Monday 6 August 2018

Thương xá “Grands Magasins Charner” thời Pháp thuộc (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Thương xá “Grands Magasins Charner” thời Pháp thuộc




Hình thành
Thương xá Tax nằm ở vị trí tốt đẹp nhất ngay trung tâm Saigon. Vì thế ta không ngạc nhiên khi nơi đây nhiều người chú ý không phải chỉ là vị trí thương mại có giá tuyệt vời mà là nơi chứng kiến sự thăng trầm lịch sử thương mại của thành phố thương cảng Saigon, ghi vào ký ức một dấu ấn sâu đậm trong người Saigon.
Địa điểm tòa nhà Grands Magasins Charner de Saigon lúc đầu là cơ sở thương mại mở cửa vào năm 1914, đến năm 1921 công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” được thành lập với số vốn 12 triệu francs từ công ty mẹ “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” mua lại và quản lý cửa hàng GMC. Phòng Thương mại Saigon (Chambre de Commerce de Saigon) trong kế hoạch phát triển cảng Saigon đã khuyến khích sự thành lập công ty “Société Coloniale” và phát cổ phiếu ở Đông Dương thay vì ở chính quốc Pháp để người dân ở Đông Dương (Việt, Hoa, Pháp) có cơ hội đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển ở Nam Kỳ (4).
Theo kế hoạch này của Phòng thương mại Saigon thì các công ty mới được thành lập ở Saigon phải phát cổ phiếu đầu tư với vốn ít nhất là 50% từ Đông Dương. Sở dĩ có kế hoạch này là do kinh nghiệm qua đó những hoạt động thương mại và kỹ nghệ ở cảng Saigon tùy thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư của các nhà tư bản ở Pháp và nước ngoài và những người này không hề biết gì về Saigon và các xứ sở ở Đông Dương. Ngoài công ty “Société Coloniale”, các công ty kỹ nghệ hóa học “Société Industrielle de Chimie” (1922) và công ty tín dụng “Crédit foncier d’ Extrême-Orient” phát hành cổ phiếu lấy vốn địa phương rất thành công.
Từ năm 1921, cửa hàng GMC ở Saigon buôn bán rất phát đạt và cho đến quý cuối tháng 30/9/1922, lợi nhuận là 6% cho mỗi cổ phiếu và giá cổ phiếu tăng từ 500 francs lúc đầu lên 614 francs (4). Công ty vì thế bán thêm nhiều cổ phiếu để có thêm vốn đầu tư từ những nhà đầu tư ở Saigon-Chợ Lớn, lúc này với tổng dân số là 300,000, cải tiến xây dựng lại phát triển cửa hàng phong phú hơn. Đây là một kế hoạch khôn ngoan vì nếu không thì số vốn ở Saigon-Chợ Lớn cũng sẽ chảy ra nước ngoài.
Với vốn mới, công ty xây lại tòa nhà GMC và khánh thành trang trọng vào ngày 26/11/1924 với sự tham dự của ông Eutrope, đại diện cho toàn quyền Nam Kỳ. Từ đó cửa hàng GMC được nhiều người biết đến. Năm 1925, cảng Saigon có đăt trên nóc tòa nhà GMC một kèn để báo hiệu khi có tàu từ Pháp mang thư từ và hành khách đến cập bến Saigon.
Công ty “Société Coloniale” cũng điều hành cửa tiệm nổi tiếng ở Hà Nội là “Grands Magasins Réunis de Hanoi” (còn gọi là nhà Godard, sau này là cửa hàng Bách hóa tổng hợp). Kiến trúc của hai cửa hàng “Grands Magasins Réunis de Hanoi” “Grands Magamisns Charner de Saigon” rất giống nhau.
Cửa hàng GMC trở thành nơi mua sắm của giới sành điệu thượng lưu Pháp-Việt-Hoa có tiền. Hầu như tất cả hang của các cửa hiệu lớn ở Paris cũng có mặt ở đây. Tháng 12 năm 1925, khi toàn quyền Alexandre Varenne đến Saigon, vợ của ông là bà Varenne sau đó có đến cửa hàng Grands Magasins Charner để mua sắm, một người bạn ông giám đốc GMC đã giới thiệu ông với bà Varenne. Bà rất là de6~ chịu tiếp xúc với ông và ông đã bảo đảm chắc với bà là cửa hàng GMC đều đón tiếp phụ nữ An Nam bất kể giai cấp xã hội của họ (5).
Địa chỉ của GMC theo Niên giám địa chỉ thương mại, kỹ nghệ toàn Đông Dương (2) vào năm 1933 cho biết công ty sở hữu là “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine”: Grands Magasins Charner (GMC) (l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine), Société anonyme au capital de 42.000.000 de Frs, R.C Saigon no. 243, Boulevards Charner et Bonard, Add. Tél. : “MAGCHARNER”, Téléphone nos. 140 et 543, Boite Postale 528.
Như vậy trong vòng khoảng 10 năm số vốn vào cửa hàng GMC của công ty “l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine” đã tăng hơn gấp 3 lần.
Quảng cáo các tiệm trong cửa hàng GMC được đăng trên các báo ở Saigon như trên tờ “Echo Annamite” (Tiếng gọi An Nam). Trong đó có những cửa hàng bán các hàng như đồng hồ, kính đeo, rượu, thuốc lá, thuốc tây, nước hoa, dịch vụ du lịch, Salon de Thé, Bar Américain, Salon de Manucure v.v…. Sau này còn có súng đạn đi săn.
thuongxatax
Hình 1 – Quảng cáo GMC trong “Guide pratique, Saigon” (3).
Tuy vậy trong khoảng giữa và cuối thập niên 1920 vào thời kỳ trước và trong lúc khủng hoảng kinh tế thế giới, đã có những khó khan và thay đổi quan trọng. Theo tuần báo “L’Eveil économique de l’Indochine” (Thức tỉnh kinh tế Đông Dương) ra ngày 8 tháng 8 năm 1926 cho biết vì sự khủng hoảng mất giá của đồng francs, đã ngưng bán hang theo tiền francs và dùng tiền piastre Đông Dương bắt đầu từ ngày 26/7/1926 . Các hang vẫn còn để giá tiền francs sẽ được đổi ra tiền piasters Đông Dương theo tỉ suất 20 francs là 1 đồng piastre. (1)
“La crise des changes oblige les Grands Magasins Charner à adopter la vente en piastres — La Direction des Grands Magasins Charner nous communique ce qui suit: La dévaluation du franc français, ayant pour cause profonde l’instabilité des prix, nous oblige, au moins provisoirement, à cesser nos ventes en francs.
En conséquence, nos prix, à dater de Lundi 26 Juillet 1926, seront fixe’s en piasters indochinoises.
Toutefois, la marque en piastres de toutes nos marchandisese exigeant un temps trop long pour y recourir sans fermer nos Magasins – et pour éviter cel inconvenient à notre estimée Clientè – nous l’informons qu’elle devra, pour ses achats, convertir en piasters sur la base de 20 francs à la piaster, ceux de nos prix encore exprimés en francs francais, et palate et palata… “
Và bắt đầu từ đấy cửa hàng GMC dùng tiền Đông Dương.
Khoảng thập niên 1960, cửa hàng GMC được đổi tên là Thương xá Tax, và vẫn là nơi thương mai với các cửa hàng thanh lịch sang trọng. Sau năm 1975, cũng như Grands Magasins Réunis ở Hà Nội lúc trước, thương xá Tax đã trở thành cửa hàng bách hóa tổng hợp. Ngày hôm nay, thương xá Tax lại thay đổi lần nữa với sự trùng tu lớn lao hơn các thay đổi lúc trước. Nếu mặt tiền vẫn giữ được nét xưa thì tòa nhà mới này cũng vẫn sẽ là một biểu tượng của Saigon, mặc dầu có sự tiếc nuối của một tòa nhà cũ nhiều kỷ niệm trong người Saigon.
Tham khảo:
  • L’Eveil économique de l’Indochine [“puis” (Eveil économique de l’Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire, 1926/08/08 (A10,N478)
  • Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières : Indochine adresses, 1ère année 1933-1934 , éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy, Albert Portail (Saigon), 1933.
  • Guide pratique, renseignements et adresses. Saigon, Éditeur : J. Aspar (Saigon).
  • L’Eveil économique de l’Indochine [“puis” (Eveil économique de l’Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire, 1923/11/04 (A7,N334).
  • L’Eveil économique de l’Indochine [“puis” (Eveil économique de l’Indochine)] ; Bulletin hebdomadaire,1925/12/06 (A9,N443).
(6)    L’Echo annamite , 1925/09/28 (A6,N393)

No comments:

Post a Comment