Monday 16 June 2014

Nguyễn Xuân Đức Về vụ án Nguyễn Hữu Đang, Thụy An (Nguyễn Xuân Đức)

19.06.2013
Nguyễn Xuân Đức
Về vụ án Nguyễn Hữu Đang, Thụy An
Đôi lời trao đổi với bà Thụy Khuê





Trước hết, xin thổ lộ đôi điều về duyên cớ có bài viết này. Tôi sinh gần như cùng thời với bà Thụy Khuê ở một tỉnh miền Trung xa xôi. Khi phong trào Nhân văn giai phẩmxẩy ra, có lẽ cũng như bà Thụy Khuê, tôi còn nhỏ chẳng biết gì. Lớn lên, học đại học văn mới được biết về phong trào Nhân văn giai phẩm qua bài giảng của thầy giáo, dĩ nhiên theo quan điểm chính thống của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng rồi nghề mọn văn chương không thuộc khu vực này nên dù về sau có tiếp xúc với một số tài liệu viết về trong phong trào Nhân văn giai phẩm, tôi cũng đọc cho biết rồi bỏ đó.





Đầu năm 2007, “sự kiện” đầu tiên làm tôi chú ý là sau khi bác Nguyễn Hữu Đang mất, tôi được đọc 2 bài viết: một của bác Phùng Quán nhan đề Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập, do báo Tuổi trẻ đăng lại và bài Vĩnh biệt vị trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập của nhà sử học Dương Trung Quốc, đăng trên báo Người lao động. Hai bài báo này đã đem lại những thông tin mới, thậm chí trái ngược với những gì tôi được học trước đây về phong trào Nhân văn giai phẩm. Tuy vậy, nghĩ những vấn đề đó không thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình nên đọc rồi, tôi cũng bỏ đó. Năm 2012, ở cái tuổi nghỉ ngơi, tình cờ tôi được đọc cuốn Nhân văn giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của bà Thụy Khuê (ngay từ những chương phát trên mạng), thì sự tò mò trong tôi trỗi dậy. Bằng cách tập hợp, phân tích một khối lượng tư liệu khá lớn, tác giả đưa ra những nhận xét, đánh giá về nhiều con người liên quan đến phong trào Nhân văn giai phẩm. Nếu tính về thời gian thì cuốn sách này được viết từng phần, đã công bố dần trên đài RFI từ hàng chục năm trước, nay được tập hợp lại, in thành sách dưới một tên chung “Nhân văn giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc”. Nói điều này tôi vừa muốn ghi nhận công thu thập tài liệu, gặp gỡ nhân chứng và suy ngẫm suốt một quá trình dài như một nhà khoa học của tác giả về phong trào Nhân văn giai phẩm, nhưng cũng muốn nói về những gì thiếu nhất quán, thiếu tập trung, là sự gán ghép chẳng ăn nhập nhau lắm giữa các mảng nội dung của cuốn sách. Đặc biệt, dường như bị mục tiêu phê phán nhà nước Cộng sản Việt Nam chi phối, nên tác giả đã sử dụng sai lệch nhiều tư liệu có được, làm giảm đi tính khách quan, khoa học của công trình. Thiết nghĩ, dù phê phán hay bênh vực bên nào thì làm khoa học cũng cần sự sòng phẳng, sòng phẳng trong sử dụng tài liệu và cũng sòng phẳng cả trong cách tiếp cận vấn đề. Trong bài viết này tôi muốn trao đổi cùng bà Thụy Khuê đôi điều chung quanh vụ án nhà hoạt động văn hóa Nguyễn Hữu Đang và nhà báo Thụy An. Bài viết của tôi xin được sử dụng những tài liệu do chính bà Thụy Khuê cung cấp trong cuốn sách nêu trên, dù rằng trong tay tôi hiện đã có trên 50 tài liệu khác nhau về phong trào Nhân văn giai phẩm.








1. Nguyễn Hữu Đang – công và tội





1.1. Nguyễn Hữu Đang - những đóng góp thời kỳ 1949 về trước





Lấy mốc 1949 về trước để chỉ thời kỳ Nguyễn Hữu Đang được Cụ Hồ trọng dụng và việc ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương thời gian đó như là lời khẳng định về những đóng góp của ông cho đất nước. Tuy từ năm 1950, Nguyễn Hữu Đang vẫn giữ chức Trưởng Ban thanh tra Nha bình dân học vụ nhưng thực chất ông đã bỏ Hà Nội về Thanh Hóa làm việc cho nhà in Minh Đức. Có thể tóm tắt công trạng của ông trong thời gian từ 1949 về trước như sau:





- Là người có năng lực tổ chức, có tư tưởng đổi mới; đã tham gia sáng lập và lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc; có đóng góp lớn trong Hội truyền bá quốc ngữ và phong trào văn hóa cứu quốc, chống nạn mù chữ.





- Đã giữ các chức vụ cao trong hệ thống Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa như Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Thanh niên, Chủ tịch Ủy ban vận động Mặt trận văn hóa, Trưởng Ban Tuyên truyền xung phong Trung ương, Trưởng Ban Thanh tra Nha bình dân học vụ,…





- Từng được Hồ Chí Minh trọng dụng, trong đó có việc giao phó nhiệm vụ khó khăn – làm Trưởng Ban tổ chức Lễ tuyên bố Độc lập ngày 02/9/1945.





Những đóng góp nêu trên rất to lớn cần được ghi nhận và chính là cơ sở để sau này ông được xem xét phục hồi những quyền lợi vật chất như cấp lương hưu, cấp nhà ở Hà Nội cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt khác.





1.2. Nguyễn Hữu Đang và vai trò tổ chức chống đối qua Nhân văn





Nguyễn Hữu Đang là người có tài và có cơ mưu chính trị. Về cá tính, ông là người khó khép mình vào khuôn phép của tổ chức. Ông từng có mối quan hệ tự do với các tổ chức, phe nhóm chính trị khác nhau trong và ngoài nước, điều mà thời kỳ đó kỷ luật Đảng không cho phép. Vì thế, mặc dù lúc 16 tuổi ông đã tham gia tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, rồi Đông dương Cộng sản đảng, là đối tượng kết nạp đảng từ năm 1929, nhưng đến năm 1947 mới được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong tài liệu viết tay của mình, sau đoạn “Cuối năm 56 đầu năm 57: Tổ chức, lãnh đạo và biên tập báo Nhân Văn. Giúp đỡ tập san Giai Phẩm”, Nguyễn Hữu Đang cũng thừa nhận: “Những hoạt động này là tự ý làm ngoài công tác, vô tổ chức”.





Năng lực và cá tính ấy đã tạo ra bước rẽ lớn của Nguyễn Hữu Đang khi ông bất đồng ý kiến với ông Trường Chinh, người đang giữ chức vụ cao trong Đảng, trong đó có vai trò lãnh đạo văn nghệ. Chính Thụy Khuê đã nhận rõ vấn đề này trong khi viết về Nguyễn Hữu Đang.





Ngay từ thời kỳ theo cách mạng, Nguyễn Hữu Đang đã có tư tưởng khác, không nhận đường lối văn hoá xã hội chủ nghĩa, tự đi ra ngoài trật tự của đảng, muốn lập một đảng riêng (đảng Nhân văn) với một thể chế chính trị riêng. Từ quan điểm đó, Nguyễn Hữu Đang đã nhanh chóng rời khỏi hàng ngũ của Đảng và tổ chức lực lượng chống đối.





Ở chương viết về Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Nhân văn giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Thụy Khuê khẳng định: “Trong 6 năm từ 48 đến 54, Nguyễn Hữu Đang đã ngừng mọi hoạt động với chính quyền cộng sản. Ông giúp Trần Thiếu Bảo điều hành nhà xuất bản Minh Đức, in lại các sách giá trị thời tiền chiến đã bị cách mạng lên án, hoặc cấm lưu hành của Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, v.v…” [Thụy Khuê, sđd., tr.204].





Tuy có những hành động như vậy, nhưng tôn trọng tài năng và đóng góp của ông, nên khi hòa bình vừa lập lại, năm 1954, thực hiện ý kiến của Trường Chinh, Tố Hữu đã mời Nguyễn Hữu Đang ra làm Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội, nhưng Nguyễn Hữu Đang đã từ chối và yêu cầu được làm biên tập báo Văn nghệ cùng với Lê Đạt [lời chứng của Lê Đạt với RFI và lời Nguyễn Huy Tưởng ghi trong Nhật ký]. Nhưng khi trở lại báo Văn nghệ, Nguyễn Hữu Đang lại tiếp tục bộc lộ quan điểm riêng của mình, gây khó khăn cho những người lãnh đạo, kể cả những người bạn thân. Nguyễn Huy Tưởng đã ghi trong Nhật ký: Ở đâu cũng thấy không vừa ý, ở đâu cũng có ảnh hưởng đến anh em. Anh em toà soạn khen là chí công, vô tư, nhưng tư tưởng rất là nguy hiểm. Một điển hình của một chiến sĩ làm cách mạng bất mãn [Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, ngày 21/4/1955. Nxb Thanh niên, 2006].





Cho đến nay, không ít người vẫn nghĩ rằng Nguyễn Hữu Đang bị oan trong vụ án xử năm 1960. Có bài báo đã khẳng định Nguyễn Hữu Đang là “vị cách mạng lão thành”, “là người hoạt động cách mạng, nhà báo, nhà truyền bá quốc ngữ nổi tiếng” và để tránh nói về việc Nguyễn Hữu Đang bị tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phạt tù, bài báo chỉ hạ một câu: “có cuộc đời long đong…” [Dương Trung Quốc: Vĩnh biệt vị trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập, báo Người lao động ngày 25 Tháng hai 2007].





Ghi nhận công lao đóng góp to lớn cho cách mạng của Nguyễn Hữu Đang giai đoạn 1949 về trước là đúng, nhưng không thể không nhìn thấy mưu đồ riêng của ông đã manh nha từ khi theo cách mạng và được bộc lộ qua hành động chống đối vào những năm sau đó.





Tội của Nguyễn Hữu Đang đã được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử công khai trong phiên tòa mở ngày 19-21/01/1960, có tranh tụng và bào chữa cho bị cáo của luật sư Đỗ Xuân Sảng, có phát biểu nhận tội của Nguyễn Hữu Đang.





Lần lại hồ sơ, nhân chứng,… liên quan đến Nguyễn Hữu Đang, có thể thấy: thái độ chống đối của ông được bộc lộ rõ rệt từ tháng 8 năm 1956. Vào ngày cuối cùng của lớp học tập dân chủ do ông tổ chức (từ 8/8 đến 26/8/56), Nguyễn Hữu Đang đã có bài tham luận chỉ trích gay gắt đường lối văn nghệ của Đảng và những người lãnh đạo văn nghệ, được một số trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến hưởng ứng. Nhà thơ Lê Đạt kể lại: “Trong cuộc học tập này, anh em phê phán văn nghệ rất nhiều, trong đó nổi bật lên vai trò của anh Nguyễn Hữu Ðang (…) Trong buổi học tập văn nghệ đó, anh Ðang có đọc một bài tham luận rất hùng hồn về những sai lầm của lãnh đạo văn nghệ. Lúc đó Ðang có nói một câu với Nguyễn Ðình Thi – Nguyễn Ðình Thi lúc ấy là một trong những người chịu trách nhiệm tờ Văn Nghệ - Ðang nói rằng: “Thế nào tao cũng ra một tờ báo, tờ báo chưa biết tên là gì, tao thì không làm được nhưng để cho bọn Giai Phẩm Mùa Xuân nó làm” [Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI, Thụy Khuê thực hiện]. Tờ báo này chính là tờ Nhân Văn, và kết quả tờ Nhân văn số 1 đã ra vào ngày 20/9/1956 do Phan Khôi làm Chủ nhiệm, Trần Duy làm Thư ký tòa soạn, với một loạt bài của: Phan Khôi, Hoàng Cầm, XYZ, Lê Đạt, Trần Dần…





Rõ ràng manh nha từ trong ý thức, Nguyễn Hữu Đang đã có âm mưu sử dụng người của nhóm Giai phẩm làm báo Nhân văn và trong đó không ít tiếng nói trái với đường lối văn nghệ của Đảng. Báo Nhân văn, vì thế, ra được từ số 1 đến số 5, số 6 định ra vào tháng 12 năm 1956 thì bị đình bản.





Hành động tổ chức chống đối của Nguyễn Hữu Đang, chính những người cùng sống và làm việc với Nguyễn Hữu Đang đều thừa nhận:





+ Về vai trò tổ chức, tập hợp của Nguyễn Hữu Đang đối với nhóm Nhân văn giai phẩm, nhà thơ Trần Dần khẳng định: “Nếu không có Đang, không ai có thể tập hợp anh em được. Sẽ không có tham luận với những đề nghị: gặp Trung ương, ra báo… mà cũng sẽ không có tờ Nhân Văn” [Trần Dần, “Tự thú” - tài liệu do Phạm Thị Hoài biên tập và xuất bản tại Pais].





+ Về hành động khuynh loát báo Nhân văn hướng về mục tiêu chính trị kích động chống đối xã hội của Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy – nguyên Thư ký tòa soạn báo Nhân văn, thuật lại:





“Số văn nghệ sĩ tham gia Nhân văn hầu như không có mấy quyền hạn với tờ báo, nên các việc của tờ báo là do Đang và Đạt quyết định”.





Vì thế, khi thấy tình hình chính trị Đông Âu, Ba lan,… đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Hữu Đang đã tự thay đổi nội dung báo Nhân văn số 6, hướng về những vấn đề ở Ba Lan, Đông Âu,… để kích động phong trào chống đối nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trần Duy kể lại:





“Đến khi chuẩn bị làm số 6, tôi và Lê Đạt, Văn Cao bàn đổi hướng để tờ báo nói về hội họa, nên đã chuẩn bị cho số báo chuyên về tranh áp-phích của Ba Lan. Tôi đến làm việc với sứ quán Ba Lan và có đủ tài liệu về tranh áp-phích của Ba Lan. Ngay ngày hôm sau đó có giấy của Thủ tướng triệu tập… (về việc này tôi đã viết trong bài tưởng niệm ông Phan Khôi năm 2007). Tôi được mọi người cử đi và đã gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi về nói lại với Lê Đạt, Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang những điều căn dặn của Thủ tướng. Nguyễn Hữu Đang bỏ cuộc họp tự động đến nhà in. Văn Cao và Lê Đạt cùng nói với tôi:





- Thế là Đang sẽ thay đổi nội dung tờ báo, sẽ hướng về tình hình chính trị Đông Âu, Ba Lan, Tiệp Khắc…”.


  [Trần Duy: Một câu hỏi còn chưa được trả lời, talawas.org/?p=7293]





Sau khi đã trực tiếp viết luôn mấy bài xã luận chuẩn bị trước cho tư tưởng chống lại chế độ, trong số 6 báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang đã viết một bài kêu gọi biểu tình. Trần Duy khai: “Chúng tôi tưởng rằng số 6 Nhân văn ra được thì bọn gián điệp sẽ ngóc đầu dậy, bọn chiến tranh tâm lý sẽ có đất hoạt động… sẽ có biểu tình, súng nổ…, tiếp theo đó là những mưu đồ lật đổ” (Bọn gián điệp mà Trần Duy nói tới ở đây là Trần Minh Châu, Nguyễn Quang Hải,… bị xử án trước đó, đã có điều kiện hoạt động ráo riết trở lại trong thời gian này – NXĐ).





Tình hình chính trị Đông Âu, Ba Lan,… lúc đó là gì?





Tháng 6 năm 1956 có cuộc nổi dậy chống nhà nước XHCN ở Poznan, Ba Lan. Chính cuộc nổi dậy ở Ba Lan đã châm ngòi cho cuộc bạo loạn vũ trang ở Hungary vào tháng 10 – 11 năm 1956.





+ Về âm mưu của Nguyễn Hữu Đang lợi dụng thời cơ chính trị trong và ngoài nước,… để tổ chức chống đối, chính chị Thụy Khuê nhận xét:





“Nguyễn Hữu Đang đã tìm đúng thời cơ. Trong nước, vị thế của Trường Chinh và đảng Cộng sản yếu đi sau chiến dịch Cải cách ruộng đất đẫm máu. Ngoài nước, việc hạ bệ Staline ở đại hội 20 của đảng cộng sản Liên Xô là những lực đẩy khuynh hướng tranh đấu cho tự do dân chủ có cơ hội hành động. Nguyễn Hữu Đang, trong lớp học 18 ngày, đã chiếm được lòng tin của giới trí thức và văn nghệ sĩ cấp tiến. Ông nắm cơ hội, đứng ra tổ chức NVGP với những người bạn đã hoạt động trong kháng chiến Trương Tửu, Trần Thiếu Bảo; với Lê Đạt, Hoàng Cầm đã làm Giai phẩm mùa xuân” [Thụy Khuê, sđd., tr.208].





+ Về hành động che dấu âm mưu thủ đoạn của Nguyễn hữu Đang theo kiểu “ném đá dấu tay”, Thụy Khuê viết:





“Tuy ít bài ký tên thật, nhưng dấu ấn của ông không thiếu trên báo Nhân Văn: Những bài phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Đặng Văn Ngữ về vấn đề dân chủ do Nguyễn Hữu Đang thực hiện”.





[Thụy Khuê, sđd., tr.209].





Lời thuật của Trần Duy sau đây về cuộc đàm thoại với cụ Phan Khôi, càng cho thấy đầy đủ hơn mưu mô thủ đoạn chính trị của Nguyễn Hữu Đang. Trần Duy viết:





“Nhân bài viết Trả lời ông Nguyễn Chính([1]) trên báo Nhân văn tác giả ký tên bốn người: Trần Dần, Trần Duy, Lê Đạt, Hoàng Cầm.





Ông Phan tìm hỏi tôi:





- Anh có biết ông Nguyễn Chính không?





Tôi trả lời: “Không”.





Ông hỏi tiếp:





- Anh có đọc bài viết của ông Nguyễn Chính trong báo Nhân Dân không?





Tôi trả lời: “Không”.





Ông Phan Khôi nói:





- Anh không biết người ta, anh không đọc bài người ta viết mà anh dám ký tên vào bài người khác viết để đả kích người ta.





Tôi không trả lời – ông nói tiếp:





- Anh làm ăn kiểu gì lạ vậy? Mục đích khi đặt ra là văn thơ, nay lại quay mũi nhọn sang chính trị, chống báo của Đảng nghĩa là tuyên chiến với Đảng đấy!!!





Sau cùng ông hỏi:





- Thật ra bài ấy của ai?





Tôi trả lời:





- Của Nguyễn Hữu Đang.





Ông khó chịu nói:





- Ông Đang có đủ chữ để viết một bài như vậy mà lại không đủ can đảm để nhận là tác giả của bài viết ấy, lại còn gắp lửa bỏ tay người, làm việc cách này dễ dắt nhau vào tù lắm!!!”.





[Tưởng niệm về nhà văn Phan Khôi, Bài do Trần Duy gửi Ban tổ chức buổi toạ đàm tưởng niệm nhà văn nhà báo Phan Khôi (1887-1959) nhân 120 năm sinh, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, tạp chí Xưa và Nay và gia đình đồng tổ chức (Hà Nội, 5/10/2007)].





Đoạn đàm thoại trên cho thấy chính cụ Phan Khôi đã vạch thói “gắp lửa bỏ tay người” của Nguyễn Hữu Đang, đồng thời khẳng định thủ đoạn của Nguyễn Hữu Đang chuyển mục đích của báo Nhân văn “khi đặt ra là văn thơ, nay lại quay mũi nhọn sang chính trị” – “chống báo của Đảng nghĩa là tuyên chiến với Đảng”.





Xin lưu ý thêm rằng, cuối năm 1956, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Hữu Đang, các ấn phẩm Nhân văn, Giai phẩm đồng loạt được tung ra đều nằm trong mục đích “quay mũi nhọn sang chính trị” như nhận xét của cụ Phan Khôi. Chỉ từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1956, 6 số Nhân văn được xuất bản (trong đó số 6 bị đình bản) và đồng loạt Giai phẩm mùa xuân (tái bản), Giai phẩm mùa thu, Giai phẩm mùa đông ra mắt bạn đọc với nhiều tập khác nhau. Đặc biệt, nếu trong 4 số Nhân văn đầu đang có chuyên mục “Địa ngục miền Nam”, thì từ số 5 trở đi, chuyên mục này đã bị bỏ.





Những chứng cứ nêu trên (phần nhiều do Thụy Khuê thu thập) cho thấy: tội tổ chức chống phá cách mạng của Nguyễn Hữu Đang là sự thật. Trong trả lời phỏng vấn đài RFI, ông cũng thừa nhận: “Ra tòa tôi nhận hết, chứ tôi không có bào chữa, không cãi cọ gì nhiều cả. Thậm chí là sau khi bị kết án 15 năm thì tôi cũng không có ký chống án gì cả. Từ bấy giờ đến nay tôi cũng không viết một cái đơn nào để thanh minh, phân trần, xin xỏ, khoan hồng hay là nọ kia. Không! Cái việc đó không!”. Chắc chắn trên thế giới này không một nhà nước non trẻ nào, dù Cộng sản hay không Cộng sản, có thể bỏ qua những hành động chống đối như vậy.





2. Bị xử án cùng một phiên tòa với Nguyễn Hữu Đang còn có nhân vật quan trọng thứ hai là nhà báo Thụy An/Lưu Thị Yến. Trong phiên tòa mở ngày 19 tháng 01 năm 1960 Thụy An và Phan Tại không thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm, tuy nhiên bà rất thân và có ảnh hưởng rất sâu rộng “đối với anh em văn nghệ sĩ trẻ tham gia Nhân văn giai phẩm” [Lê Đạt, “Tự thú”].





Về hành động chống phá nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của Thụy An, cho đến nay, một số người vẫn còn hoài nghi về tội danh của bà, rằng Thụy An không phải là một gián điệp, không phải là người tổ chức chống phá chính quyền,… Ngay trong cuốn Nhân văn giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, tác giả cũng đòi hỏi: “Đáng lẽ bà phải có chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, bởi bà là nhà báo đầu tiên chủ trương các tờ Đàn bà mới, tại Sài gòn, từ 1934, và Đàn bà, Hà Nội, 1937. Bà là nhà văn nữ tiên phong với tiểu thuyết Một linh hồn, 1942. Nhưng cho đến nay, chính quyền chưa hề trả lại cho bà phần danh dự bị bôi nhọ trong hơn nửa thế kỷ, với những lời nhục mạ tàn nhẫn, một cái án 15 năm phi lý, và cho đến chết bà vẫn chưa hề được phục hồi danh dự” [Thụy Khuê, sđd, tr.170].





Thế nhưng, chính ông Nguyễn Hữu Đang thừa nhận: “Bà Thụy An bị cơ quan an ninh nghi bà ấy làm gián điệp cho Pháp, vì thời tạm chiếm, bà ấy có quan hệ với nhiều người Pháp. Đến lúc đi, người ta sắp cử bà ấy làm giám đốc đài phát thanh cơ mà! Như thế là bà ấy cũng có địa vị, có uy tín, thì đáng nhẽ là bà ấy phải theo chính quyền Ngụy vào trong Nam chứ, bà ấy lại không theo vào” (?), và ông biện hộ: “bà ấy ở lại vì lý do chuyện cá nhân của bà” (!) [Nguyễn Hữu Đang trả lời phỏng vấn RFI]. Lời của Nguyễn Hữu Đang cho thấy Thụy An không chỉ là người “có quan hệ với nhiều người Pháp” mà còn là người “có địa vị, có uy tín” với chính phủ Pháp, “sắp được cử làm giám đốc đài phát thanh”, “đáng nhẽ phải theo chính quyền Ngụy vào Nam”, nhưng “bà ấy ở lại vì lý do cá nhân”. Đó là lý do gì? Chính bà Thụy Khuê đã trả lời hộ: “Thụy An là người có liên hệ chặt chẽ với những người Quốc dân đảng như Đỗ Đình Đạo (Giám đốc Quân thứ lưu động của Việt Nam Quốc dân đảng) và người Pháp như Đại sứ Sainteny, các tướng Tassigny, Cogny…”. Còn chứng cứ về mối quan hệ ở mức “nghĩa tử quốc gia” giữa Thụy An với nước Pháp thời kỳ đó thì chính Bùi Thư Linh (con gái Thụy An) xác nhận với Thụy Khuê trong cuộc điện đàm giữa hai người ngày 17 tháng 10 năm 2009:





“*Đến năm 1954, Bùi Thư Linh (16 tuổi) đi Pháp, tại sao?





- Tôi bị bệnh lao xương, Mẹ gửi tôi đi Pháp chữa bệnh ngày 20/5/1954.





*Gia đình túng thiếu, lấy tiền đâu ra?





- Đi theo diện Pupille de la Nation (Nghĩa tử Quốc gia), chính phủ Pháp lo hết”.





[Thụy Khuê, sđd., tr.178].





Thụy Khuê cũng khẳng định: “…Khi ra Bắc, Thụy An đã có chủ đích chính trị: đặt bản doanh chống chính quyền cộng sản ở Hoà Xá, quê hương bà, nơi có những người tin cẩn nhất. Hoà Xá cũng là một trong những làng có truyền thống chống cộng. Và để đánh lạc hướng, bà nhận cả công tác dò thám Pháp cho chính quyền cộng sản. Với hành động này, Thụy An trở thành nhà văn đầu tiên tổ chức chống chính quyền cộng sản, trong lòng chế độ” [Thụy Khuê, sđd., tr.178].





Thực ra, Thụy An đã cùng con cái vào Nam từ 1952, nhưng vẫn thường xuyên trở ra Hà Nội để tổ chức cơ sở chống lại Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tháng 3 năm 1957 bà bị bắt trên đường lẫn trốn từ Hòa Xá, Hà Đông đến Phủ Lý (quê chồng). Và hành động đó của bà đã được chính con trai bà thừa nhận. Trả lời câu hỏi “Thụy An thường xuyên ra Hà Nội với mục đích gì?”, Bùi Thụy Băng, con trai thứ của Thụy An, nói: “Bà cụ tôi ra Bắc, với hai mục đích: - Về quê mình để thu thập tất cả những gì quý báu nhất trong nhà ông ngoại tôi. Thứ nhì, bà cụ tôi muốn đặt cái bản doanh chống lại chính quyền ở Hoà Xá – chúng tôi nhấn mạnh” [Bùi Thụy Băng, điện đàm ngày 16/12/2004 - Thụy Khuê, sđd., tr.179].





Những chứng cứ trên cho thấy Thụy An là “nghĩa tử Quốc gia”  của Pháp, là người đã có những hoạt động và tổ chức hoạt động chống lại chính quyền Cộng sản ở miền Bắc Việt Nam. Vậy là tội trạng của Thụy An đã quá rõ, còn mục tiêu sâu xa của bà trong việc gây ảnh hưởng “đối với anh em văn nghệ sĩ trẻ tham gia Nhân văn giai phẩm” (như lời của nhà thơ Lê Đạt) cũng không hẵn là việc làm ngẫu nhiên.





*





Từ những chứng cứ vừa nêu trên có thể thấy Thụy An và Nguyễn Hữu Đang không phải là một, nhưng có sự gặp nhau về tư tưởng chống Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, và trên thực tế cả hai cũng đã bắt đầu có những động thái dịch lại với nhau. Điều này cũng giải thích vì sao Thụy An đã vào miền Nam vẫn ra Bắc (trên danh nghĩa nhà báo), còn Nguyễn Hữu Đang lại tìm đường trốn vào Nam và bị bắt vào tháng 4 năm 1958.





Với những chứng cứ về hoạt động chống đối của mình, trước quan tòa, trước luật sư bào chữa cho mình, Thụy An và Nguyễn Hữu Đang đã nhận hình phạt 15 năm tù giam, không kháng án.





Trong vụ án này, ngoài Nguyễn Hữu Đang ra, không có ai tham gia phong trào Nhân văn và Giai phẩm bị bắt, bị xử, kể cả Chủ nhiệm báo Nhân văn là cụ Phan Khôi và Thư ký tòa soạn là họa sĩ Trần Duy. Cả 2 vị chủ trương Tạp chí Giai phẩm là Hoàng Cầm và Lê Đạt cũng không bị truy tố. Trong khi, theo Trần Duy, việc mở báo Nhân văn là mưu đồ của Nguyễn Hữu Đang nhưng được Lê Đạt, Trần Dần, Văn Cao, Hoàng Cầm,… hưởng ứng. Những người này đều có tên tuổi trên văn đàn, nhưng điều khiến họ không thể đứng tên xin ra báo vì họ là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có thể được cử đến làm ở các tờ báo của Đảng, của các đoàn thể, nhưng lại không thể đứng tên xin ra báo tư nhân. Vì thế họ đã tìm đến cụ Phan Khôi và Trần Duy [Trần Duy: Một câu hỏi còn chưa được trả lời, talawas.org/?p=7293].





Việc truy tố Nguyễn Hữu Đang, Thụy An mà không truy tố những người trong nhóm Nhân văn giai phẩm chứng tỏ pháp luật Việt Nam dân chủ cộng hòa đã xử đúng người, đúng tội (ở đây tôi không nói tới mức án nặng/ nhẹ đối với mỗi người). Có trong tay những tư liệu tôi vừa mượn dẫn vậy mà bà Thụy Khuê lại lờ đi hoặc sử dụng méo mó nhằm biện hộ cho Nguyễn Hữu Đang và Thụy An để kết tội nhà nước Cộng sản Việt Nam. Với tôi, cả ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thụy An là những người có tài, thuộc bậc cha chú; họ đã mất sau khi chấp hành án không chống đối, không nên “kết tội” lại. Tuy nhiên, bà Thụy Khuê đã nhân danh một nhà khoa học viết một công trình biên khảo, khảo cứu lại vụ án, rất dễ gây lòng tin đối với độc giả, nhưng cách viết lại thiếu khách quan, khoa học khiến nhiều bạn đọc lầm tưởng. Vậy xin có đôi lời trao đổi lại.





Hà Nội, tiết Thanh minh năm 2013.


NXĐ.


___________





[1]  Bài này có tên: Trả lời bạn Nguyễn Chương và báo Nhân dân: Chúng tôi cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị (Báo Nhân văn số 2, ngày 30.9.1956).








viet-studies

Sunday 15 June 2014

Về những bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ năm 1919 đến năm 1923 (trao đổi với Thụy Khuê) (Ngô Trần Đức - Hồn Việt Quốc Học)

Về những bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ năm 1919 đến năm 1923 (trao đổi với Thụy Khuê)

NGÔ TRẦN ĐỨC

Hình ảnh của Về những bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ năm 1919 đến năm 1923 (trao đổi với Thụy Khuê)
1. MỞ ĐẦU
Trên báo mạng của Đài RFI tiếng Việt, sau loạt bài về Nhân văn - Giai phẩm, Thụy Khuê đã cho đăng một bài viết 4 kỳ với một cái tít khá giật gân: Ai viết những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc tại Pháp từ 1919 đến 1923?

Tên bài khiến tôi phải đọc, bởi lẽ ai cũng biết, thời gian đầu, Nguyễn Ái Quốc được coi là bút danh tập thể của ba người: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành khi thảo bản Yêu sách gửi Hội nghị Versailles; nếu làm rõ được những bài viết sau đó, khoảng từ giữa năm 1919 sang đầu năm 1920, bài nào là của Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, bài nào là của Nguyễn Tất Thành, thì cũng là một đóng góp trong việc nghiên cứu, bởi cần phải “trả lại những gì của César cho César”, đó là cách ứng xử sòng phẳng đối với các vấn đề của lịch sử nói chung, cũng là một thái độ cần có trong nghiên cứu khoa học.
Nhưng để làm được việc đó thật không đơn giản chút nào. Những bài viết ấy xuất hiện cách đây đã hơn 80 năm, các tác giả của nó đã đi vào lịch sử từ rất lâu, và những người đương thời - như những chứng nhân lịch sử - cũng chẳng còn ai. Để có thể làm rõ một cách thuyết phục, đòi hỏi phải rất công phu: phải đi sâu khảo sát thư tịch, sưu tầm, tra cứu bản thảo, bút tích của các tác giả từ những nguồn lưu trữ khác nhau trong và ngoài nước, so sánh đối chiếu nội dung, sự kiện được đề cập đến trong bài viết với cuộc đời hoạt động và văn phong của các tác giả,… để xem vào thời điểm đó, ai có thể viết, được công bố lần đầu tiên ở đâu, trên báo nào… Tóm lại, là phải có minh chứng, lập luận, lý giải thuyết phục, chứ không thể cứ một mực tùy tiện, nói liều!
Đọc xong bài viết 4 kỳ của Thụy Khuê, tôi hoàn toàn thất vọng, bởi tác giả hình như không có ý định xuất hiện như một nhà khảo cứu với phương pháp làm việc khoa học mà chỉ muốn làm một nhà báo tuyên truyền cho động cơ chính trị của nhà Đài! Âu cũng là chuyện thường tình, như là “nợ áo cơm, phải trả hình hài” vậy thôi! Người đọc nhận thấy ngay, các chủ kiến và lập luận của Thụy Khuê đưa ra hoàn toàn không phải là kết quả của một quá trình tìm tòi nghiêm túc, dựa trên các chứng cứ xác thực, được chứng minh cụ thể, có nguồn xuất xứ tin cậy, mà chỉ toàn xuất phát từ những thiên kiến chủ quan, những lập luận hời hợt, để rồi đưa ra những kết luận hồ đồ với cách thức diễn đạt không thể chấp nhận trong nghiên cứu khoa học: có lẽ là, có thể là, rất có thể là, phải chăng là… (của Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh,…) được tác giả lặp đi lặp lại hàng chục lần! Những lỗi thô thiển về logic và lập luận như vậy có lẽ chỉ những học sinh trung học đang tập viết văn chính luận mới thường mắc phải!
Tuy nhiên, người đọc vẫn hiểu được cái đích của bài viết mà Thụy Khuê muốn đi tới là: tất cả các bài báo ký tên Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1923, thậm chí đến năm 1927, bao gồm cả những bài được đăng trên Inprekor - cơ quan thông tin của Quốc tế Cộng sản, cả hai cuốn Đông Dương và Bản án chế độ thực dân Pháp, cũng được quy cho là của Nguyễn Thế Truyền hoặc Nguyễn An Ninh mà không cần bất cứ một sự chứng minh nào! Thật không thể tưởng tượng nổi có một người phụ nữ cầm bút, định làm nghiên cứu mà lại liều lĩnh đến như vậy!
Cơ sở xuất phát cho mọi thiên kiến cực đoan của Thụy Khuê bắt đầu từ chỗ tác giả cho rằng: giữa năm 1919, Nguyễn Tất Thành mới từ Anh trở lại Paris, lúc đó anh mới đang học tiếng Pháp nên chưa thể viết những bài báo có nội dung chính trị phức tạp được!
Kể ra, đối với một bài viết tùy tiện như thế, thực không đáng phải tốn nhiều giấy mực về nó. Nhưng với nhiều bạn đọc, nhất là các bạn trẻ, không có điều kiện trực tiếp với thư tịch gốc, đọc Thụy Khuê sẽ dễ bị ngộ nhận, nên tôi thấy cần thiết phải viết bài trao đổi này với Thụy Khuê và với các bạn đọc có quan tâm đến vấn đề được đặt ra.
2. NGUYỄN TẤT THÀNH TRỞ LẠI PARIS NĂM NÀO? TRÌNH ĐỘ TIẾNG PHÁP CỦA ANH RA SAO?
2.1. Đúng là vấn đề thời gian Nguyễn Tất Thành trở lại Paris chính xác vào ngày tháng năm nào vẫn đang còn có ý kiến khác nhau. Tiến sĩ sử học Thu Trang, trong hai công trình nghiên cứu của mình về Phan Chu Trinh và về Nguyễn Ái Quốc, đều cho rằng: “Nguyễn Ái Quốc đã đến Paris vào đúng lúc Hội người Việt Nam yêu nước ra đời. Nghĩa là vào cuối năm 1916 đầu năm 1917, chắc hẳn không phải là trường hợp ngẫu nhiên” [1].
Một số người khác, trong đó có nhà sử học Pháp Daniel Hémery, lại cho là vào năm 1919 chứ không phải năm 1917 [2]. Cả hai phía đều dựa vào những báo cáo khác nhau của mật thám. Tuy nhiên, có nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng, cần phân biệt thời điểm Nguyễn Tất Thành bí mật trở lại Paris với thời điểm mật thám phát hiện ra anh từ sau vụ anh thay mặt nhóm người Việt Nam yêu nước đến trao bản Yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị hòa bình Versailles. Nghĩa là mật thám Pháp chỉ phát hiện ra anh từ sau ngày 18/6/1919, sau khi Tổ chức giúp đỡ người lao động nhập cư của Đảng Xã hội đã lo xong cho anh những giấy tờ hợp pháp, để từ đó anh có thể xuất hiện công khai. Như vậy, Nguyễn Tất Thành đã phải có mặt ở Paris trước thời điểm nói trên từ lâu rồi.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết của một đảng viên Xã hội kỳ cựu, nguyên là công nhân xưởng in báo L’Humanité, có chân trong ban đón tiếp người lao động nhập cư của Đảng Xã hội sau chiến tranh; ông đã kể cho biết: Lần đầu tiên tôi gặp anh Nguyễn là vào tháng 7/1918, khi anh mới từ Luân Đôn sang được mấy tháng, lúc đó anh đang phải sống ẩn dật trong một căn phòng nhỏ ở phố Charonne, có khi hàng tuần không dám ra ngoài, để tránh mọi sự khám xét. Tôi đã thu xếp cho anh một chỗ ở mới tại quận 13, nhà đồng chí Moktar, người Tunisie. Để đảm bảo an toàn, khi Moktar đi vắng, anh không được đốt lửa, thắp đèn, mùa đông năm ấy rất rét. Anh phải chịu đựng như thế cho đến khi Đảng thu xếp xong cho anh các giấy tờ hợp pháp: giấy quân dịch, thẻ lao động,… [3].
Thụy Khuê khẳng định thời điểm Nguyễn Tất Thành đến Paris là tháng 6/1919 vì nó phù hợp với chủ kiến của mình: “Mãi giữa năm 1919, Nguyễn Tất Thành mới đến Paris, tiếng Pháp chưa thạo, làm sao viết được những bài báo chính trị phức tạp!”.
2.2. Vấn đề cần làm rõ là vào thời điểm đó, khả năng tiếng Pháp của anh Thành đã đạt tới trình độ nào? Theo tiểu sử, chúng ta biết khi ở trong nước, anh Thành đã vào học trường Quốc học Huế, đã hoàn thành chương trình lớp cao đẳng (cours supérieur). Trong lời khai với sở mật thám Huế ngày 19/3/1920, ông Nguyễn Tất Đạt cũng nói rõ: “Il obtint son certificat d’études primaires en 1908 et fut admís au Quôc Hoc” [4]. Khi ra nước ngoài, anh Thành làm việc trên tàu viễn dương cho các hãng Chargeurs Réunis rồi hãng Messageries Maritimes (Năm Sao) đều là các hãng vận tải biển của Pháp, chỉ chuyên nói tiếng Pháp.
Tại Marseille ngày 15/9/1911, anh Thành đã viết đơn bằng tiếng Pháp, gửi Tổng thống Cộng hòa Pháp, xin vào học Trường Thuộc địa, cuối thư có nói rõ: biết tiếng Pháp, Quốc ngữ và chữ Hán. Tiếp theo, tại Sài Gòn ngày 31/10/1911 và tại New York ngày 15/12/1912, anh Thành đã gửi hai bức thư cho Khâm sứ Trung Kỳ, một bức nhờ chuyển cho cha một ngân phiếu 15$, một bức cho biết đã gửi cho cha là Nguyễn Sinh Huy 3 ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một thư trả lời; thư tỏ ý muốn được biết địa chỉ và tình hình cha mình hiện nay sống ra sao. Những bức thư này được viết bằng tiếng Pháp với một cách diễn đạt gãy gọn, trong sáng và chuẩn xác về chính tả - ngữ pháp, chứng tỏ người viết đã có một trình độ vững vàng về tiếng Pháp [5].
Thời gian đầu sang Anh, trong một lá thư gửi Phan Châu Trinh, anh viết: “Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp”. Điều đó cho thấy việc học nói và viết tiếng Pháp của anh Thành là một quá trình liên tục, vì vậy khi trở lại Paris, anh đã có thể nói và viết tiếng Pháp thông thạo, đó là điều dễ hiểu.
Các mật vụ người Việt có nhiệm vụ theo dõi anh đều có báo cáo giống nhau, như mật báo của Đốc phủ Bảy (mật danh là Edouard) viết: “Anh ta nói được tiếng Anh và tiếng Pháp thông thạo, biết ít tiếng Đức và tiếng Trung Quốc”. Một nhà báo Mỹ đã phỏng vấn anh và đăng bài đó trên tờ Yi Che Pao, xuất bản ở Thiên Tân, số ra ngày 2/9/1919, đã xác nhận: “Nguyễn Ái Quốc nói tiếng Pháp rất giỏi” (parle admirablement le français) [6].
Không lâu, sau khi xuất hiện công khai, Nguyễn Ái Quốc đã hăng hái đăng đàn diễn thuyết bằng tiếng Pháp với thính giả Pháp, xin đơn cử:
- Ngày 14/1/1920, tại số 3 đường Château - Paris, Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài Sự tiến triển trong xã hội các dân tộc châu Á và những yêu cầu của nước Nam (Theo báo L’Humanité các số ra ngày 13 và ngày 14/1/1920 và báo cáo của mật thám Jean).
- Ngày 11/2/1920, Nguyễn Ái Quốc thuyết trình đề tài Chủ nghĩa cộng sản ở châu Á và vấn đề ruộng công điền ở Trung Quốc và Việt Nam, tại Hội nghị những người thanh niên cộng sản Quận 2 (Theo báo cáo của mật thám Jean).
- Tại cuộc mít-tinh kỷ niệm ngày 1/5/1920, Nguyễn Ái Quốc đã lên diễn đàn nói về Chương trình hoạt động của Nhóm Xã hội đòi ngừng gửi người thuộc địa sang Pháp (Báo cáo của mật thám Jean).
- Ngày 25/12/1920, Nguyễn Ái Quốc, đại biểu duy nhất là người bản xứ, được mời tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp, khai mạc tại thành phố Tours. Ngay buổi chiều hôm sau, anh được Chủ tịch phiên họp - Emile Goude - mời lên phát biểu. Lần đầu tiên trong đời, anh được dự một Đại hội lớn với sự có mặt của những trí thức tên tuổi của nước Pháp bấy giờ, nên không tránh khỏi xúc động, có lúc hơi thiếu bình tĩnh. Bài phát biểu ứng khẩu, được biên bản tốc ký ghi lại cho thấy ở anh một tư duy và ngôn ngữ Pháp sắc sảo, súc tích, sáng sủa, mạch lạc, tập trung vào mục tiêu tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, kêu gọi sự ủng hộ thiết thực sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa. Bài phát biểu đã được Đại hội nhiều lần vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Phát biểu tiếp theo đại biểu Đông Dương, chủ tịch phiên họp - E.Goude - đã nhận xét: “Bằng một thứ tiếng Pháp tuyệt vời(en un excellent français), ông đã tố cáo những tội ác, những hành động đàn áp và chuyên chế mà hai mươi triệu người An Nam là nạn nhân, họ bị đầu độc bằng rượu và thuốc phiện, bị bóc lột và truy nã bởi một thứ công lý tư sản đè nặng lên họ. Tất cả những đảng viên xã hội nhất trí phản kháng, chống lại những bất công và tội ác của thứ công lý tư sản ở Đông Dương” (Vỗ tay) [7].
Đưa ra một vài dẫn chứng để hiểu được trình độ tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc vào quãng năm 1919-1920, khi ông bước vào hoạt động chính trị ngay tại thủ đô Paris. Tất nhiên, từ văn nói đến văn viết còn phải qua một chặng đường học tập và rèn luyện nữa. Nguyễn Ái Quốc hiểu rằng, hoạt động chính trị công khai giữa Paris phải sử dụng được vũ khí tuyên truyền sắc bén là sách báo, nên đã ra sức học viết, trước hết là học với người thầy trực tiếp ở ngay cùng nhà là Phan Văn Trường, sau đó là miệt mài ở các thư viện. Nhờ khiêm tốn và dày công học hỏi, nên ông Nguyễn đã tiến bộ rất nhanh trong viết báo. Dấu ấn phong cách Phan Văn Trường trong những bài viết đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là rất rõ, hoặc do Phan Văn Trường hướng dẫn hoặc được Phan trực tiếp sửa chữa, nên sự khó phân biệt cũng là dễ hiểu (chính Hồ Chí Minh sau này đã công khai nói rõ điều đó). Vì vậy, ngày nay mới cần đến sự thẩm định của nhà nghiên cứu.
Thụy Khuê xuất phát từ cái nhìn miệt thị cho rằng, Nguyễn Tất Thành tuy cũng xuất thân con quan, nhưng khi xuất dương đã phải sống một cuộc sống nghèo khổ, cực nhọc, không được học hành, không có bằng cấp như Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, nên không đủ kiến thức và Pháp văn để viết, vai trò của ông trong tờ báo Le Paria chỉ là “giữ sổ sách, tập viết mấy dòng tin tức, in và phát truyền đơn” thế thôi! Những câu viết khinh thị với đầu óc nặng bằng cấp này chứng tỏ Thụy Khuê tuy sống ở Pháp đã lâu nhưng lại không có được cái nhìn tiên tiến của giới trí thức Pháp.
Người Pháp thứ thiệt lại rất coi nhẹ bằng cấp mà coi trọng thực tài, đề cao tư duy độc lập, khả năng phản biện và cá tính sáng tạo. Hãy nghe một trí thức Pháp, ông Daniel Hémery, đánh giá về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này: “Hồ Chí Minh không hoàn thành trọn vẹn một chương trình giáo dục nào, ông cũng không tiếp nhận đầy đủ một nền tri thức hiện đại cũng như nền nho học cổ truyền mà đứng giữa hai nền văn hóa đó. Ông là một người tự học đầy tài năng, là hình mẫu của giới trí thức không bằng cấp, sẽ giữ vai trò quyết định trong phong trào cách mạng” [8].

Bản án chế độ thực dân Pháp.
3. BÚT DANH NGUYỄN ÁI QUỐC TRỞ THÀNH TÊN RIÊNG CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH NHƯ THẾ NÀO VÀ TỪ BAO GIỜ?
3.1. Bút danh Nguyễn Ái Quốc xuất hiện lần đầu tiên tháng 6/1919 trong bản Thỉnh nguyện thư gửi hội nghị Versailles, đồng thời cũng được gửi đến Tổng thống Hợp chủng quốc và các đoàn đại biểu nhiều nước tham dự Hội nghị. Theo nhiều nhà nghiên cứu, sáng kiến đưa thỉnh nguyện thư là của Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành và do Phan Văn Trường chấp bút, dưới ký một bút danh chung là Nguyễn Ái Quốc, nhưng địa chỉ ghi bên dưới không phải 6 Villa des Gobelins mà là 56 phố Monsieur le Prince, nơi cư trú lúc đó của Nguyễn Tất Thành.
Ngày 14/11/1919, Bộ Thuộc địa Pháp có thư mời Nguyễn Ái Quốc đến gặp để kiểm tra lý lịch, đã gửi thư về địa chỉ này, nhưng khi đó anh Thành đã chuyển đến số 6 Villa des Gobelins, nhà của Phan Văn Trường [9]. Nhận được thư mời, Nguyễn Tất Thành ung dung đến trụ sở Bộ Thuộc địa diện kiến Bộ trưởng A. Sarraut - người đã có hai nhiệm kỳ làm Toàn quyền Đông Dương - và sau đó với P. Pasquier (người sau này cũng trở thành Toàn quyền Đông Dương). Qua những cuộc gặp gỡ và đối thoại thẳng thắn này, cùng với kết quả xác minh của những mật thám người Việt bủa vây quanh anh, người mang tên Nguyễn Ái Quốc hiện diện bằng xương bằng thịt đã được khẳng định chính là Nguyễn Tất Thành.
Tất nhiên, bút danh Nguyễn Ái Quốc có thể vẫn được Phan Văn Trường tiếp tục sử dụng trong một thời gian nữa, từ cuối năm 1919 đến đầu năm 1920, một là vì thời gian đó, bản Yêu sách vừa mới được công bố trên L’Humanité, các thế lực thực dân đang có phản ứng mạnh về nội dung bản Yêu sách, bút danh Nguyễn Ái Quốc đang nổi như cồn, ký bút danh đó sẽ được người đọc chú ý hơn; hai là xét về nội dung các bài báo xuất hiện cuối năm 1919 như Ở Đông Dương, vấn đề dân bản xứ (L’Humanité, ngày 2/8/1919), bài Đông Dương và Triều Tiên (Le Populaire ngày 4/9/1919), bài Thư gửi ông Outrey (Le Populaire, ngày 14/10/1919), nói chung đều xoay quanh nội dung bản Yêu sách, cùng một mạch văn, nên có thể vẫn do Phan Văn Trường viết.
Điều này cũng đã từng được Tiến sĩ sử học Thu Trang nêu lên qua phân tích sự khác nhau trong lối hành văn, cách lý luận giữa Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc, một bên là luật sư, “có một túi luật lệ”, nên thỉnh thoảng ông đưa sự hiểu biết chuyên môn của mình ra để đấu khẩu với những tên thực dân” (như bài Thư gửi ông Outrey); còn Nguyễn Ái Quốc, trong những bài báo về sau, “không mấy khi Nguyễn dùng luật lệ để bắt bẻ thực dân, mà phần nhiều hay dùng những chứng cớ hiển nhiên, dễ hiểu, thực tế đập vào mắt độc giả. Nội dung giản dị, dễ đọc, không đi vào chuyên môn; khi cần dẫn chứng thì mới trích đoạn chỗ này, chỗ khác, hoặc trích vài con số để chứng minh sự thật” [10].
Thu Trang nghi vấn các bài này có thể là của Phan Văn Trường, chứ không hề nghĩ đến Nguyễn An Ninh hay Nguyễn Thế Truyền như Thụy Khuê đã gán một cách vô căn cứ cho hai người này, đơn giản là vì, vào năm 1919-1920 Nguyễn Thế Truyền vẫn chưa có mặt tại Paris. Theo Đặng Hữu Thụ [11], từ năm 1916-1920, ông Truyền đang học đại học ở Toulouse, miền Nam nước Pháp; năm 1920 tốt nghiệp kỹ sư hóa học và cử nhân khoa học ban Lý - Hóa, sau đó ông về nước cưới vợ và ở lại trong nước hơn một năm. Ngày 23/8/1921, ông lại được học bổng của Thống sứ Bắc Kỳ, tiếp tục đi du học lần thứ ba, theo học tại Đại học Sorbonne, cuối năm 1922 đậu cử nhân triết học và bắt đầu kết giao thân thiết với Nguyễn Ái Quốc và viết báo Le Paria; có một thời gian ngắn ông tá túc ở số 6 Villa des Gobelins, sau đó ông Truyền thuê nhà ở tại số 6 đường Saint-Louis-en-l’Ile Paris. Như vậy, những bài báo đầu tiên của Nguyễn Thế Truyền sẽ chỉ bắt đầu xuất hiện vào cuối năm 1922 trên tờ Le Paria.
Còn Nguyễn An Ninh, sinh năm 1900, 18 tuổi ông mới sang Paris, tiếp tục học luật tại Sorbonne, hai năm sau (1920) đậu xuất sắc bằng cử nhân luật, nhưng chưa thấy nói đến những hoạt động chính trị của ông vào thời gian này. Như vậy, khó có thể nói võ đoán như Thụy Khuê rằng Thư gửi ông Outrey là của Nguyễn An Ninh viết, với một lập luận “kỳ khôi” rằng: “Outrey và Nguyễn An Ninh cùng ở Nam Kỳ nên biết rõ hành tung của nhau: Outrey biết rõ gốc gác và hành động của Nguyễn An Ninh,… khi đọc văn, y đoán chắc là của Nguyễn An Ninh, nên trong lời buộc tội ở hạ viện, Outrey đã mô tả Nguyễn Ái Quốc như Nguyễn An Ninh”(sic)!
Thụy Khuê cần biết rằng Outrey là ủy viên Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ và là đại biểu của Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ trong Hạ viện Pháp, rồi làm Thống đốc Nam Kỳ, đang dòm ngó chức Toàn quyền Đông Dương; còn Nguyễn An Ninh khi ở trong nước mới chỉ là một học sinh Cao đẳng pháp chính thuộc Đại học Đông Dương, chưa đến 18 tuổi, hãy còn vô danh, nghĩa là chưa viết lách và chưa có hoạt động chống đối tiếng tăm gì, vậy tại sao một quan chức thực dân cao cấp như Outrey lại có thể “biết rõ gốc gác và hành tung của Nguyễn An Ninh, khi đọc văn y nhận ra ngay để có thể khẳng định Nguyễn Ái Quốc chính là Nguyễn An Ninh? (Những lập luận kiểu “tự do sáng tác” như thế này không hiếm trong bài viết của Thụy Khuê, có dẫn ra nữa cũng chỉ làm mất thêm thì giờ của độc giả).
3.2. Vậy bút danh Nguyễn Ái Quốc trở thành tên riêng của Nguyễn Tất Thành từ bao giờ? Cần nói ngay rằng, “nhóm Ngũ Long” là do người đời sau đặt ra để tôn vinh năm nhà hoạt động yêu nước nổi tiếng có mặt tại Paris trong những năm 20 của thế kỷ trước (ví như người ta vẫn đặt: “Nam Đàn tứ hổ”, “Thăng Long tứ kiệt”,…) chứ không phải là một “nhóm” có ý nghĩa về tổ chức, hình thành và hoạt động bên nhau cùng một lúc. Mỗi người có một vai trò và nổi lên ở một giai đoạn nhưng không phải khi nào họ cũng nhất trí với nhau về xu hướng, quan điểm và phương pháp hành động.
Nguyễn Ái Quốc từ khi gia nhập Đảng Xã hội rồi trở thành người cộng sản thì xu hướng ngày càng cấp tiến, hoạt động ngày càng mạnh mẽ; Phan Văn Trường là một trí thức có quốc tịch Pháp nên chủ yếu muốn dựa vào pháp luật và báo chí công khai để đấu tranh; Phan Châu Trinh thì chủ trương cải cách ôn hòa, mềm mỏng, không muốn làm mất lòng người Pháp. Họ thường tranh luận, có khi to tiếng với nhau, từ đêm này qua đêm khác, khiến hàng xóm phải than phiền. Tranh luận mãi mà không thuyết phục được nhau cũng mệt mỏi, cuối cùng đành mỗi người tạm đi một nơi: Cụ Phan dọn về ở 21 Pernety rồi cuối năm đó xuống Marseille làm việc hơn một năm; Nguyễn Ái Quốc dọn về số 9 Ngõ Compoint, Phan Văn Trường đi Mayence, ngôi nhà ở Gobelín bỏ trống. Tuy vậy, về mặt tình cảm, họ vẫn kính trọng nhau và duy trì quan hệ với nhau hết sức tốt đẹp.
Thực tế đó cho thấy, Nguyễn Ái Quốc đã đi theo một con đường riêng, xu hướng thiên tả của anh được bộc lộ rõ ràng và mạnh mẽ trong hoạt động cũng như trong các bài viết, điều đó làm cho một số người e ngại. Phan Châu Trinh nhận xét về anh Thành là còn quá trẻ và có bầu máu quá nóng; Khánh Ký thì cho là do hoạt động của Nguyễn Ái Quốc mà cảnh sát đã làm rầy rà cho những người An Nam ở số 6 villa des Gobelins (mật báo của Devèze ngày 27/12/1920). Có thể nói, từ khi gia nhập Đảng Xã hội Pháp năm 1919, rồi sau Đại hội Tours (tháng 12/1920), trở thành người cộng sản, bút danh Nguyễn Ái Quốc ký dưới những bái báo có xu hướng xã hội chủ nghĩa, thường hay nhắc đến Quốc tế Cộng sản, đã trở thành bút danh riêng của Nguyễn Tất Thành. Đó là điều dễ thấy, không ai có thể xuyên tạc được.
4. VỀ TÁC PHẨM ĐÔNG DƯƠNG VÀ BẢN ÁN CHẾ ĐỘ THỰC DÂN PHÁP
4.1. Trong bài viết của mình, Thụy Khuê có nói đến cuốn La France en Indochine của Nguyễn An Ninh được viết và xuất bản tại Pháp tháng 4/1925, nhưng thừa nhận nay không còn dấu tích (nghĩa là Thụy Khuê cũng chưa từng nhìn thấy, chưa nói là từng đọc), chỉ còn bài viết La France et l’Indochine của ông đăng trên Europe, số 31, ra ngày 15/7/1925 cho ta biết tư tưởng đấu tranh của Nguyễn An Ninh. Thế mà Thụy Khuê đã vội phỏng đoán một cách hồ đồ rằng: “Cuốn sách mang tên Đông Dương (1923-1924) được dịch và đưa vào Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, phải chăng đây chính là tác phẩm La France en Indochine mà Nguyễn An Ninh đã cho in năm 1925?” (sic!).
Để tránh những kết luận liều lĩnh như trên, tôi khuyên Thụy Khuê nên đến Trung tâm lưu trữ tư liệu lịch sử Nga, vào phòng Quốc tế cộng sản, mở cặp tư liệu về Nguyễn Ái Quốc, đọc Hồ sơ số 7, sẽ thấy bản thảo bút tích, đánh máy tiếng Pháp, cuốn sách nhỏ nhan đề Đông Dương của Nguyễn Ái Quốc được lưu tại đó. Trang bìa in nền hoa văn, có chữ viết tay của thủ thư bằng tiếng Nga, dịch ra như sau:
ĐÔNG DƯƠNG
Dự thảo cuốn sách nhỏ của đồng chí Quốc
(1923-1924)
Dự thảo có 18 bài, gồm 82 trang đánh máy tiếng Pháp, với các đề mục như sau: 1. Sa géographie. Les classes. L’histoire; 2. Sa vie économique; 3. Les méfaits du militarisme; 4. Les atrocités de la civilisation; 5. Mentalité coloniale; 6. Les administrateurs; 7. Parasitisme et pétaudière; 8. Le consortium des bandits; 9. Concessions et concessionnaires; 10. Les travaux publics; 11. Corvées ou travaux forces; 12. L’obscurantisme; 13. La presse; 14. Les impôts; 15. La résistance; 16. L’Eglise; 17. La Justice; 18. L’Annam vu par les français.
Đọc qua, người đọc có thể thấy ngay tên một số đề mục có sự trùng hợp với tên một số chương của Bản án chế độ thực dân Pháp, có điều cuốn Đông Dương chỉ giới hạn tố cáo tội ác chế độ thực dân trong phạm vi xứ Đông Dương, còn Bản án đã được tác giả bổ sung và phát triển, mở rộng sự tố cáo ra các thuộc địa Á - Phi khác thành một tác phẩm đầy đặn hơn. Ông D. Hémery đã cho rằng Đông Dương chính là tiền thân của tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp.
4.2. Trước khi đề cập đến tác phẩm Bản án, tưởng cũng nên nói qua về những bài viết trên báo Le Paria. Vẫn quen lối nói bất cần khảo chứng, Thụy Khuê cứ tùy tiện nói bừa: “những bài xuất hiện trên báo Le Paria và L’Humanité, phần lớn là của Nguyễn Thế Truyền; những bài trên Le Libertaire, phần lớn là của Nguyễn An Ninh; những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc sau khi Nguyễn Tất Thành đi Nga, từ 1923 đến 1927, trên Le Paria và trên Inprékorr, báo Nga ấn bản Pháp ngữ, cũng của Nguyễn Thế Truyền” (sic)! “Nói có sách, mách có chứng”, yêu cầu đó đối với người Việt Nam, ngay cả trẻ con, ai cũng đều biết cả. Nhưng vì quá hăng hái “lập công” nên Thụy Khuê đã liều lĩnh nói bừa, vì vậy cũng chẳng đánh lừa được ai!
Cần nhắc lại rằng báo Le Paria do Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập, trực tiếp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và viết chính, số đầu ra ngày 1/4/1922, ngay trong số 1 đã có giới thiệu về số 2: đón đọc bài “Động vật học” được viết rất hay của Nguyễn Ái Quốc, photographe - (chữ thợ ảnh được chú thích đàng hoàng như một chức danh, đó là bài viết của một thợ ảnh chứ không phải của một avocat hay licencié nào).
Còn Nguyễn Thế Truyền, như đã nói ở trên, mãi cuối năm 1922 mới kết thân với Nguyễn Ái Quốc và tham gia cộng tác với Le Paria, khi đó bút danh Nguyễn Ái Quốc từ lâu đã trở thành tên riêng của Nguyễn Tất Thành rồi. Trong 38 số báo Le Paria, có tới 37 bài của Nguyễn Ái Quốc, không kể bài dịch, với văn phong giản dị, thiết thực nhưng không kém phần trào lộng tinh tế, châm biếm sắc sảo, dồi dào tình cảm cách mạng và có tính chiến đấu cao, không thể trộn lẫn được. Chính nội dung những bài viết này, sau đã được Nguyễn Ái Quốc sử dụng lại, đưa vào tác phẩm “Bản án”.
Có điều lạ là Thụy Khuê đều vơ tất cả các bài trên Le Paria và trên các báo khác về cho Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn An Ninh mà lại gạt Phan Văn Trường ra? Nên nhớ, mãi đến 6/12/1923, ông Phan Văn Trường mới lên tàu về nước. Dưới một bút danh mới là PHAN, ông đã viết nhiều bài cho Le Paria, theo GS Nguyễn Phan Quang, trong cuốn Luật sư Phan Văn Trường [12], các bài đó được đăng trên Le Paria các số: 11, 12, 13, 14, 16, 18-19, 21,… trong các năm 1922 - 1923.
Đối với tác phẩm Bản án, lúc đầu, Thụy Khuê khẳng định rằng đó là của Nguyễn Thế Truyền, sau có lẽ thấy nói thế không thuyết phục được ai, nên đổi giọng: “có thể được coi là một sáng tác tập thể, mà Nguyễn Thế Truyền làm chủ biên và viết lời giới thiệu”.

Nguyễn Tất Thành năm 1911. Ảnh: TL.
Thụy Khuê dẫn thêm một câu của Trần Dân Tiên: “Ông Nguyễn chỉ viết một cuốn sách duy nhất là quyển Bản án chế độ thực dân Pháp, trích trong những sách của người Pháp viết để ở thư viện quốc gia”, để rồi lu loa lên rằng: viết như thế “chứng tỏ ông chưa đọc Bản án chế độ thực dân Pháp vì “chẳng có cuốn sách nào của người Pháp lại viết về tội ác của một thành phần dân tộc mình, như thế, lưu trong thư viện để ông chép lại”(sic)!
Ô hay! Thật kỳ lạ cho tư duy của một nhà phê bình! Chẳng lẽ ở Pháp, Thụy Khuê chỉ quen biết với toàn những tên thực dân mà quên rằng nước Pháp còn là quê hương của lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái, của những người xã hội và cộng sản, của những trí thức chân chính theo đuổi lý tưởng nhân đạo và chính nghĩa, như J. Jaurès, A. France, M. Cachin, Vigné D’Octon và rất nhiều người khác nữa. Họ viết sách, viết báo lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân, bênh vực các dân tộc thuộc địa; Nguyễn Ái Quốc trích dẫn họ như là một cách dùng “gậy ông đập lưng ông” thì có gì là lạ? Đây là dụng ý của Nguyễn Ái Quốc, được mật thám Jean ghi lại và đưa vào mật báo ngày 19/1/1920: “Tôi không muốn tự mình viết lấy, vì như thế không có giá trị trung thực. Tôi sẽ dùng những đoạn văn trong số sách đã viết về thực dân Pháp. Tôi sẽ cố gắng làm cho đậm nét những đoạn ấy” [13].
Có thể thấy, chính Thụy Khuê chưa đọc, hơn nữa có thể còn chưa được nhìn thấy tác phẩm Bản án chế độ thực dân Phápcủa Nguyễn Ái Quốc được xuất bản năm 1925 (hay 1926?) tại Paris, nếu được nhìn qua thôi, chắc không dám liều lĩnh nói sách này là của Nguyễn Thế Truyền hoặc do ông Truyền làm chủ biên, đơn giản là vì ngay trước trang bìa bên trong, sách đã in trang trọngảnh chân dung tác giả của nó là: Nguyễn Ái Quốc! Một điều cũng hiếm thấy ở phương Tây lúc bấy giờ. Chính Nguyễn Thế Truyền trong Lời giới thiệu cũng viết: chúng tôi sẽ lần lượt đưa ra những bản án của các dân tộc là thuộc địa của Pháp trong một loạt các tập sách nhỏ mà mở đầu bằng bản án của một người An Nam: Nguyễn Ái Quốc.
Đề cập đến vấn đề tác giả của Bản án, ông Đặng Hữu Thụ, vốn người Hành Thiện, tác giả cuốn sách khá đầy đặn về Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, cho biết: “Trước khi đi Mạc Tư Khoa, ông Nguyễn Ái Quốc có viết cuốn sách lên án chế độ thực dân Pháp bằng Pháp ngữ. Ông có giao bản thảo sách cho ông Nguyễn Thế Truyền nhờ sửa chữa lại bản thảo, đề tựa và cho in tại Pháp. Sách được in năm 1926 tại Paris, có bài tựa của ông Nguyễn Thế Truyền” (tr.120). Ông Truyền nhờ ông Bửu Nghi, du học ở Pháp, là bạn thân của ông Truyền, sửa dùm các lỗi chính tả, văn phạm, lời văn; sau ông Truyền xem lại, sửa chữa lần nữa, gọt giũa câu văn, viết lại nhiều câu ý tưởng còn thiếu mạch lạc, trước khi trao cho nhà in (tr.123-124). Ông Thụ kết luận: “Vậy tác giả cuốn sách trên là ông Nguyễn Ái Quốc” (tr.125).
Thụy Khuê chắc đã đọc kỹ cuốn sách này vì đã đôi lần trích ý kiến Đặng Hữu Thụ trong bài của mình, nhưng đến đoạn này lại lờ đi không nhắc đến chỉ vì nó không có lợi cho dụng tâm đang muốn thực thi. Cách trích dẫn của Thụy Khuê là như vậy, nhiều khi cố tình cắt xén, cốt sao đạt được ý đồ của mình. Bản Việt Nam yêu cầu ca được Nguyễn Ái Quốc chuyển thành văn vần để cho những người ít chữ dễ thuộc, dễ nhớ, nhưng không thể đưa in vì ở Pháp lúc đó không có chữ in Quốc ngữ có dấu, nên Nguyễn Tất Thành phải viết tay, làm bản chụp rồi in ra. Bài ca viết theo thể lục bát, bản phô-tô trong sách của Thu Trang cho thấy Nguyễn Ái Quốc viết liền 2 câu 6/8 cùng 1 dòng. Thụy Khuê chỉ chép lại trong bài viết của mình toàn các câu 6, bỏ các câu 8, làm cho nó trở nên ngô nghê, chẳng còn vần điệu gì, cốt để hạ một câu: Nguyễn Tất Thành do sớm bỏ học, nên tiếng Pháp sơ sài, Quốc ngữ cũng kém!
Vở kịch Le Dragon en bambou (chứ không phải de bambou như Thụy Khuê viết) cũng đuợc gán cho là của Nguyễn An Ninh mà không đưa ra được chứng lý nào. Chúng ta được biết, Nguyễn Ái Quốc không chỉ viết báo chính luận mà còn sử dụng các loại hình nghệ thuật khác như truyện, ký, kịch, tranh biếm họa để phục vụ cho tuyên truyền chống chủ nghĩa thực dân. Tháng 5/1922, Chính phủ Pháp mở Hội chợ triển lãm thuộc địa tại thành phố Marseille để khoe công lao khai hóa thuộc địa và có mời vua bù nhìn Khải Định sang dự để khoe như một món hàng triển lãm. Sự kiện này làm cho những người Việt Nam yêu nước có mặt ở Pháp cảm thấy bị sỉ nhục. Một chiến dịch phản đối bùng lên, phê phán mạnh mẽ tên vua bù nhìn ươn hèn, ăn chơi trác táng.
Phan Châu Trinh viết Thất điều thư, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài báo và truyện ngắn châm biếm Khải Định, trong đó có vở kịch ba hồi Con rồng tre (trước đó ông đã diễn thuyết về đề tài Sân khấu Việt Nam tại CLB Faubourg buổi sinh hoạt tháng 4/1922). Vở kịch được nhóm Faubourg đem công diễn và đã được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Điều này được chính Léo Poldès, một trí thức phái tả, là chủ nhiệm CLB Faubourg thời bấy giờ thừa nhận, trong một bài viết đăng trên Tuần báo Ici Paris số 53, ra ngày 11, 12/6/1946 [14], sau khi được gặp lại Nguyễn Ái Quốc đang thăm chính thức nước Pháp thời gian đó.
Bài viết có đoạn: “Tôi đã đọc tập bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng với những cái châm biếm dí dỏm kiểu Aristophane… Thật không ngờ rằng 25 năm sau, người thợ ảnh ở ngõ hẻm Compoint, tác giảCon rồng tre, lại trở nên một vị Quốc trưởng với cái tên mới Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!”.
Đỉnh cao của sự xuyên tạc được gói lại trong phần kết luận của bài viết cuối cùng, trong đó Thụy Khuê đưa ra danh sách những bài báo ký bút danh Nguyễn Ái Quốc từ 1919 đến 1922, tất cả đều được gán cho Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh và nhiều nhất là cho Nguyễn Thế Truyền, không có bài nào là của Nguyễn Ái Quốc! Làm một cuộc phủ định sạch trơn như vậy, tác giả muốn nhằm mục đích gì? Thụy Khuê đã vu cáo một cách thâm độc: “Hồ Chí Minh không ngần ngại nhận mình là tác giả những bài viết và những công trình không phải của mình” vì “chính những bài báo đó đã xây dựng nên huyền thoại Hồ Chí Minh”, “đã xác định tư tưởng Hồ Chí Minh”! “Vì thế, không thể để cho lớp trẻ học mãi những điều mạo nhận”! (sic).
Tuy nhiên, như bạn đọc đã thấy, âm mưu “lật đổ thần tượng” của Thụy Khuê đã thất bại thảm hại. Ở thời đại thông tin phát triển rộng rãi như hiện nay, mọi nguồn lưu trữ đã được bạch hóa, đến những tài liệu được coi là tối mật của Mỹ cũng đã được Wikileaks tung lên mạng, trình độ nhận thức của đa số người đọc ngày nay cũng đã khác xưa; thủ đoạn vu cáo, bịa đặt, xuyên tạc, tung hỏa mù,…của thời chiến tranh lạnh mà Thụy Khuê quen dùng đã trở nên cũ kỹ, rất gây phản cảm cho người đọc. Viết văn, viết báo - dù là tiểu trí thức - thường bao giờ cũng phải lấy sự thật làm đầu, theo đuổi chân lý, chính nghĩa; nếu cứ ngụy tạo một cách trơ trẽn, để lộ một nhân cách tầm thường, thì chẳng đánh lừa được ai.
5. THAY LỜI KẾT LUẬN
Mấy bài báo ở thời kỳ đầu khi Nguyễn Ái Quốc mới bước lên vũ đài chính trị chỉ là số rất nhỏ trong hàng vạn bài báo và tác phẩm Hồ Chí Minh viết sau này, nó chẳng có vai trò như Thụy Khuê suy diễn, nếu như có sự lầm lẫn một đôi bài nào đó thì chính là lỗi ở các sử gia, các nhà sưu tầm, cả Pháp lẫn Việt, chứ không liên quan gì đến Hồ Chí Minh. Huyền thoại Hồ Chí Minh đâu có thể hình thành từ vài bài báo? Đó là sản phẩm của một đời đấu tranh vào sinh ra tử, phải vượt qua bao thử thách hiểm nguy, phải đối phó với bao kẻ thù hung bạo, trong một bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, để lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến bờ độc lập, tự do; đó cũng là sản phẩm của cuộc đời một chính khách trong sạch và liêm khiết có một không hai như Hồ Chí Minh. Đóng góp vào sự hình thành huyền thoại đó còn phải nói đến vai trò của các bạn bè Pháp, kể cả mật thám Pháp, như P. Arnoux,…
Tư tưởng Hồ Chí Minh là cả một hệ thống quan điểm về con đường cách mạng Việt Nam từ độc lập dân tộc đi tới xây dựng thành công một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Tư tưởng đó là kết quả của quá trình học tập, thâu hóa tinh hoa tư tưởng nhân loại, của các vĩ nhân như Khổng tử, Jésus, Marx, Tôn Dật Tiên,… để từ đó thăng hoa lên thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Trả lời câu hỏi của một phóng viên: ông là ai, theo chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Tôn Dật Tiên? Hồ Chí Minh từng trả lời: “Tôi vẫn là tôi ngày trước - một người yêu nước. Tôi hiến dâng cả đời tôi cho Tổ quốc tôi”. Tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã kết tụ đầy đủ lý tưởng, bản chất, mục tiêu chiến đấu, phẩm chất đạo đức của cuộc đời Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh không “vơ vào” cho mình một chút gì cả! Sinh thời, Người thẳng thắn từ chối mọi danh hiệu mà người đời khen tặng. Có một nhà văn nước ngoài gọi Người là nhà thơ, Người khoát tay: nhà thơ gì tôi, chẳng qua là trong tù, đi ngang được ba bước, đi dọc được sáu bước, không biết làm gì thì làm thơ, thế thôi. Tôi chỉ là người có chút duyên nợ với báo chí, gọi tôi là nhà cách mạng chuyên nghiệp là đúng nhất. Cũng cần nhắc lại: Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo Việt Nam duy nhất không có huân chương, người không tán thành dựng tượng đồng, bia đá, bảo tàng,… cho mình khi nhân dân còn thiếu bệnh viện, trường học.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, một trí thức chân chính, vì chính kiến riêng mà phải chịu một cuộc sống đau khổ hơn ba mươi năm, như một kẻ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng (Un excommunié). Cuối đời, năm 1989, ông được học trò và người thân mời trở lại thăm nước Pháp, vào đúng lúc sự biến Đông Âu đang xảy ra. Phóng viên báo Le Monde đã phỏng vấn ông. Theo tâm lý thường tình, người ta nghĩ ông sẽ thực hiện “un coup pied de l’âne” (cú đá của con lừa thừa cơ người khác đang gặp khó khăn). Nhưng nhân cách của một trí thức chân chính không cho phép ông hành xử như vậy.
- PV: Ngài thấy chủ nghĩa cộng sản bây giờ thế nào?
- GS Nguyễn Mạnh Tường: Trước hết các ông đừng lẫn lộn chủ nghĩa cộng sản, mà nhiều trí thức Pháp đã coi là hi vọng cuối cùng của loài người, với những người đã thực hiện nó.
- PV: Vậy ngài thấy các lãnh tụ cộng sản thế nào?
- GS NMT: Cũng như vậy, các ông chớ xếp chung các lãnh tụ cộng sản vào một gói. Làm sao có thể đặt ngang hàng Ceaucescu với Hồ Chí Minh? Các ông đều biết Cụ Hồ đến khi chết vẫn chỉ có hai bộ quần áo kaki đã sờn và một đôi dép lốp cao su đã vẹt gót.
- PV: Liệu Việt Nam có như Đông Âu không?
- GS NMT: Đảng cộng sản Việt Nam cũng có những sai lầm, nhưng không ai quên công lớn của Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập, thống nhất, giải phóng dân tộc [15].
Tôi muốn dẫn một người nữa, GS Hoàng Xuân Hãn, một học giả đáng kính, được coi như là lương tâm của trí thức Việt kiều ở hải ngoại. Một phóng viên của Diễn đàn (Paris), trong một lần trao đổi với GS về sự đánh giá của ông đối với công lao của Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được nghe ông tâm sự: “Bây giờ lòng người còn phân tán, hận thù còn quá nhiều, nên sự đánh giá còn lệch lạc. Nhưng với con mắt của người nghiên cứu lịch sử dân tộc, bác tin rằng vài chục năm nữa, có lẽ sớm hơn, người ta sẽ nhìn nhận công lao của cụ Hồ”. Rồi ông nói cụ thể hơn: “Cũng những anh thanh niên ấy mà bác đã quan sát, vì đã dạy học họ trong mấy năm, nhưng không tập hợp nhau được, hay tập hợp được cũng chẳng làm nên việc gì, thế mà hôm trước hôm sau, họ thay đổi hẳn”.
Theo lời phóng viên được đối thoại thì ý này của GS Hoàng Xuân Hãn trùng hợp với nhận xét của viên tướng chỉ huy quân đội Nhật ở Đông Dương thời đó, trên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn ngay sau ngày 19/8/1945, ông ta cũng nhận thấy “những đôi mắt, những ánh mắt” trên khuôn mặt người Việt Nam chỉ “hôm trước, hôm sau” đã “hoàn toàn khác hẳn” (do GS Vĩnh Sính thuật lại). Sau khi ôn lại những cố gắng liên tiếp của các thế hệ cha ông từ cuối thế kỷ XIX, tìm đường giải phóng đất nước mà không thành, GS Hãn kết luận: “Vì chưa bao giờ trong lịch sử của mình, dân ta phải đương đầu với một quốc gia xâm lược mà thế lực, trình độ phát triển, hơn hẳn ta đến như vậy” [16]. Vậy mà cụ Hồ đã thành công. Có lẽ, đó cũng là nhận thức chung của những trí thức Việt kiều có lương tri ở hải ngoại hiện nay.
Hàng chục năm nay, đã có không ít kẻ xấu xa bị thất bại ê chề trong âm mưu “lật đổ thần tượng”. Họ phải biết rằng Hồ Chí Minh, cũng như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi,…là những thần tượng muôn đời của dân tộc, nên một vài đứa con lạc bầy, dù có hò hét điên cuồng đến đâu, cũng không thể nào đánh đổ được. Mong rằng Thụy Khuê sẽ không ăn phải đũa của những kẻ “bội tín”, sẽ tiếp bước lớp trí thức tinh hoa ở hải ngoại, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp đoàn kết, hòa hợp dân tộc và phát triển đất nước.

[1]
Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925 (tr.128) và Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923), tr.47.
[2]
D. Hémery: Ho Chi Minh, de l’Indochine au Vietnam, Descouvertes Gallimard, Paris, 1990. p. 42.
[3]
Michèle Zecchini: Le Calligraphe (Người viết chữ đẹp). Tạp chí Planète-Action, số 3/1970, p. 24-28.
[4]
Daniel Hémery: Jeunesse d’un colonisé, Genese d’un exil, Ho Chi Minh jusqu’en 1911. Approches-Asie, No 11/1992. Xem phần Documents Annexes, No 15, Déclarations de Nguyen Tat Dat, 19 mars 1920. p. 144.
[5]
Xem D. Hémery: Sđd, phần Documents, các số 6, 7, 9 tr. 131, 132, 134.
[6]
Dẫn lại theo Thu Trang-Gaspard: Ho Chi Minh à Paris, p. 69.
[7]
Dẫn theo Alain Ruscio: “Le délégué de l’Indochine”(Nguyen Ai Quoc), Intervention au Congrès de Tours, 27 décembre 1920, trong cuốn Le Journal L’HUMANITÉ et l’Indochine coloniale 1904-1954 + quelque textes d’Histoire. Về bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc Discours au Congrès de Tours, (extrait du procès-verbal sténographié), xin xem “Hồ Chí Minh - écrits”, Édition en langues étrangères, Hanoi-1976, p.11-13.
[8]
D. Hémery: Ho Chi Minh, De l’Indochine au Viet Nam, sđd, tr. 33.
[9]
Trong Hồi ký 41 năm làm báo, Hồ Hữu Tường có kể: Lúc đầu, các cụ chọn bút hiệu Nguyễn Ố Pháp (có nghĩa là Nguyễn ghét Pháp); bút danh này bị các bạn Pháp phản đối, coi là sô vanh, cực đoan nên mới đổi ra là Nguyễn Ái Quốc. Giai thoại này cần được thẩm tra lại, vì đến nay vẫn chưa tìm được bài báo nào ký bút danh Nguyễn Ố Pháp trên các báo ở Paris trước năm 1919; theo thống kê của A. Ruscio trong “La question coloniale dans L’Humanité (1904 - 2004)”- La Dispute, Paris, 2005, cũng không thấy có. Bút danh này chỉ thấy xuất hiện trên Le Paria các số 31 (11, 12/1924), số 32 (2/3/1925 và số 33 (4/1925). Số kép 36+37 (10, 11/1925), có đưa tin Nguyễn Ố Pháp dự Đại hội lần thứ ba Quốc tế những người lao động trong ngành giáo dục, họp ở Paris sau chuyển sang Bruxellles tháng 8/1925, thời gian này Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường đã về nước, còn Nguyễn Ái Quốc đã rời Paris từ 6/1923 và lúc đó đang ở Quảng Châu.
[10]
Thu Trang (Công Thị Nghĩa): Nguyễn Ái Quốc tại Paris, Nxb Chính Trị Quốc Gia, H-2002, tr. 94-95.
[11]
Đặng Hữu Thụ: Thân thế và sự nghiệp nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, Paris, 1993, chương I, phần gia thế.
[12]
GS Nguyễn Phan Quang-Phan Văn Hoàng: Luật sư Phan Văn Trường, Nxb TP Hồ Chí Minh, 1995, tr.78 và 169.
[13]
Dẫn lại theo Thu Trang: Nguyễn Ái Quốc tại Paris, sđd, tr.128.
[14]
Léo Poldès: “Le Mystère de Ho Chi Minh”, Ici Paris Hebdo, No 53, 11,12/6/1946.
[15]
Dẫn lại theo Bee.net.vn ngày 4/12/2010.
[16]
Nguyễn Ngọc Giao: Hoàng Xuân Hãn: con người và chính trị, bài đăng Diễn Đàn số 53-54, ngày 6/7/1996.

Saturday 14 June 2014

Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta (Bùi Văn Học - An Ninh Thủ Đô)



Tam quyền phân lập không phù hợp với thể chế chính trị ở nước ta

Thứ ba 10/09/2013 07:16
ANTĐ - Thời gian gần đây, lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản... Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Quốc hội và HĐND các cấp luôn đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của người dân
(Trong ảnh: Cử tri phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII)

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm việc củng cố, từng bước hoàn thiện bộ máy nhà nước. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta hết sức coi trọng việc cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; đồng thời, có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Sự khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp là một bước phát triển mạnh mẽ trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng ta. Với sự hoàn thiện này, nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước ta được xác định bởi bốn nội dung quan trọng: thống nhất quyền lực, phân công quyền lực, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực.

Thời gian gần đây, lợi dụng việc góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số người đã cổ súy cho việc thực hiện cái gọi là “tam quyền phân lập”, đòi tách biệt quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để “kiềm chế”, “đối trọng” giữa ba quyền này theo mô hình nhà nước tư sản và đưa ra các luận điệu “để xây dựng cơ chế tam quyền phân lập trong tổ chức bộ máy nhà nước, điều kiện đầu tiên là áp dụng hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng”; “điều kiện khác của việc áp dụng chế độ tam quyền phân lập là phải trung lập hóa, phi chính trị hóa lực lượng quân đội và cảnh sát”(?!). Đây là những luận điệu không mới và đã được các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền, kích động nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. 

Cần khẳng định “tam quyền phân lập” có thể phù hợp ở các mức độ khác nhau với một số nước trên thế giới, nhưng không phù hợp với thể chế chính trị nước ta, bởi lẽ việc thực hiện quyền lực nhà nước theo phương thức nào là phụ thuộc vào thể chế chính trị của mỗi quốc gia. Ở nước ta, nhân dân là chủ nhân của quyền lực chính trị, quyền lực nhân dân là cội nguồn của quyền lực nhà nước, quyền lực đó chỉ có thể thực hiện một cách thống nhất dưới sự giám sát của nhân dân, chứ không thể phân chia, chia cắt, phân rã. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân được bảo đảm thực hiện bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân chủ trực tiếp (tức là nhân dân trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội, giám sát hoạt động của Nhà nước) và dân chủ đại diện (tức là nhân dân phân công và ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực nhà nước).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều hướng tới phục vụ nhân dân, thực hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, không để lập pháp vị lập pháp, hành pháp vị hành pháp, tư pháp vị tư pháp như các thể chế “tam quyền phân lập”. Quyền lực nhà nước là thống nhất do tất cả quyền lực nhà nước thuộc nhân dân và thống nhất về mục tiêu chính trị: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân công rành mạch giữa các cơ quan nhà nước là tiền đề quan trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mặt khác, sự phân công đó cũng rất cần thiết để xây dựng một nền hành chính quốc gia ổn định, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Yếu tố kiểm soát ở đây không phải là sự “kiềm chế”, “đối trọng”, mà là để tăng sự giám sát giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước.

Từ sự phân tích ở trên, tôi hoàn toàn đồng tình với quy định tại Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
Bùi Văn Học