Sunday, 28 August 2011

Xi lanh có phải là ống tiêm (ống chích) hay không?

Từ điển chỉ có xi lanh (gốc Pháp là cylindre) rất thông dụng trong lĩnh vực cơ khí với nghĩa là một chi tiết máy hình ống (Thanh Nghị, 1967:1515, Nguyễn Như Ý, 1999:1860, Nguyễn Kim Thản, 2005:1848, Hoàng Phê, 2006:1149): xi lanh liền khối (tiếng Pháp là cylindre monobloc) ,  xi lanh phanh (hay xi lanh thắng, tiếng Pháp là cylindre de frein), mét xi lanh (tiếng Pháp là maître-cylindre)...
Khoảng chục năm gần đây xi lanh được nhiều người, trong số đó có các nhà văn, dùng với nghĩa là ống tiêm (ống chích):
* Mẹ lấy xi lanh đã khử trùng sẵn, chẳng cần đèn đóm, mẹ bảo con giơ đùi ra ánh sáng nhờ nhờ của ngọn đèn đường hắt vào. (Lữ Huy Nguyên & Chu Giang, 1998e:92, Y Ban)
* Hành trang của Minh là chiếc ba lô bạc màu của Giang gửi lại, trong đó ngoài mấy bộ quần áo, một bộ sách để ôn thi đại học còn có một hộp thuốc chống say xe, một chiếc xi lanh với một lọ bông cồn. (Chu Thị Phương Lan, 2006:133)
* Anh dốc nó vào xi-lanh với một ít nước đã vô trùng. (Trần Thanh Hà, 2007:111)
Ống tiêm có một từ gốc Pháp đồng nghĩa là xơ ranh (seringue). Từ này bị xung đột đồng nghĩa với ống tiêm ở phía Bắc và ống chích ở phía Nam, không đủ sức cạnh tranh và trên thực tế đã bị loại khỏi các văn bản chính thức.
Phần đông người Việt ngày nay không biết tiếng Pháp, do đó không thể nhìn ra sự liên hệ giữa xơ ranh của tiếng Việt với seringue của tiếng Pháp. Trong khi đó ranhlanh rất dễ phát âm lẫn lộn vì /r/ và /l/ đều là các âm lỏng (như người ta vẫn gọi đinh tán – tiếng Pháp là rivet - là đinh ri vê hay đinh lê huê đều được). . Cái ống tiêm lại trông rất giống một cái xi lanh, gồm một ống hình trụ và một pít tông bên trong. Bởi vậy gọi ống tiêm là xi lanh có vẻ rất hợp lý.

Saturday, 27 August 2011

Lên cốt là làm gì?

Cốt (tiếng Pháp là cote) là chỉ số kích thước của xi lanh.
Xe chạy một thời gian thì ma sát giữa bạc xéc măng, pít tông với xi lanh làm cho các bộ phận này bị mài mòn, tạo ra khoảng hở. Hậu quả là sức nén của động cơ bị yếu, nhớt trào lên buồng đốt nên phải thay bạc xéc măng. Có khi phải thay cả xi lanh, bạc, pít tông, rất tốn kém.
Để cho đỡ tốn kém, khi xi lanh bị hở, người ta đưa ra tiệm cho thợ doa xoáy nòng (gọi là lên cốt, tiếng Pháp là majorer les cotes) và thay bạc, pít tông mà không cần thay xi lanh mới.  Chưa lên cốt lần nào là cốt tăng đa (tiếng Pháp là cote standard) . Xoáy xi lanh lần đầu là cốt 1. Lên đến cốt 4 là hết cốt, phải thay xi lanh mới.

Friday, 26 August 2011

Hoa cốt mốt là hoa gì?

Từ điển Nguyễn Như Ý (1999:462) giải thích cốt mốt là cúc chuồn chuồnTừ điển của Hoàng Đình Cầu (1976:182), Lê Khả Kế (1978:56) chỉ có cúc chuồn chuồn.
Cốt mốt hay cúc chuồn chuồn, hoa bướm, cúc ngũ sắc, sao nhái, sao nháy, soi nhái cũng đều là một. Từ cốt mốt có tính quốc tế: tiếng Anh và tiếng Pháp là cosmos, tiếng Nga là космос. Tên khoa học bằng tiếng La Tinh là Cosmos sulphureus. Gốc của tất cả các từ này là κόσμος của tiếng Hy Lạp; từ này có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là trang hoàng. Quy nguyên cốt mốt về tiếng Pháp hay tiếng La Tinh, tiếng Nga đều hợp lý.
Cây cốt mốt xuất phát từ Mê-hi-cô, là một loại thân thảo mọc thành bụi, cao từ 60 đến 80cm. Nhìn từ xa vườn hoa cốt mốt trông giống như một bầu trời sao lấp lánh. Đây có thể là nguồn gốc của tên gọi sao nháy.
Tên gọi tương đương bên tiếng Pháp là cosmos sulfureux étincelant (étincelant nghĩa là sáng chói). Cốt mốt thuộc bộ cúc (tiếng La Tinh là asterales, tiếng Pháp là ordre des astérales; gốc La Tinh astrum nghĩa là ngôi sao).
Không biết đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không nhưng các tên gọi sao nháisoi nhái rất có thể là do sao nháy biến thành.

Thursday, 25 August 2011

Tại sao xập xí xập ngầu có nghĩa là nhập nhằng, gian lận?

Theo An Chi, xập xí là âm Triều Châu của   (tiếng Trung Quốc); cụm từ này có âm Hán Việt là thập tứ, nghĩa là 14, còn xập ngầu  (âm Hán Việt là thập ngũ) nghĩa là 15Mười bốn cũng như mười lăm, chính là chơi trò gian lận, nhập nhằng. Tuy nhiên nhiều tác giả (Hoàng Văn Hành, chủ biên (Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ, Nxb KHXH, Hà Nội, 1994); Nguyễn Lân (Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1989 & Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb TP.HCM, 2000); Nguyễn Như ý, chủ biên (Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1999) cho rằng xập xí xập ngầu là âm Quảng Đông.

Wednesday, 24 August 2011

Tại sao độ cao (so với mặt chuẩn) được gọi là cốt?

Trên mặt đường, đường xá (sic) có thể nhấp nhô nhưng nền của cái thành phố ngầm này buộc phải đặt theo “cốt” chuẩn, để nước thải khi vơi, khi đầy đều chảy theo hướng xác định chứa đầy các hồ Thiền Quang, Bảy Mẫu… rồi đổ ra sông Lừ, sông Sét, Tô Lịch… (Lê Văn Ba, 2009:60)
Cốt là từ gốc Pháp (cote). Các từ điển Nguyễn Kim Thản (2005:388) và Hoàng Phê (2006:213) ghi chú là từ cũ và cho từ tương đương là cao trình.
Thật ra thì từ cốt này nằm trong số những từ ngoại lai bị các nhà từ điển học tìm cách thanh toán không thương xót để giữ cho tiếng Việt được trong sáng. Nhưng rốt cục nó vẫn không chết. Dân trong nghề xây dựng  tiếp tục dùng nó suốt mấy chục năm qua. Rồi do gần đây nhà cửa đất cát trở thành chuyện thời sự, từ cốt dần dần phủ kín các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng ít người biết nó từ đâu chui ra.

Tuesday, 23 August 2011

Quần côn là quần gì?

Quần [ống] côn là kiểu quần thắt ống từ mông xuống mắt cá chân. Quần côn được nhiều phụ nữ ưa thích vì nó dễ tạo ấn tượng chân dài miên man.
Quần côn được dịch từ cone pants tiếng Anh. Tiếng Pháp có pantalon cône, nhưng không chắc là người Việt có tham khảo tiếng Pháp khi tạo ra từ quần côn.
Côn là từ gốc Pháp (cône), nghĩa là hình nón. Từ này vào tiếng Việt đã lâu, rất thông dụng trong lĩnh vực cơ khí: côn di động (cône mobile), côn định tâm (cône de centrage), côn giảm tốc (cône de réduction), côn kép (cône double), côn lăn (cône de roulement), côn ngoài (cône extérieur), côn siết (cône de serrage), côn thẳng (cône droit), côn trong (cône intérieur), côn vòng (cône circulaire), bạc côn (douille conique),  dao doa côn (alésoir conique), dây côn (cône d’embrayage),  ren côn (filet conique), vòng côn (bague conique)...

Monday, 22 August 2011

Súng dóp là súng gì?

Bộ đội đã đến kia!
A lúi! Những người là người
Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp

(Bộ đội Ông Cụ - Nông Quốc Chấn)
Súng dóp / súng gióp / súng giáp là tên gọi một số kiểu súng mút-cơ-tông (tiếng Pháp là mousqueton) do Pháp sản xuất. Dóp ba là súng mút-cơ-tông Berthier Mle 1892 8x50mm, xài ổ đạn ba viên. Dóp năm là mút-cơ-tông Berthier Mle 1892 M16 8x50mm, xài ổ đạn năm viên; kiểu súng này được tướng Joffre ra lệnh chế tạo để trang bị cho quân đội Pháp (năm 1916). Người Việt sang Tây tòng chinh trong đệ nhất thế chiến gọi viên tướng này là ông Dóp. Kiểu súng mới vì vậy được gọi là súng dóp. Súng này về sau được trang bị cho quân đội Pháp ở Đông Dương và được người Việt tiếp tục sử dụng một thời gian dài trong kháng chiến chống Pháp.