Monday, 2 July 2012

Lại “kiêng húy”! (Cao Tự Thanh)

Lại “kiêng húy”!


Tiên sinh cho em hỏi là chữ Châu – Chu ở tiếng Hán là hai chữ khác nhau mà sao tiếng Việt dùng khi thì Chu khi thì Châu lộn tùng phèo. Em biết là ngày xưa kỵ húy nên đọc trại đi. Riết rồi người ta quen nên thành phương ngữ luôn, giống như Huỳnh – Hoàng, Võ – Vũ, Nghĩa – Ngãi… Nhưng chữ Châu – Chu lại không phải như vậy?

Mới ra Sài Gòn về thì thấy cái này chỗ quick comment, vừa bực mình vừa buồn cười nhưng vì đã hơi say nên chưa tiện trả lời. Trước hết cứ coppy lại cái entry a02 để người hỏi xem đã, rồi sẽ nói rõ vụ Châu – Chu.
_____

Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… với vấn đề “kiêng húy”
 
Trước nay, không ít người vẫn coi hiện tượng các từ Việt Hán có hai âm đọc song vẫn không thay đổi ý nghĩa từ vựng và chức năng ngữ pháp như Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… là kết quả của việc kiêng húy các vua chúa phong kiến. Đáng tiếc là đến nay quan niệm sai lầm ấy vẫn được nhiều trí thức trong đó có cả một số nhà ngôn ngữ học chính thức thừa nhận và công khai phổ biến. Cho nên cần phải có một sự đính chính trước khi người ta kéo nhau đi tìm tên vợ con và bà con nội ngoại của các vua chúa để giải thích bằng được và bằng hết những Cương – Cang, Cảnh – Kiểng, Chính – Chánh hay Uy – Oai, Tiến – Tấn, Tùng – Tòng…
Nếu thống kê chi tiết toàn bộ những An – Yên, Bách – Bá, Càn – Kiền, Chân – Chơn, Dũng – Dõng, Đương – Đang, Giới – Giái, Hợp – Hiệp, Khỉ – Khởi, Lã – Lữ, Mệnh – Mạng, Nhật – Nhựt, Trường – Tràng, Thịnh – Thạnh, Súy – Soái, Vũ – Võ…, thì con số các từ Việt Hán bị đọc chệch âm nói trên sẽ vượt xa tất cả đồng thời chẳng có gì ăn khớp với những cái tên vua chúa Việt Nam (chẳng hạn gần đây có người cho rằng vì kiêng húy các chúa Trịnh Tùng, Trịnh Cương nên dân Việt ở miền Bắc đọc Tùng, Cương ra Tòng, Cang như tam tòng, tam cang (1), song người ta không hiểu vì sao hai ông chúa ấy lại cứ để yên cho thiên hạ lếu láo đọc tên Trịnh Kiểm là Kiểm không có chút gì là kiêng húy…). Thứ nữa, quan sát địa bàn phân bố của các cặp âm bị đọc chệch ấy qua chứng cứ lịch sử là các địa danh Việt Nam, có thể thấy rằng phần lớn những Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Thái Lai, Nghĩa Xá là ở miền Bắc còn Phước An, Bình Phước, Tân Thới, Quảng Ngãi là ở miền Nam, điều này cho thấy đây là sản phẩm của một tiến trình lịch sử. Sau cùng, sự chệch âm ở nhiều cặp vần loại Chính – Chánh, Đỉnh – Đảnh, Lĩnh – Lãnh, Sinh – Sanh (Anh = Inh), Du – Do, Phù – Phò, Vũ – Võ (O = U) hay Uy – Oai, Súy – Soái, Thụy – Thoại (Oai = Uy)… lại mang tính hệ thống khác hẳn việc kiêng húy vài ba cái tên vua chúa lẻ tẻ, tình hình này chỉ có thể là kết quả của các quy luật ngữ âm. Tóm lại, hiện tượng đọc chệch hay nói chính xác là chuyển âm nói trên không thuộc về phạm trù sở thích tự trọng lố lăng của các vua chúa ngày trước và nhiệt tình tôn quân lạc lõng của các nhà Kiêng Húy học hiện đại, mà là một vấn đề ngôn ngữ học trên hai phương diện phương ngữ và ngữ âm.
Thời Bắc thuộc, dân Việt học chữ Hán như một sinh ngữ, nghĩa là phải đọc đúng theo cách phát âm (âm chuẩn) đương đại ở Trung Hoa. Nhưng từ khi nước ta giành được độc lập thế kỷ X trở đi, cách đọc ấy đã bị tách rời với những thay đổi ngữ âm ở Trung Quốc. Cái ranh giới Việt Hán – Hoa Hán trên lãnh vực này dần dần xuất hiện và định hình: về cơ bản người Việt vẫn bảo lưu cách đọc thời Đường (Đường âm) trong khi qua các thời Tống Nguyên Minh Thanh người Trung Quốc đã lần lượt trải qua nhiều cách đọc khác. Chẳng hạn vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, ngôn ngữ Trung Quốc đã bắt đầu mất phụ âm đầu D khiến Dân (nhân dân), Diểu (xa) chuyển thành Mín, Miểu hay hiện nay thì nó đã hoàn toàn mất phụ âm đầu Đ để Đả (đánh), Đông (phía đông) trở thành Tả, Tung đẩy một bộ phận lớn những Tiểu (nhỏ), Tịch (chiều tối) qua dãy phụ âm đầu X như Xẻo, Xi song người Việt vẫn đọc là Dân, Diểu, Đả, Đông, Tiểu, Tịch… như thường. Cố nhiên sự thay đổi nói trên không diễn ra một cách đồng bộ và thống nhất ở Trung Quốc, chẳng hạn khi tiếng Bắc Kinh – Quan thoại hiện nay đã mất hẳn phụ âm cuối -m để Điểm tâm (Ăn sáng) chuyển thành Tẻn xin, thì người Quảng Đông vẫn nói là Tỉm xắm, hay họ nói Tài xỉu (Đại tiểu = lớn nhỏ) chứ không phải là Ta xẻo, tóm lại có thể tìm thấy vô số khác biệt tương tự giữa tiếng Bắc Kinh – Quan thoại với các phương ngữ ở Hải Nam, Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu mà ở đây tạm gọi là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Và nếu nhớ lại tình hình chia cắt đất nước thế kỷ XVII-XVIII đã làm tiếng Việt ở Đàng Trong – Đàng Ngoài phát triển khác nhau một cách đáng kể, nếu nhớ lại thực tế đa dân tộc ở thương cảng Hội An đã làm hình thành ở đây một thứ ngôn ngữ lai pha trộn cả tiếng Việt lẫn các phương ngữ Hoa Nam (2), nếu nhớ lại sự kiện nhóm di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch cầm đầu tới tỵ nạn chính trị được cho vào khai phá Biên Hòa, Mỹ Tho cuối thế kỷ XVII, nếu nhớ lại việc Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên thu hút nhiều văn nhân Hoa Nam tới ngâm vịnh xướng họa đầu thế kỷ XVIII…, người ta sẽ thấy ở đây một đợt tiếp xúc ngôn ngữ Việt Hoa có quy mô và phạm vi rộng lớn, có thể nói là quan trọng bậc nhất sau khi người Việt giành được độc lập thế kỷ X. Đây mới thực sự là lý do làm phát sinh hệ thống những Huỳnh, Phước, Võ… trong cách đọc Việt Hán ở Đàng Trong mà đặc biệt là trên địa bàn từ Quảng Nam tới Nam Bộ, cách đọc chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm qua trung gian là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Quá trình tiếp thu, cải biến, chấp nhận… những cách đọc mới này của người Việt nhìn chung rất phức tạp, vì từ thế kỷ XIX trở đi thì việc đất nước được thống nhất trở lại đã xóa bỏ đi phần nào những khác biệt ngôn ngữ trước đó, mặt khác ngay trong nhóm phương ngữ Hoa Nam cũng có những khác biệt dẫn tới sự đấu tranh với nhau đ
ể giành ảnh hưởng một cách tự phát trên địa bàn nói trên. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng trong đợt tiếp xúc ngôn ngữ này người Việt hoàn toàn bình đẳng về chính trị và văn hóa với Trung Hoa, nên ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, toàn bộ sự chuyển âm nói trên chỉ diễn ra trong khuôn khổ ngữ âm vốn có của các từ Việt Hán. Chẳng hạn hệ thống phụ âm đầu Việt Hán vẫn được giữ vững, nó đẩy những Mín, Miểu, Tả, Tung, Xỉu, Xi trở lại mảng từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, và ngay mảng từ ấy cũng phải Việt hóa theo ngữ pháp Việt như nhỏ xíu (Xíu = Tiểu = nhỏ), đồ xịn (Xịn = Tân = mới) mới bước được vào ngôn ngữ Việt Nam ở địa phương.
Điều đáng phàn nàn là nhiều trong các trí thức coi Huỳnh, Phước, Võ… là “kiêng húy” hiện nay đã không biết chữ Hán mà lại không chịu tìm hiểu cả lịch sử việc kiêng húy nên cứ suy diễn rồi phát ngôn không cần địa chỉ nếu không nói là vô trách nhiệm! Thứ nhất, Hán tự có nhiều chữ hoàng, phúc, vũ… và không phải chữ nào cũng chuyển âm thành huỳnh, phước, võ…, chẳng hạn không ai nói kinh hoàng, thần Thành hoàng thành kinh huỳnh, thần Thành huỳnh cả, mà chữ bị đọc chệch âm ra huỳnh (họ Huỳnh) là chữ hoàng (vàng) lại không phải là tên Nguyễn Hoàng – tên ông Thái tổ của nhà Nguyễn này là hoàng (vàng) + chấm thủy. Thứ hai, đã gọi là húy vua chúa thì dân đen có thể vì muốn làm giặc nên không thèm kiêng, chứ quan lại hay đám kẻ sĩ toan làm quan lại thì nhất định phải kiêng cho sáng đạo cương thường, thế nhưng đầu thế kỷ XVIII Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tích vẫn hiên ngang đặt tên con trưởng của mình là Mạc Tử Hoàng với chữ hoàng (vàng) + chấm thủy hiện vẫn còn trên bia mộ Mạc Tử Hoàng ở núi Lăng, Hà Tiên: rõ ràng dân Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII chẳng phải kiêng húy tên vua chúa nào cả. Thứ ba, đã gọi là chữ húy thì hoặc là không được dùng, tức không được viết ra (đối với chữ trọng húy) hoặc là phải viết thêm nét bớt nét đổi nét, thế nhưng mấy trăm năm nay dân Việt ở miền Nam vẫn viết Hoàng, Phúc, Vũ… như người miền Bắc hay người Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và viết khắp nơi, vậy việc họ đọc chúng là Huỳnh, Phước, Võ… chỉ là vấn đề ngữ âm. Thứ tư, là triều nào húy nấy, chẳng hạn anh em Thái Đức – Quang Trung không hơi đâu kiêng húy các chúa Nguyễn còn cha con Gia Long – Minh Mạng chẳng ngu gì kiêng húy các vua Lê chúa Trịnh, nếu thần dân nào cứng cổ kiêng húy không hợp thời thì giữ cho còn nguyên được đầu cũng đã khó chứ đừng nói tới chuyện rủ rê quần chúng cùng kiêng. Thứ năm, đã gọi là “quốc húy” thì phải có thông báo bằng văn bản cụ thể theo đúng thủ tục hành chính và có hiệu lực pháp lý hẳn hoi cho dân biết dân làm, không phải chuyện bí mật quốc gia hay hoạt động bí mật để thông báo nội bộ hay rỉ tai nhau trong giới quan lại mà kiêng húy. Và riêng dân Nam Bộ thì đến 1861 có nhận được chỉ dụ cuối cùng của Tự Đức phổ biến về 47 chữ “quốc húy” (từ 1862 – 1867 Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa rồi), trong đó có 20 chữ đã được Minh Mạng thông báo trong chỉ dụ kiêng húy vào loại đầu tiên của triều Nguyễn năm 1825. Ai muốn biết rõ về 47 chữ ấy xin cứ tìm bộ Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn mà đọc, xem có những Hoàng (vàng), Phúc, Vũ, Cảnh, Cương, Chính… và hàng trăm chữ khác mà các nhà Kiêng Húy học trước nay vẫn gán bừa cho tổ tiên ta không.
Đi tìm lai lịch cụ thể của từng âm Việt Hán đọc chệch so với Đường âm là một công việc phức tạp, nếu chưa định hướng được thì đừng nên thao tác. Chẳng hạn nhiều người Nam Bộ trước đây vẫn đọc Hớn Cao tổ, Hớn Sở tranh hùng chứ không đọc là Hán Cao tổ, Hán Sở tranh hùng, mà việc chuyển An – Ơn như San – Sơn, Đàn – Đờn thì lại chưa đủ để coi là có hệ thống. Nhưng vì ngữ âm Nam Bộ vẫn nhất hóa cặp phụ âm cuối -n, -t vào với cặp -ng, -c (như ran rát nói là rang rác) – với lối phát âm ấy mà đọc phò Hán, hảo hán thì nghe kỳ quá nên người ta phải chuyển âm để kiêng một sự húy trong đời thường đấy, các học giả thích kiêng húy vua chúa đừng đi tìm ở cái “quốc húy” nào đó trong cung đình cho mất công!
Tháng 11. 1993

(1) Xem Phan Trọng Hiền, Tên húy và việc phạm húy, báo Phụ nữ Thànn phố Hồ Chí Minh số ra ngày 20. 11. 1993. Tuy nhiên đây rõ ràng là một sự suy diễn khiên cưỡng, vô căn cứ và rất tùy tiện. Thứ nhất, hiện tượng đọc chệch Tùng, Cương ra Tòng, Cang kia chủ yếu xảy ra ở miền Nam chứ không phải ở miền Bắc. Thứ hai, chẳng có bằng chứng lịch sử dù là gián tiếp hay nhỏ mọn nào cho phép nghĩ rằng vào thế kỷ XVI – XVIII thần dân của triều Lê trung hưng bị bắt buộc phải kiêng húy các chúa Trịnh: ngay cả các bộ chính sử được biên soạn bởi các sử thần của Lê Trịnh cũng viết thẳng tên các chúa Trịnh từ Trịnh Kiểm trở đi, chứ chẳng hề tỏ ra tôn kính đặc biệt gì các chữ ấy trên văn bản cả. Thứ ba, tác giả của phát hiện độc đáo nói trên dường như không biết cả chữ Hán lẫn quy ước trong gia tộc họ Trịnh, nên đã đánh đồng tên Trịnh Tùng với Tòng trong tam tòng và tên Trịnh Cương vớiCang trong tam cang, chứ thật ra tên hai ông chúa này được viết với bộ mộc. Nếu đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, người ta sẽ thấy ngay tất cả các chúa Trịnh đều có tên viết với bộ mộc và tất cả các chúa Nguyễn đều có tên viết với bộchấm thủy. (2) Xem thêm Hoàng Thị Châu, bài trong Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr
. 161 – 166
_____

朱珠周洲舟

Trong Hán tự có cả chục chữ có âm đọc là chu – châu, ở đây chỉ nói về vài chữ thường đọc là châu nhất ở Việt Nam. Năm chữ nói trên theo thứ tự là chu (màu đỏ) bị đọc chệch như châu bản, chu (ngọc) bị đọc chệch như châu báu, chu (chung quanh) đọc là châu như châu vi, Châu Thành, chu (cù lao, bãi đất) đọc là châu như châu thổ, Á Châu và chu (thuyền) đọc là châu như châu tiếp (thuyền và mái chèo).

Tất cả những từ (chữ) có thanh bằng trong chữ Hán ở Trung Quốc được chia xếp vào ba mươi bộ vần Bình thanh, 15 bộ Thượng bình thanh, 15 bộ Hạ bình thanh.Chữ chu 1, chu 2 thuộc vần Thất ngu, phải đọc là chu, chu 3 và chu 4, chu 5 thuộc vần Thập nhất vưu, phải đọc là châu/chưu. Cơ chế lẫn lộn ở đây rất phức tạp, nhưng đại thể có thể nói thế này:

1. Nếu lấy độ tròn môi làm tiêu chí, thì khi phát âm những âm như thu, xu, vu chúng ta tròn môi nhiều nhất, kế tới những âm như âu, lâu, ngâu, sau cùng là những âm như lưu, mưu, sưu. Tức là những âm loại âu lâu ngâu nằm giữa, có thể bị lệch về hai phía, và ngược lại, các âm u, ưu đều rất dễ bị đồng hóa thành âu. Nhưng trong phương ngữ Bắc thì cũng chỉ đến thế, chứ gần như không có chuyện ưu thành u hay ngược lại, ví dụ Ngưu lang có thể thành Ngâu lang nhưng không thể thành Ngu lang, Chu bản có thể thành Châu bản chứ không thể thành Chưu bản.
2. Tuy nhiên sự khác biệt trong phát âm theo phương ngữ lại góp phần làm phức tạp thêm sự lẫn lộn nói trên. Ví dụ phương ngữ Bắc có khuynh hướng bảo lưu tiếp hợp chặt nên hay kéo ưu thành iêu như mưu mô thành miêu mô, bảo lưu thành bảo liêu, còn phương ngữ Nam có khuynh hướng giải tiếp hợp chặt thì hay giản hóa thành mu mô, bảo lu (nói rộng ra thì những hiện tượng con hu – hươu, uống rụ – rượu trong phương ngữ Nam cũng chính là sản phẩm của khuynh hướng phát âm này).
3. Một yếu tố khác không thể bỏ qua là thói quen. Ví dụ từ Việt Hán không có vần im, mảng từ thuần Việt mới có vần này, nhưng chúng ta vẫn quen đọc Kim mộc thủy hỏa thổ chứ không đọc là câm mộc… Chính yếu tố xã hội này đã khiến các trí thức biết chữ Hán phải bất lực trước nhiều sai lầm của số đông trong việc phát âm và thậm chí cả sử dụng các từ Việt Hán từ xưa đến nay.
4. Đã nói tới thói quen thì cũng không thể loại trừ yếu tố ngẫu nhiên. Ai họcLuận ngữ cũng biết câu Khổng Tử than thở “Ta chưa thấy ai hiếu đức như hiếu sắc”, chữ hiếu này viết với mã chữ Hán là hảo (đẹp), nhưng khi dùng làm động từ (lấy làm đẹp, ưa thích) thì đọc là hiếu (phương ngữ Nam còn đọc là háo), xưa nay ai học Luận ngữ cũng đọc như thế cả. Tương tự, tiêu dao có khi đọc là tiêu diêu, mà ao và iêu có bộ vị phát âm xa nhau chứ không gần như u – âu – ưu, nên không thể loại trừ khả năng trong từ Việt Hán cũng như thuần Việt vẫn tồn tại những âm đọc cổ xưa ngẫu nhiên còn rơi rớt lại mặc dù tuyệt đại đa số những âm cùng hệ thống đã thay đổi. Các trường hợp như nguyệt (tháng) đọc là ngoạt, thuyết (nói) đọc là thốt, hoàn (viên), hoàn (trở lại) đọc là hườn hay huờn chính thuộc loại này.
5. Tên chúa Nguyễn Phước Châu là chữ châu 3 có thêm bộ chấm thủy, chữ nảy ít thấy trong các từ điển từ thư Trung Quốc, không rõ phiên âm thế nào, nhưng có lẽ âm chính là châu và bị nhà Nguyễn coi là chữ trọng húy nên phải đọc chệch thành chu, vì thế nên làm “liên lụy” tới cả chữ châu 3 có tự hình gần giống.
_____
Nói thêm về bộ vần (vận bộ). Các từ điển Hoa Hán sau 1949 gần như hoàn toàn không đề cập tới vấn đề này, các tác giả từ điển Hán Việt ở Việt Nam từ Đào Duy Anh trở đi cũng thế, nên trong nhiều trường hợp không giúp được người đọc phân biệt chính xác đâu là chính âm và đâu là biến âm của một chữ. Ví dụ chu 1 và chu 2 thuộc vần Thất ngu thì chính âm là chu, đọc châu là biến âm, nhưng ngày xưa đi thi làm thơ nếu đề ra buộc phải làm với bộ vần Thập nhất vưu mà gieo vần bằng những chữ này là lạc vận, thơ có hay cũng bị đánh rớt.
Trước cũng nghĩ tới khả năng chệch âm kiểu thọ – thụ là theo bộ vần, vì thụ (cây) có khi đọc là thọ, nhưng thọ (sống lâu) không bao giờ đọc là thụ, vì hai chữ này thuộc hai bộ vần khác nhau. Có điều khảo sát sâu hơn thì lại không chỉ như thế, vì bảo trong bảo vệ và bảo trong bảo vật cùng vần hạo, nhưng bảo trong bảo vật có khi đọc là bửu, như bửu bối bửu kiếm vân vân, chứ không ai đọc bửu vệ bửu trì cả. Cho nên đành phải tính thêm yếu tố thói quen, mà yếu tố này có khi bắt đầu từ sự ngẫu nhiên…
Đúng là bể học không có bờ!


Tháng 12. 2008

Khắt khe hay khắc khe?

Khắt khe có nghĩa là quá nghiêm khắc, chặt chẽ... (Nguyễn Kim Thản, 2005:832). Một số người Nam Bộ thường viết nhầm thành khắc khe vừa do liên tưởng đến từ nghiêm khắc, vừa do âm /k/ cuối âm tiết thường được thể hiện bằng chữ cĐây là lỗi chính tả rất phổ biến ở người ít học, không phân biệt được khi nào viết c, khi nào viết t, nhất là khi họ không hiểu được nghĩa của từ (biến sơ lược thành sơ lượt chẳng hạn)

Sunday, 1 July 2012

Phát hiện của ai? (Quách Hiền)

Thursday, June 21, 2012


Phát hiện của ai?



Vì comment của một bác nhắc nhở phía dưới (cảm ơn bác “nặc danh” lần nữa), nên mới nhớ ra cần ghi lại một nỗi băn khoăn. Trong cuốn Nhìn lại sử Việt (từ tiền sử đến tự chủ), Lê Mạnh Hùng có nhắc đến công trình nghiên cứu của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc (năm 1971)  chứng minh “lạc” trong thư tịch Trung Quốc viết về nước ta là một phiên âm “rạc” (rặc) mà theo tiếng cổ và tiếng Mường có nghĩa là “nước”. Bài viết của PGS Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã in trong cuốn Hùng Vương dựng nước, (tập 4. NXBKHXH, 1974). Quan điểm này nhiều lần đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thế hệ sau trích dẫn lại  như trường hợp ông Tạ Đức với bài này; hoặc phát huy mở rộng quan điểm như trường hợp ông Vũ Thế Ngọc ở trong bài này chẳng hạn.

Tuy nhiên, tình cờ đọc bài này, tôi thật băn khoăn quá đỗi, ông Kiều Thu Hoạch viết: “Bài viết của chúng tôi đã ghi cả bốn chữ mà ta đều đọc là lạc: ,   (với các bộ thủ: điểu, mã, chuy, trãi). Theo tra cứu của chúng tôi, thì bốn chữ này đều là ghi âm Hán của từ Việt cổ (rác, đrác, đác) còn thấy trong tiếng Mường, chỉ nước.”

Rốt cục  “lạc” với nghĩa là "nước" theo tiếng Mường là phát hiện của ai? Của ông Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc (từ năm 1971) (đã được nhiều người công nhận) hay là “theo sự tra cứu của chúng tôi” của ông Kiều Thu Hoạch? “Theo tra cứu của chúng tôi” là một cụm từ rất mơ hồ. Nếu ai chưa từng đọc Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc, hoặc chưa đọc bất cứ một bài viết nào liên quanchỉ đọc bài viết trên của ông Kiều Thu Hoạch sẽ lầm tưởng rằng ông Kiều Thu Hoạch là người đầu tiên phát hiện ra điều đó. 

Nhân tiện trong bài viết trên, ông Kiều Thu Hoạch còn có một nhầm lẫn nhỏ. Ông viết “Lạc bộ mã  là ngựa trắng bờm đen. Lạc bộ chuy  là ngựa đen bờm trắng. Hai chữ này đều là chữ Kinh Thi (thiên Lỗ tụng), đều không hề có nghĩa chỉ loài chim, như cụ Đào [Đào Duy Anh] giải thích”. Trường hợp này thì tôi không bình luận, nhưng với trường hợp này, ông Kiều Thu Hoạch nhầm.  đúng là có thể dùng thông với  với nghĩa ngựa đen bờm trắng như ông Kiều Thu Hoạch đã nói. Nhưng  theo Thuyết văn giải tự thì có nghĩa là tên một loài chim: “,鵋鶀也。怪鸱” , 鵋鶀 là một loại chim thuộc cú mèo (quái si), còn gọi là miêu đầu ưng (Tham khảo thêm các trích dẫn khác về 雒 với nghĩa là một loại chim trong bài viết của ông Vũ Thế Ngọc đã dẫn link ở trên). Tuy nhiên, điều tôi rất rất rất rất  thắc mắc là cụ Đào Duy Anh đã dựa trên cơ sở nào để giải thích  vốn là một loại hậu điểu 候鳥 (một loài chim có đặc tính di cư giống như chim nhạn, chim én) ở Giang Nam? và 候鳥là khác nhau. Vì thế quan điểm của cụ Đào Duy Anh: “Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim hậu điểu mà chúng ta thấy hình dung trên trống đồng Ngọc Lũ” rõ ràng là thiếu thuyết phục. 

Lạc= Rác/dak/nác=nước? 

Saturday, 30 June 2012

Phân tích một số từ biểu thị sinh thực khí nam giới trong cách gọi dân gian. (Nguyễn Ngọc Thanh - Người Hiếu Cổ)

Phân tích một số từ biểu thị sinh thực khí namgiới trong cách gọi dân gian. 
Xin kích chuột vào tựa để xem bài gốc với đầy đủ hình ảnh.


Bài viết dưới đây, Blog người hiếu cổ xin đưa ra một nghiên cứu sơ bộ về nguồn gốc của các từ biểu thị sinh thực khi nam giới trong cách gọi dân gian (thông tục). Trước tiên xin có một đoạn dẫn giải về tục thờ sinh thực khí và tín ngưỡng phồn thực như sau: *** Tín ngưỡng phồn thực(1) là tín ngưỡng được sùng bái từ rất lâu đời và mang tính toàn thế giới. Chúng ta ngày nay vẫn còn thấy được rất nhiều hình vẽ, họa tiết hoặc tượng và các hoạt động mang tính nghi lễ liên quan đến văn hóa phồn thực. Có thể dẫn chứng một số ví dụ sau:
Hình 1: Tượng nam nữ giao hoan của người dân tộc thiểu số Việt Nam (ảnh chụp tại Bảo tàng Dân tộc học)

Hình 2: Tượng nam nữ giao hoan tại “đền hoan lạc” của Ấn Độ 

Theo tín ngưỡng phồn thực của Ấn Độ, Nê Pan (hoặc một số nước khác như Chăm Pa), người ta gọi sinh thực khí của người nam là Linga, sinh thực khí người nữ là Yoni, người ta coi đó là 2 vị thần, là nguyên lý khởi nguyên của vũ trụ (âm - dương). Tại Việt Nam, tục thờ sinh thực khí ngày nay vẫn còn được lưu giữ tại các hội lễ mật tại miền Bắc, cùng với nghi thức “Linh tinh tình phọc” , hai vật tượng trưng này luôn được cất giữ rất trang trọng. 

***
Nam giới tượng trưng cho dương khí, và sinh thực khí người nam tượng trưng cho 1 trong 2 nguyên lý để hóa sinh vạn vật. Người Nhật Bản rất coi trọng sinh thực khí nam giới, chính vì thế có rất nhiều lễ hội thờ và rước sinh thực khí nam tại đây. Điển hình là lễ hội Kanamara (xem hình 3) Tôi xin đi vào chủ đề chính của bài viết: Sinh thực khí người nam giới (tức bộ phận sinh dục nam)  trong vốn từ dân gian rất phong phú, có rất nhiều cách gọi. Nhưng đúng với “tính võ đoán” của ngôn ngữ, ngày nay chúng ta chỉ biết từ đó nghĩa là như thế, nhưng không hiểu vì sao nó lại được dùng với nghĩa như vậy. Chính vì thế, nhân đọc về nghi lễ rước dương vật của người Nhật, tôi xin đưa ra mấy suy nghĩ về nguồn gốc của các từ biểu thị sinh thực khí nam giới trong cách gọi thông tục. Xin liệt kê những từ dùng trong dân gian (thông tục) với nghĩa chỉ sinh thực khí nam giới: 
- Buồi 
- Cặc 
- Dái 
- Nõ

***
Ta tìm hiểu từ “Cặc”: Từ này thự
c ra có liên quan đến từ “Cọc” (chữ Nôm) và “Cực” (chữ Hán). “Cực” có nghĩa là cái cột cao nhất của ngôi nhà, nôm na ta hiểu là cái cột. Mà cột với “cọc’ cùng tính chất, nên sau này người ta dùng chữ “cực” cũng với nghĩa là “cọc”. Người xưa chơi chữ rất hay, “cọc” đọc lái đi để chỉ sinh thực khí nam giới. Như vậy ta thấy ở đây có một chuỗi biến đổi khá logic:  Cực – Cột – Cọc – Cặc.

Vì thế mà khi đọc bài thơ “Quả mít” của Hồ Xuân Hương, ta thấy rất rõ ẩn ý của bà: 
“Quân tử có thương thì đóng cọc 
Xin đừng mân mó nhựa ra tay” 

Lại có một minh chứng nữa cho luận giải “Cặc – Cọc”, đó chính là cụm từ “Cặc bần” của miền Tây Nam Bộ. Có câu: 
“Nước chảy, cặc bần rung bây bẩy 
Gió đưa, dái mít giãy tê tê” 

“Bần” là một loài thực vật. Học giả Vương Hồng Sển viết về cây bần như sau: “Bần là cây gỗ tạp, mọc dựa mé nước, rễ nhiều, bám theo đất phù sa mà làm cho đất có phần vững chắc không trôi khi sóng đánh. Cây bần có lá xanh rất đẹp, ban đêm đom đóm đậu nhiều trông rất xinh. Có trái, ăn với mắm sống rất ngon. Chúa Nguyễn Ánh được nếm qua, rất hài lòng và ban cho tên chữ là Thúy Liễu. Rễ của bần dùng làm nút ve được. Phân ra có loại bần-chua, trái lớn; và bần-ổi, trái nhỏ hơn và tương đối ít chua hơn. Xưa nay, nghề uốn và chơi kiểng, phàm cây kiểng lão và gốc bần quá già, khi nào gốc dẽ ra ngoài bờ ngoài nước thì gọi là nó chiếu thủy, ý nói bóng cây ấy làm dáng và dòm xuống nước”(2)   

Nhìn hình 4 chúng ta thầy những cái nhô lên chính là “cọc bần”, nhưng người Tây Nam Bộ gọi là “Cặc bần” chính vì hiện tượng mà tôi đã lý giải ở trên. 

***
Trong từ điển tiếng Việt, ta bắt gặp nhiều cụm từ như: Dái mít, dái tai, dái khoai,… Có một đặc điểm chung, các từ đó đều chỉ những bộ phận mà có nhô ra hoặc lồi ra ngoài. Như “dái tai” chỉ phần thịt tai chảy xệ xuống; “dái khoai” chỉ củ nhánh sinh ra theo dây khoai; “dái mít” chỉ phần quả mít non nhô ra và chưa thành hình quả(3)… (Xem hình 5) Vậy những thứ gì nhô ra và có dáng lồi hoặc trĩu xuống thì được gọi là “dái”, vì thế chúng ta đã hiểu vì sao sinh thực khí nam giới lại được gọi là “dái” phải không nào.

***
Tôi từng nghe một câu ca dao “Yêu nhau hai cái nõ nường”, “nõ” tức là sinh thực khí nam giới, còn “nường” là sinh thực khí nữ giới. Lại thấy thêm từ “nõ điếu” tức là lỗ để cho thuốc lào vào hút ở điếu cày (xem hình 6) 

Cách giải thích cho từ “nõ” với từ “dái” là giống nhau, những phần nhô ra ngoài thì gọi là “nõ”. 

***
Còn từ “Buồi” thì sao? Thực ra từ này tôi cũng chưa thực sự có một cách giải thích hợp lý. Tuy nhiên, dựa vào âm đọc và tự dạng của chữ Nôm, tôi đưa ra một giải thuyết: 
“Buồi” gần âm với “Bùi” 裴, mà từ “bùi” tôi có phân tích tại bài viết “Thâm nho nhọ đít: Nỡ lòng để con cháu không có quần áo!”: “Bùi” tức là “phi y" (không có quần áo), vì thế mà người xưa dùng nghĩa chơi chữ đó để chỉ sinh thực khí nam giới chăng? Giả thuyết này xin được các học giả cùng bạn đọc góp ý để người viết được mở mang kiến thức. Xin chân thành cảm ơn!

***
Tựu trung lại, tôi vừa đưa ra một số phân tích để sơ lược nêu ra nguồn gốc của các từ ngữ thông tục chỉ sinh thực khí nam giới để bạn đọc tham khảo. Biển học vô bờ, mọi người còn nhiều kiến thức rộng rãi hơn nữa, bài viết ở mức sơ lược, Blog người hiếu cổ rất mong được sự rộng lượng châm chước.
___________________________________________________
(1) Phồn thực: có nghĩa là sinh sôi nảy nở. Tín ngưỡng phồn thực hiểu đơn giản là sự sùng bái hoạt động tình dục nam nữ, coi đó là mầm mống của sự duy trì và phát triển nòi giống. Tín ngưỡng phồn thực thể hiện rõ nhất trong việc thờ sinh thực khí (tức bộ phận sinh dục) của nam và nữ và các nghi lễ tượng trưng cho sự giao hợp nam nữ. (2) Tham khảo từ  http://lophocvuive.com/diendan/f14/c%E1%BA%B7c-b%E1%BA%A7n-v%C3%A0-d%C3%A1i-m%C3%ADt-4430/ 
(3) Huỳnh Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị, Sài Gòn, 1895, trang 215

Friday, 29 June 2012

Phật lăng là gì?


Phật lăng là tên gọi cũ của đồng tiền Pháp (đồng phơ-răng; phơ-răng là phiên âm của franc). Nguyễn Văn Khang (2007:264) cho rằng phật lăng là từ mượn tiếng Pháp bằng cách đọc Hán Việt thông qua tiếng Hán. Nếu hiểu như vậy thì phải coi lộ bố từ mượn tiếng Nga bằng cách đọc Hán Việt thông qua tiếng Hán,  tuy-líp là từ mượn tiếng Thổ Nhĩ Kỳ thông qua tiếng Pháp, pa-pi-ê-ma-sê là từ mượn tiếng Pháp thông qua tiếng Nga, ... Chỉ có một điều khó hiểu là tại sao nguồn gốc của từ được tính ở đời ông mà không phải ở đời cha hay đời ông cố.

Thursday, 28 June 2012

Kìm công lực là cái gì?



Kìm (kềm) cộng lực là loại kìm cắt sắt thép có hai cán dài. Có thể một người nào đó đánh máy nhanh, bỏ sót dấu nặng thành ra kìm (kềm) công lực rồi rồi vì nhiều người không hiểu cái nguyên lý cơ học trong từ cộng lực, tai quen nghe công lực của phim võ hiệp hơn nên càng ngày càng có nhiều người viết kìm (kềm) công lực mà không thấy chướng nữa.

Wednesday, 27 June 2012

Từ một câu chữ của Alexandre de Rhodes đến các dẫn dụng khác nhau (Chương Thâu)


1.

Trong cuốn sách Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo) của linh mục Alexandre de Rhodes do Cramoisy xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19 của phần thứ ba có một câu viết nguyên văn:

J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises. Je suis soirti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avois baisé les pieds du Pape”. 

Và câu này, được Hồng Nhuệ dịch ra Việt ngữ trong cuốn Hành trình và truyền giáo do Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1994, ở trang 263 như sau:

“Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôimấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Ðông phương đưa về qui phục Chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và thầy chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Rôma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tới hôn chân Ðức Giáo hoàng.” 

(Người dịch chú thích từ chiến sĩ ở đây: Nói chiến sĩ Phúc Âm tức là các nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xâm lăng – trang 289).

Ðiều đáng chú ý là: người dịch bám rất sát “văn cảnh” và dịch tương đối thoát (có vài từ không được sát đúng nguyên nghĩa), đặc biệt cụm từ plusieurs soldats, dịch là “mấy chiến sĩ”.


2.

Thế nhưng, cũng chính câu nguyên văn này, tác giả Cao Huy Thuần trong bản Luận án tiến sĩ quốc gia – Khoa học Chính trị, Đại học Paris, tựa đề: Ðạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam 1857-1914, xuất bản tại Paris, năm 1968, lại đã trích không trọn câu và đã dịch ra tiếng Việt (do Hương Quê xuất bản ở Los Angeles – Mỹ, năm 1988) như sau:

“Tôi tin rằng: Pháp (ông viết: écrivait il, Cao Huy Thuần thêm hai từ này) là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều binh sĩ để đi chinh phục toàn thể phương Ðông, cũng như ở đó, tôi sẽ có cách để có nhiều giám mục vốn là Cha và các Thầy của chúng ta ở trong các nhà thờ. Tôi rời La Mã ngày 11 tháng 9 năm 1652 với ý định đó”. 

Tác giả trích dẫn và sử dụng câu này như một luận cứ cho Luận án nhằm góp phần:

"- Trình bày những nguyên nhân và mối liên hệ giữa các nhà truyền giáo và chính quyền Pháp trong việc xâm lăng và đô hộ Việt Nam. Và

- Qua Luận án này, chúng ta sẽ có đủ bằng chứng để thấy những nguyên nhân chính yếu trong việc Pháp xâm lăng và đô hộ Việt Nam, từ đó đưa đến những tai họa mà dân tộc ta đã và đang gánh chịu trong suốt mấy thế kỷ nay” (trang 4). 

Tuy vậy, Cao Huy Thuần cũng đã đi đến một “kết luận” vừa phải:

“Tìm cách phục hồi sự thật lịch sử, không hề nhằm kết tội một ai, lại càng không phải là gieo rắc bất hòa giữa người Thiên chúa và phi Thiên chúa. Trái lại, nó giúp hiểu rõ vấn đề để không phạm lại những lỗi lầm cũ. Những lỗi lầm đã gây nên nhiều tranh chấp đẫm máu giữa người Giáo và người Lương trong quá khứ và hiện giờ chúng còn ngăn cản họ cùng nhau sống hòa bình dưới một mái nhà. (Chúng ta không) né tránh vấn đề hay che đậy sự thật như người ta thường làm ở Việt Nam.” 

3.

Một tác giả khác, người Anh, tên là Helen B. Lamb, trong công trình nghiên cứu, tựa đề Vietnam’s Will to Live, xuất bản năm 1972 cũng đã “dẫn dụng” câu trên của A. de Rhodes, dịch ra tiếng Anh.

“I believed that France, as the most pious of all Kingdoms would furnish me with soldiers who would undertake the conquest of the whole Orient, and that I would find the means for obtaining bishops and priests who were French men to man the new churches” (tr. 38, 39).

Ở đây, từ soldiers vẫn được hiểu là “nhiều binh lính”, cho nên tác giả đã “bình luận” thêm rằng:

“A. de Rhodes ôm mộng nước Pháp sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc chiếm Việt Nam làm thuộc địa” (“Alexandre de Rhodes held to his dream that France should play the key role in colonizing Vietnam”, p. 38). 


4. 

Giáo sư Hoàng Tuệ, trong cuộc Hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam” – nhân 90 năm thành lập Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Việt Nam – họp tại Hà Nội những ngày 3, 4, 5 tháng 12 năm 1992, có đọc bản tham luận “Về sự sáng chế chữ Quốc ngữ”, trong đó có đề cập đến vai trò của A. de Rhodes và có “dẫn dụng” câu trên của A. de Rhodes (nhưng lại không trích trực tiếp từ tác phẩm Hành trình và truyền giáo, nguyên bản của A. de Rhodes, bản in năm 1653, mà lại trích gián tiếp qua bản của De Francis mới viết năm 1977, và cũng không trích dịch trọn câu đủ ý).

Giáo sư Hoàng Tuệ viết:

“A. de Rhodes quê ở Avignon, lãnh địa của Giáo hoàng trên đất Pháp. Ông vẫn gắn bó với nước Pháp. Ông viết trong hồi ký: ‘Tôi nghĩ là nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôibinh lính để chinh phục toàn phương Ðông và đặt nó dưới quyền Jésus Christ’. Ông đã tiến hành một chuyến đi Pháp. Ở đây ý kiến của ông được hoan nghênh. Kết quả là sự thành lập Société des Missions Étrangères de Paris năm 1661, chỉ bao gồm các giáo sĩ Pháp... Từ đó thế lực của Giáo hội Pháp ở Việt Nam mạnh lên. Có thể nghĩ là chữ Quốc ngữ, ngoài ý nghĩa thực tiễn, còn có ý nghĩa chính trị nhất định trong phạm vi các Giáo hội khác ở Việt Nam.” 


5. 

Do có ý kiến tham luận như vậy, nên nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu tại cuộc Hội thảo này đã có ý kiến trao đổi lại với giáo sư Hoàng Tuệ như sau:

“Qua đoạn vừa trích trên đây, người đọc có cảm tưởng Giáo sư Tuệ đã ám chỉ A. de Rhodes là thân Pháp, xui Pháp đem binh lính xâm chiếm phương Ðông và chữ Quốc ngữ... còn có ý nghĩa chính trị”.

Và đến lượt, ông Nguyễn Ðình Ðầu đã dịch lại câu trên của A. de Rhodes đồng thời chú thích một số từ dùng trong câu của A. de Rhodes, cũng là nhằm đối thoại và biện minh với giới nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn, như sau:

“Tôi tin rằng nước Pháp là nước ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ để chinh phục toàn phương Ðông và đặt dưới quyền trị vì của Ðức Giêsu Kitô, và đặc biệt tại Pháp, tôi sẽ tìm cách có được Giám mục, các ngài sẽ là cha và là thầy chúng tôi tại các Giáo hội này” (tức là Ðàng Ngoài và Ðàng Trong). 

Ông Nguyễn Ðình Ðầu biện giải thêm: “Nếu đọc nguyên đoạn trích trên đây, ta mới hiểu chữ chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai (đối với giám mục là cha và thầy họ). Còn “chinh phục toàn phương Ðông” là để cho “nước Cha trị đến”, chứ không phải để cho Pháp đến thống trị. “Chinh phục” hiểu theo nghĩa tôn giáo, chứ không phải chính trị. Vì ngộ nhận trên, người ta mới gán cho chữ Quốc ngữ “còn có ý nghĩa chính trị” vậy!


6.

Cũng vào thời gian cuối tháng 3-1993, tại một cuộc Hội thảo “Tưởng niệm A. de Rhodes, nhân 400 năm ngày sinh của ông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, có nhiều nhà khoa học tham dự, đọc tham luận. Trong đó Giáo sư sử học Ðinh Xuân Lâm, một lần nữa lại đề cập “câu chữ” trên đây của A. de Rhodes và dịch lại (theo đúng văn cảnh, bối cảnh lịch sử thế kỷ 17) cụm từ plusieurs soldats là "chiến sĩ truyền giáo", vào coi như “lần cuối cùng đính chính lại sự lầm lẫn" (dịch soldat là lính chiến, là quân lính đi xâm lược) như trước đây trong một số giáo trình lịch sử Việt Nam đã dẫn dụng.

Chính trong cuộc Hội thảo đó của Hội Sử học đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa v.v...) nhằm khôi phục vị trí xứng đáng cho linh mục A. de Rhodes, người đã góp phần quan trọng trong việc chế tác ra chữ Quốc ngữ cũng như một số hoạt động văn hóa (trứ tác các công trình sử học giá trị).

Cũng do vậy mà hiện nay, đã có quyết định khôi phục lại tên đường phố Ðắc Lộ ở thành phố Hồ Chí Minh, dựng lại bia 1941 [1] tại khuôn viên Thư viện Quốc gia ở Hà Nội v.v...

Vấn đề đánh giá thỏa đáng công lao của A. de Rhodes đối với nền văn hóa Việt Nam, đến nay, theo tôi được biết, đã có thể về cơ bản đáp ứng đúng đắn được tâm cảm của mọi người. Chúng ta thành kính ghi nhận tầm nhìn sáng suốt của các giới lãnh đạo của Ðảng và của Nhà nước ta đối với danh nhân văn hóa Alexandre de Rhodes. Các công trình trứ tác có giá trị của A. de Rhodes, như Từ điển Bồ La, Phép giảng tám ngày, Hành trình và truyền giáo, Lịch sử xứ Ðàng Ngoài cũng đã được in ấn, xuất bản lần lượt trong mấy năm qua và được bạn đọc đón nhận một cách trân trọng. Ðiều đó nói lên rằng, nhân dân ta biết rất rõ chân giá trị của A. de Rhodes và cũng đã dành cho ông một vị trí xứng đáng.


7.

Còn có điều đáng phiền lòng là gần đây, có một số nhà nghiên cứu (?) người Việt ở hải ngoại đã có vài việc làm, xem ra không mấy thiện chí, tỏ ra không đồng thuận với cách đánh giá A. de Rhodes của chúng ta.

Cụ thể là vào hồi tháng 10-1994, tại Hoa Kỳ (San Diego) có một nhà xuất bản (không rõ tên) đã cho in lại bản dịch cuốn Thiên Hồ! Ðế Hồ!, một tác phẩm quan trọng của Phan Bội Châu viết năm 1923 nhằm vạch trần tội ác của thực dân Pháp, lợi dụng tôn giáo (Thiên chúa giáo) và thông qua một số kẻ “đội lốt thầy tu” để xâm lược, áp bức nhân dân ta, như Bá Ða Lộc (Pigneau de Béhaine).

Họ giữ lại nguyên văn bản dịch (của Chương Thâu – Nxb Khoa học Xã hội 1978) nhưng đã thay 30 trang nghiên cứu phân tích tác phẩm của người dịch bằng một Lời giới thiệu dài 13 trang do Cửu Long Lê Trọng Văn ký tên.

Trong Lời giới thiệu này, tác giả đã dẫn lại câu chữ (đã nói ở trên) của A. de Rhodes và cũng đã cố tìnhhiểu chữ “soldat” ở đây là quân lính xâm lược! Tác giả đã có những câu thêm vào bình luận về cụ Phan như sau:

“Cụ Phan còn nêu đích danh kẻ đội lốt tôn giáo Pigneau de Béhaine đã mở đường dẫn lối cho Pháp đến chiếm nước ta. Sự thật thì Bá Ða Lộc đâu phải là kẻ đội lốt tôn giáo đầu tiên. Ông ta chỉ là kẻ thừa kế để tiếp tục thực hiện ý đồ của kẻ đội lốt tôn giáo Alexandre de Rhodes (Ðắc Lộ) mà thôi!"

Như vậy là Cửu Long Lê Trọng Văn vẫn dừng lại ở nhận thức của Helen B. Lamb năm 1972 trong cuốnVietnam’s Will to Live, Lê Trọng Văn cũng tỏ ra cực đoan hơn cả những người cực đoan nhất trong cách đánh giá A. de Rhodes. Ông ta cũng tỏ ra không biết gì về những thông tin mới nhất đối với A. de Rhodes ở “quốc nội” cả.

Và cuối cùng, nhân bài viết này, tôi muốn gửi thêm một ý nhỏ đối với tác giả Lời giới thiệu (mới) cuốnThiên Hồ! Ðế Hồ! và với những người tái bản (chui, không xin phép tác giả, nhà xuất bản và dịch giả) cuốn sách này rằng:

Việc cấu tạo thêm một phần Phụ lục (mới) cho lần in lại nầy là với ý đồ không mấy trong sáng.

Phần Phụ lục (mới) này tại sao lại có thể đưa thêm mấy bài viết:

  • "Mối tình giữa một nhà cách mạng Việt Nam và một nhà học giả Trung Quốc" (PBC với Hồ Thích) của Nguyễn Hiến Lê.
  • "Cụ Phan Bội Châu ở Hàng Châu" – Hồi ký của Nguyễn Thượng Huyền.
  • "Tại sao tôi không theo đạo Kitô và tại sao tôi không theo cộng sản" của Bertrand Russell và nói là “để bổ túc cho tác phẩm Thiên Hồ! Ðế Hồ! thêm súc tích (!) và... vì nó giúp cho quan điểm của Bertrand Russell được nhất quán và minh bạch hơn (!)
thì thật là không có gì vô nghĩa lý hơn, ngoài cái nghĩa lý (cái ý đồ) chống Kitô giáo và chống cả cộng sản!

Tóm lại, trở về chủ đề của bài viết này, ý kiến cá nhân tôi, sau khi phân tích so sánh các câu dẫn dụng từ một câu dịch nguyên văn của A. de Rhodes, tôi đồng ý với cách diễn giải của Hồng Nhuệ và của Nguyễn Ðình Ðầu. Ðọc kỹ toàn văn cuốn Hành trình và truyền giáo, chúng ta dễ dàng nhận thấy tư tưởng và nguyện vọng của nhà truyền giáo A. de Rhodes ở thế kỷ XVII này.

Nhưng để tránh những suy luận chủ quan, người nghiên cứu có thái độ nghiêm túc, thận trọng... Một khi gặp phải “câu chữ” có thể có nhiều ý suy đoán như câu trên đây, chúng ta nên mở đóng ngoặc ghi nguyên văn – để tiện đối chiếu, để tránh được cái lối “dĩ hư truyền hư” và chủ quan võ đoán. Âu cũng là một kinh nghiệm đối với giới khoa học xã hội nhân văn vậy.

Hà Nội 14 tháng 12 năm 1995



[1] Bia do cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ Tịch Hội Truyền Bá Quốc Ngữ xây dặt gần đền B Kiệu – Hồ Gươm, Hà Nội.