Saturday 8 April 2017

CHỮ HÁN - DẠNG THỂ VÀ CÁCH CẤU TẠO - Thọ Nhân


TB

Chữ Hán ra đời cách đây khoảng 3500 năm. Nhưng cũng có người cho rằng thời điểm xuất hiện chữ Hán còn sớm hơn, từ 2300 đến 2400 năm trước Công nguyên, nghĩa là suýt soát hoặc không mấy muộn hơn so với chữ viết xuất hiện ở lưu vực sông Nil hoặc sông Lưỡng Hà cách đây chừng 5000 năm(1).
Sau khi ra đời, chữ Hán được thể hiện qua nhiều cách viết. Chủ yếu có: Giáp cốt văn, Kim văn, Tiểu triện, Lệ thư, Khải thư, Thảo thư và Hành thư.
1. Giáp cốt văn: thể chữ khắc trên mai rùa hoặc xương thú, được sử dụng vào thời Thương - Chu. Còn gọi là “Khế văn”, “Bốc từ”, “Quy giáp văn tự”, “Ân Khư văn tự”.
“Khế văn” tức chữ khắc bằng “khế đao” - một thứ tiền cổ. “Bốc từ” tức chữ dùng để ghi chép những điều bói toán. “Quy giáp văn tự” tức chữ viết trên mai rùa, “Ân Khư văn tự” tức chữ phát hiện ở vùng Ân Khư, kinh đô cũ của nhà Thương, nay thuộc huyện An Dương, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc. Mỗi cách gọi như trên đều nhằm nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của Giáp cốt văn tự.
Số chữ đơn phát hiện được tính đến nay, có khoảng 4500 chữ, trong đó, các nhà nghiên cứu đã giải mã được chừng 1700 chữ.
2. Kim văn: thể chữ khắc hoặc đúc trên đồ dùng bằng đồng thau, cũng được sử dụng vào thời Thương - Chu. Còn gọi là “Chung đỉnh văn”, tức chữ viết trên nồi, vạc...
Kim văn đời Thương có hình thể gần giống với Giáp cốt văn. Kim văn cuối đời Chiến Quốc hình dạng lại gần giống với Tiểu triện.
Trong số 5000 đến 6000 chữ đơn thu thập được, nay phần lớn đều có thể giải mã.
3. Tiểu triện: còn gọi là “Tần triện”, tức thể chữ thông dụng vào đời nhà Tần, được hình thành trên cơ sở Đại triện, tức Trụ văn (còn đọc là Trứu văn), thứ chữ của nước Tần thời Xuân Thu - Chiến Quốc trước đó.
Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Quốc, theo đề nghị của Lý Tư, đã lấy Tiểu triện làm thể chữ chính thức. Từ đây, các cách viết khác với Tiểu triện thuộc các địa phương đều bị bãi bỏ, và như vậy, nhà Tần đã tiến thêm một bước trong việc quy phạm hóa chữ Hán.
Về phương diện hình dạng, Tiểu triện cũng tỏ ra cân đối, ngay ngắn hơn các thể chữ trước đó.
4. Lệ thư: còn gọi là “Tá thư”, “Sử thư”... một thể chữ do các cách viết trước đó diễn biến và đơn giản hóa mà thành.
Đặc điểm của loại chữ này là biến các nét tròn và cong ở chữ Triện thành nét vuông và gãy. Về mặt kết cấu, chuyển chữ theo hình vẽ thành chữ viết theo nét bút, cốt tiện viết, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của chữ Hán. Đó là giai đoạn “Cổ văn tự” chuyển sang “Kim văn tự”.
Thể chữ này bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ vào đời Tần và được sử dụng phổ biến ở các đời Hán, Ngụy sau đó.
5. Khải thư: còn gọi là “Chính thư”, chữ chính thức, hoặc “Chân thư”, chữ viết chân phương, bắt đầu xuất hiện từ cuối đời nhà Hán và được lưu hành mãi cho đến tận ngày nay.
Đặc điểm của loại chữ này là viết ngay ngắn, thẳng thắn, cân đối, nhiều nhà thư pháp đời sau đã nổi tiếng nhờ viết thể chữ này.
6. Thảo thư: thể chữ này xuất hiện trước Khải thư, tức vào khoảng đầu đời nhà Hán. Hồi bấy giờ được dùng phổ biến là loại “Thảo lệ”, tức chữ Lệ viết tháu. Sau dần dần phát triển thành “Chương thảo”. Đến cuối đời Hán, tương truyền nhà thư pháp Trương Chi đã cải tiến Chương thảo bằng cách làm cho nét bút khi viết thoát ra khỏi dấu vết chữ Lệ, để đạt đến một lối viết liền một mạch giữa chữ này với chữ kia, các bộ mạch giữa chữ này với chữ kia, các bộ thủ vay mượn lẫn nhau, gọi là “Kim thảo”, cũng tức là “Thảo thư”. Đến đời nhà Đường, Trương Húc Hoài Tố từ “Kim thảo” đã tạo ra một lối viết phóng túng hơn, nét bút liền mạch, uốn lượn như phượng múa rồng bay, gọi là “Cuồng thảo”.
7. Hành thư: một thể chữ nằm giữa Khải thư và Thảo thư. Nó không hoàn toàn bay bướm như Thảo thư, cũng không hoàn toàn chân chất như Khải thư. Trong khi viết, nếu chất Khải thư nhiều hơn Thảo thư, thì gọi là “Hành khải”. Ngược lại, là “Hành thảo”.
Tương truyền Hành thư đã có từ cuối đời Hán và được dùng mãi cho đến ngày nay.

*
**
Về mặt cấu tạo, chữ Hán được làm ra chủ yếu bằng sáu cách gọi là “lục thư” sau đây theo sự quy nạp của người xưa: tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, giả tá và chuyển chú.
1. Tượng hình: cách tạo chữ dựa vào hình dáng của vật thể. Thí dụ chữ xa (車) là hình vẽ một cái xe; chữ mã (馬 ) là hình vẽ một con ngựa; chữ vũ (雨 ) là hình vẽ bầu trời và những giọt mưa. Cách cấu tạo này thường dành cho những chữ ghi chép về đồ vật, động vật hoặc hiện tượng tự nhiên.
Chữ tượng hình trở thành nền tảng cho các cách cấu tạo chỉ sự, hội ý, hình thanh.
2. Chỉ sự: còn gọi là “tượng sự” hay “xử sự”, tức cách tạo chữ dựa vào các phù hiệu tượng trưng để chỉ nghĩa. Có thể chia thành hai loại chữ chỉ sự. Loại thứ nhất gồm những phù hiệu thuần tuý, như chữ Thượng (上 ) là “trên”, thời cổ viết (二 ), chữ hạ (下 ) là “dưới”, thời cổ viết ( ). ở đây, vạch ngang dài là phù hiệu chỉ đường chân trời, vạch ngang ngắn là phù hiệu chỉ phương hướng muốn nói. Loại thứ hai được tạo nên bằng cách thêm một phù hiệu chỉ sự vào một chữ Hán có sẵn như chữ mạt (末) là “ngọn” gồm một chữ mộc (木) là “cây” được thêm vào một vạch ngang dài bên trên làm phù hiệu chỉ sự để chỉ bộ phận cây muốn nói: chữ bản (本) là “gốc” gồm chữ mộc (木) là “cây” được thêm vào một vạch ngắn bên dưới làm phù hiệu chỉ sự để chỉ bộ phận cây muốn nói.
3. Hội ý: còn gọi là “tượng ý”, tức những chữ Hán được tạo nên bằng cách ghép mấy chữ đã có sẵn lại với nhau để thể hiện một nghĩa mới. Thí dụ để tạo nên chữ minh (明) là “sáng tỏ”, người ta ghép chữ nhật (日) là “mặt trời” với chữ nguyệt (月) là “mặt trăng” lại với nhau. Hay để tạo nên chữ tung (嵩) là “cao vút”, người ta ghép chữ sơn (山 ) là “núi” với chữ ca (高 ) là “cao” lại với nhau.
4. Hình thanh: còn gọi là “tượng thanh” hay “hài thanh”, chỉ việc tạo chữ bằng cách ghép hai chữ Hán có sẵn lại với nhau, một chữ dùng để chỉ ý nghĩa, gọi là “ý phù” (hình) và một chữ dùng để chỉ âm đọc, gọi là “âm phù” (thanh). Thí dụ chữ luận (論) là “bàn luận” được tạo nên bằng cách ghép chữ ngôn (言) (ý phù) với chữ luân (侖) (âm phù). Trong Hán tự, chữ hình thanh chiếm hơn 80%.
5. Giả tá: có một số từ chưa tạo được chữ riêng, người ta bèn chọn trong những chữ hiện có một chữ có âm đọc giống hoặc gần giống với nó để đại diện cho nó, chữ được vay mượn ấy gọi là “giả tá”. Thí dụ chữ lai (來) nguyên nghĩa là lúa “tiểu mạch”, được vay mượn để ghi từ lai với nghĩa là “lại”. Hay chữ “求” nguyên nghĩa là “áo cừu” được vay mượn để ghi từ cầu với nghĩa là “cầu xin”.
6. Chuyển chú: một chữ do phát triển về nghĩa, dẫn tới sự thay đổi về hình dạng. Như trường hợp chữ lão (老) và chữ khảo (考), ban đầu có cùng một nghĩa và cách viết cũng na ná như nhau. Về sau, hai chữ dần dần khác nghĩa: chữ “lão” dùng để chỉ người già hay kẻ có kinh nghiệm, còn chữ “khảo” thì dùng để chỉ việc sống thọ hoặc người cha sau khi qua đời. “Khảo” từ đó chuyển sang chữ “hình thanh”, và người ta gọi là “chuyển chú”. Có người cho đây là “hình chuyển”. Nhưng cúng có người cho đây là “âm chuyển”, hoặc “nghĩa chuyển”.
Ngày nay, theo ý kiến nhiều nhà nghiên cứu, “giả tá” và “chuyển chú” thực chất chỉ là cách dùng chữ, không liên quan gì tới cách tạo chữ. Mặt khác, trong quá trình phát triển, không ít chữ Hán đã từ cách cấu tạo này chuyển sang cách cấu tạo kia, không phải bao giờ cũng “nhất thành bất biến” - đã hình thành rồi thì không còn thay đổi nữa.

T.N
CHÚ THÍCH
(1) Xem Luc Binyi: Nghiên cứu văn bản mới về chữ Hán khắc trên đồ đồng. Tin Tân Hoa xã, 30-8-1987.

No comments:

Post a Comment