Tiếng Pháp có một số từ vừa chỉ sự vật vừa chỉ ngành học về sự vật đó, ví dụ như:
-morale tương đương với luân lý trong tiếng Việt, nhưng cũng có khi chỉ ngành luân lý học;
-éthique có thể được dịch là đạo đức và cũng có nghĩa là đạo đức học;
-algèbre là đại số học và cũng là đại số (như K-đại số, đại số xích ma, đại số Bun...);
-statistique vừa là việc thống kê, vừa chỉ ngành học về công việc đó (thống kê học);
-philosophie khi là triết lý, khi là triết học;
-psychologie là tâm lý và cũng là tâm lý học.
Có khi người Việt thấy cần phải thêm học để nói rõ đó là ngành khoa học chứ không phải đối tượng của ngành:
Một người nghiên cứu tâm lý học phụ nữ ắt phải rành tâm lý đàn bà.
Các K-đại số là đối tượng nghiên cứu của đại số học.
...
Tuy nhiên nếu không sợ gây ngộ nhận, người ta vẫn có thể bỏ học. Khoa triết chính là khoa triết học; chuyên ngành triết Tây là triết học phương Tây; không ai hiểu nhầm. Người sành tâm lý phụ nữ là người biết ý các bà muốn gì mà có thể chẳng cần học, chẳng cần thi gì hết; nhà nghiên cứu tâm lý phụ nữ nhất định phải qua một học trình nghiêm túc. Nói tóm lại, không có gì ngăn cản từ tâm lý của tiếng Việt cũng đa nghĩa như từ psychologie của tiếng Pháp. Có thêm tâm lý học là tốt mà không có thì nhiều lúc cũng chẳng sao. Trong nhiều trường hợp, bỏ học vừa ngắn gọn, nhẹ nhàng ((trong ngành toán, tô pô và tô pô học là đồng nghĩa tuyệt đối)) lại vừa an toàn hơn, để thiên hạ muốn hiểu gì thì hiểu vẫn hơn là bắt người ta chỉ hiểu một cách (thử so đạo đức với đạo đức học chẳng hạn).
No comments:
Post a Comment