Showing posts with label phương ngữ. Show all posts
Showing posts with label phương ngữ. Show all posts

Thursday 31 January 2013

Người Việt Nam biết uống bia từ khi nào?



Người An-Nam trước khi nhà nước Pha-lăng-sa sang bảo-hộ thì chưa có tiếng sà-phòng (savon), nhà ga (gare), rượu bia (bière), cậu bồi (boy) v.v. (Nam Phong số 170, 1932:293, Vũ Công Nghi)
Bia là thứ thức uống chứa cồn, có vị đắng đặc trưng của húp lông (hoa bia), được người Pháp đưa vào Việt Nam. Nhà máy bia đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam năm 1890 (1892?). Đó là Brasserie de Hanoi (nay là nhà máy bia Hà Nội) ở làng Đại Yên do một người Pháp tên Hommel làm chủ. Để có đất xây nhà máy, Hommel đã phá cả một ngôi cổ tự là chùa Chân Giáo (được xây dựng từ năm 1024). Vào thời kỳ đầu, mỗi ngày ba mươi công nhân của Hommel chỉ sản xuất được 150 lít bia. Dân gian lấy tên ông chủ Hommel để gọi thứ thức uống mới là bia Ô Mền. Sau đó một viên hạ sĩ quan giải ngũ ở Sài Gòn tên Victor Larue hợp tác với Hommel thành lập công ty Brasseries et Glacières d'Indochine (viết tắt là B.G.I.), đặt văn phòng tại số 187 đại lộ Armand Rousseau Chợ Lớn. Năm 1909 bia Larue được đưa ra giới thiệu với người tiêu dùng và thành công rực rỡ.
Người bình dân miền Nam trước 1975 ít dùng từ bia mà hay nói la ve / la de hơn. Sau khi đất nước thống nhất, từ la ve / la de gần như biến mất và được thay thế bằng bia trong mọi hoàn cảnh. Các từ ngữ mới đều được tạo từ bia (bia hơi, bia bốc, bia bọt, bia lên cơn, bia trắng, bia nâu, bia đen, bia vàng, bia ngọt, bia không cồn, bia ôm...).

Sunday 8 July 2012

Mạt hạng là gì?


Mạt chữ Hán là , nghĩa căn bản là cái ngọn. Từ nghĩa này sinh ra nhiều nghĩa khác, trong số đó có nghĩa cuối cùng / chót hết trong mạt hạng  (hạng cuối cùng), mạt kiếp (kiếp cuối cùng), mạt thế (đời cuối cùng), mạt lộ (đường cùng), mạt vận (vận cuối)... Một số người miền Nam thường viết nhầm mạt hạng thành mạc hạng, phần vì không nhận thức được rõ ràng nghĩa của từ Hán Việt, phần vì âm [k] cuối âm tiết thường được thể hiện bằng chữ c.

Tuesday 15 May 2012

Chồng tách vợ ly là sao?


Đây không phải là chồng uống (cà phê hay trà) bằng tách, vợ uống (nước) bằng ly, mỗi người một phách. Cũng không phải là vợ chồng chia lìa nhau (tách ra, ly dị, ly hôn, ly biệt...). Chồng tách (do tiếng Anh technician) và vợ ly (do tiếng Anh assembly worker) là kiểu gia đình Việt Nam thường gặp ở Mỹ những năm 80. Kiểu gia đình này hiện nay không phổ biến như mấy mươi năm về trước nữa. Do đó nảy sinh các cách hiểu khác của chồng tách vợ ly trên cơ sở đồng âm từ vựng.

Saturday 10 March 2012

Ai là người đầu tiên đề nghị sử dụng thuật ngữ “dân tộc học”?


Cái tên của một môn học nhiều khi thể hiện rất rõ rệt quan điểm địch-ta. Việc giới khoa học Việt Nam chấp nhận thuật ngữ dân tộc học trong những năm 50 của thế kỷ trước là một ví dụ cho thấy tên gọi không thể là chuyện vô thưởng vô phạt:
Khoa dân tộc học mác-xít và khoa dân tộc học tư sản có nhiều điểm khác nhau về cơ bản. Khoa dân tộc học tư sản chỉ giới hạn trong việc nghiên cứu các dân tộc lạc hậu, thuộc địa. Như ở đế quốc Đức trước kia, bọn học giả tư sản chia ra làm dân tục họcdân tộc học. Dân tục học (Volkskunde hoặc Folklore) nghiên cứu dân tộc bản quốc, dân tộc học (Volkerkunde) nghiên cứu các dân tộc nước ngoài, chủ yếu là dân tộc thuộc địa.
Trong dân tộc học, bọn học giả ở các nước tư sản lại chia ra làm hai ngành: Ethnologie tức dân tộc học lý luận và Ethnographie tức dân tộc học tự thuật hoặc dân tộc học miêu tả, do đó chúng tách rời lý luận với quan sát thực tế. Ở Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa, cả hai ngành này đều kết hợp làm một, và đều dùng một danh từ thống nhất là Ethnographie. Trước kia, ở Trung-quốc, người ta thường dịch chữ Ethnographie bằng nhiều danh từ khác nhau, khi là nhân chủng học, khi là nhân văn chí, khi là dân tục học, nhưng từ răm năm nay, các nhà khoa học Trung-quốc đã dùng một danh từ thống nhất là dân tộc học. Ở Việt-nam, trước đây, người ta cũng quen gọi khoa học này, bằng tiếng Pháp là Ethnologie và bằng tiếng Việt là nhân chủng học. Cả hai chữ, dùng đều không đúng. Cho nên tôi đề nghị, từ nay chúng ta cũng gọi khoa học này bằng một danh từ thống nhất là dân tộc học mà tiếng Âu châu của nó là ethnographie hay ethnografia.
(Nguyễn Lương Bích,  “Mấy nét sơ lược về dân tộc học Mác-xít” trong Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 47 (1958:16))
Trong khi đó ở miền Nam, các tên gọi cũ vẫn được lưu hành cho đến năm 1975: ethnographie được dịch là nhân chủng chí, ethnologienhân chủng học (Thanh Nghị, 1967:1002).

Saturday 3 March 2012

Xứ Ba Tây là xứ nào?



Ba Tây là từ mượn của tiếng Hán (巴西) hồi đầu thế kỷ 20 đế gọi một nước cộng hòa ở Nam Mỹ (Đào Duy Anh, 2005:34) mà nay ta gọi là Bra-xin (âm gần với tiếng gốc là Brasil). Người Trung Quốc phiên âm là baxi, viết là巴西; người Việt chuyển sang âm Hán Việt thành Ba Tây.

Từ Ba Tây bị khai tử ở miền Bắc sau năm 1954, được thay thế bằng từ mượn âm tiếng Pháp Bơ-rê-din (Brésil) trong một thời gian ngắn trước khi Bra-xin chính thức lên ngôi:

* Ở nơi nào mà bọn tư bản đã lập ra các kinh doanh nông nghiệp  để trục lợi một cách điên cuồng nhất, thì ở nơi đó đất bị hao mòn đến cùng; thí dụ rõ rệt là những vùng ở phía nam và phía tây nước Mỹ, các thuộc địa Phi-châu, các đồn điền cà-phê ở nước Bơ-rê-din (Brésil).
Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa số 20 (1956:52,  Nguyễn Việt)
Ba Tây còn được lưu hành ở miền Nam cho đến năm 1975 và trên sách báo của người Việt ở hải ngoại vài năm sau 1975 rồi mất dần vị thế độc tôn. Hiện nay chỉ một ít người lớn tuổi biết Ba Tây là nước nào. Những người trẻ hơn, từ trong nước ra chỉ biết Bra-xin. Số khác đông hơn, già có, trẻ có, lại chỉ thích viết Brazil, phát âm kiểu Mỹ. Không ai bảo ai được.

Tuesday 6 December 2011

Cần sa là gì?

Cần sa vừa là tên cây (ruộng cần sa, trồng cần sa, ) vừa là tên gọi chất ma túy thu được từ cây đó (hút cần sa, mua bán cần sa...).
Cây cần sa còn có tên khác là cây gai dầu, cây lanh mèo, cây lanh mán, cây gai mèo, cây đại ma, cây hỏa ma, cây bồ đà. Tên khoa học (tiếng La Tinh) là Cannabis sativa L. Cần sa là kết quả ghép các âm tiết đầu của hai từ La Tinh. Cần sa theo chân quân Mỹ vào miền Nam trước năm 1975. Từ cần sa được ghi nhận trong từ điển Lê Văn Đức (1970b:186)
Cần sa còn được gọi là tài mà.. Đó chính là âm Quảng Đông của đại ma (大麻). Đại ma là từ ngữ sách vở, xuất hiện trong tiếng Việt đã lâu (Đào Duy Anh, 2005:21). Tài mà chỉ phổ biến ở phía Bắc. Nó là bằng chứng cho thấy một tuyến vận chuyển và một địa bàn tiêu thụ cần sa mới hình thành những năm gần đây.

Thursday 24 November 2011

Mắt hay mắc?

Các từ điển trước đây chỉ có mắt (Paulus Huình Tịnh Của, 1896b:22; Génibrel, 1898:443 Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:307, Thanh Nghị, 1967:885; Lê Văn Đức, 1970b:895), không có mắc với nghĩa là đắt. Viết mắc là sai chính tả. Phải viết mắt mỏ (tương ứng với đắt đỏ), buôn may bán mắt (ứng với buôn may bán đắt), mắt tiền (ứng với đắt tiền)...
Sau năm 1975 từ ngữ miền Nam với dạng sai chính tả là mắc lan tràn ra khắp cả nước. Các từ điển hiện nay chấp nhận cả mắcmắt và chú thích rằng cả hai chỉ là biến thể phương ngữ (Nguyễn Kim Thản, 2005:1028 và 1031; Hoàng Phê, 2006:617 và 619). Trên thực tế không còn ai viết mắt mỏ, mắt tiền, mua rẻ bán mắt...

Thursday 10 November 2011

Cá héc-mô-ni là cá gì?


Những con cá thần tiên, những con cá kiếm, cá chọi, cá mã giáp, cá héc-mô-ni màu sắc rất lạ, ăn giun tơ thuỷ trần buổi sáng đang hứng khởi phùng mang trợn mắt, vè, xùy, chọi nhau, gây xao động, sóng gió ngay trong cái khối nước con con. (Ma Văn Kháng, 2003III:72)
Cá héc-mô-ni của Ma Văn Kháng chính là cá hắc mô-ly do hiện tượng lẫn lộn /l/ và /n/ ở miền Bắc đã trở nên quá phổ biến. Tên tiếng Anh của cá này là black molly, tiếng Pháp là molly noir, rất được giới chơi cá cảnh ưa chuộng. Cá hắc mô-ly còn có các tên tiếng Việt khác là cá hắc mô-ni, cá trân châu, cá bình tích, cá mố lũy, cá mã lệ, cá hắc bố lũy... 

Sunday 28 August 2011

Xi lanh có phải là ống tiêm (ống chích) hay không?

Từ điển chỉ có xi lanh (gốc Pháp là cylindre) rất thông dụng trong lĩnh vực cơ khí với nghĩa là một chi tiết máy hình ống (Thanh Nghị, 1967:1515, Nguyễn Như Ý, 1999:1860, Nguyễn Kim Thản, 2005:1848, Hoàng Phê, 2006:1149): xi lanh liền khối (tiếng Pháp là cylindre monobloc) ,  xi lanh phanh (hay xi lanh thắng, tiếng Pháp là cylindre de frein), mét xi lanh (tiếng Pháp là maître-cylindre)...
Khoảng chục năm gần đây xi lanh được nhiều người, trong số đó có các nhà văn, dùng với nghĩa là ống tiêm (ống chích):
* Mẹ lấy xi lanh đã khử trùng sẵn, chẳng cần đèn đóm, mẹ bảo con giơ đùi ra ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn đường hắt vào. (Lữ Huy Nguyên & Chu Giang, 1998e:92, Y Ban)
* Hành trang của Minh là chiếc ba lô bạc màu của Giang gửi lại, trong đó ngoài mấy bộ quần áo, một bộ sách để ôn thi đại học còn có một hộp thuốc chống say xe, một chiếc xi lanh với một lọ bông cồn. (Chu Thị Phương Lan, 2006:133)
* Anh dốc nó vào xi-lanh với một ít nước đã vô trùng. (Trần Thanh Hà, 2007:111)
Ống tiêm có một từ gốc Pháp đồng nghĩa là xơ ranh (seringue). Từ này bị xung đột đồng nghĩa với ống tiêm ở phía Bắc và ống chích ở phía Nam, không đủ sức cạnh tranh và trên thực tế đã bị loại khỏi các văn bản chính thức.
Phần đông người Việt ngày nay không biết tiếng Pháp, do đó không thể nhìn ra sự liên hệ giữa xơ ranh của tiếng Việt với seringue của tiếng Pháp. Trong khi đó ranhlanh rất dễ phát âm lẫn lộn vì /r/ và /l/ đều là các âm lỏng (như người ta vẫn gọi đinh tán – tiếng Pháp là rivet - là đinh ri vê hay đinh lê huê đều được). . Cái ống tiêm lại trông rất giống một cái xi lanh, gồm một ống hình trụ và một pít tông bên trong. Bởi vậy gọi ống tiêm là xi lanh có vẻ rất hợp lý.

Wednesday 17 August 2011

Ống buy là ống gì?

Ống buy (gốc tiếng Pháp là buse) là từ dùng trong ngành xây dựng ở miền Bắc từ trước năm 1975. Miền Nam gọi là ống cống.