Sunday, 24 June 2012

Chuyện về tấm bia Alexandre de Rhodes (Nguyễn Ngọc Tiến)

Nhà bia Alexandre de Rhodes khánh thành vào 5h chiều ngày 29/5/1941. Đó là phương đình bốn mái trên nền xi măng gấp khúc 12 cạnh có ba lối lên 5 bậc. Bên trong là bia đá cao 1, 7mét, rộng 1, 1mét, dầy 0, 2 mét trên đế cao 0, 5 mét. Trên mặt bia tóm lược cuộc hành trình truyền giáo và công lao của Alexandre de Rhodes trong việc chế tác chữ quốc ngữ được khắc bằng ba thứ tiếng: Quốc ngữ, Hán và Pháp. Trong văn bia có đoạn: "Khi phải rời bỏ xứ Việt Nam, người lấy làm tiếc nên có nói: Phần xác ta rời bỏ đất Nam với đất Bắc nhưng thực lòng ta vẫn quyến luyến, nói cho đúng, vẫn bàng hoàng với cả hai nơi và ta chắc rằng không bao giờ lòng ta lại quên hai xứ ấy".
Tuy có sự đánh giá khác nhau về ông Alexandre de Rhodes nhưng theo GS.TSọ Nguyễn Duy Quý thì đã có sự thống nhất ở những điểm: Việc chế tác chữ quốc ngữ là công trình tập thể của nhiều linh mục dòng Tên người châu âu trong đó nổi bật là vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rohodes. Công việc này cũng có sự cộng tác tích cực hữu hiệu của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục) mà cho đến nay chưa ai biết tên tuổi của họ. Alexandre có công lớn ở chỗ ông đã góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ quốc ngữ, đặc biệt ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn, tổ chức in ấn lần đầu cuốn Từ điển Việt - Bồ - La (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và Phép giảng tám ngày. Xét từ góc độ ngôn ngữ, Diễn giải vắn tắt về tiếng An Nam hay tiếng Đàng Ngoài (in chung trong từ điển) có thể xem như công trình khảo cứu đầu tiên về ngữ pháp tiếng Việt và cuốn Phép giảng tám ngày là tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói hàng ngày của người Việt Nam thế kỷ XVII. Chữ quốc ngữ năm 1651 của Alexandre trong Từ điển Việt - Bồ - La mặc dù đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải 121 năm sau (1772) với những cải cách quan trọng của Pigneau de Béhaine thì chữ mới có được diện mạo giống như hệ thống chữ viết hôm nay.
2. Nói đến Alexandre de Rhodes không thể không nói đến việc truyền đạo của giáo sỹ này và Nhà Thờ lớn Hà Nội. Nhà thờ này được xây dựng trên nền chùa Báo Thiên, hoàn thành vào năm 1890 do giám mục Puginier thiết kế và giám sát việc xây dựng. Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã thỏa mãn mong muốn ý định của Puginier xây nhà thờ mới bằng cách xui người dân nói rằng chùa hư hại nặng nếu để sẽ nguy hiểm cho người qua lại nên cho phép phá và chính Nguyễn Hữu Độ tận tay đưa miếng giấy thu hồi đất cho Công sứ Bonnal. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1884 với nguồn vốn đầu tiên thu được từ tiền cuộc xổ số 10.000 vé, mỗi vé 1 đồng. Giám mục Puginier tự kiểm tra gạch và ngói của các lò nung dành cho công trình này. Ngoài ra còn tiền cúng biếu và đợt phát hành xổ số lần thứ hai cho phép Nhà Thờ nhanh chóng có được số tiền cần thiết.
Nhà Thờ có hai tháp chuông cao 31, 5 mét. Theo sử sách, vào năm 1056 vua Lý Thánh Tông cho lập một ngôi chùa ở khu vực này đặt tên là Sùng Khánh. Năm 1057 lại cho xây tháp rất cao và đặt tên là tháp Đại Thắng Tư Thiên. Gọi tắt là Báo Thiên tháp. Do vậy chùa cũng có tên là chùa Báo Thiên. Đời nhà Trần, Phạm Sư Mạnh có bài "Vịnh Tháp báo Thiên": "Trấn áp Đông Tây củng đế kỳ / Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy / Sơn hà bất động kình thiên trụ / Kim cổ nam ma lạp địa chùy / Phong bãi chung linh thời ứng đáp / Tinh di đăng chúc dạ quang huy / Ngã lai dục thủ đề danh bút / Quản lĩnh xuân giang tác nghiễn trì". Tạm dịch: (Trấn áp từ Đông sang Tây làm vững đất kinh kỳ / Ngọn tháp sừng sững cao vòi vọi / Là cột chống trời, giữ cho non sông chẳng động / Là dùi cắm đất, xưa tới nay không mòn / Tiếng chuông, tiếng gió chen nhau / Ảonh đền ánh đuốc ánh sao băng làm đêm rực sáng / Ta tới đây muốn dầm ngòi bút đề thơ / Phải giữ cho dòng sông làm nghiên mực). Rồi chùa và tháp bị đổ nát vì giặc giã và thời gian.
3. Ông Nguyễn Việt Minh (nhà ở tập thể của bảo tàng lịch sử phố Trần Khánh Dư), học khóa đầu tiên 4 năm rưỡi về bảo tồn bảo tàng tại trường Nghiệp vụ Bộ Văn hóa (hiện là trường Đại học Văn hóa).
Năm 1992, sau mấy năm đổi mới, Hà Nội bắt đầu chuyển mình, nhiều hộ gia đình khá lên rục rịch xây nhà, ông thuê cửa hàng mở nghề làm cửa sắt các loại. Một buổi sáng ông Minh lên chợ Đồng Xuân mua vật liệu đến đúng trước cửa nhà máy Nước đá (Phố Trần Quang Khải), ông muốn đi vệ sinh liền ghé xe vào gần bờ đê và vô tình ông thấy phiến đá phẳng bị cỏ phủ lên. Tò mò, lật đám cỏ ra và cỏ đất bám trên mặt ông giật mình vì đó là tấm bia, lại càng thót tim hơn khi đó là tấm bia Alexandre de Rhodes.
Thời kỳ Bắc thuộcT, Sĩ Nhiếp, Thái phụ Giao chỉ có công truyền bá chữ Hán cho dân Việt Nam đã được suy tôn làm Nam bang học tổ, gọi là Sĩ Vương và được nhân dân lập đền thờ, trong khi Alexan de Rhodes có công mang lại chữ viết cho cả người Việt và trở thành chữ Quốc ngữ lại nằm ngoài bờ đê, ông thấy nhói trong lòng. Từng làm việc ở Bảo tàng ông hiểu nếu mang về nhà không kín đáo có thể bị kết tội chiếm đoạt di tích cho dù nó nằm ở bờ đê. Đêm muộn ông nhờ Hùng "toét" lái xe chở về và phải thuê cửu vạn bí mật khiêng vào đặt lên chỗ cống không có nắp. Không một ai trong khu nhà ông biết. Phần tiếng Pháp trên tấm bia đã bị bào mòn, nhưng phần chữ Việt thì còn nguyên. ông có một người bạn là họa sỹ Nguyễn Quang Cậy, ông Cậy cũng biết ông Dương Trung Quốc và qua ông Cậy, ông Dương Trung Quốc có ý định đưa ba triệu đồng để lấy bia nhưng ông không đồng ý. Khi nghe tin Hội nghị Pháp ngữ tổ chức tại Hà Nội (1997), cũng biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt coi trọng di sản văn hóa nên ông nhờ người báo cáo lên Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau đó Bộ cử người xuống và mang đi. Từ khi tình cờ phát hiện ra tấm bia đến khi giao cho cơ quan chủ quản, ông đã đi lần mò ra tấm bia bị tháo bỏ ngày nào và hành trình lưu lạc của nó...
Đêm ngày 9/10/1984, xe cẩu, công nhân kéo đến bia Alexandre de Rhodes rồi người ta dùng cần cẩu loại nhỏ cẩu tấm bia mang quẳng ra mép hồ xí nghiệp Cơ khí 204 (ngoài đê sông Hồng). Tấm bia nằm đó không lâu thì một ông xích lô ở ngõ Pháo Đài trong lúc đi vệ sinh phát hiện ra tấm đá to lại bằng phẳng liền gọi vợ con lại và nhờ đám bạn xích lô mang về lát chỗ rửa rau vo gạo. Nhưng được một thời gian trong gia đình ông có nhiều người đau ốm, thuốc men tốn rất nhiều tiền mà bệnh tình không lui. Đi xem, thầy phán nhà có đồ thờ cúng lạ, ông nghĩ ngay đến tấm bia. ông lại nhờ bạn bè khiêng lên xe chở ra bờ đê và hạ xuống ngay trước cửa nhà máy Nước đá. Đoạn đê này lúc đó còn là đất, cỏ dại mọc um tùm. Từ khi quẳng tấm bia đi vợ con ông hết bệnh tật ốm đau...
Nguyễn Ngọc Tiến

No comments:

Post a Comment