Wednesday 5 October 2016

Viện Hàn lâm KHXH cần làm rõ việc một Giáo sư “bị đẩy” ra hành lang làm việc (Thời Đại Online)

Viện Hàn lâm KHXH cần làm rõ việc một Giáo sư “bị đẩy” ra hành lang làm việc

07/06/2016 17:14

TĐO - Những ngày qua, cán bộ, nhân viên và nghiên cứu sinh tại Viện Ngôn Ngữ học (thuộc Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam) xôn xao trước việc Giáo sư Nguyễn Đức Tồn làm việc, hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh và tiếp khách ngoài hành lang của Viện.

Viện Hàn lâm KHXH cần làm rõ việc một Giáo sư “bị đẩy” ra hành lang làm việc
Giáo sư “bị đẩy” ra hành lang làm việc
Ngày 17/5/2016, ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học ký Quyết định số 71/QĐ-NNH về việc điều động, bố trí cán bộ. Theo đó, quyết định sẽ luân chuyển ông Nguyễn Đức Tồn, GS.TS (SN 1952) nghiên cứu viên cao cấp, viên chức kéo dài thời gian công tác theo Nghị định số 40/2014/NĐ-CP, thuộc Phòng Biên tập – Trị sự Tạp chí Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học), sang nhận công tác tại Trung tâm Phục hồi chức năng ngôn ngữ (TTPHCNNN) kể từ ngày 18/5/2016. 
Điều đáng nói trong Quyết định này là việc luân chuyển Giáo sư Tồn được đưa ra đột ngột, không đúng với tinh thần của Nghị định 40 và quy trình. 
Quyết định điều chuyển công tác đối với Giáo sư Tồn
Sáng 17/5, đồng chí Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học gọi ông Tồn lên phòng và tuyên bố sẽ điều chuyển ông ra khỏi Tạp chí Ngôn ngữ. Điều lạ, ông Tồn chỉ nhận được thông báo một cách đột ngột bằng miệng. Chưa đầy 30 phút sau, ông Tồn được trao Quyết định số 71/QĐ-NNH do chính ông Hiệp ký về việc điều động sang TTPHCNNN. Hai ngày sau có thêm quyết định, ông Tồn phải trả phòng làm việc tại Tạp chí Ngôn ngữ để sang TTPHCNNN trong ngày 25/5.
Không đồng thuận với quyết định của Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, ông Tồn đã có đơn khiếu nại đối với Ban chấp hành Công đoàn và Ban Thanh tra nhân dân Viện Ngôn ngữ học, đồng thời đã có báo cáo và đơn đề nghị gửi Chủ tịch Viện Hàn Lâm có ý kiến chỉ đạo. 
Sáng ngày 26/5, khi ông Tồn đến Viện Ngôn ngữ làm việc, tài sản cá nhân của ông không còn trong Phòng Biên tập – Trị sự Tạp chí Ngôn ngữ nữa. 
Cũng từ ngày này, hình ảnh người Giáo sư tận tâm, kê ghế ngoài hành lang làm việc hướng dẫn nghiên cứu sinh, tiếp các đoàn khách khiến không ít người bất bình.
Hình ảnh Giáo sư Tồn ngồi ngoài hành lang làm việc
“Rõ ràng Quyết định của Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học đối với tôi mang tính chất cưỡng chế, mệnh lệnh phát xít, mang tính trả thù cá nhân, chứ không phải là quyết định điều động nhân sự theo luật định. Quyết định điều chuyển nhân sự phải dựa trên sự đồng thuận giữa đương sự và các tổ chức hữu quan", ông Tồn bức xúc nói. 
Điều đó cho thấy, trong quá trình công tác, ông Hiệp đã thể hiện sự thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật của Nhà nước, các quy chế của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, không đủ năng lực, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng”, ông Tồn đánh giá.
Đã tạm dừng thực hiện quyết định điều chuyển
Ngày 1/6/2016, trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn Ngữ học cho biết: “Viện đã nhận được khiếu nại của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn về quyết định điều chuyển là không đúng tinh thần của Nghị định số 40/2014/NĐ-CP của Chính Phủ. Tuy nhiên, việc tôi ký quyết định điều chuyển ông Tồn là đúng căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn về việc bố trí cán bộ của Viện Ngôn ngữ học”.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc ông ra quyết định có đúng quy trình không, ông Hiệp thừa nhận: “Tôi không hề thông báo cụ thể nào bằng văn bản liên quan đến việc điều chuyển ông Tồn. Việc ra thông báo chỉ bằng miệng, vì không phải quyết định nào cũng cần thông báo văn bản”. 
Ông Hiện thừa nhận không thông báo bằng văn bản khi điều chuyển GS Tồn
Ông Hiệp cho biết thêm: “Hiện chúng tôi đã thông báo tạm dừng thực hiện quyết định điều chuyển với Giáo sư Tồn, do có nhiều ý kiến và cá nhân đồng chí Tồn có đơn  khiếu nại. Viện Ngôn ngữ học đang chờ chỉ đạo của Viện Hàn Lâm để đưa ra kết luận chính thức về quyết định điều chuyển công tác đối với Giáo sư Tồn.
Ngày 7/6, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam xác nhận: “Viện Hàn Lâm đã nhận được đơn khiếu nại và tố cáo của GS Tồn về việc Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học ra quyết định điều chuyển vị trí công tác sai quy trình; không  đủ năng lực phẩm chất lãnh đạo Viện... Nội dung sự việc phức tạp, Viện đang triển khai kiểm tra làm rõ. 
"Liên quan đến QĐ điều chuyển ông Tồn, đến nay Viện Ngôn ngữ học đã thông báo dừng thực hiện, nhưng cụ thể như thế nào tôi sẽ cho kiểm tra, phản hồi sau”, ông Thuấn khẳng định.

(http://thoidai.com.vn/ban-doc/vien-han-lam-khxh-can-lam-ro-viec-mot-giao-su-bi-day-ra-hanh-lang-lam-viec_t114c30n77)

Monday 3 October 2016

Hồi âm bài báo: Một PGS “đạo văn” (Tiền Phong)

Hồi âm bài báo: Một PGS “đạo văn”

TP - Tiền phong có đăng bài phản ánh đơn thư của một số nhà nghiên cứu ngôn ngữ, theo đó có 2 công trình khoa học của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn, có sự trùng khớp kỳ lạ với các luận án và luận văn công bố trước đó của nhiều nghiên cứu sinh và sinh viên.
Mới đây, chúng tôi đã nhận được hồi âm của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn (Tổng Biên tập Tạp chí Ngôn ngữ).
Nội dung chủ yếu trong hồi âm của PGS-TS Nguyễn Đức Tồn như sau:
“Các bài viết của nghiên cứu sinh và sinh viên do tôi hướng dẫn theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ Luận án Phó tiến sĩ của tôi được bảo vệ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1988.
Sau đó, năm 2002 tôi viết chuyên khảo nhằm tổng kết và khái quát hóa một vấn đề lý thuyết chưa từng được ai nghiên cứu ở Việt Nam trước khi tôi bảo vệ luận án của mình. Đó là vấn đề đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy người Việt...
Khi sử dụng các công trình của NCS và sinh viên do tôi hướng dẫn để viết chuyên khảo, tôi đều có chú nguồn và tác giả rõ ràng... Vì vậy, không thể quy kết tôi là “đạo văn” của học sinh được”.
Từ những lý lẽ trên, PGS.TS Nguyễn Đức Tồn đề nghị được “minh oan”.
Tiếp tục tìm hiểu sự việc, chúng tôi đã xác thực các vấn đề sau đây.
Thứ nhất, tháng 6/1988, ông Nguyễn Đức Tồn đã bảo vệ luận án Phó tiến sĩ với đề tài “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa các tên gọi bộ phận cơ thể người”, còn đề tài Luận án Phó Tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh là “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi động vật” bảo vệ năm 1996, và đề tài Luận văn tốt nghiệp đại học của bà Cao Thị Thu là “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” bảo vệ năm 1995.
Như PGS.TS Nguyễn Đức Tồn tự nhận, ông là người hướng dẫn các bài viết cho nghiên cứu sinh và sinh viên, nhưng tại thời điểm (năm 1995, năm 1996) bà Nguyễn Thúy Khanh và bà Cao Thị Thu bảo vệ các luận án và luận văn của mình, không thấy ông Nguyễn Đức Tồn có phản ứng về việc “ai đạo văn của ai”.
Thiết nghĩ các luận án và luận văn đó được bảo vệ thành công với sự hướng dẫn của chính ông Nguyễn Đức Tồn như ông tự nhận, cũng đã chứng minh được điều này.
Thứ hai, trong số các luận án và luận văn liên quan, chỉ có Luận án Phó tiến sĩ của bà Nguyễn Thúy Khanh là do PGS.TS Nguyễn Đức Tồn hướng dẫn khoa học, còn Luận văn của bà Cao Thị Thu thì cả thầy giáo hướng dẫn và thầy giáo phản biện đều không có tên ông Nguyễn Đức Tồn.
Thứ ba, sau khi tiếp tục đối chiếu các văn bản liên quan, chúng tôi nhận thấy việc báo nêu công trình khoa học của PGS.TS Nguyễn Đức Tồn (xuất bản năm 2002) có sự trùng khớp kỳ lạ các luận án và luận văn của bà Nguyễn Thúy Khanh và bà Cao Thị Thu là hoàn toàn xác thực khi dựa trên nội dung, văn phong, câu chữ, dấu chấm, dấu phẩy... của những văn bản này.
Tuy nhiên, để khách quan chúng tôi đã đặt dấu hỏi chấm trước sự việc đó, còn việc “ai đạo văn của ai” thiết nghĩ sẽ có những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm làm rõ.
Bản thân PGS.TS Nguyễn Đức Tồn trong hồi âm của mình cũng đã nói rõ các bài viết của nghiên cứu sinh và sinh viên do ông hướng dẫn theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ Luận án Phó tiến sĩ của ông, chứ PGS.TS Nguyễn Đức Tồn không phản ánh rằng người khác đã dùng lại nguyên xi cả nội dung và văn phong công trình khoa học mà ông là tác giả.
Thứ tư, về việc phần lớn nội dung và văn phong bài “Dạy từ láy cho học sinh trung học cơ sở” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà, đã được PGS-TS Nguyễn Đức Tồn đưa vào cuốn sách “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5/2001) của mình, với chú thích “Bài viết có sự cộng tác của Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Viện Ngôn ngữ học”.
Thực tế, trên Tạp chí Ngôn ngữ, số 2, năm 2001, tác giả Nguyễn Thị Thanh Hà hoàn toàn không ký chung tên với ông Nguyễn Đức Tồn khi công bố bài viết của mình.
Mới đây, một cơ quan ngôn luận đã dẫn lời của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm về vấn đề này như sau: “Về tư tưởng và đạo đức, tác giả Nguyễn Đức Tồn hoàn toàn trong sáng và không có tà ý “đạo văn”.
Song về phương pháp, ông (vào thời điểm ấy) đã hiểu sai về cách thức sử dụng tài liệu của học trò nên đã đưa nguyên khối những trang luận án của học trò vào sách mình...”.
Phải chăng đây là bản chất của vấn đề?
(http://www.tienphong.vn/giao-duc/hoi-am-bai-bao-mot-pgs-dao-van-73474.tpo)