Sunday 6 August 2017

Xoi hay xói? Soi hay sói?

Người Bắc hay lẫn lộn xoi/soixói/sói: xét xoi, chó xói... Người có nghề nhiều khi vẫn không biết phải dùng xói mòn, sói mòn, xoi mòn  hay soi mòn.

Hồi đầu thế kỷ 20 Việt Nam Tự Điển phân biệt xoi (làm cho thông, cho thoát: xoi cống) và xói (đâm thẳng vào: nước chảy xói vào chân đê).
(Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:656)
Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:492) kê hai từ soi: soi1 nghĩa là chiếu (Lược thưa biếng chải, gương Tàu biếng soi) và soi2 nghĩa là sành, khôn (Đủ ngần ấy nết  mới là người soi). Sói có ba từ để nói  về hoa sói, chó sóisói đầu.

Vậy từ duy nhất thích hợp để nói về sự mất mát niềm tin là xói mòn:

Khi nghe đại diện các trường ĐH lên tiếng lo ngại để giáo viên địa phương chấm thi kỳ thi THPT quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng, dễ nương tay hay sợ cụm thi do địa phương chủ trì không nghiêm túc, mới thấy niềm tin đã bị xói mòn quá nhiều.

(Thùy Ngân, http://thanhnien.vn/giao-duc/xoi-mon-niem-tin-683971.html,Xói mòn niềm tin,

Từ điển hiện nay vẫn duy trì sự phân biệt giữa xoi (chọc thủng, không bào mòn) và xói (hủy hoại dần dần bề mặt). Nhưng soi mói lại được xem là một với xoi mói (Hoàng Phê et al., 2006:862 ; Nguyễn Kim Thản et al. 2005:1857). Dễ hiểu vì sao người không phân biệt được xóixoi sẽ dễ viết xói mòn thành xoi mòn hoặc soi mòn.

*Ít nhiều hoang mang, khiến tính kết hợp và sự hài hòa giữa người lãnh đạo với nhiều thành viên trong CĐ, ngày càng bị soi mòn!
(Adelaide Tuần Báo, "Tiêu chuẩn lãnh đạo CĐ", Adelaide Tuần Báo, số  790, thứ năm 03.08.2017, tr.4)

*Hậu quả là niềm tin bị soi mòn!
(Adelaide Tuần Báo, "Tiêu chuẩn lãnh đạo CĐ", Adelaide Tuần Báo, số  790, thứ năm 03.08.2017, tr.4)

Dưới đây là một bài tập nhỏ giúp các em phân biệt xoi/soi/xói/sói. Hãy chọn từ đúng chính tả nhé:

Trước khi (xỉa xói/sỉa sói) người làm lãnh đạo, người làm báo cần (xăm xoi/ săm soi) chữ nghĩa của mình thật cẩn thận. Mình có trách nhiệm với chữ nghĩa thì điều mình viết ra mới có thể góp phần (xoi xáng/soi sáng) đầu óc người đọc, chứ nếu chính mình không hiểu mình viết cái gì thì vô phương.

Saturday 5 August 2017

LẦN ĐẦU ĐỌC SÁCH CỦA GS VŨ KHIÊU (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)

(http://tuancongthuphong.blogspot.com.au/2017/04/lan-au-oc-sach-cua-gs-vu-khieu.html#more)

 


Sách do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành
Ảnh: HTC
HOÀNG TUẤN CÔNG

Hôm qua đi nhà sách, tôi thấy cuốn “Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” của GS Vũ Khiêu (NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội 2004). Được biết, GS Vũ Khiêu có cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định tìm đọc (tôi cũng chưa từng đọc bất cứ cuốn sách nào của ông).

Với cuốn Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam”, dù chưa đọc, nhưng tôi đã mường tượng nội dung cuốn sách viết gì. Định bỏ qua, vì ngó vào những cuốn thế này chỉ tổ mất thời gian. Tuy nhiên, nhớ lại mới đây Thanh Hoá đã sử dụng toàn bộ nội dung hoành phi câu đối do GS Vũ Khiêu biên soạn, xào xáo (mà trước đây tôi có viết mấy bài phê phán) để đưa vào thờ trong Đền thờ bà mẹ Việt Nam và các anh hùng liệt sĩ Hàm Rồng, nên tự nhủ đọc lướt cuốn sách này xem thế nào.



Quả nhiên, nội dung sách toàn là những điều quen thuộc, đã được người ta phân tích, nói đi nói lại hàng chục năm trước, giờ đến GS Vũ Khiêu “xào lại”. Ví dụ “Phần I - Hồ Chí Minh qua cuộc hành trình tìm đường cứu nước”; “Phần II - Hồ Chí Minh với vấn đề đạo đức”; “Phần IV - Hồ Chí Minh với các vấn đề nghệ thuật và tôn giáo”; “Phần V - Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ”,v.v…

Duy có mục “Văn bia, hoành phi, câu đối, bài minh tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ” (thuộc phần V) là mang dấu ấn riêng của GS Vũ Khiêu. Ví dụ, “bài minh” trên quả chuông ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn:

Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
Dạt dào Đông Hải khí anh linh
Ba hồi  chiêu mộ rung tâm trí
Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”.

Hình như ở đây có lỗi chế bản, “triêu mộ” in thành “chiêu mộ”. Tôi nghĩ thầm như vậy. Tuy nhiên, đọc thêm vài dòng nữa, thấy GS Vũ Khiêu giảng rõ ràng như sau: “Ba hồi chiêu mộ nói lên ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều (chiêu là buổi sáng, mộ là buổi chiều)”.

Nguyên văn trong sách của GS Vũ Khiêu
Ảnh: HTC

Đây là lời giảng sai hoàn toàn. Vì nói về hồi chuông sớm chiều, phải là “triêu mộ” [朝暮triêu = sớm; mộ = chiều]; còn “chiêu mộ” [招募chiêu = tuyển mộ; mộ = tìm kiếm, tập hợp] lại có nghĩa là tuyển mộ; như “chiêu” [] trong “chiêu binh mãi mã”, “chiêu sinh”; “chiêu tập”; “mộ” [] trong “mộ lính”; “mộ dân”, v.v…

Như vậy, GS Vũ Khiêu đã viết sai chính tả, “triêu” thành “chiêu”; hoặc ông cứ ngỡ “chiêu”, mới có nghĩa là “buổi sáng”.[*]

Căn cứ chữ nghĩa của GS Vũ Khiêu, thì câu “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí”, không thể có nghĩa là “ba hồi chuông vào buổi sáng và buổi chiều”, như ông giảng, mà buộc phải hiểu thành “Ba hồi 'tuyển mộ' rung tâm trí”, mới đúng(!). Các anh hùng liệt sĩ đã yên giấc ngàn thu, không rõ GS Vũ Khiêu còn “chiêu mộ” vào việc gì nữa?

Điều đáng chú ý là cách giảng sai của GS Vũ Khiêu giống hệt cái sai của GS Nguyễn Lân trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (cuốn sách do chính GS Vũ Khiêu viết lời giới thiệu và ca ngợi là “một tác phẩm có giá trị mà cả xã hội mong đợi”). GS Nguyễn Lân giảng như sau: “chiêu mộ • dt. (H. chiêu: sáng; mộ: buổi chiều) Sáng và chiều <> Ba hồi chiêu mộ, chuông gầm sóng (HXHương). • đgt. (H. chiêu: vời tới; mộ: cầu tìm) Tuyển người làm một việc gì <> Thực dân chiêu mộ người đi làm đồn điền cao-su”.

Có lẽ chính GS Vũ Khiêu đã tham khảo và đặt niềm tin tuyệt đối vào “cuốn từ điển sống” Nguyễn Lân (chữ của GS Vũ Khiêu dành cho tác giả “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”), khi cho rằng “chiêu mộ” vừa có nghĩa là “sáng và chiều”, vừa có nghĩa là “tuyển người làm một việc gì”(!)

Chuyện viết sai chính tả không hiếm trên sách báo. Tuy nhiên, một “bài minh” viết sai chính tả, dùng từ sai hoàn toàn như vậy mà vẫn được khắc trên chuông đồng, thì có lẽ là trường hợp hiếm có!

 Rồi “dĩ hư truyền hư”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, cứ thế cho in, báo chí cứ thế chép lại. Bài “Âm vang Trường Sơn” (và hầu hết các bài viết về nghĩa trang Trường Sơn) chép lại nguyên văn “Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí” của GS Vũ Khiêu, rồi tán: “Khi tôi vừa bước đến chân đồi nghĩa trang, tiếng chuông đã thỉnh lên như lời đánh thức hương hồn các liệt sĩ chào đón những người thân lên thăm. Đó là cuộc gặp gỡ của những người thân trở về thường ngày. Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Giáo sư Vũ Khiêu được khắc lên thành chuông: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sỹ. Dạt dào Đông Hải khí anh linh. Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí. Muôn dặm non sông nặng nghĩa tình”. Đúng là tiếng chuông ngân bát ngát Trường Sơn”. (Lương Sử - báo Công an nhân dân/8/8/2015).

Lật giở thêm mấy trang nữa, thấy mục “Hoành phi câu đối tại nhà thờ bà Hoàng Thị Loan”. GS Vũ Khiêu giới thiệu bức hoành bốn chữ: “Quốc mẫu uy nghi”, và chú thích như sau:

Về bức hoành phi QUỐC MẪU UY NGHI có nghĩa là: Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cao nhất của dân tộc ta. Cụ bà thân sinh ra Người xứng đáng là người mẹ chung của Tổ quốc Việt Nam, cho nên dùng chữ Quốc mẫu. Uy nghi là nói về hình dáng uy nghiêm và trang trọng của người”.

Một trang trong sách của GS Vũ Khiêu

Ta thử xem danh xưng “quốc mẫu” được các nhà biên soạn từ điển tiếng Việt giảng nghĩa là gì:

1. “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “quốc mẫu國母 d. [cũ, trtr] hoàng thái hậu [coi là mẹ của thần dân]”.
2. “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “quốc mẫu • dt. Mẹ vua (được xem như mẹ của toàn-thể dân-chúng một nước)”.
3. “Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “quốc-mẫu • dt. (xưa) Mẹ vua”.
Từ điển Tàu (Hán điển) giảng như sau: quốc mẫu: cổ đại xưng thiên tử đích mẫu thân” [國母: 古代稱天子的母親], nghĩa là: “thời cổ đại gọi mẹ vua [thiên tử] là quốc mẫu”.

Như vậy, cứ theo nghĩa của từ điển Ta và từ điển Tàu giảng hai chữ “quốc mẫu”, thì GS Vũ Khiêu đã đẩy lùi lịch sử Việt Nam lại hàng trăm năm. Ông coi Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng khác nào thiên tử, nên gọi thân mẫu cụ Hồ là “quốc mẫu”. Chỉ khác là thời cổ đại, danh xưng “quốc mẫu” do thiên tử phong cho mẹ mình, còn nay tôn xưng này do chính GS Vũ Khiêu phong tặng; xưa kia “quốc mẫu” chỉ có nghĩa là “mẹ của thần dân”, thì nay GS Vũ Khiêu phong hẳn thành “mẹ chung của Tổ quốc Việt Nam”(!).

GS Vũ Khiêu chỉ giảng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cao nhất của dân tộc ta”, nhưng danh xưng “Cha già dân tộc” vẫn còn đó. Mà như thế, GS Vũ Khiêu gọi thân mẫu của cụ Hồ là “mẹ chung của Tổ quốc Việt Nam” sao đặng? Ấy là chưa nói đến chuyện, bà Hoàng Thị Loan được gọi là "quốc mẫu",  thì ai sẽ được GS phong là "quốc phụ"?

Lật thêm vài trang nữa thấy GS Vũ Khiêu giới thiệu đôi câu đối tại “đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An” như sau:

“Tới cổng nơi này, hoa cỏ như còn lưu dấu Bác;
Vào đền trong đó, khói hương gợi chút dãi lòng dân”.

Không biết “chút dãi lòng dân” ở đây là cái gì?
Lật thêm vài trang nữa…
Nhưng thôi!
Chữ nghĩa, sách vở của GS Vũ Khiêu là thế!

Tiếc rằng không ít người vẫn còn mê muội, sùng bái, xin bằng được “lời vàng ý ngọc” của GS Vũ Khiêu đem về khắc trên đá, khắc trên đồng, sơn son thếp vàng, treo cao khắp các đền đài trong nước, in ấn, phát hành bừa phứa mà không cần biết đúng sai thế nào, hay dở ra sao.

HTC/4/2017

[*] - Bạn đọc có thể kiểm chứng bằng cách tham khảo một số cuốn từ điển sau đây giảng về “triêu mộ” và “chiêu mộ” để thấy sự khác nhau của hai từ này như thế nào:
1.TRIÊU MỘ
-        “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí): “triêu-mộ • Buổi sớm, buổi tối <>Tiếng chuông triêu mộ”.
-          “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “triêu mộ • tt. Sớm và chiều: Tiếng chuông triêu-mộ”.
2. CHIÊU MỘ:
- “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex): “chiêu mộ • 招募 đg. [cũ] tìm người ở khắp nơi và tập hợp lại để làm việc gì [nói khái quát] chiêu mộ binh sĩ ~ “Treo bảng văn chiêu mộ dân binh, Chứa lương thực đợi ngày cử sự.” (Hoàng Tăng Bí); chiêu tập, mộ”.
- “Tự điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “chiêu mộ • Tuyển mộ (binh lính hay phu phen)”.

- “Từ điển tiếng Việt” (Lê Văn Đức): “chiêu mộ • đt. Mộ, tuyển người: Chiêu-mộ dân-quân, chiêu mộ dân phu”.

Thursday 3 August 2017

Quốc tế và thế giới khác nhau thế nào?

Phân biệt hai từ này không khó. 

Cái gì xảy ra giữa hai hay nhiều quốc gia với nhau thì gọi là quốc tế. Tiếng Anh, tiếng Pháp dùng từ international (intergiữa, nationquốc gia). Một trận cầu giữa Việt Nam và Cam-pu-chia là một trận cầu quốc tế, y như một trận banh giữa Ác-hen-ti-na và Hà Lan. Nếu mình đá thắng được hết các đội có tên trên đời này thì mình ẵm cúp thế giới (World Cup) và được người ta gọi là vô địch thế giới (World Champion). Hoa hậu Thế Giới là nữ hoàng sắc đẹp của cả thế giới, ở một đẳng cấp cao hơn hoa hậu châu Á - cả  Miss World Pageant và Miss Asia Pageant đều là các cuộc thi quốc tế.

Nếu lập một công ty lấy tên tiếng Anh là The International Youth Movement for Human Rights Foundation Ltd thì Tây không thể bắt bẻ gì về quy mô, tầm vóc của công ty đó. Chỉ cần hai người trẻ tuổi, chẳng hạn một người Việt ở Úc kết hợp với một người Việt ở Mỹ hay ở Việt Nam cũng được, không nhất thiết phải có người Tàu, người Mã, người In-đô... Nhưng khi mình dịch tên đó sang tiếng Việt là Phong Trào Tuổi Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền, không người nào biết tiếng Việt có thể ngộ nhận về tầm vóc, quy mô của công ty. Nó vĩ đại hơn hẳn.

Thursday 13 July 2017

Hội đồng chiến tranh nào cần thông ngôn?

Trần Hữu Tá (2016:14) viết về việc các quan chức thực dân không ưa Trương Vĩnh Ký:

Và D'Ariès tỏ thái độ: "Tôi không muốn chỉ định ông ta để Ngài chọn làm thông dịch viên cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta".
(Từ bục giảng đến văn đàn - Chân dung 25 người thầy, nhà xuất bản Trẻ, Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016,, 136 tr.)

Nghĩ mãi không ra hội đồng chiến tranh nào cần thông ngôn. Vả lại thời Trương Vĩnh Ký làm gì có cơ quan nào gọi là hội đồng chiến tranh.
Ông Trần Hữu Tá có lẽ chép lại của Nguyễn Vy Khanh:
 Một bức thư của chỉ huy trưởng D’Ariès gửi đô đốc Charner đề ngày 21-5-1861 đề cử Trương Vĩnh Ký : "trong số người Nam nói được ngôn ngữ của chúng ta chỉ có một người tên là Petrus Ký là biết khá rành rẽ có thể giữ các chức vụ Ngài muốn thiết lập bên cạnh các thẩm quyền quân sự của chúng ta", nhưng D’Ariès than phiền thái độ hợp tác lơ là của người thanh niên 23 tuổi này: "từng là nhân viên Sở Sự vụ bản xứ Sài-Gòn, ông ta đã bị sa thải vì thiếu mẫn cán và tận tụy, rất thông minh, rất có khả năng làm tốt công việc, nhưng ông ta dần dà đánh mất sự tin tưởng tạo được. Tôi không muốn chỉ định ông ta để ngài chọn làm thông dịch viên cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta". Dù vậy vị tổng chỉ huy Charner nói trên vẫn chọn Trương Vĩnh Ký và đưa ra các điều kiện để D’Ariès chuyển lại họ Trương "40 đồng một tháng và phải luôn có mặt tại Sài-Gòn".
(http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky-nguyenvykhanh)

Conseil de guerre trong tiếng Pháp có thể là hội đồng chiến tranh/bộ chỉ huy tối cao/hội đồng quốc phòng, tức là những chỗ mà cả Tây như d'Ariès hay Ta như Trương Vĩnh Ký không chen chân vào được. Nhưng conseil de guerre còn một nghĩa nữa là tòa án binh/ tòa án quân sự. Công việc mà viên đại tá hải quân d'Ariès nói đến chỉ có thể là việc thông dịch ở tòa án binh.


Wednesday 14 June 2017

từ nguyên của "NHÀ CẢ" trong thơ Nôm Nguyễn Trãi (Trần Trọng Dương)

Từ nguyên của "NHÀ CẢ" trong thơ Nôm Nguyễn Trãi

nhà cả ◎ Nôm:
dt. dịch chữ đại trạch大宅, nghĩa là “trời đất, kiền khôn, vũ trụ” [Từ Nguyên: 0358]. Sách Hậu Hán thư phần Phùng Diễn liệt truyện: 游精神於大宅兮 (thần khí chơi khắp vũ trụ chừ).
Đống lương tài có mấy bằng mày, Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay. (Tùng 219.2).

Trong bài thơ, rõ ràng là cả đống lương (phẩm chất kẻ trượng phu) và nhà cả đều được dùng với nghĩa bóng. Không có chuyện gỗ tùng có thể chống nhà lớn. Vì nếu đã làm cột thì lấy đâu cội rễ bền, còn dâu “nhuốm tuyết sương”. Tác giả đem đến cho ta một hình ảnh tùng trực diện giữa trời đất thiên nhiên và một biểu tượng về đại trượng phu tùng trong ngầm ý so sánh với chính phẩm cách mình, tâm trạng mình [Nguyễn Hùng Vỹ 2005: 34].
(Trích Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển)


Nhân đây xin đăng lại toàn văn bài của Nguyễn Hùng Vỹ.


Hai chữ NHÀ CẢ trong bài thơ “Tùng” của Nguyễn Trãi
Nguyễn Hùng Vĩ

“Tùng” là một bài thơ hay nằm trong di cảo thơ Nguyễn Trãi. Nó không bị lẫn vào các thơ Nôm Lê Thánh Tông, Tao Đàn hay thơ ca thời Lê- Trịnh. Các nhà sưu tập thơ Nguyễn Trãi đều để tâm đến bài thơ này khi phiên âm và chú giải nó. Bùi “Tùng” đã vào sách giáo khoa và được chú thích, bình giảng nhiều lần. Song rất tiếc, có hai chữ trong bài thơ này chưa được hiểu cặn kẽ, thậm chí còn được hiểu sai lệch. Đó là hai chữ “nhà cả” trong câu thơ:
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay.
Các tác giả cuốn “Nguyễn Trãi toàn tập” (Nxb.KHXH, 1976) chú thích về hai chữ này: “nhà cả: chữ Hán là đại hạ. Có câu thơ “nhất mộc chi đại hạ” (một cây đỡ tòa nhà). Câu này có ý là mình đã từng đôi phen làm cái việc lớn ấy.
Chúc thích này cung cấp cho ta những thông tin sau:
- Nhà cả là dịch từ chữ đại hạ.
- Đòi phen được hiểu là “đôi phen”.
- “Tòa nhà lớn” được hiểu là “triều đình”, “đỡ tòa nhà lớn” là làm việc triều đình, làm làm lương đống cho quốc gia.
Có lẽ từ chú giải này, sách giáo khoa dần dần chỉ hiểu rằng cây tùng cây tùng có thể làm rường cột để xây dựng ngôi nhà lớn cũng như người quân tử có thể làm lương đống cho nước nhà.
Trước đây, khi tiếp xúc với văn học Nguyễn Trãi, chúng tôi đã có ý nghi ngờ chú giải cho rằng, gỗ tùng có thể là vật liệu khỏe để xây dựng nhà cửa. Trong quan sát văn hóa truyền thống, ở Việt Nam, hầu như chúng tôi chưa thấy người ta dùng thông làm rường cột chịu lực bao giờ. Gỗ thông mềm, dọc thớ, dễ choác, dễ mục. Ngay cả việc dùng nó làm ván vách trwcs đây cũng cực kỳ hiếm hoi. Như vậy, ắt hẳn hai từ “nhà cả, trong bài thơ không thể hiểu là ngôi nhà lớn, cụ thể như nhiều người vẫn hieur. Nguyễn Trãi khi sáng tạo ra bài thơ này đã không dùng với nghĩa đó.
Trong Quốc âm thi tập , chúng tôi thấy tất cả các kết cấu có gắn liền với từ cả đều có dấu ấn của sự chuyển dịch từ những ẩn ngữ Hán. Ví dụ như:
- Liêm cần tiết cả (đại tiết) tua hằng nắm.
- Ẩn cả (đại ẩn) lọ chi thành thị nữa.
- Người xưa ẩn cả lọ lâm tuyền.
- Tự nhiên cả muốn (đại dục) chúng suy nhường.
- Kìa ai cây cả (đại thụ) nhàn ngồi tựa.
- Hằng lấy đạo trung làm nghĩa cả (đại nghĩa).
- Cả lòng (đại lượng) mượn lấy đắp hơi cùng.
- Tài đống lương cao ắt cả dùng (đại dụng).
Tất cả các từ trên đều được các từ điển và các chú giải thơ ca giải thích nghĩa ẩn dujg của nó. Ngay cả trường hợp từ cả đứng một mình trong câu thơ sau:
Nước càng tuôn đến bể càng cả.
Thì cũng gợi ý ta nhớ về thành ngữ quen thuộc “tràng giang đại hải”. Rõ ràng là trong việc xây dựng ngôn ngữ thơ ca, văn học Việt Nam đã tiếp thu tinh hoa một nền văn chương kỳ cựu nhất thế giới, một nền thơ ca giá trị nhất thế giới để làm giàu có cho mình.
Có thể hai từ “nhà cả” trong câu thơ của Nguyễn Trãi là chuyển dịch từ hai từ đại hạ như tác giả NTTT đã chú vì hai từ này có nghĩa bóng rộng hơn là ngôi nhà lớn. Song chúng tôi cho rằng hợp lý hơn cả là Nguyễn Trãi đã chuyển dịch từ hai từ “đại trạch”.
“Trạch” trong từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích nghĩa là “nhà ở, mồ mả, ở”. Từ nguyên giair thích “đại trạch” nghĩa thứ nhất, phổ biến là “thiên địa”, nghĩa thứ hai là ngôi nhà lớn dành cho các vua chư hầu. Đến đây đọc lại đoạn thơ của bài Tùng ta thấy tác giả đã dùng từ nhà cả rõ ràng với nghĩa “trời đất”, “thiên địa”, “vũ trụ|:
Đống lương tài có mấy bằng mày
Nhà cả đòi phen chống khỏe thay
Cội rẽ bền rời chẳng động.
Tuyết sương đã thấy đặng nhiều ngày.
(Năng lực, phẩm cách làm lương đống có mấy ai bằng được tùng
Bao phen đứng ”chống trời chống đất” vững vàng thay.
Thế mà cội rễ vẫn bền chuyển chẳng hề lay
[Vì đứng giữa đất trời nên] thấy nhiều ngày nhuốm trải tuyết sương).
Trong bài thơ, rõ ràng là cả đống lương (phẩm chất kẻ trượng phu) và nhà cả đều được dùng với nghĩa bóng. Không có chuyenj gỗ tùng có thể chống nhà lớn. Vì nếu đã làm cột thì lấy đâu cội rễ bền, còn dâu “nhuốm tuyết sương”. Tác giả đem đến cho ta một hình ảnh tùng trực diện giữa trời đất thiên nhiên và một biểu tượng về đại trượng phu tùng trong ngầm ý so sánh với chính phẩm cách mình, tâm trạng mình, một con người đâu chỉ ẩn dật, khách lâm tuyền mà còn là một đấng trượng phu như sách Mạnh tử nói: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất.
Viết đến đây, tôi thoạt nhớ đến câu thơ của Mai Nham Trần Bích San:
Tiếu hàn nhiên hậu tri tùng bách
Nhân bất phong sương vị lão tài.

Saturday 10 June 2017

Vông mồng gà (Đông A)

Vông mồng gà

Photobucket

いろみえて
うつろふ物は
世中の
人の心の
花にそありける

iro miede 
utsurou mono wa 
yo no naka no 
hito no kokoro no 
hana ni zo arikeru 

Ono no Komachi

Sắc ngoài không phai
mà vẫn biến đổi
là hoa trong lòng 
của người từng trải
ở cõi đời này

Lần đầu tôi thấy cây hoa này ở một con phố nhỏ ở Hà Nội. Tôi không biết cây hoa có tên là gì, hỏi những người bạn đi cùng cũng không ai biết. Về nhà tra Google mới biết là cây vông mồng gà, có tên khoa học là Erythrina crista-galli. Nhìn bức ảnh tôi chụp ở trên, bạn có nhận ra đặc điểm gì đặc biệt của Hà Nội không? Bụi. Bụi bám trên những chiếc lá. Hà Nội của tôi bụi bặm, đông đúc và ồn ào. Không gian ngột ngạt, chỉ còn những chùm hoa như những ngọn lửa trên cây, như phương Tây gọi cây là cây bông lửa (flame tree), và không biết đến bao giờ chúng mới bùng cháy cả Hà Nội này, và tôi chợt nhớ tới bài thơ của Akhmatova mà tôi đã từng dịch:

... Và tôi cảm thấy những ngọn lửa cháy rực
Bốc cùng tôi cho tới tận rạng đông
Và tôi vẫn chưa làm sao dò ra được 
Chúng màu gì, những con mắt đó lạ lùng
Tất cả vừa run run vừa ca hát bốn phương
Lẫn cả tôi không nhận ra, ngươi kẻ thù hay bè bạn
Và mùa đông hay mùa hạ ở đây.

Thiết mộc lan (Đông A)

Thiết mộc lan

Photobucket

夜の蘭 香にかくれてや 花白し
yoru no ran ka ni kakurete ya hana shiroshi
Buson

Dạ lan
trong mùi hương ẩn giấu
màu hoa trắng

Bài haiku của Buson viết về một loài hoa lan nở trong đêm. Trong bóng đêm chúng ta không nhìn thấy sắc hoa nhưng ngửi thấy hương hoa, cứ như là cây giấu hoa của mình trong mùi hương. Hương vị che giấu màu sắc là một cảm nhận rất vi tế.

Thiết mộc lan có tên khoa học là Dracaena fragrans, không phải là một loài hoa lan. Hoa của thiết mộc lan cũng nở vào buổi tối và hương cũng rất thơm. Thiết mộc lan rất dễ trồng và rất dễ sống. Đây cũng là loại cây có tác dụng lọc formaldehyde trong không khí, và theo nghiên cứu của NASA là một trong top 10 loài cây lọc không khí tốt nhất, và như vậy rất có ích trồng ở trong nhà.