Showing posts with label Nam Úc. Show all posts
Showing posts with label Nam Úc. Show all posts

Sunday 14 March 2021

Phụ huynh của ai?

 


Một đặc điểm quan trọng của ngữ pháp tiếng Việt là định ngữ là nó gắn rất chặt với danh ngữ đi trước (xe của tôi, nhà của nó, ngữ pháp của tiếng Việt... và phụ huynh của các em học sinh). Khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt không nên bám sát trật tự của câu văn tiếng Anh (a letter to all parents / caregivers of children in South Australian schools and preschools from Minister for Education, Hon John Gardner MP => thư gửi phụ huynh của bộ trưởng giáo dục). Cách khắc phục rất đơn giản, đảo trật tự một chút là xong: thư của bộ trưởng giáo dục gửi phụ huynh).



Monday 8 March 2021

Trẻ con ở Nam Úc đang học thứ tiếng Việt gì?

 

 


Giật cả mình khi đọc phải bài báo của một cô giáo làm nhiệm vụ tường thuật ngày khai trường. Bỏ qua các lỗi đánh máy, những lỗi chính tả dưới đây thật là khó đỡ và khó xếp loại (cẩu thả? trình độ yếu kém?):

 

Trường Việt Ngữ Cộng Đồng có khác chăng là thời gian nghĩ hè (chừng hai tháng) không phải “90 ngày qua chứa chan tình thương” (Thanh Sơn)

 

Mọi việc được bố trí sẵn sàng, một căn phòng rộng, nơi đây là hall rộng để xử dụng khi cần  hội họp GV hoặc tập hợp h/s.) kê một dãy bàn dài nối liền nhau.

 

Thế mà, nhờ vào cách bố trí nhân sự và sắp xếp khoa học của BGH, ngày nhập học của học sinh khối toán, cũng như khối Tiếng việt đã diễn ra trong náo nhiệt, nhưng rất suông sẽ, lại sớm đi vào ổn định.

 

Nếu Ban Giám Hiệu không am tường, để định hướng sự đầu tư vào những yếu tố thực tiễn bổ xung, đi kèm với sự giáo dục.

 

Câu sau đây thật là khó hiểu:

 

Được tham dự và ngắm nhìn tận tường ngày khai trường (6/2/2021) của trường Việt Ngữ Cộng Đồng, không khỏi làm lòng ta bồi hồi nhớ lại khoảng ngày thơ dại của chính mình... cũng bên bàn tay nắm của mẹ, lòng vui rộn ràng, mới lạ làm sao, vừa mang tâm trạng bùi ngùi lo sợ, rồi tần ngần nép vào ve áo mẹ như để tìm hơi ấm... cho bớt run và bỡ ngỡ.

 

Ai làm ơn chỉ giùm tôi cách nép vào ve áo?

 

Nguồn: Lê Châu Hồng, “Trường Việt Ngữ Cộng Đồng – Ngày khai trường năm học 2021”, Adelaide Tuần Báo, số 969, tr. 22-23.

Friday 15 September 2017

Elise Boulding nói gì?


Elise Boulding nói thế này:
When three generations are present in a family, one of them is bound to be revolutionary. 


Người Việt nói với nhau thế này:



Ta tự ngớ ngẩn với nhau được rồi. Cần gì phải mượn danh Elise Boulding? Và nhớ sửa chính tả nhé Ngọc. Viết ắt sẽ có chứ đừng viết ách sẽ có.


Thursday 7 September 2017

Ở đâu có món bún đạn?

Trả lời là ở Nam Úc:
Tín  và Trí đang chơi bún đạn.

Hột bẹt trên nằm ở trang 36 của quyển Hà Ngọc Lan, 2013, Em tập đọc 3 - dành cho các lớp 2 (có mấy lớp 2?), Trường Việt Ngữ Cộng Đồng Người Việt Tự Do Nam Úc.


Sách có 39 trang. Mỗi trang có một bức tranh và một câu ngắn để các em học lớp 2 bắt đầu học và tập đọc vần ngược trong tiếng Việt. Chỉ có 19 trang không có lỗi. Các trang kia không lỗi nặng thì lỗi nhẹ, nói chung là không nên đem làm mẫu cho trẻ học:
Bác hai ở Kế nhà Tí là thợ mộc. (tr. 18)
Tú và Tí đang giúp mẹ rữa xe. (tr. 19)

Ba du khách đang cởi voi. (tr. 27)

Saturday 2 September 2017

Thằng đánh máy nào phá hoại sự nghiệp vinh danh cờ vàng ở Nam Úc?

Đọc Lời Kêu Goị (sic) của Ủy Ban Vinh Danh Cờ Vàng Nam Úc mà giật cả mình (xem ảnh chụp trang 20 Adelaite Tuần Báo số 794, ngày 31/8/2017)

Có ai ngờ kiếm hai chục ngàn Úc kim dễ như ăn gỏi? Chữ nghĩa lôm côm mà tự tin quá.

Câu hỏi đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm về cái văn bản lôm côm này. Thằng đánh máy? Thằng thuê thằng đánh máy? Hay cái máy? Có lẽ là cái máy. Lô-gích thôi. Người kiếm không ra một tay đánh máy đàng hoàng biết tìm đâu ra người dựng cột cờ cho đàng hoàng?

Sunday 20 August 2017

Làm người Việt thứ thiệt có dễ không?

Người Việt hải ngoại hay ra cái điều yêu nước thương nòi, lại thích lên mặt dạy đời:

Nói chung, người Việt thứ thiệt sống ở hải ngoại, ngoài chuyện "biết người" cũng cần phải "biết ta", biết luân thường đạo lý, văn hóa dân tộc và học tập để xử dụng rành r ngôn ngữ Mẹ đẻ của mình.

(Đoàn Công Chánh Phú Lộc, "Cộng đồng người Việt tự do Nam Úc và ngôn ngữ Việt" Nam Úc Tuần Báo, số 1109, 18.08.2017, tr.11) 

Hai lỗi chính tả sơ đẳng ngay trong một câu là bằng chứng cho thấy ông ký giả họ Đoàn sử dụng tiếng mẹ đẻ chưa rành rẽ. Theo định nghĩa của chính ông, ông không phải là người Việt thứ thiệt. Vậy ông lấy tư cách gì để định nghĩa người Việt thứ thiệt?

Saturday 19 August 2017

Biển Đông của ai?

Viết thế này thì người đọc sẽ không rõ biển Đông của ai (Việt Nam, người dám nói mạnh hay Trung Quốc):

Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là không ai dám nói mạnh về việc xâm chiếm biển Đông của họ.
("Nước cờ nào cho VN?", Adelaide Tuần Báo số 792, 17.6.2017, tr.4)

Sửa lỗi này rất dễ: 
Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là không ai dám nói mạnh về việc TQ xâm chiếm biển Đông.

Viết việc họ xâm chiếm biển Đông thì tránh được chuyện thắc mắc biển Đông của ai, nhưng người đọc lại không rõ ai là người đi xâm chiếm (người dám nói mạnh hay Trung Quốc), thành thử phải chấp nhận lặp từ TQ.

Muốn tránh lặp từ TQ, có thể viết:  
Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là  việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 

Muốn hay hơn nữa, nên viết:  
Trước mắt, các đề nghị của VN đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 

Từ của này không gây hiểu lầm như từ của trong bản gốc, lại giúp loại bớt một từ ra.

Muốn tránh cả của lẫn ra:
Trước mắt, những gì VN đề nghị đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 
 

 

Tuesday 15 August 2017

Mèo khen mèo dài đuôi?

Ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc (Nam Úc Tuần Báo số 1108, ngày 11.8.2017) khen bộ sách dạy tiếng Việt ở trường ông như sau:

Bộ sách này rất thích hợp cho các em ở hải ngoại học tiếng Việt, nên nhiều lần được các trường Việt ngữ hỏi mua hay xin in lại những bài trong đó để xử dụng. (tr.10)

Ông hiệu trưởng này không biết phân biệt lấplắp:

a) Cho sơn nhà và sắp đặt, tu sửa các phòng ốc để ổn định chỗ làm việc cho tất cả các nhân viên VPPL; Lấp đặt hệ thống máy điều hòa cho tất cả các phòng làm việc. (tr.10)

Khi cần viết sơ lược, ông viết:

Tôi viết sơ lượt về việc điều hành Cộng Đồng. (tr.11)

Có thể thấy, đối với  ông, phân biệt t-c cuối âm tiết là việc hết sức khó khăn:

Đã vậy, mà lại còn hãnh diện cho đó là đã có sự "hợp tác chặc chẽ" với nhau, thì cái mức độ ngu xuẩn này còn tệ hại hơn. (tr.11)


Người bị ông chê chớ lấy làm buồn. Người được ông khen cũng đừng vội mừng. Trình độ của người khen chê đã nằm tênh hênh trên trang báo đó. Đây vài hột bẹt nữa của ông hiệu trưởng:

Ông kỹ sư  cho biết: cái shed được dùng cho xe truck ra vào cất dỡ hàng, bản vẻ chỉ có 24 m chiều dài. (tr. 10)

Việc quản lý, tiếp liệu, trang bị tủ bàn, máy móc hay tu bổ, sửa chữa, bảo trì cơ sở, phòng ốc, xe cộ , sân bải trong TTSSHCĐ thuộc trách nhiệm của HĐQT chứ không phải của VPPL (tr. 11)










Sunday 13 August 2017

Bánh giầy hay bánh dày?



Thứ bánh làm bằng gạo nếp giã nhuyễn, nắn thành hình tròn dẹt trong truyện Lang Liêu là bánh giầy. 
 
Từ điển chỉ ghi nhận bánh giầy (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:29), Văn Tân, 1994:47, Hoàng Phê et al. 2006:35…), không có bánh dày, bánh dầy, bánh giày

Các nhà nghiên cứu (Trần Quốc Vượng, An Chi, Nguyễn Dư...) chưa có cách lý giải đủ sức thuyết  phục vì sao phải là giầy mà không là dày, dầy hay giày. Người lười tra từ điển thường viết tùy thích:

Bánh giầy (còn được viết là bánh giày, bánh dầy hay bánh dày) là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở

Bánh giầy Gầu

Thursday, July 29, 2010

(http://langxuancau.blogspot.com.au/2010/07/banh-giay-lang-gau.html)



Ta thử hình dung hậu quả của thói tùy tiện này khi nó đi vào lớp học. Đầu sách mình dạy:


Bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho mặt trời.

(Trần Đắc Trí & Huỳnh Thu Thủy, 2013:21)


Cuối sách mình ra đề thi:


Hãy thuật lại sự tích bánh dày bánh chưng.

(Trần Đắc Trí & Huỳnh Thu Thủy, 2013:107)
 
Học sinh phải viết về cái bánh nào?