Wednesday, 24 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Cách Mạng Tháng Tám (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 18

 

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM.

Tình hình xã Quần Hiền đang được dần dần cải thiện, thì bỗng nhiên ngày 19 tháng 8 năm 1945, cuộc Cách Mạng tháng Tám bùng nổ. Thế là xã Quần Hiền, vừa mới được thành lập sau ngày Nhật đảo chính  Pháp được nửa năm, thì nay lại trải qua một cuộc đổi mới nữa. Nhà Nuớc Cách mạng đã sáp nhập làng Thượng Hộ cũ và xã Quần Hiền mới, thành một liên xã duy nhất gọi là TAM TỈNH. Tên gọi Tam Tỉnh này, cũng vẩn lại do Cụ Giáo Tứ Hội Kê đề nghị và được mọi người thông qua. Ông Nguyễn Hữu Trọng, con trưởng Cụ Giáo Tứ đã đưọc bầu làm Chủ tịch đầu tiên của xã Tam Tỉnh này. Vùng đất Thượng Hộ, Quần Hiền vốn thuộc huyện Duyên Hà, nhưng là đất ngoại đê (ngoài đê quan) và cách xa huyện lỵ, nên Nhà nước đưa sang nhập vào huyện bên cạnh là huyện Thư Trì để đi lại cho thuận tiện hơn. Như vậy Tam Tỉnh là một xã mới của huyện Thư Trì. Hai chữ Tam Tỉnh thường được hiểu như sau : Tam Tỉnh là một xã ở giữa ranh giới ba tỉnh Namđịnh, Hà Nam ở hữu ngạn, và Thái Bình ở đối diện bên tả ngạn sông Hồng. Đó chỉ là nghĩa thông thường, có tính cách đại chúng. Có người nói rằng ở đây, một con gà gáy, dân cả ba tỉnh đều nghe tiếng. Quả là đúng như vậy. Thực ra, Tam Tỉnh còn có một ý nghĩa nữa cao xa hơn, dựa trên hai chữ Tam Tỉnh trong câu nói của Tăng Tử[1]  - một cao đệ của Khổng Tử - là  : « Ngô nhật tam tỉnh ngô thân : - Vi nhân mưu nhi bất trung hồ - Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ - Truyền bất tập hồ », nghĩa là : « Ta, mỗi ngày xét lại bản thân[2]  về ba điều  sau đây :

1.- Mưu tính giúp cho một người, hay cùng làm một việc với người nào đó, đã thật hết lòng chưa ?

2. Cùng với bạn bè giao du có giữ được chữ TÍN chăng ? Bạn bè có tin tưởng mình không ? Mình có giả dối với bạn bè không ?

3. Những lời Thày truyền dạy có học tập, ôn luyện chăng ?

          Xã Tam Tỉnh thành lập chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp gây ra. Việt Nam là một trong ba nước, cùng với Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Kampuchia) thuộc Đông Dương, cũng còn gọi là Đông Pháp, trước đây là thuộc địa của Pháp. Lúc này, thực dân Pháp lại điên rồ, tìm đủ cách để tái chiếm lại thuộc địa cũ của chúng. Toàn dân Việt Nam đã đứng lên kháng chiến, trẻ già,  trai gái đều theo lời kêu gọi của Cụ Hồ, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cách mạng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mọi người đều quyết tâm thà chết chứ không chịu để mất một tấc đất của tổ tiên và làm nô lệ cho thực dân Pháp một lần nữa.  Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lăng đã dần dần lan rộng ra toàn quốc và kéo dài. Một số dân thành phố Namđịnh đã lục tục chạy sang Thái Bình, đến tản cư tại xã Tam Tỉnh.


[1] Tăng Tử tức Tăng Sâm, con của Tăng Tích. Hai cha con đều là học trò giỏi của Khổng Tử. Tăng Sâm thờ cha mẹ rất có hiếu, lại là người không ham thích danh lợi, nhà rất nghèo, chỉ làm thuê để kiếm ăn, mà dốc lòng học đạo thánh hiền. Ông là người đã học được những điều tâm truyền của Khổng Tử, rồi truyền lại cho cháu nội của Ngài là Tử Tư, người đã đưa ra thuyết TRUNG DUNG mà chúng ta đang tìm hiểu ngày nay.

[2] Mỗi ngày xét lại bản thân là cách tu luyện đem lại kết quả rất tốt, tránh được lỗi lầm, mau chóng sửa đổi, hoàn thiện bản thân. Không những ông tự xét về cách đối xử với bạn bè, giao thiệp với mọi người, mà còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề học vấn.

 

Tuesday, 23 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Bánh đúc Bảo An (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 17

 

BÁNH ĐÚC BẢO AN.

          Trong thời gian này, làng Hội Kê lập ra Hội Bảo An, để phụ giúp việc bảo đảm an ninh trong làng cho Ủy ban mới còn non trẻ của xã Quần Hiền. Theo quy chế, những thanh niên trong làng, từ 18 tuổi trở lên được vào hội với tinh thần thiện nguyện. Lúc đó (năm 1946), tôi chưa đủ tuổi để gia nhập, vì tôi sinh năm 1930, nhưng có lẽ vì vóc dáng tôi lúc đó đã có vẻ là một thanh niên rồi. Vả lại, hội trưởng Hội Bảo An lại là ông Nguyễn Hữu Hưởng (tức ông Chánh Hưởng, trưởng tộc họ NGUYỄN HỮU như đã nói ở phần trên) đã đặc biệt cho tôi được gia nhập hội. Nhiệm vụ của các hội viên Hội Bảo An là hằng đêm phải đi tuần hành ngoài cánh đồng để trông coi giữ gìn hoa màu và an ninh cho dân làng.) Tôi được phân công phụ trách cùng một tổ 3 người, với các ông Nguyễn Hữu Tạo và Nguyễn Hữu Quán. Hằng đêm phải đến trụ sở Hội để nhận chỉ thị đi trông coi vùng nào, từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau thì hết nhiệm vụ ngày hôm đó. Cứ mỗi lần xong nhiệm vụ thì lại trở về qua trụ sở Hội (mượn nhà riêng của ông Tạo)  để được lãnh một miếng bánh đúc to bằng mức một người ăn vừa đủ. Đây chỉ là một thứ bánh đúc chay, nghĩa là chỉ có gạo và nước nấu chín như nấu cháo, đến độ sền sệt thì đổ ra mâm cắt thành miếng. Ngoài gạo và nước ra, chẳng có nhân nhị gì hết. Hồi đó, miếng bánh đúc này có một giá trị đang kể, vì nó có thể cứu sống được một người đói trong lúc đang cần ăn. Riêng tôi, cũng như một số anh em trong Hội, tuy đang là lúc « gạo châu củi quế » hạt gạo quý như vàng, nhưng gia đình cũng vẫn còn đủ sức cầm cự lâu dài, chưa đến nỗi phải rơi vào tình trạng thiếu đói trầm trọng. Thực ra, lúc đầu tôi cũng đã bị hấp dẫn bởi miếng bánh đúc này, mặc dầu nó chẳng phải là Bánh đúc TÔ CHÂU hay QUẢNG ĐÔNG gì cả , nhưng đó là quyền lợi sau mỗi đêm phục vụ của một hội viên, như là một thứ thù lao hay phần thưởng tinh thần !

          Tại sao lại có vấn đề thưởng bánh đúc cho các hội viên của Hội Bảo An như thế ? Vấn đề là như sau : Hồi Việt Nam còn thuộc Pháp, người Pháp đã lập ra Viện Dân biểu Bắc Kỳ, để người Việt Nam làm dân biểu đại diện cho dân VN, cho có vẻ dân chủ. Ở huyện Duyên Hà, Thái Bình, tại làng NẤP gần huyện lỵ, có hai anh em ông Nghị Hoành và Phán Sánh là hai nhân vật TƯ SẢN LỚN trong vùng. Hai ông muốn ứng cử vào Viện Dân biểu Bắc kỳ, và các cử tri đi bầu thời đó phải có đủ điều kiện về văn hóa đủ trình độ từ văn bằng CƠ THỦY (tức là bằng Certificat của Pháp) trở lên mới được ghi danh làm cử tri. Ở Thái Bình, có tổng chẳng có một người nào đủ điều kiện, nhưng ở tổng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà, riêng tộc  NGUYỄN HỮU làng Hội Kê đã có tới 10 người đạt tiêu chuẩn trên, đủ điều kiện để ghi danh làm cử tri[1]. Hai ông HOÀNH và SÁNH, sau khi đánh hơi biết được việc trên đã tự động tìm đến Hội Kê để gặp cha tôi lúc đó đang là Tiên Chỉ của làng, và cũng là Trưởng thượng của tộc họ NGUYỄN HỮU, điều đình để giúp các ông đắc cử vào Viện Dân biểu Bắc kỳ. Kết quả, các ông đã được toại nguyện. Thế là, đến khi có Hội Bảo An Hội Kê, Quần Hiền, hai ông này đã nghĩ đến việc đền ơn đáp nghĩa khi xưa, bằng cách gửi tặng Hội Bảo An Hội Kê 300kg gạo, tức là 3 tạ lương thực. Ba tạ gạo hồi đó, đang lúc lương thực khan hiếm, thiếu hụt là cả một vấn đề to tát. Ông Hội trưởng Hội Bảo An liền quyết định lấy số gạo đó nấu bánh đúc và phân phối theo cách trên để tất cả các hội viên đều được hưởng đồng đều một cách công bằng. Một lần ông Tạo, ông Quán và tôi xong nhiệm vụ về, được lãnh ba phần bánh đúc. Ông Tạo cũng nhận, nhưng sau đó tặng cho ông Quán  và tôi phần của ông, vì nhà ông là nơi sản xuất ra bánh đúc này, hôm đó cũng đã có bánh đúc rồi. Tôi và ông Quán, về nhà ông Quán ăn xong hai phần của mình, còn lại phần của ông Tạo cho, ông Quán lại nhường cho tôi mang về nhà ngoài. Tôi đã mang về biếu lại mẹ tôi để dùng cho vui. Thoạt đầu, bà có vẻ ngạc nhiên, nhưng sau khi hiểu được ý của tôi, bà cũng đã vui vẻ ăn ngay lúc đó.



[1] Lúc đó, xã Quần Hiền vẫn còn thuộc Duyên Hà, chưa thuộc về Thư Trì.

 

Monday, 22 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Thành lập xã Quần Hiền (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 16

 

THÀNH LẬP XÃ QUẦN HIỀN.

          D o tình thế đòi hỏi, năm làng cũ của tổng Thượng Hộ trước đó là Gia Lạc, Hội Kê, Phú Hậu, Duyên Mỹ, Phú Hữu được sáp nhập với nhau thành một đại xã mới là xã Quần Hiền. Riêng làng Thượng Hộ vì là làng lớn nhất trong tổng Thượng Hộ cũ, vẫn là một làng đứng riêng, không dính dáng gì đến xã mới Quần Hiền. Làng Mỹ Cơ vì quá nhỏ và giáp ranh với làng Hội Kê, nên đã được coi như một xóm của làng Hội Kê thuộc xã Quần Hiền. QUẦN HIỀN là tên gọi của một xã mới do Cụ Giáo Tứ Hội Kê đề nghị, với ý nghĩa là nơi tập hợp những người hiền tài (Union des Sages). Xã mới Quần Hiền này do ông Nguyễn Hữu Lộ, con Cụ Bát Hội Kê làm Chủ tịch.

Thời chính phủ Trần Trọng Kim, Quần Hiền là một xã mới nên trong xã có nhiều sự việc mới. Phong trào Thanh niên phát triển đến cao độ, hoạt động rất sôi nổi, khí thế bừng bừng. Lúc này, nước sông Hồng lên cao, ruộng vườn xã Quần Hiền bị nhận chìm trong làn nước lũ. Từ nhà nọ sang nhà kia phải đi bằng thuyền, đò. Chỉ có ruộng vườn bị ngập nước thôi, còn nhà ở thì vẫn sử dụng được. Do dó phong trào thanh niên của xã chưa bị ảnh hưởng nhiều, còn hoạt động bình thường được. Trong làng, một vài nơi hãy còn thói quen rượu chè, cờ bạc, là những thứ mà Đoàn Thanh Niên đang cố công bài trừ, tận diệt. Một hôm, được tin tại nhà ông Đích (hay Phó Đích) đang có bàn sóc đĩa. Ông Đích là một công nhân trong làng, có tay nghề thợ mộc, thường đi làm vắng nhà, nhưng thỉnh thoảng rảnh việc ở nhà, ông lại cho người ta mượn nhà để tổ chức sóc đĩa. Việc cho mượn nhà của ông cũng giúp ông thu được ít nhiều lợi nhuận. Được tin này, đoàn Thanh niên chúng tôi bèn quyết định ra đi để lập thành tích. Hôm đó, ông Quyến (Hội Kê), đoàn trưởng Thanh niên, cùng với ông Hòe (Gia Lạc) và một số thanh niên nữa, trong đó có tôi, đã cùng nhau tập hợp được một số đò nan nhỏ, thẳng tiến chèo đến bao vây nhà ông Đích. Trong nhà ông, những dân « kỳ bẻo » đang say sưa sát phạt lẫn nhau. Bỗng nhiên có tiếng gọi to trong loa (bằng sắt tây) vang lên : « Những con bạc phải ngồi nguyên tại chỗ, để đoàn thanh niên vào làm việc ». Trong số các con bạc này, có một vài tay cũng thuộc hàng vai vế ở mấy làng bên (Duyên Mỹ, Phú Hữu), xưa nay cũng bướng bỉnh và ít khi chịu nhường ai bao giờ. Thế mà lần này,  khi nghe tiếng loa gọi của thanh niên, cũng đã phải hoảng sợ, chạy ra đò rút êm. Bọn thanh niên chúng tôi hăng say chèo đò đuổi theo, rút cục mấy tay này phải nhảy xuống nước rồi tìm cách chuồn thẳng. Chúng tôi coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, rồi giải tán ai về nhà nấy.

          Một việc nữa mà nhóm Thanh niên Quần Hiền đã làm trong thời đó là thành lập được Hội Khuyến Nhạc Quần Hiền. Thoạt đầu, Hội Khuyến Nhạc chỉ là mấy anh em trong nhóm thanh niên chúng tôi ở làng thích âm nhạc, và thường đến chơi nhà nhau để hòa nhạc với tính cách gia đình. Sau, nhân vì muốn phát huy và truyền bá âm nhạc ra ngoài quần chúng, và nhân có anh Liễn là một trong số anh em thường đi lại với nhau, lúc trước có ở Hànội, quen biết nhiều với nhạc sĩ Nguyễn văn Giệp, Hội truởng Hội Khuyến Nhạc Hànội. Anh Liễn lúc này cũng về làng, ở nhà và tương đối rảnh rỗi. Chúng tôi rủ anh đứng ra thành lập Hội và bầu anh là Hội trưởng. Anh Liễn là người có khả năng về lý thuyết âm nhạc tương đối vững vàng, diễn giảng lưu loát, mạch lạc, nhưng lại không sử dụng được một loại nhạc khí nào. Chuyện về Hội Khuyến Nhạc trong ban nhạc Quần Hiền sẽ còn được nói tiếp ở phần sau.