Saturday 3 May 2014

Các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (Nguyễn Thanh Tâm - Tuyên Giáo)


Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo đã đi qua chặng đường lịch sử 80 năm. Từ sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng (3-2-1930) đến nay, Đảng đã tiến hành 10 Đại hội đại biểu toàn quốc, khoảng 141 cuộc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, nhiều cuộc Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương và Hội nghị Bộ Chính trị. Mỗi Đại hội, hội nghị đã đánh dấu những mốc quan trọng trong lịch sử anh hùng, vẻ vang của Đảng bởi những văn kiện, nghị quyết làm nên chủ trương, đường lối cách mạng Việt Nam. Có nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng mang tính cương lĩnh chiến lược, sách lược cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, nếu xét về tên gọi của mỗi văn kiện và khái niệm "Cương lĩnh chính trị" theo nghĩa là bản trình bày một cách khoa học nhất mục đích, tôn chỉ, phương hướng, nhiệm vụ của một chính đảng cách mạng, cũng như xác định đầy đủ lực lượng, phương thức, phương pháp tiến hành cách mạng để thực hiện mục tiêu trước mắt, và nhằm tới mục đích cuối cùng của cách mạng, thì trong lịch sử 8 thập kỷ ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có 4 Cương lĩnh chính trị quan trọng.
1. Cương lĩnh của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (2-1930)
Cương lĩnh đầu tiên của Đảng được đề ra tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước có ý nghĩa như Đại hội để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại biểu Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì, cùng với sự tham dự chính thức của hai đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929); hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng (10-1929) và một số đồng chí Việt Nam hoạt động ngoài nước. Hội nghị họp bí mật ở nhiều địa điểm khác nhau trên bán đảo Cửu Long (Hương Cảng), từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, đã thảo luận quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và nhất trí thông qua 7 tài liệu, văn kiện, trong đó có 4 văn bản: Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam hợp thành nội dung Cương lĩnh chính trị của Đảng. Tất cả các tài liệu, văn kiện nói trên đều do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo dựa trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối Đại hội VI (1928) của Quốc tế Cộng sản; nghiên cứu các Cương lĩnh chính trị của những tổ chức cộng sản trong nước, tình hình cách mạng thế giới và Đông Dương. Dù là vắn tắt, tóm tắt, song nội dung các tài liệu, văn kiện chủ yếu của Hội nghị được sắp xếp theo một lôgic hợp lý của một Cương lĩnh chính trị của Đảng.
Trong Chánh cương của Đảng đã nêu "chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản" (1). Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Mục tiêu trước mắt về xã hội làm cho nhân dân được tự do hội họp, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục cho dân chúng; về chính trị đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, lập chính phủ, quân đội của nhân dân (công, nông, binh); về kinh tế là xóa bỏ các thứ quốc trái, bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo, thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc giao chính phủ nhân dân quản lý, thu hết ruộng đất chiếm đoạt của đế quốc làm của công chia cho dân cày nghèo, phát triển công, nông nghiệp và thực hiện lao động 8 giờ. Những mục tiêu đó phù hợp với lợi ích cơ bản của dân tộc, nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta.
Sách lược của Đảng nêu rõ Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, thu phục giai cấp, lãnh đạo dân chúng nông dân; liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông; tranh thủ, phân hóa trung tiểu địa chủ và tư sản dân tộc, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới để hình thành mặt trận thống nhất đánh đuổi đế quốc, đánh đuổi bọn đại địa chủ và phong kiến, thực hiện khẩu hiệu nước Việt Nam độc lập, người cày có ruộng.
Chương trình tóm tắt của Đảng và Điều lệ vắn tắt của Đảng nêu chính xác tên Đảng, tôn chỉ của Đảng, hệ thống tổ chức của Đảng từ chi bộ, huyện bộ, thị bộ hay khu bộ; tỉnh bộ, thành bộ hay đặc biệt bộ và Trung ương.
Toàn bộ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp đó là của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng Mác - Lênin.
2. Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (10-1930)
Tháng 10-1930, sau 8 tháng Đảng ra đời, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương lâm thời có ý nghĩa như một Đại hội cũng tổ chức tại Hương Cảng do điều kiện trong nước bị đế quốc đàn áp khủng bố gắt gao phong trào cách mạng. Hội nghị họp từ ngày 14-10 đến 31-10-1930 thảo luận và thông qua bản Luận cương chánh trị, án nghị quyết của Trung ương toàn thể Đại hội nói về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, Điều lệ Đảng, hợp thành nội dung Cương lĩnh thứ hai của Đảng. Hội nghị thông qua 17 văn bản là Nghị quyết, Điều lệ của các tổ chức đoàn thể cách mạng ở nước ta, công tác vận động công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, binh lính, lập Hội đồng minh phản đế Đông Dương và bản Thông cáo cho các Xứ ủy bổ sung nội dung của Cương lĩnh. Hội nghị Trung ương quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, bầu đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư, nên Cương lĩnh thứ hai mà bản Luận cương chánh trị là văn kiện quan trọng, mang tên là Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Luận cương chánh trị do đồng chí Trần Phú (1904 - 1931) dự thảo từ mùa hè đến mùa thu 1930, sau khi được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phái về nước, cử bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, trên cơ sở nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, đường lối Đại hội VI (1928) Quốc tế Cộng sản về Đảng Cộng sản và cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới; các tài liệu, văn kiện Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng (2-1930) và khảo sát các phong trào công nhân, nông dân một số tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, khu mỏ than Hồng Gai - Cẩm Phả...
Từ phân tích tính chất, đặc điểm của xã hội các nước Đông Dương thuộc địa của đế quốc Pháp; những mâu thuẫn kinh tế, giai cấp tạo nên mâu thuẫn cơ bản giữa nhân dân Đông Dương và đế quốc chủ nghĩa Pháp, Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm cơ bản giống với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là tính chất cách mạng Đông Dương là cách mạng tư sản dân quyền tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; là độc lập hoàn toàn cho các dân tộc, tự do dân chủ cho nhân dân Đông Dương, lập chính phủ, quân đội nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết với giai cấp vô sản quốc tế, các dân tộc bị áp bức trên thế giới và sử dụng phương pháp cách mạng bạo lực theo phương thức tổng bãi công, bạo động võ trang khi có thời cơ; Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, trung thành và hy sinh hết thảy vì lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp và nhân dân lao động...(2).
Tuy vậy, Luận cương chánh trị, Án nghị quyết và Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương có những điểm khác biệt, nhưng không đối lập về tư tưởng chính trị với Chánh cương, Sách lược và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những điểm khác biệt đó là ở chỗ bỏ tên "Việt Nam Cộng sản Đảng", lấy tên "Đông Dương Cộng sản Đảng"; chủ trương làm cách mạng tư sản dân quyền trong toàn cõi Đông Dương; lực lượng cách mạng chỉ trong công nhân, nông dân, binh lính, chưa thấy hết vai trò của lực lượng yêu nước trong tiểu tư sản, tư sản dân tộc; xác định mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc với nhiệm vụ chống phong kiến, giữa độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân tuy biện chứng, sâu sắc nhưng chưa định được xu hướng phát triển nhiệm vụ giải phóng dân tộc có tính quyết định hàng đầu; hệ thống tổ chức của Đảng quy định thêm tổng bộ, xứ bộ, quận bộ, liên khu bộ và Đảng đoàn (3).
Có những nguyên nhân của sự tương đồng và nguyên nhân của sự khác biệt giữa Cương lĩnh đầu tiên và Cương lĩnh thứ hai của Đảng. Nguyên nhân chính là do nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản về lập Đảng Cộng sản, về cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới vào điều kiện nước ta; vai trò của lãnh tụ Đảng, lãnh tụ dân tộc và chính sách phản động đàn áp khủng bố của đế quốc, phong kiến.
3. Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951)
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang (nay xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Đại hội đưa ra những văn kiện quan trọng: Diễn văn khai mạc Đại hội do đồng chí Tôn Đức Thắng đọc; Báo cáo hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, tức là bản Luận cương cách mạng Việt Nam, do đồng chí Trường Chinh trình bày; Chính cương Đảng Lao động Việt Nam; Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam; Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, là những văn kiện chủ yếu về nội dung Cương lĩnh thứ ba của Đảng. Tại Đại hội có 6 báo cáo tham luận về Mặt trận, chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng quân đội, kinh tế tài chính, xây dựng văn nghệ nhân dân và thi đua ái quốc cùng 4 Nghị quyết Đại hội về Báo cáo chính trị, công tác quân sự, công tác mặt trận và dân vận, về tờ báo Nhân dân là cơ quan Trung ương của Đảng, bổ sung cho nội dung Đại hội.
Báo cáo chính trị đã tổng kết khái quát tình hình thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX; thắng lợi cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời lãnh đạo qua các thời kỳ cho đến giai đoạn tổng phản công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đề ra từ năm 1950, đã chứng tỏ đường lối, chính sách của Đảng ta là đúng; thành tích nhiều, khuyết điểm cũng không ít như khuynh hướng hoặc "tả" hoặc "hữu", chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần. Từ đó xác định tình hình mới, nhiệm vụ mới của Đảng, nhiệm vụ chính trước mắt là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, để lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện tiến đến chủ nghĩa xã hội" (4).
Luận cương cách mạng Việt Nam là bản Cương lĩnh chính trị mới của Đảng. Phân tích tính chất xã hội Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp: dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và phần nửa phong kiến; mâu thuẫn chủ yếu giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược diễn ra quyết liệt dưới hình thức chiến tranh; đối tượng của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng bè lũ Việt gian bù nhìn bán nước; xác định nhiệm vụ cơ bản hiện thời của cách mạng là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập thống nhất, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân; gây cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Điều đó có nghĩa cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ phản đế giải phóng dân tộc là trọng tâm, nhiệm vụ chống phong kiến, giành quyền dân chủ tiến hành đồng thời nhưng phải có kế hoạch tiến hành từng bước, nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm cả hai nhiệm vụ phản đế và phản phong; cách mạng dân tộc dân chủ do nhân dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội trải qua một thời gian dài gồm 3 giai đoạn, kế tục nhau và quan hệ mật thiết: kháng chiến tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân; cải cách ruộng đất triệt để, phát triển nông nghiệp, công nghiệp dưới hình thức hợp tác hóa, kỹ nghệ hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Luận cương cách mạng Việt Nam là sự bổ sung, hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng, soi sáng nhiệm vụ trước mắt và về sau của cách mạng nước ta.
Đại hội lần thứ II quyết định đưa Đảng ra công khai và lấy tên Đảng Lao động Việt Nam. Bổ sung cho Cương lĩnh của Đảng còn có Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng xác định mục đích, tôn chỉ, nhiệm vụ lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi và nhiệm vụ xây dựng Đảng. Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ cơ sở đến Trung ương và trong quân đội bao gồm các cấp ủy: Chi ủy, Đảng ủy, quận, huyện ủy, thị ủy, tỉnh ủy, thành ủy, xứ ủy, khu ủy, Trung ương. Trong Đảng đã đặt ra chế độ khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh để tất cả đảng viên, tổ chức đảng thi hành.
4. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (6-1991)
Cùng với Báo cáo chính trị, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng, do Ban Chấp hành Trung ương (Khóa VI) đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 24 đến 27-6-1991 thảo luận và thông qua, là Cương lĩnh thứ tư của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Báo cáo chính trị - nền tảng của Cương lĩnh đã đánh giá 4 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện theo Nghị quyết Đại hội VI (12-1986) của Đảng, với những thành tựu, yếu kém và khó khăn trên các mặt chính trị, kinh tế - xã hội; quyền làm chủ nhân dân, quốc phòng - an ninh và quan hệ quốc tế; đồng thời đúc rút 5 bài học kinh nghiệm chủ yếu; đề ra mục tiêu tổng quát 5 năm (1991 - 1995), 5 mục tiêu cụ thể, 4 phương châm chỉ đạo và một số nhiệm vụ chủ yếu để thực hiện các mục tiêu dân giàu, nước mạnh theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Bản Cương lĩnh đã tổng kết hơn 60 năm Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, từ năm 1930, đúc rút 5 bài học lớn về nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh đặc biệt nêu 6 đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là xã hội "do nhân dân lao động làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới" (5).
Cương lĩnh xác định quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc, nên phải nắm vững 7 phương hướng cơ bản. Đó là: Xây dựng Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; thực hiện công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại; thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp với sự phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hành chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị; kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm nhiệm vụ xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.
Xuất phát từ Cương lĩnh đó, chiến lược của Đảng là phải ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng Đảng gắn với xây dựng, thực hiện Cương lĩnh, chiến lược công cuộc đổi mới, xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi mới và tự chỉnh đốn Đảng ở các cấp từ dưới cơ sở đến Trung ương.
5. Cương lĩnh của Đảng qua những thời kỳ cách mạng nước ta trong thế kỷ XX.
Có 3 Cương lĩnh về cách mạng dân tộc dân chủ, và 1 Cương lĩnh về thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo thời gian và tiến trình lịch sử, mỗi Cương lĩnh của Đảng chứa đựng những giá trị nội dung và ý nghĩa lớn lao riêng. Các Cương lĩnh năm 1930 đã đưa đến ba cao trào cách mạng trong những năm 30, 40 thế kỷ trước và thắng lợi huy hoàng của Cách mạng Tháng Tám 1945; đồng thời là cơ sở cho Đảng ta đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh chống thực dân Pháp xâm lược.
Cương lĩnh năm 1952 định hướng cho quyết tâm đi đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề cho Đại hội III (9-1960) của Đảng đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược tập trung kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam diễn ra suốt từ sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954) đến năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội..
Cương lĩnh năm 1991 là bước phát triển, hoàn chỉnh các Cương lĩnh trước đó của Đảng, mở đầu cho quá trình nhận thức đầy đủ hơn, ngày càng rõ ràng hơn về chủ nghĩa xã hội và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những điểm chung trong các Cương lĩnh đó của Đảng là tư tưởng nhất quán về cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; nhân dân là động lực cách mạng; Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng; Nhà nước, Chính phủ, quân đội của nhân dân; xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Các Cương lĩnh đó đều được xây dựng dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, thực tiễn cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến tới Đại hội lần thứ XI. Cùng với việc chuẩn bị các Văn kiện Đại hội, việc bổ sung hoàn chỉnh Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đang được tiến hành. Với truyền thống kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được nêu trong các Cương lĩnh của Đảng trước đây; với những tổng kết về lý luận và kinh nghiệm công cuộc đổi mới từ Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X và nhiều Hội nghị Trung ương qua các kỳ Đại hội toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tin tưởng rằng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xãhội thông qua Đại hội Đảng lần thứ XI là Cương lĩnh cách mạng Việt Nam của Đảng trong thế kỷ XXI, đáp ứng nguyện vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam và mong muốn của nhân dân thế giới về xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, xã hội chủ nghĩa giàu mạnh./.
PGS,TS Nguyễn Thanh Tâm
Viện Lịch sử Đảng- Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
______________________________________

(1) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t2, tr2
(2) (3) Xem Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1998, t2, tr88- 103, 104- 129
(3) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, t2, tr37
(5) Đảng Cộng sản Việt nam: cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H.1991, tr 8- 9

Friday 2 May 2014

Cố đại tá Nguyễn Đình Bảo nằm lại Charlie từ ngày nào?



Ngày 7-4-1972 tiểu đoàn 11 nhảy dù được đổ xuống Charlie (còn có các tên gọi Cải Cách / căn cứ C / cao điểm 1020 trong sách vở Việt Nam Cộng Hòa ; sách vở trong nước hiện nay gọi là căn cứ Sạc-Ly / điểm cao 1015).

Các trang mạng của người Việt hải ngoại thống nhất tường thuật về đoạn kết trận Charlie như sau:

Sáng 12-4-1972 trung tá Nguyễn Đình Bảo (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 nhảy dù) trúng đạn pháo kích, chết tại chỗ ; thiếu tá Lê Văn Mễ (tiểu đoàn phó) được cử xử lý thường vụ chức vụ tiểu đoàn trưởng. Ngày 14 tháng 4 Việt Cộng mở đợt tấn công mới, tình hình nguy kịch, thiếu tá Lê Văn Mễ quyết định cho rút quân. Cả tiểu đoàn (còn 167 người) đồng loạt xuống núi lúc 5 giờ chiều để lại Charlie cho phi pháo hủy diệt. Chỉ 37 người về đến phòng tuyến quân bạn.

Sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước tập 7 (đại tá, PGS TS Hồ Khang chủ biên, Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, 2007:104-106) cho thấy một diễn biến khác. Theo đó thì loạt pháo đầu tiên mở màn trận đánh ngày 14-4 bắn trúng sở chỉ huy tiểu đoàn 11 nhày dù, làm tiểu đoàn phó bị thương nặng. Đến 5 giờ chiều, bộ đội được lệnh xung phong. Hướng tây bắc đột phá công sự vòng ngoài, phát triển vào bên trong đánh chiếm sở chỉ huy tiểu đoàn, bắn chết tiểu đoàn trưởng.

Thursday 1 May 2014

THỬ TÌM HIỂU TỪ NGUYÊN MỘT SỐ CẶP TỪ VIỆT HÁN (Phan Zung - Việt Hán Nôm)



THỬ TÌM HIỂU TỪ NGUYÊN MỘT SỐ CẶP TỪ VIỆT HÁN


THỬ TÌM HIỂU TỪ NGUYÊN MỘT SỐ CẶP TỪ VIỆT HÁN
0.Đặt vấn đề:
Trước hết thử xác định lại nguồn gốc người “Hán” hay “Hoa Hạ”.
Tham khảo bản đồ thiên di của nhân loại ở châu Á, tài liệu gốc từ Đại học Yale, Hoa Kỳ  [i] :
Theo bản đồ này, người cổ đại đến lục địa Trung Hoa gồm 2 nhánh chính: Một nhánh [I] thiên di sớm từ đồng bằng sông Hồng tới đồng bằng Trường Giang khoảng 1.5 vạn năm trước, rồi đi tiếp đến vùng cửa sông Hoàng Hà khoảng 1 vạn năm trước. Một nhánh [II] muộn hơn, từ Miến Điện băng qua sườn đông Hy Mã Lạp Sơn đến cao nguyên Tây Tạng khoảng 1.5 vạn năm trước, rồi cũng đến lưu vực Hoàng Hà khoảng 8 ngàn năm trước.
Theo một số thông tin thảo luận chưa được kiểm chứng trên mạng[ii] thì Hán tộc vốn là “hòa hợp”của nhiều nhóm tộc, trong đó hai nhóm chính là nhóm thị tộc Hoàng Đế vốn gốc ở Hoàng Hà, theo ngôn ngữ Tạng-Hán nên chắc là bắt nguồn từ nhánh [II], và nhóm kia là thị tộc Thần Nông (Viêm Đế) vốn gốc ở Trường Giang, chắc bắt nguồn từ nhánh [I], ngoài ra còn có các nhóm tộc khác như thị tộc Cửu Lê của Xi Vưu cũng tham gia một phần vào cuộc hòa nhập này, số không chịu hòa nhập thì chạy lên vùng núi thành người Miêu, Dao hiện nay.
Trong bài này người viết muốn đặt vấn đề: phải chăng nhóm Bách Việt chính là nhóm [I] vốn từ đồng bằng sông Hồng thiên di về phía Bắc hơn vạn năm trước đã đem vốn từ gốc phương Nam đóng góp vào Hán ngữ. Dưới đây là một số dữ liệu bước đầu tìm hiểu các vết tích ngôn ngữ phương Nam còn tồn tại trong tiếng Hán và chữ Hán.
1. Bắt đầu từ cặp từ Hà/Giang (河/江)
Nhiều tài liệu ngôn ngữ học đều thống nhất cho rằng từ giang 江 (nghĩa là sông trong tiếng Hán) có nguồn gốc phương Nam.
-Trước hết từ này vốn do nhóm Bách-Việt ở phương Nam (tạm gọi là Hán-Việt để phân biệt với nhóm Hán-Tạng), dùng để gọi sông Trường Giang (hay sông Dương tử), đối lập với các nhóm Hán-Tạng ở phía bắc thường gọi sông là “Hà” (như Hoàng Hà).
-Phần biểu âm của giang 江 vốn là chữ công 工, âm cổ “công” này hiện vẫn còn bảo lưu trong tiếng Quảng Đông [粤语], ghi âm đọc là “gong1” (TQ thường ký âm k- ra g-) như trong link sau : http://tool.httpcn.com/Html/Zi/28/PWMEMEILKOTBCUYF.shtml
-
-Giang vốn thuộc thanh mẫu kiến 見, vận mẫu giang 江, nhị đẳng, thiết âm trung cổ theo Đường Vận, Tập Vận, Vận hội là cổ song thiết (古雙切) tức âm “cong”. Vần ong/ông đã chuyển thành iang/ương muộn nhất cũng từ trước thời Trung nguyên âm vận (Chu Đức Thanh, năm 1324) vì trong sách đó đã chính thức xếp giang vào 1 nhóm chung với từ khương 姜, cương 疆…xem minh họa trong sách đó ở hình bên, (theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Cồ Việt thì thực ra quá trình biến âm này xảy ra sớm hơn, khoảng trước đời Đường).
-Gốc của 江theo nhiều nhà nghiên cứu có thể là krong/không/sông trong các ngôn ngữ phươngNam. Các nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Bernhard Karlgren, Vương Lực, William H.Baxter tái lập âm thượng cổ của nó lần lượt là ku ̆ŋ , keoŋ , kroŋ. Hãy chú ý tái lập của Baxter “krông”, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên Việt Nam hiện nay vẫn gọi sông là krông, có lẽ là bảo lưu từ thời thượng cổ, ví dụ Krông Pha tức thị trấn Sông Pha ở Ninh Thuận, lại còn có các huyện Krông Năng, Krông Ana,Krông Bông… ở Tây Nguyên.
-Con sông lớn Mekong hay “Mè Khỏng” trong ngôn ngữ Thái-Lào vốn có nghĩa là “sông mẹ”. Người Mường hiện vẫn gọi sông là “không”. Tiếng Việt tuy đã biến đổi khá xa thành “sông”, nhưng vẫn còn vết tích trong sách “An Nam dịch ngữ” thời Minh (thế kỷ15) ghi chép rằng “hà 河” tiếng Việt là “không 空”, ngoài ra sách đó lại ghi “giang 江” tiếng Việt là “sanh 生”, có lẽ chính là âm “sông”, vì âm Nôm của “sanh” là “sống”, tư liệu này cho thấy khả năng người Việt thời đó tuy đã đọc với phụ âm đầu “s-” nhưng vẫn còn giữ dạng đọc với phụ âm đầu “kh-” .
2. Xem xét tiếp cặp từ Thổ/Địa (土/地)
Các khảo sát về cặp từ đồng nghĩa Hà/Giang (河/江) đã gợi ý cho người viết bài này phải chăng cặp từ Thổ/Địa (土/地) cũng có nguồn gốc tương tự, nghĩa là Thổ có gốc Hán-Tạng phương Bắc, còn Địa 地 vốn có gốc Hán-Việt ở phương Nam ?
-Trước hết căn cứ vào chữ viết thì thấy chữ thổ phải có trước chữ địa vì chữ địa 地 được ghép từ chữ thổ 土 chỉ nghĩa với chữ dã 也chỉ âm, nên có thể ước đoán “địa” mới phổ biến trong tiếng Hán về sau khi các nhóm Hán-Tạng bành trướng về phía Nam, xâm lấn và “hòa nhập” với các nhóm gốc Hán Việt. Để kiểm tra ước đoán này người viết đã mở sách Kinh Thi ra đếm thử trong các bài thì thấy chỉ có 2 chữ địa, trong khi dùng đến 31 chữ thổ (!)
-Theo đối chiếu Việt – Mon – Khmer trong sách của Nguyễn Ngọc San “Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử”thì chữ ĐAI nghĩa là đất trong Tiếng Việt (có trong từ “đất đai”) vốn có gốc từ tiếng Khmer “đây”.
-Bây giờ xét phục nguyên âm thượng cổ của địa 地 theo các nhà ngôn ngữ học:
oKarlgren là d’ia
oVương Lực là diai
oBaxter là djejs
Chúng ta thấy :
Âm do Baxter phục nguyên “đjêy” khá gần với tiếng Khmer gọi đất là “đây”.
Âm do Vương Lực phục nguyên “đjai” thì gần với tiếng Việt “đai” nghĩa là đất .
- Âm Quảng Đông, TQ gọi là Việt ngữ 粤语, của địa có một dạng là dei6, rõ ràng khá gần với “đây” Khmer và “đai” tiếng Việt[iii].
Nhân tiện xin trích dẫn một bài trong “Quốc Âm Thi Tập” thời Lê (khoảng cuối thế kỷ 15) đã dùng chữ “đai” một cách độc lập, không phải đi theo “đất” :
Giàu chỉnh chện, khó lai dai,
Vần chuyển lưu thông, há của ai ?
Vũng nọ ghe khi làm bãi cát,
Doi kia có thuở lút hòn ĐAI.
Khôn ngoan mới biết thăng thì giáng,
Dại dột nào hay tiểu có đài ?
Đã khuất bao nhiêu thì lại duỗi ?
Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai.
3. Xem xét tiếp cặp từ Túc/Chỉ (/)
Người viết cho rằng đây cũng là một cặp đối lập Bắc/Nam, trong đó “chỉ” là một từ gốc phương Nam, cùng nguồn gốc với từ “chân” của tiếng Việt. Xét bảng so sánh âm Thượng cổ phục nguyên của một số chữ Hán sau :
Qua bảng trên người viết nhận thấy có một lớp từ mà Karlgren khôi phục với phụ âm cuối –g có sự đối ứng khá hệ thống với các từ đồng nghĩa của tiếng Việt mang phụ âm cuối –ŋ[iv].
Hình minh họa lấy từ sách của Karlgren [2] :
Hiện tượng ở tiếng Việt một số từ âm cuối –g thời thượng cổ có thể đã biến chuyển ra –ng, là những trường hợp khá “đặc dị” ít người nhận ra.
Như chữ “hỉ” âm cổ có thể là “hửng” (trong từ hí hửng) phù hợp với phục nguyên âm Hán Thượng cổ theo Karlgren là “xi ̯əg” (đọc gần như hưâg=hửng) sau đó -g biến ra -i (“xji” trong hình minh họa trên) nên ta có “hưâi” ứng với chữ “hởi” (trong từ hồ hởi), sau đó lại du nhập thêm âm “hỉ” trong thời Bắc thuộc. Thật may mắn cả 3 âm Hửng, Hởi, Hỉ đều còn tồn tại trong tiếng Việt giúp khẳng định quá trình biến âm mà Karlgren phục nguyên là có thật. Ví dụ khác là chữ “tự ”= “tương tự, dường như”, Karlgren phục nguyên âm thượng cổ “dzi ̯əg” khá gần với chữ “dường” của tiếng Việt, dạng rụng phụ âm cuối “-ng” là “dựa” thì hiện nay không còn lưu, chỉ còn “tựa” (tự như); nhưng “tựa” với nghĩa động từ “tựa vào” thì tiếng Việt vẫn còn giữ âm “dựa”.
Chữ vụ ,Karlgren phục nguyên mi ̯ug , nếu chuyển -g=>-ŋ thì khá gần âm “mồng” tiếngViệt (vân mồng=mây mù), đồng thời tiếng Việt còn giữ cả âm trung gian là “mù”, là âm thông dụng ngày nay.
Đặc biệt, theoKarlgren chữ “chỉ “và “chi “đều được phục nguyên âm thượng cổ là ȶi ̯əg . Âm thượng cổ này giải thích vì sao người Việt lại đọc “chi ” là “chưng”, còn “chỉ ” là “chân”, giọng miền Nam là “chưn” hay “chưng”. Theo tài liệu Giáo trình Lịchsử ngữ âm tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thì từ “chân” thời cổ vốn có âm cuối -ŋ, trích trang 199 sách trên:
“… chúng ta chỉ có hai ví dụ là từ chân và lên (và liên quan tới lên là từ trên). Ở hai từ này có lẽ ta phải phục nguyên *-ŋ cho thời Proto Việt Chứt, hay chậm nhất thì cũng cho thời Proto Pọng Chứt chung.”[v]
Cũng theo tài liệu của GS Cẩn thì thời Proto Việt Chứt tức thời Việt-Katu là trên 3.000 năm trước. Vậy khả năng phục nguyên “ȶi ̯əg” của “chỉ 趾”gần với từ cổ Việt “châŋ”, phải ứng với niên đại trên 3000 năm trước, tức ứng với cuối đời Thương của TQ, kết quả cũng giúp chúng ta có ước lượng khái quát về niên đại (mức cổ xưa) của cả nhóm từ liệt kê trong bảng, đó là những từ cổ Việt-Hán chứ không phải từ Hán-Việt du nhập thời Bắc Thuộc.
Chú thêm: Khả năng một số chữ Hán hiện đọc với vần “-i” thời cổ xưa đọc là “-ưng” còn vết tích khá rõ ngay cả trong Hán Ngữ, như chữ nghi 疑có một nghĩa trùng với chữ ngưng 凝, mà lại chung bộ phận biểu âm. Theo Karlgren âm thượng cổ của nghi là ŋi ̯əg còncủa ngưng là ŋi ̯əŋ, như vậy có thể đã tồn tại 1 xu hướng biến âm ở Hán Ngữ (nhưng ít còn lưu tích) là -g thượng cổ về sau chuyển thành -ŋ. Xu hướng này ở tiếng Việt có vẻ rõ rệt hơn, ví dụ chữ “vị 彙”người Việt vẫn quen đọc là “vựng”, mà tra các từ thư Trung Quốc thì không hề thấy ghi âm “vựng” này !
4. Xem xét tiếp cặp từ Xã/Lý (社/里)
Cũng trong thế đối lập trên,người viết dự đoán Lý 里(làng) là từ gốc phương Nam đối lập với Xã, và cùng gốc với cả hai từ “làng” và “chiềng” của tiếng Việt. Trong bảng phục nguyên âm thượng cổ ở trên Karlgren phục nguyên Lý 里là li ̯əg, mà phần trên đã chỉ ra khả năng –g có thể biến chuyển thành –ŋ trong tiếng Việt nên chúng ta có li ̯ə-ŋ đọc gần như lưâng hay lương, từ đó chuyển sang lang/làng không còn xa (so sánh phần vần của các cặp từ đương/đang, nương/nàng, trường/tràng…).
Sách Thuyết văn giải tự chú chữ Lý như sau: 里,[良止切],居也。从田从土。凡里之屬皆从里。Lý, [lương chỉ thiết], cư dã, tòng điền tòng thổ, phàm lý chi thuộc giai tòng lý.
Chú ý chiết tự của chữ Lý “trên điền dưới thổ” và nghĩa gốc là cư trú, thể hiện rõ nguồn gốc nông nghiệp của chữ này, cũng là của thị tộc Thần Nông vốn gốc ở vùng Trường Giang.
Nhân tiện bàn thêm: Âm cổ xưa của “làng” có lẽ chính là “chiềng”. Đi từ phục nguyên âm thời cổ li ̯ə-ŋ ta thấy phần vần vốn gần với “iêng”, còn việc phụ âm đầu l- có thể đọc ra ch- thì chúng ta có khá nhiều ví dụ: lạp/chạp, lang/chàng, lam/chàm, lồng/chuồng .v.v. So sánh xa hơn thì có cặp lải/chài (lải nghĩa là “lưới” trong tiếng Mường) mà phục nguyên âm cổ của chữ la羅 tức là lưới trong tiếng Hán theo Vương Lực là “lai”, nếu không kể dấu thanh thì trùng khớp với tiếng Mường. Để thấy rõ hơn quan hệ giữa L- và CH- xin xem các cứ liệu phục nguyên âm thượng cổ theo Baxter:
臘(lạp/chạp) : c-rap
朗(lang/chàng) : c-raŋʔ
籠(lung/lồng, chuồng): b-rong
藍(lam/chàm) : g-ram
里(lý/làng, chiềng) : c-rjəʔ
(la/lưới, chài): c-raj
Và so sánh thêm tiếng Việt với tiếng Katu (phản ảnh của Proto Việt-Chứt):
Chrum = chồm lên
Chréh = chẻ (củi)
Chraih= chải (tóc)
G-roong= (cái)chuồng
Như vậy có mối tương quan giữa tổ hợp âm đầu C-R- (CHR-) và G-R- của Hán ngữ cổ theo Baxter, với CH- trong tiếng Việt cổ, vì lần ngược tới giai đoạn Việt-Katu thì thấy một số trường hợp CH- Việt vốn là CH-R hay G-R-.
Theo GS Nguyễn Tài Cẩn *R- trong Hán ngữ mới chuyển thành L- khoảng thời Tần-Hán, còn bên phía tiếng Việt thì dựa trên ví dụ về từ “chuồng” trong tiếng Katu người viết phỏng đoán G-R- có xu hướng chuyển thành CH- từ khá sớm, vì phụ âm CH- của tiếng Việt vốn có từ cổ xưa ít ra là thời proto Mon-Khmer[vi], nên khi tiếng Việt xảy ra xu hướng đơn tiết hóa thì tổ hợp G-R nhập vào CH- khá thuận lợi.
5. Về cặp từ Nội/Trung (/)
Trung tức là “trong” tiếng Việt, phục nguyên âm Hán thượng cổ của Baxter cho chữ TRUNG 中 là “k-ljuŋ”.
Bây giờ thử so sánh với từ tương đương trong tiếng Việt là “trong”: chữ Nôm trong sách “Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh” (viết tắt PT) ghi bằng chữ Hán công 工 ứng với âm cổ “cong”, theo giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thì bản gốc diễn nôm PT có thể ra đời từ rất sớm, ngay thời Lý, “công/cong” có thể là cách ghi âm Việt cổ của “klong”, gần với phục nguyên của Baxter.
Tiếp tục tìm hiểu thêm một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong họ Mon-Khmer: tiếng Vân Kiều thì trong là “klống” (theo “Tiếng Bru-Vân Kiều”, Hoàng Văn Ma, Tạ Văn Thông, NXB KHXH, Hà Nội 1998, trang 322), tiếng Katu thì trong là “kơrloóng” (“Từ điển tiếng Cơ Tu –Việt, Việt – Cơ Tu”, Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi, Sở KHCN Quảng Nam và Viện Ngôn ngữ học 2007, trang 112). Các dạng trên cũng đều khá gần với phục nguyên âm Hán thượng cổ của chữ Trung 中 theo Baxter. Mà chúng ta biết là vùng cư trú của hai nhóm tộc Katu, Vân Kiều từ Quảng Bình trở vào vốn tách khỏi cai trị của TQ từ rất sớm, khoảng thời Khu Liên lập nước Lâm Ấp năm 192. Có thể nói thực sự họ chưa bao giờ ở trong vòng kềm tỏa của phong kiến TQ, vì họ cư trú trên các vùng núi cao hẻo lánh. Ngay cả sau này vào các đời “thịnh trị” của chế độ phong kiến Việt Nam thì các vùng núi cao như Sơn La, Lai Châu… vẫn theo chế độ phụ đạo, các “khun”, “tạo” thủ lĩnh người dân tộc vẫn là “vua” trong lãnh địa của mình, nên ít chịu ảnh hưởng ngôn ngữ văn hóa của người Việt. Còn chính người Việt thì chỉ quen ở đồng bằng, hiện diện rất ít ở các vùng đó, chỉ từ sau 1954 và 1975 mới có chuyện người Việt ồ ạt lên các vùng cao “khai thác”…. Vì vậy rất khó tin là hai nhóm dân tộc thiểu số trên đã vất bỏ một từ rất gần lớp từ cơ bản của mình để dùng từ “trung” của người Hán vào thời Bắc thuộc ngắn ngủi 3 thế kỷ của vùng đất trên, truyền qua trung gian là người Việt. Giải thích hợp lý nhất là cho rằng từ “trung” là một từ gốc phương Nam, vốn là từ rất cổ còn bảo lưu trong tiếng Hán giống như từ Giang=Sông. Xin nhấn mạnh đây chỉ là một giả thuyết mang tính cá nhân, chắc nhiều nhà nghiên cứu sẽ không đồng tình, vì nguồn gốc chữ Trung có vẻ khá phức tạp, giả định đó là một từ cổ khoảng trên 6.000 ngàn năm trước, lúc một dải Trường Giang về phía nam còn nói chung một thứ ngôn ngữ cổ là ngôn ngữ Nam Á (theo“Tìm hiểu tiếng Việt Lịch sử”, Nguyễn Ngọc San, NXB ĐH SP, Hà Nội 2003, trang14), với mức xa xôi như thế thì có thể khi đó hai nhánh ngôn ngữ proto Môn-Khmer với ptoto Miến-Tạng còn chưa tách xa nhau nhiều, nên rất khó để nói về việc “ai mượn của ai”.
6. Sơ kết
Giả thuyết về nguồn gốc phương nam của một số từ Hán ngữ bắt nguồn từ ngôn ngữ Nam Á, chính do các nhóm tộc Bách Việt vốn từ đồng bằng sông Hồng thiên di về phía Bắc đóng góp vào Hán ngữ là một giả thuyết do tác giả bài này đề xuất, hiện chưa có thông tin về ý kiến tương tự của các tác giả khác hay của các nhà nghiên cứu tiền bối [vii]. Bài này bước đầu đã đưa ra được một số cứ liệu ngôn ngữ học so sánh nhằm sáng tỏ giả thuyết đó.
Gần đây có thông tin quan trọng đăng trên các trang mạng của Trung Quốc như sau: Tại khu di chỉ “Xẻng đá lớn” ở huyện Bình Quả, tỉnh Quảng Tây vừa khai quật được hơn chục mảnh đá có khắc hơn ngàn ký tự biểu ý cổ Lạc Việt. Các chuyên gia Trung Quốc nhận định niên đại của các mảnh đá này là vào thời đại đồ đá mới, cách nay 4000-6000 năm tức là vượt xa niên đại của chữ giáp cốt đời Thương ít nhất cũng hơn nghìn năm. Do đó vấn đề xác định ảnh hưởng của các ngôn ngữ phương Nam vào Hán ngữ càng trở lên có căn cứ xác đáng, cần được quan tâm nghiên cứu[viii].

[i]Bản đồ này lấy từ trang mạng http://www.tianyabook.com/qita/zhongguorencongnalilai/4.html, có ghi chú nguồn gốc “耶鲁大学李辉供图” tức là của Lý Huy Cung ở Đại học Yale, Hoa Kỳ. Như vậy có độ tin cậy hơn các tài liệu của Trung Quốc
[iv] Người viết tạm dùng tên “Cổ Việt” cho các từ tiếng Việt dẫn trong bảng trên, hiện chưa có đủ căn cứ để xác định chính xác chúng là từ Việt cổ hay phần lớn chúng là từ của tiếng Việt hiện đại, tuy nhiên nếu để ý có thể thấy ngữ âm của các từ này gần với âm Hán thượng cổ hơn Hán Trung cổ (Đườngâm)
.[v]Về nhận định của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho “chân” thời proto Việt Chứt vốn có phụ âm cuối “-ng”, có thể dẫn thêm tư liệu về tiếng Katu ở miền Tây Thừa Thiên: chân là “jung”, tức phụ âm cuối đúng là “-ng”.
[vi]Theo Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn, trang46-48, mục “Lai nguyên của CH-” thì CH- là một phụ âm cực cổ của tiếng Việt, có từ thời Proto Môn-Khmer với các từ như chó (*cuə), chấy, chết(*kacɛt), chín, chim (*cɨm) (theo G.Difflot)…
[vii]Xin tham khảo thêm loạt bài viết của tác giả Nguyễn Cung Thông về nguồn gốc của 12 con giáp và các bài sưu tầm giới thiệu các từ có thể có gốc phương Nam đã bị đào thải trong tiếng Hán trên trang http://www.viethoc.org/phorum.
====
Tài liệu tham khảo:
  1. 汉文典、高本汉、上海辭書出本社。1997。
  2. 中上古汉语音的纲要、高本汉、齐鲁书社、济南。1987
  3. The Austroasiatics in Ancient South China, 梅祖麟言语学论文集。商务印书馆出本。2000。
  4. 王力. 漢語字典.VươngLực “Cổ Hán ngữ tự điển”.
  5. A Handbook of Old Chinese Phonology, William H. Baxter, Mouton de GruyterBerlin – New York 1992.
  6. Giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Nguyễn Tài Cẩn, NXB Giáo Dục, Hà Nội.1995
  7. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn. NXB Đạihọc Quốc gia , Hà Nội. 2000
  8. Về dấu vết chữ nôm kỵ húy trong sách “Phật thuyết”, Nguyễn Tài Cẩn, T/c Văn hóa Nghệ An, Số 7, 2010.
  9. An Nam Dịch Ngữ, Vương Lộc dịch và chú giải, nhà Xuất bản Đà Nẵng, Trung Tâm Từ Điển Học. 1995.
  10. Báo cáo tổng kết đề tài Nghiên cứu Khoa học “Giáo trình dạy chữ Katu cho cán bộ người dân tộc”, Hoàng Huy Lập, Nguyễn Thị Sửu, Sở Giáo dục Thừa Thiên Huế, 2003.
  11. Từ điển Mường Việt, Nguyễn Văn Khang, Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành, NXB Văn hoá dân tộc, Hà Nội 2002.
  12. Tiếng Bru-Vân Kiều, Hoàng Văn Ma, Tạ Văn Thông, NXB KHXH, Hà Nội 1998.
  13. “Từ điển tiếng Cơ Tu –Việt, Việt – Cơ Tu”, Nguyễn Hữu Hoành, Tạ Văn Thông, Nguyễn Văn Lợi, Sở KHCN Quảng Nam và Viện Ngôn ngữ học 2007.
  14. “Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử”, Nguyễn Ngọc San, NXB ĐHSP, Hà Nội 2003.
  15. Các bài viết của tác giả Nguyễn Cung Thông trên http://www.viethoc.org/phorum

Wednesday 30 April 2014

LÊ THÁNH TÔNG VÀ HÌNH LUẬT (Hoàng Tuấn Phổ - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Ba, ngày 18 tháng 3 năm 2014


LÊ THÁNH TÔNG VÀ HÌNH LUẬT

  1. HOÀNG TUẤN PHỔ 

HTC: Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ là thân phụ của Hoàng Tuấn Công. Hôm nay lục lại tệp bản thảo mình từng đánh máy, thấy có bài Tham luận “Lê Thánh tông và hình luật”. Nhớ về mấy vụ án oan chấn động gần đây, thấy bài viết có nhiều điều đáng để suy ngẫm. Xin đăng để chia sẻ cùng độc giả.

Bộ luật Hồng Đức được xem là tiến bộ nhất, khoa học nhất của nghìn năm phong kiến nước ta. Các triều vua Lê kế tiếp dẫu ban thêm một số điều có tính bổ sung, về cơ bản vẫn tuân theo hình luật Hồng Đức. Chắc chắn bộ luật Hồng Đức không phải là một “sáng tác” hoàn toàn mới(1).

Tuy không còn Hình thư đời Thái tổ, Thái tông, Nhân tông để đối chiếu, nhưng bằng phương pháp gián tiếp, chúng ta có thể biết luật Hồng Đức kế thừa như thế nào luật Thuận Thiên(2). Ví dụ : Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép việc đời Lê Thái tông : “Có bảy tên can tội tái phạm ăn trộm, đều còn ít tuổi, hình quan chiếu luật đáng xử trảm. Bọn đại tư đồ Lê Sát thấy giết người nhiều quá, trong lòng ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa, cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người sợ không phải việc đức tốt. Kinh Thư có câu: “Yên chỗ lòng nên dừng của ngươi” (An nhữ chỉ). Sách Truyện có câu: “Giết chỗ nên dừng rồi sau lòng mới định” (Tri chỉ nhi hậu hữu định). Thần xin thuật lại nghĩa chữ “chỉ” để bệ hạ nghe: chỉ nghĩa là yên chỗ đáng dừng, như trong cung là chỗ bệ hạ yên dừng, hoặc khi ngự ra chỗ khác thì không thể ở yên mãi được, lại phải trở về trong cung, thì mới yên chỗ dừng, tuy có khi ra oai giận dữ, nhưng không thể lâu được. Xin bệ hạ lưu tâm câu nói của thần”. Bấy giờ các ông Lê Sát, Lê Ngân nói: “Ông có nhân nghĩa, có thể cảm hoá kẻ ác thành người thiện, hãy giao những kẻ ăn trộm ấy nhờ ông cảm hoá cho”. Bèn bảo Nguyễn Trãi nhận những tù nhân ít tuổi ấy. Nguyễn Trãi nói: “Những kẻ ấy là hạng trẻ con ương ngạnh, ranh mãnh, pháp luật của triều đình còn không thể trừng giới được, huống chi bọn chúng tôi ít đức, cảm hoá thế nào được”. Lâu sau phán chém hai tên, còn 5 tên xử lưu”.
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy theo luật Lê sơ rất nghiêm đối với tội ăn trộm. Lần đầu trừng phạt để răn đe, tái phạm mà không giáo hoá được thì phải xử chém và không kể nhiều tuổi hay ít tuổi. Ở chương “đạo tặc gian dâm” của hình luật Hồng Đức có điều “ăn trộm, ăn cướp xử lưu viễn châu’’...“Kẻ trộm tái phạm thì xử chém”. Luật Hồng Đức cũng không phân biệt tuổi thành niên hay vị thành niên. Như vậy, về tội ăn trộm thường, luật Hồng Đức đã kế thừa luật Thuận Thiên. Chỗ mới của Luật Hồng Đức là thêm điều luật giao buộc trách nhiệm cha mẹ đối với con cái: “Con cái ở với cha mẹ mà đi ăn trộm thì cha mẹ bị xử biếm, đi ăn cướp thì cha mẹ bị xử đồ. Việc nặng hơn nữa thì xử thêm bậc (xử gia). Đều phải đền thay tang vật. Nếu con đã ở riêng, cha mẹ cũng bị xử phạt biếm. Nếu đã trình quan mà còn để con ở nhà (không đem lên nộp quan) thì kể như chưa trình”... Nêu cao trách nhiệm cha mẹ đối với con cái để không phạm tội, nếu trót lỡ phạm tội thì không tái phạm là nét tiến bộ của luật Hồng Đức.
Một chuyện khác:
“Lê Quán Chi, con trai của đại đô đốc Lê Khuyển, ban đêm họp nhau đánh giết người ở đô thị. Việc phát giác, bị hạ ngục, cung khai dây dưa đến nội quan và con trai người chức trách đến hơn 10 người. Án sắp xong, Thái hậu cho rằng Lê Khuyển là bậc đại thần giữ cấm binh, nhà vua ỉ trọng, nếu giết con sợ đau lòng cha, bèn làm trái phép tha cho, chỉ thu tiền đền mạng, trả cho người chết thôi. Gián quan Lê Lâm (trách nhiệm khuyên can vua làm điều sai trái) im mồm không dám nói, thậm chí có những trẻ con ở đô thị day tay nói rằng: “Ta giận không được làm đài quan!” (Đài quan tức quan ở Ngự sử đài chuyên việc can gián vua, hạch tội quan chức sai phạm ).
Ở chương “Luật trái phép và phạm tội vặt” của bộ luật Hồng Đức có điều luật:“Quan đại thần và các quan tâu việc, nếu biết việc không tiện hay có hại cho quân dân mà không cố sức can ngăn xin sửa đổi thì xử biếm bãi. Nếu a dua xuôi theo ý vua, lui ra rồi mới nói sau, thì xử đồ lưu”. Nếu căn cứ vào luật Hồng Đức, trường hợp trên, các quan xử án tội nặng thành nhẹ theo ý vua, tất phải chịu tội biếm, bãi (biếm là hạ thấp tư cách, bãi là bãi chức về làm dân thường). Còn gián quan Lê Lâm a dua theo ý vua, chắc phải mang tội nặng hơn một bậc như tội đồ chẳng hạn (đồ là tù đầy làm khổ dịch). Điều luật này rất quan trọng, ngăn vua không ỉ quyền tối thượng làm trái pháp luật, và trừng trị kẻ làm quan không làm đúng phận sự.
Đầu đời Lê (Thái tổ, Thái tông, Nhân tông), tội tham ô, hối lộ xử rất nặng. Lê Thái tổ định luật: “Tội nhân nhận hối lộ 1 quan tiền phải xử án chém”. Năm 1435 đời Thái tông, chuyển vận sứ huyện Thuỷ Đường là Nguyễn Liêm nhận lễ đút lót của người ta hai tấm lụa, bị khép tội chết. Con của Liêm nhận chết thay cha, triều đình không cho. Vấn đề ở đây là tại sao Lê Thái tổ bản chất nhân hậu lại định ra hình phạt quá nặng? Là vì sau 20 năm đất nước bị chiến tranh tàn phá, nhân dân ly tán, kho tàng rỗng không, giá trị 1 quan tiền là lớn lắm. Lê Thái tổ còn định luật đánh bạc, chặt bàn tay 5 phân, đánh cờ, chặt bàn tay 2 phân, kẻ vô cớ họp nhau uống rượu, phạt 100 trượng, kẻ dung túng tội giảm một bậc. 
Bấy giờ bọn du thủ du thực, bọn vô nghệ nghiệp, bọn có tiền bạc ăn không ngồi rồi khá đông. Họ đã không làm gì lợi cho nước còn gây hại cho dân. Bởi thế năm 1427, khi Xương Giang, Cổ Lộng, Chí Linh còn chưa giải phóng, Tây Đô, Đông Quan còn trong tay giặc và 20 vạn quân Minh sắp tràn qua biên giới, vị lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn đã ban lệnh: “Cho dân lưu tán được về nguyên quán cày cấy, kẻ nào không có ruộng nương đều cho cho được đi buôn bán, kẻ nào bỏ nghề nghiệp sẽ bị trị tội nặng...”  Đã ban lệnh mà không tuân theo thì phải định luật. Lệnh đã nói trị tội nặng thì luật phải trị tội nặng. Nếu không, không thể nghiêm phép nước. Công-tôn Tử Sản, chính trị gia nổi tiếng đời Xuân Thu Trung Quốc nói: “Làm chính trị phải rộng rãi để đi đến nghiêm ngặt, phải nghiêm ngặt để đi đến rộng rãi” (Khoan dĩ tế mãnh, mãnh dĩ tế khoan). Riêng trong hình luật, Lê Thái tổ đã chứng tỏ ông là một chính trị gia giỏi, biết lúc cần pháp trị thì không thể đức trị.
Lê Thánh tông rất ghét tham ô, hối lộ. Nhưng triều đại Lê Thánh tông, đất nước đã khác xa triều đại Lê Thái tổ, hình luật tất phải đổi khác. Theo đà phát triển của đất nước, tham ô hối lộ cũng phát triển và biến hoá khó lường. Có lẽ vì thế, luật Hồng Đức không đặt riêng một chương hay mục về tham ô hối lộ. Nó nằm rải ở các chương mục, bởi mọi nơi, mọi việc đều có thể nảy sinh tham ô hối lộ. Các hành vi vợ con quan chức nhận đồ tặng biếu, bản thân quan chức yêu sách tiền bạc hay nhận của đút lót, đều thuộc tội danh tham ô, hối lộ, tuỳ tội nặng nhẹ, trừng trị theo 5 bậc: biếm, bãi, đồ, lưu, tử. Ví dụ: vợ con, người nhà quan chức mượn cớ mua bán để quấy nhiễu nhân dân, nhận đồ tặng biếu thì xử biếm bãi, tức hạ bớt tư cách, kèm theo đánh bằng gậy và bãi chức làm dân thường. Quan lại yêu sách hối lộ thì xử đồ (tù đầy), lưu (phát vãng) hay tử (tử hình).
Luật Hồng Đức giành riêng một chương về “Luật bắt bớ và xử án” là một trong những chương luật rất bổ ích đối với công việc hình án hiện nay. Hãy nói về việc xử án mà dư luận chung rất bất bình đối với những vụ hình sự xét oan sai. Báo Pháp Luật Việt Nam số 302 ngày 18-12-2006 viết về xét xử vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma tuý”đối với Nguyễn Minh Hùng. Toà án ND tỉnh Tây Ninh xử sơ thẩm tuyên án Nguyễn Minh Hùng tử hình, toà phúc thẩm TAND thành phố Hồ Chí Minh tuyên huỷ bản án vì chứng cứ buộc tội không rõ ràng, còn nhiều mâu thuẫn, cấp sơ thẩm không cho các bị cáo đối chất để làm rõ lời khai có liên quan đến xác định hành vi của Nguyễn Minh Hùng. Toà phúc thẩm TAND thành phố HCM trả lại bản án yêu cầu xét xử lại. Ngày 31-5-2006, toà án nhân dân xét xử sơ thẩm lần hai vẫn xác định đủ căn cứ để buộc tội Nguyễn Minh Hùng “vận chuyển trái phép chất ma tuý” và HĐXX vẫn tuyên phạt Hùng mức án tử hình! Toà phúc thẩm TAND thành phố HCM đã phải hoãn phiên xét xử phúc thẩm lần 2 để làm rõ thêm “vấn đề” vì có nhiều chứng cứ chứng minh tính ngoại phạm của Nguyễn Minh Hùng.
Tại sao HĐXX của TAND tỉnh Tây Ninh cố ý buộc tội tử hình đối với Nguyễn Minh Hùng mặc dù không đủ chứng lý? Nếu rồi đây, toà phúc thẩm lần 2 của TAND thành phố HCM, sau thời gian điều tra thận trọng, kỹ càng, tuyên bố Nguyễn Minh Hùng vô tội, thì HĐXX của TAND tỉnh Tây Ninh có phải đem ra xét xử hay không ?(3)
Theo luật Hồng Đức, trường hợp trên thuộc điều luật “cố ý mở, khép tội người”nghĩa là người không đáng tội mà buộc tội, kẻ đáng tội mà tha bổng, hoặc tăng tội nhẹ làm nặng, giảm tội nặng thành nhẹ. Nếu lỗi ở ngục lại không cẩn thận kiểm xét đối chiếu thì bắt tội ngục lại; nếu lỗi ở ngục quan xét xử không minh thì bắt tội ngục quan; nếu là hình quan xử hình không đúng thì bắt tội hình quan; nếu lỗi ở quan tri từ tụng (viên quan phúc thẩm các việc hình án) xét hỏi lại không cẩn thận thì viên quan ấy phải chịu tội...Mức tội phải chịu phạt như thế nào? Có thể tóm tắt một câu: Người xét xử làm người ta oan sai phải chịu tội giảm một bậc so với tội người ta bị oan sai!
Đời Lê Thánh tông, hình án bị bỏ ứ đọng nhiều. Luật Hồng Đức ghi: Kỳ hạn xét xử: việc trộm cướp 3 tháng, việc mưu giết người 4 tháng, việc ruộng đất 3 thángv.v...đều tính từ ngày đòi bắt bị cáo. Nếu để quá kỳ hạn 1 tháng thì xử biếm., quá 3 tháng thì xử bãi (bãi chức), quá 5 tháng thì xử đồ (tù đày). Nếu nguyên nhân bị bỏ quá hạn do nguyên cáo hay bị cáo đòi bắt không đến thì người xét xử được xử theo cáo trạng hoặc theo luật vu cáo. Luật bỏ ứ đọng án thi hành rất nghiêm, ví dụ: quan hình án Nguyễn Văn Kiệt, Lê Bá Viễn mỗi người bị biếm một tư, đánh 50 roi, Trình Công Đức, Phạm Phúc phải tội đánh 50 roi. Trình Duy Nhất không kiểm xét kiện tụng đến nỗi nhiều án  bỏ đọng, cố sức biện bác: “Thần giữ chức pháp quan, sợ rằng việc hình án xử nhanh thì khinh suất, sẽ có sự oan uổng nên để chậm mà xét kỹ, không giám cố ý bỏ ứ đọng”. Lê Thánh tông vẫn chiếu luật xử biếm Trình Duy Nhất 2 tư (giáng chức 2 bậc), đánh 80 trượng. Đối với quan chức cấp cao làm việc lâu năm trong triều, Lê Thánh tông xét thấy làm việc không cố gắng hết sức hoặc tài đức không xứng chức thì bắt phải thi khảo. Ví dụ: Tháng giêng năm 1468, các quan bộ hình là Phạm Nại, Đoàn Văn Thông và 18 người coi việc hình án xảy ra nhiều chuyện oan sai, để nhiều vụ ứ đọng, đều bị phế truất làm dân thường.
Lại có luật “chuộc tiền”. Có 3 trường hợp phạm tội được chuộc tiền:
1) Các quan có trách nhiệm cai quản viên chức hay quân dân mà phạm tội do sơ suất, sai lầm, thì từ tội “lưu” trở xuống cho được chuộc tội bằng tiền (tức là trừ tội tửkhông được chuộc)
2)Người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống và người tàn tật mà phạm tội lưu trở xuống thì cho chuộc tội bằng tiền.
3)Người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống và người tàn tật nặng (như điên cuồng, rồ dại, cụt cả tay chân, mù cả hai mắt) mà phạm tội phản nghịch, giết người, đáng xử tử thì phải tâu thỉnh lên vua để vua quyết có cho chuộc hay không. Những người ấy phạm tội ăn trộm hay đánh người bị thương thì cũng cho chuộc.
Trong luật chi rõ mức tiền chuộc cho từng hình phạt đối với quan lại và dân thường, tuy cùng một tội danh, người phạm tội chức tước càng cao, tiền chuộc cũng càng cao. Cho đến tội tử hình cũng được chuộc với số tiền 330 quan.
Có ý kiến cho rằng luật chuộc tiền không công bằng, người phạm tộ có tiền trở nên vô tội. Không đúng. Vì không phải tội nào cũng được chuộc bằng tiền. Chỉ có 3 hạng người: trưởng quan sơ suất, lầm lỡ, người già, trẻ em, người tàn tật, chẳng may phạm tội, tình rất đáng nên thương, nhưng luật không thể tha miễn, nên cho chuộc bằng tiền để tỏ lòng nhân. Đó cũng là trong pháp trị có đức trị vậy.
Nhận xét về bộ luật Hồng Đức, nhà sử học Phan Huy Chú viết: “Các mục luật văn...gồm hơn 700 điều, thật rất rõ ràng, đầy đủ, dùng để nêu thể lệ xét xử, thích hợp với dân tình, cân nhắc và thêm bớt, cho nên đủ để đối phó các trạng thái biến hoá và ngăn ngừa nhân dân làm bậy”
Cần nói thêm: tính ưu việt của văn bản luật chỉ mới là phần nửa của đời sống pháp luật. Nhà Lý đặt Hình thư. Nhưng Lý Thánh tông bảo ngục lại: “Ta làm cha mẹ dân, lòng yêu dân cũng như yêu con ta đây. Nhân dân vì không biết mà sa vào hình pháp, ta rất thương. Từ nay về sau, không cứ tội nặng, tội nhẹ, đều nên khoan hồng”. Tất cả kẻ phạm tội đều nên khoan hồng thì còn gì là hình luật ? Hình luật là từ gốc Hán. Theo lối viết tượng hình, chữ “Hình” gồm chữ  “tỉnh” (cũng gọi là bộ “tỉnh”) là cái giếng, bên cạnh chữ “đao” (cũng gọi là bộ “đao”) là con dao. Theo các nhà nghiên cứu kim thạch văn, giáp cốt văn của Trung Quốc, thời cổ Trung Quốc, một lý là một làng, rộng một dặm vuông, chỉ có một cái giếng, khi múc nước rất mất trật tự, quan phủ phải sai lính cầm đao đứng gác bên bờ giếng để răn đe và trừng trị kẻ gây rối loạn. Chữ “Hình” do đó, nghĩa gốc là trừng trị, nghĩa mở rộng thành hình luật rồi pháp luật. Cho nên thời phong kiến, đời nào cũng nêu lên thành hình luật để trị nước an dân. Tuy nhiên hình luật phụ thuộc vào chế độ chính trị, tình hình xã hội, và quan điểm pháp luật của ông vua cầm quyền. Thiên về đức trị thì hình luật quá nhẹ như nhà Lý. Thiên về pháp trị thì hình luật quá nặng như nhà Nguyễn. Cùng miếu hiệu Thánh tông với Lý Thánh tông nhưng khác họ, vua Lê Thánh tông chủ trương biên soạn hình luật, và nói: “Nước mà không có thưởng phạt thì dù là vua Nghiêu, vua Thuấn cũng không cai trị được thiên hạ”. Ông còn nói: “Đặt luật để trừng phạt kẻ gian, sao có thể dung tha được bọn coi thường pháp luật”. Không phải Lý Thánh tông nhân hậu hơn Lê Thánh tông. Đó là phương pháp cai trị đất nước có chỗ khác nhau.
 Có lẽ chỉ có Lê Thánh tông mới dám tuyên bố trước triều thần của ông: “Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi phải cùng theo!” Đó là một trong những bí quyết thành công của Lê Thánh tông trong trị nước an dân, đưa ông lên ngôi vị minh quân bậc nhất dưới chế độ phong kiến Việt Nam./.
                    H.T.P
(Tham luận tại Hội thảo Khoa học của Bộ tư pháp-UBND tỉnh Thanh Hóa về “Quốc triều hình luật” 14/3/2007)

Chú thích:
2. Hình luật nhà Lê buổi đầu dĩ nhiên không thể không tham khảo Quốc triều hình luật nhà Trần, Hình thư nhà Lý và cả hình luật các triều đại Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên, Minh bên Trung Quốc.
2.Quốc triều hình luật không phải là một thuật ngữ khoa học. Đó là cách gọi, cách viết của người đương thời về hình luật hình thư  của triều đại mình. Khái niệm mang tính phiếm xưng, phiếm chỉ, ví dụ: trước nhà Lê, nhà Trần cũng có hình thư gọi là Quốc triều hình luật. Đối tượng nghiên cứu ở đây chính là Hồng Đức hình luật, mở rộng ra làLê triều hình luật.

3. Thời điểm Hoàng Tuấn Phổ viết tham luận này (14/3/2007), vụ án oan Nguyễn Minh Hùng chưa có hồi kết. Một năm sau 13/6/2008, do không tìm được chứng cứ buộc tội, VKS nhân dân tỉnh Tây Ninh đã hủy biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Minh Hùng. Ngày 18/11/2008, Nguyễn Minh Hùng đã được Công an tỉnh Tây Ninh công khai xin lỗi và bồi thường số tiền 130 triệu đồng. 

Tuy nhiên, những người gây nên oan trái, đau khổ cho Nguyễn Minh Hùng không rõ bị xử lý ra sao. Tìm bài về Nguyễn Minh Hùng tại đây. (Chú thích này của Hoàng Tuấn Công)


Tài liệu tham khảo:
-Đại Việt sử ký toàn thư-Kỷ Lê sơ.
-Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú-Phần Hình luật chí.
-Quốc triều hình luật (nhà Lê)
-Đại Nam thực lục chính biên (Thực lục về Gia Long) v.v....

Tuesday 29 April 2014

Khoản X điều Y luật Z nói gì?



Đông La trong bài Vụ Nhã Thuyên – “Bản phản đốivà yêu cầu”, ai phạm pháp? mắng bốn vị giáo sư Hồ Tú Bảo (Nhật Bản), Trần Văn Thọ (Nhật Bản), Cao Huy Thuần (Pháp) và đặc biệt nhà toán học nổi danh thế giới Ngô Bảo Châu như sau:
Điều này chứng tỏ các vị này cũng chưa đọc, hoặc dốt đọc không hiểu luận văn của Đỗ Thị Thoan. 4 vị cần phải hiểu, việc thu hồi bằng không phải do Đỗ Thị Thoan nghiên cứu thơ Mở Miệng mà do Đỗ thị Thoan “không đủ điều kiện” theo đúng “Khoản 1 Điều 22 Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân” nói trên.  
...
Việc thu hồi luận văn của Đỗ Thị Thoan vì “không đủ điều kiện” bởi những điều cụ thể như sau:
1- Đỗ Thị Thoan sai lầm về cơ sở lý luận:[...]
2-Đỗ Thị Thoan có những quan điểm chính trị sai lầm: [...]
3-Đỗ Thị Thoan có hành vi kích động làm loạn và lật đổ: [...]
4-Đỗ Thị Thoan có những quan điểm phản thẩm mỹ, phi nhân tính, cũng với mục đích chống đối chính trị: [...]


Điều này chứng tỏ vị này cũng chưa đọc, hoặc dốt đọc không hiểu quy chế của bộ giáo dục. Vị này cần phải hiểu, việc cấp bằng không phải do Đỗ Thị Thoan không phản động mà chỉ có thể do điều 17 của quy chế đó  (giễu nhại Đông La)

Điều 17 của bản quy chế mà Đông La trích dẫn (do bộ trưởng bộ giáo dục và đào tạo ban hành kèm theo quyết định số  33/2007/QĐ-BGDĐT) viết như sau:

Điều 17. Điều kiện cấp văn bằng, chứng chỉ
Người học được cấp văn bằng, chứng chỉ khi đảm bảo các điều kiện sau:
1. Hoàn thành chương trình giáo dục theo cấp học và trình độ đào tạo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo  dục và Đào tạo.
2. Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đỗ Thị Thoan hội đủ tất cả các điều kiện liệt kê ở điều 17.

Đó là câu trả lời cho câu hỏi của Đông La (Ai phạm pháp?).