Wednesday, 27 June 2012

Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau (Chương Thâu)


1.

Trong cuốn sách Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo) của linh mục Alexandre de Rhodes do Cramoisy xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19 của phần thứ ba có một câu viết nguyên văn:

J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape”. 

Và câu này, được Hồng Nhuệ dịch ra Việt ngữ trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994, ở trang 263 như sau:

“Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôimấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Ðức Giáo hoàng.” 

(Người dịch chú thích từ chiến sĩ ở đây: Nói chiến sĩ Phúc Âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng – trang 289).

Ðiều đáng chú ý là: người dịch bám rất sát “văn cảnh” và dịch tương đối thoát (có vài từ không được sát đúng nguyên nghĩa), đặc biệt cụm từ plusieurs soldats, dịch là “mấy chiến sĩ”.


2.

Thế nhưng, cũng chính câu nguyên văn này, tác giả Cao Huy Thuần trong bản Luận án tiến sĩ quốc gia – Khoa học Chính trị, Đại học Paris, tựa đề: Ðạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857-1914, xuất bản tại Paris, năm 1968, lại đã trích không trọn câu và đã dịch ra tiếng Việt (do Hương Quê xuất bản ở Los Angeles – Mỹ, năm 1988) như sau:

“Tôi tin rằng: Pháp (ông viết: écrivait il, Cao Huy Thuần thêm hai từ này) là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh sĩ để đi chinh phục toàn thể phương Ðông, cũng như ở đó, tôi sẽ có cách để có nhiều giám mục vốn là Cha và các Thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó”. 

Tác giả trích dẫn và sử dụng câu này như một luận cứ cho Luận án nhằm góp phần:

"- Trình bày những nguyên nhân và mối liên hệ giữa các nhà truyền giáo và chính quyền Pháp trong việc xâm lăng và đô hộ Việt Nam. Và

- Qua Luận án này, chúng ta sẽ có đủ bằng chứng để thấy những nguyên nhân chính yếu trong việc Pháp xâm lăng và đô hộ Việt Nam, từ đó đưa đến những tai họa mà dân tộc ta đã và đang gánh chịu trong suốt mấy thế kỷ nay” (trang 4). 

Tuy vậy, Cao Huy Thuần cũng đã đi đến một “kết luận” vừa phải:

“Tìm cách phục hồi sự thật lịch sử, không hề nhằm kết tội một ai, lại càng không phải là gieo rắc bất hòa giữa người Thiên chúa và phi Thiên chúa. Trái lại, nó giúp hiểu rõ vấn đề để không phạm lại những lỗi lầm cũ. Những lỗi lầm đã gây nên nhiều tranh chấp đẫm máu giữa người Giáo và người Lương trong quá khứ và hiện giờ chúng còn ngăn cản họ cùng nhau sống hòa bình dưới một mái nhà. (Chúng ta không) né tránh vấn đề hay che đậy sự thật như người ta thường làm ở Việt Nam.” 

3.

Một tác giả khác, người Anh, tên là Helen B. Lamb, trong công trình nghiên cứu, tựa đề Vietnam’s Will to Live, xuất bản năm 1972 cũng đã “dẫn dụng” câu trên của A. de Rhodes, dịch ra tiếng Anh.

“I believed that France, as the most pious of all Kingdoms would furnish me with soldiers who would undertake the conquest of the whole Orient, and that I would find the means for obtaining bishops and priests who were French men to man the new churches” (tr. 38, 39).

Ở đây, từ soldiers vẫn được hiểu là “nhiều binh lính”, cho nên tác giả đã “bình luận” thêm rằng:

“A. de Rhodes ôm mộng nước Pháp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chiếm Việt Nam làm thuộc địa” (“Alexandre de Rhodes held to his dream that France should play the key role in colonizing Vietnam”, p. 38). 


4. 

Giáo sư Hoàng Tuệ, trong cuộc Hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam” – nhân 90 năm thành lập Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam – họp tại Hà Nội những ngày 3, 4, 5 tháng 12 năm 1992, có đọc bản tham luận “Về sự sáng chế chữ Quốc ngữ”, trong đó có đề cập đến vai trò của A. de Rhodes và có “dẫn dụng” câu trên của A. de Rhodes (nhưng lại không trích trực tiếp từ tác phẩm Hành trình và truyền giáo, nguyên bản của A. de Rhodes, bản in năm 1653, mà lại trích gián tiếp qua bản của De Francis mới viết năm 1977, và cũng không trích dịch trọn câu đủ ý).

Giáo sư Hoàng Tuệ viết:

“A. de Rhodes quê ở Avignon, lãnh địa của Giáo hoàng trên đất Pháp. Ông vẫn gắn bó với nước Pháp. Ông viết trong hồi ký: ‘Tôi nghĩ là nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôibinh lính để chinh phục toàn phương Ðông và đặt nó dưới quyền Jésus Christ’. Ông đã tiến hành một chuyến đi Pháp. Ở đây ý kiến của ông được hoan nghênh. Kết quả là sự thành lập Société des Missions Étrangères de Paris năm 1661, chỉ bao gồm các giáo sĩ Pháp... Từ đó thế lực của Giáo hội Pháp ở Việt Nam mạnh lên. Có thể nghĩ là chữ Quốc ngữ, ngoài ý nghĩa thực tiễn, còn có ý nghĩa chính trị nhất định trong phạm vi các Giáo hội khác ở Việt Nam.” 


5. 

Do có ý kiến tham luận như vậy, nên nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu tại cuộc Hội thảo này đã có ý kiến trao đổi lại với giáo sư Hoàng Tuệ như sau:

“Qua đoạn vừa trích trên đây, người đọc có cảm tưởng Giáo sư Tuệ đã ám chỉ A. de Rhodes là thân Pháp, xui Pháp đem binh lính xâm chiếm phương Ðông và chữ Quốc ngữ... còn có ý nghĩa chính trị”.

Và đến lượt, ông Nguyễn Ðình Ðầu đã dịch lại câu trên của A. de Rhodes đồng thời chú thích một số từ dùng trong câu của A. de Rhodes, cũng là nhằm đối thoại và biện minh với giới nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn, như sau:

“Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được Giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các Giáo hội này” (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). 

Ông Nguyễn Ðình Ðầu biện giải thêm: “Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn “chinh phục toàn phương Ðông” là để cho “nước Cha trị đến”, chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. “Chinh phục” hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị. Vì ngộ nhận trên, người ta mới gán cho chữ Quốc ngữ “còn có ý nghĩa chính trị” vậy!


6.

Cũng vào thời gian cuối tháng 3-1993, tại một cuộc Hội thảo “Tưởng niệm A. de Rhodes, nhân 400 năm ngày sinh của ông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, có nhiều nhà khoa học tham dự, đọc tham luận. Trong đó Giáo sư sử học Ðinh Xuân Lâm, một lần nữa lại đề cập “câu chữ” trên đây của A. de Rhodes và dịch lại (theo đúng văn cảnh, bối cảnh lịch sử thế kỷ 17) cụm từ plusieurs soldats là "chiến sĩ truyền giáo", vào coi như “lần cuối cùng đính chính lại sự lầm lẫn" (dịch soldat là lính chiến, là quân lính đi xâm lược) như trước đây trong một số giáo trình lịch sử Việt Nam đã dẫn dụng.

Chính trong cuộc Hội thảo đó của Hội Sử học đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa v.v...) nhằm khôi phục vị trí xứng đáng cho linh mục A. de Rhodes, người đã góp phần quan trọng trong việc chế tác ra chữ Quốc ngữ cũng như một số hoạt động văn hóa (trứ tác các công trình sử học giá trị).

Cũng do vậy mà hiện nay, đã có quyết định khôi phục lại tên đường phố Ðắc Lộ ở thành phố Hồ Chí Minh, dựng lại bia 1941 [1] tại khuôn viên Thư viện Quốc gia ở Hà Nội v.v...

Vấn đề đánh giá thỏa đáng công lao của A. de Rhodes đối với nền văn hóa Việt Nam, đến nay, theo tôi được biết, đã có thể về cơ bản đáp ứng đúng đắn được tâm cảm của mọi người. Chúng ta thành kính ghi nhận tầm nhìn sáng suốt của các giới lãnh đạo của Ðảng và của Nhà nước ta đối với danh nhân văn hóa Alexandre de Rhodes. Các công trình trứ tác có giá trị của A. de Rhodes, như Từ điển Bồ La, Phép giảng tám ngày, Hành trình và truyền giáo, Lịch sử xứ Ðàng Ngoài cũng đã được in ấn, xuất bản lần lượt trong mấy năm qua và được bạn đọc đón nhận một cách trân trọng. Ðiều đó nói lên rằng, nhân dân ta biết rất rõ chân giá trị của A. de Rhodes và cũng đã dành cho ông một vị trí xứng đáng.


7.

Còn có điều đáng phiền lòng là gần đây, có một số nhà nghiên cứu (?) người Việt ở hải ngoại đã có vài việc làm, xem ra không mấy thiện chí, tỏ ra không đồng thuận với cách đánh giá A. de Rhodes của chúng ta.

Cụ thể là vào hồi tháng 10-1994, tại Hoa Kỳ (San Diego) có một nhà xuất bản (không rõ tên) đã cho in lại bản dịch cuốn Thiên Hồ! Ðế Hồ!, một tác phẩm quan trọng của Phan Bội Châu viết năm 1923 nhằm vạch trần tội ác của thực dân Pháp, lợi dụng tôn giáo (Thiên chúa giáo) và thông qua một số kẻ “đội lốt thầy tu” để xâm lược, áp bức nhân dân ta, như Bá Ða Lộc (Pigneau de Béhaine).

Họ giữ lại nguyên văn bản dịch (của Chương Thâu – Nxb Khoa học Xã hội 1978) nhưng đã thay 30 trang nghiên cứu phân tích tác phẩm của người dịch bằng một Lời giới thiệu dài 13 trang do Cửu Long Lê Trọng Văn ký tên.

Trong Lời giới thiệu này, tác giả đã dẫn lại câu chữ (đã nói ở trên) của A. de Rhodes và cũng đã cố tìnhhiểu chữ “soldat” ở đây là quân lính xâm lược! Tác giả đã có những câu thêm vào bình luận về cụ Phan như sau:

“Cụ Phan còn nêu đích danh kẻ đội lốt tôn giáo Pigneau de Béhaine đã mở đường dẫn lối cho Pháp đến chiếm nước ta. Sự thật thì Bá Ða Lộc đâu phải là kẻ đội lốt tôn giáo đầu tiên. Ông ta chỉ là kẻ thừa kế để tiếp tục thực hiện ý đồ của kẻ đội lốt tôn giáo Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) mà thôi!"

Như vậy là Cửu Long Lê Trọng Văn vẫn dừng lại ở nhận thức của Helen B. Lamb năm 1972 trong cuốnVietnam’s Will to Live, Lê Trọng Văn cũng tỏ ra cực đoan hơn cả những người cực đoan nhất trong cách đánh giá A. de Rhodes. Ông ta cũng tỏ ra không biết gì về những thông tin mới nhất đối với A. de Rhodes ở “quốc nội” cả.

Và cuối cùng, nhân bài viết này, tôi muốn gửi thêm một ý nhỏ đối với tác giả Lời giới thiệu (mới) cuốnThiên Hồ! Ðế Hồ! và với những người tái bản (chui, không xin phép tác giả, nhà xuất bản và dịch giả) cuốn sách này rằng:

Việc cấu tạo thêm một phần Phụ lục (mới) cho lần in lại nầy là với ý đồ không mấy trong sáng.

Phần Phụ lục (mới) này tại sao lại có thể đưa thêm mấy bài viết:

  • "Mối tình giữa một nhà cách mạng Việt Nam và một nhà học giả Trung Quốc" (PBC với Hồ Thích) của Nguyễn Hiến Lê.
  • "Cụ Phan Bội Châu ở Hàng Châu" – Hồi ký của Nguyễn Thượng Huyền.
  • "Tại sao tôi không theo đạo Kitô và tại sao tôi không theo cộng sản" của Bertrand Russell và nói là “để bổ túc cho tác phẩm Thiên Hồ! Ðế Hồ! thêm súc tích (!) và... vì nó giúp cho quan điểm của Bertrand Russell được nhất quán và minh bạch hơn (!)
thì thật là không có gì vô nghĩa lý hơn, ngoài cái nghĩa lý (cái ý đồ) chống Kitô giáo và chống cả cộng sản!

Tóm lại, trở về chủ đề của bài viết này, ý kiến cá nhân tôi, sau khi phân tích so sánh các câu dẫn dụng từ một câu dịch nguyên văn của A. de Rhodes, tôi đồng ý với cách diễn giải của Hồng Nhuệ và của Nguyễn Ðình Ðầu. Ðọc kỹ toàn văn cuốn Hành trình và truyền giáo, chúng ta dễ dàng nhận thấy tư tưởng và nguyện vọng của nhà truyền giáo A. de Rhodes ở thế kỷ XVII này.

Nhưng để tránh những suy luận chủ quan, người nghiên cứu có thái độ nghiêm túc, thận trọng... Một khi gặp phải “câu chữ” có thể có nhiều ý suy đoán như câu trên đây, chúng ta nên mở đóng ngoặc ghi nguyên văn – để tiện đối chiếu, để tránh được cái lối “dĩ hư truyền hư” và chủ quan võ đoán. Âu cũng là một kinh nghiệm đối với giới khoa học xã hội nhân văn vậy.

Hà Nội 14 tháng 12 năm 1995



[1] Bia do cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ Tịch Hội Truyền Bá Quốc Ngữ xây dặt gần đền B Kiệu – Hồ Gươm, Hà Nội.

No comments:

Post a Comment