Friday 2 November 2018

Đại lộ Bonard cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 – Phần 2 (Nguyễn Đức Hiệp - Hiệp's Blog)

Đại lộ Bonard cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 – Phần 2

Bên cạnh tiệm nhiếp ảnh Khánh Kỳ ở số 56 Boulevard Bonard là cửa hàng của công ty người Việt, Hãng Hão Vĩnh, bán các loại rượu nhập như Cognac. Đặc biệt Hãng Hão Vĩnh bán hai loại xà bông được ưa chuộng là xà bông (savon) trắng hiệu măt trời mọc (le Soleil) và savon đen hiệu con rồng (le Hydra).
Số 60-62 ngày nay là nhà sách Fahasa (trước 1975 là nhà sách Khai Trí).
Số 66 Boulevard Bonard là cửa hàng bán thuốc lá của công ty “Société des Tabacs de l’Indochine “, có quảng cáo trên báo Tiếng Vọng An Nam (Écho Annamite) ngày 10/11/1921 như sau
Thước lá Con Gà của Société des Tabacs de l’Indochine, 66 Boulevard Bonnard, Saigon
Hởi người An Nam ! Sao để tiền bạc ra khỏi xứ mình ? Hãy dùng thuốc hút hiệu CON GÀ thuốc chưa vấn và thuốc vấn rồi
Vì thuốc này ngon hơn hết.
Đã thơm tho lại giá rẻ hơn các thứ khác
Thuốc CON GÀ trồng tỉa tại xứ Đông-Dương. Nên giup hội Société des Tabacs de l’Indochine, 66 Boulevard Bonnard, Saigon hầu giúp muôn ngàn người An Nam.
 bonard10
bonard11
Hình 10 – Saigon trong thập niên 1960, đại lộ Lê Lợi nhìn về chợ bến Thành. Bên trái là tòa nhà trước kia là khách sạn “Phong Cảnh Khách Lầu” ở góc Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực. Lúc này ở tầng trệt là nhà hàng Kim Sơn và trên sân thượng là nhà hàng Bồng Lai.
Ở góc đường Bonnard và Filippini, số 68 là tiệm vải lụa của ông Đỗ Văn Mười, có quảng cáo trong tờ báo Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam năm 1925) như sau
Magasin de Soieries Đo Van Muoi
Magasin de Soieries
Đo – Van – Muoi
à l’angle du Bd. Bonnard & rue Filippini
Saigon
Quí bà quí cô !!
Muốn cần món hàng lụa chi tốt, hãy vui lòng đến Bổn hiệu là nơi có bán đủ các mặt hàng : Tố-Tây, satin J. Bonnet, Cẩm nhung trơn, bông thêu, bông dệt, bông kiểu lạ có đủ thứ màu rất xinh đẹp
Có bán đủ thứ hàng trắng để may đồ   
Bán giá thật rẻ hơn các nơi.
Đo-Van-Muoi
à l’angle du Bd. Bonnard & rue Filippini
Vài năm sau, nơi đây là tiệm nữ trang bán kim cương (magasin de diamants) của ông François Sự có đăng quảng cáo trên báo Écho Annamite (29/12/1928). Cửa hàng vải lụa của ông Đỗ Văn Mười được chuyển đến địa điểm ngang hông chợ Bến Thành ở số 29 rue Sabourain (Lưu Văn Lang ngày nay) như trong quảng cáo trên Nhật Tân báo (L’Ère Nouvelle 28/9/1926)
bonard12
Ngay tại nơi này, góc đường Filippini và đại lộ Bonard vào đầu thập niên 1920 là khách sạn “Phong Cảnh khách lầu” hay Hôtel de l’Ouest do ông Nguyễn Phong Cảnh làm chủ. Ngoài Phong Cảnh khách lầu, ông Nguyễn Phong Cảnh cũng là chủ nhân của nhà hàng và nhà trọ nổi tiếng Cửu Long Giang (Hôtel de Mekong, sô 164 rue d’Espagne nay là đường Lê Thánh Tôn) đồi diện với chợ Bến Thành ở góc đường Filippini (sau đổi là Aviator Roland Garros và ngày nay là Nguyễn Trung Trực) và rue d’Espagne (Lê Thánh Tôn).
Nhà hàng khách sạn Cửu Long Giang cũng là nơi thường lui tới của các nhà báo, văn sĩ, nhân sĩ như Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắc, Nguyễn An Khương, Lê Hoằng Mưu, Hồ Biểu Chánh và tại đây có ca nhạc tài tử, ca ra bộ của của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) diễn xuất giúp vui. Ngoài cô Ba Đắc ca hát còn có cô Hai Nhiễu, con của ông Tư Triều, vừa hát và cũng vừa chơi đàn tranh.
Không lâu sau dó, từ năm 1920 đến 1925 các ban cải lương được thành lập khắp Nam kỳ lục tỉnh. Nghệ thuật sân khấu cải lương phát triển nhanh chóng thay thế sân khấu hát bội. Đặc biệt ban của ông André Thận lúc đầu chủ yếu là gánh xiếc nhưng sau đó thêm vào cải lương, cải lương (théâtre moderne), nhạc tài tử và vũ ballet.
bonard13
Hình 11 – Quảng cáo xiếc, cải lương (théâtre moderne), nhạc tài tử, vũ ballet của ông André Thận trên báo Écho Annamite (Tiếng Vọng An Nam) ngày 23/2/1922
Trên lầu 1 của Phong Cảnh khách lầu là nơi có cuộc họp đầu tiên của An Nam Cộng sản đảng do ông Châu Văn Liêm tổ chức vào ngày 7 tháng 8 năm 1929. Ngày nay nơi này bên trong vẫn giống như xưa và được Ủy ban nhân dân thành phố quận 1 coi là một di tích lịch sử. Nhưng hiện nay bên trong tòa nhà đã xuống cấp trầm trọng.
Trên báo “L’Ère Nouvelle” (Nhật Tân báo) năm 1928 đã có đăng quảng cáo “Phong cảnh khách lầu” như sau:
“Phong Canh Khach lau
Angle des boulevard Bonnard et rue Filippini
Chambres confortablement meublée, propres aérées, 2e et 8e étages.
Ascenseur, Douche et W.C. dans tous les chambres. Personnel discipliné.
Nguyen.phong-CANH, Propriétaire”
(Phong Cảnh Khách lầu
Góc các đại lộ Bonnard và Filippini
Phòng trang bị tiện nghi, thoáng khí sạch sẽ, ở tầng 2 và tầng 8.
Có thang máy, có buồng tắm và WC trong mỗi phòng. Nhân viên lễ độ.
Chủ Nhơn, Nguyễn Phong Cảnh)
Cầu thang và lan can bằng sắt với trang trí kiểu cách phổ thông vào đầu thế kỷ 20 vần còn như xưa, chỉ có thang máy vì không được bảo trì đã biến mất. Trong nhữg năm của thập niên 1920 thì ở Saigon rất ít nơi có thang máy, thang máy ở đây cũng tương tự như thang máy vẫn còn hoạt động được ở nhà của ông Hui Bon Hoa (chú Hỏa), nay là Viện Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, ở đường rue d’Alsace-Lorraine (nay là Phó Đức Chính).
bonard14
Hình 12 – Cầu thang cạnh bên thang máy (bên trái) dãn lên lầu các phòng trọ trong đó có phòng ở lầu 1 là nơi mà các đại biểu đến họp thành lập An Nam Công Sản (Ảnh tác giả)
bonard15
Hình 13 – Cầu thang ở lầu 1 của Phong Cảnh Khách Lầu nhìn xuống đường Nguyễn Trung Trực (rue Filippini). (Ảnh tác giả)
bonard16
Hình 14 – Bên trái là phòng họp thành lập An Nam Cộng Sản Đảng năm 1929. (Ảnh tác giả)
Số 68 ngày nay là tiệm nữ trang vàng bạc đá quí (trước 1975 là nhà hàng Kim Sơn, trên sân thường là nhà hàng ca nhạc Bồng Lai).
bonard17
Hình 15 – Saigon 1968, Georges Menager, Paris Match – Góc Lê Lợi, Nguyễn Trung Trực (trái) và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phải). Địa điểm Nhà sách-nhà in Vĩnh Bảo trong hình thì xưa kia là của hàng bán thuốc lá “Con gà” của hảng “Société des Tabacs de l’Indochine “
bonard18
Số 78 Boulevard Bonnard là tiệm nữ trang, Bijoux FIX, của ông H. Humbert bán nữ trang, bán dĩa hát cho máy phonographe, đồng hồ đeo tay các loại đàn ông và đàn bà
Kế bên là tiệm may mặt đồ tây Công – Tính – Thành, số 80 Boulevard Bonnard. Chủ tiệm may là người Bắc làm ăn rất thành công ở Saigon
Công – Tính – Thành
Grand tailleur Tonkinois
Vêtements faits absolument sur mesures exactes
Grands choix de cravats
Theo quảng cáo trên Nhật Tân báo (L’Ère nouvelle 28/9/1926) thì tiệm Công Tính Thành là tiệm may lớn nhất ở Saigon có trên 30 thợ may.
bonard19
Cạnh tiệm may Công Tính Thành là tiệm vải “Au tisseur Nguyen Anh, 82 Boulevard Bonnard”. Sau này nơi đây là cửa tiệm vải lụa nổi tiếng của ông Nguyễn Khắc Trương có quảng cáo như sau trong tờ báo Écho Annamite (15/3/1925)
“AU TISSEUR”
Magasin Moderne de Soierie
98, Bd Bonnard, 82
SAIGON
Chers compatriotes,
J’ai l’honneur de vous faire connaitre que je viens de créer un PONGÉE pour la confection des chemises et pyjamas, áo mát, quần mát, etc.
Ce tissu, qui est dénommé « LỤA LÈO », remplace très avantageusement les tissus similaires provenant de Chine, du Japon, de Bombay. La qualité est d’une robustesse telle que, d’après mes calculs, ce tissu durer des années résistant même à de très fortes lessives.
Je vous serais très reconnaissant de faire de la propagande autour de vous pour vulgariser l’emploi de ce tissu «LỤA LÈO”, qui est d’un prix de revient tout à fait inférieur à n’importe quel lụa de son genre.
Je termine en faisant appel à votre patriotisme pour favoriser un commerce annamite né d’une industrie annamite.
En espérant recevoir bientôt vos ordres, veuilles agréer, Messieurs et chers compatriotes, l’assurance de mes sentiments sentiments meilleurs.
NGUYËN-KHAC-TRUONG
Diplomé de l’Ecole de Tissage et de Broderie de Lyon
Fondateur du Tissage Le phat-Vinh de Caukho.
  1. B. – Dépositaire des Biscuit Quấc-nữ: La boite 0$50
Envoi contre remboursement
Như vậy là vãi “Lụa Lèo” do ông Nguyễn Khắc Trương chế và sản xuất từ nhà máy dệt lụa nổi tiếng ở Saigon (khu Cầu Kho) do ông sáng lập và ông Lê Phát Vĩnh làm chủ. Ông Lê Phát Vĩnh là con của ông huyện sĩ Lê Phát Đạt, một người giàu có nhất thời đó như trong câu nói tương truyền “Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.
Húa Hoành (Giai thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh) nói về ông Lê Phát Vĩnh như sau
“Lê Phát Vĩnh là người có tánh hào hiệp, lịch duyệt, cư xử với mọi người (công nhân, tá điền) rất được lòng, khi chết nhiều người còn nhớ. Ngoài mấy ngàn mẫu đất ở miền Tây, giáp ranh với “điền ông Kho Gressier”, ông Vĩnh còn đồn điền trà, đồn điền cao su ở Cầu Đất (Đà Lạt) và miền Đông. Năm 1920, ông Vĩnh lập hãng dệt the, lấy tên Lê Phát (Manufacture de Tissage Le Phat) ở Cầu Kho (Quân l), sử dụng 50 công nhân, ông lại cho trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ để cung cấp cho nhà máy, khỏi lệ thuộc nguyên liệu vào nước ngoài.”
bonard20
Hình 16 – Quảng cáo xưởng dệt của ông Lê Phát Vĩnh trên báo Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam) (23/2/1922)
Thi hào Ấn độ Rabindranath Tagore khi viếng Saigon năm 1929 đã có mua y phục truyền thống Việt Nam khăn đóng áo dài vải lụa dệt từ nhà máy dệt Le Phát Vĩnh ở Cầu Kho, thể hiện lý tưởng tìm về gốc truyền thống Á châu và công nghệ bản sứ tự lực trong thời đại mới.
Số 90 là tiệm bán thời trang quần áo, giày, nón của ông Tăng Khánh Long và quảng cáo trên Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam (1925) như sau
Tiệm thời trang Tang-Khanh-Long, 90 Bonnard Saigon
Feutres des Dernieres Nouveautes et Chaussures de Luxe
Gravure Artistique
Số 92 Bonard là tiệm may, nón, vải lụa, giầy An Thanh như trong quảng cáo ở Nhật Tân báo (L’Ère nouvelle 28/9/1926)
Số 94-96 là Maison Nguyen Van Tran, tiệm bán xe đạp tập chơi cho trẻ nhỏ, có đăng quảng cáo như sau trên báo Écho Annamite (29/12/1928)
Pour le 1″ Jour de l’An
La Maison Nguyên-van- Trân.
,94-96, Boulevard Bonnard, Saigon
Téléphone n. 178
a fait venir exprès pour le 1er Jour de l’An plusieurs modèle de Tricycles pour Enfants ; le tricycle transformable en bicyclette est le plus apprécié de tous.
Prix défiant toute concurrence !

Số 120-124 sau cùng đại lộ Bonard, cạnh chợ Bến Thành Saigon, sau này là tiệm thuốc tây Grande Pharmacie de Saigon của dược sĩ Nguyễn Văn Cao.
bonard21
Hình 17 – Saigon 1965, hình Bruce Baumler – Góc Lê Lợi và Phan Bội Châu, chợ Bến Thành ở phía trái hình.
Bên kia đường ở gần cuối đại lộ Bonard là số 121 là cinema Bonard sau này là rạp chiếu phim Vĩnh Lợi.
bonard22
Hình 18 – Saigon trong thập niên 1960, không rõ tác giả – Bên trái là nhà hàng Kim SơnBồng Lai, trước mặt là nhà hàng Olympia, rạp Vĩnh Lợi và bên cạnh cuối đường là Bệnh viện Saigon.
Cuối đường Bonard là bệnh viện đa khoa Saigon (Polyclinique de boulevard Bonard). Đây là tòa nhà gắn liền với lịch sử ngành y tế Saigon, tòa nhà có biểu tượng không kém các tòa nhà cổ hay kiến trúc đặc sắc khác ở Saigon như khách sạn Continental, Nhà hát thành phố, tòa thị sảnh thành phố, chợ Bến Thành, tòa nhà hỏa xa. Chung quanh quảng trường Cuniac (Quách Thị Trang ngày nay), thì chợ Bến thành, tòa nhà hỏa xa và bệnh viện Saigon là các hình ảnh gắn gủi của con người Saigon. Mắc dầu ít người biết nhưng bệnh viện Saigon có bề dày lịch sử rất đáng kể và phong phú.
bonard23
Hình 19 – Bệnh viện Saigon năm 1949.
Lịch sử bệnh viện Saigon bắt đầu từ bác sĩ Theodose Dejean de la Bâtie. Ông sinh năm 1865, đến Saigon làm việc ở bệnh viện Chợ Quán. Đây là bệnh viện công duy nhất (ngoài bệnh viện của các nhà dòng từ thiện) cho các người Việt không có đủ tài chánh hay không là nhân viên trong chính quyền. Những người Pháp hay người giàu có thì có bệnh viện trước kia dành cho quân sự như Bệnh viện Hải quân (Hôpital marine) ở góc đường Lagrandière (Lý Tứ Trọng) và rue de l’Hôpital (Thái Văn Lung). Ở Chợ Lớn thì đã có bệnh viện thành phố và bệnh viện phụ sản từ năm 1902 do ông thị trưởng Chợ Lớn là F. Drouhet thành lập Hội “‘Association maternelle de Cholon” và xây dựng lên bệnh viện với sự đóng góp của cộng đồng người Hoa giàu có.
Bệnh viện Chợ Quán là bệnh viện lâu đời nhất Saigon nhưng ngân sách và phương tiện thiếu thốn nhiều. Ngoài các bệnh nhân và các bà mẹ sinh con, bệnh viện cũng nhận tất cả mọi người trong xã hội kể cả các cô gái ăn sương có bệnh truyền nhiễm hoa liễu. Bác sĩ Dejean de la Bâtie đã làm việc cật lực bỏ ra nhiều công sức dưới sự điều hành của Bác sĩ giám đốc Mouget và chứng kiến được sự đau khổ của những người bệnh nghèo khó. Sau này ông trở thành giám đốc bệnh viện Chợ Quán và năm 1900 được bầu vào Hội đồng Quản hạt. Trong thời gian làm đại biểu Hội đồng Quản hạt, ông đã vận động để tăng số bác sĩ làm việc giúp các bệnh nhân người Việt, tăng trợ cấp cho bệnh viện Chợ Quán và trợ cấp các bác sĩ đang làm việc như bác sĩ René Montel để chăm nom các bà mẹ và trẻ sơ sinh, chích ngừa phong đòn gánh cho các trẻ sơ sinh. Gần đến 50% các trẻ sơ sinh chết vì phong đòn gánh (tetanos) năm 1905. Hội đồng Quản hạt đã trợ cấp 1000 piastre năm 1905 và 2000 piastre năm 1906 cho dịch vụ sản phụ (Conseil colonial, 31 octobre 1906, Rapport au conseil colonial, 30. — Renouvellement de la subvention à M. le docteur Dejean de la Bâtie).
Ông cũng đã tự bỏ tiền ra để lập phòng chữa bệnh miễn phí (tháng 4 1903) cho dân chúng Saigon-Gia Định ở đường rue d’Adran (Hồ Tùng Mậu ngày nay) đằng sau Tòa nhà Hòa giãi (Justice de Paix). Trong năm đầu, đã có 3151 bệnh nhân đủ mọi quốc tịch đến chữa bệnh trong tổng số 15717 lần khám. Được sự trợ giúp của bác sĩ Flandin, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã thực hiện 166 cuộc giãi phẩu bằng thuốc mê chloroform, 86 giãi phẩu dùng thuốc đỡ đau cocaine và 21 giãi phẩu dùng hóa chất chlorure d’éthyle. Ở phòng y khoa này, hai ông bác sĩ được sự trợ giúp của một nữ tu người Âu, một nữ tu người Việt, một y tá người Việt và một thông dịch viên. Chi phí cho mỗi nhân sự như vậy, mỗi tháng là 100 đồng Đông Dương (piaster), không nhiều nhưng nhờ vào sự phụng sự tận tụy hết lòng của nhân viên, ngân sách tối thiểu như vậy đã cho phép giúp đỡ số lượng bệnh nhân rất đông đến khám và được săn sóc với chi phí rất rẽ là 0$14 mỗi ngày.
Sau hai năm hoạt động, với chi phí không đủ sức trang trãi, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã kêu gọi sự giúp đỡ từ chính quyền thành phố và hội đồng thành phố Saigon đã trợ cấp 1200 đồng piastres cho phòng y khoa của bác sĩ Dejean de la Bâtie, đồng thời tỉnh Chợ Lớn và tỉnh Gia Định sát cạnh thành phố Saigon cũng đã trợ cấp 300 đồng mỗi tỉnh cho phòng y khoa này (Annuaire général de l’Indochine). Năm 1906, để dưỡng sức nghĩ ngơi trong một thời gian sau nhiều năm phục vụ không nghỉ, bác sĩ Dejean de la Bâtie đã nhờ đồng nghiệp của mình, bác sĩ René Montel, từ Tây Ninh về làm việc thay thế cho ông ở phòng y khoa đường D’Adran. Sau khi trở lại làm việc, Dejean de la Bâtie đã giữ bác sĩ Montel lại làm phụ tá coi phòng y khoa ở Saigon vì tầm quan trọng của cơ sở này thay vì để bác sĩ Montel trở lại làm việc ở Tây Ninh.
Tháng 4 năm 1912, bác sĩ Dejean de la Bâtie được tái đắc cử trong Hội đồng Quản hạt với số phiếu cao nhất (Dejean de la Bâtie 810 phiếu trước ông Canavaggio thứ nhì với số phiếu 773, theo báo Les Annales coloniales, 10 avril 1912). Nhưng chỉ vài tháng sau ông mất thình lình khi còn rất trẻ, tuổi thọ chỉ có 47 tuổi.
Sau khi ông mất, bác sĩ Montel thay thế ông điều hành cơ sở y khoa ở đường rue d’Adran. Hai năm sau, năm 1914, thành phố đã đồng ý dời phòng y khoa nhỏ ở đường rue D’Adran đến một chổ thoáng và lớn hơn ở đại lộ Bonard và được gọi là “Polyclinique du boulevard Bonard” hay còn gọi là “Polyclinique du Marché”. (gọi như vậy vì gần chợ Bến Thành)
Trong nhiều năm đã có nhiều tiếng nói và đề nghị xây phòng y khoa ở đại lộ Bonard thành một bệnh viện lớn của thành phố do số bệnh nhân đến càng ngày càng đông. Năm 1919, ông Trương Văn Bền đã đề nghị Hội đồng Quản hạt xây dựng bệnh viện thành phố ở đại lộ Bonard (11). Từ năm 1922 đến năm 1926, số bệnh nhân tăng vọt từ 28982 đến 45161. Nhà cầm quyền đã buộc phải mở thêm các phòng y khoa khác ở Tân Định (1925) và Khánh Hội (1930).
Nhà báo Eugène de la Bâtie, năm 1928 làm chủ nhiệm và chủ bút tờ Écho Annamite thay cho ông Nguyễn Phan Long đã có viết bài báo nói về sự tận tụy và ký ức của người Saigon với bác sĩ Dejean de la Bâtie. Ông Eugène Dejean de la Bâtie sinh ra ở Hà Nội, ông là con của nhà ngoại giao Maurice DeJean de la Bâtie (anh của bác sĩ Theodose DeJean de la Bâtie) và bà Đặng Thị Khai. Trong bài đăng trên báo Écho Annamite ngày 8/7/1930, ông Eugène Dejean de la Bâtie có kể chuyện một người cùng thời với chú của ông đã đến gặp ông phàn nàn về việc bác sĩ Montel trong diễn văn khánh thành phòng y khoa ở Khánh Hội đã không nói nhiều về công lao của tiền nhiệm ông Montel mà đề cập đến công lao khó khăn của mình nhiều hơn sau này và người này cho rằng như vậy là không công bằng.
Năm 1935, Thống đốc Nam Kỳ, ông Pierre Pagès chấp thuận cho phép xây lại phòng đa khoa “Polyclinique du boulevard Bonard“ thành bệnh viện thành phố. Chính quyền thành phố đã bỏ tiền và sau đó ông Hui Bon Hua (chú Hỏa) cũng đóng góp tiền thêm xây dựng bệnh viện lớn ở đại lộ Bonard thay cho phòng y khoa nhỏ. Bệnh viện được xây theo từng giai đoạn từ năm 1937 đến năm 1939 thì hoàn tất với tổng chi phí là 185000 piastres. Trong đó ông Hui-Bon-Hoa đã đóng góp 38000 piastres, một số tiền lớn thời bấy giờ.
Để nhớ ơn một vị bác sĩ tận tụy và công đức với người nghèo khổ, bệnh viện này được đặt tên là bệnh viện Dejean de la Bâtie, tức bệnh viện Saigon ngày nay. Theo báo Le Nouvelliste d’Indochine (27/2/1938) thì ở buổi họp đầu năm của Hội đồng thành phố, có xem xét một đề nghị từ Thống đốc Nam Kỳ đề nghị đặt tên cho bệnh viện vừa mới xây là Bệnh viện Montel, nhưng Hội đồng thành phố cho rằng mặc dầu bác sĩ Montel đã tận tụy bỏ ra nhiều công sức điều hành trong nhiều năm qua nhưng tiền nhiệm của ông là bác sĩ Dejean de la Bâtie thật ra mới là linh hồn và là người mẫu mực đáng nhớ đã tạo ra ý tưởng bệnh viện công phục vụ cho tất cả mọi người. Hội đồng thành phố đã quyết định đặt tên bệnh viện thành phố ở đại lộ Bonard là Bệnh viện Dejean de la Bâtie và tòa nhà mới xây phía trái được có tên là tòa nhà Montel. Tòa nhà phía phải (phía chợ Saigon) có tên của người bỏ tiền rất nhiều để xây bệnh viện là tòa nhà Hui Bon Hoa.

Tham Khảo
  1. Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières… : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, éditeurs L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J. Burtschy, impr. A. Portail (Saigon), 1933.
  2. L’Information d’Indochine. économique et financière, Saigon, 1935, 1936, 1940.
  3. Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saigon. Publiée par les soins du secrétaire général de la mairie, Impr. de l’Union (Saigon), 1917
  4. Annuaire général de l’Indo-Chine française, 1901, Part 2, 1905, 1906, 1908.
  5. Annuaire de l’Indo-Chine, 1890, T1, pp. 198-199, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1890.
  6. Annuaire de l’Indo-Chine, 1897, T1, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
  7. Annuaire de la Cochinchine française pour l’année 1870, Imprimerie du Governemnt, Saigon 1869.
  8. Écho Annamite, 10/11/1921, 13/5/1925, 13/6/1925, 29/12/1928.
  9. Bulletin officiel de l’Indochine française, A1908 N12, p. 1112-1113
  10. Tim Doling, Old Saigon building of the week: 128 Nguyen Thi Minh Khai, http://www.historicvietnam.com/128-nguyen-thi-minh-khai/
  11. Tim Doling, Date with the wrecking ball: Saigon hospital, http://www.historicvietnam.com/saigon-hospital/
  12. Bulletin économique de l’Indo-Chine, 1898/07/01 (A1,N1)-1898/12/01 (A1,N6), pp. 142, Imprimerie commerciale Rey, Saigon.
  13. Húa Hoành, Giai thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh,
  14. Claudius Madrolle, Guide aux Ruines Khmères, Vers Angkor. Saïgon. Phnom-Penh, Hachette (Paris), 1925.
  15. Tim Doling, Icons of Old Saigon: The Casino de Saigon, http://saigoneer.com/saigon-buildings/3726-icons-of-old-saigon-the-casino-de-saigon
(https://hiepblog.wordpress.com/2015/10/05/dai-lo-bonard-cuoi-the-ky-19-den-giua-the-ky-20-phan-2/)

No comments:

Post a Comment