Sunday, 17 June 2012

Từ nguyên của "nhà quan", "nhà nước", "nhà vua" (Trần Trọng Dương)





từ nguyên của "nhà quan", "nhà nước", "nhà vua"

nhà quan ◎ Nôm:
dt. lời bề tôi tôn xưng nhà vua, dịch chữ quan gia 官家. Sách Tư trị thông giám資治通鑒phần Tấn Thành đế Hàm Khang tam niên晉成帝咸康三年do Hồ Tam Tỉnh 胡三省chú: 西漢謂天子為縣官,東漢謂天子為國家,故兼而稱之。或曰:五帝官天下,三王家天下,故兼稱之”. (đời Tây Hán gọi Thiên tử là Huyện quan, đời Đông Hán gọi là Quốc gia, nên gộp xưng là quan gia. Có người cho rằng: Ngũ đế cai quản (官) thiên hạ, Tam vương đặt định (家) thiên hạ, nên gọi vậy). ẩn cả lọ chi thành thị nữa, Nào đâu là chẳng đất nhà quan. (Ngôn chí 17.8). dịch câu 普天之下,莫非王土,率土之濱,莫非王臣 phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần (dưới khắp gầm trời, đâu chẳng đất vua, trên mọi bến bờ, ai không thần tử) [Kinh thi]. Ăn lộc nhà quan chịu việc quan, Chớ tham tiểu lợi phải gian nan. (Bảo kính cảnh giới 144.1). Tương tự, nhà vua < vương gia王家, nhà nước < quốc gia國家. (trích Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển)

xem thêm:





TÌM HIỂU Ý NGHĨA HAI MÃ CHỮ QUỐC GIA (國家) THỜI TRẦN THÁI TÔNG

TS. Phạm Văn Thắm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Có thể nói, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho thần dân gọi vua bằng Quốc gia. Hai chữ Quốc gia đã thể hiện quan niệm và trách nhiệm của nhà vua đối với đất nước Đại Việt.


Nhà Trần, bắt đầu từ Trần Cảnh lên ngôi vua vào ngày 12 tháng 12 năm 1225 đã không ngừng thực thi các chính sách trị nước để củng cố ngôi vị, trong đó có việc qui định cách xưng hô. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250), nhà vua đã xuống chiếu cho thiên hạ 稱帝為國家.(Đại Việt sử ký toàn thư, bản chữ Hán khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr.175, tờ 16a-b). Khi chuyển mệnh đề này sang Việt văn, có bản dịch để nguyên âm Hán Việt là Quốc gia và không có lời giải thích (1). Có bản dịch đã chữa chữ Quốc (國) thành Quan (官) và có chú giải (2). Về hai mã chữ này, chúng tôi xin được nêu ý kiến như sau:

1. Về thời gian thực thi cách gọi vua là Quốc gia (國家) và thời điểm xuất hiện cách gọi vua là Quan gia (官家)

1.1. Về thời gian thực thi cách gọi vua là Quốc gia (國家).

Chúng ta biết rằng vua Trần Thái Tông lên ngôi vua vào ngày 12 tháng 12 năm 1225, ở ngôi 33 năm, nhường ngôi 19 năm, mất năm 1278. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250) nhà vua đã xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua bằng Quốc gia (國家). Qui định gọi vua bằng Quốc gia lẽ dĩ nhiên được thực thi trong thời gian Trần Thái Tông ở ngôi đến năm 1258. Cách gọi vua bằng Quốc gia có được tiếp tục thực hiện trong thời gian vua Trần Thái Tông nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng hay không ? Hiện chưa đủ tư liệu để khảo cứu. Nhưng cách gọi vua bằng Quốc gia được tồn tại trong 9 năm (1250-1258).

1.2. Về thời điểm xuất hiện cách gọi Quan gia (官家)

Cho đến nay, chưa thấy tư liệu nào ghi chép về qui định gọi vua là Quan gia (官家). Tìm trong sử sách thì thấy có một lần, Trần Thái Tông khi đã nhường ngôi giữ chức Thượng hoàng gọi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đến và muốn trao chức Tư đồ để tiếp sứ Bắc. Trần Quốc Tuấn trả lời:

與接之使者臣不敢辭。如拜司徒則臣不敢奉詔。況官家遠征,光啟浥從而陛下自行封拜,上下情意恐有未安不慡官家和光啟之意, 俟架回拜命不晚.

(Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr.200, tờ 1a-b).

Phiên âm: Dự tiếp chi sứ giả, thần bất cảm từ. Như bái Tư đồ tắc thần bất cảm phụng chiếu. Huống Quan gia viễn chinh, Quang Khải ấp tòng nhi bệ hạ tự hành phong bái, thượng hạ tình ý khủng hữu vị an bất sảng Quan gia hòa Quang Khải chi ý. Sĩ giá hồi bái mệnh vị vãn.

Dịch nghĩa: Dự tiếp sứ giả, thần không giám từ chối. Còn như thăng chức Tư đồ, thần không giám vâng chiếu, [vì] Quan gia đi đánh giặc phương xa, Quang Khải đi theo hộ giá mà bệ hạ tự làm việc phong chức, [e] lòng người trên dưới sợ có chỗ không yên và cũng không vừa ý Quan gia và Quang Khải. Đợi xa giá trở về, việc phong chức cũng chưa muộn.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc phương xa vào năm Bảo Phù thứ 5 (1277). Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Bảo Phù thứ 5 (1277), vua Trần Thánh Tông, một lần hỏi Uy Văn Vương Toại (3) về nghĩa của từ Quan gia, Uy Văn Vương Toại đáp:

五帝官天下,三王家天下。故曰官家"Ngũ đế quan thiên hạ, tam vương gia thiên hạ. Cố viết quan gia" (Thời ngũ đế coi thiên hạ là của chung, thời tam vương coi thiên hạ là nhà chung (4) (Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr.186, tờ 37a-b). Cho nên gọi là Quan gia. Vua Trần Thánh Tông đã khen Uy Văn Vương Toại có kiến thức rộng.

Từ các cứ liệu nêu trên, cho thấy thời điểm xuất hiện cách gọi vua là Quan gia có thể vào thời Trần Thánh Tông lên ngôi vua ( 1259-1278).

2. Ý nghĩa của hai mã chữ Quốc gia (國家)

Qui định cách gọi vua bằng các thuật ngữ kính trọng có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ xưa. Sử sách chép rằng Tần vương Doanh Chính sau khi tiêu diệt 6 nước Ngụy, Hàn, Triệu, Sở, Yên và Điền Tề thống nhất đất nước cho rằng danh hiệu Vương (王) không thích hợp với ông, bèn lệnh cho quan Thừa tướng và Ngự sử bàn đổi danh hiệu. Các quan xin đổi danh hiệu là Thái hoàng 泰皇. Tần Doanh Chính sau khi xem xét đã hạ lệnh bỏ chữ Thái 泰 để lại chữ Hoàng 皇, lấy chữ đế 帝 thời thượng cổ để ghép lại thành Hoàng đế 皇帝. Ý nguyện của Tần Doanh Chính lấy hiệu Hoàng đế là để công lao sự nghiệp của ông được lưu lại cho con cháu muôn đời.

Tần Doanh Chính sau khi lấy hiệu Hoàng đế, sai bề tôi suy nghĩ đề xuất các nội dung bảo đảm quyền uy hành xử cho Hoàng đế. Trước hết, về cách xưng hô, Hoàng đế tự xưng là Trẫm 朕, mệnh ban ra gọi là chế 制, lệnh ban xuống gọi là chiếu 詔... Đến đời Hán, những qui định bảo đảm quyền uy cho danh vị Hoàng đế được cụ thể hơn. Thiên tử nhà Hán tự xưng là Trẫm. Thần dân gọi Hoàng đế là Bệ hạ 陛下. Lời của Hoàng đế gọi là chế chiếu 制詔, sử quan ghi chép sự việc dâng lên vua gọi là thướng 上. Vật dụng Hoàng đế dùng như xa giá, y phục, khí giới gọi là thừa dư 乘與. Nơi Hoàng đế ở gọi là cấm trung 禁中, ấn 印Hoàng đế dùng gọi là tỷ 壁... Như vậy, một nội dung bảo đảm quyền uy hành xử cho Hoàng đế là cách xưng hô giữa Hoàng đế với dân chúng. Cách xưng hô này biểu thị sự tôn kính giữa thần dân với Hoàng đế. Các vương triều phong kiến Trung Quốc đời sau đều tuân theo qui định này.

Ở Việt Nam, thần dân cũng đã tiếp nhận cách xưng hô gọi vua là bệ hạ. Nhưng cũng có triều đại như vua Lý Thái Tông năm Thiên Thành thứ 7 (1034), xuống chiếu lệnh cho các quan khi tâu việc trước mặt vua thì gọi vua bằng Triều đình (朝庭) (5). Lý Thánh Tông xưng là Vạn Thặng, Lý Cao Tông bảo người gọi vua là Phật (6). Triều đình (朝庭) mang nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa chỉ nơi các quan vào triều nghị việc và cũng có nét nghĩa chỉ chính quyền trung ương giải quyết công việc, và là từ dùng để gọi thay cho từ đế vương. Cách xưng hô này biểu thị sự tập trung, và thâu tóm quyền lực của vương triều Lý.

Về nghĩa của mã chữ Quốc gia, theo Từ điển tiếng Việt thì từ này mang nét nghĩa chỉ nhà nước (Từ điển tiếng Việt. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999) hay nước hoặc nước nhà (Từ điển tiếng Việt, Nxb. KHXH, H. 1988). Để tìm hiểu ý nghĩa của hai mã chữ Quốc gia, chúng tôi tiếp cận các sự kiện xảy ra trong thời gian Trần Thái Tông cầm quyền thì thấy:

Việc tổ chức bộ máy nhà nước nhất là việc bổ nhiệm người để thực thi quyền lực, Trần Thái Tông đều dựa theo huyết thống. Theo Đại Việt sử ký toàn thư năm 1226, Trần Thái Tông phong Trần Thủ Độ là chú họ làm Quốc sư, năm 1234 cho Tri Thanh Hóa phủ sự. Tháng 5 năm 1226 phong em là Nhật Hiệu làm Khâm thiên Đại vương. Năm 1228 phong anh là Liễu làm Thái úy, năm 1234 lấy Thái úy Liễu làm Phụ chính. Năm 1236 định quan hàm: Phàm người tôn thất vào chính phủ hoặc là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái úy hoặc là Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc đều kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty Bình chương sự. Năm 1241, vua Trần Thái Tông phong con trưởng làm Đại vương, con thứ làm Thượng vị hầu.

Về kinh tế, nhà vua thực hiện việc cắt đất phân phong. Năm 1237, Trần Thái Tông đã lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm thang mộc ấp.

Về văn hóa xã hội, quan hệ vua tôi hòa thuận. Năm 1251 vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự, khi uống say, mọi người đứng cả dậy dang tay mà hát.

Từ các sự kiện nêu trên, có thể thấy quan niệm của nhà vua về công việc trị vì. Đó là quyền lực được chia sẻ cho dòng họ, đất đai được phân cắt cho anh em. Bổng lộc vua tôi cùng hưởng. Vua Trần Thái Tông lệnh cho thiên hạ gọi vua bằng hai chữ Quốc gia đã thể hiện ý nguyện của nhà vua muốn thần dân biết được quan niệm trị vì của ông và hai mã chữ này cũng thể hiện rõ chức năng của nhà vua đối với công việc xây dựng, bảo vệ đất nước Đại Việt.

Tư tưởng của Trần Thái Tông cũng đã được vua Trần Thánh Tông khi nối ngôi vẫn tiếp tục tinh thần trị vì của vua cha. Có lần Trần Thánh Tông nói với các tôn thất:

Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quí với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc của tông miếu xã tắc (7).

Có thể nói, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho thần dân gọi vua bằng Quốc gia. Hai chữ Quốc gia đã thể hiện quan niệm và trách nhiệm của nhà vua đối với đất nước Đại Việt.

Chú thích:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư. T.II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.23.

(2) Nguyên văn chú thích: Quốc gia, ngờ là bản in lầm. Vì Quan gia là tiếng để gọi vua đời Trần thường hay gặp. Chưa có sách nào ghi gọi vua là Quốc gia. Chúng tôi sửa lại. (Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.22).

(3) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Uy Văn Vương Toại là chồng của công chúa Thụy Bảo. Công chúa Thụy Bảo là con gái của vua Trần Thái Tông.

(4) Chúng tôi dịch theo cách giải thích của Từ nguyên. Thương vụ ấn thư quán. 1999. Bắc Kinh. Mục từ Quan. tr.444.3

(5) Đại Việt sử ký toàn thư. T.I, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.256.

(6) Đại Việt sử ký toàn thư. T.I, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.256. ghi theo lời bình của sử thần Lê Văn Hưu.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư. T.II, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.37.

Tài liệu tham khảo

1- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1971.

2- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1998.

3- Từ điển tiếng Việt. Nxb. KHXH, H. 1988.

4- Từ điển tiếng Việt. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999.

5- 中國官制大辭典。黑龍江人民出版社。1992

6-中國官制史。中國出版集團。東方出版中心。2006

7- 辭源。商務印書館。北京。1999 .

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 6 - 2008

Saturday, 16 June 2012

Quark và tiếng quạ (An Chi - Người Đô Thị)

Quark và tiếng quạInEmail
Học giả An Chi   
Chữ quark xuất xứ từ một câu trong tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce.
Trong bài Số phận của những từ lạ, đăng trên Ngôn ngữ và đời sống số 6 (188)-2011, GS Nguyễn Đức Dân viết: “Một từ mới được đặt ra cho một khái niệm khoa học thường được dùng vĩnh viễn. Một nhà khoa học Mỹ phát hiện một loại hạt cơ bản. Trong lúc loay hoay tìm tên đặt cho loại hạt này thì nghe tiếng quạ kêu. Ông bèn gọi hạt này là quark. Cái từ mô phỏng tiếng quạ kêu nghe lạ lẫm này trở thành một thuật ngữ được dùng luôn trong vật lý lượng tử”.
Ngôn ngữ khác, tiếng kêu khác
Thực ra, trước GS Dân đến hơn 21 năm, trên Kiến thức ngày nay xuân Canh Ngọ (1990), GS Nguyễn Chung Tú đã viết còn kỹ hơn: “Nhà vật lý Gell Mann, vào khoảng năm 1963, nhận thấy trong vật lý hạt nhân có đến hàng trăm hạt, hạt nào cũng được coi là cơ bản, nghĩa là không phân tích được. Ông cho thế là vô lý. Theo ông, chỉ có điện tử, quang tử chắc chắn là những hạt cơ bản. Còn proton họp bởi ba hạt, những hạt này mới thật là cơ bản. Neutron cũng họp bởi ba hạt, nhưng sắp xếp hơi khác. Meson họp bởi hai hạt. “Hạt cơ bản, mẫu số chung của các hạt, ta gọi là gì bây giờ?”. Gell Mann tự hỏi như vậy. Ông đang phân vân thì một đàn quạ bay trên trời và kêu “quaaa … quaaa …” ông reo lên: “Hạt cơ bản ta gọi là quark.” Đó là bản khai sinh của quark” (tr. 38-39).

Chúng tôi không biết có phải đây là câu chuyện do GS Tú nói trước, rồi GS Dân nói theo hay không. Nhưng có lẽ nó phải là chuyện xuất xứ từ Việt Nam thì quạ mới kêu “quaaa … quaaa” vì trong cái lĩnh vực “chụp ảnh” tiếng động của đồ vật hay tiếng kêu của động vật bằng tiếng người thì mỗi dân tộc một khác.
Ngay trong một dân tộc mà những tiếng “kêu” đó  có khi cũng còn khác nhau giữa các phương ngữ nữa là! Ở miền Nam Việt Nam thì vịt kêu “cạp cạp” nhưng ở miền Bắc là “cạc cạc”; ở miền Bắc thì chó sủa “gâu gâu” còn ở miền Nam là “uấu uấu”; con mèo trong Nam thì kêu “ngao ngao” nhưng ở ngoài Bắc thì lại là “meo meo” v.v.. Quạ mà kêu “quaaa  quaaa” hay “quark quark” là nghe theo cái tai của người Việt Nam, hoặc của riêng cá nhân, chứ đã là dân Huê Kỳ như Murray Gell-Mann thì phải nghe thành caw caw, không có âm đệm [w] (như trong tiếng Việt), mà cũng chẳng có [k] cuối!
Mòng hát, quạ kêu và người gọi bia
Thực ra thì chữ quark xuất xứ từ một câu trong tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce, câu “Three Quarks for Muster Mark”, ở đầu chương 4 của quyển 2. Đây là một câu do dàn đồng ca của chim biển hát và theo ghi chú của chính Joyce thì nó có nghĩa là “Ba tiếng hoan hô (hoặc ba lời chế giễu) dành cho ông Mark.” Đây là một trong 13 câu thơ thô tục châm chọc vua Mark, người chồng bị cắm sừng trong câu chuyện Tristan và Isolde. Bài thơ và phần văn xuôi tiếp theo chứa đựng nhiều tên chim và những từ gợi liên tưởng đến chim; riêng bài thơ là một lời châm chọc đối với ông vua bằng cách phát âm và giọng điệu phảng phất tiếng kêu của quạ. Chữ quark bắt nguồn từ động từ quark của tiếng Anh chuẩn mực, có nghĩa là kêu (để nói về quạ), cũng như từ động từ quawk của phương ngữ, có nghĩa là líu lo (như chim). Nhưng xin nhớ rắng đây là động từ chứ không phải từ tượng thanh (onomatopoeia). Đó là lý do đưa đến việc James Joyce chọn từ quark. Nhưng tại sao nó lại được Gell-Mann chọn làm tên gọi cho một nhóm hạt? Thì đây, trong quyển The Quark and the Jaguar (1994), Gell-Mann đã nói rõ: “Năm 1963, khi tôi đặt cái tên quark cho các thành phần cơ bản của hạt, thì trước hết tôi có cái âm mà không có cách viết; cái âm đó sẽ là “kwork”. Rồi trong một lần tình cờ đọc kỹ lại quyển Finnegans Wake của James Joyce, tôi bắt gặp từ “quark” trong câu “Three quarks for Muster Mark”. Vì lẽ “quark” (có nghĩa trước hết là tiếng kêu của mòng biển [gull]) rõ ràng được dụng ý cho hợp vần với Mark, cũng như với bark và những từ như thế (ở những câu tiếp theo - A.C.) nên tôi đã phải tìm một cái cớ mà đọc nó thành “kwork”.
Nhưng quyển sách lại thể hiện giấc mơ của một người chủ quán tên là Humphrey Chimpden Earwicker. Ngôn từ trong văn bản được lấy từ nhiều nguồn cùng một lúc, như những từ va li (portmanteau) trong Through the Looking-Glass (Xuyên qua tấm gương soi, của Lewis Carroll - A.C.). Thỉnh thoảng ở trong sách, lại xuất hiện những câu mang đặc tính của những lời gọi thức uống tại quầy rượu. Vì vậy tôi bèn lý sự rằng có lẽ là trong nhiều lần gọi thức uống đó thì câu “Three quarks for Muster Mark” có thể là “Three quarts for Mister Mark” (Ba vại cho ông Mark nào! - quart thực ra là một lít Anh). Trong trường hợp như thế, cách phát âm thành “kwork” không phải là không có lý do. Dù sao thì con số ba cũng ăn khớp một cách hoàn hảo với phương thức mà quark xuất hiện trong thiên nhiên”.
Thực ra thì  trước đó 16 năm, trong bức thư ngày 27-7-1978 gửi nhà biên tập Oxford English Dictionary, Gell-Mann cũng đã viết: “Sự liên tưởng đến ba quark có vẻ hoàn hảo” (thoạt kỳ thủy chỉ có ba quark hạt nguyên tử).
Trở lên là hành trình rối rắm và không kém phần lập dị từ chữ quark văn học của James Joyce đến chữ quark vật lý của Murray Gell-Mann. Với Joyce thì, theo phân tích, còn có một chút xíu bóng dáng của quạ chứ sang đến Gell-Man thì đó lại là mòng biển (gull) và những tiếng gọi… bia! Nhưng oái oăm hơn nữa là đến GS Nguyễn Chung Tú và GS Nguyễn Đức Dân thì nó chỉ còn là một con đường thẳng tuột: tiếng kêu của quạ! 

Friday, 15 June 2012

Về bản dự thảo Quy định cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lí nhà nước (Nguyễn Văn Khang)

Về bản dự thảo Quy định cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lí nhà nước

Tác-giả: Nguyễn-Văn-Khang
Sáng ngày 18 tháng 5 năm 2006, tại trụ sở Viện Ngôn ngữ học 36 Hàng Chuối – Hà Nội, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – PGS.TS Trần Đức Cường – đã chủ trì buổi họp báo giới thiệu bản Dự thảo Quy định cách viết cách đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản quản lí Nhà nước và việc công bố Dự thảo này trên báo chí để tranh thủ ý kiến góp ý. Tới dự có đại diện của Bộ Văn hoá và Thông tin, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, các báo Nhân Dân, Lao Động, Tiền Phong, Người đại biểu nhân dân,… Để giúp cho mọi người có thể tham gia góp ý kiến cho bản Dự thảo, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống xin giới thiệu bài viết của GS.TS Nguyễn Văn Khang về nội dung có liên quan đến bản Dự thảo này.
I. Vấn đề đặt ra
Như đã biết, vấn đề cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt cho đến nay còn chưa thống nhất. Hiện chưa có một văn bản quy định mang tính pháp lí về mặt Nhà nước cho chính tả tiếng Việt nói chung và tên riêng nước ngoài nói riêng. Vì thế, cũng là điều dễ hiểu khi mỗi ấn phẩm tiếng Việt phải tự chọn cho mình cách xử lí và dẫn đến sự không thống nhất về cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài giữa các ấn phẩm cũng như trong một ấn phẩm.
Gọi là chọn vì thực tế từ trước đến nay cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt xuất hiện ở mấy kiểu dưới đây:
1. Phiên:
Phiên được thực hiện trên cơ sở cách đọc cách viết của nguyên ngữ. Hiện tại có hai cách phiên, đó là “phiên âm” và “phiên chuyển“.
Nói một cách đơn giản, “phiên âm” là phỏng theo cách đọc (âm đọc) của nguyên ngữ, còn “phiên chuyển” là phỏng theo âm đọc kết hợp với mặt chữ (cách gọi quen thuộc là “kết hợp giữa phiên âm và chuyển tự”). Ví dụ: thành phố California, nếu phiên âm phải là Ke-li-pho-ni-ơ, còn nếu theo cách phiên chuyển thì là Ca-li-pho/phoóc-ni-a. Cả hai kiểu phiên trên được thể hiện như sau:
- Viết rời, gồm: (1) Viết rời có dấu chữ, dấu thanh và có gạch nối. Ví dụ: Niu-oóc, Ken-nơ-đi, Bu-sơ, Vác-sa-va, A-rập/ Ả-rập; (2) Viết rời có dấu chữ, dấu thanh và không có gạch nối. Ví dụ: Niu Oóc, Ken Nơ Đi, Ả Rập.
- Viết liền, gồm: (1) Viết liền có dấu chữ, dấu thanh. Ví dụ: Arập, Clintơn, Vácsava; (2) Viết liền không có dấu thanh. Ví dụ: ArâpNiuooc.
2. Viết theo nguyên dạng:
Giữ nguyên cách viết của nguyên ngữ, gồm:
- Viết nguyên dạng cho các tên riêng Âu Mĩ. Ví dụ: Bush, New York, Italy.
- Viết nguyên dạng phiên âm La-tinh của tiếng Hán cho các tên riêng Trung Quốc. Ví dụ: Li Tie, Hao Haidong.
3. Dịch ra tiếng Việt: Các tên riêng nước ngoài được dịch nghĩa sang tiếng Việt. Trường hợp này không nhiều nhưng không phải là không có. Thường đó là một số địa danh được dịch nghĩa sang tiếng Việt. Ví dụ: Mũi Hảo Vọng < The Cape of Good Hope, Biển Đen [Hắc hải < 黑海< Чёрное море, Biển Đỏ [Hồng Hải < 红海< Red river, Thái Bình Dương < 太平洋 < Pacific Ocean.
4. Sử dụng Hán Việt: Các tên riêng được viết và đọc theo Hán Việt, bao gồm:
- Các tên riêng của Trung Quốc. Ví dụ: Bắc Kinh < 北京Quảng Đông < 广Chu Ân Lai < 周恩来.
- Các tên riêng Âu Mĩ (không phải của Trung Quốc). Ví dụ: Thổ Nhĩ Kỳ < 土耳其 < TurkeyLuân Đôn < 伦敦 LondonBa Lan <  < Poland, Nhật Bản < 日本 < JapanTriều Tiên <  < KoreaKim
Nhật Thành < 
金日成 < Kim II Sung. Đây là cách xử lí dựa vào cách xử lí của tiếng Hán.Sở dĩ nói “dựa vào” là vì, bên cạnh việc chuyển bằng âm Hán Việt, trong một số trường hợp tiếng Việt còn có cách sử dụng đơn tiết hoá như Tiệp, Anh, Bồ,… mà tiếng Hán không sử dụng như vậy.
5. Chuyển tự: Trường hợp này áp dụng cho tiếng Nga. Đó là cách chuyển con chữ theo kiểu tương ứng 1:1. Ví dụ: Lomonosov < ломоносов.
II. Cơ sở lựa chọn
1. Nhận xét đánh giá
Theo cách nhìn “trong mỗi cái được luôn có một cái mất” thì có thể thấy, mỗi cách xử lí trên đều có những ưu điểm (cái được) nhưng theo đó đồng thời là những bất cập (cái mất). Chẳng hạn:
Đối với cách phiên có ưu điểm chung là người Việt ở trình độ phổ thông có thể đọc được, viết lại được, nhớ được và nhiều khi có thể sử dụng linh hoạt theo hướng đơn tiết hoá (ví dụ:Hiện đang học ở Mát). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chọn cách đọc nào để phiên và phiên như thế nào cho thống nhất (như phiên theo “nguyên ngữ” nào?). Ví dụ: Einstein Albbert sẽ phiên là Ai-en-stai-nơ An-bet (theo tiếng Đức) hay là Anh-xtanh An-be (theo tiếng Pháp)?; Phiên theo cách đọc nào (tiếng Anh Anh, tiếng Anh Mỹ hay tiếng Anh Ca-na-đa,…)? Đây chính là nguyên nhân dẫn tới sự không thống nhất, tạo ra nhiều biến thể của cùng một tên riêng. Về mặt ngôn ngữ học, có một khó khăn đặt ra trong cách phiên là việc tách âm tiết. Chẳng hạn, trường hợp Philippines có thể có hai cách “tách” âm tiết tạo ra hai cách đọc khác nhau:Phi-li-pin < Phi/li/ppines và Phi-líp-pin <Phi/lip/pines; Trê/Chê-sni-a < че/чня và Tréc-ni-a/Chếch-ni-a < чеч/ня .
Đi vào từng kiểu nhỏ trong cách phiên lại có thể thấy, mỗi một cách phiên có những sự “được-mất” khác nhau. Chẳng hạn:
- Phiên âm thì gần với cách đọc nguyên ngữ của tên riêng, còn phiên chuyển (kết hợp giữa phiên âm với chuyển tự) thì lại sử dụng được lợi thế về mặt văn tự của người Việt nhưng lại “xa” với cách đọc theo nguyên ngữ.
- Phiên theo cách viết có dấu chữ và có gạch nối tạo ra được mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố tạo thành chính thể tên riêng, giúp cho người ở bậc phổ thông có thể đọc được và viết được, thậm chí nhớ được. Song, đối với hình thức của cả văn bản thì không phù hợp cho lắm và cũng không kinh tế, tiết kiệm cho ấn phẩm (vì có gạch nối).
- Phiên theo cách viết có dấu chữ và không có có gạch nối thì ngoài ưu điểm như trên còn có ưu điểm nữa là phù hợp về hình thức văn bản tiếng Việt, kinh tế cho ấn phẩm (vì không có gạch nối), nhưng lại khó khăn trong nhận diện “tính hoàn chỉnh” của một tên riêng. (Ví dụ: Ken nơ đi ra khỏi phòng làm việc).
- Phiên theo cách viết liền có ưu điểm về nhận diện tên riêng, kinh tế cho ấn phẩm, nhưng ở một số trường hợp sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện âm tiết khi đọc. (Ví dụ: Campuchia: Cam/pu/chia, Cam/pu/chi/aGiamahiria: Gia/ma/hi/ri/a, Giam/a/hi/ri/a, Gia/ma/hi/ria,…). Phiên theo cách viết liền không dấu sẽ còn có thể gặp phải một số trường hợp khó đọc hoặc có thể đọc theo nhiều cách khác nhau.
Đối với cách sử dụng nguyên ngữ thì ưu điểm lớn nhất của cách này là đảm bảo được “tính trung thực” của tên riêng và tiện lợi cho người xử lí thông tin (nhất là đối với báo chí hiện nay cần phải xử lí nhanh thông tin để đưa tin). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất gặp phải là, đối với người ở trình độ phổ thông không thể “tự đọc” lên được và nếu có viết lại thì chỉ còn cách là “vẽ lại chữ”. Ngay cả những người gọi là “có trình độ” đi chăng nữa thì biết được ngoại ngữ này chắc gì đã biết ngoại ngữ kia, thậm chí ngay cả tên riêng của ngôn ngữ mà mình biết chưa chắc đã đọc lên được, viết lại được. Đấy là chưa kể đến việc phải làm rõ khái niệm nguyên ngữ là như thế nào.
2. Thái độ ngôn ngữ đối với các cách xử lí trên
2.1. Điều tra thái độ ngôn ngữ của người sử dụng đối với các cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài hiện đang xuất hiện trong tiếng Việt nhằm chỉ ra ở một chừng mực nhất định, tính khuynh hướng của việc “chấp nhận” một cách viết, cách đọc nào trong số các cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài hiện nay. Sở dĩ chỉ dừng lại ở “chừng mực nhất định” và “tính khuynh hướng của việc chấp nhận” là vì, như trên đã nêu, thái độ ngôn ngữ của người sử dụng là một nội dung rộng lớn, liên quan đến hàng loạt các nhân tố mà do nhiều lí do, trong điều tra của chúng tôi chưa thể bao quát hết được. Đối tượng điều tra của chúng tôi tập trung chủ yếu vào những người đang tham gia công tác quản lí hành chính như một số cán bộ ở cấp phường, quận thuộc TP. Hà Nội; một số cán bộ từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh của tỉnh Thái Bình; một số cán bộ ở các địa phương đang học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Để tiện cho việc so sánh, đối chiếu, chúng tôi cũng tiến hành điều tra một số cộng tác viên khác như giáo viên, học sinh, v.v… Cách điều tra là trực tiếp bằng phiếu trong đó nội dung điều tra được thiết kế bằng những câu hỏi.
2.2. Dưới đây là tổng hợp kết quả điều tra đã qua xử lí:
Nội dung 1Ý kiến chung về cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài xuất hiện trong tiếng Việt: a) Viết bằng tiếng nước ngoài; b) Viết bằng tiếng Việt; c) Viết bằng tiếng Việt và có chú thích bằng tiếng nước ngoài; d) Viết bằng tiếng nước ngoài và có chú thích bằng tiếng Việt. Kết quả điều tra: Xu hướng nghiêng về giải pháp a (những người có trình độ đại học và trên đại học, sinh viên chuyên ngữ); Xu hướng nghiêng về giải pháp b và c (những người có trình độ phổ thông).
Nội dung 2Nếu viết tên riêng bằng tiếng Việt thì cho biết ý kiến về các dạng viết dưới đây: a)Viết có gạch nối và có dấu; b) Viết liền có dấu; c) Viết liền không dấu. Kết quả điều tra: Xu hướng nghiêng về giải pháp a.
Nội dung 3Ý kiến về cách viết thống nhất tên riêng nước ngoài trên sách báo: a) Chỉ nên có một kiểu viết; b) Nhất loạt viết tên riêng bằng tiếng Việt; c) Nhất loạt viết tên riêng bằng tiếng nước ngoài; d) Tuỳ mỗi loại sách báo mà chọn các dạng viết cho phù hợp. Kết quả điều tra: 1/ Xu hướng nghiêng về hai giải pháp tương đương nhau là d (sinh viên chuyên ngữ, cán bộ xã, quận) và a (sinh viên không phải chuyên ngữ, cán bộ hưu trí, cán bộ phường);2/ Xu hướng nghiêng về giải pháp c (so với b).
Nội dung 4Ý kiến về việc chọn cách viết trong cùng một cuốn sách/tờ báo: a) Thống nhất một cách viết; b) Tuỳ từng mục. Kết quả điều tra: Xu hướng nghiêng về giải pháp a.
Nội dung 5Ý kiến về cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài bằng tiếng Việt: a) Viết và đọc dựa vào âm; b) Viết và đọc dựa vào mặt chữ.Kết quả điều tra: Xu hướng nghiêng về giải pháp b.
Nội dung 6Ý kiến về cách viết, cách đọc các tên riêng tiếng Hán: a) Bằng âm Hán Việt; b) Bằng cách phiên từ âm La-tinh. Kết quả điều tra: Xu hướng hầu hết đồng ý với giải pháp a.
Nội dung 7Nếu viết và đọc tên riêng tiếng Hán bằng phiên âm La-tinh thì xin cho biết ý kiến về cách viết, cách đọc sau: a) Viết và đọc bằng cách phỏng âm; b) Viết nguyên theo phiên âm tiếng Hán và đọc theo cách đánh vần của tiếng Việt. Kết quả điều tra: Xu hướng nghiêng về giải pháp b.
Nội dung 8Ý kiến về cách viết, cách đọc tên các tổ chức nước ngoài: a) Dịch ra tiếng Việt; b) Viết theo nguyên dạng; c) Dịch ra tiếng Việt và để nguyên dạng trong ngoặc đơn; d) Để nguyên dạng và phần dịch ra tiếng Việt đưa vào trong ngoặc đơn. Kết quả điều tra: Xu hướng nghiêng về giải pháp c.
Nội dung 9Ý kiến về cách đọc khi tên riêng nước ngoài được viết theo nguyên dạng: a) Đọc phỏng theo âm; b) Đọc theo cách đánh vần của tiếng Việt. Kết quả: Xu hướng nghiêng hẳn về giải pháp b.
III. Giải pháp lựa chọn trong bản Dự thảo Quy định
1. Từ phân tích trên cho thấy, việc lựa chọn một giải pháp mang tính tối ưu đối với cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài hiện nay để có thể vừa thoả mãn được yêu cầu về học thuật vừa thoả mãn được nhu cầu về thực tế sử dụng (cho mọi tầng lớp trong xã hội và các loại văn bản khác nhau) là hết sức khó khăn. Vì thế, trước mắt, Quy định này giới hạn sử dụng trong các văn bản quản lí nhà nước nhằm tạo ra sự thống nhất trong cách viết, cách đọc tên riêng nước ngoài.
2. Với đối tượng, phạm vi như vậy, Dự thảo Quy định gồm 07 điều với các nội dung cơ bản mang tính giải pháp như sau:
a. Tên riêng nước ngoài xuất hiện trong các văn bản quản lí nhà nước được viết và đọc theo cách viết cách đọc của chữ quốc ngữ-phiên chuyển ra tiếng Việt: Viết rời từng âm tiết, có dấu chữ, dấu thanh, có gạch nối giữa các âm tiết, tận dụng khả năng ghi âm của chữ quốc ngữ.
Giải thích bổ sung:
- Chỉ dùng các con chữ ghi ở âm cuối là -p, -t, -c, -ch, -m, -n, -ng, -nh (mà không sử dụng các con chữ khác như -v, -r, -l,…). Ví dụ: Hum-bôn < Humboldt.
- Có sử dụng thêm các con chữ kép như pl, xt, cr,…. Ví dụ: Cô-xta Ri-ca < Costa Rica.
- Đối với tên riêng của các ngôn ngữ có chữ viết không thuộc hệ chữ La-tinh (A-rập, Nhật, Triều Tiên,…) hoặc được tiếp nhận qua ngôn ngữ trung gian thì dựa vào dạng La-tinh hoá chính thức của ngôn ngữ đó để xử lí. Ví dụ: Y-a-xơ A-ra-phát < Yasser ArafatKim Tê Chung < Kim Dae Jung.
- Đối với tên riêng nước ngoài mới xuất hiện hoặc có cách viết, cách đọc xa với nguyên dạng thì chú thêm dạng La-tinh hoá và để trong ngoặc đơn. Ví dụ: Áp-đu-ra-man Oa-hít (Abdurraman Wahid).
- Đối với tên riêng tiếng Nga và các ngôn ngữ có chữ viết thuộc hệ Xla-vơ thì căn cứ vào dạng viết để xử lí. Ví dụ: Pu-tin < ПУТинVôn-ga < волга.
- Giữ nguyên một số tên riêng quen dùng. Ví dụ: Mát-xcơ-vaAnh-xtanh (không sửa là Mô-scơ-va, Ai-en-stai-nơ).
b. Đối với tên riêng tiếng Hán thì sử dụng cách đọc Hán Việt và viết theo chính tả tiếng Việt.
Giải thích bổ sung: Trường hợp chưa xác định được cách đọc Hán Việt thì xử lí theo a.
cĐối với tên riêng ở dạng tắt thì viết như nguyên ngữ, đọc theo tên gọi chữ cái quốc ngữ.
Giải thích bổ sung:
- Trường hợp không thuộc hệ chữ La-tinh thì căn cứ vào dạng viết để xử lí như ở a; trong trường hợp cần thiết thì dịch ra tiếng Việt. Ví dụ: BBC đọc là “bê bê xê”; КГБ chuyển thànhKGB (Uỷ ban An ninh Quốc gia).
- Sử dụng thêm các con chữ w, f, j, z. Ví dụ: G.W. Bu-sơ, WTO.
- Thống nhất một số cách đọc: w “vê kép”; o, e “o/ô, e/ê” (tuỳ từng trường hợp cụ thể cũng như theo thói quen người Việt). Trong một số trường hợp có thể đọc liền (âm tiết), ví dụ: FAOđọc là “phao”.
dĐối với tên tổ chức nước ngoài ở dạng đầy đủ, phải dịch ra tiếng Việt. Ví dụ: Asia-Pacific Economic Cooperation > Hợp tác kinh tế châu Á.
eĐối với tên sản phẩm hàng hoá nước ngoài, tên hãng, công ti nước ngoài, các biểu tượng thương mại,… thuộc quyền sở hữu công nghiệp đã được pháp luật bảo hộ thì giữ nguyên như đã đăng kí; có thể ghi thêm cách đọc và để trong ngoặc đơn.
IV. Trao đổi
1. Dự thảo Quy định này giới hạn: Phạm vi sử dụng trong văn bản quản lí nhà nước (VBQLNN). Mục tiêu là tạo sự thống nhất cách viết cách đọc tên riêng nước ngoài trong VBQLNN, tạo sự thuận lợi cho đông đảo mọi người trong việc tiếp nhận VBQLNN và góp phần giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hoá tiếng Việt. Phương châm là đảm bảo phù hợp với các quy tắc, thói quen đọc, viết tiếng Việt, phù hợp với thực tế sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài ở Việt Nam; Bảo đảm có tính ổn định và kế thừa, không gây xáo trộn một cách không cần thiết; Qua thực tế sử dụng sẽ từng bước lựa chọn được cách viết, cách đọc tốt nhất; Bảo đảm có tính khả thi cao, thuận lợi cho việc soạn thảo và tiếp nhận các VBQLNN hiện nay.
2. Dự thảo Quy định này đã được gửi tới các bộ, ngành để lấy ý kiến góp ý. Cho đến nay, Dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến “phản hồi”. Có thể tóm tắt một số nội dung chủ yếu như sau:
2.1. Cần làm rõ: Dự thảo này giới hạn trong phạm vi “văn bản quản lí nhà nước” hay “văn bản của các cơ quan nhà nước”, hay “văn bản chính thức của các cơ quan nhà nước”. Một số ý kiến cho rằng, sao lại chỉ giới hạn phạm vi như vậy mà không “mở rộng phạm vi sử dụng”. Một số ý kiến đề nghị không dùng “Quy định” mà nên dùng “Nghị định của Chính phủ”, “Quy chế về…” dưới dạng quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
2.2. Hầu hết các ý kiến đồng tình với giải pháp của Dự thảo và cho rằng, giải pháp này phù hợp với tình hình hiện tại và đề nghị sớm ban hành. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị sử dụng giải pháp khác: “nên viết liền các âm tiết, có dấu thanh, không có dấu gạch nối giữa các âm tiết, tách rời họ-tên-tên đệm”.
2.3. Một số ý kiến đề nghị, cần có những quy định cụ thể hơn. Ví dụ: Cần có phân biệt tr và t-r (khi cùng viết là tr); cần quy định rõ khi nào thì đọc liền, khi nào thì không; không cần dấu thanh vì nếu có dấu thì chủ yếu là dấu sắc; Chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên;…
2.4. Cần bổ sung thêm trong Quy định: Nghiên cứu thêm về quy định cách viết tên tiếng Việt trên các văn bản, ấn phẩm tiếng nước ngoài do Việt Nam thực hiện (ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); Trong các văn bản đối ngoại thì viết theo nguyên dạng (ý kiến của UBNN Thành phố Hà Nội); Cần phân nhóm, chẳng hạn, đối với nhóm văn bản quản lí hành chính và tài liệu nghiên cứu khoa học thì cần chú trọng mở ngoặc dạng nguyên ngữ, còn nhóm văn bằng, chứng chỉ,… thì giữ nguyên cách viết ở dạng gốc hoặc dạng La-tinh hoá để tránh nhầm lẫn (ý kiến của Bộ Tư pháp); Về lâu dài nên chuyển dần tên Trung Quốc theo cách đọc Hán Việt sang phương án dựa vào La-tinh (ý kiến của Bộ Lao động và Thương binh Xã hội); Các danh từ cá biệt, biệt lệ cần có bảng danh mục riêng;…
3. Có thể nhận thấy, việc Chính phủ đề nghị đăng báo Dự thảo Quy định nhằm tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi là một dịp tốt để những người quan tâm vừa có thể hiện ý kiến của mình đồng thời vừa biết được thái độ ngôn ngữ của xã hội. Chúng tôi cho rằng, nội dung của bản Dự thảo Quy định này là một trong các vấn đề của chuẩn hoá tiếng Việt, vì thế, cần đặt nó trong cái “khung chung” của chuẩn hoá để xem xét như tính tự giác, tính tương đối, tính uyển chuyển, tính giai đoạn cùng thói quen xã hội,… và có thể coi đây là kết quả của sự lựa chọn mang “tính trội” trong các lựa chọn.
Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 6 (128)/2006, trang 1–6.