Saturday, 16 June 2012

Quark và tiếng quạ (An Chi - Người Đô Thị)

Quark và tiếng quạInEmail
Học giả An Chi   
Chữ quark xuất xứ từ một câu trong tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce.
Trong bài Số phận của những từ lạ, đăng trên Ngôn ngữ và đời sống số 6 (188)-2011, GS Nguyễn Đức Dân viết: “Một từ mới được đặt ra cho một khái niệm khoa học thường được dùng vĩnh viễn. Một nhà khoa học Mỹ phát hiện một loại hạt cơ bản. Trong lúc loay hoay tìm tên đặt cho loại hạt này thì nghe tiếng quạ kêu. Ông bèn gọi hạt này là quark. Cái từ mô phỏng tiếng quạ kêu nghe lạ lẫm này trở thành một thuật ngữ được dùng luôn trong vật lý lượng tử”.
Ngôn ngữ khác, tiếng kêu khác
Thực ra, trước GS Dân đến hơn 21 năm, trên Kiến thức ngày nay xuân Canh Ngọ (1990), GS Nguyễn Chung Tú đã viết còn kỹ hơn: “Nhà vật lý Gell Mann, vào khoảng năm 1963, nhận thấy trong vật lý hạt nhân có đến hàng trăm hạt, hạt nào cũng được coi là cơ bản, nghĩa là không phân tích được. Ông cho thế là vô lý. Theo ông, chỉ có điện tử, quang tử chắc chắn là những hạt cơ bản. Còn proton họp bởi ba hạt, những hạt này mới thật là cơ bản. Neutron cũng họp bởi ba hạt, nhưng sắp xếp hơi khác. Meson họp bởi hai hạt. “Hạt cơ bản, mẫu số chung của các hạt, ta gọi là gì bây giờ?”. Gell Mann tự hỏi như vậy. Ông đang phân vân thì một đàn quạ bay trên trời và kêu “quaaa … quaaa …” ông reo lên: “Hạt cơ bản ta gọi là quark.” Đó là bản khai sinh của quark” (tr. 38-39).

Chúng tôi không biết có phải đây là câu chuyện do GS Tú nói trước, rồi GS Dân nói theo hay không. Nhưng có lẽ nó phải là chuyện xuất xứ từ Việt Nam thì quạ mới kêu “quaaa … quaaa” vì trong cái lĩnh vực “chụp ảnh” tiếng động của đồ vật hay tiếng kêu của động vật bằng tiếng người thì mỗi dân tộc một khác.
Ngay trong một dân tộc mà những tiếng “kêu” đó  có khi cũng còn khác nhau giữa các phương ngữ nữa là! Ở miền Nam Việt Nam thì vịt kêu “cạp cạp” nhưng ở miền Bắc là “cạc cạc”; ở miền Bắc thì chó sủa “gâu gâu” còn ở miền Nam là “uấu uấu”; con mèo trong Nam thì kêu “ngao ngao” nhưng ở ngoài Bắc thì lại là “meo meo” v.v.. Quạ mà kêu “quaaa  quaaa” hay “quark quark” là nghe theo cái tai của người Việt Nam, hoặc của riêng cá nhân, chứ đã là dân Huê Kỳ như Murray Gell-Mann thì phải nghe thành caw caw, không có âm đệm [w] (như trong tiếng Việt), mà cũng chẳng có [k] cuối!
Mòng hát, quạ kêu và người gọi bia
Thực ra thì chữ quark xuất xứ từ một câu trong tiểu thuyết Finnegans Wake của James Joyce, câu “Three Quarks for Muster Mark”, ở đầu chương 4 của quyển 2. Đây là một câu do dàn đồng ca của chim biển hát và theo ghi chú của chính Joyce thì nó có nghĩa là “Ba tiếng hoan hô (hoặc ba lời chế giễu) dành cho ông Mark.” Đây là một trong 13 câu thơ thô tục châm chọc vua Mark, người chồng bị cắm sừng trong câu chuyện Tristan và Isolde. Bài thơ và phần văn xuôi tiếp theo chứa đựng nhiều tên chim và những từ gợi liên tưởng đến chim; riêng bài thơ là một lời châm chọc đối với ông vua bằng cách phát âm và giọng điệu phảng phất tiếng kêu của quạ. Chữ quark bắt nguồn từ động từ quark của tiếng Anh chuẩn mực, có nghĩa là kêu (để nói về quạ), cũng như từ động từ quawk của phương ngữ, có nghĩa là líu lo (như chim). Nhưng xin nhớ rắng đây là động từ chứ không phải từ tượng thanh (onomatopoeia). Đó là lý do đưa đến việc James Joyce chọn từ quark. Nhưng tại sao nó lại được Gell-Mann chọn làm tên gọi cho một nhóm hạt? Thì đây, trong quyển The Quark and the Jaguar (1994), Gell-Mann đã nói rõ: “Năm 1963, khi tôi đặt cái tên quark cho các thành phần cơ bản của hạt, thì trước hết tôi có cái âm mà không có cách viết; cái âm đó sẽ là “kwork”. Rồi trong một lần tình cờ đọc kỹ lại quyển Finnegans Wake của James Joyce, tôi bắt gặp từ “quark” trong câu “Three quarks for Muster Mark”. Vì lẽ “quark” (có nghĩa trước hết là tiếng kêu của mòng biển [gull]) rõ ràng được dụng ý cho hợp vần với Mark, cũng như với bark và những từ như thế (ở những câu tiếp theo - A.C.) nên tôi đã phải tìm một cái cớ mà đọc nó thành “kwork”.
Nhưng quyển sách lại thể hiện giấc mơ của một người chủ quán tên là Humphrey Chimpden Earwicker. Ngôn từ trong văn bản được lấy từ nhiều nguồn cùng một lúc, như những từ va li (portmanteau) trong Through the Looking-Glass (Xuyên qua tấm gương soi, của Lewis Carroll - A.C.). Thỉnh thoảng ở trong sách, lại xuất hiện những câu mang đặc tính của những lời gọi thức uống tại quầy rượu. Vì vậy tôi bèn lý sự rằng có lẽ là trong nhiều lần gọi thức uống đó thì câu “Three quarks for Muster Mark” có thể là “Three quarts for Mister Mark” (Ba vại cho ông Mark nào! - quart thực ra là một lít Anh). Trong trường hợp như thế, cách phát âm thành “kwork” không phải là không có lý do. Dù sao thì con số ba cũng ăn khớp một cách hoàn hảo với phương thức mà quark xuất hiện trong thiên nhiên”.
Thực ra thì  trước đó 16 năm, trong bức thư ngày 27-7-1978 gửi nhà biên tập Oxford English Dictionary, Gell-Mann cũng đã viết: “Sự liên tưởng đến ba quark có vẻ hoàn hảo” (thoạt kỳ thủy chỉ có ba quark hạt nguyên tử).
Trở lên là hành trình rối rắm và không kém phần lập dị từ chữ quark văn học của James Joyce đến chữ quark vật lý của Murray Gell-Mann. Với Joyce thì, theo phân tích, còn có một chút xíu bóng dáng của quạ chứ sang đến Gell-Man thì đó lại là mòng biển (gull) và những tiếng gọi… bia! Nhưng oái oăm hơn nữa là đến GS Nguyễn Chung Tú và GS Nguyễn Đức Dân thì nó chỉ còn là một con đường thẳng tuột: tiếng kêu của quạ! 

1 comment: