Sunday, 24 January 2016

Vài suy nghĩ về lớp từ gốc Pháp trong "Tầm nguyên tự điển Việt Nam" của GS. Lê Ngọc Trụ (Nguyễn Hoàng Trung - Khoa Văn Học và Ngôn Ngữ)

Vài suy nghĩ về lớp từ gốc Pháp trong "Tầm nguyên tự điển Việt Nam" của GS. Lê Ngọc Trụ

            Công trình “Tầm nguyên Tự điển Việt Nam” của giáo sự Lê Ngọc Trụ là một sự bổ sung đáng quý vào kho tàng tư liệu Việt ngữ học. Nội dung của quyển tự điển là một minh chứng sinh động cho sự uyên thâm và tình yêu Việt ngữ của giáo sư. Một tấm gương tự học, vượt bao gian truân của thời cuộc để đạt đến trình độ của một học giả của giáo sư sẽ soi đường dẫn lối cho thế hệ hậu bối như chúng tôi.
            Sau khi đọc xong phần từ ngữ tiếng Việt có gốc Ấn-Âu, đặc biệt là lớp từ ngữ tiếng Việt gốc Pháp, chúng tôi xin mạo muội trao đổi với giáo sư, - dù giờ đây giáo sư đã yên nghỉ nới cõi vĩnh hằng, song kiến thức Việt ngữ mà giáo sư giới thiệu trong “Tầm nguyên Tự điển Việt Nam” vẫn thôi thúc những người nghiên cứu hậu bối như chúng tôi nghiền ngẫm – một số vấn đề sau:
a.    a.  Khái niệm vay mượn từ vựng và khái niệm chuyển mã
b.      Tiêu chí để một từ được đưa vào từ điển
            Khái niệm chuyển mã (code-switchings)
            Chuyển mã là một hiện tượng ngôn ngữ học diễn ra trong các xã hội song/đa ngữ nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau của các cá nhân song/đa ngữ, trong đó đáng chú ý là những lý do mang tính xã hội. Hiện tượng này có thể diễn ra bên trong một phát ngôn hoặc liên phát ngôn. Chuyển mã thường diễn ra trong những ngôn cảnh sau: (1) người nghe thay đổi; (2) cảnh huống giao tiếp thay đổi hoặc NN khác phù hợp với cảnh huống giao tiếp mới; (3) chủ đề hội thoại thay đổi.
            Các cá nhân song ngữ sử dụng hai NN trong cùng một ngôn cảnh hội thoại và việc chuyển đổi giữa hai hệ thống mã đều có động cơ. Một số cá nhân chuyển mã nhằm đáp ứng nhu cầu NNH. Khi nói về một chủ đề nào đó, cá nhân giao tiếp cảm thấy trong ngôn ngữ anh ta đang dùng để giao tiếp thiếu phương tiện để anh ta diễn đạt cái gì đó, anh ta sẽ chuyển sang sử dụng ngôn ngữ khác. Một số chuyển mã để xác lập bản sắc xã hội hoặc khoảng cách xã hội của mình… so với người đối thoại.
            Đặc trưng của chuyển mã là yếu tố trộn/chuyển mã từ ngôn ngữ này không thay đổi về mặt hình thái học và âm vị học cho phù ứng với ngôn ngữ kia trong mối quan hệ song/đa ngữ.
            Khái niệm vay mượn từ vựng (lexical borrowings)
            Vay mượn từ vựng hay vay mượn khái niệm là hiện tượng một ngôn ngữ sử dụng một yếu tố của một ngôn ngữ khác trong quá trình tiếp xúc. Yếu tố này được “bản địa hóa” và trở thành một bộ phận của ngôn ngữ tiếp nhận. Đây là một trong những khác biệt giữa chuyển mã và vay mượn. Trong khi đó, chuyển mã mang tính nhất thời nhằm phục vụ một mục đích nào đó của một cá nhân song/đa ngữ trong giao tiếp.
            Hình thức vay mượn nhằm cung cấp phương tiện từ vựng, tức phương tiện biểu đạt các khái niệm của một ngôn ngữ được gọi là “vay mượn văn hóa” cùng với nó là sự du nhập những khái niệm hay những sự vật mới từ nên văn hóa khác. Chẳng hạn, sơ mi, cà vạt, bơ, phanh, công tơ, v.v. trong tiếng Việt là những từ vựng vay mượn của tiếng Pháp. Ngoài ra, hiện tượng vay mượn còn diễn ra dưới hình thức vay mượn ngữ nghĩa (semantic loans hay loanshifts), tức khái niệm hay sự vật vay mượn được thể hiện bằng vỏ ngữ âm hay chữ viết của ngôn ngữ tiếp nhận.
            Vay mượn là quá trình diễn ra lâu dài, liên tục khi hai ngôn ngữ tiếp xúc với nhau thông qua nhiều cách thức khác nhau, còn chuyển mã là hiện tượng ngôn ngữ học nhất thời và mang tính cá nhân. Vay mượn từ vựng và việc sử dụng từ ngữ vay mượn đó được cả cộng đồng chấp nhận, trong khi chuyển mã không thể được xem là bộ phận của ngôn ngữ tiếp nhận vì tính nhất thời và tính cá nhân của hiện tượng này.
            Vay mượn là kết quả của quá trình tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ. Hiện tượng này diễn ra qua nhiều kênh khác nhau, chẳng hạn như từ ngữ gốc Pháp trong tiếng Việt được du nhập vào tiếng Việt chủ yếu thông qua tầng lớp tri thức Tây học, nhưng theo chúng tôi có một kênh trung gian nằm giữa tầng lớp tri thức Tây học và người dân bình thường: đó là tầng lớp phục vụ, sai nha, người giúp việc, v.v. Vì người dân thường vào thời Pháp thuộc – vốn là những người thất học - không thể xem là chủ thể vay mươn được, còn giới tri thức Tây học, theo chúng tôi, sử dụng Pháp ngữ nhiều hơn Việt vì nhiều lý do khác nhau trong đó có lý do tạo lập khoảng cách xã hội. Hiện tượng chuyển mã trong cộng đồng thời Pháp thuộc chỉ diễn ra trong cộng đồng song ngữ của tầng lớp trung thượng lưu, hoặc trong những tác phẩm văn học của các nhà văn nói tiếng Pháp, chứ không diễn ra trong cộng đồng Việt ngữ nói chung.
            Khi nào một từ được đưa vào từ điển
            Chúng tôi xin trích câu trả lời của Ban biên tập Từ điển Merriam-Webster, đó là việc sử dụng từ vựng liên quan. Để quyết định từ nào đưa vào từ điển và xác định xem nó có những nghĩa nào, các nhà từ điển học phải nghiên cứu xem từ đó được sử dụng nhiều nhất và sử dụng thế nào. Đồng quan điểm với Merriam-Webster, Larousse cho rằng từ liên quan phải được sử dụng theo cách thức quan sát được và không có bất kỳ tranh cãi nào liên quan trong xã hội. Nó được sử dụng trong báo chí, truyền hình, truyền thanh, trong cuộc sống hàng ngày của người dân. Điều này là một sự đảm bảo về tính khả chấp của từ liên quan trong cộng đồng.
            Như vậy, khả năng sử dụng trong cộng đồng là tiêu chí quan trọng để một từ được đưa vào từ điển. Các nhà từ điển học là những người xây dựng từ điển, chứ không phải những người tạo chế từ ngữ.
            Vài suy nghĩ về lớp từ ngữ gốc Pháp trong “Tầm nguyên Tự điển Việt Nam” của Giáo sư Lê Ngọc Trụ
            Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn từ gốc Pháp trong quyển từ điển, phần lớn là các hình thức được người song ngữ hoặc những người ‘trung gian” như chúng tôi có đề cập đến ở phần trên, chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Việt (chuyển mã). Mức độ chuyển mã này giảm dần khi môi trường song ngữ thu hẹp lại. Như vậy, đây là lớp từ ngữ được cộng đồng song ngữ hay cộng đồng trung gian sử dụng trong giao tiếp với nhau. Rất nhiều từ nằm ngoài phạm vi sử dụng của cộng đồng Việt ngữ nói chung, chẳng hạn như a-bi-tuýt, a-bon-nê, a-oăng, anh-di-jen, anh-tim, ba-nha, bạc-tơ-ne, cá mềm (quand même), cạc- chê, công-tra, dẹt (verte), dò-ram, vây-dơ (veilleur), v.v. Những đơn vị này mặc dù phần nào đã thích nghi với đặc trưng âm vị học của ngôn ngữ tiếp nhận, và ở đây là tiếng Việt, nhưng tần suất sử dụng của chúng rất giới hạn. Trái với những đơn vị này, một số đơn vị gốc Pháp khác như sơ mi, cà vạt, bơ, phô ma, kem, cạc, phê, can, bu gi, bia, sốt, săm, phanh, v.v. là những từ vay mượn xét trên tiêu chí nhu cầu ngôn ngữ của cộng đồng, tức vay mượn khái niệm. Những đơn vị này hoàn toàn thích nghi về mặt âm vị học trong tiếng Việt, đáp ứng nhu cầu biểu đạt các khái niệm mới và được cộng đồng Việt ngữ tiếp nhận một cách tự nguyện.
            Theo chúng tôi, những đơn vị chuyển mã không thể đáp ứng các tiêu chí từ điển học để trở thành từ trong từ điển, tức những đơn vị này được chuẩn hóa. Vì vậy, một quyển sổ tay các từ gốc Pháp được dùng trong tác phẩm văn học hay báo chí là phù hợp hơn.

Thư mục tham khảo

1.      Lê Ngọc Trụ. 1993. Tầm nguyên Tự điển Việt Nam. Nxb Tp.HCM.
2.      G. Sankoff. 2001. Linguistic Outcomes of Language Contact. In Peter Trudgill, J. Chambers & N. Schilling-Estes, eds., Handbook of Sociolinguistics. Oxford: Basil Blackwell, pp. 638-668.
3.      S. G. Thompson. 2001. Language Contact. Edinburgh University Press.
4.      Wardhaugh, R. 1992. An Introduction to Sociolinguistics. Blackwell.
 Bài viết đã được trình bày trong tọa đàm khoa học "Giáo sư, nhà ngữ học Lê Ngọc Trụ: cuộc đời và sự nghiệp".

No comments:

Post a Comment