bộ phận” (crony capitalism).
HữuNghị, “Bệnh gia đình trị”, Tuổi Trẻ, 06/11/2005

Chữ Hán là 裙带资本主义 (quần đới tư bản chủ nghĩa). Quần đới 裙带 nguyên là cái dây để buộc váy, sau dùng để ngầm chỉ những gì có quan hệ với vợ, chị, em, con gái... Quan hệ quần đới là quan hệ có gốc hôn nhân, thân quyến của chị, em, vợ, con gái câu kết với nhau.

Saturday 5 April 2014

Hồ sơ bảo vệ luận văn 2010 của Nhã Thuyên (Nhã Thuyên - JunglePoetry)


Hồ sơ bảo vệ luận văn 2010 của Nhã Thuyên


1. Tôi thấy cần thiết công bố những biên bản liên quan tới việc bảo vệ luận văn của tôi năm 2010. Hiện tại, tôi rất tiếc vì chưa tìm lại được bản nhận xét của chủ tịch Hội đồng PGS Nguyễn Văn Long. Tất cả các bản nhận xét đó, theo thủ tục, đều được đọc công khai trước hội đồng bảo vệ và sau đó đính kèm với luận văn khi nộp lưu trữ cho thư viện khoa và trường.

Tôi đính kèm đây các ảnh chụp những văn bản tôi còn giữ lại được ở thời điểm này gồm: quyết định về việc thành lập Hội đồng chấm luận văn, Nhận xét của người hướng dẫn cô Nguyễn Thị Bình và nhận xét của Uỷ viên hội đồng Nguyễn Đăng Điệp, nhận xét phản biện của T.S Ngô Văn Giá, nhận xét phản biện của T.S Chu Văn Sơn.
2. Sự công bố này liên quan tới việc  Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần minh bạch cho bản thân tôi, tác giả luận văn, về thông tin thành lập hội đồng thẩm định luận văn năm 2014 (quyết định thành lập hội đồng này) và các biên bản nhận xét của các thành viên hội đồng thẩm định đó.
3. Tôi hi vọng các thành viên trong hội đồng chấm luận văn cũ sẽ có đơn kiến nghị  chính thức lên trường Đại học sư phạm Hà Nội về tính hợp pháp cũng như sự công khai đối thoại của hội đồng thẩm định luận văn với hội đồng cũ.  Ở đây, tôi không đặt vấn đề hội đồng cũ phải bảo vệ kết quả luận văn mà tôi đã trình bày thành công trước hội đồng năm 2010. Tôi hình dung rằng, đơn kiến nghị này (nếu có) là một minh chứng rằng luận văn là văn bản có thực, tác giả luận văn, người hướng dẫn, người phản biện, các thành viên hội đồng là những con người có thực, việc bảo vệ luận văn là sự kiện có thực và dựa trên giả định rằng cái có thực đó không thể bị xoá trắng.

update 02 April.
4. Tôi biết rằng hiện nay toàn văn bản luận văn dạng điện tử có thể được tìm thấy dễ dàng trên các trang mạng cũng như có đề nghị in ấn nó. Tôi chỉ muốn nói một điều: thực tế, chỉ có những trường hợp bất thường (như trường hợp của tôi), luận văn dạng thô (không sửa chữa gì, không tinh chỉnh) mới được công bố như thế cho mục đích làm “lịch sử vấn đề”. Khi sự việc trở nên căng thẳng vào thời điểm năm ngoái, nhiều người đã đề nghị tôi công bố bản luận văn để “rộng đường dư luận”. Bản thân tôi lúc ấy, và bây giờ cũng vậy, với tư cách một tác giả của một công trình (chứ không phải chỉ như một người trong cuộc có vai trò cung cấp nguồn thông tin), bởi sự trân trọng của tôi với các độc giả, chưa từng có ý tự mình công bố luận văn một cách chính thức chỉ với mục đích “để bàn luận đúng sai”. Các nghiên cứu sau khi bảo vệ thành công ở các cấp học khác nhau, như luận văn thạc sĩ hay thường là luận án tiến sĩ, nếu được dịp công bố dưới dạng sách, nghĩa là để đưa tới người đọc,  đều cần rất nhiều lao động cho sự hoàn chỉnh. Đó đương nhiên là trách nhiệm của một tác giả.
Tôi xin phép không bàn luận về những  bàn luận về các thành viên hội đồng, sự sai đúng của luận văn, khoa học hay không khoa học là tuỳ từng góc nhìn (mà có chuyện sai, đúng sao?). Tôi tin rằng ít nhất, mọi người có thể đồng thuận điều này: để bảo vệ thành công một luận văn, một luận án, điều duy nhất và là điều hợp pháp tôi cần làm là thuyết phục được hội đồng chấm luận văn của tôi bằng lao động của mình.
Đó, may mắn sao, là điều tôi đã làm được vào năm 2010. Trước những thành viên của hội đồng mà tôi nghĩ, họ đã rất cởi mở để đón nhận và cũng thừa tỉnh táo, đủ sự thẳng thắn để phê bình những điều chưa ổn của luận văn từ góc nhìn của họ, như trong các nhận xét dưới đây, và như những gì diễn ra hôm tôi bảo vệ. Tôi trân trọng lao động đọc của các thành viên hội đồng, và tôi trân trọng những sự khác biệt trong đánh giá. Và nghĩ lại, có thể điều này không được khiêm nhường, tôi cho rằng điểm mười tôi nhận được không có gì bất thường; thậm chí, với tôi, nó như một kết quả tốt đẹp của sự trao đổi thẳng thắn và thú vị giữa người viết và những người có trách nhiệm đánh giá nó, bất chấp sự khác biệt về quan điểm và thậm chí cả các quan điểm về quy chuẩn học thuật.
Một người bạn của tôi nói, giáo sư hướng dẫn tiến sĩ của bạn ấy nói rằng, cả khi bạn ấy làm một bài thơ thay cho việc viết một luận án vài trăm trang mà thuyết phục được hội đồng chấm, thì vẫn có thể bảo vệ thành công và được thông qua! Hẳn nhiên, chưa từng có tiền lệ đó ở Việt Nam và có thể cũng chưa có ở Mỹ chăng?
Và cũng vì tôi chưa thấy có thể kết thúc với luận văn của mình trong việc nhìn nhận vào các hiện tượng thơ như Mở Miệng, tôi đã thấy cần phải phát triển nó thành dự án Những tiếng nói ngầm mà tôi đã có dịp gặp rắc rối với nó cũng như đã có dịp trình bày nó như những sản phẩm hoàn chỉnh và muốn mời gọi sự đọc từ độc giả. Tôi hi vọng, những tiểu luận của Những tiếng nói ngầm, trong đó có tiểu luận về Mở Miệng tôi phát triển từ luận văn này, sẽ sớm có dịp ra mắt độc giả.
Bản online của dự án này có thể tiếp cận ở đây:
?????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????


IMG_3600?????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????????
Bản nhận xét của T.S Nguyễn Đăng Điệp, uỷ viên hội đồng:
Bản nhận xét của T.S Ngô Văn Giá, người phản biện.
Bản nhận xét của T.S Chu Văn Sơn (mới tìm được.)
photophoto (1)
phanbienluanvanNT_VanGia

Nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thứ "thơ" rác rưởi (Cẩm Khê - Nhân Dân)

Bình luận - Phê phán
Hơn mười năm trước, trên internet xuất hiện loại sản phẩm được gọi là "thơ" của một số người mà sau khi công bố, đã lập tức được định danh là "thơ rác, thơ dơ".
Rồi cùng với thời gian, được vài ba cây bút là người Việt ở nước ngoài cổ vũ, mấy người viết này không dừng lại ở thứ ngôn từ tục tĩu mà đã đi xa hơn, bằng việc sử dụng sản phẩm của họ để công kích một số giá trị cao quý của dân tộc, công kích chế độ xã hội. Và đáng tiếc, tại một trường đại học, thứ "thơ" chủ yếu trôi nổi trên internet ấy lại có người nghiên cứu, ca ngợi, và có thể đã được truyền bá trên giảng đường?
Cuối tháng 12-2011, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) ra thông cáo báo chí về việc tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: "Những tiếng nói ngầm: thơ Việt Nam hậu đổi mới" - thảo luận về một xu hướng vận động trong thơ Việt Nam đương đại, trong đó khẳng định: "Buổi thảo luận là một nỗ lực đưa ra những kiến giải về xu hướng vận động của văn chương "ngầm" trong bối cảnh nghệ thuật phi chính thống Việt Nam, một xu hướng đã nổi lên và phát triển như một đối trọng văn hóa đáng kể với văn chương dòng chính trong sự thoái trào của làn sóng Ðổi mới và bối cảnh toàn cầu hóa, từ khoảng những năm 90 của thế kỷ trước đến nay... Nhã Thuyên sẽ trình bày một phần kết quả nghiên cứu trong dự án cá nhân Những tiếng nói ngầm trong thơ Việt Nam hậu đổi mới, trong đó nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc hiểu bối cảnh hình thành, phát triển, sự tiếp nối/đứt đoạn của thơ Việt Nam đương đại với truyền thống, quá trình bên lề hóa như một nỗ lực khẳng định những tiếng nói khác trong văn chương, với sự đề cập sâu hơn ở các hiện tượng thơ như nhóm Mở miệng và các nhà thơ bên lề khác". Sau đó, dù cuộc tọa đàm không tiến hành thì theo Nhã Thuyên, tạp chí Tia sáng và Không gian sáng tạo Trung Nguyên đã cho chị "cơ hội để công bố một phần kết quả nghiên cứu của mình trong buổi thuyết trình thay thế Một góc thơ Việt Nam đương đại vào ngày 23-6-2012".
Từ sự kiện này, một câu hỏi đặt ra là: Công trình nghiên cứu của Nhã Thuyên có giá trị tới mức nào để L’Espace tổ chức tọa đàm? Câu hỏi này có lẽ chỉ người liên quan mới có thể trả lời. Còn đọc Những tiếng nói ngầm của Nhã Thuyên công bố trên một trang mạng của người Việt ở nước ngoài và so sánh với Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn (bản hiện lưu tại Thư viện Ðại học Sư phạm Hà Nội có số V-LA1/4784 - Luận văn) của Ðỗ Thị Thoan - tức Nhã Thuyên, do PGS, TS Nguyễn Thị Bình hướng dẫn, bảo vệ năm 2010 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, với đề tài Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở miệng từ góc nhìn văn hóa sẽ thấy mối khăng khít giữa hai văn bản, nếu không nói Những tiếng nói ngầm thoát thai, mở rộng từ Luận văn. Vì thế, một câu hỏi khác lại được đặt ra: Thơ của nhóm Mở miệng có giá trị như thế nào để Trường đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện một luận văn thạc sĩ và bảo vệ thành công 10/10; và từ góc nhìn văn hóa, Ðỗ Thị Thoan cùng người hướng dẫn đã đánh giá ra sao về các sản phẩm của Mở miệng?
Giữa những năm 90 của thế kỷ trước, một vài trang mạng ở nước ngoài công bố sản phẩm của một số người viết ở trong nước tụ tập trong nhóm tự đặt tên là Mở miệng. Thời kỳ đầu, mấy người này chủ yếu lấy thơ của tác giả khác rồi sửa sang, thêm thắt để biến thành của mình. Như từ bài thơ Thời hoa đỏ của Thanh Tùng, Bùi Chát đã chế tác thành Thời hoa đỏ lè với các câu như: "Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao nhậu - Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng vẻ..." và có người gán cho công việc đó cái nhãn hiệu mỹ miều là "giễu nhại"! Dần dà, mấy người trong Mở miệng bắt đầu công bố các văn bản chứa đầy thứ ngôn từ tục tĩu mà dẫn lại ở đây sẽ là xúc phạm văn hóa, xúc phạm thơ ca, và chắc chắn cả những người ca ngợi cũng không thể đọc cho con cái họ nghe. Và rồi, Mở miệng không dừng lại ở sự tục tĩu, họ đã dùng "thơ" để công khai bày tỏ thái độ chống đối, phỉ báng một số giá trị cao quý của văn hóa dân tộc. Sự xuất hiện của thứ "thơ" bẩn thỉu này sớm bị phê phán, như đầu năm 2006 báo Công an TP Hồ Chí Minh đăng bài Nhóm "Mở miệng" với thứ rác rưởi được gọi là thơ của Trúc Linh. Về "thơ" của một số người, trong đó có nhóm Mở miệng, nhà thơ Triệu Lam Châu khẳng định: "Tâm hồn chân chính của mỗi bạn đọc yêu thơ cần phải tăng cường sự miễn dịch đối với những loại thơ như vậy hoặc tương tự như thế!". Có thể coi đánh giá của Hoàng Lan trên một website của người Việt ở nước ngoài là phù hợp sản phẩm đó: "Cảm giác chung khi tiếp cận những bài thơ trên là một cảm giác không thoải mái chút nào, không "thơ" chút nào. Người đọc bị cuốn vào một thế giới xô bồ, bực bội, bế tắc, đạp đổ và văng tục vào tất cả... đọc những bài thơ trên đây, người đọc bị choáng trong một thế giới mà ở đó ý thức văn hóa, ý thức về cái đẹp, ý thức về những quan hệ nghĩa tình gia đình, cộng đồng, dân tộc không còn nữa, mà nhường chỗ cho cái tôi cực đoan ít nhiều đã bị tha hóa... đọc những bài thơ ấy người đọc bình thường sẽ bỏ đi. Vì trong khi đối thoại với nhà thơ, họ luôn bị nhà thơ văng tục vào mặt (...), luôn phải hứng chịu những bực bội, những đập phá, những hành vi thiếu văn hóa của nhân vật trong thơ. Ðiều đáng thương là không biết nhà thơ bực bội vì cái gì, muốn văng tục vào cái gì, muốn đạp đổ vào cái gì"!
 Song Ðỗ Thị Thoan và người hướng dẫn lại coi sản phẩm của Mở miệng: "hấp dẫn cộng đồng nghệ thuật và giới trí thức trong/ngoài nước, như biểu hiện của nỗ lực trên hai phương diện của nghệ sĩ: đổi mới nghệ thuật và đòi hỏi tự do ngôn luận" (Luận văn, tr.4). Trong Luận văn, sau khi phân tích rối rắm về "dòng chính" và "dòng ngầm" rốt cuộc, Nhã Thuyên cùng người hướng dẫn muốn hướng tới sự "thừa nhận chính thức" với sản phẩm của Mở miệng. Vì với họ: "Dưới áp lực chính trị, truyền thông dòng chính nhìn dòng văn chương này với con mắt kiêng dè, xa lánh, vì "không chính thống". Cơ quan an ninh văn hóa Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển này" (Luận văn, tr.4)! Như vậy, theo Ðỗ Thị Thoan và PGS, TS Nguyễn Thị Bình, sản phẩm của Mở miệng là "sự phát triển" của thơ Việt Nam? Chọn góc nhìn văn hóa để tiếp cận cũng tức là phải sử dụng các giá trị có tính văn hóa để định tính đối tượng, vì thế chẳng lẽ họ lại coi sự tục tĩu, tính phản văn hóa trong sản phẩm của Mở miệng là sự phát triển? Nếu thật sự hiểu biết về văn hóa và về tính văn hóa trong các sản phẩm do con người sáng tạo, họ sẽ tự thấy, không cần tới "áp lực chính trị", và càng không cần tới "cơ quan an ninh văn hóa", không có bất kỳ cơ quan truyền thông nào lại muốn đăng tải "thơ rác, thơ dơ" của Mở miệng. Công bố loại sản phẩm đó là tự đặt vào thế đối lập với quan niệm, thị hiếu lành mạnh của công chúng. Do đó, trong tiểu mục Những khoảng trống (Luận văn, tr.14) việc đặt ra câu hỏi: "nghiên cứu, phê bình liệu có thể tiếp cận như một sự chia sẻ và tương tác mạnh mẽ với các hiện tượng đương đại nếu bản thân nó mang đầy định kiến?" là cố tình đổ lỗi cho nghiên cứu và phê bình. Và dù không có định kiến, với sản phẩm của Mở miệng, người đọc - bằng các tiêu chí văn hóa của họ, vẫn có thể phê phán và tự thanh lọc khỏi bộ nhớ. Xét đến cùng, vay mượn quan niệm về "dòng chính", "dòng ngầm" trong cấu trúc văn hóa chỉ là phương cách tạo dựng ra một "giả lý thuyết" nhằm biện hộ cho mục đích mà Ðỗ Thị Thoan và người hướng dẫn muốn hướng tới. Cho nên, cũng chỉ là ngụy biện khi tác giả Luận văn viết: "Cách ứng xử với hiện tượng văn học dưới các góc nhìn và cách tiếp cận thuần văn học, chỉ tập trung vào văn bản sẽ trở nên thiếu chính xác khi văn chương hiện nay đang nỗ lực tham dự vào một bối cảnh rộng hơn, khi nó là biểu hiện của một cấu trúc xã hội - văn hóa đang biến động"!
 Huy động tổng lực các đánh giá và ý kiến cổ vũ Mở miệng đã công bố trên internet, Ðỗ Thị Thoan cố gắng "trường quy hóa" trong bản Luận văn để được mặc nhiên thừa nhận, từ đó sẽ biến "ngoại vi" thành "trung tâm", biến "dòng ngầm" thành "dòng chính", biến "phi chính thống" thành "chính thống", biến "phản văn hóa" thành "văn hóa"? Ðặt ra câu hỏi này là có lý do, bởi Luận văn này dành hẳn trang 16 chỉ để cật vấn tại sao cái dòng "văn chương" mà chị gọi là "bên lề" ấy lại không được "giải mã đúng lúc, không được thừa nhận, chứ chưa nói đến sự thấu hiểu". Vậy Luận văn đã "giải mã, thấu hiểu" như thế nào? Trong khuôn khổ một bài báo, không thể đưa ra đầy đủ dẫn dụ, chỉ có thể kết luận Ðỗ Thị Thoan cố gắng chứng minh Mở miệng ra đời là một tất yếu, là "một nhóm văn hóa chứ không phải một phong trào là điều kiện địa - văn hóa". Bằng việc phân tích một cách rất tư biện về quan hệ trung tâm - ngoại vi, chính thống - phi chính thống, phụ lưu - chính lưu, đặc biệt là tương quan giữa văn chương với quyền lực chính trị, tác giả đã không chỉ hướng tới "giải trung tâm", "giải thiêng" để biện hộ cho Mở miệng, mà còn đưa ra một số giả vấn đề, mà việc phân biệt bắc - nam trong văn chương là một thí dụ. Và phải nói rằng với quan niệm: "Quan hệ lề/trung tâm trong lĩnh vực văn chương ở Việt Nam, cũng thường được cụ thể hóa ở một cặp đôi khác là cặp Hà Nội - Sài Gòn (không phải thành phố Hồ Chí Minh theo tên trên bản đồ địa lý, một cái tên mới, một cái tên muốn xóa sạch cả lịch sử và quá khứ của những yêu mến lẫn đau thương vào danh từ của người chiến thắng của một giai đoạn lịch sử)..." (Luận văn, tr.38), chị như người đứng ngoài đất nước này và lặp lại y xì giọng điệu của những người chống cộng.
 Tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức mới đây, sau khi có nhà nghiên cứu lên tiếng phê phán Luận văn của Ðỗ Thị Thoan, một đại biểu đến từ Ðại học Sư phạm Hà Nội biện hộ đó là nghiên cứu cá nhân, là quyền của nhà nghiên cứu. Ðiều này không sai, nhưng thử hỏi: Nghiên cứu để biến "thơ rác, thơ dơ" thành giá trị văn hóa thì liệu có phù hợp với phẩm cách nhân văn của nhà nghiên cứu hay không? Tại sao các nhà nghiên cứu ở trường này không tự mình tiến hành mà lại đặt nó "lên vai" học trò, lẽ nào đó là thủ pháp "mượn tay học trò" để không phải chịu trách nhiệm? Việc đào tạo, đăng ký và thông qua đề cương, phân công người hướng dẫn, bảo vệ, và đánh giá luận văn cao học là một quy trình nghiêm ngặt. Học viên không thể tự đi đến đích cuối cùng nếu không nhận được sự nhất trí của cả quy trình. Vì thế, vấn đề đặt ra là: Với những nội dung như vậy tại sao Luận văn của học viên Ðỗ Thị Thoan lại có thể được nhất trí 10/10, phải chăng các cá nhân liên quan tới Luận văn đều không e dè với các ngôn từ tục tĩu mà Ðỗ Thị Thoan dẫn lại trong Luận văn? Chẳng lẽ họ không thấy Luận văn rất thiếu tính khoa học, mà gần như là tập hợp của một số bài báo? Chẳng lẽ họ cũng coi Mở miệng là một "huyền thoại" khi đồng tình với điều tác giả Luận văn viết: "Cùng với sự nổi tiếng của Mở miệng, Nxb Giấy vụn đã trở thành một huyền thoại: Nxb ngoài luồng, huyền thoại về La Hán Phòng nơi hội tụ các anh em giang hồ, huyền thoại về sự thăm dò của an ninh, huyền thoại của những kẻ sẵn sàng "đái vào Chúa"... Những huyền thoại xây dựng hình ảnh Mở miệng: lạ, phá phách, phá hỏng tiếng Việt, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền. Họ là kết hợp của cách tân và phản kháng" (Luận văn, tr.57)!? Tóm lại, dẫu thế nào cũng không thể nhân danh khoa học để biện hộ cho việc làm ra các sản phẩm "phản văn hóa". Và đáng quan ngại là căn cứ vào chương trình giảng dạy bộ môn văn học Việt Nam ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội, liệu ai có thể bảo đảm rằng, "kết quả nghiên cứu" của Ths Ðỗ Thị Thoan và PGS, TS Nguyễn Thị Bình về Mở miệng đã không được truyền bá trên giảng đường, chí ít là cho sinh viên ngành văn học?
CẨM KHÊ

Friday 4 April 2014

Một nhát chém vào mặt nhân dân (Nguyễn Minh Hòa - Dân Trí)


Một nhát chém vào mặt nhân dân

Sau năm ngày, dư luận đã dấy lên một làn sóng căm phẫn trước một hiện tượng xã hội đang diễn ra ở một TP Tuy Hòa (Phú Yên) vốn xưa nay yên ả.

Chưa bao giờ trên truyền thông đại chúng, trên các trang mạng lại tràn ngập những chính kiến bất bình của các nhà làm luật, các luật sư, thẩm phán, các nhà hoạt động xã hội và của tất cả người có lương tri như thế. Hàng triệu chính kiến bày tỏ sự không tán đồng với mức án mà VKSND TP Tuy Hòa đã đề xuất. Người ta đau đáu trông đợi một bản án công bằng hơn, phải đạo lý hơn, “tâm phục , khẩu phục hơn”.
Nhưng rồi niềm tin đã tan vỡ khi mà tòa án đã phán quyết một bản án mất lòng người, cho dù đã có thay đổi một chút. Nó không phản ánh được đúng bản chất của sự việc mà người ta phải gọi đúng tên của nó là “giết người”, giết đồng loại bởi một tập thể những người sống bằng tiền thuế của người dân.
Họ được nhân dân trao quyền lực và niềm tin để giữ gìn trật tự xã hội. Nhưng họ đã không làm được như nhân dân mong đợi mà lại kết thành một nhóm “đánh hội đồng”, sử dụng vũ khí, sức mạnh của những người trai trẻ và cái quyền của công an nhân dân để giết một người không còn khả năng tự vệ, một người chỉ còn biết van xin trong đau đớn, đói khát và tuyệt vọng.
Phải gọi đúng tên đó là hành động vô nhân tính, hành động không xứng với một con người theo nghĩa giản dị nhất của từ này.
Tôi là một người lính, từng đối mặt với những người lính ở bên kia chiến tuyến. Trước đó, trên chiến tuyến, chúng tôi đã nã đạn vào nhau, đâm lê vào bụng nhau. Nhưng khi ai đó bị sa cơ là tù binh thì chúng tôi (cả hai phía) đối xử với nhau vẫn như những con người (ít nhất là trong trường hợp của tôi và những người lính dưới quyền tôi). Còn ở đây, trong vụ án này, anh Ngô Thanh Kiều là công dân Việt Nam, là đồng bào của năm công an nhân dân. Ấy vậy mà họ lại hành động dã man, vô nhân tính đến rợn người.
Bản án mà tòa vừa tuyên chiều hôm qua (3-4) thật sự là một nhát chém ngang mặt nhân dân, hằn sâu vào tâm thức nhân dân. Họ đang thách thức dư luận.
Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng Đảng, Chính phủ không hề muốn như thế; những vị lãnh đạo cao nhất của nước ta khi biết đến vụ án này cũng không muốn như thế. Tôi cũng có một niềm tin cộng sản là họ không đồng ý với bản án mất lòng dân như thế.
Giết người mà chịu một bản án nhẹ hều như thế chẳng khác nào một tiền lệ khuyến khích những người công an khác tin rằng cứ vô tư hành xử côn đồ với dân, cứ mạnh dạn xuống tay với dân đi, bất quá chỉ bị năm năm tù, thậm chí chỉ chịu án treo thôi.
Cách nay dăm năm, tôi đã cảnh báo rằng tội phạm đã lờn, họ nghĩ phạm tội sao cũng được, miễn là không bị tử hình, sau đó sẽ sớm ra tù. Chính vì thế, tội phạm ngày càng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Một hệ quả khác nghiêm trọng mà xã hội phải gánh chịu từ kiểu xử án như thế này là người dân mất niềm tin vào công lý, không còn tin là xã hội này có “Bao Công” thật.
Bạn có biết ở các nước phương Tây, hình ảnh của vị thần công lý trên tòa án là ai không? Đó là một người phụ nữ bịt mắt, một tay cầm cái cân, một tay cầm kiếm. Bất luận trong trường hợp nào, người cầm cán cân công lý phải là người “nhắm mắt” lại, không chịu sự chỉ đạo, chi phối, xúi quẩy của người khác, bất luận trong trường hợp nào cũng phải giữ cho được cán cân công lý thăng bằng, không bị quyền uy, tiền bạc, lợi ích chi phối. Tay luôn nắm chắc thanh kiếm để trừng trị bất kỳ kẻ nào đi ngược lại với những điều cam kết với nhân dân.
TS NGUYỄN MINH HÒA (*)
Theo PLTPHCM
(*) TS Nguyễn Minh Hòa hiện là trưởng khoa Đô thị học - Trường ĐH  KHXH&NV TP.HCM.

Thẩm định Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan: tính pháp lý và sự hợp lý (Lê Tuấn Huy - Pro & Contra)


Thẩm định Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan: tính pháp lý và sự hợp lý

Tháng 8 1, 2013
Về chuyên môn, sơ bộ, một số khía cạnh của Luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa đã được TS. Vũ Thị Phương Anh nêu ra trong bài “Về nhóm Mở miệng và chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism)”, và có thêm ý kiến qua cuộcphỏng vấn của RFA [i]. Về pháp lý, nhà văn Phạm Xuân Nguyên đãnêu quan điểm tại báo Pháp luật TP. HCM.
Thật ra, việc Đỗ Thị Thoan bị cắt hợp đồng, PGS, TS. Nguyễn Thị Bình bị cách chức có thể được những người ra quyết định biện minh “hợp lý” bằng cách viện dẫn thẩm quyền nội bộ và lý do chuyên môn nào đó ít nhiều không liên quan, mà lời của người ngoài chỉ được tiếp nhận một cách vô thưởng vô phạt. Nhưng khi ta kêu gọi nếu có “thẩm định” Luận văn thì phải đúng mực về mặt khoa học (vấn đề giữa hai hội đồng) và pháp lý (về trình tự và chứng lý), là đã rơi vào cái bẫy mà những người muốn tiêu diệt nó đang tìm cách giăng ra để hợp lý hóa cho việc làm ấy.
Thực tế, không có cơ sở pháp lý cho việc được gọi là “thẩm định” đối với bất cứ luận văn thạc sỹ nào.
Văn bản pháp lý hiện hành liên quan đến học vị Thạc sỹ là Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ký ngày 28 tháng Hai 2011. Theo đó, chỉ có thẩm quyền về việc thẩm định kết quả tuyển sinh (Điều 19), chứ không có thẩm quyền về việc thẩm định kết quả chấm luận văn hay thẩm định hội đồng chấm luận văn.
Điều 26 của Quy chế này đã bao hàm toàn bộ vấn đề đánh giá một luận văn. Nội dung đó, chỉ có các vấn đề về thành lập hội đồng đánh giá luận văn, nhóm họp hội đồng và tiêu chí về kết quả của luận văn. Ngoài ra, hoàn toàn không có một điều nào, khoản nào, ý nào cho phép lập hội đồng thẩm định để đánh giá lại một luận văn đã có kết quả đánh giá.
Cách duy nhất để có thể chặn lại một luận văn là bị khiếu nại, tố cáo về nội dung khoa học (Điều 25, khoản 4, điểm c), nhưng điều này chỉ thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đưa luận văn ra đánh giá, chứ không phải để tái thẩm.
Kể cả những nội dung về thanh tra, kiểm tra (Điều 30), và khiếu nại, tố cáo (Điều 31) cũng không thể vận dụng được để làm công việc đó. Trong nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyền thanh tra, kiểm tra (Điều 30, khoản 2), chữ “quản lý đào tạo” mang nội hàm củacông việc quản lý hành chính đối với học viên và chương trình đào tạo (việc chấp hành quy chế đào tạo, xét điều kiện thỏa mãn để đưa luận văn ra bảo vệ, điều tiết chương trình, điều động giảng viên, xét gia hạn thời gian bảo vệ luận văn, khen thưởng, kỷ luật…), mà không bao hàm việc đánh giá kết quả luận văn, vốn là công việc khoa họcđộc lập và cụ thể của mỗi hội đồng chấm luận văn (và đã được quy định trọn trong Điều 26).
Như vậy, việc lập hội đồng thẩm định Luận văn của Đỗ Thị Thoan – nếu có – là phi pháp.
Phải chăng đây là sơ hở của pháp luật, do những người làm Quy chếđã không lường hết tình huống?
Không phải như thế. Đơn giản là, về điểm này, Quy chế đã được xây dựng phù hợp với đặc trưng của giáo dục sau đại học.
Khác giáo dục phổ thông – cấp phổ cập kiến thức cơ bản, khác với giáo dục đại học – cấp truyền thụ kiến thức và phương pháp chuyên môn, giáo dục sau đại học truyền đạt kiến thức và phương pháp nghiên cứu chuyên sâu. Về chuyên môn, khác biệt giữa bậc thạc sỹ và tiến sỹ là ở bậc sau, tiêu chí là cái mới về mặt khoa học cùng với giá trị lý thuyết (lý luận) và thực tiễn của nó, trong khi ở bậc trước chỉ chú trọng vào phương pháp nghiên cứu, sự riêng biệt về ý tưởng cùng với tính hệ thống và logic về nội dung và trình bày.
Do khác biệt đó mà ở cấp phổ thông, học sinh có thể làm bài giống nhau, một đề có đáp án chung tất cả, ai có chức năng và chung bộ môn, chung phạm vi đều có thể chấm bài. Do có chuẩn định về nội dung, thẩm quyền về chấm phúc khảo, phúc tra được đặt ra. (Tất nhiên, giữa hệ thống giáo dục thiên về áp nội dung với hệ thống thiên về mở nội dung, những điều vừa nói có biến thiên.)
Đến bậc đại học, trọng tâm là hướng dẫn để sinh viên tự trang bị kiến thức và nhắm vào một hệ thống kiến thức mở, nên dù vẫn còn chuyện sinh viên làm bài tương đối như nhau, thì mức độ độc lập của người học và người đánh giá đã có, bởi vậy việc phúc khảo và phúc tra không còn là thẩm quyền cố định.
Ở bậc sau đại học, sự giống nhau dù vô ý hay cố ý đều bị xem là đạo văn, và là tiêu chí (cấm) tuyệt đối duy nhất về nội dung. Ngoài ra, người làm luận văn, người hướng dẫn, người phản biện, người chấm, người nhận xét luận văn, với tư cách những người nghiên cứu khoa học độc lập, hoàn toàn có quyền độc lập nhau về quan điểm, phương pháp (miễn có nền tảng phương pháp luận phù hợp) trong trình bày và đánh giá. Không có chuẩn pháp lý hay giáo (dục) lý về nội dung cho các luận văn vốn đã khác biệt nhau. Cho nên, chỉ có hội đồng chấm luận văn lần hai dành cho học viên không đạt ở lần bảo vệ đầu, chứ không cần có hội đồng phúc khảo cho luận văn đã có kết quả không đạt. Lần bảo vệ sau mà vẫn không đạt, theo quy chế, học viên không có quyền trình bày luận văn lần thứ ba. Do đó – xuất phát từ tính độc lập nghiên cứu khoa học của học viên, tính độc lập của hội đồng chấm (từng) luận văn, và từ quy trình quyết định trực tiếp đối với kết quả việc bảo vệ luận văn – càng không cần gì đến hội đồng phúc tra.
Bên cạnh đó, nghiên cứu sau đại học không phải là hoạt động tư pháp mà cần đến thẩm quyền phúc thẩm hay tái thẩm của cấp cao hơn khi học viên hay thành viên hội đồng chấm luận văn chống lại kết quả đã chấm (giống như hai bên bị hại – bị cáo, nguyên đơn – bị đơn có thể chống lại phán quyết). Cũng vậy, nghiên cứu sau đại học không nhằm bảo vệ công lý tư pháp mà cần đến thẩm quyền giám đốc thẩm khi có những bên bất kỳ “phát hiện tình tiết mới” và yêu cầu trình tự xử lý mới từ đầu.
Các bên thứ ba – không phải học viên, không phải thành viên hội đồng chấm luận văn – có thể có thẩm quyền công luậnthẩm quyền khoa học trong việc nhận xét nội dung và phương pháp, nhưng không có thẩm quyền khoa học trong việc phán xét kết quả, càng không có thẩm quyền pháp lý trong việc định đoạt hay thúc đẩy định đoạt kết quả chấm luận văn.
Những người chống đối, với tư cách thành viên của xã hội dân sự, có thể phản bác từng điểm một của luận văn, có thể tập hợp lại, ra tuyên bố phủ nhận nội dung của nó, nhưng đó quyết không phải là quan điểm quyết định hay có thẩm quyền quyết định đối với kết quả luận văn [ii].
Tất nhiên, trong một xã hội cai trị bằng sắc lệnh dưới nhiều hình thức và ở nhiều cấp (từ luật định giới hạn lại hiến pháp, rồi nghị quyết, nghị định, thông tư, công văn, cho đến cả thư tay), thì việc ban hành thông tư khác thay cho thông tư đang có hiệu lực về đào tạo thạc sỹ, mở đường hợp pháp hóa việc tiêu diệt Luận văn của Đỗ Thị Thoan và diệt cả từ trong trứng nước những luận văn theo hướng độc lập trong tương lai, là việc làm hết sức dễ dàng. Nhưng mong rằng tất cả những người liên quan hãy cân nhắc những điều sau đây:
1. Đối với Thạc sỹ Đỗ Thị Thoan và Phó giáo sư Nguyễn Thị Bình, nếu vào lúc cần thiết mà không tự vệ khoa học trên cơ sở pháp lý cho phép, để phủ nhận bất cứ thẩm quyền phi pháp và phi lý nào đối với mình, thì đó không chỉ là cái nhược về khoa học vì không biết bảo vệ những gì tâm đắc của chính mình, mà có thể còn tạo tiền lệ cho việc đầu hàng của giới nghiên cứu trong môi trường hàn lâm khi có sự xâm phạm từ bên ngoài.
2. Đối với giới khoa bảng, nếu im lặng để chấp nhận sự thay đổi theo hướng tước bỏ quyền bất khả xâm phạm của việc đánh giá kết quả khoa học trong đào tạo, xin các vị hãy thử hình dung một tương lai không xa, là bên cạnh các hội đồng chấm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ sẽ là những “hội đồng giám sát (của) nhân dân” hoặc “hội đồng tư vấn (của) nhân dân” mà thành viên sẽ là đại diện của quân đội nhân dâncông an nhân dânlão làng nhân dânđoàn thể nhân dân, và cả địa phương nhân dân; hoặc có thể, họ sẽ là thành phần chính thức trong cơ cấu của hội đồng chấm luận văn của các vị.
3. Đối với những người làm chính sách giáo dục, nếu có thay quy chế để cho phép quyền phúc tra, thẩm tra đối với kết quả luận văn, xin đừng quên một điều hợp lý gắn liền, là phải quy định công khai hóa tất cả luận văn thạc sỹ, tiến sỹ từ thời điểm 10, 15 năm qua (thời gian mà Việt Nam đã hóa siêu rồng trong đào tạo sau đại học), để toàn bộ nhân dân có thể thực thi quyền yêu cầu “giám đốc tra” đối với luận văn của bất cứ ai.
4. Đối với các nhà lãnh đạo, nếu muốn khoa học phủ phục trước chính trị, thì xin trước hết ôn lại hai bài học sau đây ở nơi từng là đất nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại nhất:
Thứ nhất là một trường hợp trong khoa học tự nhiên. Đó là sự thao túng tư tưởng hệ đối với sinh học ở Liên Xô cho đến tận giữa những năm 1960. Nhà sinh học Trofim Lysenko (1898-1976) được sự đồng tình của giới lãnh đạo, đã kiên quyết phủ nhận thuyết di truyền học Mendel-Morgan, khăng khăng về cuộc đấu tranh ý thức hệ của sinh học [iii]. Hậu quả của việc cưỡng bức khoa học quỳ gối, là trong khi các ngành vật lý, hóa học, thiên văn Xô Viết có độ phát triển ngang tầm Phương Tây, thì các ngành thuộc sinh học như di truyền học, sinh nông học, sinh y học, sinh dược học cho đến tận thời nước Nga ngày nay vẫn chưa bắt kịp kẻ thù ý thức hệ khi xưa.
Thứ hai là chính ngay trường hợp của khoa học lý luận. Nó phải tuyệt đối tuân thủ những chỉ đạo chủ quan về ý thức hệ khi xây dựng triết lý về một chủ nghĩa xã hội đã ở giai đoạn phát triển hoàn thiện, chuẩn bị tiến vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản, mà hậu quả là không có sự báo động của lý luận khoa học về một xã hội trì trệ mọi mặt, và vực thẳm mà nó sắp rơi xuống thay cho thiên đường “đáng lý” phải bay lên.
Quay về Việt Nam, gần gũi với vấn đề ở đây, xin các vị thử nghĩ xem, văn học phải quy buộc vào cái chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã đạt được thành quả nhân loại nào không, dù chỉ so với người anh em cùng ý thức hệ cận kề?
29-30/07/2013
© 2013 Lê Tuấn Huy & pro&contra


[i] Một trình bày ít nhiều có tính chuyên môn khác, là bài “Từ một công trình ngụy khoa học, lệch lạc về tư tưởng học thuật…” của PGS, TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Tuy nhiên, với nhận định mang thái độ miệt thị ngay từ đầu, rằng “Trong cái mớ xô bồ lý thuyết từ Âu – Mỹ dội vào, ảnh hưởng vào nước ta…”, thì tác giả này đã thiếu ngay đến cảnăng lực khách quan tối thiểu. Đó là chưa kể, ở cuối bài, dù ông kêu gọi rằng những người có “vai trò liên đới trách nhiệm” của luận văn này “cần được nhìn nhận thấu đáo, có lý, có tình” thì đó chỉ là [cách đề xuất xử lý cả về hành chính lẫn chính trị] theo “Luật Công chức và theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng”. Đó cũng là chưa kể ông đã cố tình đánh lộn sòng, từ việc hiển nhiên là thơ của nhóm Mở Miệng tuyệt đối không thể nào xuất hiện trên các kênh “chính thống”, lại trở thành “họ không dám xuất hiện một cách đàng hoàng, phải lén lút tự ấn hành, photocopy, tự xuất bản theo kiểu đối phó với sự kiểm duyệt của Nhà nước, gọi là kiểu xuất bản Samizdat”.
[ii] Cần nói thêm, Luận văn Thạc sỹ của Đỗ Thị Thoan không phải là văn học mà là nghiên cứu khoa học về văn học (dẫu là văn học bên lề), nên không phải là đối tượng cho những người phê bình theo kiểu đọc văn, đọc thơ rồi khen chê về văn phong, hình tượng, giá trị tư tưởng của tác phẩm.
[iii] Gần gũi với đề tài sinh học, có thể tìm đọc cuốn Những vấn đề triết học của y học (Nxb Khoa Học, HN, 1966), là tài liệu dịch của Liên Xô, ta sẽ thấy buồn cười vì những lý lẽ ý thức hệ kỳ quặc của những phê phán về sự duy tâm và siêu hình trong y học, vì những yêu cầu về nhận thức luận và biện chứng trong chẩn đoán…

Một “góc nhìn” phản văn hóa và phi chính trị (Tuyên Hóa - Quân Đội Nhân Dân)


QĐND - Chủ nhật, 07/07/2013 | 22:35 GMT+7
QĐND - Gần đây, dư luận bàn tán khá nhiều về những quan điểm gây “sốc” của một luận văn thạc sĩ văn học, tán dương sự nổi loạn của một nhóm thơ “cách tân” nhen nhóm cách nay hơn chục năm và hiện nay đang leo lét. Tại Hội nghị Lý luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đầu tháng 6-2013 vừa qua ở Tam Đảo, đã có nhiều ý kiến phê phán khá gay gắt đối với bản luận văn này. Nhà nghiên cứu-phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu gọi đây là “một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối”. Giáo sư Phong Lê hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn. Có người kêu lên: “Liệu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (nơi tổ chức thực hiện bản luận văn) có giải thiêng lịch sử được không?”. Có người nói rằng: “Đây là một luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động…”.
Đó chính là bản luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ Thị Thoan, mang tên: Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa, thuộc chuyên ngành Văn học Việt Nam, mã số 602234. Bản luận văn được Hội đồng chấm luận văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chấm điểm và hiện được lưu trữ tại thư viện trường này.
Tác giả bản luận văn xác nhận: Đối tượng của luận văn là Thực hành thơ của Mở Miệng, với vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật của họ… Và: Các tác phẩm được khảo sát là những tập thơ cá nhân và nhóm của các thành viên Mở Miệng, cùng những người đồng chí hướng (tr.16).
Chữ “bên lề” của Đỗ Thị Thoan xuất phát từ lý luận về Giải trung tâm của Derrida, theo đó họ quan niệm rằng trong một văn bản có quan hệ giữa phần chữ viết và phần lề xung quanh, mà phần chữ viết là trung tâm còn phần lề là ngoại vi. Bên lề là để ghi chú, giải thích, hiệu đính… và đó là cái khác với cái trung tâm. Từ đó, sinh ra lý luận “Mỹ học của Cái Khác”. Tác giả Đỗ Thị Thoan là một trong những người coi hiện tượng nhóm Mở Miệng là Cái Khác của dòng văn học chính thống, được mệnh danh là thơ phản kháng, thơ Bên Lề và tập trung nghiên cứu Cái Khác, cái Bên Lề của nhóm này.
Mở Miệng là nhóm gì và gồm những ai? Chính bản luận văn nêu trên cho biết: Tháng 6-2002, tập Mở Miệng gồm 4 tác giả: Khúc Duy, Bùi Chát, Lý Đợi và Nguyễn Quán được xuất bản-Nhóm Mở Miệng chính thức hình thành. Tập thơ in photo số lượng ít, chuyền tay bạn bè trong Sài Gòn và một số tập khác sau đợt kiểm tra đã bị thu hồi và tiêu hủy. Vì sao các “tác phẩm” in photo của nhóm này bị thu hồi tiêu hủy? Bởi cái mà họ gọi là thơ, như chính họ thừa nhận, là thơ dơ, thơ rác rưởi, thơ nghĩa địa… ngôn ngữ thơ thô tục bẩn thỉu, nghệ thuật thơ bế tắc lập dị. Đặc biệt, họ đã dùng thủ pháp giễu nhại để vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ… nhằm hạ bệ các thần tượng, giải thiêng lãnh tụ và các danh nhân, bôi bẩn các giá trị lịch sử-văn hóa của dân tộc, xúc phạm tình cảm của hàng triệu đồng bào ta đối với Bác Hồ kính yêu. Chính vì vậy mà nó đã không tồn tại được lâu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta, như chính tác giả bản luận văn đã viết: Mở Miệng từ chỗ gây náo loạn, đã trở nên im ắng dần trong những năm gần đây. Lẽ ra, Mở Miệng có thể trở thành một cú hích để xới lật nhiều vấn đề về thơ đương đại cả lý thuyết lẫn thực hành và trên thực tế đã châm ngòi cho một số cuộc tranh luận quan trọng như về thanh-tục trong thơ, về thủ pháp giễu nhại… Nhưng các cuộc tranh luận đều diễn ra trên mạng và không chứng tỏ nhiều ảnh hưởng với sự chuyển động của thơ Việt trong nước (tr.9).
Một sự “nổi loạn, cách tân” đã thất bại, đã bị cuộc sống chối bỏ và trên thực tế đã gần như cáo chung, thế mà tác giả Đỗ Thị Thoan, một cán bộ giảng dạy đại học sư phạm, lại bới lên để khảo sát và hết lời tán dương, cổ xúy: Việc Nguyễn Huy Thiệp nhét cứt vào miệng kẻ sĩ Bắc Hà để hạ bệ thần tượng hoàn toàn khác việc Mở Miệng đưa chuyện cứt đái ra nói công khai như những kẻ mua vui nhàn rỗi cho quần chúng bằng thơ tiếu lâm… Không chỉ nói chuyện “cứt đái”, thơ của nhóm Mở Miệng còn hào hứng miêu tả những bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà, những hành vi làm tình, hành lạc… bằng những từ ngữ thô tục, trần trụi nhất mà một người bình thường không thể nhắc lại được, dù là để phê phán. Những từ tục tĩu bẩn thỉu ấy được sắp đặt lổn nhổn bên nhau, được phát ra một cách lảm nhảm vô lối: Tôi ném nước bọt lên tường/ Tôi yêu những người đàn bà đang là chuột dưới cống/ Tôi thấy em mặc quần lót mười nghìn ba cái mua ở vỉa hè mỗi khi chủ nhật… Tôi hành hạ tôi ba bữa/ Tôi kêu đòi chữ nghĩa/ Tôi tổ chức chiến tranh/ Tôi nam mô vị chúa trời/ Tôi đánh răng vào buổi trưa/ Tôi đâm ra/ Tôi cải tạo âm hộ… Ấy thế mà Đỗ Thị Thoan ca ngợi: Những thi phẩm này (đúng là phải gọi bằng từ “thi phẩm”) đều sạch, đẹp và giàu năng lượng cảm xúc…(tr.64). Và: Thái độ dám hủy bỏ thi tính của mình để đổi lấy một hành vi mới, tạo ra một ý niệm mới về việc làm thơ là một thách thức với ý thức mỹ học cũ (tr.84) v.v..
Từ việc đồng lõa, bênh vực và “tôn vinh” thứ thơ bệnh hoạn, tắc tị như trên, tác giả đã bộc lộ thái độ chính trị của mình thông qua việc ca ngợi  những nhà văn “phản kháng” như Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương… để rồi xuyên tạc và kích động: Nhưng giai đoạn khủng hoảng, phẩm tính phản kháng vốn tiềm tàng trong lòng các xã hội chuyên chế sẽ trỗi dậy. Đây là giai đoạn thích hợp cho nổi loạn, cho phá phách, cho thái độ vô trật tự, vô chính phủ… Và: Nhân văn Giai phẩm trước hết là một phong trào dân chủ… Mở Miệng cũng bắt đầu bằng một phản ứng CHỐNG một thứ quyền lực “vô hình” trong sự thiết lập sân chơi thơ trẻ của các sĩ phu Bắc Hà và họ tạo thành một nhóm chơi (trò) chơi thơ với sự thống nhất về bản sắc, ý hướng, dù thực hành cá nhân mỗi người lại khác nhau. Phản ứng của những người tin tưởng vào Cách mạng của quá khứ (tức nhóm Nhân văn Giai phẩm) cũng hoàn toàn khác với phản ứng có tính chất phá bỏ, giễu nhại, thiếu nghiêm trang của Mở Miệng (tr. 32).
Sau khi thừa nhận “nhu cầu cách mạng” để thực hiện “nhu cầu cách tân” về nghệ thuật của nhóm Mở Miệng, thừa nhận họ văng tục và nói về cứt đái nhưng muốn lật đổ hơn là xây dựng (tr.31), tác giả Đỗ Thị Thoan không hề giấu giếm đối tượng “cách mạng” và “lật đổ” không chỉ là những khái niệm của văn chương học thuật mà là thể chế chính trị. Bởi tác giả cho rằng: Cơn hưng phấn của thời Đổi Mới nhanh chóng biến thành nỗi hụt hẫng vì sự thắt chặt lại của chính sách, với Đại hội Đảng VII năm 1991 (tr. 26). Tác giả còn tố cáo Đảng và Nhà nước ta bóp nghẹt tự do sáng tạo: Và bởi sự thống nhất trong một xã hội không chấp nhận đa nguyên về ý thức hệ và tư tưởng, Cái Khác là cái cần bị loại trừ, bị chèn ép… (tr. 37). Đến đây, tác giả đã công khai biểu thị thái độ đồng tình với tư tưởng chống Cộng của các phần tử chống đối Đảng và chế độ XHCN, mà Mở Miệng chỉ là một nhóm nhỏ, trong đó: Tập Bài thơ một vần của Bùi Chát, mặc dù là thơ tự do, nhưng tính chất một vần nằm ở từ khóa Cộng Sản. Bùi Chát lật đổ các slogan xã hội, các ảo tưởng được đóng đinh trong ngôn ngữ ý thức hệ... (tr. 71). Và tác giả  Đỗ Thị Thoan kết luận: Mở Miệng, ở các thực hành thơ, đã là biểu hiện của sự giải phóng, trong nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so sánh với truyền thống thơ của Việt Nam, Mở Miệng là một sự chối bỏ quyết liệt, dù tôi không muốn nhìn nhận họ như một sự đại diện cho thế hệ, nhưng họ đã lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên chế, khi niềm tin vào chế độ và sự tự do đang có đã tan rã… (tr. 104).
Rõ ràng “đây là một bản luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản động”. Nó trá hình ở chỗ mượn cụm từ “góc nhìn văn hóa” để khảo sát một hiện tượng văn học, nhưng thực chất để tung hô, cổ xúy cho một “thực hành thơ bên lề” có tư tưởng chống đối cái trung tâm, cái chính thống, chống lại định hướng, chống lại thiên chức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân của văn học và nhà văn. Tán thưởng quan điểm “nổi loạn là điều kiện của sáng tạo”, xuýt xoa tấm tắc khen “thơ rác, thơ dơ”, thơ tục tằn bẩn thỉu… thì “góc nhìn văn hóa” ấy là văn hóa gì? Nó phản động ở chỗ chuyển từ ý thức phản biện khoa học sang ý thức phê phán để chống đối, nổi loạn, lật đổ. Trong khi toàn Đảng và toàn dân ta đang ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì nó tìm cách giải thiêng hình tượng Bác Hồ, mang những bài viết, lời phát biểu và những bài thơ của Người ra để chế tác và giễu nhại… Đây là biểu hiện hết sức trắng trợn của những người tự nhận là “cách tân, đổi mới” nhưng thực chất là mượn văn nghệ để làm ngọn cờ chính trị hòng lật đổ chế độ, thay đổi thể chế.
Và đặc biệt, sự trá hình, sự phản động chính trị trong trường hợp này là hết sức nghiêm trọng và nguy hiểm, vì đây không phải là những tài liệu, bài viết phát tán trôi nổi trên internet để các cư dân mạng có thể tiếp nhận ở những mức độ khác nhau, mà đây lại là một luận văn thạc sĩ cao học, được làm và bảo vệ trong một cơ sở giáo dục-đào tạo bậc đại học của Nhà nước, nên nó có tính pháp quy. Theo đó, nó sẽ được lưu trữ trong thư viện quốc gia, làm tài liệu chính thức cho các đối tượng nghiên cứu, tham khảo. Tác giả luận văn lại là người giảng dạy văn học cho sinh viên sư phạm, nghĩa là những tư tưởng của tác giả sẽ được tiếp nhận và sẽ được truyền lại cho nhiều thế hệ trẻ nữa.
Như vậy, người viết bản luận văn cổ xúy cho thứ văn chương "lật đổ" này có quyền và tư cách được đứng trên bục giảng đại học nữa hay không? Cái gọi là bản luận văn này có xứng đáng được đối xử như một công trình khoa học hay không? Và những người tham gia hướng dẫn, chấm điểm, cấp bằng… cho tác giả và bản luận văn này liệu có vô can trước những quan điểm sai trái, phản động, nguy hiểm như đã trình bày trên đây?
Được biết, sau khi bị dư luận lên tiếng và được cơ quan chức năng chấn chỉnh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Văn của nhà trường đã họp “rút kinh nghiệm”. Tuy nhiên, trên thực tế chưa ai bị xử lý bất kỳ hình thức kỷ luật gì. Thậm chí có người còn phát biểu trên một số diễn đàn chính thống rằng phê phán bản luận văn như vậy là kiểu “chụp mũ, quy kết” đã lỗi thời. Đặc biệt, thạc sĩ Đỗ Thị Thoan vẫn tiếp tục lên lớp cho sinh viên và dưới bút danh Nhã Thuyên, cô vừa phát tán một tập tiểu luận mang tên “Những tiếng nói ngầm” trên một số trang mạng ở nước ngoài, trong đó có những trang mạng chống Cộng nổi tiếng nhiều năm nay. Trong tập tiểu luận này, Nhã Thuyên công khai tán dương, ủng hộ dòng thơ “ngầm” chủ trương chống đối, lật đổ chế độ cộng sản; xuyên tạc lịch sử dân tộc; chống lại “sự thống trị dai dẳng của tư tưởng Hồ Chí Minh”…
Trước những biến động phức tạp của đời sống chính trị-xã hội trong thời đại bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa hiện nay, không ít người đã tỏ ra “nhạy bén” một cách xu thời, cơ hội; hoặc là hữu khuynh, mất phương hướng. Tình trạng dao động, mất phương hướng, bị cuốn theo những ảnh hưởng xấu độc là rất đáng lo ngại. Đáng lo ngại hơn là tình trạng ấy lại diễn ra ở một số người trong một số cơ quan văn hóa-giáo dục có uy tín. Bởi vậy, vấn đề cần giải quyết lúc này không chỉ là hình thức và biện pháp xử lý đối với một bản luận văn và tác giả của nó. Rất mong lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận đúng bản chất của vấn đề, nghiêm túc và cầu thị lắng nghe dư luận, chấp hành chỉ đạo của cấp trên để giải quyết vụ việc một cách thỏa đáng, lấy lại uy tín của một “cỗ máy cái trong nền giáo dục quốc gia” hơn nửa thế kỷ qua!
TUYÊN HÓA

Thursday 3 April 2014

Nói thêm về “Vụ Nhã Thuyên” (NPV - Học Thế Nào)


Nói thêm về “Vụ Nhã Thuyên” – Học Thế Nào


Sau khi Học Thế Nào đăng bài Kỳ án Nhã Thuyên, một số bạn đọc mà họ là những nhân vật chứng kiến ít nhiều một số sự kiện liên quan gửi thư tới nhóm biên tập với mong muốn nói lại, nói thêm hoặc bổ sung một số chi tiết mà bài viết đề cập. Học Thế Nào tổng hợp các ý kiến này thành bài viết ngắn dưới đây:
Về sự kiện ngày 27/7/2013
Sau loạt bài phê phán trên báo chính thống, lãnh đạo trường chỉ đạo Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn triệu tập họp hội đồng khoa học khoa (mở rộng) chứ không phải hội thảo khoa học như được gọi tên trong bài viết “Kỳ án Nhã Thuyên”. Học Thế Nào xin đính chính lại chi tiết này.
Thành phần mở rộng là các giáo sư đã nghỉ hưu, thêm PGS TS Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tham gia với tư cách phản biện. Không ai ở hội đồng chấm luận văn Nhã Thuyên năm 2010 được mời. PGS TS Nguyễn Thị Bình được mời với tư cách là thành viên hội đồng khoa học của khoa. Tất cả bốn vị Ban Giám hiệu Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có mặt.
Tại cuộc họp, PGS TS Nguyễn Thị Bình giải trình ngắn gọn một số nội dung, cụ thể:
1/ Nghiên cứu những hiện tượng của đời sống văn học đương đại là nhiệm vụ của Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại.
2/ Luận văn được thực hiện đúng quy trình theo những quy định ở thời điểm đó.
3/ Người hướng dẫn làm việc với học viên theo tinh thần đối thoại chứ không áp đặt.
Sau trình bày của PGS TS Nguyễn Thị Bình là phần nêu ý kiến của ba phản biện (tại cuộc này gọi là ¨đọc sâu¨): GS TS Trần Đăg Xuyền, PGS TS Lê Lưu Oanh, PGS TS Lê Quang Hưng.
Sau phần “đọc sâu”, rất nhiều người đã phát biểu sau đó. Có những va chạm được cho là khá gay gắt xung quanh các tiêu chí thẩm mĩ, và cuối cùng vẫn nhất trí ghi vào biên bản kết luận là: đề tài có thể nghiên cứu được, luận văn không có sai phạm về động cơ chính trị
Khoảng một tuần sau lại có cuộc họp của hội đồng khoa học cấp trường, gồm các giáo sư đương nhiệm và các trưởng đơn vị. Đại diện Khoa Ngữ Văn chỉ có Chủ nhiệm khoa PGS TS Đỗ Hải Phong. GS TS Trần Đăng Xuyền và PGS TS Lê Quang Hưng vẫn là  hai trong số ba vị tham gia với vai trò phản biện. Trong cuộc họp này đã có sự tranh luận gay gắt. Sau khi PGS TS Đỗ Hải Phong đọc kết luận của Hội đồng Khoa học Khoa Ngữ Văn thì có hai luồng ý kiến trái chiều. Một số vị cho rằng chỉ hội đồng chuyên môn mới đủ thẩm quyền phán xét và đề nghị hội đồng khoa học cấp trường tôn trọng các kết luận đã có. Một số vị khác cho rằng luận văn nghiên cứu một đối tượng không xứng đáng và có cái nhìn cực đoan.
Về việc bổ nhiệm Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại
Trong cuộc thăm dò ý kiến do Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn thực hiện, TS Chu Văn Sơn đạt 8/9 phiếu đồng thuận. Nhưng trường không lại ra quyết định bổ nhiệm PGS TS Vũ Thanh (chuyên gia phần Văn học Việt Nam Trung đại, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn) phụ trách bộ môn dù gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các cán bộ giảng dạy. Về sau, PGS TS Vũ Thanh cũng từ chối nhiệm vụ này và ngay lập tức xin chuyển cơ quan. Hiện nay PGS TS Vũ Thanh là Phó Viện trưởng Viện Văn học.
Về việc dạy chuyên đề Văn học Việt Nam ở hải ngoại
Xung quanh việc dạy chuyên đề VHVN ở nước ngoài, có những diễn biến khá phức tạp, không hoàn toàn đơn giản như một đôi câu tóm tắt trong bài viết “Kỳ án Nhã Thuyên”.
Cách đây khoảng 5 năm, khi mà GS TS Trần Đăng Xuyền còn là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và thầy Lã Nhâm Thìn còn là trưởng Khoa Ngữ Văn, nhà trường tổ chức xây dựng lại chương trình khung theo học chế tín chỉ. Với sự tham vấn của một số giáo sư, chương trình của Khoa Ngữ Văn có thêm  một số chuyên đề, trong đó có chuyên đề Văn học Việt Nam ở nước ngoài. Đến nhiệm kỳ PGS TS Đỗ Việt Hùng làm Chủ nhiệm khoa Ngữ Văn thì chương trình được đưa ra thẩm định ở hội đồng khoa học khoa và hội đồng đã chấp nhận đề xuất này và trình lên Ban Giám hiệu nhà trường. Khoa Ngữ văn giao cho Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại phụ trách chuyên đề này và năm 2010 là năm đầu tiên thực hiện. Vì thuộc hệ thống chuyên đề tự chọn nên nó được quay vòng 2 năm/ lần. Vì thế đến 2012, nó tiếp tục được giảng dạy cho sinh viên. Trưởng Bộ môn là PGS TS Nguyễn Thị Bình đã phân công 3 cán bộ, giảng viên dạy đồng thời ba lớp: TS Nguyễn Phượng, TS Đặng Thu Thuỷ, Th.s Đỗ Thị Thoan. Nội dung và cách thức lên lớp chuyên đề này được thống nhất thực hiện trong nhóm ba cán bộ, giảng viên này. GS TS Trần Đăng Xuyền tuy là Phó Hiệu trưởng nhưng có thể vì bận công tác lãnh đạo, GS không có điều kiện quan tâm tới hoạt động chuyên môn tại khoa nên không hề biết có việc này.
Sau khi đến tuổi nghỉ quản lý, GS TS Trần Đăng Xuyền tiếp tục giảng dạy tại Bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Khoa Ngữ Văn. Khoảng đầu tháng 4/2013, Bộ môn Văn học Việt Nam tổ chức xêmina về chuyên đề Văn học Việt Nam ở hải ngoại. Sau khi TS Nguyễn Phượng đại diện cho nhóm trình bày báo cáo (có sự bổ sung của TS Đặng Thu Thuỷ và Th.s Đỗ Thị Thoan, GS TS Trần Đăng Xuyền bày tỏ sự ngỡ ngàng. GS Trần Đăng Xuyền phản đối, cho rằng không nên quan tâm mảng này. Các cán bộ, giảng viên trong bộ môn giải thích cho GS Trần Đăng Xuyền rằng, học phần này nằm trong chương trình khung do chính Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ban hành, nhiệm vụ của Khoa Ngữ Văn hiện giờ là nghiên cứu, giảng dạy tốt học phần đó chứ không còn là lúc bàn bạc chuyện nên hay không nên.
GS Trần Đăng Xuyền cho rằng cho dù chương trình khung là của trường ban hành nhưng việc đề xuất chắc phải là của Bộ môn. Sau đó GS Trần Đăng Xuyền còn chất vấn ai là người đầu tiên nêu ý tưởng? PGS TS Nguyễn Thị Bình khẳng định bản thân bà chưa bao giờ đưa ra đề xuất này, tuy nhiên bà bỏ phiếu ủng hộ khi nó được thảo luận ở hội đồng khoa học của khoa. Và khi được Ban Chủ nhiệm khoa giao nhiệm vụ, bộ môn đã tiến hành tổ chức nghiên cứu và giảng dạy.
Theo lý lẽ của GS Trần Đăng Xuyền, nhiệm vụ cơ bản của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là trường đào tạo nghề nghiệp, theo đó phạm vi nội dung kiến thức được đưa vào giảng dạy ở Khoa Ngữ Văn chỉ nên bó hẹp ở những kiến thức được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Tuy nhiên, lý lẽ này không thuyết phục được các cán bộ, giảng viên của bộ môn. Có cán bộ còn dẫn nội dung Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và cho rằng, việc đưa học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại vào giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là phù hợp chủ trương của Đảng. Do chỉ là một buổi sinh hoạt chuyên môn nên không có kết luận. Nhiều cán bộ, giảng viên chỉ nghĩ rằng những trao đổi trong buổi sinh hoạt chỉ là những va chạm quan điểm có tính học thuật thông thường nên vẫn tiếp tục tổ chức và thực hiện nhiệm vụ giảng dạy học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại cho sinh viên.
Các ghi chép phía trên của chúng tôi có thể có những sai sót nhỏ ở chi tiết, nhưng đại thể sự việc được chúng tôi ghi lại trung thực theo các thông tin tin cậy có được.
Về các dư luận ngoài lề khác, theo chúng tôi là hơi nặng “thuyết âm mưu”, nhưng cũng xin ghi lại dưới đây.
Theo dư luận ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, những cán bộ phản đối việc dạy học phần Văn học Việt Nam ở hải ngoại nghi ngờ PGS TS Nguyễn Thị Bình chính là người đầu tiên đề xuất đưa học phần này vào chương trình khung; và động cơ của đề xuất nhằm “kéo” Nhã Thuyên về giảng dạy tại khoa. Thậm chí, một số đồn đoán thỉnh thoảng còn được “tung” ra trong dư luận ở khoa, rằng rằng PGS TS Nguyễn Thị Bình và Nhã Thuyên có “quan hệ mờ ám” với người nước ngoài.
 Đường link dẫn tới Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài:
 Học Thế Nào