Saturday, 8 April 2017

BỘ PHẬN CHỈ NGHĨA GIẢ TRONG CHỮ NÔM - Nguyễn Tá Nhí

Thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu đã thống nhất phân chia chữ Nôm thành hai loại: chữ đơn (mượn nguyên từ chữ Hán) và chữ có cấu tạo ghép (chữ Nôm tự tạo)(1). Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn trong chuyên luận của mình đã đưa ra tiêu chí phân biệt: Chữ đơn gồm những chữ vừa có mặt trong văn bản Hán, còn chữ Nôm tự tạo gồm những chữ chỉ thấy xuất hiện trong các văn bản Nôm(2).
Tiếp đến, các nhà nghiên cứu lại căn cứ vào thế đối lập trong phương thức cấu tạo của từng chữ mà phân chia thành nhiều tiểu loại. Nhìn chung các tiểu loại này đã khái quát hầu hết số chữ Nôm có trong các loại văn bản Nôm. Nói là hầu hết bởi vì còn một số chữ Nôm nữa chưa biết sắp xếp vào tiểu loại nào cho thật thích hợp. Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cũng đã ghi nhận điều này: “có một số chữ quá đặc biệt như đĩ, cụt thì chúng tôi chưa đưa vào đây(3). Trong bài viết này chúng tôi xin đề cập đến một số chữ tồn tại khá phổ biến trong các loại văn bản Nôm, nhưng chưa thấy xếp vào tiểu loại nào cho thật thích hợp như các chữ:
sửa 所 gần lùng 怰
Đối chiếu với các tiêu chí phân loại nói ở trên, thì thấy ba chữ này không thể xếp vào phạm vi chữ đơn được, bởi lẽ chúng chỉ có mặt trong các văn bản Nôm mà không thấy xuất hiện trong các văn bản Hán. Do vậy phải đưa chúng về loại chữ ghép tự tạo. Mô hình loại chữ ghép tự tạo mà giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nêu ra gồm bốn tiểu loại:
D _ _ _ ) chữ Hán + dấu nháy
Đ _ _ _ ) âm + âm
E _ _ _ ) Nghĩa + Nghĩa
G _ _ _ ) Nghĩa + âm
Chúng ta hãy thử xét xem mấy chữ vừa nêu ra ở trên nên xếp vào tiểu loại nào cho thật thích hợp. Rõ ràng không thể xếp loại vào tiểu loại D, vì cả ba chữ đều không sử dụng dấu nháy. Cũng không thể xếp vào tiểu loại E, vì cả ba chữ đều có bộ phận chỉ âm là: Sở, cân, lộng. Chỉ còn có khả năng xếp vào tiểu loại Đ hoặc G. Xin lần lượt xét từng trường hợp.
1. 所 Sửa (sở + cự)
Nếu xếp vào tiểu loại Đ, nghĩa là quan niệm “cự” là ký hiệu ghi thành tố thứ nhất trong tổ hợp phụ âm đầu K (?) nào đó, mà Sở là ký hiệu ghi thành tố thứ hai trong tổ hợp phụ âm đó. Thế nhưng, trong tiếng Việt, sự tồn tại của tổ hợp phụ âm đầu KS vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Do vậy giả định này cũng chưa có cơ sở vững chắc.
Nếu xếp vào tiểu loại G. thì ký hiệu “cự” lại không liên quan gì đến nghĩa của từ sửa cả. Do vậy cũng không thỏa đáng.
2. gần (bối + cân)
Trong chữ gần, ký hiệu “cân” có thể coi là bộ phận viết tắt của chữ cận (xước + cân), cũng có thể xem là bộ phận ghi âm gần. Thế nhưng nếu xếp vào tiểu loại Đ, thì ký hiệu “bối” không có liên quan gì đến âm đọc gần cả, nên không thích hợp. Còn nếu xếp vào tiểu loại G. thì ký hiệu “bối” không thấy có gắn bó gì với nghĩa của từ gần, nên cũng không thích hợp.
3. 怰 lùng (xước + lộng)
Nếu xếp vào tiểu loại Đ, thì ký hiệu “xước” không tìm thấy có liên quan gì với âm lùng. Nếu xếp vào tiểu loại G, thì ký hiệu “xước” không thấy có liên quan gì với nghĩa của từ lùng, do vậy đều không thỏa đáng.
Vậy thì nên xếp các chữ sửa, gần, lùng này vào đâu?
Nhìn lại toàn bộ hệ thống mô hình cấu trúc chữ Nôm mà các nhà nghiên cứu đã nêu ra, chúng ta thấy các nhà nghiên cứu dường như chỉ dựa vào từng cá thể đơn lập để phân tích xét đoán, chưa thấy xét đến quan hệ của từng cá thể với các yếu tố khác. Chẳng hạn như quan hệ của một chữ, đối với các chữ khác trong một từ ghép hoặc trong cả một câu. Trong thực tế các văn bản Nôm, chúng ta vẫn bắt gặp những chữ Nôm được tạo ra không phải chỉ do riêng bản thân nó quy định, mà còn chịu sự chi phối của các chữ khác ở xung quanh. Chẳng hạn, trong một từ ghép, hai chữ dùng để ghi hai từ đơn có nghĩa gần nhau, thường chi phối nhau, chữ thứ nhất dùng bộ thủ chỉ nghĩa nào thì chữ thứ hai cũng dùng bộ thủ đó. Ví dụ:
1. Đau đớn: được ghi bằng hai chữ có bộ phận chỉ âm là đao đán 刀 旦 còn ở bộ phận chỉ nghĩa, khi thì cùng dùng bộ “bệnh”:

Nghĩa duyên càng gợi tơ sầu,
Nghĩ thân càng lại thêm đau đớn tình.
Hoa Tiên truyện
Khi thì lại cùng dùng bộ “tâm đứng”:
Phạm Tải đau đớn trăm đàng,
Cầm lấy tay nàng rên khóc thở than.
Phạm Tải Ngọc Hoa
Đau đớn là một động từ, chỉ cảm giác do tổn thương về cơ thể, hoặc tổn hại về tinh thần gây ra. Vì vậy sử dụng bộ “tâm đứng” hoặc bộ “bệnh” đều thích hợp.
2. Vẫy vùng: được ghi bằng hai chữ có bộ phận chỉ âm là vĩ phùng 尾 逢 còn bộ phận chỉ nghĩa khi thì cùng dùng bộ “thủ xóc”:

Khi cha đòi gót vẫy vùng,
Mắc vào lưới cá khôn hòng vượt qua.
Hương Sơn quan âm Kinh
Khi thì dùng bộ “thủy”:
Mấy lời cặn kẽ thủy chung,
Hóa cơn mưa gió vẫy vùng chỉn ghê.
Chàng Chuối tân truyện
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi chống với anh hùng được sao
Đại Nam quốc sử diễn ca
Vẫy vùng là một động tác phải sử dụng đến chân tay nên chữ Nôm dùng bộ “thủ” để ghi như ở trường hợp 1 là rất hợp lý. Nhưng đến trường hợp 2 và 3, lại thấy dùng bộ “thủy”, thoạt nhìn có cảm giác chưa ổn. Nhưng xem xét ý nghĩa của cả câu, thì chúng ta thấy phương thức cấu tạo này lại có thể lý giải được: ở trường hợp 2, động tác vẫy vùng thực hiện được nhờ vào cơn mưa gió. Chàng Chuối vốn quen thạo sông nước, nay gặp được cơn mưa gió thì hẳn sẽ thỏa sức vẫy vùng. Ở trường hợp 3, động tác vẫy vùng được thực hiện trên vùng hồ Tây mênh mang nước cả.
Phương pháp tạo chữ thay đổi bộ phận chỉ nghĩa tùy theo ngữ cảnh cụ thể có mặt tích cực là giúp cho người đọc dễ dàng nhận biết âm đọc và ý nghĩa cụ thể của từ, song nó cũng có mặt hạn chế là tạo ra nhiều dị thể của chữ Nôm. Từ đó lại dẫn đến việc tạo ra một số chữ Nôm có bộ phận chỉ nghĩa không phù hợp. Chúng tôi tạm coi bộ phận chỉ nghĩa không phù hợp với chữ này là bộ phận chỉ nghĩa giả. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy bộ phận chỉ nghĩa giả xảy ra trong những trường hợp sau:
1. Trong một từ ghép cố định, hai chữ ghi hai từ đơn, một chữ dùng lối chữ đơn (mượn Hán), một chữ dùng lối chữ Nôm tự tạo. Bản thân chữ Nôm vốn là nguyên hình chữ Hán, bộ phận chỉ nghĩa trong chữ Hán này không có liên quan gì đến chữ Nôm ghi từ ghép cố định đó, thế nhưng trong chữ tự tạo bộ phận chỉ nghĩa lại chịu sự chi phối của chữ đơn trên, sử dụng luôn bộ thủ của chữ đơn làm bộ phận chỉ nghĩa, do vậy tạo ra chữ Nôm có bộ phận chỉ nghĩa giả. Ví dụ:
- Yêu, ghét 腰 月結 :
Khiến thị quan nộp vật giá cái quý cái tiện để xem dân chưng thửa yêu ghét.
Lễ ký đại toàn tiết yếu diễn nghĩa
Yêu là chữ Hán ghi từ Hán Việt yêu chỉ phần eo lưng trong cơ thể con người, bộ “nhục” là bộ phận chỉ nghĩa. Ở đây mượn để ghi từ yêu trong từ ghép yêu ghét, mà bộ “nhục” thì không hề có liên quan gì đến khái niệm yêu ghét cả. Thế mà ở chữ ghét người viết lại dùng nó để làm bộ phận chỉ nghĩa trong chữ Nôm tự tạo ghét (nhục + kết).
Thấp thoáng 湿 淌
Lửa đâu thấp thoáng trong rèm
Khi đưa hương xạ khi đem khói tùng
Mai đình mộng ký
Từ thấp thoáng được Từ điển tiếng Việt giải thích là: “khi ẩn khi hiện một cách nhanh chóng”(4). Từ thấp ở đây được ghi bằng chữ Hán thấp, có bộ phận chỉ nghĩa là bộ “thủy” vốn để ghi từ Hán Việt thấp có nghĩa là ẩm ướt, không hề có liên quan gì đến nghĩa của từ thấp thoáng trong tiếng Việt. Đến khi ghi từ thoáng, người viết lại dùng ngay bộ phận chỉ nghĩa là bộ thủy, tạo ra chữ Nôm tự tạo thoáng (thủy + thượng).
Bộ bối trong chữ gần ghi từ ghép gần xa, bộ xước trong chữ lùng ghi từ ghép lạ lùng, và bộ cự trong chữ sửa ghi từ ghép sửa sang, cũng nên được xem là những bộ phận chỉ nghĩa giả trong chữ Nôm tự tạo (riêng chữ sửa có cấu tạo phức tạp hơn, chúng tôi sẽ bàn kỹ trong một dịp khác).
Đôi khi trong các từ ghép tự do, cũng thấy có hiện tượng dùng chữ Nôm tự tạo có bộ phận chỉ nghĩa giả. Ví dụ, chữ:
Vò (mịch + vu) 紆
Ruột tằm chín khúc vò tơ
Thương chàng nên nỗi tương tư đêm ngày
Ngọc Hoa cổ tích
Nhẹ nhàng càng nhắn nhe cho
Càng xui châu giã tơ vò càng thương
Hoa Tiên truyện
là động từ chỉ động tác thường được thực hiện bằng tay, do vậy chữ thường thấy dùng bộ “thủ” để chỉ nghĩa. Thế nhưng ở đây do tác động của chữ “tê”, đã tạo ra chữ Nôm tự tạo có bộ phận chỉ nghĩa là “Mịch”
- 犻 hái (thảo + hải)
Hái cúc ương sen hương bén áo
Tìm mai đạp tuyết nguyệt xâm khăn
Nguyễn Trãi Quốc âm thi tập
Hái là động từ chỉ động tác thực hiện bằng tay, nên chữ hái phải dùng bộ “thủ” làm bộ phận chỉ nghĩa mới thỏa đáng. Thế nhưng ở đây chịu tác động của chữ cúc (菊), nên chữ hái cũng có bộ phận chỉ nghĩa là thảo là không được phù hợp.
2. Trong một từ ghép cố định được ghi bằng hai chữ Nôm đều là loại chữ tự tạo, song do đặc điểm của lối viết chữ khối vuông, để đảm bảo thế hài hòa cân đối trong từng chữ, người viết đã viết đảo thứ tự thông thường, viết bộ phận chỉ âm trước, bộ phận chỉ nghĩa sau. Khi viết đến chữ thứ hai, đã dùng bộ phận chỉ âm của chữ thứ nhất làm bộ phận chỉ nghĩa, do vậy cũng tạo ra bộ phận chỉ nghĩa giả không phù hợp với chữ. Ví dụ:
- Chữ “loi” 雷 trong từ lẻ loi
Người về chân gấm no đôi
Tôi nằm chiếu rách lẻ loi một mình
Nam giao cổ Kim lý hạng ca dao tập chú
Chữ lễ 礼佳 (lễ + chích), có bộ phận chỉ âm lễ, nét móc viết sau vòng sang bên phải, nếu theo thứ tự thông thường viết bộ phận chỉ nghĩa chích trước, bộ phận chỉ âm lễ sau sẽ tạo ra một khoảng trống không cần thiết, làm cho chữ mất cân đối, do vậy người viết đã viết đảo thứ tự. Đến khi viết đến chữ loi (lễ + lôi), dùng bộ phận chỉ âm lôi, và bộ phận chỉ nghĩa là lễ, không phù hợp với chữ, thành ra có bộ phận chỉ nghĩa giả.
- Chữ nần 女难 (nữ + nan), nần trong từ nợ nần:
Tham giầu lấp chú biện tuần
Tuy rằng bóng bảy nợ nần chan chan.
Nam giao cổ kim lý hạng ca dao tập chú
hoặc viết là 嫀 (nữ + tần)
Như ai dầu có nợ nần
Ta thì thay giả người ăn cũng đành.
Hương Sơn quan thế âm chân kinh
Từ nợ được ghi bằng chữ Nôm tự tạo 笡 (nữ + trái) bộ phận chỉ âm nữ đặt trước phần chỉ nghĩa trái. Trường hợp này có lẽ do thói quen khi viết chữ Hán bộ nữ thường được dùng làm bộ phận chỉ nghĩa, rất ít khi làm bộ phận chỉ âm, do vậy nó hay được viết trước. Đến khi viết chữ Nôm tự tạo nần, người viết lại dùng ngay bộ nữ này làm bộ phận chỉ nghĩa, do vậy đã tạo ra bộ phận chỉ nghĩa giả.
Xem xét những trường hợp cấu tạo chữ Nôm trên đây, chúng tôi nghĩ rằng thừa nhận có bộ phận chỉ nghĩa giả trong một số chữ Nôm, sẽ có thể đóng góp vào việc xây dựng mô hình chữ Nôm cho đầy đủ và chính xác hơn, từ đó giúp cho việc giải đọc các văn bản Nôm một cách có hiệu quả hơn.
CHÚ THÍCH
(1) Xin tham khảo các tài liệu
- Lê Văn Quán, Nghiên cứu về chữ Nôm, Nxb. KHXH, H. 1981.
- Trần Xuân Ngọc Lan, Sơ bộ khảo sát quyển Tự điển Chỉ nam Ngọc giải âm nghĩa, luận văn Phó tiến sĩ.
- Nguyễn Ngọc San, Mô hình cấu trúc chữ Nôm, luận văn Phó Tiến sĩ (b. tóm tắt).
- Nguyễn Tài Cẩn, Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1985.
(2) Một số vấn đề về chữ Nôm, sách đã dẫn, tr.49. Xét kỹ ra, tiêu chí này cần phải có thêm giải thích, bởi lẽ chúng ta bắt gặp khá nhiều chữ Nôm tự tạo có mặt trong văn bản Hán, ví dụ những chữ ghi tên đất, tên người trong các văn bia chữ Hán v.v...
(3) Một số vấn đề về chữ Nôm, Sách đã dẫn, tr.80. Để tiện cho việc trình bày giải thích, trong bài viết này chúng tôi nhất loạt gọi tên các thuật ngữ theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đã sử dụng, như: chữ đơn, chữ tự tạo...
(4) Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1976, in lần thứ 2, tr.725./.

No comments:

Post a Comment