Thursday 14 November 2019

Chứng vĩ cuồng: Hiện tượng và căn nguyên (Cao Xuân Hạo - Văn Hóa Nghệ An)

Chứng vĩ cuồng: Hiện tượng và căn nguyên

  •   Cao Xuân Hạo
  • Thứ năm, 06 Tháng 10 2011 16:26
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Có một người bạn làm trong một cơ quan lưu trữ cho tôi biết rằng mỗi năm cơ quan anh phải thanh lý mấy tấn hồ sơ mà nội dung là những sáng kiến phát minh vĩ đại từ khắp nơi trong nước gửi đến ùn ùn, trong đó các tác giả hiến cho nhà nước những biện pháp không tiền khoáng hậu để biến nước ta thành nước tiên tiến trong một thời hạn kỷ lục. Anh bạn nói rằng ông giám đốc rất tiếc các hồ sơ ấy, nhưng mấy tòa nhà của cơ quan không thể nào chứa nổi số phát minh tới tấp đổ xuống như mưa kia, cho nên đành phải thanh lý thật nhanh sau khi gửi đến nhờ các cơ quan có thẩm năng duyệt qua và nhận được từ các cơ quan đó một câu trả lời dứt khoát, thường là "Bất khả thi" hoặc "Tác giả không hiểu chút gì về lĩnh vực đang bàn".
 Ðể minh họa, tôi chỉ xin đơn cử trường hợp của nhà phát minh đề nghị mượn một tên lửa vượt đại châu của Liên Xô để bắn vào Bắc cực ở một góc độ nhất định, làm trục quay của trái đất lệch thêm mươi độ, sao cho Việt Nam thay vĩ độ và trở thành một nước ôn đới (vì tác giả tin rằng chỉ có khí hậu ôn đới mới thích hợp với một tốc độ phát triển vũ bão, cho phép ta đuổi kịp và vượt xa các nước tiên tiến).
 Cái số mấy trăm nghìn hồ sơ phát minh ấy, trong khi cho thấy một tinh thần yêu nước chân thành và thiết tha của các nhà phát minh, đồng thời cũng cho thấy tình hình sức khỏe tâm thần không ổn của họ, và cho phép suy ra con số đáng ngại của những người đang cần đến sự săn sóc của các bệnh viện tâm thần.
 Khi tôi nói chuyện này với một người bạn làm bác sĩ tâm thần, bạn ấy bảo tôi là ngay trong các sách vở được xuất bản, hẳn cũng có khối ý tưởng hoang đường không kém mà mọi người coi là bình thường. Bạn ấy lấy ngay một cuốn sách dạy ngoại ngữ và chỉ cho tôi dòng sau đây: "Trong hiệu sách có bán sách, báo, tạp chí và các tiểu thuyết khác" (câu này được viết bằng tiếng Nga). Anh bạn bác sĩ kết luận rằng người viết câu này lẽ ra phải đi bệnh viện từ lâu, nhưng những người như thế quá đông và có uy tín lớn, cho nên khó đưa họ vào bệnh viện lắm.
 Tôi bất giác liên hệ tới một nhà ngữ học phân các động từ làm 5 loại: 1) Ðộng từ nội động; 2) Ðộng từ ngoại động; 3) Ðộng từ nửa ngoại động; 4) Ðộng từ trừu tượng; ) Ðộng từ nói năng. Không thể nào hiểu nổi làm sao lại có thể có hai loại sau và làm sao lại không thể xếp chúng vào một trong ba loại đầu. Cách phân loại này hoàn toàn giống cách chia sự vật thành mấy loại: 1) sinh vật; 2) vô sinh vật; 3) cá; 4) gió. Thế mà mãi hai mươi năm sau mới có một tác giả trẻ nêu ra tính phi lý (đúng hơn, phải nói: tính điên rồ của cách phân loại động từ nói trên) và bài của anh ta vừa mới in xong đã bị một bậc thầy phê là "đọc chưa hiểu mà đã dám phê phán một tác giả lớn" như thế. Của đáng tội, làm sao anh bạn trẻ kia hiểu được, khi anh ta tư duy theo cái cách tầm thường và hèn hạ của toàn nhân loại, trong khi tác giả lớn kia có cách tư duy riêng, không cần đến lô gích, của bậc vĩ nhân xuất chúng?
 Cách đây không lâu có một cuốn sách giáo khoa mà chương nào, mục nào cũng mở đầu bằng câu: "Lâu nay người ta cứ tưởng rằng (...) nhưng thật ra thì (...)". Cái mà "lâu nay người ta tưởng" là những sự thật đã được cả loài người công nhận như "hai với hai là bốn" chẳng hạn, còn mấy chữ "thật ra thì" là những phát minh kiểu "hai với hai là chín" mà chỉ có những thiên tài như tác giả mới hiểu được. Cuốn sách ấy dày hơn 300 trang, mỗi trang đều chứa đựng những phát minh như thế mà không có lấy một lời biện hộ hay chứng minh, vì tác giả tin chắc rằng tư tưởng của mình là chân lý tuyệt đối và hiển nhiên, chỉ có nhân loại tầm thường mới không biết, và các nhà khoa học đi trước ngu dốt đến nỗi một vĩ nhân như tác giả ấy không hơi đâu mà hạ mình xuống tranh luận với họ.
 Trên đây là một vài biểu hiện của chứng vĩ cuồng, một chứng bệnh tâm thần có vẻ vô hại vì quá lắm cũng chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn chuyện tiếu lâm, nhưng lại có thể trở thành rất nguy hiểm trong những điều kiện nhất định, khi nó nhiễm vào những người làm nghề viết lách hay giảng dạy, nhất là những người có tên tuổi hay có học hàm học vị. Vào tay những người này, nó có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người.
 Một tình hình báo hiệu điềm gở là khi nghe hay đọc những điều quái đản mà chúng tôi vừa dẫn trên đây, phần đông đều thấy là bình thường, hợp lý và lành mạnh, và khi có ai tỏ ý kinh hoàng, thì chính người ấy bị mọi người coi là bệnh hoạn, hay vô đạo đức, vì đã có những lời lẽ bất kính đối với người trên.
 Cho nên thiết tưởng cũng không đến nỗi thừa nếu ta thử khảo sát thực trạng và đi tìm căn nguyên của chứng bệnh này.
 Vĩ cuồng (mégalomanie) là một bệnh tâm thần mà người ta thường tưởng là chỉ có một số nhân vật lịch sử hãn hữu như Nero hay Hitler. Thật ra, ít nhất ở ta hiện nay, nó khá phổ biến. Vì sao? Căn nguyên là ở đâu?
 Trong một cuốn phim của Xưởng phim truyền hình Việt Nam, hai anh bộ đội phục viên đang thất nghiệp, tâm sự với nhau về căn nguyên của cái nghèo. Một anh nói: "Chẳng qua cũng chỉ vì nghèo. Càng nghèo càng dốt, càng dốt lại càng nghèo". Hình như đó cũng là một chân lý. Nhưng xem ra, có lẽ cái chuỗi "DỐT - NGHÈO - DỐT" này còn thiếu một khâu nữa mới thật trọn vẹn: đó là khâu "KIÊU": Càng nghèo càng dốt, càng dốt càng kiêu, càng kiêu càng dốt, càng dốt càng nghèo.
 Phàm sinh ra ở đời, ai cũng dốt. Ði học được mươi năm, ta bớt dốt đi chút ít, nhưng người học sinh thông minh và biết điều hiểu rõ rằng những gì mình biết được so với những gì mình chưa biết chỉ là hạt muối bỏ biển, cho nên càng học càng thấy mình dốt. Thành thử có thể định nghĩa người có học thức là người biết mình dốt, hay nói như Khổng tử, "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri gia"; "biết cái gì thì biết là mình biết cái ấy; không biết thì biết là mình không biết, ấy là biết vậy".
 Có lẽ đó chính là cái yêu cầu, cái lý tưởng khó thực hiện nhất đối với người "có học thức". Nó đòi hỏi nhiều đức tính rất khó có ở con người. Là người, ai cũng bị rất nhiều thứ áp lực thúc bách, trong đó áp lực mạnh nhất là áp lực của nhu cầu tự khẳng định. Nhu cầu này là trở ngại lớn nhất cho ý thức "tri chi vi tri chi". Trong những điều kiện khó khăn như ở nước ta (nhất là trong thời chiến), người ta cần có địa vị, cần có bằng cấp, và cho thật nhanh. Học thì lâu quá, và nhiều người trong thâm tâm cũng biết là mình không đủ sáng dạ để học cho thật nhanh. Phải đi bằng con đường khác. Có những con đường có sức cám dỗ rất lớn - những con đường tắt và những con đường vòng của sự gian trá. Nhưng sự gian trá không phải không nguy hiểm. Nó có thể bị bại lộ. Có những người có lương tâm quá lớn, không thể tự dung túng cho mình sự gian trá. Mặt khác, không thể chọn con đường lao động học tập. Bị khép chặt giữa hai sức mạnh quá lớn, cõi vô thức trong tâm lý của những người ấy chọn một con đường thứ ba: một buổi sáng đẹp trời nào đấy, có một cái gì lóe lên trong trí họ. Họ chợt giác ngộ ra rằng họ là một người không cần học gì hết, vì một lẽ đơn giản là họ đã biết hết rồi, họ là một vĩ nhân, cách xa nhân loại hàng chục năm ánh sáng. Họ chợt hiểu rõ như ánh ban mai rằng những sách vở "kinh điển" mà họ đọc mãi không hiểu và tưởng đâu quá khó đối với mình, chẳng qua là một mớ giấy lộn do những đầu óc ngu đần viết ra - sản phẩm của những con người không đáng là học trò của họ. Trang tử, Mặc tử, Platon, Aristote, Einstein, Marx - một lũ dốt nát mà không hiểu tại sao người ta sùng kính. Sở dĩ mình đọc mãi mà không hiểu là vì những con người đó quá thấp so với tầm cỡ mình. Họ lấy làm lạ là sao ba bốn chục năm trời mình mới phát hiện được một điều đơn giản như vậy.
 Cái hạnh phúc ấy quá lớn để họ có thể khước từ. Nó đưa những người như thế từ địa ngục lên thiên đường. Nó biến họ từ con sâu thành thần thánh. Từ nay, họ bước đi trên đường đời, lòng tràn đầy hoan lạc, nhìn xuống đám nhân loại tội nghiệp kia đang chìm trong cõi u tối, giương mắt bé nhìn mình mà không biết là đang nhìn ÁNH SÁNG CỦA CHÂN LÝ TUYỆT ÐỐI.
 Cần lưu ý rằng họ đi đến sự thể này không phải do họ muốn. Họ không thể làm khác đi được. Họ chỉ là những nạn nhân, hoàn toàn bị động và vô thức. Họ như những người bị choáng hay bị ngất. Cho nên ta không thể trách họ. Cái giây phút oan nghiệt mà họ đã trải qua khi đột ngột trở thành vĩ nhân trước mắt chính mình, chỉ là kết quả cuối cùng của một quá trình tác động của những nhân tố phức tạp, khách quan có, chủ quan có, có thể kéo dài mấy chục năm.
 Chứng vĩ cuồng không có cách gì chữa được. Không có cách gì lôi một con người ra khỏi cõi cực lạc mà họ đã đắm mình vào một cách hoàn toàn vô thức. Chính vì sự giác ngộ về sự vĩ đại của bản thân là hoàn toàn vô thức, cho nên không có cách gì chứng minh cho đương sự thấy rằng đó là một ảo giác.
 Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là một bệnh nan y như thế. Cách đề phòng duy nhất là làm sao các thế hệ đang lên không mắc vào cái họa ấy. Và muốn thế, chỉ có một cách là gạt bỏ mọi trở ngại trên con đường học vấn của con em chúng ta, làm sao cho chúng tiến đủ nhanh trên con đường ấy để khỏi bị dồn vào cái thế bí, buộc chúng tự huyễn hoặc mình bằng những ảo ảnh sinh ra từ chứng vĩ cuồng, để chúng luôn luôn nhớ rằng mình còn dốt, rất dốt, nhưng không phải là dốt một cách vô vọng, chỉ cần kiên nhẫn ít lâu là có thể đuổi kịp các bạn cùng lứa trên thế giới, rồi từ đó rất có thể vươn tới những đỉnh cao chân chính của khoa học hay nghệ thuật, chứ không phải những đỉnh cao hư ảo của sự điên rồ.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 2000
Nguồn: vannghe.free

Wednesday 13 November 2019

Bàn về chuyện tự học (Cao Xuân Hạo - Học Thế Nào)

Bàn về chuyện tự học
Trước hết, cần phải nói rằng, tự học là một chuyện vạn bất đắc dĩ, vì ai cũng biết câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”. Một câu hoàn toàn đúng, đúng hơn là người ta tưởng rất nhiều.

Có lẽ không ai lại không muốn có thầy khi cần học một nghề gì, hay dù chỉ là một trò hay một mẹo vặt nào cũng vậy. Và dù không có thầy “chính danh” thì vẫn có thể học từ những người mình quen biết. Đôi khi những người này, chính nhờ cái số đông và tính đa dạng của họ, còn có thể dạy cho mình nhiều hơn và một cách có hiệu quả hơn cả thầy nữa. Học thầy không tày học bạn kia mà!
Viết đến đây tôi sực nhớ đến lời một nhà văn Pháp mà tôi không nhớ tên, nói rằng xưa nay chưa có và không thể có người nào thực sự tự học cả. Và chỉ có những kẻ cực kỳ hợm hĩnh và vô ân mới có thể nói khoác rằng mình là người tự học.
Quả đúng như vậy: ai mà chẳng học của người khác? Làm gì có ai không nhờ người khác mà biết được phần lớn những gì mình biết? Trước tiên, người ta học mẹ mình, rồi đến bố mình, rồi đến những người sống quanh. Và nếu không nhớ điều đó mà nói rằng tự mình tìm biết lấy mọi sự thì đúng là cực kỳ ngu dại, hợm hĩnh và vô ân.
Cho nên, phải hiểu hai chữ “tự học” theo một nghĩa hẹp hơn rất nhiều, kể cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Và nếu có ai không được một người thầy trực tiếp dạy bảo cho một cái gì đấy, thì cũng có những người thầy gián tiếp dạy mình bằng tấm gương của cách sống và cách hành động của họ. Tấm gương ấy có thể tích cực hay tiêu cực: những hành vi xấu xa hay đáng ghét mà ta chứng kiến và thể nghiệm từ người khác cũng bổ ích cho ta không kém gì những hành vi tốt đẹp, nếu ta nhờ cái “tính bản thiện” vốn có của con người mà biết ghét cái xấu và yêu cái tốt.
Sau khi đã hạn định khái niệm “tự học” như vậy, ta hãy trở về với hai chữ tự học đúng như số đông thường quan niệm. Người tự học là một danh từ (hay danh ngữ) có ít nhiều sắc thái “xấu nghĩa” trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Cho nên ngay cả những người vốn tự hào rằng mình tự học mà thành tài cũng thấy khó chịu khi có ai giới thiệu mình bằng danh từ này. Vì, trong ý thức của phần đông, khó lòng có ai “tự học” mà thành tài thực sự, và chính những người “tự học” cũng có phần nào chia sẻ cái ý thức ấy, dù những người tự học có tự hào đến đâu về những nhân tố chủ quan và khách quan đã cho phép họ gây dựng lấy sự nghiệp của mình.
Cách đây bốn mươi năm, một người bạn học cũ, khi thấy tôi ngồi mỗi ngày mười tiếng trong Thư viện Khoa học ở phố Lý Thường Kiệt để đọc cho bằng hết các sách ngôn ngữ học, tri thức luận và logic học trong đó, có khuyên tôi thôi làm cái việc dã tràng xe cát ấy đi, vì nếu muốn học giỏi bằng một anh phó tiến sĩ của Nga, một người Việt Nam tự học phải thông minh gấp ba và đọc gấp mười mới được. Lòng tràn đầy tự ái, tôi đáp: “Sao anh biết tôi không thông minh gấp ba và sẽ đọc nhiều gấp mười nó?”
Thật ra, càng về sau, tôi càng hiểu là câu nói của bạn tôi hoàn toàn đúng.
Cố giáo sư Hoàng Tuệ có kể lại cho tôi và nhiều người khác nghe rằng, vào những năm 70, khi ông nhắc đến tên một nhà ngữ học Việt Nam có tiếng trong khi nói chuyện với A.G.Haudricourt, nhà ngữ học Pháp lừng danh này đã thốt lên một câu làm cho ông chột dạ: “Cái anh chàng tự học ấy sẽ không làm được gì nên thân đâu!”
Ông kể thêm rằng lúc bấy giờ, ông nghĩ bụng: “Chắc Haudricourt tưởng tôi là dân “chính quy”, tốt nghiệp đâu ở Liên Xô hay ở Mỹ về, mới nói như thế” (vì ông hiểu câu trên có hiệu lực đối với tất cả những người tự học). Ông quên mất rằng chính Haudricourt cũng là người tự học. Nhà ngữ học nổi tiếng này vốn là một kỹ sư Nông học, chưa hề được đào tạo chính quy về ngữ học bao giờ, nhưng đã viết nhiều sách và bài vở về ngành này, nhất là về ngữ học lịch sử. Và ngay sau khi chứng minh được nguồn gốc Môn-Khmer của tiếng Việt năm 1954, 1959 thông qua sự chuyển biến của các phụ âm thành thanh điệu, ông đã được toàn giới đồng nghiệp trên thế giới coi là một nhà ngữ học lớn, mặc dầu mãi đến năm 1984, nghĩa là khi đã thành một cụ già bảy mươi mấy, ông mới có bằng tiến sĩ.
Kinh nghiệm ấy của Haudricourt và của một số nhà bác học khác cho thấy rằng người tự học không phải bao giờ cũng kém cỏi. Và nếu đem số người tự học mà thành tài so với số người có bằng cấp hẳn hoi mà dốt nát, chưa chắc bên nào đông hơn. Nhưng cái định kiến làm cho hai chữ tự học có sắc thái coi thường tuyệt nhien không phải là vô căn cứ. Nói gì thì nói, chứ những khó khăn mà người tự học chắc chắn là lớn gấp bội so với những khó khăn của người được đào tạo chính quy.
Trên con đường học vấn của người tự học nhan nhản những cạm bẫy cực kỳ nguy hiểm khiến cho tri thức của họ có nguy cơ lệch lạc hoặc chứa những lỗ hổng rất lớn mà bản thân họ không hay biết. Tôi và các bạn đồng nghiệp đã từng nhiều lần giật mình toát mồ hôi lạnh mỗi khi nhận ra một lỗ hổng to tướng nằm trong vốn tri thức của mình, trong khi đang làm nhiệm vụ của người dẫn đường cho cả một lớp thanh niên đi theo với một lòng tin tuyệt đối.
Cố bộ trưởng Tạ Quang Bửu có một bài viết rất hay về giai đoạn khủng hoảng tinh thần mà một số nhà phát minh lớn trong lịch sử nhân loại đã trải qua, khi họ giật mình nhận thấy điều họ mới phát minh bác bỏ các bậc tiền bối của họ một cách quá phũ phàng. Vì lòng ngưỡng mộ và sùng kính sâu xa đối với những người mà xưa nay họ vẫn coi là thầy, họ thấy mình quá táo tợn và hỗn xược. Một câu hỏi khủng khiếp hiện lên trong tâm trí họ: “Chẳng lẽ những con người từng làm loé lên trong tâm trí mình cái tia sáng làm nên tất cả những gì giá trị nhất trong tri thức của mình, chẳng lẽ những con người ấy sai? Hay chính vì còn quá dốt mà mình nghĩ ra cái điều mới mẻ này, cái phát minh mà mình tưởng đã đủ để phủ định họ?”
Thế là các nhà cách tân bắt đầu soát lại từ đầu những luận điểm của mình để tìm cho ra cái chỗ sơ hở nào đó đã dẫn tới chỗ phủ định các bậc thầy. Cái việc đó làm thành một cơn vật vã kéo dài suốt một thời gian dài lao tâm lao lực. Hầu hết các nhà khoa học lớn, trước khi dám công khai phủ nhận những lời phàn truyền có tính chất Thánh kinh mà họ đã học thuộc lòng từ thuở bé từ những bậc tiền bối mà họ vẫn hằng sùng kính, đều phải trải qua cơn vật vã ấy.
Ở đây có thể có hai khả năng. Một là người làm khoa học, sau những cố gắng kiểm nghiệm lại, thấy rõ mình nhầm ở một cái khâu nào đó, bèn từ bỏ giả thuyết đã đề ra, trở lại điểm xuất phát và bắt đầu lại quá trình khảo sát. Hai là anh ta cảm thấy mình không nhầm, ngay cả khi nghe những lời phản biện của các bạn và các thầy, vì anh có được những lý lẽ căn cứ trên những dữ liệu đủ chắc chắn để bác bỏ những lời phản biện đó và xác nhận lý thuyết của mình như một bước cách tân thực sự. Dù kết quả của cuộc kiểm nghiệm ấy có đau xót ra sao, thì anh ta cũng trưởng thành lên một bước rất dài. Miễn sao anh trung thực với chính mình và với các sự kiện có liên đến vấn đề, để chấp nhận một kết luận đúng, dù nó có làm tổn thương đến lòng tự ái của anh đến đâu đi chăng nữa.
Với người tự học, khả năng vẫn nhầm lẫn ngay cả sau khi trải qua cuộc khủng hoảng ấy lớn hơn rất nhiều so với người được đào tạo chính quy. Vì sự phản biện trong cảnh cô đơn là việc cực kỳ khó khăn. Ở đây có một vực thẳm không đáy chờ sẵn người tự học: đó là thảm cảnh của chứng vĩ cuồng, mà tôi đã có dịp bàn ở một chỗ khác. Lâm vào thảm cảnh này, người tự học sẽ trở thành kẻ điên rồ không phương cứu chữa, một phế nhân không có lấy được niềm an ủi tối thiểu của các phế nhân là lòng thương xót của đồng loại: không ai có thể xót thương một kẻ giương giương tự đắc, tự cho phép mình khinh miệt mọi người chỉ vì mình học không đến nơi đến chốn.
Người trí thức chân chính không hẳn là người biết nhiều. Điều quan trọng hơn là họ biết rõ mình biết cái gì, và không biết cái gì. Biết rõ mình không biết cái gì khó gấp ngàn lần biết rõ mình biết cái gì. Và điều đó chính là thước đo chính xác nhất của cái gọi là “trình độ văn hoá”.
Người có học vấn thực sự, nhờ đã trải qua những bước đường gian nan, cực nhọc để có được những tri thức mà trước kia mình tưởng rất dễ, biết rằng những điều mình học được chỉ như hạt muối bỏ bể so với những điều mình chưa học. Và bao giờ cũng phải có học một cái gì đã, rồi mới bắt đầu biết là mình không biết cái gì. Cho nên người có học không bao giờ nghĩ rằng có những ngành nghề mà mình không cần giờ học nào cũng có thể bàn đến được, càng không bao giờ nghĩ rằng mình đủ sức viết hàng ngàn trang sách về những môn ấy để dạy mọi người.
Đáng tiếc là khá nhiều người đã thành công rực rỡ trong một lĩnh vực nào đó rất dễ có ảo giác là người lỗi lạc như mình học gì cũng giỏi và thậm chí không học cũng biết. Ngay từ cái giây phút mà ở người trí thức sinh ra cái ảo giác này, thì anh ta lập tức không còn là người trí thức nữa và trở thành con người lố bịch và ngu muội nhất thế gian: một kẻ vĩ cuồng. Đối với người tự học, cái hiểm hoạ này dễ trở thành hiện thực hơn đối với người học chính quy rất nhiều.
Cho nên, người tự học không nên tự ti, chỉ nên cảnh giác đối với bản thân. Không có một người thầy để kiểm tra mình, để thường xuyên nhắc nhở cho mình nhớ rằng mình chưa trở thành vĩ nhân trong lĩnh vực của mình và không biết gì trong các lĩnh vực khác, thì chính mình phải thường xuyên làm việc đó thay cho người thầy.
Nhưng trong thực tế, nhất là ở nước ta, số người có năng khiếu mà được học chính quy xưa nay cực hiếm, cho nên việc tự học cần phải được khuyến khích và giúp đỡ bằng mọi phương tiện. Ở các nước tiên tiến, nơi mà điều kiện để học chính quy rất thuận lợi , những loại sách tự học vẫn được xuất bản rất nhiều, và cho rất nhiều ngành nghề khác nhau, trong khi ở ta loại sách này rất hiếm (trừ sách học tiếng Anh).
Nhưng bao giờ nói đi rồi cũng phải nói lại: người được học chính quy không phải bao giờ cũng thành tài, cũng trở thành người có học thức. Bên cạnh cái định kiến cho rằng người tự học không bao giờ học đến nơi đến chốn, lại có cái định kiến cho rằng chỉ cần tốt nghiệp từ một trường lớn, có một người thầy danh tiếng lừng lẫy, là đủ bảo đảm một vốn học thức uyên thâm.
Đến đây, lại phải nói ra một điều mà thoạt nghe có vẻ ngược đời. Đó là dù có học trường gì, thầy nào nổi tiếng đến đâu chăng nữa, thì nhân tố quan trọng nhất, quyết định kết quả mỹ mãn của quá trình đào tạo vẫn là cái công tự học của người học trò. Tự học ở đây chỉ cái phần tích cực, chủ động, quyết đoán của người học. Vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình học tập là vai trò của người học, tuy vai trò của người dạy không phải không quan trọng.
Ở nhà trường, dù chỉ nói đến môn học chính, người đi học chỉ học một tuần mươi giờ là cùng. Thì giờ còn dư dùng để tự học (tự quan sát thêm sự kiện, tự tìm dẫn chứng, tự kiểm nghiệm thêm các giả thuyết, tự đọc thêm sách vở, tự liên hệ thêm với thực tế . ) nhiều gấp mấy 2-5 lần so với thì giờ trên lớp. Cho nên ngay đối với người học chính quy, việc tự học vẫn là chính, kể cả khi lên lớp nghe giảng hay hoạt động trong những buổi thảo luận
Người thầy giỏi có thể lầm cho một số học trò trở thành một người say mê môn học mà vốn mình không thích thú gì. Nhưng với một người thầy không giỏi, người học trò ham học cũng có thể tìm thấy hứng thú như khi đọc một cuốn sách hay. Còn với một người học trò không ham học chút nào thì dù thầy có gíảng hay đến bao nhiêu cũng không gây được men say trong lòng người ấy. Và dĩ nhiên họ không hơi đâu mà tìm sách đọc thêm.
Vả chăng, ở đây cũng còn phải tính đến nhiều nhân tố khác nữa: gia đình, môi trường xã hội
Người lấy danh vọng của trường và của thầy làm niềm tự hào của mình cũng không khác bao nhiêu so với người lấy tấm bằng làm mục đích của đời mình. Đó là những người lấy danh vọng và địa vị làm mục đích, chứ không phải là những người ham học. Họ cũng giống những người lấy danh vọng tổ tiên làm niềm tự hào cho đời mình. “Ông nội tớ đỗ trạng nguyên, thì tớ đủ hơn mọi người trong tỉnh rồi, còn gì phải học nữa?”
Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của di truyền. Cái gen tài năng rất có thể là một nhân tố không thể thiếu được trong sự nghiệp của một nghệ sĩ hay một nhà bác học. Nhưng xưa nay ai cũng biết không phải 100% con cháu dòng giống đều là những người tài năng. Như rất nhiều bậc thiên tài khác đã khẳng định, nhân tố di truyền chỉ cho ta điều kiện tiên quyết mà thôi. Là con nhà nòi, ta có đúng 10% khả năng trở thành nhân tài. Còn 90% nữa là do sức lao động bỏ ra trong ba bốn chục năm đèn sách. Con nhà nòi, dù có năng khiếu bẩm sinh đến đâu chăng nữa mà không dày công học hỏi, nghiên cứu và thực nghiệm, thì mãi mãi chỉ là kẻ thất học mà thôi.
Nói tóm lại, tự học là một cách học như mọi cách học khác, nhưng người không được học chính quy gặp khó khăn hơn nhiều, cho nên dễ nhầm lẫn hơn. Người đó cần hiểu hết những sự thiệt thòi mà mình phải chịu, và cố gắng lấp kín những kẽ hở có thể rất nhiều do không có người hướng dẫn.
Mặt khác, người được đào tạo chính quy cũng không thể không tự học, nghĩa là giữ vai trò chủ động trong việc tiếp thụ tri thức và bổ sung, chỉnh lí những tri thức đã được học từ những người thầy, trong đó không phải chỉ có những người thầy chính thức trực tiếp dạy mình, mà còn cả những người bạn và những người học trò của mình nữa.
Cao Xuân Hạo, Kiến thức ngày nay, số 396, năm 2001

Tuesday 12 November 2019

Hồng Công hay Hồng Kông?



Viết cách nào cũng được. Cả hai cách viết đều xuất hiện trên sách báo từ đầu thế kỷ 20, hoặc sớm hơn nữa, và đến nay vẫn tiếp tục được dùng phổ biến. Hồng Kông có phần trội hơn.

Hồng Công Hongkong / Hong-Kong / Hong Kong.[i]
Hồng Kông Hongkong / Hong-Kong / Hong Kong. giường ~  lit de Hongkong.[ii]


[i] * Ông nói : Tàu Hồng-công lại thì có hơn ba trăm người khách, hành lý lôi thôi, áo quần sộc-sệch, có lẻ họ đam cũa bên Trung-quấc qua lập nghiệp ở nước Nam đây, Lão-Ngạt tiên-sanh nhỉ ? Trung Lập Báo số 200 (1924:1, Lảo-Ngạt)
* Nghe nói mậu dịch thu mua, da thì vào nhà máy thuộc da, còn ngầu pín để xuất khẩu đi Hồng Công. Tô Hoài (2000 :40)
[ii] * Trên giường Hồng-kông, cậu tham ngủ mệt vẫn không thưa. Phong Hóa Tuần Báo số 15 (1932:3, T. K. G.)
* Tầu Commandant Henri Rivière chạy từ Hồng-kông đi Haiphong trở 200 hành khách Trung-hoa và nhiều hàng hóa, bị bọn giặc khách hơn 30 người đón cướp, lấy chừng 100.000 đô la ở két và lần lưng từng hành-khách để lấy của. Phong Hóa Tuần Báo số 77 (1933:12)
* Thế là ba, bốn trăm bạc bán vòng chỉ nửa tháng sau đã biến thành nào giường hồng-kông, nào sô-pha, nào đi-văng, nào màn ren, khăn ren đủ thứ. Phong Hóa Tuần Báo số 99 (1934:11, Khái-Hưng & Nhất-Linh)
* Nguy đến nơi ! tôi kéo nhanh cái áo va-rơ dạ tím, trong túi có đồng hồ vàng và ví đựng chín mươi đồng bạc Hồng-kông với mười hai đồng bạc ta. Ngày Nay số 9 (1935:5, Trí Dưỡng)
* Bom nổ ở tám nơi, tại Hồng Kông. Đoàn Thêm (1989-1967:168)
* Nhiều trái bom lại nổ ở Hồng Kông. Đoàn Thêm (1989-1967:233)
* Nghe đâu cả bên Hồng Kông và Pari cũng đòi mua gạc mua sừng mát in Đức Sinh!! Nguyên Hồng (2005c:879)

Monday 11 November 2019

Truyền thông 'định hướng' thị trường đang tạo ra gam màu tối cho đời sống văn hóa (Quốc Ngọc - Phụ Nữ)


Truyền thông 'định hướng' thị trường đang tạo ra gam màu tối cho đời sống văn hóa

07:38 11/11/2019
pno
Góc nhìn của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM cho thấy đang tồn tại những mối nguy hại trong đời sống văn hóa khi chạy theo thị trường, hội nhập mà thiếu nguyên tắc đúng đắn.
Nêu ý kiến tại hội nghị giao ban quý III/2019 của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM ngày 10/11, nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên nhận định sáng tác văn học, nghệ thuật đang xuống thấp một cách không tưởng. “Tàu Trung Quốc vào Biển Đông như thế, đáng lẽ ít ra phải có một bản nhạc nào đó nói lên lòng yêu nước, khí phách của dân tộc chứ. Tôi muốn nói về văn nghệ sĩ, không ai xúc động, không ai làm cả”, ông nói.
“Giờ vàng” khó phát “nhạc đỏ”
Theo ông Liên, lòng người hiện biến động dữ dội. Đặc biệt, lớp trẻ tin vào mạng xã hội với thông tin độc lạ mà không tin vào báo chí chính thống. Các diễn biến tư tưởng phức tạp này là hệ quả khi đi vào thị trường và hội nhập quốc tế, thì những vấn đề tư tưởng đang bị đặt vào hàng thứ yếu.
Ông Liên nêu quan điểm văn học, nghệ thuật phải đứng vào vai trò như thời chiến tranh. “Thấy kinh tế lên mà bỏ qua mặt trận văn hóa tư tưởng là sai lầm. Giữ chế độ này là giữ thành quả cách mạng, nhưng giờ bỏ qua hết, chạy theo giải trí, game show… Trong khi để kế thừa cái đã có thì làm không tốt, mà lại ca ngợi boléro của chế độ cũ thì chính là ca ngợi luôn đời sống của giai đoạn đó… Cũng từ khi đi vào thị trường, hội nhập, chúng ta lại quên đi biến động vô cùng phức tạp. Chương trình Âm nhạc Việt Nam - Những chặng đường trên VTV không biết chủ trương của Bộ Chính trị hay của ai, vì cái này ca ngợi nhạc của Sài Gòn cũ bằng những lời có cánh” - ông nói.
Truyen thong 'dinh huong' thi truong  dang tao ra gam mau toi cho doi song van hoa
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: Quốc Ngọc
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn cũng cho rằng, nói chua cay, mỉa mai như báo chí thì nhạc cách mạng hiện nay gần như đã “rút lui vào hoạt động bí mật”. Các chương trình chính thống muốn lên đài truyền hình vào giờ vàng thì khó lắm.
“63 tỉnh, thành thì có được bao nhiêu đài có phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch? Ít lắm. Cục Biểu diễn nghệ thuật từng bảo tôi: “Làm sao nhờ anh Năm Ẩn phát biểu giùm rằng, hiện nay không còn khái niệm nhạc cũ trước giải phóng nữa”. Tôi nghe sốc và đau lắm. Không được đâu. Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương hết sức vĩ đại, đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhưng đoàn kết luôn có nguyên tắc tôn trọng độc lập tự do, tôn trọng lịch sử cách mạng Việt Nam, không thể nhân danh hòa hợp dân tộc để coi như ngang nhau được” - nhạc sĩ bức xúc.
Cũng theo ông Ẩn, nhạc ca ngợi Việt Nam Cộng hòa mà giờ cũng cho là ca ngợi nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì không được: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.
Cần lượng hóa được cảm nhận của người dân về văn hóa
Nhà văn Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đưa ra nhận xét, hiệu quả của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố thực sự chưa cao. Ông nói: “Tôi tâm đắc với ý kiến phải thay đổi bằng phương thức đối thoại. Muốn các chương trình lý luận phê bình đến công chúng thì tất cả hệ thống truyền thông phải vào cuộc. Chúng ta nên chọn lọc các chủ đề nóng về văn học, nghệ thuật để có phản ứng và tăng cường đối thoại thì mới ra nhẽ, vấn đề mới có giá trị lan tỏa”. 
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những trăn trở về tương lai đất nước từ góc độ văn hóa của các đại biểu. Nếu không có định hướng nền tảng văn hóa thì hoạt động kinh tế sẽ gặp xung đột với cuộc sống. Đảng và Nhà nước đã có nhiều định hướng về lĩnh vực này, nhưng có nhiều việc làm chưa hiệu quả.
Trong các nhóm đề án phát triển TP.HCM là thành phố văn hóa, ông Nhân nhấn mạnh cần hình thành hệ sinh thái văn hóa của thành phố. Hệ sinh thái này phải từ tài nguyên văn hóa của quốc gia, địa phương, trong từng gia đình, trong vốn hoạt động nghề nghiệp của các văn nghệ sĩ, trong tương tác giữa văn hóa và kinh tế để làm sao tài nguyên này lớn lên. Từ tài nguyên văn hóa này, cùng với hoạt động xã hội của văn nghệ sĩ và chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ cho ra nhiều tác phẩm hay, đến được với
công chúng.
Tiến tới làm hệ sinh thái văn hóa, theo bí thư, cần đánh giá thực trạng cuộc sống văn hóa của người dân TP.HCM. “Người ta cảm nhận gì, hưởng thụ gì, chỉ số văn hóa là gì hiện nay không có… Lượng hóa được cảm nhận của người dân về chính sách văn hóa là rất quan trọng. Chúng ta làm gì thì làm, cuối cùng phải đến người dân chứ!”, ông Nhân chỉ đạo. Từ đó, ông đề nghị rà soát lại hoạt động của các hội quản lý nhà nước để hình dung hệ sinh thái văn hóa của thành phố hiện nay khâu nào mạnh, khâu nào yếu, muốn đổi mới phải nhấn vào đâu. 
Quốc Ngọc


Friday 1 November 2019

Về hiện tượng tránh âm chữ húy bằng âm cổ (Phan Anh Dũng - Việt Hán Nôm)

VỀ HIỆN TƯỢNG TRÁNH ÂM CHỮ HÚY BẰNG ÂM CỔ

(Bài đã đăng tạp chí Huế Xưa Và Nay)
TÓM TẮT:Bài viết này nghiên cứu các chữ húy từ khía cạnh ngữ âm lịch sử, đưa ra các cứ liệu cho thấy xu hướng tránh âm đọc của chữ kỵ húy bằng cách sử dụng âm cổ của chính chữ đó.

  1. Khái quát vấn đề
Chữ húy là một lĩnh vực đã được nghiên cứu khá kỹ, điển hình là hai công trình “Chữ húy Việt Nam qua các thời đại” của GS Ngô Đức Thọ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm và “Húy kỵ và Quốc húy thời Nguyễn” của nhà nghiên cứu Dương Phước Thu ở Huế (cuốn sau người viết bài này có tham gia chế bản phần chữ Hán). Tuy vậy vẫn còn nhiều vấn đề còn gây tranh cãi trên các diễn đàn học thuật và nhất là trên mạng xã hội. Bài này chỉ giới hạn vào một vấn đề là hiện tượng kỵ húy âm đọc bằng cách sử dụng cổ âm của chính chữ cần tránh húy mà người viết tổng hợp được.

  1. Dữ liệu minh họa
  • Tên Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Kính 阮有鏡 : Cách đọc kiêng húy chữ Kính 鏡 thành “Cảnh” hiện đã trở thành tên chính thức, rất ít sách vở còn ghi tên theo cách đọc Kính. Dữ liệu ở Từ điển Việt Bồ La của A.D.Rhodes (1651) cho thấy thời Nguyễn Hữu Kính sinh ra (1650) thì cách đọc Kính đã là cách đọc chính thức:

Nhưng căn cứ Khang Hy Tự điển thì cách đọc chính thức lại là “cánh”:
《唐韻》《集韻》《韻會》《正韻》居慶切,音竟   {Đường vận } {Tập vận} {Vận hội } {Chính vận } cư khánh thiết , âm cánh.

Như vậy cách đọc tránh húy là “Cảnh” lại gần với âm cổ thời Đường (theo “Đường vận”) hơn “Kính”. Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ (khoảng đời Hán về trước) của 6 nhà ngôn ngữ học nổi tiếng kê ra ở dưới cũng cho thấy Cảnh/Cánh gần với cổ âm hơn là “Kính”, có nguyên âm chính là /a/:
Karlgren: ki ̯a ̆ŋ
Lí Phương Quế: kjiaŋ
Vương Lực: kyaŋ
Baxter: krjaŋs
Trịnh Trương Thượng Phương: kraŋs
Phan Ngộ Vân: kraŋs

  • Tên chúa Trịnh Tùng 鄭松, Tùng cũng là một tên khác của chúa Nguyễn Phúc Chu (theo sách Hoàng Triều Ngọc Điệp) nên ở Đàng Trong cũng có tránh húy như Đàng Ngoài, âm kỵ húy là Tòng. Xét dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ:
Karlgren: suŋ
Lí Phương Quế: skuŋh
Vương Lực: soŋ
Baxter: skoŋs
Trịnh Trương Thượng Phương: sqhlooŋs
Phan Ngộ Vân: sqlooŋs
Có 4 trên 6 tác giả phục nguyên âm cổ là /ô/ hay /o/ chứ không phải /u/, đây đều là nguyên âm tròn môi nhưng ô/o có độ mở miệng rộng hơn u, cách đọc Nôm là cây “thông” cũng là một cách đọc cổ, như vậy Tòng là âm cổ hơn âm chính thức phải kiêng húy là “Tùng”.

  • Tên chúa Nguyễn Phúc Chu 阮福淍[1]: Kiêng húy Chu đọc ra Châu, ví dụ tên Ngô Tùng Chu, một danh tướng của Nguyễn Ánh thường đọc là Ngô Tòng Châu. Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ của chữ chu 周:
Karlgren: ȶi ̯ʊg
Lí Phương Quế: tjəgw
Vương Lực: tɕiu
Baxter: tjiw
Trịnh Trương Thượng Phương: tjɯw
Phan Ngộ Vân: tjɯw
Dữ liệu này cho thấy cổ âm không phải là có một nguyên âm đơn /u/ mà là nguyên âm phức có -u ở cuối, phù hợp cách đọc “Châu” hơn.

  • Tên chúa Nguyễn Phúc Thụ 阮福澍,tránh húy âm thụ đọc ra thọ.
Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ của chữ thụ 澍:
Karlgren: ȶi ̯u
Lí Phương Quế: tjugh
Vương Lực: tɕio
Baxter: tjos
Trịnh Trương Thượng Phương: tjos
Phan Ngộ Vân: tjos

Dữ liệu này cho thấy “thọ” là âm cổ hơn “thụ”.

  • Tên hiệu của chúa Nguyễn Phúc Khoát là Vũ Vương, do tránh âm Vũ nên đọc thành Võ. Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ của chữ võ/vũ 武:
Karlgren: mi ̯wo
Lí Phương Quế: mjagx
Vương Lực: mia
Baxter: ŋpjaʔ
Trịnh Trương Thượng Phương: maʔ
Phan Ngộ Vân: mbaʔ
Dữ liệu này cho thấy âm Thượng cổ khác xa với âm Trung cổ “vũ” (Đường âm), phục nguyên của Vương Lực /mia/ đọc gần như “mưa” cho thấy người Việt gọi “vũ 雨” là “mưa” chính là cách đọc cổ của “vũ雨”, đồng âm với chữ武. Do nguyên âm /a/ có độ mở miệng rộng hơn /u/ nên các cách đọc cổ ở trên đều gần với “o” hơn là “u”, đặc biệt tác giả Karlgren phục nguyên có “o” ở cuối (mi ̯wo), như vậy “Võ” có thể là một cách đọc cổ.

  • Tên vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Dung 阮福曧, do tránh húy nên dung đọc ra dong.
Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ của chữ dung容 (chữ dung này không phải chữ húy nhưng đồng âm nên cũng phải tránh):
Karlgren: di ̯uŋ
Lí Phương Quế: grjuŋ
Vương Lực: ʎioŋ
Baxter: ljoŋ
Trịnh Trương Thượng Phương: loŋ
Phan Ngộ Vân: gloŋ
Có 4/6 tác giả phục nguyên nguyên âm là /o/. Trường hợp dung/dong này cũng giống vũ/võ, thụ/thọ, tùng/tòng … tạo lên một hệ thống biến âm rất có quy luật cho thấy âm tránh húy không phải được chọn lựa một cách tùy tiện.

  • Tên vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Thì阮福時, do tránh húy chữ Thì nên đọc ra Thời .
Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ:
Karlgren: ȡi ̯əg
Lí Phương Quế: djəg
Vương Lực: ʑiə
Baxter: djə
Trịnh Trương Thượng Phương: dj
Phan Ngộ Vân: djɯ
Phân tích dữ liệu này thì thấy cổ âm không phải là nguyên âm /i/ có độ mở miệng hẹp mà nguyên âm chính là /ə/ (ơ) có độ mở miệng rộng hơn, gần với cách đọc “giờ” của tiếng Việt (thời giờ, giờ giấc, bây giờ, bao giờ…). Các cách đọc di 移=dời, lị 利=lợi, nghị 議=ngợi, khỉ 起=khởi cũng cho thấy khả năng thời là một cách đọc cổ đã “Nôm hóa” của thì, chứ không phải là một cách đọc đến thời Tự Đức do phải kiêng húy chữ Thì 時 người ta mới “sáng tác” ra.
Từ điển Việt Bồ La A.D.Rhodes trước thời Tự Đức hai thế kỷ đã có mục từ “thây” là xác chết (chữ Hán là thi 尸), cũng cho thấy thời là một cách đọc cổ của thì, phân tích âm thây /thei/ này thì thấy nguyên âm y đã dài và rõ hơn ở thời /thəi/ cho thấy “thời” là âm xưa hơn trên chặng đường chuyển hóa từ nguyên âm thượng cổ /ơ/ qua nguyên âm trung cổ /i/ của chữ “thì 時”.

  • Vua Tự Đức còn có tên chính thức trong Hoàng tộc là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chữ Nhậm 任tránh húy phải đọc ra Nhiệm. Tuy nhiên các dữ liệu phục nguyên âm cổ lại cho thấy cách đọc có giới âm -i- của Nhiệm chính là một cách đọc cổ:
Karlgren: ȵi ̯u ̆m
Lí Phương Quế: njəm
Vương Lực: ȵiuəm
Baxter: njum
Trịnh Trương Thượng Phương: njɯm
Phan Ngộ Vân: njum
(Cả 6 tác giả đều thống nhất là âm Thượng cổ có giới âm -i- hay -j-)

  • Chữ Hoa華, tên húy mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa, có cách viết tránh húy là “ba ”葩 hay 芭 (Chợ Đông Hoa và cửa Đông Hoa ở Huế bị đổi thành Đông Ba). Chữ này còn có cách đọc tránh âm là Huê, nhưng đây là chữ quá thông dụng trong đời sống hàng ngày nên ngoài Bắc thời xưa hình như chả kiêng cữ gì âm Hoa cả, chỉ kiêng khi viết ra thôi.
Xét cách đọc Hóa (Thuận Hóa) thành địa danh “Kẻ Huế” đã có ghi chép từ thời tự điển A.D.Rhodes (1651) với ký âm là “hóê” như ở hình dưới, thì âm Huê cũng chỉ là một biến âm cổ của Hoa:

Cách đọc /a/ ra /e/ (hơi gần ê) còn thấy ở các trường hợp âm cổ xa=>xe, hạ=>hè, trà=>chè .v.v. đây là cách đọc cổ Hán Việt, thậm chí theo người viết phỏng đoán thì có thể có từ trước thời Bắc Thuộc nữa !

  • Chữ Nghĩa 義đọc ra Ngãi (tỉnh Quảng Nghĩa đọc ra Quảng Ngãi). Có thuyết cho rằng do tránh tên hiệu Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái mà đọc ra Ngãi. Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán ngữ của chữ nghĩa義:
Karlgren: ŋia
Lí Phương Quế: ŋjiarh
Vương Lực: ŋiai
Baxter: ŋrjajs
Trịnh Trương Thượng Phương: ŋrals
Phan Ngộ Vân: ŋals

Có 5 trên 6 tác giả phục nguyên âm cuối là r/i/j/l là các âm cuối có thể gieo vần với nhau thời Kinh Thi (theo GS Nguyễn Tài Cẩn), phục nguyên trên cho thấy “ngãi” cũng là một âm đọc cổ chứ không phải đến khi phải kỵ húy mới được tạo ra.

  1. Vài ý kiến nhận xét

  • Với 10 trường hợp đã nêu đạt hơn 10% so với bảng kê 80 chữ húy triều Nguyễn của tác giả Dương Phước Thu (bảng kê đó có thể tìm ở phụ lục sách tham khảo 2), tuy chưa nhiều nhưng không phải là ít, tạm đủ để kết luận là nhiều trường hợp việc tránh húy về âm đọc đã được thực hiện bằng cách lấy lại âm cổ xưa của chữ cần kiêng húy, đặc biệt là đối với những chữ phải sử dụng nhiều trong đời sống, nếu đọc trại đi quá xa âm của chữ có thể gây những hậu quả trầm trọng trong ngôn ngữ và đời sống.
  • Cách xử lý này rất hài hòa, vừa tránh được âm cần kiêng húy, vừa giữ được ý nghĩa gốc của chữ cần đọc, vừa thể hiện được sự trang nhã “thông kim bác cổ” của người chọn âm … thật là “một công đôi ba việc”.
  • Có thể còn nhiều trường hợp còn lại nêu trong bảng phụ lục kể trên cũng từng là cách đọc cổ ví dụ Đang đọc ra Đương, khi so thực tế “trường” mới là cách đọc phổ thông hơn “tràng”, “sơn” phổ thông hơn “san” thì kỵ húy kiểu đó cũng như không vậy.

Tài liệu tham khảo.
  1. “Chữ húy Việt Nam qua các thời đại”, Ngô Đức Thọ, Viện nghiên cứu Hán Nôm. Hà Nội. 1977.
  2. “Húy kỵ và Quốc húy thời Nguyễn”, Dương Phước Thu, NXB Thuận Hóa. Huế. 2002
  3. “ 漢 語 字典”.Vương Lực “Cổ Hán ngữ tự điển”.
  4. “Khang Hy Tự Điển”, bản trực tuyến trên zdic.net
  5. “Hoàng Triều Ngọc Điệp”, bản PDF chữ Hán.
  1. “A Handbook of Old Chinese Phonology”, William H. Baxter, Mouton de Gruyter Berlin – New York 1992.
  2. “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt”. Nguyễn Tài Cẩn. NXB Đại học Quốc gia , Hà Nội. 2000.
  3. “Từ điển Việt Bồ La”, A.D.Rhodes. Bản dịch của nhóm Thanh Lãng. NXB Khoa học Xã Hội. 1991.
  4. “Nguyễn Phúc Tộc thế phả”. NXB Thuận Hóa. Huế. 1995.
Dữ liệu phục nguyên âm Thượng cổ Hán Ngữ sưu tầm từ trang http://www.eastling.org của Đại học Ngôn ngữ Thượng Hải (trang này đã ngừng cung cấp công khai).
[1] Trong tấm bia ở chùa Thiên Mụ của chính chúa Nguyễn Phúc Chu làm thì chữ Chu viết 週 cũng đã là kiểu viết tránh húy, vì quy ước trong họ chúa Nguyễn thì tên các chúa đều có bộ thủy.