Sunday, 17 June 2012

Từ nguyên của "nhà quan", "nhà nước", "nhà vua" (Trần Trọng Dương)





từ nguyên của "nhà quan", "nhà nước", "nhà vua"

nhà quan ◎ Nôm:
dt. lời bề tôi tôn xưng nhà vua, dịch chữ quan gia 官家. Sách Tư trị thông giám資治通鑒phần Tấn Thành đế Hàm Khang tam niên晉成帝咸康三年do Hồ Tam Tỉnh 胡三省chú: 西漢謂天子為縣官,東漢謂天子為國家,故兼而稱之。或曰:五帝官天下,三王家天下,故兼稱之”. (đời Tây Hán gọi Thiên tử là Huyện quan, đời Đông Hán gọi là Quốc gia, nên gộp xưng là quan gia. Có người cho rằng: Ngũ đế cai quản (官) thiên hạ, Tam vương đặt định (家) thiên hạ, nên gọi vậy). ẩn cả lọ chi thành thị nữa, Nào đâu là chẳng đất nhà quan. (Ngôn chí 17.8). dịch câu 普天之下,莫非王土,率土之濱,莫非王臣 phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ, suất thổ chi tân, mạc phi vương thần (dưới khắp gầm trời, đâu chẳng đất vua, trên mọi bến bờ, ai không thần tử) [Kinh thi]. Ăn lộc nhà quan chịu việc quan, Chớ tham tiểu lợi phải gian nan. (Bảo kính cảnh giới 144.1). Tương tự, nhà vua < vương gia王家, nhà nước < quốc gia國家. (trích Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển)

xem thêm:





TÌM HIỂU Ý NGHĨA HAI MÃ CHỮ QUỐC GIA (國家) THỜI TRẦN THÁI TÔNG

TS. Phạm Văn Thắm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

Có thể nói, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho thần dân gọi vua bằng Quốc gia. Hai chữ Quốc gia đã thể hiện quan niệm và trách nhiệm của nhà vua đối với đất nước Đại Việt.


Nhà Trần, bắt đầu từ Trần Cảnh lên ngôi vua vào ngày 12 tháng 12 năm 1225 đã không ngừng thực thi các chính sách trị nước để củng cố ngôi vị, trong đó có việc qui định cách xưng hô. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250), nhà vua đã xuống chiếu cho thiên hạ 稱帝為國家.(Đại Việt sử ký toàn thư, bản chữ Hán khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr.175, tờ 16a-b). Khi chuyển mệnh đề này sang Việt văn, có bản dịch để nguyên âm Hán Việt là Quốc gia và không có lời giải thích (1). Có bản dịch đã chữa chữ Quốc (國) thành Quan (官) và có chú giải (2). Về hai mã chữ này, chúng tôi xin được nêu ý kiến như sau:

1. Về thời gian thực thi cách gọi vua là Quốc gia (國家) và thời điểm xuất hiện cách gọi vua là Quan gia (官家)

1.1. Về thời gian thực thi cách gọi vua là Quốc gia (國家).

Chúng ta biết rằng vua Trần Thái Tông lên ngôi vua vào ngày 12 tháng 12 năm 1225, ở ngôi 33 năm, nhường ngôi 19 năm, mất năm 1278. Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 18 (1250) nhà vua đã xuống chiếu cho thiên hạ gọi vua bằng Quốc gia (國家). Qui định gọi vua bằng Quốc gia lẽ dĩ nhiên được thực thi trong thời gian Trần Thái Tông ở ngôi đến năm 1258. Cách gọi vua bằng Quốc gia có được tiếp tục thực hiện trong thời gian vua Trần Thái Tông nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng hay không ? Hiện chưa đủ tư liệu để khảo cứu. Nhưng cách gọi vua bằng Quốc gia được tồn tại trong 9 năm (1250-1258).

1.2. Về thời điểm xuất hiện cách gọi Quan gia (官家)

Cho đến nay, chưa thấy tư liệu nào ghi chép về qui định gọi vua là Quan gia (官家). Tìm trong sử sách thì thấy có một lần, Trần Thái Tông khi đã nhường ngôi giữ chức Thượng hoàng gọi Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đến và muốn trao chức Tư đồ để tiếp sứ Bắc. Trần Quốc Tuấn trả lời:

與接之使者臣不敢辭。如拜司徒則臣不敢奉詔。況官家遠征,光啟浥從而陛下自行封拜,上下情意恐有未安不慡官家和光啟之意, 俟架回拜命不晚.

(Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr.200, tờ 1a-b).

Phiên âm: Dự tiếp chi sứ giả, thần bất cảm từ. Như bái Tư đồ tắc thần bất cảm phụng chiếu. Huống Quan gia viễn chinh, Quang Khải ấp tòng nhi bệ hạ tự hành phong bái, thượng hạ tình ý khủng hữu vị an bất sảng Quan gia hòa Quang Khải chi ý. Sĩ giá hồi bái mệnh vị vãn.

Dịch nghĩa: Dự tiếp sứ giả, thần không giám từ chối. Còn như thăng chức Tư đồ, thần không giám vâng chiếu, [vì] Quan gia đi đánh giặc phương xa, Quang Khải đi theo hộ giá mà bệ hạ tự làm việc phong chức, [e] lòng người trên dưới sợ có chỗ không yên và cũng không vừa ý Quan gia và Quang Khải. Đợi xa giá trở về, việc phong chức cũng chưa muộn.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Thánh Tông thân chinh đi đánh giặc phương xa vào năm Bảo Phù thứ 5 (1277). Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Bảo Phù thứ 5 (1277), vua Trần Thánh Tông, một lần hỏi Uy Văn Vương Toại (3) về nghĩa của từ Quan gia, Uy Văn Vương Toại đáp:

五帝官天下,三王家天下。故曰官家"Ngũ đế quan thiên hạ, tam vương gia thiên hạ. Cố viết quan gia" (Thời ngũ đế coi thiên hạ là của chung, thời tam vương coi thiên hạ là nhà chung (4) (Đại Việt sử ký toàn thư, bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), tr.186, tờ 37a-b). Cho nên gọi là Quan gia. Vua Trần Thánh Tông đã khen Uy Văn Vương Toại có kiến thức rộng.

Từ các cứ liệu nêu trên, cho thấy thời điểm xuất hiện cách gọi vua là Quan gia có thể vào thời Trần Thánh Tông lên ngôi vua ( 1259-1278).

2. Ý nghĩa của hai mã chữ Quốc gia (國家)

Qui định cách gọi vua bằng các thuật ngữ kính trọng có nguồn gốc từ Trung Quốc cổ xưa. Sử sách chép rằng Tần vương Doanh Chính sau khi tiêu diệt 6 nước Ngụy, Hàn, Triệu, Sở, Yên và Điền Tề thống nhất đất nước cho rằng danh hiệu Vương (王) không thích hợp với ông, bèn lệnh cho quan Thừa tướng và Ngự sử bàn đổi danh hiệu. Các quan xin đổi danh hiệu là Thái hoàng 泰皇. Tần Doanh Chính sau khi xem xét đã hạ lệnh bỏ chữ Thái 泰 để lại chữ Hoàng 皇, lấy chữ đế 帝 thời thượng cổ để ghép lại thành Hoàng đế 皇帝. Ý nguyện của Tần Doanh Chính lấy hiệu Hoàng đế là để công lao sự nghiệp của ông được lưu lại cho con cháu muôn đời.

Tần Doanh Chính sau khi lấy hiệu Hoàng đế, sai bề tôi suy nghĩ đề xuất các nội dung bảo đảm quyền uy hành xử cho Hoàng đế. Trước hết, về cách xưng hô, Hoàng đế tự xưng là Trẫm 朕, mệnh ban ra gọi là chế 制, lệnh ban xuống gọi là chiếu 詔... Đến đời Hán, những qui định bảo đảm quyền uy cho danh vị Hoàng đế được cụ thể hơn. Thiên tử nhà Hán tự xưng là Trẫm. Thần dân gọi Hoàng đế là Bệ hạ 陛下. Lời của Hoàng đế gọi là chế chiếu 制詔, sử quan ghi chép sự việc dâng lên vua gọi là thướng 上. Vật dụng Hoàng đế dùng như xa giá, y phục, khí giới gọi là thừa dư 乘與. Nơi Hoàng đế ở gọi là cấm trung 禁中, ấn 印Hoàng đế dùng gọi là tỷ 壁... Như vậy, một nội dung bảo đảm quyền uy hành xử cho Hoàng đế là cách xưng hô giữa Hoàng đế với dân chúng. Cách xưng hô này biểu thị sự tôn kính giữa thần dân với Hoàng đế. Các vương triều phong kiến Trung Quốc đời sau đều tuân theo qui định này.

Ở Việt Nam, thần dân cũng đã tiếp nhận cách xưng hô gọi vua là bệ hạ. Nhưng cũng có triều đại như vua Lý Thái Tông năm Thiên Thành thứ 7 (1034), xuống chiếu lệnh cho các quan khi tâu việc trước mặt vua thì gọi vua bằng Triều đình (朝庭) (5). Lý Thánh Tông xưng là Vạn Thặng, Lý Cao Tông bảo người gọi vua là Phật (6). Triều đình (朝庭) mang nhiều nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa chỉ nơi các quan vào triều nghị việc và cũng có nét nghĩa chỉ chính quyền trung ương giải quyết công việc, và là từ dùng để gọi thay cho từ đế vương. Cách xưng hô này biểu thị sự tập trung, và thâu tóm quyền lực của vương triều Lý.

Về nghĩa của mã chữ Quốc gia, theo Từ điển tiếng Việt thì từ này mang nét nghĩa chỉ nhà nước (Từ điển tiếng Việt. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999) hay nước hoặc nước nhà (Từ điển tiếng Việt, Nxb. KHXH, H. 1988). Để tìm hiểu ý nghĩa của hai mã chữ Quốc gia, chúng tôi tiếp cận các sự kiện xảy ra trong thời gian Trần Thái Tông cầm quyền thì thấy:

Việc tổ chức bộ máy nhà nước nhất là việc bổ nhiệm người để thực thi quyền lực, Trần Thái Tông đều dựa theo huyết thống. Theo Đại Việt sử ký toàn thư năm 1226, Trần Thái Tông phong Trần Thủ Độ là chú họ làm Quốc sư, năm 1234 cho Tri Thanh Hóa phủ sự. Tháng 5 năm 1226 phong em là Nhật Hiệu làm Khâm thiên Đại vương. Năm 1228 phong anh là Liễu làm Thái úy, năm 1234 lấy Thái úy Liễu làm Phụ chính. Năm 1236 định quan hàm: Phàm người tôn thất vào chính phủ hoặc là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái úy hoặc là Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc đều kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty Bình chương sự. Năm 1241, vua Trần Thái Tông phong con trưởng làm Đại vương, con thứ làm Thượng vị hầu.

Về kinh tế, nhà vua thực hiện việc cắt đất phân phong. Năm 1237, Trần Thái Tông đã lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang cho Liễu làm thang mộc ấp.

Về văn hóa xã hội, quan hệ vua tôi hòa thuận. Năm 1251 vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự, khi uống say, mọi người đứng cả dậy dang tay mà hát.

Từ các sự kiện nêu trên, có thể thấy quan niệm của nhà vua về công việc trị vì. Đó là quyền lực được chia sẻ cho dòng họ, đất đai được phân cắt cho anh em. Bổng lộc vua tôi cùng hưởng. Vua Trần Thái Tông lệnh cho thiên hạ gọi vua bằng hai chữ Quốc gia đã thể hiện ý nguyện của nhà vua muốn thần dân biết được quan niệm trị vì của ông và hai mã chữ này cũng thể hiện rõ chức năng của nhà vua đối với công việc xây dựng, bảo vệ đất nước Đại Việt.

Tư tưởng của Trần Thái Tông cũng đã được vua Trần Thánh Tông khi nối ngôi vẫn tiếp tục tinh thần trị vì của vua cha. Có lần Trần Thánh Tông nói với các tôn thất:

Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quí với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc của tông miếu xã tắc (7).

Có thể nói, vua Trần Thái Tông xuống chiếu cho thần dân gọi vua bằng Quốc gia. Hai chữ Quốc gia đã thể hiện quan niệm và trách nhiệm của nhà vua đối với đất nước Đại Việt.

Chú thích:

(1) Đại Việt sử ký toàn thư. T.II, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.23.

(2) Nguyên văn chú thích: Quốc gia, ngờ là bản in lầm. Vì Quan gia là tiếng để gọi vua đời Trần thường hay gặp. Chưa có sách nào ghi gọi vua là Quốc gia. Chúng tôi sửa lại. (Đại Việt sử ký toàn thư. Tập II, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.22).

(3) Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Uy Văn Vương Toại là chồng của công chúa Thụy Bảo. Công chúa Thụy Bảo là con gái của vua Trần Thái Tông.

(4) Chúng tôi dịch theo cách giải thích của Từ nguyên. Thương vụ ấn thư quán. 1999. Bắc Kinh. Mục từ Quan. tr.444.3

(5) Đại Việt sử ký toàn thư. T.I, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.256.

(6) Đại Việt sử ký toàn thư. T.I, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.256. ghi theo lời bình của sử thần Lê Văn Hưu.

(7) Đại Việt sử ký toàn thư. T.II, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.37.

Tài liệu tham khảo

1- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1971.

2- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1998.

3- Từ điển tiếng Việt. Nxb. KHXH, H. 1988.

4- Từ điển tiếng Việt. Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1999.

5- 中國官制大辭典。黑龍江人民出版社。1992

6-中國官制史。中國出版集團。東方出版中心。2006

7- 辭源。商務印書館。北京。1999 .

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 6 - 2008

No comments:

Post a Comment