Sunday, 15 January 2012

Su hào có phải là bắp cải không?


Su hào xưa có tên là củ cải Xiêm (Bon & Dronet, 1889:44)
Nguồn gốc tự nhiên của su hào là cải bắp dại, được đem trồng lấy phần thân mập (mà ta hay gọi là củ) làm rau ăn. Tiếng Pháp gọi thứ rau này là chou-rave (trong từ ghép này có chou, nghĩa là bắp cải), Người Việt nghe thành su hào:
Cải xoong, cải bắp, su hào,
Trong ba cây ấy cây nào anh ưa?
Em hỏi thì anh xin thưa:
Su hào xuất khẩu anh ưa suốt đời. (Ma Văn Kháng, 2009:104)
su hào là từ mượn âm, nhiều người viết không phân biệt su hào / xu hào, thậm chí trên cùng một trang:
* Miếng su hào này chưa được vuông vắn… ừ mà phải cắt mỏng ít nữa. (Nhất Linh, 1935:155)
* Cắt nốt chỗ xu hào này phải tỉa cho hết bát củ cải kia. (Nhất Linh, 1935:155)
Về sau các từ điển chỉ chấp nhận một dạng là su hào (Lê Văn Đức, 1970b:1312; Lê Khả Kế, 1981:54; Nguyễn Như Ý, 1999:1464), nhưng trên thực tế hiện nay vẫn có người viết xu hào:
* Vườn tược gì bé bằng cái bằng cái chiều dọc mà dui vào đến trăm thứ: xu hào, cải cúc, rau thơm, ớt, sả… lại còn hoa hoét nữa chứ. (Nguyễn Kiên, 2004:434)

Saturday, 14 January 2012

Nghệ sĩ mắc chứng gì mà phiêu linh?


Từ điển của Đào Duy Anh (2005:611) cắt nghĩa phiêu linh (chữ Hán là 飄零 ) là lá cây bị gió lay rụng. Nghĩa bóng là thân thế không may, bị nhiều nỗi vất vả. Xem ra cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều không thể áp dụng cho các nghệ sĩ hiện nay mỗi khi họ phiêu linh.
Khi VNEXPRESS đưa tin Tùng Dương - Hà Trần phiêu linh trên đất Mỹ, ta thấy hoạt động của họ gồm cả vui chơi đây đó, chụp ảnh làm dáng..., như đang phiêu lưu hay phiêu du ở một miền đất lạ. Cũng tờ báo ấy khi đưa tin ca sĩ phiêu linh trong đêm tưởng nhớ Bảo Phúc lại chụp toàn ảnh ca sĩ hát như xuất thần.
Phiêu linh trên sân khấu lại là cảm xúc (nghe na ná tiếng Anh là feeling). Có một công ty kinh doanh các mặt hàng âm thanh lấy tên tiếng Việt là Phiêu Linh và tiếng Anh là Feeling Audio. Có vẻ như phần đông giới nghệ sĩ dùng từ phiêu linh với nghĩa là cảm xúc, nhưng họ kiêng dùng tiếng Việt mà thích dùng tiếng Anh, sang trọng hơn, chuyên nghiệp hơn.
Lê Kiều Như, ca sĩ – người mẫu – diễn viên kiêm tác giả Sợi Xích, tuyên bố: Đã hôn là phải phiêu linh Đọc kỹ bài phỏng vấn thì thấy rõ ý cô ấy muốn nói Đã hôn là phải thích, phải sướng... nhưng nói thế rất tục. Còn nói là phải có cảm xúc thì xoàng quá, bởi ai cũng có thể có cảm xúc.Chỉ nghệ sĩ mới có phiêu linh thôi. Và phiêu linh không chỉ là cảm xúc. Cho nên người thường có thể đi chơi trên đất Mỹ nhưng Tùng Dương – Hà Trần thì phiêu linh ở chốn ấy. Người thường chỉ có thể có những bức ảnh đẹp hớp hồn hay mê hồn gì đó trong khi Lương Bích Như đằm thắm đầy phiêu linh.

Thursday, 12 January 2012

Năm Thìn, sao không là năm Long? - An Chi (Năng Lượng Mới, Xuân Nhâm Thìn, 2012)

Trong ngôn ngữ, có hiện tượng một vật, một khái niệm có nhiều tên, ngay trong một thời đoạn, hoặc qua những thời kỳ khác nhau. Trong tiếng Việt hiện đại, con chó còn là cày tơ, cẩu, cờ Tây, cún (chó con), hươu thềm, khuyển; điện thoại di động còn là dế, có người còn xài tiếng Anh mà gọi là mô-bai; ếch còn là gà đồng, ai biết chữ Nho thì còn gọi là điền kê; rờ-mốt có người gọi đơn giản là cái đồ bấm và nghe nói bên Hoa Kỳ một số người gốc Việt còn gọi là cái cồn-trô; ti-vi, truyền hình và màn ảnh nhỏ cùng là một thứ; v.v..
Trên đây là lý do chung. Còn sở dĩ ta không gọi năm con Rồng là năm Long mà gọi là năm Thìn là vì ta đặt cách gọi này vào phạm vi của thập nhị địa chi: Tí, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Vị (Mùi), Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Trong phạm vi này, ta cũng không gọi năm con Trâu là năm Ngưu  mà gọi là năm Sửu ; không gọi năm con Cọp là năm Hổ  mà gọi là năm Dần ; không gọi năm con Rắn là năm Xà  mà gọi là năm Tị , không gọi năm con Ngựa là năm Mã  mà gọi là năm Ngọ , v.v.. Nhưng điều thú vị là chính những tên chi này, từ Tí cho đến Hợi cũng vốn là những cái tên rất xưa – dĩ nhiên là trong tiếng Hán – của từng con vật cầm tinh tương ứng, như chúng tôi đã chứng minh ở  một vài chỗ khác
Vậy thì tuy ta không gọi năm con Rồng là năm Long, mà gọi là năm Thìn nhưng Thìn cũng vốn có nghĩa là Rồng.
Sở dĩ “thìn” liên quan đến “rồng”, theo chúng tôi, là do mối quan hệ kép sau đây:
1. Thìn chính là một giống rồng:
2. Thìn còn là sấm mà con rồng thì lại chính là thần Sấm.
Trước khi đi vào hai điểm cụ thể trên đây, chúng tôi phải nói rõ rằng rồng ở đây thực chất và nguyên mẫu là cá sấu,  như có thể thấy trong bài “Con rồng chẳng qua là con cá sấu «lên đời»” của Huệ Thiên, đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 340 (Xuân Canh Thìn, năm 2000).
Bây giờ xin đi vào điểm thứ nhất. Trong Giáp cốt văn tự nghiên cứu, Quách Mạt Nhược đã thừa nhận rằng chữ thìn  và chữ thận  vốn là một chữ nhưng ông lại giảng rằng đây là một thứ nông cụ. Chúng tôi không tin ở cách giải thích của nhà bác học họ Quách mà chỉ tin ở lời giảng truyền thống cho rằng thận  là con thuồng luồng (Xin x. Khang Hy tự điểnTừ nguyênTừ hải, v.v.). Nghĩa này của chữ thận  cũng là nghĩa đã mất của chữ thìn  (chữ này hiện nay chủ yếu dùng để ghi và gọi tên của chi thứ năm trong mười hai địa chi). Vậy thìn là thuồng luồng mà thuồng luồng là một giống cá sấu. Thật vậy, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh đã viết: “Người mình gọi con crocodile (một loài cá sấu nhỏ – AC) là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao long. Về sau trong các sông ở Bắc nước ta, giống crocodile thành hiếm, thỉnh thoảng thấy một con, người ta cũng gọi là thuồng luồng, nhưng người thường không biết hình dạng nó thế nào nên tưởng tượng nó là một giống thủy quái hình dạng như rắn” (Sđd, tr.26). Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967) cũng giảng thuồng luồng là “cá sấu” (nghĩa 2), bên cạnh nghĩa 1 là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”. Còn trong tiếng Tày-Nùng thì luồng chính là rồng –  mà theo chúng tôi thì tiếng Việt và tiếng Tày-Nùng có một mối quan hệ tế nhị về ngữ tộc.
Tóm lại, thìn  và thận  chỉ là những biến thể ngữ âm và biến thể tự dạng của nhau và ta có đẳng thức kép:
–  thuồng luồng = cá sấu = rồng.
Nhưng có thật rồng và cá sấu có liên quan với nhau về nguồn gốc hay không? Sau đây là bằng chứng mà ta có thể dựa vào để khẳng định rằng đó hầu như đã là một sự thật hiển nhiên. Trong hai năm 1987-88, tại Tây Thuỷ Pha 西水坡, thành phố Bộc Dương 濮陽, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), người ta đã khai quật 186 ngôi mộ thuộc nền văn hoá Ngưỡng Thiều, cách đây trên dưới 6.000 năm. Tại mộ M45, người ta đã tìm thấy hài cốt của một người lớn, mỗi bên có một tượng động vật đắp bằng vỏ sò; bên trái là tượng một con hổ, bên phải là tượng một con rồng. Chung quanh còn có hài cốt của 3 cá thể người nhỏ tuổi . Một số tác giả khẳng định rằng đây là tượng Thương Long và Bạch hổ. Nhiều tác giả còn nâng cấp con rồng này lên thành “Trung Hoa Đệ Nhất Long” 中华第一龙. Vậy đây là một con rồng như thế nào? Thưa đó chẳng qua là một con cá sấu không hơn không kém . Cứ nhìn vào toàn thân con vật bọc vỏ sò, nhất là cái mỏm chiếm đến 2/3 chiều dài của cái đầu rồi so sánh với mõm cá sấu bây giờ  thì sẽ thấy ngay.
Cũng cần phải phân biệt rõ ràng khái niệm “rồng” đang bàn ở đây với khủng long hoá thạch, mà một số nhà báo và phương tiện thông tin cũng gọi là “rồng” một cách vô trách nhiệm hoặc vô ý thức, chẳng hạn mẩu tin sau đây trên Dân Trí ngày 3-7-2007 do TV viết theo Asia News, nhan đề “Trung Quốc: phát hiện hóa thạch của rồng” với lời dẫn:
“Ai bảo rồng là loài vật hư cấu chỉ tồn tại trong truyền thuyết? Từ năm 1996, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy bộ xương hóa thạch nguyên vẹn của một con rồng với hai sừng nhọn, lỗ mũi to và hếch y hệt mô tả trong truyện cổ dân gian.”
và lời kết:
“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tìm thấy rồng hóa thạch có bộ sừng. Phát hiện này là chứng cớ khoa học quan trọng giúp giới khảo cổ lần tìm nguồn gốc loài rồng –  một loài vật tưởng chừng chỉ có trong những tác phẩm hư cấu.”
Đây là một sự nhầm lẫn thô thiển – hay một sự đánh lộn sòng trắng trợn theo kiểu bành trướng văn hoá của bọn Tàu? – chẳng khác nào gọi thạch sùng là “cọp” vì nó còn có tên là bích hổ 壁虎. Con rồng truyền thuyết của Tàu (và mấy nước Đông Á khác) có già lắm cũng chỉ trên 10.000 năm tuổi chứ con “rồng” của Dân Trí là một loài khủng long sống ở kỷ Tam điệp (Trias) xa lắc xa lơ, cách đây những trên 200 triệu năm. “Long” (= rồng) và “khủng long” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy nên xin khẳng định lại rằng con rồng truyền thuyết của Tàu chỉ gắn với con cá sấu "Trung Hoa Đệ Nhất Long" mà thôi. Chỉ về sau thì các tư tưởng gia của vua chúa mới cho nó vào mỹ viện của ý thức hệ phong kiến mà giải phẫu thẩm mỹ cho nó thành con rồng như hiện nay. Cho nên nếu có cái gì đó của con rồng mà giống với cái gì đó của khủng long thì đây cũng chỉ là chuyện ngẫu nhiên thuần tuý mà thôi.
       Vậy, sở dĩ năm Thìn là năm con rồng là vì Thìn có nghĩa gốc (đã mất) là rồng. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai là vì chữ thìn còn có một nghĩa cổ nữa (cũng đã mất) là sấm mà con rồng thì lại chính là thần Sấm. Về nghĩa này, Thuyết văn giải tự của Hứa Thận đã giảng như sau:
“Thìn 辰 là sấm vậy. Tháng ba, khí dương chuyển động, sấm vang sét giật, là lúc dân cày cấy vậy, muôn vật đều sinh sôi”.
Đó là nói về chữ thìn 辰 với nghĩa là sấm. Còn về chuyện con rồng là thần Sấm thì Vương Lập Thuyên đã bàn rất kỹ trong một thiên nghiên cứu nhan đề “Long thần chi mê” (Bí ẩn của thần Rồng) đăng trênTrung Quốc văn hóa 中国文化 số 5, tháng 12-1991 (tr.89-104). Sau đây xin trích nêu một số dẫn chứng.
Sơn hải kinh, chương “Hải nội Đông Kinh” chép: “Trong đầm Sấm có thần Sấm, mình rồng mà đầu người, vỗ bụng (thành tiếng sấm)”. Cùng một sự việc, Sử ký, “Ngũ đế bản kỷ”, chép hơi khác: “Đầm Sấm có thần Sấm, đầu rồng mép người, vỗ bụng mình thì thành tiếng sấm”. Khác nhau về chi tiết nhưng thống nhất ở một điểm: thần Sấm hình rồng. “Thuyết quái truyện” (Kinh Dịch) giải thích: “Chấn là sấm, là rồng”. Sở dĩ có lời giảng như thế là vì rồng chính là thần Sấm. Người xưa vẽ hình để chỉ rõ rồng là thần Sấm bằng hai cách. Một là vẽ rồng há to mõm mà gào rống (là cách rất thường thấy). Hai là vẽ hình mình rồng phát ra lửa. Nước Trạch đời Chu dùng phù tiết khắc hình rồng, thân mình phát ra lửa, biểu minh rồng là thần Sấm ở trong đầm. Rồng ở đây chẳng qua chỉ là cá sấu mà thôi.
Trên đây là một số trong những chứng lý mà Vương Lập Thuyên đã nêu ra còn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alin Gheerbrant (bản dịch do Nxb Đà Nẵng ấn hành năm 1997) thì đã viết tại mục “Rồng” như sau:
“... Rồng lại được gắn liền nhiều nhất với việc sinh ra mưa và sấm...”, “Sấm không thể tách rời khỏi mưa, mối liên hệ của nó với rồng gắn với khái niệm về bản thể tích cực, sáng tạo; Hoàng Đế là rồng, cũng là thần Sấm...” Sấm ra, tức là Dương lên, là triều dâng của sự sống, của cây cối, của sự đổi mới theo chu kỳ, được biểu thị bằng sự xuất hiện của rồng (...)” (tr.781).
Vậy, rõ ràng là trong tâm thức xa xưa của người Trung Hoa thì hiện tượng sấm có liên quan đến hoạt động của con rồng. Tóm lại, từ tất cả những điều đã phân tích trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng sở dĩ chi Thìn ứng với con rồng là vì thìn chính là rồng và vì thìn còn có nghĩa là sấm mà con rồng thì lại được tín ngưỡng dân gian Trung Hoa xem là thần Sấm.
Người Trung Hoa xưa đã đặt ra nhiều dị thể của chữ long; những chữ này đã phản ánh một cách sinh động ngoại hình và đặc tính của con cá sấu – vì như đã nói, long vốn là cá sấu – mà cái tự dạng đã đánh bạt các dạng khác để lưu hành trên hai ngàn năm nay chính là chữ , vẫn còn lưu hành tại Đài Loan, Singapore và nhiều cộng đồng người Hoa ở các nước khác, còn tại Đại lục thì nó đã chính thức bị thay thế bằng chữ giản thể năm nét là .

Tuesday, 10 January 2012

Tả pín lù, tạp pín lù _ An Chi (RCMCN, Người Đô Thị số 74 (10-6-2010)).

“ Những cái còn thừa sau bữa ăn ở các trại lính, người ta vun lại, quét lại, tống vào thùng, vào bao tải. Rồi quảy, rồi cho lên xe bò, kéo ra (...) Những đĩa sào đã được trút vào cái xô nhôm thành nồi sào tạp bí lù bạc nhạc, xương sườn xương sụn thịt nhả bã với cà chua, lổn nhổn hành tây, cần tây, lá xà lách. Nước súp cũng được dồn vào nồi ba mươi, thùng gỗ, thùng nứa ghép vẫn để gánh nước. Chẳng đun lại, đổ thêm hàng phạng nước máy, mà nồi canh vẫn sao mỡ vàng khè...”.
(Tô Hoài, Chuyện cũ Hà Nội,
Hà Nội, 1986, tr. 192-193).
Sau khi trích dẫn Tô Hoài như trên, tác giả Nguyễn Dư nhận xét:
Tạp pín lù  (...) là món ăn cầu kì, đắt tiền. Thức ăn toàn là đồ tươi chứ không phải đồ ăn còn thừa như lâm vố. Tô Hoài nhầm cái váy thời trang được cắt may, lắp ghép bằng nhiều miếng vải với cái váy đụp, đầy mụn vá của mấy bà nhà quê.”
Thực ra, không chỉ có Tô Hoài mới biến cái váy thời trang thành váy đụp, mà chính Vũ Bằng cũng đã đánh đồng món tả pín lù với xào bần và lâm vố, ngay trong cái đoạn mà chính Nguyễn Dư đã trích dẫn để mở đầu cho bài “Cao lầu, hẩu lốn, loạn... sà bần” của mình. Xin nhắc lại câu của Vũ Bằng:“ Thực là kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có ‘tả pín lù’, Tây có ‘lâm vố’, mà ở đây thì có ‘sà bần’ ; ba thứ này, cũng như hẩu lốn, đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên.” Đấy, Vũ Bằng không xếp cùng loại hai thứ váy đó sao? Có điều cần nói rõ là ở đây, Vũ Bằng chỉ bất cẩn trong việc sử dụng từ ngữ mà thôi, chứ cái món tả pín lù thì ông lại quá sành. Ông viết:
“Thưởng thức “tả pín lù”, công phu lắm. Muốn cho thực đủ vị, phải có cá, tôm, mực, gà, lợn, bào ngư, hầu sì, bong bóng... mỗi thứ gắp một miếng nhúng vào trong nước dùng, rồi gia thêm cải bẹ xanh, cải soong, hành hoa để cả cuộng, rưới nước dùng vào bát mà ăn, chính lúc các món ăn đương nóng.”
Cứ như trên thì tả pín lù [H.1 (của Tàu) và H.2 (của ta)] với lâm vố hoặc xào bần khác nhau một trời một vực. Với nhiều người Việt thì tả pín lù đã được phát âm thành tả pí lùtạp pí lù hoặc tạp pín lù, v. v.. Đây là một món ăn vốn gốc từ thảo nguyên Mông Cổ, được đưa vào Trung Quốc rồi từ Trung Quốc, sau này người Quảng Đông mới đem sang nước ta. Tả pín lù là âm Quảng Đông của ba chữ 打邊爐, mà âm Hán Việt là đả biên lô. Một đặc điểm về văn tự của người Quảng Đông là họ đã làm cho một số chữ Hán mất gia phả nên phải tạo ra một số tục tự Quảng Đông để thay thế cho những chữ đó. Ở đây, 邊 là một tục tự thay thế cho cái chữ bị mất gia phả là 甂 nên nếu được phục nguyên thì tả pín lù sẽ là .Pín 甂 là một loại nồi còn  爐 là lò. Pín lù  爐 là một thứ lò trên đó có đặt một loại nồi để ăn nóng tại chỗ một loại thức ăn có nước. Vậy pín lù   chẳng qua là cái lẩu, mà vài chục năm trước đây, trong Nam còn gọi là cái cù laoLẩu bắt nguồn từ âm Triều Châu của chữ  爐 chứ không phải âm Quảng Đông lô-ù, như đã cho trong Tầm-nguyên tự-điển Việt-nam của Lê Ngọc Trụ (Nxb TPHCM, 1993).
Trên đây dĩ nhiên chỉ là so sánh về văn tự và ngữ âm chứ bản thân món ăn thì lại là một chuyện khác. Nếu chẳng phải là quý tộc thì tả pín lù cũng là một món ăn sang. Sở dĩ nhiều người xếp nó ngang hàng với lâm vố, xào bần thì một là vì chưa làm quen với món này; hai là đã thế mà lại còn suy diễn từ cái tên đã bị làm cho  ... méo mó. Chẳng là, như đã nói ở trên, âm tiết đầu của tả pín lù nhiều khi bị nói trại thành tạp (Nguyễn Dư: tạp pín lù, Tô Hoài: tạp bí lù) nên chính cái chữ tạp này đã làm cho nhiều người loại suy từ các cấu trúc có hình vị tạp như: tạp âmtạp chấttạp hoátạp nhamăn tạplai tạp, v. v.., mà làm cho giá trị của món ăn này bị hạ thấp. Còn sở dĩ, với nhiều người, tả lại có thể trở thànhtạp là vì hai nguyên nhân song hành. Một là về ngữ âm thì phụ âm cuối zero (tức hiện tượng không có phụ âm cuối) của tả đã bị phụ âm đầu p- của pín đồng hoá (nên khuôn vần -a mới trở thành -ap); rồi hai là sự đồng hoá này ngay lập tức lại bị áp lực của hình vị tạp trong các thí dụ đã nêu nên cuối cùng thì tả đã biến thành tạp.

Monday, 9 January 2012

Tàu ro-ro là tàu gì?

Trong mấy năm gần đây Liên Xô đã đưa vào vận chuyển trên các tuyến đường biển từ cảng biển Hắc Hải, Viễn Đông đến các cảng biển Việt Nam nhiều loại tàu hiện đại như tàu ro-ro, tàu lát, tàu chở công-te-nơ v.v. (Nhiều Tác Giả, 1988:25, Bùi Danh Lưu)
Ro-ro hay RORO là dạng tắt của Roll-on/Roll-off là một thuật ngữ trong ngành vận tải ngoại thương dùng cho các loại hàng tự vận hành lên tàu được (xe hơi, xe tải ...), khác với phương thức thông thường là lo-lo hay LOLO (tức lift-on/lift off) đối với hàng công-ten-nơ hay hàng xá (phải sử dụng cần cẩu để đưa lên). Các mặt hàng siêu trường, siêu trọng (out-of-gauge/super heavy) không vào công-ten-nơ được  thì buộc phải sử dụng phương thức ro-ro, sau đó sẽ có những phương án cố định đặc biệt để tránh cho hàng không dịch chuyển (shifting) trong suốt quá trình vận chuyển.

Sunday, 8 January 2012

Cứu cánh là cái gì? Nó cứu ai?


Câu tiếng Pháp La fin justifie les moyens thường được dịch ra tiếng Việt là Cứu cánh biện minh cho phương tiện, cũng có khi được dịch là Mục đích biện minh cho phương tiện, có khi lại được dịch là Mục đích cuối cùng biện minh cho phương tiện hay Kết quả biện minh cho phương tiện.
Hán Việt từ điển giản yếu định nghĩa cứu cánh (chữ Hán là  ) là cuối cùng, kết quả và cho  ví dụ cứu cánh mục đíchcái mục đích cuối cùng (Đào Duy Anh, 2005:142). Như vậy dịch finmục đích hay mục đích cuối cùng hay cứu cánh đều được. Chỉ có điều là ai cũng hiểu ngay mục đíchmục đích cuối cùng (ít phổ biến hơn), nhưng lại hiểu cứu cánh không giống nhau. Người thì bảo nó phải cùng nghĩa với mục đích (vì cứu cánhmục đích từ cùng một câu tiếng Tây mà ra). Người lại bảo cứu cánh phải là cái gì đó cứu được mình mặc dù chẳng ai hiểu được cái phương tiện cứu mình biện minh cho phương tiện nào.
Tháng 3/1998, nhóm nghiên cứu của ông Bùi Khánh Thế (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh) điều tra trên 285 sinh viên năm thứ hai của khoa Ngữ Văn Anh (Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh) và 167 học sinh lớp 10 trường phổ thông trung học Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả thu được, theo báo cáo của Nguyễn Hoài Thu Ba và Trần Thị Kim Anh (2001:172) cho thấy:
-Đa số chọn câu trả lời sai (45,5% sinh viên và 88% học sinh) hoặc không trả lời (25,2% sinh viên và 0,8% học sinh).
-Rất ít người chọn câu trả lời đúng (29,3% sinh viên và 11,3% học sinh).Kết quả thu được với các từ ngữ Hán Việt khác trong cùng đợt khảo sát khiến ta có quyền nghi ngờ rằng câu trả lời đúng rất có thể chỉ là một kết quả may rủi. Số người thật sự hiểu nghĩa của cứu cánh có lẽ còn thấp hơn rất nhiều.

Friday, 6 January 2012

Nõ (nõn) nường _ An Chi (KTNN 224, ngày 10-10-1996)

ĐỘC GIẢ: Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên có mục từ: “nỏ.p. (ph). Chẳng. Nỏ được. Nỏ biết”. Chữ “nỏ” ở đây mà đánh dấu hỏi như quyển từ điển này đã làm thì có đúng hay không? Nếu là nõ (dấu ngã) thì tiếng “nõ” này có liên quan gì với “nõ” trong “nõ nường”, và cả “nõ” trong “nõ điếu”, “nõ cối”? Có phải “nõ nường” cũng nói thành “nõn nường”? “Nõn nường” ở đây có phải cũng là một với “nõn nường” trong “đẹp nõn nường” hay không? Tại sao?
AN CHI: Chữ do ông nêu mà đánh dấu hỏi (ʔ) như đã làm trong Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên chỉ là một biến thể. Chính tả của nó phải là nõ, đúng như đã ghi trong Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel, Việt-Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, Tự điển Việt-Nam của Ban Tu thư Khai trí và Việt-ngữ chánh-tả tự-vị của Lê Ngọc Trụ. (Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, in lần thứ nhất năm 1967, cũng đã ghi chữ đang xét bằng dấu hỏi).Nõ là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 卵 mà âm Hán Việt hiện đại là noãn, có nghĩa là: 1. trứng, 2. tinh hoàn (Danh từ anda của tiếng Sanskrit cũng có hai nghĩa y hệt như thế). Trong tiếng Việt, âm xưa của noãn là nõn (Ss. hoàn ~ hòn; đoàn ~ tròn; quan 菅 ~ gon). Nghĩa gốc của từ này trong tiếng Việt có xê dịch một tí so với nghĩa của nguyên từ trong tiếng Hán; nõn là dương vật như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, tại mục “nõn nường”: “Từ chỉ vật làm bằng gỗ, tượng trưng cho dương vật (nõn) và âm hộ (nường) do nhân dân ở miền Dị-nậu và Khúc-lạc (Phú-thọ) xưa làm ra để rước thần; khi rước, những người khiêng kiệu vừa đi vừa hát: Ba mươi sáu cái nõn nường, Cái để đầu giường cái để đầu tay. Khi kiệu đến chỗ thờ thần, người ta tung nõn và nường cho mọi người cướp; con trai cướp được nường, con gái cướp được nõn là điềm tốt”.Nõn có một biến thể ngữ âm là nõ mà TĐTV do Văn Tân chủ biên cũng đã ghi nhận và giảng là “bộ phận sinh dục của đàn ông”. Chính vì vậy mà hai tiếng nõn nường cũng còn được ghi là nõ nường trong một số bài nghiên cứu, chẳng hạn: “Những tàn dư của sinh hoạt kinh tế sơ khai và tín ngưỡng nông nghiệp ở Vĩnh Phú” của Khổng Diễn (Dân tộc học, s.1, 1975, tr.36-45), v.v.. Và cũng chính vì vậy mà từ điển do Văn Tân chủ biên mới ghi nhận nõ nường như là một biến thể của nõn nường. Vậy nõ là một biến thể ngữ âm của nõn do rụng -n cuối mà nên.Nõ là dương vật còn nường là âm hộ. Trong khẩu ngữ của tiếng Việt, một vài từ chỉ sinh thực khí hoặc chỉ động tác có liên quan đến bộ phận này của thân thể đã chuyển nghĩa và chuyển loại mà trở thành từ hoặc phó từ phủ định. Chính vì mang đặc điểm từ nguyên như thế mà chúng có sắc thái thô tục, suồng sã nên không dùng trong phong cách ngôn ngữ nghiêm túc. Hiện tượng trên đây cũng thấy ở ngôn ngữ khác. Trong tiếng Anh, fuck là một động từ, và cả danh từ, chỉ động tác tính giao, vẫn bị xem là đứa con lăng loàn của từ vựng. Nó đã được ghép với từ “all” để tạo ra từ ghép “fuck-all”, có nghĩa là “đếch có gì cả”, “đếch ra gì cả”. Trong tiếng Pháp, động từ “(se) foutre (de)” có nghĩa là “cóc cần”, “đếch cần”, lại bắt nguồn từ động từ futuere của tiếng La Tinh, có nghĩa là “giao cấu”. Các từ nõ, đách (đếch), đéo, đấm trong tiếng Việt cũng trở thành phó từ hoặc từ phủ định theo lối chuyển nghĩa như thế. Thí dụ: nõ cần, nõ biết, đách cần, đách nghe, đéo ăn, đấm thèm; v.v.. Từ nõ đã được phân tích ở trên. Còn đếch là một biến thể ngữ âm của đách, mà TĐTV do Văn Tân chủ biên giảng là “cơ quan sinh dục của đàn bà”. Đéo là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 屌 mà âm Hán Việt hiện đại là điếu, có nghĩa là sinh thực khí nam. Từ nghĩa gốc này, trong tiếng Việt và tiếng Quảng Đông (âm của chữ đó trong phương ngữ này của tiếng Hán là tíu), nó đã chuyển nghĩa và chuyển loại thành động từ để chỉ động tác tính giao... do nam giới thực hiện. Đấm cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 抌 mà âm Hán Việt hiện đại là đảm, có nghĩa là đánh, đấm, đâm, thọc. Đây chính là chữ mà âm Quảng Đông là “tẩm” trong bài “Quâ... ấ..t!” của Hoàng Ly đăng trên KTNN 219, tr.16-20. Còn “quất” là nói trại tiếng Quảng Đông “quắt” (đọc theo âm miền Bắc) hoặc “quách” (đọc theo âm miền Nam), âm Hán Việt là cốt, có nghĩa là xương. Vậy “tẩm quất” là “đấm xương”. Nhưng xuất phát điểm của lối phủ định bằng từ đấm trong tiếng Việt tất nhiên không phải là việc “đấm xương” mà lại là cử chỉ trỏ vào cái chỗ không được phép gọi “đích danh” của cả hai giới để bày tỏ cái ý “đếch cần”. Rồi từ những lối nói như “ông đấm b... vào”, “ông thì... đấm c... vào”, v.v., dần dần người ta đã loại bỏ mấy danh từ có thể làm cho người khác phải đỏ mặt kia mà biến đấm thành một từ phủ định như có thể thấy trong “đấm thèm”, “ông đấm màng đến chuyện đó”, v.v..Cứ như trên thì rõ ràng là phó từ phủ định nõ có liên quan về nguồn gốc với danh từ nõ có nghĩa là dương vật. Xuất phát từ nghĩa gốc này, người ta cũng đã dùng nõ theo ẩn dụ mà nói: nõ điếu, nõ cối, nõ mít, nõ na, v.v., giống như nói cặc bần (rễ ngắn đâm chĩa lên của cây bần), dái mít, l... xa (để kéo vải), bòi chuông, v.v..Tóm lại, nguồn gốc của phó từ phủ định nõ là danh từ nõ trong nõ nường, có nghĩa như đã nói ở trên. Còn về từ nguyên của nường thì chúng tôi chưa có bằng chứng chắc chắn nhưng theo chúng tôi thì nó hẳn phải có liên quan đến chữ 娘 có nghĩa là con gái, phụ nữ, mẹ, vợ, mà âm Hán Việt xưa là nàng, cũng đọc nường còn âm Hán Việt thông dụng hiện đại là nương. Nghĩa là người ta đã dùng từ nường có nghĩa là sinh thực khí nữ, mà âm xưa là nàng, theo hoán dụ để chỉ những người mà bộ phận đó là một đặc trưng của giới tính. Giống hệt như người ta đã dùng từ hĩm có nghĩa gốc là “âm hộ trẻ con” để chỉ “con gái còn nhỏ tuổi” (X. mục “hĩm” trong TĐTV do Văn Tân chủ biên). Và cũng giống hệt như cu trong cu Tí, cu Tèo, v.v., là một lối dùng theo hoán dụ để chỉ con trai ít tuổi mà xuất phát điểm là danh từ cu có nghĩa là sinh thực khí nam. Đó là điểm liên hệ thứ nhất. Điểm liên hệ thứ hai là tiếng La Tinh có danh từ vulva vừa có nghĩa là bìu, bọc, bao, v.v., vừa có nghĩa là âm hộ. Nếu trong tiếng Hán cũng có một sự chuyển nghĩa như thế, thì cái nghĩa “âm hộ” tuy đã mất đi, nhưng cái nghĩa “bao, túi, đãy” vẫn còn trong chữ 囊 mà âm Hán Việt xưa là nàng, có thể chuyển thành nường (âm Quảng Đông hiện nay là noòng), còn âm Hán Việt thông dụng hiện đại là nang. Phối hợp hai điểm liên hệ trên đây lại thì có thể giả thiết rằng nường trong nõ(n) nường là một từ Việt gốc Hán có liên quan đến chữ nương 娘 và chữ nang 囊 mà âm xưa đều là nàng. Đây là một trường hợp đồng từ dị tự (cùng từ khác chữ) và tự/ từ này có nghĩa là sinh thực khí nữ. Cái nghĩa này đã tuyệt tích trong tiếng Hán (ít nhất cũng là trong tình hình tư liệu hiện có) nhưng nó vẫn còn tồn tại thoi thóp trong tiếng Việt hiện nay với âm nường, ít nhất cũng là ở một số vùng của tỉnh Phú Thọ. Nghĩa cổ của một số từ Hán đã tuyệt tích từ thời cổ đại nhưng vẫn còn được tìm thấy trong tiếng Việt hiện đại mà vi 為 (= voi) là một trường hợp điển hình, không xa lạ gì với giới Hán ngữ học (Chúng tôi đã có nói đến trường hợp này tại CĐCT trên KTNN 111, tr.32, và KTNN 134, tr.89).Bây giờ xin nói đến mối quan hệ giữa nõn nường trong ba mươi sáu cái nõn nường (ký hiệu là nn1) với nõn nường trong đẹp nõn nường (ký hiệu là nn2). Nghĩa của từng thành tố trong nn1 đã được phân tích ở trên. Còn nõn trong nn2 là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 嫩 mà âm Hán Việt hiện đại là nộn, có nghĩa là non, mềm, mịn, nhuyễn. Nường trong nn2 cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 孃 mà âm Hán Việt hiện đại là nang, xưa hơn nữa là nàng (Dictionnaire annamite-français của J.F.M. Génibrel vẫn còn ghi nõn nàng thay vì nõn nường), có nghĩa là to, mập, mẩy (nang trong từ tổ đẳng lập nở nang cũng chính là chữ nang này). Vậy nõn nường có nghĩa là vừa mịn vừa mẩy và căn bản là đồng nghĩa với nõn nà (nà cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở chữ 娜 mà âm Hán Việt hiện đại là nã, có nghĩa là mềm mại, uyển chuyển). Nn2 đã được TĐTV 1992 giảng như sau: “Như nõn nà (nhưng thường dùng với ý mỉa mai)”. Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Hà Nội, 1994) cũng giảng và chú y hệt như thế. Vậy tại sao nn2 lại thường dùng với ý mỉa mai? Liên quan đến vấn đề này, Cao Xuân Hạo có viết như sau: “Trong tiếng Việt, đơn vị để chơi chữ kiểu calembour (một lối chơi chữ dựa trên sự khác nghĩa của các từ hoặc nhóm từ đồng âm – AC) là tiếng trong khi ở các ngôn ngữ Âu châu đơn vị đó là từ, vì ở đây từ mới có được một diện mạo ngữ âm có thể được lẫn lộn một cách hài hước với một từ có nghĩa khác hay với những âm tiết không có nghĩa (...) Người Việt nhận diện ra các tiếng tục ngay cả khi không hề có calembour và trong những ngữ cảnh ít thuận lợi cho việc nhận diện nhất trong các tên riêng ngoại quốc đa âm tiết chẳng hạn. Những tiếng như cu, đít, ghe ngay trong bối cảnh này cũng bị hiểu như tiếng tục và do đó thường được ghi trẹ đi để tránh cách hiểu đó trong khi một từ tục như con trong tiếng Pháp (đọc là [kÕ] và có nghĩa là l... – AC) khó lòng được người bản ngữ nhận ra trong condor, fécond, réconcilier (= kền kền Nam Mỹ_ mắn đẻ_ hòa giải – AC) nếu sự trùng hợp không được nêu bật lên bằng một trò chơi chữ kiểu calembour”.(Về cương vị ngôn ngữ học của “tiếng”, Ngôn ngữ, s.2, 1985, tr.27-28).Chính vì đặc điểm mà Cao Xuân Hạo đã phân tích cho nên khi dùng từ tổ tính từ đẳng lập nn2 thì người ta tức khắc và tự nhiên liên hệ đến danh ngữ đẳng lập nn1 trong đó nõn lại chỉ dương vật còn nường thì lại chỉ âm hộ. Nn2 thế là gắn liền với nn1 như hình với bóng và người ta luôn luôn bị ám ảnh bởi hai vật mà nn1 diễn đạt khi phải phát âm hai tiếng của nn2. Vì vậy tốt nhất là không nên dùng đến nó để khỏi phải mang tiếng là bất nhã còn hễ đã dùng đến thì tất phải có ẩn ý. Ẩn ý đó chính là sự mỉa mai mà TĐTV 1992 và TĐTLTV đã ghi chú. Ngày nay, không mấy ai còn biết đến nghĩa gốc của nõn và của nường trong nn1 nhưng cái sắc thái mỉa mai thì vẫn cứ đeo đẳng nn2 một cách dai dẳng.Và cũng chính vì nghĩa gốc của danh từ nõ đã mất đi cho nên ngày nay, ở miền Bắc Trung bộ, người ta đã dùng phó từ phủ định nõ, phát âm thành nỏ, một cách bình thường và tự nhiên như dùng không hoặc chẳng mà không sợ mang tiếng là bất nhã, vì nó chỉ còn là một phó từ có sắc thái trung hòa.Cái nghĩa gốc tuy đã mất nhưng danh từ nõ vẫn còn sống và có mặt trong những từ tổ như nõ điếu, nõ cối, v.v.. Nếu từ nõ này mang thanh điệu nào thì phó từ phủ định nõ cũng mang thanh điệu đó vì, như đã thấy, từ sau là do từ trước chuyển nghĩa và chuyển loại mà thành. Vậy làm như Từ điển tiếng Việt 1992 do Hoàng Phê chủ biên mà đánh dấu ngã cho từ trước (nõ cối, nõ điếu) nhưng lại đánh dấu hỏi cho từ sau (“nỏ” được, “nỏ” biết) là không nhất quán vì như thế chỉ là ghi từ nỏ theo cách phát âm có tính chất địa phương của miền Bắc Trung Bộ mà thôi.

Chép từ Facebook của An Chi (Huệ Thiên)