Monday, 22 April 2019

Hậu phương và quân đội thời kỳ chống Mỹ, mấy kinh nghiệm cho hiện tại (Ngô Đăng Tri - Văn Hóa Nghệ An)

Hậu phương và quân đội thời kỳ chống Mỹ, mấy kinh nghiệm cho hiện tại

  •   NGÔ ĐĂNG TRI
  • Chủ nhật, 03 Tháng 5 2015 05:58
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ

Một vấn đề lớn trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam thời kỳ 1954-1975 là giải quyết mối quan hệ giữa hậu phương và quân đội. Thấu hiểu đúng đắn, sâu sắc mối quan hệ giữa hậu phương và quân đội thời kỳ đó không chỉ giúp ta có cái nhìn toàn diện về nguyên nhân thắng lợi các cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà còn có thể rút ra những kinh nghiệm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
  1. HẬU PHƯƠNG VÀ QUÂN ĐỘI THỜI KỲ 1954 - 1975
Đế quốc Mỹ có âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ thời kỳ 1945-1946, khi ủng hộ quân Tưởng và bọn phản động (Việt Quốc, Việt Cách) kéo vào hòng lật đổ chính quyền  cách mạng non trẻ, lập chính quyền tay sai. Từ năm 1950, Mỹ công khai giúp Pháp duy trì, đẩy mạnh cuộc chiến tranh và tìm cách thay chân Pháp thống trị Đông Dương. Từ tháng 7/1954, khi Pháp thất bại, Mỹ đã ráo riết đưa Ngô Đình Diệm lên cầm quyền nhằm biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Trên thực tế đế quốc Mỹ đã dùng mọi lực lượng và thủ đoạn để thực hiện mưu đồ đó.
 Lực lượng của Mỹ huy động cho chiến trường Việt Nam (1956-đầu 1975):
+ Thời gian chiến tranh (tháng):  222 (chiến tranh thế giới 2: 42 tháng)
+ Chi phí chiến tranh(tỷ đô la):    676 (chiến tranh thế giới 2: 341 tỷ)
+ Số lượt lính tham chiến (ngàn lượt):  6.600      
+ Xí nghiệp phục vụ (ngàn):  122                    
+ Tỷ lệ quân chủng tham gia: Lục quân: 70%, Thủy đánh bộ: 60%; Hải quân:  40%; Không quân: 60%. 
Những số liệu đó chứng minh chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh lớn nhất, kéo dài nhất, tốn kém nhất của đế quốc Mỹ.
Để đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược đó, Việt Nam đã rất coi trọng xây dựng hậu phương về mọi mặt để có được tiềm lực to lớn nhằm bảm đảm hậu cần cho Quân đội, nâng cao sức mạnh của của Quân đội, đẩy mạng kháng chiến đến toàn thắng.
Ở miền Bắc, về chính trị, từ 7/1954, Việt Nam đã có chủ trương thanh thủ hòa bình, củng cố miền Bắc, quyết định tập kết lực lượng từ miền Nam ra miền Bắc, xây dựng miền Bắc thanh căn cứ địa của cách mạng cả nước, làm hậu thuẫn cho đấu tranh thống nhất nước nhà. Thời kỳ 1955-1957, Việt Nam tập trung hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân tộc dân chủ, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Từ năm 1958, Việt Nam chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa để đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tháng 9/1960, Đại hội III của Đảng đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, xác định tuy cùng thực hiện một mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, song cách mạng miền Bắc và cách mạng miền Nam có vai trò, vị trí riêng, trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với việc thống nhất Tổ quốc nên phải ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, làm cho miền Bắc trở thành căn cứ địa của cả nước, hậu phương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam. Theo quan điểm đó, miền Bắc đã tăng cường công tác xây dựng Đảng, hoàn thiện bộ máy chính quyền các cấp, ban hành Hiến pháp xã hội chủ nghĩa, củng cố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể quần chúng, phát động nhiều phong trào quần chúng thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, tăng cường quốc phòng, như phong trào: “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, cờ Ba nhất”, “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “toàn dân làm giao thông vận tải”, “tất cả vì tiền tuyến lớn miền Nam.
Về kinh tế, với tinh thần khẩn trương, đến năm 1957,  miền Bắc hoàn thành kế hoạch khôi kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, đạt được mức độ tăng trưởng như năm 1939, năm thịnh đạt nhất thời Pháp thuộc. Đến năm 1960, sau ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958- 1960), kinh tế miền Bắc có bước phát triển mới với sự xuất hiện nhiều khu công nghiệp lớn Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Thái Nguyên, Việt Trì. Từ năm 1961 đến năm 1965, miền Bắc đã ra sức thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với hàng loạt phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi. Đến đầu 1965 do Mỹ gây chiến tranh phá hoại, kế hoạch 5 năm phải tạm dừng, song cơ bản miền Bắc đã đạt đựoc các mục tiêu đề ra trong nông, công nghiệp, giao thông vận tải, cải thiện đời sống nhân dân, năng cao tiềm lực quốc phòng.
Từ năm 1965 đến năm 1972, miền Bắc thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất, xây dựng  vừa chiến đấu bảo vệ, đồng thời vừa làm tốt nhiệm vụ hậu phương với miền Nam và chiến trường quốc tế. Tuy bị thiệt hại nhiều, nhất là công nghiệp, giao thông vận tải, song nông nghiệp, công nghiệp địa phương miền Bắc tiếp tục phát triển. Từ năm 1973, sau khi có Hiệp định Paris, miền Bắc đã tập trung khôi phục kinh tế, xây dựng tiềm lực hậu phương, đạt nhiều kết quả lớn, đến năm 1975 đã đạt mức tăng trưởng của năm 1965 và có mặt phát triển hơn, quan hệ đối ngoại được mở rộng.
Về văn hóa, xã hội, trong thời kỳ 1954-1964, miền Bắc đã đẩy mạnh phong trào xóa nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới, phát triển mạnh giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ học vấn cho mọi tầng lớp nhân dân. Các cơ sở vật chất về văn hóa, y tế, giáo dục được xây dựng, giao lưu văn hóa quốc tế được thúc đẩy. Trong thời kỳ 1965-1975, dù chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất bị tàn phá, nhưng với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với khí thế “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, miền Bắc đã đề cao hơn bao giờ hết tinh thần hướng ra tiền tuyến, tỉnh cảm Bắc-Nam ruột thịt...
Về quân sự,ngay sau khi hòa bình lập lại, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh đã chủ trương tăng cường tiềm lực quốc phòng cho miền Bắc. Từ năm 1957, yêu cầu xây dựng Quân đội nhân dân, đưa quân đội một bước lên chính quy, hiện đại được chú trọng. Quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, chú trọng giữ vững và tăng cường bản chất nhân dân của các lực lượng vũ trang được đề cao. Một bộ phận lớn bộ đội thường trực được phục viên chuyển ngành sang xây dựng kinh tế, hình thành 35 nông trường trường quân đội. Đợt phong quân hàm toàn quân năm 1958 có thêm 22 sĩ quan cấp tướng, 37 đại tá, 75 thượng tá. Tổng quân số thường trực được duy trì ở mức độ thích hợp: năm 1959 có 160.000 người, năm 1963 có 170.000 người (bằng 1% số dân), 16.000 công nhân viên quốc phòng, 21.000 công an vũ trang, 1,2 triệu quân dự bị, 1,4 triệu dân quân tự vệ. Đầu năm 1965 có 195.000 bộ đội thường trực, cuối 1965 lên 400.000 người. Vũ khí trang bị được nâng cấp, nhiều quân binh chủng kỹ thuật được thành lập.
Thời kỳ 1965-1975 thế trận chiến tranh nhân dân được xây dựng vững chắc, có nhiều khu vực phòng thủ mạnh như Hà Nội, khu IV. Đoàn 559 được tăng cường thành Bộ đội Trường Sơn với 2 sư đoàn ô tô, 3 sư đoàn công binh, 29 trung đoàn vận tải, 6.770 xe ô tô. Đường Trường Sơn dài 16.790 km (cả Đông và Tây). Có 1.712km đường ống xăng dầu với 101 trạm bơm (kể cả ở miền Bắc lên tới 55.000km).
Miền Bắc đã tổ chức tiếp nhận một khối lượng lớn vĩ khí, trang bị quân sự do các nước chi viện, chủ yếu qua đường sắt và đường thủy. Sự giúp đỡ quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1968 là rất to lớn.
Năm/ Loại
1964
1965
1966
1967
1968
+
Súng
80.500
220.767
141.153
146.600
219.899
808.919
Pháo
1.205
4.439
3.362
3.984
6.406
19.396
Đạn (nghìn viên)
25.240
114.010
178.120
147.000
247.920
712.290
Đạn pháo
335
1.800
1.066
1.363
2.082
6.646
Radio
426
2.779
1.568
2.464
1.854
9.091
Điện thoại
2.941
9.502
2.235
2.289
3.313
20.280
Xe tăng
16
-
-
26
18
60
Tàu chiến
-
7
14
25
-
46
Máy bay
18
2
-
70
-
90
Xe vận tải
25
114
96
436
454
1.125
Quân phục (nghìn bộ)
-
-
400
800
1.000
2.200
Sự giúp đỡ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh từ năm 1965 khi Liên Xô đồng ý cung cấp giúp đỡ hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay, phi công huấn luyện và đội ngũ kỹ thuật viên nhằm bảo vệ  khu vực Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố quan trọng khác.  Ngay trong năm 1965, một số máy bay MIG 15, 17 và IL 28 đã được chuyển đến Việt Nam. Tính đến năm 1967, tổng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cho Việt Nam là khoảng 1,5 tỷ Rúp (hơn 1,5 tỷ USD), trong đó sự trợ giúp của Liên Xô chiếm 36,8% (608 triệu USD). Đến cuối 1967, sự trợ giúp của Liên Xô tăng lên 50% tổng giá trị giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, trong đó sự giúp đỡ về quân sự chiếm 2/3. Năm 1968, Liên Xô đã dẫn đầu danh sánh các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ Việt Nam, với tổng giá trị đạt 542 triệu Rúp (582,2 triệu USD). Ngoài ra còn có khoảng 1.500 đến 2.500 lượt chuyên gia quân sự Liên Xô, bao gồm kỹ sư, phi công, kỹ thuật viên phụ trách hệ thống ra đa, tên lửa đã phục vụ ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Trong giai đoạn 1969-1972, tiềm lực của hậu phương miền Bắc càng được tăng lên nhanh nhờ sự viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là về quân sự.
Loại
1969
1970
1971
1972
+
Súng
139.900
101.800
143.100
189.000
573.800
Pháo
3.906
2.212
7.898
9.238
23.254
Đạn (nghìn viên)
119.170
29.010
57.190
40.000
245.370
Đạn pháo
1.357
397
1.890
2.210
5.854
Radio
2.210
950
2.464
4.370
9.994
Điện thoại
3.453
1.600
4.424
5.905
15.382
Xe tăng
-
-
80
220
300
Tàu chiến
-
-
7
14
21
Máy bay
-
18
2
-
20
Xe vận tải
162
-
4.011
8.758
12.931
Q. phục (nghìn bộ)
1.200
1.200
1.200
1.400
5.000
Với sự lớn mạnh của hậu phương miền Bắc và sự chi viện to lớn của các nước anh em, tiềm lực quân sự của Việt Nam được tăng cường về mọi mặt. Ngày 24/10/1973 Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng) ra đời ở Tam Điệp (Ninh Bình)...
Miền Bắc đã đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ được địa bàn và góp phần “chia lửa” với tiền tuyến miền Nam. Cả hai lần chống chiến tranh phá hoại, miền Bắcđã bắn rơi 4.181 máy bay, có 68 B52, 13 F111, bắn cháy, chìm 271 tàu chiến. Trong đó dân quân tự vệ bắn rơi 357 chiếc máy bay, lão dân quân bắn rơi 6 chiếc, nữ dân quân bắn rơi 30 chiếc. Riêng trong cuộc chiến đấu năm 1972,  nhất là trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm cuối 1972, miền Bắc đã bắn rơi nhiều loại máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 62 B52, 10 F111, bắn chay, chìm 128 tàu chiến.
Tuy nhiên, miền Bắc cũng bị tàn phá nặng nề qua hai cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ. Trong công nghiệp, có 18% máy móc công nghiệp không sử dụng được, 26% máy móc công nghiệp bị hư hỏng, số còn lại chỉ hoạt động 6h/ngày, 91 ngày/năm. Trong nông nghiệp, diện tích trồng trọt giảm 3,6%, chi phí sản xuất tăng 75 %. Thu nhập của xã viên giảm 23,7%, lương thực bình quân đầu người từ 305 kg (1961-1965) xuống còn 252 kg (1966-1975). Giao thông vận tải chịu 60% sự đánh phá của địch. Trong những năm 1965-1968,  trung bình cứ 1 km đường bộ có 19,3 quả bom và bị đánh 4 lần, 1 km đường sắt Hà Nội- Vinh bị đánh 19,5 lần. Hàng chục vạn người bị chết. Hầu hết công trình xây dựng, cầu cống, bệnh viện, trường học... bị tàn phá.
Ở miền Nam, về chính trị,Việt Nam đã sớm có chủ trương xây dựng hậu phương tại chỗ.Năm 1954, khi thực hiện tập kết lực lượng ra miền Bắc, nhiều cán bộ đã ở lại bám cơ sở và chuyển cuộc chiến đấu sang đấu tranh chính trị, hợp pháp đòi thực hiện tổng tuyển cử hòa bình thống nhất như quy định của Hiệp định Giơnevơ. Từ 1960, sau phong trào Đồng Khởi, Việt Nam đã chủ trương bảo vệ, xây dựng các vùng giải phóng thành hậu phương tại chỗ, thành lập và sử dụng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiêm nhiệm chức năng chính quyền cách mạng, củng cố Trung ương cục, xây dựng Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, xây dựng Đoàn Thanh niên cách mạng, Hội lao động giải phóng... Đến 1969, Việt Nam đã chủ trương thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, xây dựng hệ thống chính quyền cách mạng các cấp ở vùng giải phóng và các các căn cứ du kích, các vùng tranh chấp. Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoàn miền Nam Việt Nam được nhiều nước trên thế giới công nhận, đặt quan hệ ngoại giao và ủng hộ, giúp đỡ.
Về kinh tế,từ năm 1960, tại các vùng giải phóng, khu căn cứ lớn, Việt Nam chủ trương phát triển sản xuất, thực hiện đảm bảo một phần nhu cầu lương thực, vũ khí tại chỗ cho bộ đội, nhân dân, nhất là ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Mặt khác đã tiếp nhận có hiệu quả sự chi viện vất chất của hậu phương miền Bắc và tìm mọi cách lấy kinh tế địch để đánh địch, vận động nhân dân các vùng tạm bị chiếm ủng hộ quân giải phóng, tiếp tế cho các căn cứ kháng chiến. Với nhiều cố gắng,  hậu phương tại chỗ ở miền Nam đã bảo đảm được một phần quan trọng nhu cầu thực phẩm, lương thực, vũ khí và  các nhu yếu phẩm cho bộ đội chủ lực, phần lớn các nhu cầu cho bộ đội địa phương và dân quân du kích. Khối lượng vật chất do hậu phương tại chỗ sản sinh ra vừa phụ vụ kịp thời cho nhu cầu của tiền tuyến vừa giảm phí tổn về vận chuyển so với số đưa từ miền Bắc vào.
Về văn hóa, xã hội, trong các vùng giải phóng, đời sống văn hóa được chú trọng xây dựng, phát triển. Quan điểm xây dựng vùng giải phóng, các căn cứ về văn hóa, xã hội phải ưu việt, tiến bộ hơn vùng tạm bị chiếm được nhấn mạnh. Với lực lượng giáo viên tại chỗ và đưa từ hậu phương lớn miền Bắc vào, hệ thống giáo dục phổ thông được xây dựng, trước hết là bậc tiểu học. Mạng lưới y tế được tăng cường với các tuyến bệnh viện bệnh xá, trại an dưỡng, trạm phẫu thuật các cấp. Các đội chiếu phim, đoàn văn công đã lưu động phục vụ bộ đội, nhân dân. Đồng thời ta  cũng chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý và chống lại văn hóa phản động đồi trụy của địch, đẩy mạnh tuyên truyền tinh thần yêu nước cho nhân dân vùng địch hậu.
Về quân sự,từ năm 1960, khi có vùng giải phóng, có các chiến khu, Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng các đơn vị vũ trang các cấp, thành lập Quân giải phóng, Bộ chỉ huy toàn miền và của các khu, các tỉnh. Nhiều công binh xưởng được xây dựng, ra sức sản xuất vũ khí cung cấp cho lực lượng vũ trang địa phương. Việc lấy vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch để đánh địch được phát động, trở thành phong trào chung, thu kết quả hết sức to lớn. Hệ thống kho tàng, đường sá, trạm giao liên tiếp nhận sự chi viện quân sự của hậu phương lớn được tổ chức liên thông. Việc vận động nhân dân tham gia chủ lực Quân Giải phóng, đị bộ đội địa phương, làm giao thông được chú trọng. Ngày 17/5/1974, Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang) được thành lập ở Trị Thiên, ngày 20/7/1974, Quân đoàn 4 (binh đoàn Cửu Long) ra đời ở Đông Nam Bộ, ngày 27/3/1975, Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) ra đời ở Tây Nguyên.
Nhìn chung, tại các căn cứ, vùng giải phóng miền Nam và Lào, Campuchia, ta đã xây dựng được các cơ sở hậu cần vững mạnh, nơi dứng chân của các lực lượng vũ trang, đặt kho tàng, công xưởng và có năng lực để tiếp nhân sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc, trở thành hậu phương tại chỗ ngày càng lớn mạnh, bảo đảm hậu cần cho Quân giải phóng toàn Miền và cho cả chiến trường ba nước Đông Dương chiến đấu và chiến thắng.
Hạn chế trong xây dựng hậu phương bảo đảm hậu cần cho Quân đội thời kỳ 1954- 1975 là tư duy về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc còn giản đơn, mô phỏng nước ngoài, vội cải tạo một số thành phần kinh tế đang cón tác dụng, vội đẩy mạnh công nghiệp hóa khi còn thiều các điều kiện cơ bản. Quy mô sản xuất nhiều lĩnh vực chưa thích hợp, ham quy mô lớn, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh. Việc kết hợp xây dựng với bảo vệ hậu phương, chi viện tiền tuyến cả ở miền Bắc và vùng giải phóng miền Nam có lúc chưa chặt chẽ, bị lãng phí nhiều, có nơi, có lúc bị địch gây tổn thất lớn. Các tổ chức quần chúng, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chất lượng thấp. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ viện trợ, chi viện từ bên ngoài còn nặng, tâm lý bao cấp thời chiến trở nên phổ biến, gây hậu quả lâu dài về sau…
       2. MẤY KINH NGHIỆM CHO HIỆN TẠI
Một số nhận xét
Thứ nhất, vấn đề mối quan hệ giữa nhân tố kinh tế với chiến tranh, hậu phương với quân đội là vấn đề cơ bản về lý luận rất cần được nắm vững trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng, trong nghiên cứu lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hậu phương của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, xâm lược (1954-1975) tuy có những đặc điểm và quá trình xây dựng, bảo vệ, chi viện tiền tuyến độc đáo, song cơ bản là hậu phương của chiến tranh nhân dân, hậu phương trong lòng dân. Hậu phương đó tuy chưa phát triển cao về kinh tế,  song về chính trị tinh thần, văn hoá xã hội thì ưu việt hơn hậu phương đối phương và luôn luôn hướng về tiền tuyến, ra sức chi viện sức người, sức của cho quân đội.
Thứ hai,hậu phương của cuộc kháng chiến thời kỳ 1954- 1975 đã được xây dựng và bảo vệ trong hoàn cảnh hết sứ khó khăn, đều bị địch đánh phá, song đều đạt được những thành tựu to lớn, tạo được những tiềm lực quan trọng và đã làm tròn chức năng, vai trò của mình đối với tiền tuyến, cả về đất đứng chân, bàn đạp tiến công, cơ sở tổ chức, nền tảng kinh tế, nơi cung cấp nhân tài vật lực và động viên chính trị tinh thần đối với quân đội, với tiền tuyến. Vì vậy, tìm hiều sự lãnh đạo, chỉ đạo và các phong trào xây dựng, bảo vệ hậu phương, chi viện tiền tuyến thời kỳ này sẽ giúp hiểu rõ thêm nguyên nhân thắng lợi của hai cuộc kháng chiến đó và rút ra được những kinh nghiệm phục vụ hiện tại, nhất là kinh nghiệm về tư tưởng chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân, kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, kinh nghiệm về kết hợp các nhiệm vụ xây dựng với bảo vệ, xây dựng bảo vệ với chi viện, kết hợp trước mắt và lâu dài, kinh tế với quốc phòng...Tìm hiểu vấn đề mối quan hệ giữa hậu phương với Quân đội trong cuộc kháng chiến của Việt Nam  thời kỳ 1954-1975 phải quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng Quân đội nhân dân, về  chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, phải nắm vứng lý luận chung đồng thời phải dựa chắc vào thực tiễn Việt Nam.
Thứ ba,thắng lợi của Việt Nam nói chung, của  Quân đội Việt Nam trongcuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nướcnói riêng có nhiều nguyên nhân, song đều có nguyên nhân quan trọng, quyết định thường xuyên là có hậu phương được xây dựng và bảo vệ vững chắc, hết sức chi viện sức người, sức của và động viên chính trị tinh thần cho tiền tuyến. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ hậu phương, chi viện tiền tuyến thời kỳ 1954- 1975 đã để lại nhiều kinh nghiệm có giá trị về sau, kể cả kinh nghiệm thàng công cần phát huy và kinh nghiệm không thành công cần phải tránh.
 Mấy kinh nghiệm cho hiện tại
Một là, sức mạnh của hậu phương quyết định sức mạnh của quân đội, hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Công thức chung về mối quan hệ giữa hậu phương với quân đội luôn luôn vẫn là: CUNG CỦA HẬU PHƯƠNG phải luôn bằng hoặc lớn hơn CẦU CỦA QUÂN ĐỘI thì quân đội mới giành được chiến thắng. Vì vậy khi có chiến tranh hay lúc bình thường đều phải nhận thức đúng đắn quan điểm/ công thức đó để ra sức xây dựng, bảo vệ tiềm lực mọi mặt của hậu phương, của đất nước, tạo thế và lực bảo đảm cho quân đội giành chiến thắng. Không có thực lực (vật chất, nhân lực, kỹ thuật, trình độ lãnh đạo, chỉ huy, ý chí tinh thần, địa bàn…) thì quân đội không thể giành thắng lợi trên chiến trường, trong bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và không phận của quốc gia.
Hai là, xây dựng, bảo vệ hậu phương, huy động sức mạnh hậu phương cho quân đội, cho chiến tranh phải toàn diện cả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hoá, khoa học kỹ thuật... Phải quán triệt quan điểm dựa vào dân, dựa vào sức mình là chính, đồng thời ra sức tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Hậu phương của ta phải là hậu phương của chiến tranh nhân dân, phải có chế độ chính trị, văn hoá. xã hội ưu việt, tiến bộ hơn hậu phương địch, dần dần có kinh tế, quốc phòng lớn mạnh mới đủ sức bảo đảm hậu cần cho quân đội, cho tiền tuyến chiến thắng.
Ba là,muốn có hậu phương, nhất là những vùng hậu phương chiến lược vững mạnh phải ra sức bảo vệ, giải phóng những nơi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nơi đã từng là căn cứ địa hậu phương trong các cuộc kháng chiến trước đó (như Việt Bắc, Thanh- Nghệ- Tĩnh, Trường Sơn- Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…), đồng thời phải căn cứ vào thực tế mỗi thời kỳ, mỗi khu vực để tạo đất đứng chân, căn cứ địa, hậu phương chiến lược phù hợp với các đối tượng và hướng tác chiến, với nhu cầu mới của chiến tranh, của Quân đội, với loại hình tiền tuyến là vùng biển đảo xa đất liền. Nói chung phải hết sức chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong xây dựng, bảo vệ hậu phương tại chỗ, hậu phương chiến lược cũng như hậu phương quốc tế.
Bốn là,xây dựng, bảo vệ hậu phương, bảo đảm hậu cần cho Quân đội là một quá trình từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn. Phải kết hợp tốt các nhiệm vụ xây dựng với bảo vệ và chi viện, không coi nhẹ nhiệm vụ nào, song tùy từng thời kỳ từng nơi mà có sự tập trung cho mỗi lĩnh vực. Nhìn chung xây dựng phải đi liền với bảo vệ, xây dựng là cơ sở để bảo vệ và chi viên, phải trên cơ sở bồi dưỡng sức dân mà huy động sức dân, phải làm tốt công tác hậu phương quân đội, hậu phương sau chiến tranh để “làm kế sâu rễ bền gốc” cho quân đội, cho sự nghiệp bảo vệ đất nước lâu dài.
Năm là, chiến tranh càng hiện đại, vai trò của nhân tố kinh tế, hậu phương đối với quân đội, với tiền tuyến càng tăng lên. Chiến tranh càng hiện đại, thời gian diễn ra ngắn, nhưng mực độ hao tổn lớn và nhanh, nhất là đối với nguồn nhân lực kỹ thuật, vũ khí đắt tiền, nên quân đội, tiền tuyến càng lệ thuộc vào hậu phương, song hậu phương lại bị đánh phá khó đáp ứng được. Do đó phải có sự kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế từ thời bình, từ trước chiến tranh, trong phạm vi toàn quốc cũng như mỗi khu vực, mỗi địa phương để quân đội không bị động, hậu phương không rối loạn khi có chiến sự. Mặt khác phải kết hợp tốt giữa quảng bá, tuyên truyền tiềm lực quốc phòng của hậu phương, của đất nước với che dấu sức mạnh và cài bẫy về thế trận phòng thủ của Quân đội, tránh sự bộc lộ không cần thiết về tiềm lực, về thế trận.
Sáu là,trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện tại, nhiều vấn đề tuy đã khác  trước, song nhân tố quyết định thường xuyên của hậu phương đối với sức mạnh của quân đội, với thắng lợi của chiến tranh vẫn là tiềm lực của hậu phương. Xây dựng hậu phương trong thời kỳ mới vẫn phải chú trọng cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, kỹ thuật, quân sự, phải kết hợp kinh tế với quốc phòng và ngại giao, kinh tế với văn hoá, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc nắm vững quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng về mối quan hệ giữa hậu phương với quân đội, hậu phương với tiền tuyến là rất cần thiết đối với các thế hệ đương đại. Nó không chỉ giúp hiểu thấu đáo, sâu xa một nguyên nhân thắng lợi của các cuộc kháng chiến thời kỳ 1954- 1975 mà còn có ý nghĩa thực tiễn thiết thực đối với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo hiện nay của Việt Nam./.                                                                                                    
(http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/hau-phuong-va-quan-doi-thoi-ky-chong-my-may-kinh-nghiem-cho-hien-tai)

No comments:

Post a Comment