Hoàng Tuấn Công đăng lại trên Facebook một bài phê bình Nguyễn Văn Khang đã đăng trước đây ở Tuấn Công Thư Phòng và Kinh Tế & Đô Thị.
Tôi chỉ chép lại một số điểm tôi quan tâm.
Tóm lại, dù thế nào thì cũng “không có cửa” cho “bị giơ” và “ăn giơ”.
Về 9.1 và 9.3 cả giơ / rơ / dơ / jơ đều là những cách phiên âm khác nhau của jeu tiếng Pháp.
Ngoài ra, tại sao "ăn" trong "ăn giơ" mới là đúng chính tả ? Trong tổ hợp đó "ăn" không liên quan gì đến ăn uống, chỉ là một dạng phiên âm của "en" trong "en jeu". Và vì là phiên âm nên người ta viết cả "ăn" và "ăng" (xem Lê Ngọc Trụ).
Trường hợp 26 (xi / si) và 47 (khóa sol, nốt sol) cũng dễ gây tranh cãi. Nếu bảo son được mà xon không được, xi được mà si không được thì bà sơ được hay bà xơ được? Giày săng đá đúng hay giày xăng đá đúng? Phải viết sờ nặng hay sờ nhẹ trong trường hợp muống dùng từ mượn âm secours với nghĩa là dự phòng ? Nên viết là sốt cà chua hay xốt cà chua ? Su chiêng đúng hay xu chiêng đúng? Nếu xu chiêng đúng thì tại sao xu cheng không đúng? Nếu hơn ba mươi dạng khác nhau của soutien-gorge trong tiếng Việt (xú chiên, xú chen...) không ai buồn moi móc thì ba dạng khác nhau của jeu sao lại thành ra vấn đề?
Nói tóm lại, khó đề ra một nguyên tắc nhất quán để xác định thế nào là được, thế nào là không được trong các trường hợp vừa đề cập. Còn ai có uy quyền hơn ai để bảo cái này đúng, cái kia sai thì lại là chuyện khác.
Sạc hay xạc là nạp điện? Và sạc hay xạc là la mắng? Chẳng lẽ chỉ người thạo tiếng Pháp có quyền bảo sạc là nạp điện, còn xạc là la mắng? Nhưng tại sao người viết tiếng Việt phải tìm cách viết sao để khi đọc lên thành ra tiếng Pháp? Và đọc lên theo giọng nào? Giọng Bắc hay giọng Nam? Và nếu là giọng Bắc thì giọng Bắc của ai mới chuẩn?
No comments:
Post a Comment