Sunday 7 October 2018

Nhân vật Saigon-ChợLớn thời Pháp thuộc – Tổng Đốc Phương (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Nhân vật Saigon-ChợLớn thời Pháp thuộc – Tổng Đốc Phương

 (https://hiepblog.wordpress.com/2015/03/15/nhan-vat-saigon-cholon/)

Nhất Sỹ,nhì Phương, tam Xường, tứ Định”


Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 là giai đoạn mà xã hội Việt Nam bắt đầu chuyển mình và thay đổi rất lớn. Đây không phải là một sự lựa chọn mà là sựbắt buộc. Việt Nam bi bắt buộc phải bỏ sự cô lập đứng riêng với tổ chức chính trị kinh tế xã hội đặc thù của mình và bị ép một cách không cân xứng vào hệ thống kinh tế toàn cầu của sự phát triển tư bản phương Tây, lúc bấy giờ là một hệ thống không công bình và khác lạ với con người Việt Nam truyền thống. Việt Nam coi như là một xứthuộc địa của Pháp: với Nam Kỳthuộc Pháp trong khi Bắc Kỳ, Trung Kỳlà hai xứ bảo hộ.
Trong giai đoạn đầu của thời Pháp thuộc ở Nam Kỳ,nhiều tầng lớp yêu nước khởi nghĩa giúp vua chống lại Pháp, và một số theo Pháp đàn áp khởi nghĩa. Đến cuối thế kỷ 19 thì người Việt Nam nhận ra rằng phải thích ứng với tình thế mới và tìm đường hay phương hướng mớiđể dành độc lập, phát triển quốc gia. Những người như các ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh, Trương Duy Toản… mặc dù hấp thụ văn hóa Pháp và tư tưởng Tây Phương nhưng luôn có cái nhìn muốn canh tân, cải cách đất nước. Họ là những người yêu nước và trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, đa số họ thành lập hay tham gia trong phong tào Minh Tân, có liên hệ mật thiết với phong trào Đông Du do Phan Bội Châu và Cường Để khởi xướng.
Nhưng cũng có những người hấp thụ văn hóa Pháp, thích ứng với tình thếvà có địa vị trong xã hội, mà không còn nghĩ đến xã hội đất nước trong một phạm vi lớn hơn. Những người nhưvậy được ưu đãi và có lợi thế qua sự hợp tác của họvới Pháp trong lãnh vực kinh tế,chính trị hay qua vị thế của họtrong xã hội như các thương gia Hoa kiều, các người theo đạo. Một trong những người như vậy là ôngĐỗ Hữu Phương, một người Việt gốc Minh Hương ở Chợ Lớn. Bài viết này không có mục đíchđánh giá con người mà chỉmô tả những sự kiện liên hệ đến ông Đỗ Hữu Phương trong bối cảnh xã hội ở đầu thế kỷ 20 qua các tư liệu báo chí Pháp ngữ và Quốc ngữ hiện nay ít được chú ý.
Ông Đỗ Hữu Phương có khác với nhữmg người lúc đầu hợp tác với Pháp là ông rất chuộng văn hóa Pháp. Bắt đầu từ Hội Nghiên cứu Nam Kỳ và Đông Dương (Société des Études Indo-chinoises) là nơi những tầng lớp trí thức và thượng lưu Pháp Việt giao du và học hỏi. Những người Pháp nghiên cứu và có kiến thức rộng về Nam Kỳ và Đông Dương phải kể đến Antoine Landes, Charles Lemire, George Durwell và Việt thì có Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký. Ngoài ra có những thương gia, kỹ nghệ gia Hoa Việt, các quan lại, công chức trong bộ máy cầm quyền Pháp làm việc chung với người Pháp; và qua đó văn hóa Pháp dần dần ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội miền Nam, nhất là ở thành thị.
Ngược lại người Pháp ở chính quốc bắt đầu biết đến vùng đất Đông Dương và họ tò mò tìm hiểu về văn hóa ở Viễn Đông, nhất là trong giai đoạn cuối thếkỷ 19 sau hội chợ thế giới 1889 cho đến thời đại Belle Epoque đầu thế kỷ20 thì sự hấp dẫn văn hóa Viễn Đông đã có tác động lớn vào giới nghệ sĩ, học thuậtở Paris. Trong giai thoại về cô Cléo de Merode với các ông đốc Phủ, ta có thể đoán rằng ông Phủcó quyền thế và giàu có trong câu chuyện, người ngỏ ý mời cô qua Nam Kỳ đến ở dinh ông ởSaigon, chắc phải là ông Tổng đốcĐỗ Hữu Phương (11). Hội chợtriển lãm thế giới năm 1900 ởParis đòi hỏi sự tổ chức qui mô, riêng về phần khu triển lãm Đông Dương dưới sự điều hành của Jules Charles-Roux, Pierre Nicolas ở Paris và Paul Doumer ở Hà Nội, ở Nam Kỳ cóỦy ban địa phương Nam Kỳ (Comité local de Cochinchine) trong đó ông Đốc Phủ Sứ Đỗ Hữu Phương là một hội viên và ông Trương Vĩnh Ký là thư ký. Khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tầng lớp thượng lưu Hoa Việt ở Nam Kỳ đều chịu ảnh hưởng ảnh hưởng văn hóa Pháp mà ông Phương là một thí dụ nổi bật.

Một vài nét về Đỗ Hữu Phương


Đỗ Hữu Phương sinh ở Chợ Đủi, Saigon năm 1840, mất ngày 5 tháng 5 1915. Ông gốc người Minh Hương. Năm 1861, khi Pháp chiếm thành Saigon và đánh đồn Kỳ Hòa, người Pháp đã thấy tầm quan trọng của thương mại người Hoa ở Chợ Lớn, họ đã mua lương thực, trao đổi hàng hóa với người Hoa ở Chợ Lớn trong thời gian công phá đồn Kỳ Hòa. Ngay sau khi đã phá được đồn Kỳ Hòa, người Pháp tuyên bốSaigon là cảng tự do mở cửa buôn bán với thế giới bên ngoài. Thương mại người Hoa ở Chợ Lớn sau bao nhiêu năm bị ức chế, bế quan tỏa cảng, đã bộc phát và cộngđồng người Hoa và Minh Hương ởSaigon – Chợ Lớn hồ hởi tham gia vào tình hình kinh tế mới.
Trong năm 1861 biếnđộng lịch sử này, Đỗ Hữu Phương thấy được cơ hội mới, ông đã tiếp xúc và làm việc với người Pháp chânướt chân ráo cố gắng tuyển dụng người thiết lập một nền hành chánh còn rất sơ khai ởSaigon – Chợ Lớn. Ông được phong ngay làm chức trưởng khu Chợ Lớn (chef de quartier Cholon), sau thành huyện Chợ Lớn.
Năm 1872 ông được phong là Đốc Phủ tỉnh Chợ Lớn và huân chương Legion d’Honneur. Ông vềhưu năm 1897. Theo Brébion (1) thì ôngđã đi qua Pháp 4 lần; viếng các thủ đô ở Âu châu và đi chuyến vòng quanh thế giới vào năm 1884. Trong danh sách các hành khách đi tàu “Anadyr”từ Saigon đến Marseille ngày 29/04/1889, có tên ông cùng với 2 người con (8). Như vậy ta có thể đoán rằng ông đi chu du nước Pháp trong dịp hội chợ thế giới 1889 kỷ niệm 100 năm cách mạng Pháp.
Ông Phương là người có tiếng hiếu khách tiếpđãi người nước ngoài đến thăm tư gia của ông. Ông toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer, khi có dịp vào Saigon cũng thường đến tư gia của ông Đỗ Hữu Phương. Paul Doumer là người có trách nhiệm thiết kế và giúp đỡ tổchức khu triển lãm Đông Dươngở Hội chợ quốc tế Paris năm 1900.
Đỗ Hũu Phương giao thiệp rộng rãi và biết rất nhiều các quan chức Pháp ở Saigon. Theo Hứa Hoành (4), ông thường đến nhà hàng khách sạn Continentalở Saigon, và Café de la Paix, nơi gặp gỡ của các bạn bè Pháp Việt thượng lưu trí thức. Nơiđây có các quan chức như ông Paul Blanchy (thị trưởng Saigon), ông Bonnet, ông Morin. Đỗ Hữu Phương đã “Pháp hóa hơn cả người Pháp”. Ông Phương gởi 4 người con trai qua Pháp học, trong đó có ông Đỗ Hữu Chẩn và ĐỗHữu Vị học ở trường võ bịSaint Cyr. Khi khách tới nhà chơi đềuđược Phương đãi rượu sâm-banh, ăn bánh petits beurres de Nantes và uống cà phê “De La Paix”. Café de La Paix là quán cà phê nổi tiếng ở Paris nơi ông Phương đã đến khi qua thăm Paris. Ông đã qua Pháp 4 lần trong đó có lần dự Hội chợ triển lãm 1889.
Theo Hứa Hoành (4) thì ông Nguyễn Văn Vực có nhắc lại hồi đó có một bài ca dao rất phổ thông nói về ĐỗHữu Phương hay đến nhà hàngCafé de la Paix, bài ca dao này đượcTrương Minh Ký dịch ra Pháp văn, đại khái như sau:
“Các quan lại Pháp thường hay đến tửu quán “Cà phê De La Paix”
…để gặp quan Tổng Đốc Đỗ Hữu Phương và quan Bonnet đang ngồi tán dóc ở đó
Bạn sẽ gặp ngài Paul Blanchy (Chủ tịch Hội Đồng Quản Hạt), cùng với ngài Morin ở đó nữa…”
Bài này rất phổ thông hồi đầu thế kỷ 20ở Sài Gòn, nay đã biến mất không còn dấu vết. Dịch giả cùng vài bạn Pháp cũng có đếnđó chơi với Ðỗ Hữu Phương. Những người Pháp-Việt hội nhậpở đó, đã nhớ lại vẻ ấm cúng và thú vị của thuộcđịa Nam Kỳ, so với bầu trời Paris luôn luôn ảm đạm lạnh lẽo.”
Café de la Paix”này là ở ngay trung tâm thành phốSaigon, vị trí trên đường Nguyễn Huệ ngày nay, địa chỉ số 56-64 Boulevard Charner, ngay góc đường rue d’Ormay (Mạc Thị Bưởi) và Charner (12). Trong lúc ông Đỗ Hữu Phương và các nhân vật giàu có và quan chức trong chính quyền như Paul Blanchy, Morin, Bonnet tụ tập ăn uống, trao đổi nói chuyên thì đối diện bên kia đường, trong dãy phố gần toà hoà giải (Justice de la Paix) mà ngày nay là toà nhà Sun Wah Tower, ông Nguyễn An Khương, một nhân sĩ trong phong trào Minh Tân, có khách sạn và tiệm may và bán vải ở số 49đường Charner. Và sau đường Charner, gần Chiêu nam Lầu của ông Khương, ở đầu đường Krantz (Hàm Nghi) là khách sạn của ông Trần Chánh Chiếu, cạnh ga xe lửa đầu tiên ở Saigon. Các ông Nguyễn An Khương (con ông là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) và Trần Chánh Chiếu lúc này đang cố gắng lập hội, làm báo (Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn) để canh tân thức tỉnh nước nhà, trong khi bên kia đường ông Phương đang hưởng thụ cuộc sống với các chính khách Pháp.
Cách sống xa hoa và sự hiếu khách của Ðỗ Hữu Phương với người Pháp đãđược bá tước Pierre Barthélemy kể lại như sau, khi ông Barthélemy và các bạn của ông đến viếng tư gia của Ðỗ Hữu Phương:
“Khi viếng ChợLớn, không thể không có chuyến ghé thăm một ông Phủ giàu có danh tiếng của thành phố này. Đó là điều chúng tôi làm, với sự tháp tùng của vài người bạn Saigon của ông ta. Ông đốc phủtiếp chúng tôi thật nồng nhiệt Ông là một người An-Nam, tuổi khoảng 50, vẻ mặt thông minh; ông hầu như luôn mặc bộ đồ Tây và không do dự cho các con trai ông được theo học một nền giáo dục Pháp. Một trong các con trai ông hiện là một sĩ quan trong binh đoàn Lê Dươngở Algérie, trong khi một người con khácđang học sắp xong ở Paris.
Nhà ông là một sự pha trộn lạ kỳ giữa Âu và Á. Sân trong thiết kế theo kiểu Trung Hoa, chung quanh sân là các phòng kiểu An Nam mà một phòng salon ở tận trong rất đáng chú ý. Đối diện với salon này là một biệt thự kiểu Âu. Bàn thờ trong phòng salon An Nam này là một công trình tuyệt diệu nổi tiếng, bàn thờ được cẩn xà cừ. Những cột nhà làm bằng gổ teck rất quí, trụ mái nhà của phòng salon này trông rất thanh tao và trên một bàn làm bằng gỗ quí là những chai rượu absinthe, amer Picon và những sản phẩm của Pháp khác. Ông Phủthích đãi khách các đồ ănđặc biệt, và ông ta cũng biết thưởng thức các loại rượu của chúng ta. Nếu phải diễn tảhết tất cả sự giàu sang của nội thất An nam này, thì phải viết rất nhiều trang giấy. Tôi thấy đủ hài lòng để chỉ kể lại buổi ăn trưa mà ông chủ nhà đáng mến sẽ làm cho chúng tôi thưởng thức. Thường thì ông Phủ ChợLớn ăn đồ ăn Tây ở nhà, nhưng chúng tôi hôm đó dùng vài món ăn An Nam và kết thúc với các món ăn Tàu. Ông chủchủ tọa bàn ăn “
..“
Thường thì ông Phủ ở Chợ Lớn đãi thực khách bằng thức ăn Tây, nhưng chúng tôi hôm nay được thưởng thức ăn vài món An nam và ông thêm vào các món Tàu. Chủ nhà chủ tọa ngồi vào bàn ăn, chúng tôi vui vẻ tập dùng đôi đũa đểgắp thức ăn vào đủ các dĩa. Thực đơn gồm các món ăn nhưsau
Cháo tổ yến
Cá kiểu An Nam (với các chén cơm) (cá này cóướp nước mắm)
Thịt heo kiểu An Nam (nước mắm)
Đuông dừa (sâu dừa) nướng
Dưa chua với thịt heo theo kiểu Âu
Trứng chiên với fromage kiểu Âu
Tráng miệng: Vải, xoài, vải nhỏ An Nam, gừng và các trái cây nhiệt đới khác.
Những món ăn này hợp với khẩu vị Âu của chúng ta; duy chỉ có một món làm chúng tôi lo âu, đó là mónđuông dừa (sâu dừa). Nhưng chúng tôi biết rằng một món như vậy rất là quí, rất khó tìm các con đuông này. Để có các con đuông, người ta phải chặt nguyên cây dừa và lấy từ ngọn một loại sâu đặc biệt sống ở đó. Một cây bị đốn chết, và vì thế người ta nhận ngay ra là thật tốn kém như vương giả để có một con sâu nướng. Vì thế chúng tôi phải nếm món này như một kiểu ăn mới. Nó nếm giống như sa lách đọt dừa, con sâu ăn rất ngon và chúng tôi không do dự tuyên bố rằng món này thật ngon và xứng đáng là món ăn đặc khẩu thi vị.
Tuy vậy sau buổiăn thử hút ống pip thuốc phiện thì kém thành công hơn cho các bạn đồng hành không hợp chịu thuốc của tôi và đa số chúng tôi không thể theo kịp được với ông Phủ hút thật tài tình. Ông ta kế đó dẫn chúng tôi viếng toà nhà villa kiểu Âu của ông ta. Một phòng tiếp khách lớn nằm ở trung tâm toà nhà. Ở giữa phòng khách này là một bànđỡ một cặp ngà voi thật tuyệtđẹp. Chung quanh là các tủ kính chứa đầy các vật bằng ngọc thạch và cácđồ mỹ nghệ đắt giá. Lúc này chúng tôi không thể không mỉm cười khi thấy các bức màn và giấy phủ trên tường, mà ý định là bắt chước mode mới nhất ở Paris. Nhưng ta không thểquá khắt khe về việc này và Paris thì quá xa Saigon.
Lúc trở ra, chúng tôi phải chiêm ngưỡng một bộsưu tập hình thú bằng sành đặt trên hòn non bộ nằm chính giữa mà chung quanh là suối nước chảy:đó là một trong các vật trang trí trong vườn với vài cây nhỏbé (bonsai) được làm từ Nhật Bản. Ông Phủ rất lấy làm hài lòng dẫn chúng tôi tham quan cơ sởtư dinh của ông ta và chúng tôi từgiã ông rất trễ, sau khi đã cámơn ông ta nồng nhiệt.”

hinh-1
Hình 1 – Một phòng trong dinh Đốc Phủ Đỗ Hữu Phương ở Chợ Lớn
(Nguồn: BáoLe Monde Artiste, Dimanche 27/7/1901)


Toàn quyền Paul Doumer (6), trong hồi ký về Đông Dương, có nói về Nam Kỳ và ông ĐỗHữu Phương như sau:
Ông Phủ ởChợ Lớn tiếp khách người Âu trong nhà ông, mời uống rượu Champagne và bánh petits beurres de Nantes, cho khách xem không mệt nghĩ một vài sản phẩm đặc thù lạ kỳ của người An Nam, và tổ chức, theo sự đòi hỏi ước muốn của khách, xem một tuồng hát của người bản xứ (dịch giả: đây chắc là hát bội). Đó là hình ảnh Nam Kỳ, một chút kiểu cách và bóp méo trong cách diễn tả của người ta và được dùng phổbiến, ngay cả những người ngoài cuộc không biết nhiều. Ông ĐỗHữu Phương đã đến Pháp nhiều lần; ông ta được tiếpđón ân cần và ông trởthành nổi tiếng ở Paris, từ nhà hàng Durand đến Café de la Paix. Ông ta là một trong những người phụng sự cho chúng ta trong những ngày giờ đầu tiên, là học trò ngày xưa của các nhà truyền giáo ky tô, vì thế được chúng ta ban tặng những huân chương và đạtđược sự giàu có”
Ông Đỗ Hữu Phương rất được biết trong giới thượng lưu và nghệ sĩ ởParis. Bạn ông, Charles Lemire có giao thiệp rộng rãi trong giới nghệ sĩ, nghệthuật đặc biệt là nghệ thuật sân khấu, kịch và opera ở Paris. Vì thế ta sẽ không lạ nếu Cléo de Mérode biết về ông Đốc Phủ Đỗ Hữu Phương.
Nhà hát Đông Dương ở hội chợ Paris, một phần có lẽ là dựa vào kiến trúc bên trong của tư gia ông ở ChợLớn. Trong dinh thự của ông ở ChợLớn có nhà hát tuồng, có đền thờ tổ theo phong cách Á đông của người Hoa. Mặc dù không có dự Hội chợ 1900 nhưng ông có ảnh hưởng qua sự giao tiếp rộng rãi với nhiều quan chức tổ chức vàđiều hành khu triển lãm Đông Dương như toàn quyền Paul Doumer, Charles Lemire.
Trong dinh thự ông còn có nhà hát, thỉnh thoảng dùng để diễn các tuồng hát bội. Nhà ông ngày nay trên đường Châu Văn Liêm (trước đó làđường Tổng Đốc Phương) không còn dấu vết gì đểlại. Nhưng qua các ảnh để lại ta có thể thấy sự bề thế của dinh thự ông. Một kiến trúc kiểu Tây nhìn từ phía ngoài nhưng bên trong là phong cách Á đông.

hinh-2
Hình 2: Dinh thự của ông Đỗ Hữu Phương dọc Kinh Xếp, Chợ Lớn


Nhà ông ĐỗHữu Phương ở Chợ Lớn là một toà tư gia to lớn rộng rãi, nằm dọc theo kinh Xếp. Sau này kinh Xếpđược lấp đi thành đường Tổng Đốc Phương (nay là đường Châu Văn Liêm). Theo ông Pimodan (1), ngườiđã viếng thăm nhà ông Phương, một phần tư gia ông Phương được Pimodan mô tả như sau
” Một vài cây số từ Sài Gòn là ChợLớn, một thành phố lớn của người bản địa, mà điểm thu hút chính là tư gia của một người An Nam giàu có, ông Đỗ Hữu Phương, mà từ rất lâu đãủng hộ và là bạn của chúng ta. Ông ta thực hiện một số chức năng hành chính mà chức vụ theo tiếng An Nam là “Phủ” tên mà ông ta được biết đến.
Con trai của ông, một sĩ quan dễ mến của quân đoàn Lê Dương, vừa mới tốt nghiệp trường võ bị Saint-Cyr, tiếp đón chúng tôi ở nhà cha, gồm các toà nhà riêng biệt xây xung quanh một sân rộng lớn hình chữ nhật.
Ở sâu trong toà nhà, nơi tiếp khách, trong một loại nhà sảnh lớn là nơi gia đình cư ngụ. Trên một bàn, ngự trịbức tượng Đức Phật, và cạnhđấy là những bức ảnh của các thành viên gia đình, giữa các bình ly và hoa.
Chung quanh là cácđồ vật đủ loại rất là khác nhau. Chỗ này là đồ nội thất cẩn xà cừ, cổ xưa và rất đẹp, các đồ mỹ nghệÂu châu không đáng kể, được mua rẻ tiền trên các kệ của một chợ nào đó; còn có một cái bàn thấp, trên đó có các trái cau, các lá trầu và vôi nhuộm màu hồng, mà người An Nam nhai chúng chung lại với nhau rất thỏa thích.
Trong một góc nhà, có một hộp âm nhạc to lớn phát ra từng nốt các giai điệuĐông Dương lạ kỳ. Các câu, bao gồm bốn hoặc năm nốt, đôi khi nhạt nhẽo, đôi khi kỳ lạ, đôi khi hài hoà, kế tiếp nhau mà không có phối hợp dựa trên một đơnđiệu. Nó trông giống như một giai điệu chơi bởi một đàn “orgue de Barbarie” (1) cũ, với các xi lanh mòn xóa đi một số nốt nhấtđịnh, thay đổi các giá trịcủa chúng tương đối với các nốt khác, và chỉ phát ra một cách biếm họa của giai điệu sơkhai.
Lúc này, các con gái của ông “Phủ” đến tham gia với chúng tôi. Đây là những thiếu nữ trẻ tuổi dễthương, được dạy dỗ tốt bởi các bà sơ và nói tiếng Pháp rất chuẩn. Họ kể cho chúng tôi một cách duyên dáng là họ đi dự, với y phục truyền thống, khiêu vũ của Toàn quyền và than phiền là họ không khiêu vũ được bởi vì đôi giày đế bằng gỗ của họ.
Chúng tôi đã biết chỗ ở, giờ thì chúng tôiđi tham quan dạo quanh những khu vườn trang trí công phu có óc tưởng tượng độc đáo nhất trong các phong cách làm vườn. Một số cây, thoả mãn trong kích thước nhỏbé của mình, có hình dạng nhưcác lọ bình, các động vật, ngay cả hình cơ thể con người được trang trí với các gương mặt, bàn tay và bàn chân bằng sứ. Những con búp bê như đang đi bộ giữa những con đường mòn dốc của ngọn đồi nhỏ, dưới bóng của các cây sim và cây cam nhỏ lùn phản chiếu trong các hồ nước nhỏhơn kích thước của chậu nước. Xa hơn một chút, trong một chuồng chim thật lớn, có các con vẹt đang cục tác; cạnh đó, là một con chim hét nói huyên thuyên tiếng Việt. Con chim này rất tốn tiền, giá rất cao và người ta đến coi nó vì tò mò. Còn về các tiết mục của nó, dường như nó có rất nhiều “gia vị”, và ngay cảcon vẹt Vert-Vert (2) sẽ đỏ mặt nếu nghe nó nói.”
Ghi chú (1) Orgue de barbarie là một loại đàn máy thường những người hát dạo dùng trên đường phố (2) Vert-Vert là con vẹt trong vở opera Vert-Vert của Offenbach.

hinh-3
Hình 3: Một góc vườn trong dinh tổng đốc Phương, trong hình có
các cây kiểng“bonsai”hình thú đúng với những gì ông Pimodan
và Pierre Barthélemy viết trong sách hồi ký của họ.


Sau khi ông ĐỗHữu Phương mất không lâu, con trai thứ hai của ông, Đỗ Hữu Vịsinh năm 1884 ở Chợ Lớn, phục vụtrong quân đội Pháp cũng đã hy sinh vào tháng 7 năm 1916 trên chiến trường thung lũng sông Somme trong đệnhất thế chiến. Đỗ Hữu Vịcũng là một phi công có tiếng, ông là người đầu tiên bay ởMaroc, Bắc Phi. Hiện nay, ở thành phốCasablanca vẫn còn có tên đường mang tên Đỗ Hữu Vị.
Khi toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut nhậm chức, ông Sarraut có mời ông Vị (lúc đó là trung úy không quân) trở lạiĐông Dương dẫn đầu toán nghiên cứu các đường thủy, sông ngòi xem xét khả năng có thể dùng thủy phi cơ phát triển vận tải thủy bộ và hàng không. Ông Vị đã đã viết báo cáo rất thú vị về vấn đềnày, trước khi ông quay lại Pháp khi chiến tranh thế chiến thứ nhất xảy ra (Echo Annamite,1920/04/22 (A1,N41). Ông là phi công gốc Việt duy nhất bay trên chiến trường Alsace-Lorraine và sáu phi vụ trên lãnh thổ Đức.

hinh-4
Hình 4 – Đại úyĐỗ Hữu Vị


Qua những tư liệuđể lại, ta có thể thấy cảgia đình ông Đỗ Hữu Phương, nhất là các con của ông, hoàn toàn bị ảnh hưởng theo văn hóa Pháp. Năm 1920, thì hài Đỗ Hữu Vị được cải táng, mang vềSaigon an táng bên cạnh mộ ông ĐỗHữu Phương trong khu cánh đồng mả(Plaine de tombeaux). Buổi cải tang có sự tham dự của nhiều người Âu và Việt trong đó có toàn quyền le Gallen và tướng Hirtzmann. Tờ báo “Tiếng Vọng An Nam”(Echo Annamite) số ngày 22/4/1920 có viết và tảcảnh như sau:
Hài cốt của ông Vị, từ cảng Marseille được chở trên tàu Porthos ngày 15 tháng 4 vừa rồi, sẽ đến Saigon vào ngày 9 hay 10 tháng 5. Lễ chôn cất sẽ diễn ra một ngày sau khi tàu cập bến vào lúc 4 giờ chiều.
Chúng tôi được biết là các đội lính danh dựsẽ có mặt dự đám tang của người đồng bào của chúng ta. Các đội lính bản địa An Nam tham dự với các đội lính Pháp. Quan tài sẽ được đặt trên vòng dây danh dự trang trí nghiêm trang với các cờ tam tài.
Đây là lộtrình của đám tang: động quan lúc 4 giờ chiều ở Messageries maritimes (bến nhà rồng ngày nay) – cầu xoay – quai de Belgique (bến Chương Dương) – đường Mac-Mahon (Nam Kỳ Khởi nghĩa) – đường Legrand de la Liraye (Điện Biên Phủ) –Route la Polygone (3 tháng 2) – cánh đồng mã nơi chôn cất gia đình ĐỗHữu Phương.
Tiểu sử
Đại úy ĐỗHữu Vị sinh tại Chợ Lớn vào năm 1884 – Con của ông bà ông Đỗ Hữu Phương, Tổng đốc huy chương danh dự bắc đẩu bội tinh (Legion d’honneur).
Ôngđược giáo dục ban đầu tại một trường tốt là trường Taberd – được gởi sang Pháp ở 8 năm tại Paris tại trường trung học Lycée Janson-de-Sailly, Yvelines và sau đó học tại trường Cao đẳng Collège St. Barbe.
Trúng tuyển thi vào trường võ bị Saint Cyr vào năm 1906. ở hạng khá tốt, ông là sinh viên cấp bậc trung sĩ và ra trường hai năm sau đó với chức vụ thiếu úy.
Tràn đầy sức sống, khinh rẻ các đơn vị đồn trú, ông yêu cầu đi phục vụtại miền phía Nam Algérie, nơi ông sống sót sau bốn năm trong cuộc chinh phục Ma Rốc, vừa đến ông ngay lập tức yêu cầu đi khỏi thành và đội quân tinh nhuệ Lê Dương (Légion étranger) của ông là một trong nhữngđội đầu tiên tiến vào thành phố Casablanca. Kế đó ông vàođội quân của tướng Brulard (*), nhưng không thấy cuộc sống này đủsôi nổi, ông gia nhập lực lượng không quân. Ông là sĩ quan không quân đầu tiên của Pháp bay trên nước Ma Rốc.
Trong cuộc chinh phục Ma Rốc, ông đã phụ trách một số nhiệm vụ nguy hiểm bao gồm: liên lạc viên với các quân đoàn Pháp đang bị bao vây ở miền nam Ma-rốc. Chính là từ những chiến dịch này, ông đã nhận được các huy chương ở Casablanca, Ma Rốc v.v…
Rất được quí trọng bởi tướng Lautey, một người bạn của cha mình, Tổng đốcĐỗ Hữu Phương. Trong một thời gian, Lautey đích thân chọn ông làm tùy viên thân cận của mình.
Tuy nhiên, với mong muốn hoàn thiện sự nghiệp hàng không của mình, ông trở về Pháp, ông đã đi khắp nước Pháp bằng máy bay, cùng với Trung úy Ménard.
Ông Albert Sarraut, khi trở thành toàn quyềnĐông Dương, đã triệu hồi ông từ Pháp về và đưa cho ông một nhiệm vụ tìm hiểu các tuyến đường thủy ở Đông Dương, để tìm hiểu việc sửdụng các thuỷ phi cơ. Những nghiên cứu này đã dẫn đến một báo cáo rất thú vị của Trung úy Đỗ Hữu Vị.
Sau khi ông Sarraut rađi, người kế nhiệm tạm thời, ông Van Vollenhoven đánh giá rất cao trung úy của chúng ta, đã dùng ông là sĩ quan tùy tùng thân cận. Trong khi đó chiến tranh đãđến và người đồng hương của chúng ta, coi thường những danh dựdanh vọng khác, ông xin có vinh hạnhđược tham gia chiến đấu ởPháp.
Khi ông vừa đến Paris, từ chối ở lại thủ đô, ông đã ngay lập tức đến mặt trận và chứng kiến những trận chiến khủng khiếp ở Flandre, dưới quyền của tướng Foch, nơi ông phục vụ như là một phi công lái máy bay ném bom. Ông liên tục bay ở Bỉ,trong vài tháng.
Sau các trận chiến ở miền Bắc, ông được gửi đến Alsace, nơi ông tham dự tất cả các chiến dịch: Mulhouse, Alkirch, v.v.. Ông là phi công người Việt duy nhất bay trên Alsace-Lorraine, trong 6 tháng ở đó, ông ta đã hoàn thành xuất sắc sáu nhiệm vụ ở Đức. Qua đó ông được tăng cấp chức đại úy (capitain) và huy chương hiệp sĩ bắc đẩu bội tinh (Légion d’honneur) và huy chương thập tựchiến tranh (Croix de Guerre).
Tại thời điểmđó, máy bay Caudron rất mạnh vừađược sáng chế, và lần đầu tiên được cài đặt các khẩu súng máy. Vì tính luôn tìm việc để phục vụ, đại úy Vị xin bay thử máy bay mới. Trong một chuyến bay, chiếc máy bay bị trục trặc ở độ cao 300 mét và rớt.Đại úy Vị đã bị kẹt và bất tỉnh dưới máy bay, vàđược kéo ra bởi một người phụ nữ sống ở Paris ngẫu nhiên có mặt tại hiện trường xảy ra tai nạn và ngay lập tức ông được vận chuyển bằng ô tô về Paris. Đó là một phép lạ mà ông không bị chết. Vẫn còn bất tỉnh trong vài ngày, chân sọ của ông bịbẹp và hàm dưới bị vỡthành miếng, ông đã được cứu bởi khoa học Pháp, một hàm nhân tạo đã được chếtạo ra cho ông.
Sau ba tháng hồi phục, chính phủ Pháp đưa ông trở về quê hương của mình. Nhưng đại úy Vị trả lời rằng lúc này chưa phải là thời điểmđể trở về, và tất cả mọi người phải ở lại vị trí của mình, bởi vì, như ông đã nói, “Tôi vừa là công dân Pháp và là công dân Việt và vì thế tôi phải làm gấp đôi bổn phận của tôi” (Je suis Francais et Annamite en même temps, je dois faire doublement mon devoir). Những từ cao cả cần được khắc sâu trong mỗi tâm trí.
Không còn có thể được sử dụng trong ngành hàng không, sau tai nạn khủng khiếp của mình, đại úy Vị yêu cầu được trở lại binh đoàn bộ binh cũ của mình. Than ôi!
Khi ông đứng dẫn đầu đội quân của ông, trong các trận đánh lớn khủng khiếp trên chiến trường vùng sông Somme (ở mặt trận miền Tây trong thếchiến thứ nhất) vào tháng Bảy năm 1916, lúc tấn công vào làng Dampierre, đã được phòng thủmạnh mẽ bởi quân Đức, ông đã bị bắn bởi hàng chục viên đạnở cự ly gần. Ông đã hi sinh trước chiến tuyến của kẻ thù và được chôn cất tại hiện trường của cuộc chiến. Được chôn ngay trên chiến trường là niềm an ủi lớn nhất của người chiến thắng!
Nhờ lòng tốt của ông Clemenceau, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ chiến tranh, việc chuyển thi hài vềnước đã được chấp thuận bởi một quyền đặc biệt từcác quy tắc thông thường.
Những người An Nam, cũng như gia đình của anh hùng liệt sĩ biết ơn ông Clemenceau qua cửchỉ có ý nghĩa này. Chính là cho đại úy Vị mà hôm nay chúng ta tưởng nhớ đến người đồng hương của chúng ta, một người xứng đáng của đât nước.
LƯU Ý. – Chúng tôi được gia đình Đỗ Hữu Phương ủy nhiệm để thông báo cho bạn bè của gia đình, các người quen bản địa và người Âu rằng việc chôn cất sẽ diễn ra một ngày sau khi tàu Porthos cập bến, lúc 4 giờ chiều, và không có gửi giấy cáo phó. Thông báo này thay thế cho cáo phó.
B. V. T.
(Bach Van Tham)
(Echo Annamite, Tiếng vọng An Nam, 1920/04/22 (A1,N41)).
(chú thích: (*) Tướng Jean Marie Brulard là vị tướng gan dạ nổi tiếng của Pháp tham dựthế chiến thứ nhất và các trậnđánh ở Bắc Phi, eo biển Dardanelles)

hinh-5
Hình 5: Quang cảnhđại lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm ngày nay) nhìn từBưu điện Chợ Lớn (giữa phía dưới hình). Toà nhà của ông Phương ở phía trái trong lùm cây sau ngã ba đường Đồng Khánh (Trần Hưng Đạo ngày nay) và đại lộ Tổng Đốc Phương (Châu Văn Liêm).

Trong một bài khácở Écho Annamite (15/05/1920),đám tang của Đỗ Hữu Vị ởSaigon được tả như sau. Bài viết ký tên B.V.T (Bạch Văn Thắm) lý tưởng hóa con người và sựnghiệp ông Vị, làm người đọc ngày nay nhận ngay ra rằng thật ra ông ta chỉ là người Pháp chứ không còn là người Việt.
Đám tang khởi động
Thi hài được mang xuống từ tàu Porthos hôm qua lúc 10 giờ sáng dưới sự hiện diện của cả gia đình, và một sĩquan cảnh sát; quan tài được đặt trong một nhà nguyện.
Vào đúng 16 giờ bắt đầu lễ tang; đám tang di chuyển ở giữa dòng dân tụtập về đông đúc đáng kể. Một bàn thờ di động trênđó được đặt một chiếc máy bay nhỏ với hình phi công ĐỗHữu Vị, dẫn đường. Tiếp sau là các bàn thờ khác và một chuỗi dài các vòng hoa điếu tang gửi bởi rất nhiều hội đoàn của các hội bản địa, trong số đó có gia đình Hoàng Phú Trọng, các quan của tỉnh Hà Đông, gia đình Đào Hương Mai v.v .. đã hùng hồn thể hiện sự tham gia của chúng ta trong lễ tang gia đình.
Đólà các cống hiến nhỏ tỏ lòng kính trọng, mà xã hội An Nam mangđến cho một trong những người tham gia vào công trình cứu độ giải thoát và giải phóng của chúng ta.
Đoànđại biểu từ tất cả các trường ở Sài Gòn đi ngay trước xe tang lễ, đó là một xe kéođại bác của pháo binh, xe được choàng hoa với đầy các cây xanh, hoa, và được trang trí cao cảnhất bằng các lá cờ tam tài. Cỗ quan tài biến mất dưới các vòng hoa điếu và hoa tự nhiên. Khi nhìn thấy quan tài, chứa di hài còn lại của người mà chúng ta biết đầy sức sống và nhiệt tình, gợi lại trong tâm hồn chúng ta về sự hy sinh vô lượng mà chúng ta đã trả giá trong năm năm chiến tranh.
Sự vinh quang thừa nhận sự bất tử của những anh hùng của chúng ta, đều được làm bằng nước mắt và máu.
Tất cả mọi người đứng cúi đầu khi xe tang đi ngang qua. Gia đình Đỗ Hữu Phương, đại diện bởi Đại tá Chan (Đỗ Hữu Chẩn), chủ tịch Tri (Đỗ Hữu Trí) và ông Thinh (Đỗ Hữu Thịnh), người chi phí tài chánh cho đám tang, đi theo ngay sau xe tang, với một cam chịu nhẫn nhục cao quý với đấng Tạo hóa, đi trên con đường đau khổ nhưngđầy vinh quang, con đường mà người anh của họ được trở về với quê hương, đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Chính quyền dân sự và quân sự được đại diện bởi ông Thống đốc Le Gallen và tướng Hirlzmann: nhiều phái đoàn của đủ loại các tổ chức, hội người An Nam, các Hội đồng dân cử, các quan chức đến từmiệt xa, và một đám đông người châu Âu và người bảnđịa cũng đến dự đám tangđể làm nghĩa vụ cuối cùng của họ với người đồng bào của chúng ta.
Các ban nhạc chơi các bài hát tang lễ, các binh lính của đoàn bộ binh thuộc địa và dân quân địa phương đi kèm hai bên đoàn lễ tang, làm hàng rào danh dự cho người có một vị trí với huy chương danh dựquân sự rất cao. Bên trên đámđông, trong bầu trời trong xanh, hai chiếc máy bay của phi đội Sài Gòn của chúng ta, thao diễn trong ánh sáng rực rỡ, nhắc nhở rằng người đồng hương của chúng ta là một trong những phi công quân sự đầu tiên,đã phục vụ nước Pháp.
Lộ trình từbến tàu đến nơi chôn cất giađình Đỗ Hữu Phương ởtrong cánh đồng mã (Plaine des tombeaux) màđám tang đi qua, ở tốc độchậm của sáu con ngựa kéo chiếc xe tang, lâu hơn một tiếng đồng hồ.
Tại mỗi nút giao lộ, đều có một đámđông kính cẩn và cuối chào; người ta đến cánh đồng an nghĩ bao quanh bởi cây cối xanh tươi, nơi có một đội cảnh sát nghiêm trang giữ những người tò mò trong một trật tự thật hoàn hảo.
Cỗ quan tài mang trên hai đòn hỗ trợ; nó được bao bọc bởi cờ tam tài (cờ Pháp), vải đẹp nhất mà có thể bao phủ trên thi hài của một người yêu nước, lúc này là lúc ông Le Gallen phát biểu.
Đólà những gì ít ỏi còn lại của người chiến sĩ Đỗ Hữu-Vi. Nhưng linh hồn vĩ đại của mình, ngọn lửa ấm lòng yêu nước của ông và cho ông hoàn thành hai nhiệm vụ của mình cho hai quê hương, đang lượn bất tử trênđám tang lớn mà Pháp và Đông Dương đang cử hành làm cho ông.
Đại úy Guyomar sau đó đi lên đọc diễn văn, và với đầy hứng khởi vềnhững hy vọng chung và một tinh thần hy sinh quên mình của những người quân nhân như ông và đại úy Vị, ông tuyên bố lời vĩnh biệt cao quý mà người dự đều cảm nhận được sự hy sinh anh dũng của những người đấu tranh trên chiến trường vĩnh hằng chống lại các cám dỗ vật chất vô thường và các kẻ thù .
Người hùng biện thứ hai là tướng Hirtzmann, với giọng nói đầy nam tính dõng dạc, kể lại sự nghiệp của người chiến sĩ thanh cao của chúng ta. Thật là đẹp, tình huynh đệ trong các binh chủng quân đội!. Một đại úy được một tướng lảnh ca ngợi thán phục! Sự nghiệp sáng chói của một người đồng bào của chúng ta đã được phát họa lại trong tất cả mọi chi tiết ngoại vi nhỏ nhất và trong mọi tình huống đã nói lên tinh thần anh dũng của người anh hùng. Trước tiên là ở Nam Algerie, những chiến dịch ở Maroc, những công tác ở Đông Dương , sau đó sau tuyên chiến chiến tranh thế giới thứ nhất, những trận đánh kinh khủng mà tính khí anh dũng của đại úyĐỗ Hữu Vị thích ứng rất tựnhiên.
Lúc đó là thời điểm long trọng, cần có sựcống hiến của tất cả các người con của đất nước, để đi nhanh ra đến chiến trường. Đó là chiến trường danh dự cho những ai đã ngã xuống. Hôm nay chúng ta nhặt những gì còn lại của thi thể ông đã trở thành thiêng liêng vì sự chết cho chính nghĩaở nơi đất thiêng liêng ấy. Và qua sự tiếp xúc của hài cốt, với vùng đất sinh thành của mình, vùng đất này cũng trởthành kính trọng. Đó là, theo chúng tôi biết, ý nghĩa của diễn văn của tướng Hirstmann.
Ông Le Gallen, trong một vài lời nhanh ngắn mang ra ánh sáng cho ta thấy về những công lao của giađình cao quý Đỗ Hữu Phương, gởi đến Đại tá Chấn, ngườiđại diện dòng nam gia đình họ Đỗ. Bắt đầu từ người em út, Đỗ Hữu Vị, sự nghiệp quân sự, mà đại tá Chấn may mắn đã được cái chết tha cho, hôm nay mang lại một hào quang vẽvang, tuôn phát ra từ quan tài này. Sự bất tử được hứa hẹn cho những ai ngã xuống vì chính nghĩa. Lời phát ngôn đầy hy vọng này chắc làm giảm đi sự khổ đau của gia đình, vì lòng tin này mà máu của những người ngã xuống là hạt giống sinh sản dồi dào cho cuộc sống.
Sau sự tỏ lòng thương tiếc thành kính, và lời vĩnh biệt của người đại diện chính quyền, kính cẩn chào ĐỗHữu Vị, và với cử chí có ý nghĩa, mỗi người tham dự nghiêng người kính cẩn, rút đi trái tim đau buồn, với lòng đầy biếtơn và hy vọng trong tương lai đất nước của chúng ta mà Đỗ Hữu Vị đã cống hiến nhiều đểnó trở thành hạnh phúc và tựdo hơn.
B. V. T.
(Bạch Văn Thắm)
Gia đình ĐỗHữu Phương cũng không quên gốc gác Minh Hương của mình. Hội quán Nghĩa Nhuật ở Chợ Lớn được xây dựng với sự giúp đỡ của gia đình ông. Ngày nay không còn dấu tích gì về phần mộ gia đìnhĐỗ Hữu Phương và toà nhà biệt thự sang trọng to lớn của ông và gia đình ở Chợ Lớn trên con đường mang tên ông một thời, tất cả đều không còn. Gầnđó ngay trong khu trung tâm phố xưa của Chợ Lớn ngày nay có một con đường mang tên người cùng thời với ông, cũng có quốc tịch Pháp như ông, nhưng khác với ông, đã bỏhết tâm trí, tài sản sự nghiệp cho công cuộc canh tân con người vàđất nước Việt Nam, mặc dầu phải trả giá rất đắt và nhiều tai họa cho bản thân vào thờiđó nhưng đã được lịch sử ghi nhớ và kính phục: ông Gilbert Trần Chánh Chiếu, chủ bút hai tờ báo Nông Cổ Mín ĐàmLục Tỉnh Tân Văn, những tờ báo quốc ngữ đầu tiên đầu thể 20 có mục đích canh tân con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp giao thời giữa Cựu trào và Tân trào.

2
hinh-6b
Hình 6 – Biệt thự của Đốc phủ sứ ĐỗHữu Phương đầu thế kỷ 20
và cùng vị trí ngày nay (2014), ảnh Tim Doling


Nguyễn Đức Hiệp


Tham khảo:


  1. Antoine Brébion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine française / A. Brebion ; publié après la mort de l’auteur par Antoine Cabaton, Société d’éditions géographiques, maritimes et coloniales (Paris),: 1935
  2. Pimodan, Claude de Rarécourt de la Vallée (1859-1923 ; comte de), Promenades en Extréme-Orient (1895-1898) : de Marseille à Yokohama, Japon, Formose, îles Pescadores, Tonkin, Yézo, Sibérie, Corée, Chine / Le Commandant de Pimodan, H. Champion (Paris), 1900.
  3. Théophile de Lamathière, Panthéon de la Légion d’honneur. Editeur : E. Dentu (Paris), 1905
  4. Hứa Hoành, Các giai thoại Nam Kỳlục tỉnh, http://sachxua.net/forum/index.php?topic=10090.0;wap2
  5. Pierre Nicolas, Notices sur l’Indo-Chine, Cochinchine, Cambodge, Annam, Tonkin, Laos, Kouang-Tchéou-Ouan, publiées à l’occasion de l’Exposition Universelle de 1900 sous la direction de M. Pierre Nicolas, commissaire de l’Indo-Chine, impr. de Alcan-Lévy (Paris), 1900
  6. Paul Doumer, Indo-Chine française (souvenirs), Vuibert et Nony (Paris), 1905
  7. Pierre Barthélemy, En Indo-Chine 1894-1895: Cambodge, Cochinchine, Laos, Siam méridional, E. Plon, Nourrit et Cie (Paris), 1899.
  8. Saigon Republicain, 1/5/1889, A2, N102.
  9. Écho Annamite, 22/04/1920 (A1,N41)
  10. Écho Annamite, 15/05/1920 (A1,N50)
  11. Nguyễn Lê Tuyên, Nguyễn Đức Hiệp, Quan hệ văn hoá Pháp-Việt đầu thế kỷ 20 qua sự kiện Triển lãm Toàn cầu 1900, http://khoahocnet.com/2015/01/03/nguyen-le-tuyen-nguyen-duc-hiep-quan-he-van-hoa-phap-viet-dau-the-ky-20-qua-su-kien-trien-lam-toan-cau-1900/
  12. Annuaire général de l’Indo-Chine française, 1901, Part 2, 1905, 1906, 1908.

No comments:

Post a Comment