Monday, 30 July 2012

Y-éc-xanh là ai? (Thùy Ngân - Thanh Niên)

Tác-giả: Thùy-Ngân
Báo Thanh niên, 02/05/2012 3:08 GMT+7
Viết đúng, phát âm chính xác tên của một người là thể hiện sự tôn trọng, phép lịch sự trong giao tiếp. Đối với tên riêng nước ngoài, điều này thật sự càng có ý nghĩa. Có nhiều câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc gọi đúng tên, đúng người.
Theo Dale Carnegie, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đắc nhân tâm (How to win friends & influence people), một trong 30 nguyên tắc dẫn đến thành công là “Luôn nhớ rằng tên của một người là âm thanh êm đềm, thân thương và quan trọng nhất đối với họ”. Ông đã dẫn chứng trong lịch sử thế giới, nhiều người thành công vì biết rằng “mỗi cái tên dù đơn giản đến đâu, cũng chính là điều quan trọng và niềm vui của người ấy”.
Để khuyến khích sinh viên viết đúng tên riêng nước ngoài, cố Giáo sư Cao Xuân Hạo hay kể câu chuyện một chuyên gia ngôn ngữ học người nước ngoài thường yêu cầu mọi người hãy viết chính xác tên của ông. Ông có thể bỏ qua nếu tên bị đọc sai đôi chút nhưng không thể chấp nhận viết sai.
Nguyên tắc đơn giản nhưng quan trọng này dường như bị xem thường trong cách giáo dục của chúng ta. Lâu nay, từ sách giáo khoa (SGK) đến một số văn bản khác vẫn dùng lối phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt theo kiểu chữ viết một đằng, phiên âm một nẻo. Điều này dẫn đến hậu quả là chúng ta chẳng những đọc sai mà còn khó viết đúng tên riêng, địa danh tiếng nước ngoài.
Trong SGK hiện hành có vô số những trường hợp phiên âm và từ nguyên bản khó khớp nhau, thậm chí phần phiên âm sai so với nguyên bản. Có những trường hợp, nhiều khi để nguyên bản còn dễ đọc hơn cả phiên âm.
Trong sách tiếng Việt lớp 3, tập 2 hiện hành có những từ phiên âm khiến chúng ta vừa buồn cười vừa lo ngại cho con cái. Vì nếu quen đọc theo kiểu này, về sau nếu tiếp xúc từ nguyên bản làm thế nào học sinh có thể đọc đúng? Chẳng hạn tên bác sĩ Yersin được phiên âm thành Y-éc-xanh, tay đua xe đạp nổi tiếng thế giới Armstrong đọc là Am-xtơ-rông… Tên nhà bác học Edison chắc hẳn không khó để những người làm SGK phiên âm thành Ê-đi-xơn? Những người tên tuổi đã vậy, với những cái tên bình thường như Cô-rét-ti, Xtác-đi, Nen-li… người đọc đành “bó tay” nếu muốn biết từ nước ngoài. Buồn cười nhất là trong thời đại này mà vẫn phiên âm in-tơ-net cho từ internet! Chắc hẳn không ít người đã từng bối rối khi muốn biết từ tiếng Anh của các thành phố trong SGK môn địa lý như thành phố Lốt An-giơ-let, Côn-ca-ta, Xơ-un, Tê-hê-ran, Niu Đê-li, Gia-các-ta…
Cách phiên âm này có thể phù hợp trong một giai đoạn, khi nước ta chưa có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, trình độ dân trí còn thấp, mức độ hội nhập chưa cao… Ngày nay, tình hình đã khác. Theo chương trình giáo dục hiện hành, trẻ lớp 3 đã bắt đầu học ngoại ngữ. Chưa kể ở các thành phố lớn, trẻ đã tiếp xúc với ngoại ngữ (tiếng Anh) từ mẫu giáo, lớp 1 nên rất khập khiễng khi chúng ta vẫn dùng lối phiên âm theo kiểu mấy chục năm trước. Cuộc sống đã có quá nhiều thay đổi nhưng nhiều điều trong nền giáo dục của ta rất cũ, đứng im từ bao nhiêu năm qua. Khi đối tượng học sinh ngày nay đã tiếp xúc ngoại ngữ từ rất sớm, tiếp cận internet từng phút mà chúng ta vẫn dùng cách phiên âm từ nước ngoài theo kiểu đã tồn tại hàng mấy thập niên thì sẽ không tránh khỏi những bất cập. Chính vì thế dù SGK dạy vậy nhưng khi phải vận dụng trong thực tế, những người hiểu biết đều không theo cách phiên âm đã được dạy. Và nhiều văn bản chính thống khác vẫn không chuộng cách phiên âm của sách SGK.
Cần phải thay đổi. Theo cách nào đó thì những người quản lý giáo dục và nhà ngôn ngữ học nước nhà phải tính, nhưng chắc chắn người học ngày nay không thể chấp nhận những điều đã quá lạc hậu so với cuộc sống.

Sunday, 29 July 2012

Văn minh kinh xáng (Nhâm Hùng)


Biên khảo: NHÂM HÙNG 
Mở đầu kế hoạch khai thác lớn ở miền Hậu Giang, người Pháp tiến hành đào kênh xáng Xà No xuyên qua cánh đồng hoang vu rộng, lớn nằm giữa 2 tỉnh Cần Thơ - Rạch Giá. Với việc thi công cơ giới bằng 4 chiếc máy xáng, chỉ trong vòng 3 năm (1901-1903) công trình thủy nông được cho là lớn nhất Nam kỳ đã hoàn thành, mang lại nhiều lợi ích. Tính theo độ dài 34 km, mặt kênh rộng 60 m, chỉ cần mỗi bên đưa nước tưới tiêu vô sâu 1 km, thì sẽ cần gần cả trăm ngàn mẫu (ha) được hưởng lợi từ dòng kênh này.

Kênh xáng Xà No ngày nay. Ảnh: HIỀN THANH

Khởi đầu từ phía Vàm Xáng, ngay cái nôi miệt vườn Phong Điền - bờ Tây sông Hậu; lại sát chợ Cái Răng, gần thủ phủ Cần Thơ nên kênh xáng Xà No có thêm điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tác dụng. Trong một thời gian ngắn, đã làm thay đổi diện mạo một vùng đất úng ngập, ứ phèn quanh năm; sinh sôi biết bao giá trị mới trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống văn hóa.

Trong sách biên khảo “Tìm hiểu đất và người Hậu Giang” (NXB Phù Sa, 1959), Nhà Nam Bộ học Sơn Nam từng đưa ra khái niệm về “... một hình thức văn minh ngộ nghĩnh”, ông tạm gọi là “Văn minh kênh xáng” theo sau những dòng kinh mới đào bằng cơ giới. Xuất phát điểm của những nét “Văn minh kênh xáng” ấy, phải chăng từ vùng đất chịu ảnh hưởng của dòng nước Xà No, rồi lan tỏa khắp nơi?

Để góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề, ta hãy đi tìm những lý giải lần qua các “manh mối”:

* Văn minh trong mở mang kinh tế

Trước tiên là phương thức sản xuất nông nghiệp theo hình thức “điền”! Cần phân biệt rõ: kiểu đồn điền “thời đàng cựu” của Triều Nguyễn làm chức năng kinh tế kết hợp với quốc phòng (đồn + điền). Trong khi đó, hình thức “điền” dưới thời Pháp thuộc chỉ đơn thuần canh tác nông nghiệp, nó giống như “nông trại”, “trang trại” nhưng hầu hết đất đai đều khoán cho tá điền canh tác. kênh xáng Xà No đào xong, nhiều dạng điền theo đó ra đời như dân gian quen gọi:

- Điền Tây: vùng đất ruộng do người Pháp làm chủ, như: điền Tây Albert Gressier (nhiều người còn kêu là điền Tây Be, điền Ông Kho, điền Bảy Ngàn). Đây là điền lớn nhất trong vùng Xà No, canh tác gần 30.000 mẫu. Tại khu vực xã Nhơn Nghĩa, còn có điền Tây Duval và Guery sở hữu 2.500 mẫu.

- Điền hảng: tức khu vực đất ruộng do các công ty của Pháp đầu tư, quản lý, khai thác như điền của Công ty Đông Pháp, điền của Công ty Bat-tam-băng, điền của Ngân hàng Đông Dương v.v... diện tích chung khoảng 10.000 mẫu.

- Điền của người Việt, thường là ruộng đất của các ông Hội đồng, Phủ hàm, quan chức địa phương.

Mặc dù các chủ điền luôn có các thủ đoạn bóc lột, vơ vét nhưng có thể nói: hình thức canh tác trong các điền vùng kênh xáng Xà No, đã cho thấy những bước tiến mới, mang lại hiệu quả rõ nét:

Để mở rộng diện tích ruộng đất hai bên bờ kênh, các chuyên gia nông nghiệp Pháp cho đào tiếp: cứ cách 500 m, xẻ 1 kênh nhỏ; cách 1.000 m đào một con kênh lớn hơn theo lối đào “xôm lươn” để điều hòa dòng chảy. Vô sâu 1.000 m, đào nối bằng những con kênh sườn, khép kín các khu đất như những ô bàn cờ. Nhờ phương pháp thủy lợi này, việc tưới tiêu nhanh chóng, góp phần biến đất hoang thành đất thuộc, mở rộng thêm diện tích, gia tăng năng suất, sản lượng lúa.

Khi ổn định sản xuất, khoảng từ 5-10 năm sau ngày đào kênh xáng Xà No, các chủ điền mạnh dạn đầu tư cho ngành công nghiệp xay xát lúa gạo. Điển hình nhất là nhà máy xay lúa Ông Kho (Bảy Ngàn) với hệ thống kho lớn đặt trên diện tích rộng gần 2 mẫu, công suất xay mỗi ngày đến 300 tấn. Có tài liệu nói đây là Nhà máy xay xát lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. Lần hồi các nhà máy xay Vàm Xáng, Vị Thanh tiếp tục ra đời. Đặc biệt, tại chợ Cái Răng - người Hoa kiều bỏ vốn lập hàng chục nhà máy xay bên cạnh các chành lúa khổng lồ, được mua gom từ phía Rạch Giá, Bạc Liêu và vùng lân cận theo kênh xáng Xà No đưa về xay xát, rồi chở lên Chợ Lớn xuất cảng. Do bước phát triển mới này - chợ Cái Răng trở thành một đô thị công nghiệp lúa gạo đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ đứng sau Chợ Lớn.

Nhịp nhàng với sự phát triển nông, công nghiệp - hoạt động thương mại gắn với kênh xáng Xà No cũng nhanh chóng lớn mạnh, theo xu thế kinh tế hàng hóa. Mỗi điền Tây, điền Ta đều có đoàn ghe chài, ghe tam bản luồn sâu vô làng, xóm mua gom lúa gạo. Riêng điền Tây Be có đến 30 ghe chài lớn. Từ chợ Cái Răng, các chủ nhà máy, chủ chành lúa, ghe chài, thương lái, nhân công có mặt khắp vùng nông thôn, theo kênh xáng Xà No đi mua gom lúa gạo, cạnh tranh với các điền.

Sinh hoạt mua bán lúa gạo nhộn nhịp, khiến một bộ phận nông dân tách ra làm công nhân, thợ thuyền, phu khuân vác; một bộ phận khác vừa sản xuất, lại vừa kiêm thêm nghề mua bán khi mạng lưới chợ hình thành. Chỉ tính dọc theo kênh xáng Xà No, đến giữa thế kỷ XX, đã xuất hiện nhiều khu chợ sung túc như: chợ Vàm Xáng (lập năm 1907), chợ Một Ngàn, chợ Bảy Ngàn, chợ Cái Nhum, chợ Hỏa Lựu v.v... Đáng kể là do nhu cầu kinh tế phát triển, chợ trên bờ quá tải đã thúc đẩy sự ra đời của chợ nổi Cái Răng, tiếp sau là chợ nổi Phong Điền. Lúc này, trên các sông, kênh, rạch quanh vùng... ghe thương hồ luôn có mặt, sẵn sàng cung ứng cho mọi người các hàng hóa thiết yếu. Tại các ngã ba, ngã tư sông, nơi dân cư đông đúc, nhiều ghe, xuồng đi bán đồ ăn, thức uống, chè, cháo, bánh, trái... tạo nên một nghề đặc trưng: nghề “bán vàm”!

Chỉ sau một thời gian ngắn, vùng kênh xáng Xà No đã trở thành một địa bàn chiến lược, đi đầu trong mở mang, phát triển miền Hậu Giang trên cả ba lĩnh vực gắn kết một cách liên hoàn giữa nông nghiệp, công nghiệp và thương mại - dịch vụ.

* Văn minh cư trú và lối sống người kênh xáng - Hậu Giang

Kênh xáng Xà No đào tới đâu, mọi người kéo nhau tới đó dựng lều, giành đất mặt tiền cất nhà ở để thuận tiện cho việc sinh sống, làm ăn. Khi các kênh ngang, kênh sườn đào tiếp sâu vô hai bên bờ, số người đến lập nghiệp càng đông đảo, tạo thành làng xóm ở dọc theo mặt tiền các con kênh, gọi là đất bờ xáng. Lần hồi, đất bờ xáng càng có giá trị, bởi sự “liền canh, liền cư”, lại cao ráo, thích hợp với nghề làm vườn, ít bị ngập lụt trong mùa mưa. Giá đất ở bờ xáng cao gấp nhiều lần so với đất ở bờ sông, rạch. Khi mặt tiền bờ xáng Xà No hết chỗ, người ta lấn sâu vô trong cất nhà ở đến 2, 3 lớp. Tại các ngã ba, ngã tư sông dân cư ở tập trung, mở chợ, xây đình, cất trường học mà đầu tiên là Vàm Xáng, xã Nhơn Nghĩa (1907).

Sự tập trung gia cư dọc theo đất bờ xáng tạo nên hình thức cộng đồng mới; một nét văn minh cư trú được kết nối từ những thành quả; bước tiến mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế. Nhiều tài liệu cho thấy: thời trước, các lớp người khẩn hoang thường đi sâu vô trong ruộng để dễ bề canh tác. Họ ở xa bờ sông rạch vì ở đó thường là rừng rậm, nhiều sấu, cọp, hiểm nguy. Đến khi các con kênh xáng được đào, đất được khai hoang thì kiểu cách cư trú trong ruộng, được dịch chuyển ra đất bờ xáng.

Hình thức cộng đồng mới bên bờ kênh xáng đã tạo nên nét sinh hoạt, lối sống, tính cách của “người kênh xáng”, hay còn gọi là “người Hậu Giang” mà trung tâm là vùng sản xuất nông nghiệp phát triển phía bờ Tây sông Hậu thuộc các tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu v.v...

Định cư nơi sông sâu nước chảy, đất ruộng thẳng cánh cò bay, nông dân - tá điền tuy có vất vả, nhưng cuộc sống cũng khá đủ đầy, có người cho rằng đất miền Hậu Giang tốt “làm chơi mà ăn thiệt” theo lối ruộng sạ bỏ đó, cuối mùa cũng gặt hái 5-7 giạ một công. Do vậy, họ không lo nghèo, sợ đói.

Người kênh xáng - Hậu Giang quan niệm “có làm phải có chơi”, nhất là dịp tết lúc nông nhàn, họ bày ra nhiều kiểu giải trí, “chơi bời” vừa lành mạnh lại vừa tiêu cực:

Giới địa chủ, phú nông, hương chức làng thường hay bày cuộc chơi đờn ca tài tử vào dịp cưới hỏi, giỗ quảy, thôi nôi, đầy tháng... vùng kênh xáng Xà No có Ban đờn ca tài tử Ái Nghĩa nổi danh, nhiều nghệ nhân tên tuổi.

Ban đêm đờn ca, ngày thì đá gà, đá cá lia thia; già, trẻ, lớn, bé, đều ưa thích. Tất nhiên, không ít người sạt nghiệp, trắng tay vì máu mê cờ bạc. Theo các vị cao niên: ở kênh xáng Xà No có “trường gà” thầy Tường là sòng đá gà nổi danh, thu hút nhiều tay chơi xa, gần.

Trong các dịp hội hè, hương chức làng thường tổ chức thi tài hò đối đáp giữa trai và gái, các vị bô lão, người sành điệu được mời chấm thi. Nhờ lối tổ chức ngày sinh hoạt hò đối đáp phát triển mạnh trên các kênh rạch. Trong làng không chỉ có “lò” đờn ca tài tử mà còn có thầy dạy hò tiếng tăm. Từ cách sinh hoạt, giải trí đa dạng nên lối sống, tính cách người kênh xáng - Hậu Giang rộng rãi, hào phóng nhiều khi khá “hào hoa”. Gặp khách phương xa tới nhà chơi, họ có thể nghỉ làm vài buổi để tiếp đãi, hàn huyên. Thấy người hoạn nạn, khốn khó hơn mình họ sẵn sàng ra tay “nghĩa hiệp” như cho mượn lúa, mượn gạo ăn tới mùa sẽ trả. Mặt khác, chuyện tình duyên đôi khi cũng khá giản đơn. Chỉ cần cảm nhau qua vài câu hò, lời ca tài tử họ có thể “gá nghĩa trăm năm”.


* Sự phong phú về địa danh và tiếng Việt Nam bộ

Kênh xáng Xà No, rồi các cụm kênh Ngã Bảy, Ngã Năm nối tiếp ra đời không chỉ kích thích các hoạt động kinh tế, mà còn góp thêm sự phong phú về địa danh và tiếng Việt Nam bộ.

Trong 100 năm hình thành, kênh xáng Xà No đã sản sinh nhiều địa danh dân gian khá thú vị:

Ngay đoạn máy xáng khởi đào nối rạch Cần Thơ, địa danh “Vàm Xáng” đã xuất hiện, lần hồi lại phát triển thêm tên chợ Vàm Xáng, nhà máy xay lúa Vàm Xáng v.v...

Khi xáng đào bứt đoạn rạch Xà No, dân gian lại có thêm địa danh “Xà No bứt”.

Đáng chú ý là từ chiếc máy xáng, kênh được đào trở thành kênh xáng. Rồi từ con kênh xáng, lại “nở” thêm nhiều địa danh, tên công trình công cộng có chữ xáng kèm theo:

- Cầu Xáng: cầu bắc ngang kênh xáng.

- Chợ cầu Xáng: chợ gần cây cầu Xáng.

- Xáng Mới: địa danh nơi kênh xáng vừa mới đào. Huyện Châu Thành A có ấp Xáng Mới gần chợ Rạch Gòi.

- Xáng Chìm: địa danh xóm, khu dân cư có chiếc xáng bị chìm.

- Xáng Nổ: địa danh xảy ra sự cố nổ máy xáng khi đang thi công đào kênh.

- Xáng Bộ: địa danh có con kênh thi công từ loại máy đào chạy trên bộ. Kênh xáng Bộ cắt ngang kênh xáng Lái Hiếu (ngã tư xáng Bộ, huyện Phụng Hiệp).

Lúc đầu, người ta gọi nguyên tên như kênh xáng Xà No, kênh xáng Lái Hiếu, kênh xáng Nàng Mau... về sau, họ nói rút gọn chỉ còn ba từ: xáng Xà No, xáng Lái Hiếu, xáng Nàng Mau...

Một điểm khác đặc biệt là sự xuất hiện của các địa danh bằng chữ số, dọc theo kênh xáng Xà No. Do cách đo đạc, tính toán lưu lượng dòng chảy phục vụ việc tưới tiêu - các chuyên gia nông nghiệp đã cho thi công: cách 500 m đào một kênh nhỏ, cách 1.000 m đào một kênh lớn hơn. Ở giao điểm các kênh đào này thường tập trung dân cư, đặt cơ sở làng hay trung tâm chợ, nhà máy... Từ đó nhiều địa danh chữ số ra đời, theo dấu mốc kênh đào ở một số cụm dân cư:

- Một Ngàn: con kênh Xà No ở dấu mốc (cây số) đầu tiên đưa nước tưới tiêu vô sâu trong ruộng. Sau này do cư dân đông đúc nên hình thành chợ Một Ngàn, nay là thị trấn, huyện lỵ - huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.

- Bốn Ngàn: địa danh có khá nhiều dân cư sinh sống.

- Bảy Ngàn: địa danh trung tâm kênh xáng Xà No, nơi đặt nhà máy Ông Kho và “trụ sở” điền Tây Be, lớn nhất trong vùng.

- Tám Ngàn: cũng là điểm dân cư tập trung, cách điểm Bảy Ngàn 1 km. Ngày nay, Tám Ngàn một bên thuộc huyện Châu Thành A, một bên thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

- Mười Một Ngàn: điểm dân cư dọc theo kênh Mười Một Ngàn, một phần trên địa bàn xã Vị Thanh, một đoạn thuộc xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy.

- Mười Bốn Ngàn: điểm dân cư gần phía hạ nguồn kênh xáng Xà No... Nay thuộc xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Phát triển từ tên số các con kênh, dân gian còn đặt thêm nhiều địa danh khá ngộ nghĩnh như: Bốn Ngàn Rưỡi, Tám Ngàn Dài, Tám Ngàn Cụt... Việc hình thành các địa danh chữ số, do mọi người quen gọi, lâu dần thành địa danh dân gian, đôi khi được nâng nên thành địa danh hành chính. Đây cũng là một nét đặc trưng về văn hóa địa danh hiếm thấy ở Nam bộ.

Bên cạnh sự nở rộ của địa danh, tiếng Việt Nam bộ ở vùng kênh xáng cũng cho thấy sự phong phú. Nhiều lời ăn tiếng nói có kèm theo từ “xáng” trong sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày người ta vẫn hay sử dụng.

Khi các máy xáng thi công, tên “xáng” bằng tiếng Pháp lập tức được Việt hóa: tên máy xáng Loire được mọi người kêu là “Xáng La”; chiếc xáng Nantes, trở thành xáng “Năn”. Họ phân biệt kiểu đào kênh khá rõ qua các từ như: xáng cạp, xáng múc, xáng thổi, “sở xáng”, “hãng xáng” là công ty tàu cuốc chuyên đào kênh của Pháp.

Từ thực tế địa bàn, đời sống cư dân vùng kênh xáng Xà No - kiểu hình thành địa danh và tiếng Việt Nam bộ, gắn với kênh xáng dần lan tỏa ra nhiều vùng. Do đó nơi nào có đào kênh xáng nhất thiết sẽ ra đời những địa danh na ná như nhau. Trên đường Quốc lộ 1A từ TP.Hồ Chí Minh về miền Tây, qua địa bàn xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang) có cây cầu Xáng khá dài. Ở Tri Tôn (An Giang) cũng có địa danh kênh xáng. Vùng Cà Mau có kênh xáng Đội Cường, kênh xáng Bà Kẹo. Thế nhưng, chỉ ở vùng Cần Thơ, Hậu Giang mới có nhiều địa danh gắn với chữ xáng, vì nơi đây có nhiều kênh xáng được đào.

* Văn nghệ dân gian theo dòng kênh xáng

Chuyện kể là hình thức văn học truyền miệng xuất hiện ngay khi kênh xáng Xà No mới đào.

Theo các vị cao niên, ở khoảng giữa chợ Một Ngàn và Vàm Xáng có một đoạn kênh hơi lệch gần 200. Vì sao? Là do lúc các chuyên gia Pháp phóng kênh trúng vô nhiều đất của một ông Hội đồng, nên ông này nhờ tay thông ngôn nói với viên quan Tây vẽ cho đoạn kênh này lệch qua. Nếu được ông Hội đồng sẽ gả con gái cho anh thông ngôn. Cuối cùng lấy lý do để giảm sức nước chảy, người thông ngôn đã thuyết phục được viên quan Tây. Tất nhiên, sau này anh ta trở thành chàng rể quý của ông Hội đồng.

Theo nhà “Nam Bộ học” Sơn Nam: gọi là kênh xáng Xà No bởi vì kênh khởi đào từ rạch Xà No; một khu xóm của bà con Khmer, cạnh xóm làng người Việt. Nơi đây, có nhiều cây điên điển, tiếng Khmer gọi là Snor (Xà No). Xa hơn về phía hạ nguồn, tại xã Tân Hòa (huyện Châu Thành A), nay vẫn còn một khu dân cư người Khmer sinh sống, có ngôi chùa phật tồn tại khá lâu.

Trong khi đó, trong các dịp “trà dư, tửu hậu”, lại có người kể rằng: chữ Xà No bắt nguồn từ câu chuyện vùng đất này khi xưa có một con mãng “xà” rất lớn. Ngày nọ, nó nuốt vào bụng cả một con nai to, đến “no nê”... nên người ta mới đặt luôn cho địa danh “Xà No”.

Cùng với chuyện kể, tục ngữ, ca dao là một hình thức văn học gắn liền với kênh xáng Xà No, mang nội dung hết sức phong phú:

Kênh xáng Xà No vừa đào, khung cảnh thi công nhộn nhịp, khiến người ta đã mượn ngay chuyện đào kênh để tỏ tình:

“Kênh xáng mới đào, tàu Tây mới chạy
Thương thì thương đại, bớ điệu chung tình
Con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao Quỳnh khó câu”

Trước đó, vùng rạch Cần Thơ ai cũng quen câu ca dao: “Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Phong Điền”. Đến khi đào kênh xáng Xà No, nội dung chùm ca dao trên nhanh chóng được biến đổi thành:

“Cái Răng - Ba Láng - Vàm Xáng - Xà No
Anh có thương em thì mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh”


Nhận biết được văn minh phương Tây, người kênh xáng - Hậu Giang lấy sự bền vững các phương tiện cơ giới để chứng tỏ cho lời hẹn thề trai, gái:

“Quả năm ngăn trong lòng son đỏ
Mấy lời to nhỏ bỏ bậu sao đành
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành bỏ em”

Kênh xáng Xà No ra đời, nghề mua bán lúa gạo phát triển. Những đoàn ghe chài dọc ngang vô sâu trong điền mua gom lúa gạo, khiến một bộ phận nông dân chuyển sang làm bạn ghe, chèo ghe, vác lúa. Công việc quá cơ cực, nặng nhọc đến nỗi có lời ca dao khuyên can một cách tế nhị:

“Đừng ham hốt bạc ghe chài
Nhịp cầu cao (?) bao lúa nặng, tấm đòn dài khó đi”


Dân cư đông đúc tại các ngã ba, ngã tư kênh xáng nổi lên nghề bán vàm. Từ đây, lối rao hàng dần biến thành các điệu hò sông nước qua lời rao: “Ai ăn bánh bò không...” dần phát triển thành “Ai ăn bánh bò hông...” rồi “Ai ăn bánh bò hơ...”

Có người quanh năm suốt tháng gắn bó với nghề bán vàm:

“Tháng giêng, tháng hai tôi đi bán sương sa, sương sáo
Tháng năm, tháng sáu tôi đi bán bánh bò bông”

Trên dòng kênh xáng, nghề thương hồ cũng lắm lúc khó khăn khiến người ta buông câu than vãn:

“Bìm bịp kêu nước lớn ai ơi
Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê”


Hoặc như:

“Chèo ghe đi bán cá vồ
Nước chảy ồ ồ chẳng thấy ai mua”

Bình thường, nói đến điền Ông Kho (Bảy Ngàn) ai cũng biết là lớn lao, đồng ruộng mênh mông bát ngát, ghe chở lúa gạo bán mua dập dìu. Vậy mà cũng có lúc điền chủ lao đao, tá điền lâm vào cảnh khốn khổ do mùa màng thất bát, khiến họ nhớ đời:

“Hỡi anh còn nhớ Bảy Ngàn
Củ co ăn với củ bàng thế cơm!”


Bên cạnh ca dao, nhiều tục ngữ về đời sống cũng gắn liền với từ xáng, như:

“Ăn như xáng múc
Làm như lục bình trôi”


Rõ ràng, từ khái niệm “máy xáng” rồi “kênh xáng” đã gợi mở cho dân gian “sáng tạo” nên những giá trị văn học bình dân đặc thù, có mặt thường nhật trong đời sống xã hội. Có lẽ, khởi đầu việc hình thành những giá trị này là từ vùng kênh xáng Xà No, bởi ở đây đào kênh xáng sớm nhất. Sau đó, nhân rộng đến vùng Ngã Bảy, Ngã Năm, rồi trở thành những nét văn hóa đặc trưng phổ biến rộng khắp miền Hậu Giang cho đến ngày nay. Từ truyền thống này, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đương đại vẫn nối tiếp ra đời theo dòng chảy kênh xáng Xà No, làm đẹp thêm cho gương mặt miền Hậu Giang xưa và Tây sông Hậu hôm nay.

* * *

Bàn về “văn minh kênh xáng” cũng là bước đi về nguồn, tìm hiểu và góp phần đúc kết những thành quả của các thế hệ tiền nhân ở nhiều chiều, nhiều dạng:

“Văn minh kênh xáng” bắt đầu từ việc cơ giới hóa khâu thủy nông, thúc đẩy hình thức sản xuất khép kín trong các điền - nét văn minh ấy còn mở ra bước tiến mới cho ngành công, thương, dịch vụ góp phần quyết định để miền Hậu Giang trở thành trung tâm lúa gạo lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Chỉ 5 năm sau ngày đào kênh xáng Xà No, lúa gạo miền Hậu Giang đưa đi xuất cảng tăng vọt: chiếm đến 900 ngàn tấn, trong tổng số 1 triệu 300 ngàn tấn của toàn Nam kỳ.

Những con kênh xáng còn tạo ra một dạng đời sống xã hội đặc trưng, qua nét văn hóa cư trú, văn hóa thương hồ mang đậm bản sắc sông nước miệt vườn. Từ đó, hình thành một cách rõ nét về lối sống, tính cách “người kênh xáng - Hậu Giang” trong cộng đồng cư dân Nam bộ - Đồng bằng sông Cửu Long.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------
SÁCH - TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tự vị tiếng nói miền Nam, Vương Hồng Sển (NXB Trẻ TP.Hồ Chí Minh, 1999)
- Tìm hiểu đất Hậu Giang, Sơn Nam (NXB Phù Sa - Sài Gòn 1959)
- Tạp chí xưa và nay số 286 (2007)
- Cuộc đời, sự nghiệp các văn nghệ sĩ Cần Thơ, Sở VHTT TP.Cần Thơ (2006)
- Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Thành, Huyện ủy Châu Thành (1999)
- Văn minh miệt vườn, Sơn Nam (NXB Văn Hóa, 1992).

NHÂM HÙNG

Hùng Vương hay Lạc Vương (An Chi / Huệ Thiên)

Huệ Thiên

Các đấng tiên nhân quốc tổ của dân tộc Việt là Hùng Vương hay Lạc Vương? Nhiều người đã bàn đến vấn đề này mà người đầu tiên là Henri Maspéro, một nhà Đông phương học uyên bác thuộc Pháp quốc Viễn Đông học viện (Ecole française d’Extrême-Orient) trong bài Le royaume de Van lang (BEFEO, no XVIII, 1918). Sau đó có cuộc tranh luận giữa Sở Cuồng Lê Dư với Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố. Ở miền Nam trước 1975, một số nhà nghiên cứu cũng có bàn đến, chẳng hạn trên tạp chí Bách Khoa, Phạm Hoàn Mỹ (1959) thì chủ trương Hùng Vương còn Trần Viêm (1965) thì lại chủ trương Lạc Vương. Bài này không nhằm điểm lại toàn bộ lịch sử của vấn đề mà chỉ nhắc lại những ý kiến chính của các tác giả, đặc biệt là của Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Trần Quốc Vượng đã phát biểu trong các cuộc hội nghị nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương, tổ chức trước đây ở miền Bắc, từ cuối 1968 đến 1971, in lại trong các tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước (HVDN).
Người đã để nhiều tâm trí và thời gian nhất vào vấn đề này không ai khác hơn là học giả Đào Duy Anh. Đối với Đào Duy Anh, các vị quốc tổ của chúng ta trước sau vẫn là Lạc Vương. Thật vậy, ngay từ năm 1938, trong Việt Nam văn hóa sử cương (chúng tôi dùng bản in lần thứ hai, Nxb Bốn Phương, Sài Gòn, không đề năm), Đào Duy Anh đã viết: «Sử chép rằng Lạc-Long-quân phong cho người con trưởng làm vua ở nước Văn-lang xưng là Lạc Vương» (Sđd, tr. 25). Ông đã ghi nhận rằng phát hiện về sự nhầm lẫn từ Lạc Vương thành Hùng Vương là thuộc về «nhà cổ học» (danh từ của ĐDA) H. Maspéro (X. sđd, tr. 25, chth. 1. ).
Năm 1946, trong Nguồn gốc dân tộc Việt Nam (chúng tôi dùng bản in lần thứ hai, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1950), Đào Duy Anh lại viết về xã hội Lạc Việt như sau: «Các bộ lạc thì ở dưới quyền tù trưởng gọi là lạc tướng, các lạc tướng thì phục tòng ít nhiều một vị tù trưởng có thế lực hơn hết cả gọi là lạc hầu hay lạc vương. » (Sđd, tr. 65). Ở đây ông cũng cho biết ông đã theo ý kiến của nhà Chi-na học H. Maspéro, «cho rằng chữ Hùng-vương chính là chữ Lạc-vương viết lộn ra». (Sđd, tr. 65, ch.th. 1).
Chín năm sau, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh còn bày tỏ một lập trường rành mạch và dứt khoát hơn nữa. Khi nhắc đến các truyền thuyết xưa về nước Văn Lang chép trong Lĩnh Nam chích quái (ĐDA viết trích) thì ngay sau hai chữ Hùng Vương ông đã ghi chú trong ngoặc đơn như sau: «Sửa lại là Lạc vương» (Sđd, tr. 83), Hoặc như ông đã viết: «Cái danh hiệu Hùng vương, nay sửa là Lạc vương (chúng tôi nhấn mạnh - HT) chỉ là phiếm chỉ các thế hệ tù trưởng từ xưa đã lãnh đạo dân tộc Lạc-việt trước và sau khi họ đã định cư ở Bắc Việt-nam» (Sđd, tr. 93). Còn ở những chỗ thuộc về lập luận và hành văn riêng của cá nhân thì đương nhiên là ông đã chính thức và trực tiếp dùng hai tiếng Lạc Vương, chẳng hạn: «Lạc-vương là vị tù trưởng tối cao cũng chỉ là vị tù trưởng thế tập của bộ lạc liên hiệp Lạc-việt (...) » (Sđd, tr. 93). Nếu trước kia, năm 1938 và năm 1946, ông chỉ nhắc đến ý kiến của Maspéro nơi cước chú thì nay ông đã đưa thẳng vào lập luận chính thức của mình: «Về danh hiệu Hùng vương thì H. Maspéro đã viện các sách Giao châu ngoại vực ký vàQuảng châu ký mà chứng minh rằng cái tên Hùng vương chính là cái tên Lạc vương chép lầm ra (...). Trước hết là người ta chép hai chữ lạc 駱 và 雒 lộn nhau, rồi chữ lạc (...) 雒 lộn thành chữ hùng 雄(...) Chính một sử thần nước ta chú thích sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã thấy chỗ lầm từ chữ lạcsang chữ hùng mà nói rằng danh hiệu «lạc tướng» sau bị người ta lầm là «hùng tướng», nhưng lại sợ uy quyền của tập truyền xưa nay vẫn gọi «Hùng vương» mà không dám nói đến cái lầm từ «Lạc vương» sang «Hùng vương» (Sđd, tr. 92-93).
Ba năm sau, trong Lịch sử Việt Nam, quyển thượng (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958) ông vẫn duy trì quan điểm của mình như ông đã phát biểu trong Cổ sử Việt Nam tuy không chi tiết bằng (vì đây là một bộ thông sử dành cho một đối tượng rộng rãi).
Hoa Bằng thì đã tán thành danh hiệu Lạc Vương từ năm 1950. Ký tên Hoàng Thúc Trâm, trong Lịch-sửxã hội Việt-Nam (Nxb Thế giới, Hà Nội, 1950), ông đã dành hẳn một trong mười mục của quyển sách cho vấn đề «Hùng vương hay Lạc vương?». Ông nhắc lại cuộc tranh luận về vấn đề đang xét giữa Sở Cuồng Lê Dư với Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố cũng như nhắc lại quan điểm của Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương và Nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Trong phần phân tích của mình, Hoàng Thúc Trâm đã căn cứ vào Giao châu ngoại vực kýThủy kinh chú và An-nam chí nguyên là những sách của người Trung Hoa, đặc biệt là vào An-nam chí lược của Lê Tắc, một người Việt Nam ở thời nhà Trần đã đi theo quân Nguyên để khẳng định rằng Hùng Vương chỉ là do Lạc Vương chép nhầm mà ra. Về sử liệu mà sách của Lê Tắc đã cung cấp, Hoàng Thúc Trâm cho biết rằng: «Khi nào nhắc đến «vua» của Văn-lang, tác giả An-nam chí lược đều chép là Lạc vương cả» (Sđd. tr. 72). Đánh giá tính xác thực của sử liệu trong An Nam chí lược, ông đã viết: «Nội dung sách đó tuy có những điểm đáng kết án (về lập trường, quan điểm, vì theo Mông Cổ – HT) nhưng tựu trung (...) cũng cung cấp được nhiều sử liệu (...) cho ta kê cứu. Đó vì, theo như Lê Tắc tự nói hoặc những bạn văn của Tắc ở bên Nguyên đã giới thiệu trong các bài tựa, thì Tắc là người thông minh, học rộng, đi nhiều, rất thông thạo về địa lý và lịch sử bản quốc, nên ngoài những sử sách Trung-quốc dùng làm tài liệu, tác giả An-nam chí lược còn đem những sở kiến sở văn từ khi còn ở nước nhà mà ghi chép vào nữa (Sđd, tr. 72-73).
Về sự nhầm lẫn đã xảy ra, Hoàng Thúc Trâm viết: «Còn việc lầm «Lạc» ra «Hùng» thì sử thần Ngô Sĩ Liên, người thế kỷ mười lăm, đã chua rõ ở Đại Việt Sử ký ngoại kỷ toàn thư, quyển 1, tờ 3a: Lạc tướng hậu ngoa vi hùng tướng (...) Lạc tướng sau lầm làm Hùng tướng. Nhưng tại sao Ngô Sĩ Liên không nói đến Lạc vương? Có lẽ vì những cớ này: 1. Quan niệm tôn quân của nhà nho (...) đâu dám bỗng dưng nêu ra một thuyết đính ngoa, bảo là «Lạc vương sau lầm ra Hùng vương» vì e lạ tai lạ mắt người đời, thất kính với quốc tổ, tất nhiên từ trong triều đến ngoài nội, sử thần sẽ là cái đích cho muôn nghìn mũi tên nhằm bắn! (...) 2. Hai tiếng Hùng vương đã quen dùng trong dân gian (...) rất khó sửa lại cho đúng trong khi nói được (...) 3. Theo tâm lý chung, ai cũng thích chữ tên có nghĩa đẹp hơn nghĩa xấu(...)» (Sđd, tr. 73-74). Về phía cá nhân, Hoàng Thúc Trâm đã có một lập trường rất dứt khoát nên ông đã kết luận: «Nhưng đây là sử học, không phải là chuyện cảm tình, ta phải hoàn toàn khách quan mà trả lại sự thực cho lịch sử. Vậy từ nay, tưởng nên viết là Lạc vương (chúng tôi nhấn mạnh – HT)» (Sđd, tr. 74).
Trở lên là ý kiến của hai học giả danh tiếng về sau đã tham gia các cuộc hội nghị nghiên cứu về thời kỳ Hùng Vương. Tại hội nghị lần thứ II tổ chức vào tháng 4-1969, những người đã trực tiếp đặt lại vấn đề «Hùng Vương hay Lạc Vương?» vẫn là Đào Duy Anh và Hoa Bằng; ngoài ra còn có Nguyễn Đổng Chi.
Trong tham luận Góp ý kiến về vấn đề Hùng Vương, Đào Duy Anh đã đặt lại toàn bộ vấn đề thư tịch một cách nghiêm cẩn, rành mạch và rất xác đáng. Không quên nhắc lại vấn đề «Hùng Vương hay Lạc Vương», ông khẳng định rằng sách đầu tiên ghi chép về danh hiệu Lạc Vương là Giao châu ngoại vực ký thuộc thế kỷ IV, còn sách đầu tiên đã chép nhầm tất cả các chữ Lạc của Giao châu ngoại vực kýthành chữ Hùng là sách Nam Việt chí thuộc thế kỷ V. Vậy danh hiệu nguyên thủy vẫn là Lạc Vương. Tuy nhiên, vì những lý do tế nhị nên trong hội nghị này ông đã tỏ ra nhân nhượng mà phát biểu như sau: «Dù sao nữa, (...) cái danh hiệu Hùng Vương gắn liền với nguồn gốc và vận mệnh của tổ tiên chúng ta mà trải qua bao nhiêu đời sử cũ từ Đại Việt sử ký về sau và truyền thống của dân tộc vẫn gọi thế, thì ngày nay chúng ta vẫn trân trọng và giữ theo, còn các danh hiệu Lạc hầu Lạc tướng thì chúng ta cũng cứ gọi theo sử cũ, cho đến những danh từ Lạc điền Lạc dân cũng cứ gọi thế, chứ không theo sách Nam Việt chí mà đổi gọi là Hùng cả». (HVDN; t. II, tr. 280).
Trong tham luận Về Hùng Vương và xã hội Hùng Vương gồm có hai phần mà phần đầu có tiêu đề làHùng Vương hay Lạc Vương, Hoa Bằng nhắc lại rằng về vấn đề này, trước Cách mạng tháng Tám, nhiều người nhiều lần đã tranh luận nhưng chưa ngã ngũ. Nay đến lúc chúng ta cần phải làm cho dứt điểm» (Sđd, tr. 287). Ông vẫn cho rằng hầu hết các sử sách Trung Quốc xưa đều chép là Lạc Vương và lần này ông đã khảo sát ý nghĩa của tất cả các chữ Lạc khác nhau được dùng để ghi danh hiệu Lạc Vương thì thấy rằng những nghĩa đó đều không có gì là tốt đẹp cả. Nhưng ông cho rằng đó là một sự thật khách quan tồn tại, chúng ta chỉ có nhiệm vụ là trả cho Xê-da cái chi của Xê-da» (Sđd, tr. 288). Tuy chủ trương «trả cho Xê-da cái chi của Xê-da» nghĩa là trả cho «Hùng Vương» cái danh hiệu Lạc Vương nhưng cũng như Đào Duy Anh và cũng vì những lý do tế nhị như của Đào Duy Anh, Hoa Bằng đã nhân nhượng mà kết luận rằng ngày nay, chúng ta, dù muốn dù không, vẫn cứ phải gọi là «Hùng Vương», một từ vừa có ý nghĩa cao quý, đẹp đẽ, lại vừa được lưu hành phổ biến từ xưa đến nay». (Sđd, tr. 288).
Người thứ ba trong hội nghị này có trực tiếp đề cập đến vấn đề đang xét là Nguyễn Đổng Chi. Trong tham luận Tính chất xã hội thời kỳ Hùng Vương, ông cũng điểm lại các sách xưa có ghi chép về Lạc Vương là Giao châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, quyển trước được Thủy Kinh chú trích dẫn còn quyển sau thì được Sử ký sách ẩn trích dẫn. Các sách trên đều nhất loạt ghi Lạc Vương, Lạc hầu, Lạc tướng v.v... Duy chỉ có Nam Việt chí của Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ V) rồi sau đó là Phiên Ngung tạp chícủa Trịnh Hùng đời Đường là bao nhiêu chữ lạc đều chép nhầm thành chữ hùng, làm hao tốn nhiều giấy mực cho các nhà nghiên cứu đời sau. Nghĩa là danh hiệu nguyên thủy, theo Nguyễn Đổng Chi, cũng làLạc Vương (X. Sđd, tr. 293).
Đến hội nghị lần thứ IV thì Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc không những chỉ thừa nhận hình thức gốc làLạc Vương mà còn đi sâu tìm hiểu ý nghĩa của từ tố lạc nữa (Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố «Lạc», HVDN, t. IV, tr. 134-141).
Tóm lại, theo ý kiến của những nhà nghiên cứu trên đây là những người trực tiếp thảo luận về mối quan hệ giữa hai danh hiệu Hùng Vương và Lạc Vương thì Lạc Vương mới là danh hiệu nguyên thủy về sau bị chép nhầm mà thành Hùng Vương chứ không phải là ngược lại. Còn những người không trực tiếp nêu vấn đề lên để thảo luận, khi cần nhấn mạnh đến danh hiệu nguyên thủy, cũng đều nhất loạt gọi là Lạc Vương. Đó là Trần Quốc Vượng trong bài Vài ý kiến chung quanh vấn đề thời kỳ Hùng Vương (X. HVDN, t. II, tr. 130), Nguyễn Linh trong bài Trở lại vấn đề vị trí nước Thục của Thục Phán (X. Sđd, tr. 193), Lã Văn Lô trong bài Tìm hiểu chế độ xã hội thời kỳ Hùng Vương qua chế độ lang đạo ở vùng Mường trước Cách mạng tháng Tám (X. Sđd, tr. 308 và 310), Nguyễn Linh và Hoàng Xuân Chinh trong bài Đất nước và con người thời Hùng Vương (X. HVDN, t. III, tr. 92), v.v... Còn tất cả những người khác khi sử dụng danh hiệu Hùng Vương thì đều là gọi theo thói quen chứ hoàn toàn không có bất cứ ai cho rằng danh xưng nguyên thủy phải là Hùng Vương cả. Riêng Nguyễn Duy Hinh trong bài Điểm qua tình hình thư tịch về thời đại Hùng Vương thì cho rằng Hùng Vương và Lạc Vương là hai cách đặt tên khác nhau của những tác giả khác nhau đối với người đứng đầu tổ chức xã hội đương thời ở nước ta mà thôi. Dù là Hùng Vương hay Lạc Vương đều là tên do các nhà viết sử phong kiến Trung Quốc đặt ra và cả hai tên đều có thể giải thích lý do đặt tên được (HVDN, t. I, tr. 97). Đương nhiên là người ta không thể dễ dàng chấp nhận rằng đây là một ý kiến có căn cứ.
Tóm lại, vấn đề có thể coi như đã rõ ràng. Thế nhưng trong hội nghị lần thứ III, Trần Quốc Vượng lại có một bài tham luận nhan đề Về danh hiệu Hùng Vương (HVDN, t. III, tr. 353-355), qua đó ông muốn xem Hùng Vương là một danh hiệu riêng biệt chứ không phải do Lạc Vương bị chép nhầm mà ra. Ông muốn «tiếp cận vấn đề Hùng Vương từ ngả đường ngôn ngữ học», viện lẽ rằng «có nhiều tên đất, tên người, tên cây cỏ, cầm thú,... của Việt Nam thời cổ được ghi bằng chữ Hán, nhưng thật ra là phiên âm tiếng Việt cổ» (Sđd, tr. 353) mà yếu tố hùng trong Hùng Vương là một trường hợp.
Trần Quốc Vượng cho rằng Hùng 雄 là một yếu tố tiếng Việt cổ tương ứng với các yếu tố sau đây: Kuncủa tiếng Mường có nghĩa là con trưởng ngành trưởng nhà lang, Khun trong các ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Môn-Khmer và ngữ hệ Tày-Thái như tiếng Laha, Kháng, Ksingmul, Khmu, Thái Tây Bắc và Lào, có nghĩa là người tù trưởng, người cầm đầu, cũng là tiếng chỉ giới qúy tộc, chỉ người được tôn kính. Thí dụ:Khun Borôm là người tù trưởng nửa huyền thoại nửa lịch sử của người Lào; Khun Quằng, Khun Mun, Khun Piền,... là những tù trưởng của người Laha và người Kháng, Khun Coong là người cầm đầu, chỉ huy việc làm chiếc trống mới trong lễ cổ truyền mừng thắng trận của A-nha Thái Thuận Châu trước Cách mạng tháng Tám. Ngoài ra ông còn liên hệ với tiếng Mun-đa ở Ấn Độ; ngôn ngữ này có Khunztchỉ người cầm đầu gia tộc hay các lĩnh vực đời sống, tôn giáo. Thậm chí ông còn liên hệ với thổ ngữ Sơn Tây ngày trước trong phương ngữ Bắc bộ; ở đây trẻ con chửi nhau có câu «Tiên sư ông Khuấn nhà mày». Khuấn được giải thích như là ông tổ, người cầm đầu một gia tộc. Về mặt ngữ nghĩa là như thế.
Về mặt ngữ âm, Trần Quốc Vượng cho rằng các phụ âm đầu k, kh, h dễ dàng chuyển đổi với nhau vì đó là những phụ âm cùng vị trí cấu âm (ngạc sau hay lưỡi sau) chỉ khác nhau về phương thức cấu âm (k là âm tắc, k’ là âm bật hơi, kh là âm xát) mà thôi. Riêng âm h tuy không phải là âm lưỡi sau mà là âm thanh hầu nhưng về vị trí thì cũng như các âm trên, nó được phát âm ở một vị trí về phía trong và do đó có thể tham gia loạt chuyển đổi này. Phụ âm mà tiếng Hán Việt phát âm là h vốn tương ứng với một âm h hay kh trong các phương ngữ tiếng Hán hiện đại. Theo sự phục nguyên của B. Karlgren đã được đông đảo các nhà ngữ học Trung Quốc cũng như nước ngoài thừa nhận thì trong cổ âm Hán ngữ, các phụ âm đầu của các từ (âm vận học truyền thống của Trung Hoa gọi là các thanh mẫu -HT) kiến, khê, hiểu, hạp, hứa đều được coi là cùng vị trí và đều được gọi là nha âm, tức âm lưỡi sau theo thuật ngữ hiện đại. Từ hiện nay phát âm là hùng thì ở khoảng thế kỷ thứ V (Nam Việt chí là sách đầu tiên ghi chép danh hiệu Hùng Vương ra đời vào thế kỷ này) không thể có dạng như hiện nay mà phải có phụ âm đầu là một phụ âm lưỡi sau như kh hoặc k. Do đó mà nó rất gần với khun, kun, khunzt.
Trở lên là cách giải thích của Trần Quốc Vượng về yếu tố hùng trong Hùng Vương. Cách giải thích này sau đó còn được ông truyền giảng hoặc thông báo cho nhiều cử tọa khác nhau, trong đó có cả Hội nghị lần thứ IV giữa các nước xã hội chủ nghĩa về các ngôn ngữ phương Đông họp tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1986 (X. Tiếp cận lịch sử văn hóa Việt Nam từ ngả đường ngôn ngữ, trong Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông, Hà Nội, 1986, tr. 477-489), Sau đây chúng tôi sẽ phân tích xem cách giải thích trên đây của Trần Quốc Vượng có giá trị như thế nào.
Trần Quốc Vượng đã xem khun là một từ chung (= cùng gốc và là họ hàng với nhau) của nhiều ngôn ngữ thuộc họ Môn-Khmer và Tày-Thái. Nhưng người ta không thể luôn luôn xem các từ đồng nghĩa và đồng âm, hoặc cận âm trong những ngôn ngữ lân cận là những từ cùng gốc bởi chúng rất có thể chỉ là những từ vay mượn của nhau mà thôi. Nhiều nhà ngữ học bậc thầy đã nhắc nhở điều này. L. Hjemslev đã viết: «Hai ký hiệu có thể tỏ ra thậm giống nhau mà vẫn không hề có với nhau một mối tương quan phổ hệ nào cả» và «Nếu người ta phải căn cứ vào sự giống nhau bên ngoài thì không thể phân biệt được những từ vốn là vay mượn với những từ vốn cùng nguồn gốc với nhau (Le langage, traduit du danois par Michel Olsen, Paris, 1969, p. 112). Nói về việc nhìn vào hình thức ngữ âm của các từ mà định họ hàng như Trần Quốc Vương đã làm, J. Vendryès đã viết: «Đó là một phương pháp nguy hiểm. Trong giới tự nhiên, có những người cùng họ hàng giống nhau đến nỗi người này bị nhận là người kia. Nhưng không phải tất cả những kẻ giống hệt nhau đều là họ hàng của nhau. Trong ngữ học cũng vậy, những sự giống nhau thường hay đánh lừa» (Le langage, Paris, 1921, p. 360).
A. Meillet cũng từng viết: «Khi người ta gặp trong nhiều ngôn ngữ – có họ hàng hay không – những từ giống nhau sát sao vừa về hình thức vừa về nghĩa, thì trước hết người ta phải tự hỏi xem có phải là tất cả các ngôn ngữ còn lại đã vay mượn của một trong những ngôn ngữ ấy hay không» (Introduction à l’étude comparative des langues indo-européennes, Paris, 1937, p. 378). Meillet đã cho thí dụ về danh từ có nghĩa là hình phạt, tiền chuộc, v.v... trong một số ngôn ngữ Ấn Âu: tiếng Hy Lạp poinê, tiếng Latin poena, tiếng Ireland cổ đại pian, tiếng Gallois poen, tiếng Thượng Đức cổ đại pina (Đức hiện đại pein), tiếng Anh cổ đại pi:n (Anh hiện đại pine, pain) và chỉ rõ ra rằng đó không phải là một từ gốc Ấn Âu cổ xưa mà các ngôn ngữ trên đây đều cùng bảo tồn được. Lý do là một p của nhóm Celtic, (mà đại diện ở đây là tiếng Ireland cổ đại và tiếng Gallois) không bao giờ là một p Ấn Âu; cũng vậy đối với p của nhóm Germanic (mà đại diện ở đây là tiếng Đức và tiếng Anh). Thực tế ở đây là các ngôn ngữ Ireland, Gallois, Đức, Anh đều đã mượn ở tiếng Latin poena còn chính cái từ này của tiếng Latin thì lại là mượn ở phương ngữ Dorien của tiếng Hy Lạp: đó là danh từ poina (X. Sđd, tr. 378).
Ngay trong một họ ngôn ngữ mà còn như thế, huống chi các ngôn ngữ mà Trần Quốc Vượng đã trưng dẫn, thuộc hai họ khác nhau, một đằng là Môn-Khmer, một đằng là Tày-Thái, thì làm sao có thể nói rằng khun là một từ chung cho các ngôn ngữ của ông được? Thực ra, khun là một từ mà các ngôn ngữ Laha, Kháng, Ksingmul và Khmu đã trực tiếp mượn từ tiếng Lào hoặc gián tiếp mượn của tiếng Lào thông qua tiếng Thái Tây Bắc, còn chính tiếng Lào thì lại mượn từ tiếng Pali guru có nghĩa là người thầy hoặc người được sùng kính.
Trong tiếng Lào, từ đang xét không phải là một từ có thanh ngang; nó có thanh thấp đi lên mà chúng tôi tạm ghi bằng dấu ngã. Bởi thế, đó không phải là khun mà là khũn (Trở xuống, tiếng Lào được ghi âm bằng chữ quốc ngữ nên giá trị phát âm giống như trong tiếng Việt. Riêng về thanh điệu thì sẽ ghi theo Marc Reinhorn trong Dictionnaire laotien-français (Paris, 1970) nhưng thanh thấp đi lên (grave montant) thì ghi bằng dấu ngã như đã nói: những thanh này không có giá trị giống như trong tiếng Việt. Còn tiếng Pāli thì được ghi bằng chữ Latin theo quy ước thông dụng. Những cứ liệu tiếng Lào là lấy theo M. Reinhorn). Tiếng Pali guru cho ra tiếng Lào khũn là một hiện tượng hoàn toàn đúng qui luật.
Trước hết, Pāli g > Lào kh là một hiện tượng phổ biến, chẳng hạn gaja > khásá (con voi), gamma >khămmá (bình thường, thông tục), gini > khíntí (lửa) gutti > khút, dạng tắt và khúttì dạng đầy đủ (sự bảo vệ, sự trông nom), geha > khêhà (nhà), nagara > nákhon (thành phố, xứ sở) v.v...
Thứ đến, cũng là bình thường hiện tượng r của Pali, sau nguyên âm của âm tiết trước, trở thành ntrong tiếng Lào khi nào âm tiết tiếp theo của tiếng Pāli do nó khởi đầu bị tiếng Lào lược bỏ; sự lược bỏ này trong nhiều trường hợp đã cho ra thanh thấp đi lên trong tiếng Lào. Thí dụ: sara > sõn (nguyên âm), sira > siễn (đầu, người đứng đầu), vihàra > vihãn (tu viện, chùa chiền), ghora khỗn (quỷ, yêu ma), kesara > kaysõn (nhụy hoa)...
Cần nói rõ ràng thêm rằng phụ âm đầu của từ khũn trong tiếng Lào lẽ ra phải được ghi bằng chữ kho là chữ thứ ba trong bảng chữ cái của Lào, vẫn được dùng để phiên âm âm vị đầu tiên của những âm tiết Pali bắt đầu bằng g. Nhưng ở đây nó lại được ghi bằng chữ khõ là chữ thứ hai trong bảng chữ cái. Đây là một điều bất thường, nhưng điều bất thường này có thể giải thích được vì khũn không phải là trường hợp duy nhất đi chệch khỏi quy tắc: thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những trường hợp như thế, chẳng hạn Pāli giddhi > Lào khíthì (keo kiệt, bủn xỉn). Phụ âm đầu của từ này trong tiếng Lào cũng được ghi bằng chữ khõ là chữ thứ hai trong bảng chữ cái thay vì bằng chữ kho là chữ thứ ba.
Vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, khũn của tiếng Lào - và cả của tiếng Xiêm: ngôn ngữ này cũng mượn từ Pali guru và phát âm giống như tiếng Lào - là một từ gốc Pāli [1]; từ này đã được các ngôn ngữ Thái Tây Bắc, Laha, Kháng, Ksingmul và Khmu mượn lại chứ tuyệt nhiên không phải là một từ «bản ngữ» trong các thứ tiếng này như Trần Quốc Vượng đã ngộ nhận.
Trần Quốc Vượng còn cả quyết rằng từ hiện nay phát âm là hùng thì ở khoảng thế kỷ V không thể có dạng như hiện nay mà phải có âm đầu là một phụ âm lưỡi sau như kh, k. Rõ ràng đây là một sự khẳng định vô căn cứ. Mọi người đều biết rằng chữ hùng 雄 là một chữ thuộc thanh mẫu hạp 匣, một thanh mẫu mà giá trị ngữ âm ở thế kỷ V đã được phục nguyên là ɣ (Vương Lực, B. Karlgen, H. Maspéro, Đổng Đồng Hòa, ...) hoặc h (Đường Tác Phiên). Cả hai âm này đều là phụ âm hữu thanh. Riêng Karlgren về sau đã phục nguyên lại cho hùng một phụ âm đầu khác là g (X. Grammata Serica Recensa, Stockholm; 1957, pp. 236-237, series 88, l) nhưng đây vẫn là một phụ âm hữu thanh. Còn những âm mà Trần Quốc Vượng đưa ra (kh, k) đều là những phụ âm vô thanh trong khi đó ông lại nhận là mình đã làm công việc phục nguyên theo kết quả nghiên cứu của B. Karlgren «đã được đông đảo các nhà ngôn ngữ học Trung Quốc cũng như nước ngoài thừa nhận»!
Nhưng cái thiếu sót rõ nhất của Trần Quốc Vượng là ở chỗ trong khi ông phục nguyên cho từ hùng cái phụ âm đầu kh (hoặc k) của thế kỷ V thì ông lại để nguyên phụ âm đầu của khun (hoặc kun) trong trạng thái hiện đại của nó. Một sự so sánh như thế rõ ràng là một sự so sánh khập khiễng: nó không có giá trị. Lẽ ra ông cũng phải phục nguyên cho khun (hoặc kun) cái phụ âm đầu ở thế kỷ V. Còn nếu quả là ở thế kỷ V, phụ âm đầu của khun (hoặc kun) vẫn là kh (hoặc k) thì điều này lại đòi hỏi một sự chứng minh chặt chẽ và rành mạch chứ cũng không thể chỉ là kết quả của một sự khẳng định suông được.
Trở lên là ý kiến của một số nhà nghiên cứu. Dưới đây là ý kiến cá nhân. Không dám động đến truyền thống và tình cảm dân tộc, chúng tôi cho rằng ai có muốn gọi các vị quốc tổ của chúng ta là «Hùng Vương» thì xin cứ gọi như thế cho được thỏa nguyện. Không có một đạo luật nào cấm gọi như thế cả. Nhưng ngược lại cũng không có một đạo luật nào cấm các sử gia gọi các vị quốc tổ là Lạc Vương khi đây là một sự thật mà họ đã chứng minh.
Chúng tôi mạo muội mường tượng rằng nếu các đấng tiên nhân của chúng ta biết đến cái lập luận của người hiện đại trong việc cố gắng duy trì danh hiệu «Hùng Vương» thì hẳn các vị sẽ nhắn nhủ với di duệ của mình: «Chúng ta là con cháu đức Lạc Long Quân, thuộc nòi giống Lạc Việt, lại làm «vua» củaLạc dân (= dân Lạc) nơi xứ sở của Lạc điền (= ruộng Lạc) có các Lạc hầu và Lạc tướng trông coi mà bị gọi là «Hùng Vương» thì không thú vị lắm! Hãy cho chúng ta được về nguồn mà gọi chúng ta là Lạc Vương». ●
(Một tháng trước ngày Giỗ Tổ năm 1992)
* Đăng lần đầu tiên trên Kiến thức ngày nay, số 81, ngày 1-4-1992.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 113-128.


[1] Với thanh điệu đã nói, Khũn chỉ có thể do Pāli guru mà ra, chứ không thể do quân 君 của tiếng Hán.

Saturday, 28 July 2012

Lộ biên có phải là từ Hán Việt không?


Cây lộ biên (còn gọi là khử đờm thảo) chứa hơn hai chục chất an-ca-lô-ít, trong đó có chất lô-be-lin được dùng để chữa những trường hợp ngất do hô hấp (điện giật, chết đuối, ngộ độc ô-xít các-bon, viêm phế quản, viêm phổi, họ gà, ngạt thở ở trẻ sơ sinh...) Tên cây nghe như gốc Hán nhưng tên Trung Quốc của nó thật ra là半邊蓮
 (bán biên liên).
Tên tiếng Pháp của lộ biên là lobélie (do Lamark đặt năm 1778). Trước đó là lobélia (1747), do tiếng La Tinh là lobelia. Tên này do Linné đặt để tưởng nhớ nhà thực vật học người Matthias de Lobel (1538-1616).
Không rõ các nhà thực vật học Việt Nam đặt tên lộ biên dựa vào tên khoa học (Lobelia inflata L) hay tên tiếng Pháp (lobélie).

Friday, 27 July 2012

QUẢNG NAM: MIỀN ĐẤT KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ (Châu Yến Loan)

Thứ ba, ngày 21 tháng bảy năm 2009


QUẢNG NAM: MIỀN ĐẤT KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ

Đầu thế kỷ XVII, các Giáo sĩ Tây phương đến truyền đạo ở xứ Đàng Trong, để nhanh chóng thu phục con chiên họ nỗ lực học tiếng Việt, dùng mẫu tự La tinh để ghi âm tiếng bản xứ, từ đó tiến tới việc sáng chế chữ Quốc ngữ.
Người đầu tiên có thể truyền giáo bằng tiếng Việt là Giáo sĩ Francisco de Pina, ông chính là người có công đầu trong công cuộc đặt nền tảng cho việc hình thành chữ Quốc ngữ. Suốt gần ba trăm năm, chữ Quốc ngữ chỉ được lưu hành trong phạm vi nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp mới áp đặt đưa chữ Quốc ngữ vào lãnh vực hành chánh, biến thứ chữ này thành công cụ phục vụ chế độ cai trị, do đó không được nhân dân đồng tình đón nhận. Những năm đầu thế kỷ XX, Phong trào Duy Tân phát xuất từ Quảng Nam, nhận thức được giá trị hữu ích của chữ Quốc ngữ như là một khí cụ khai dân trí giúp nhân dân tiến nhanh trên đường giải phóng dân tộc khỏi cảnh nô lệ, đã thổi vào chữ Quốc ngữ cái hồn dân tộc, ra sức cổ động người người gắng công học chữ Quốc ngữ. Quảng Nam nhờ vậy có vinh hạnh làm cái nôi khai sinh chữ Quốc ngữ lại thêm cái vinh dự mở đường truyền bá chữ Quốc ngữ.
I. QUẢNG NAM - NƠI KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ:
1. Hoàn cảnh và nguyên nhân sáng chế chữ Quốc ngữ:
Dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, cảng thị Hội An càng ngày càng phát triển, trở thành trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất của xứ Đàng Trong. Thuyền buôn các nước tấp nập cập bến, nhiều nhất là Trung Hoa, Nhật Bản, Hoà Lan và Bồ Đồ Nha. Nói về Hội An thời ấy Cristoforo Borri đã ghi nhận: "Thành phố này gọi là Faifo, một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy". (1, tr 92)
Mặc dầu các thuyền buôn Bồ Đào Nha đến buôn bán với Hội An rất sớm, nhưng các giáo sĩ vẫn chưa có cơ hội đến truyền đạo ở xứ Đàng Trong. Cho đến năm 1613, Nhật Bản ban hành lệnh cấm đạo, trục xuất các giáo sĩ ,thì những người được đào tạo để gởi đi Nhật Bản phải chuyển hướng sang Việt Nam. Ngày 6/1/1615, phái đoàn Buzomi đáp tàu buôn Bồ Đào Nha từ Macao đến Cửa Hàn (Đà Nẵng). Sau đó, mấy tháng mới đến ở Hội An (2,tr 20). Họ chọn Hội An để truyền giáo vì nơi đây đã có sẵn những con chiên người Nhật cần đến họ và sẵn sàng giúp đỡ họ làm thông ngôn để giao tiếp với người Việt. Khi giảng đạo nếu dùng ngôn ngữ bản xứ trực tiếp đối thoại thì lời thuyết giáo sẽ sinh động, có hồn, dễ đi sâu vào lòng người; còn nếu phải dùng người phiên dịch thì hiệu quả không cao. Vì vậy, các giáo sĩ phải gấp rút học tiếng Việt. Họ dùng bộ chữ cái La Tinh để ghi âm tiếng bản xứ giúp cho người mới học dễ nhớ, dễ sử dụng hơn, từ đó chữ Quốc ngữ được ra đời.
Chỉ cần nhìn vào cách ghi âm địa danh Dinh Chiêm là ta có thể hình dung được tiến trình tạo lập chữ Quốc ngữ. Đây là địa danh được phiên âm sớm nhất ở dạng chữ Quốc ngữ sơ khai. Lúc đầu chưa ý thức được tiếng Việt là tiếng đơn âm nên họ không viết theo lối cách ngữ mà lại viết dính nhau, họ cũng chưa phân biệt được các dấu giọng nên viết không có dấu: João Roiz viết là Cacham vào năm 1621, cũng năm này, tuy Gaspar Luis chưa đến Việt Nam nhưng cũng viết là Cacham và sau khi đến xứ Đàng Trong năm 1626 lại viết Dinh Cham. Trong bản tường trình ngày 1/1/1626 giáo sĩ Antonio De Fontes cũng ghi là Dinh Cham nhưng cũng có khi viết là Dĩgcham. Riêng Cristoforo Borri thì ghi theo lối Ý nên viết là Cacciam (1621). Những trở ngại này nhanh chóng được khắc phục, chỉ mười năm sau đó, năm 1632 Gaspar D’Amaral đã có thể viết ngay "Kẻ Chàm" như cách ta viết ngày nay. Mỗi giáo sĩ có một cách ghi, chứng tỏ chữ Quốc ngữ được tạo thành do công sức của cả một tập thể chứ chẳng riêng ai. Tuy thế, người đóng góp sớm nhất và quan trọng nhất là Francisco De Pina.
2. Pina - người mở đường cho công trình La Tinh hoá tiếng Việt
Pina, người Bồ Đào Nha, sinh tại thành phố Guarda năm 1585 (hay 1586 theo Roland Jacques hoặc 1588 theo Hồng Nhuệ). Ông vào Dòng Tên từ năm 19 tuổi, học Thần học, tiếng Nhật và các môn khoa học, nghệ thuật nhiều năm tại Macao trước khi sang Việt Nam năm 1617. Ngay từ khi đến Quảng Nam, Pina đã tự nguyện lao vào việc học tập, nghiên cứu tiếng Việt. Trong thư gửi cho Tổng giám mục, giáo sĩ Gaspar Luis đã viết: "Linh mục De Pina đến Đàng Trong năm 1617. Đó là giáo sĩ đầu tiên miệt mài học tiếng nói" (3, tr40). Chỉ trong một thời gian ngắn, Pina đã nắm bắt được cốt lõi của tiếng Việt. Ông đã nhanh chóng phát hiện ra "Tiếng nói này là một tiếng nói có thanh âm, giống như một xướng âm pháp và trước hết là phải biết xướng âm nó đã, sau đó người ta mới học các chữ". (4, tr 36)
Không nắm được cốt lõi này thì không thể học được tiếng Việt. Chính vì không phân biệt được các thanh và dấu thanh nên Linh mục Manoel Fernandez - Cha bề trên của trú sở Hội An - dầu rất cố gắng học nói tiếng Việt, mỗi ngày hai lần được người Việt Nam luyện cách phát âm ròng rã một năm mà cha cứ nhầm lẫn giữa cà và cá chẳng nói được mấy từ chẳng phải, ông phải khiến bổn đạo Hội An, Thanh Chiêm không hiểu ông nói gì.
Pina không những nói thông thạo tiếng Việt, giảng đạo bằng tiếng Việt mà ông còn soạn một tập chính tả và dấu thanh tiếng Việt đồng thời bắt tay vào việc soạn ngữ pháp. Ông đã thu thập được nhiều truyện và các văn bản thích hợp cho việc trích dẫn những câu mẫu về ngữ pháp. Những điều đó đã chứng tỏ Pina mới là người tiên phong sáng tạo chữ quốc ngữ chứ không phải là Alexandre De Rhodes như người ta vẫn tưởng lâu nay. Mặc dầu Rhodes là người đầu tiên cho in những tài liệu thành văn về chữ quốc ngữ: Từ điển Việt-Bồ-La, Phép giảng tám ngày vào năm 1651 nhưng ông chỉ là người công bố, người phổ biến, người đóng góp rất nhiều cho việc hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ chứ không phải là người khởi xướng đúng như ông đã xác nhận trong Từ điển Việt-Bồ-La: "...ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco De Pina, người Bồ Đào, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn..." (5, tr 3). Chính nhờ những nỗ lực không hề biết mệt mỏi của A.De Rhodes mà ngày nay chúng ta vẫn còn được chiêm ngưỡng những tài liệu vô giá về chữ Quốc ngữ trong buổi bình minh của nó.
Điều thuận lợi cho A.De Rhodes khi học tiếng Việt là ông khỏi phải trải qua những dò dẫm ban đầu mà được thừa hưởng tất cả những gì Pina đã khổ công tích góp được về cách ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh. Rhodes là người hết sức trung thực và sòng phẳng khi công khai thừa nhận vai trò và vị trí của mình trong việc chế tác chữ Quốc ngữ. Cũng trong Từ điển Việt-Bồ-La ông nói rất rõ: "Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một Hội Dòng nhất là của cha Gaspar d’ Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển, ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm" (5,tr 3). Theo lời Rhodes, ta có thể giả định một bảng xếp loại các bậc tổ sư có công sáng chế chữ Quốc ngữ: Pina thuộc thế hệ thứ nhất, A.De Rhodes thuộc thế hệ thứ hai. Nhưng khi công bố các công trình của mình Rhodes lại thuộc thế hệ thứ năm, vì ông đã tận dụng những thành tựu của người đi trước ông như Pina lẫn người đi sau ông như Gaspar d’Amaral,Antonio Barbosa:
1) Thế hệ thứ nhất : Francisco De Pina - đến VN năm 1617
2) Thế hệ thứ hai : Alexandre De Rhodes - đến VN năm 1624
3) Thế hệ thứ ba : Gaspar D’Amaral - đến VN năm 1629
4) Thế hệ thứ tư : Antonio Barbosa - đến VN năm1636
5) Thế hệ thứ năm : Alexandre De Rhodes - xuất bản sách năm 1651

Những đóng góp lớn lao của Alexandre De Rhodes vào cuộc cách mạng chữ viết làm vinh danh cho người thầy đã từng dày công đặt nền móng cho việc sáng tạo chữ Quốc ngữ: Francisco De Pina.
3. Dinh trấn Thanh Chiêm - cái nôi của chữ Quốc ngữ
Nhờ sớm thông thạo tiếng Việt, Pina thường xuyên đi lại Thanh Chiêm để làm nhiệm vụ quan hệ với Dinh trấn, đến khi trú sở Thanh Chiêm thành lập năm 1625 ông được cử làm cha bề trên cai quản nơi đó. Trú sở này tuy theo giáo luật ra đời sau nhưng lại giữ một vai trò khá quan trọng vì ở ngay thủ phủ của Dinh Quảng Nam được xem như triều đình thứ hai của xứ Đàng Trong, do Hoàng tử Nguyễn Phước Kỳ, con cả của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ. Đây không chỉ là nơi đơn thuần chinh phục con chiên mà còn là nơi tranh thủ ngoại giao để tạo mọi điều kiện dễ dàng cho việc truyền giáo nên chỉ có Pina là thích hợp nhất để cai quản nơi này. Cũng không phải sau khi trú sở được thành lập Pina mới đến Dinh Chiêm mà trước đó ông gần như có mặt thường xuyên tại đây.
Ở Dinh trấn Thanh Chiêm, Pina đã tạo lập được mối quan hệ mật thiết với Hoàng tử Kỳ .Mặc dầu không thuyết phục được Hoàng tử chịu lễ thánh tẩy nhưng cũng tạo được niềm tin nơi vị trấn thủ. Hoàng tử rất có thịnh tình với Kitô giáo. Pina thường đến thăm quan Trấn thủ, cũng có khi quan Trấn thủ đến thăm Pina cùng với một số Nho sĩ để nghe Pina giảng về giáo lý. Ở đây, Pina cũng làm được nhiều việc ích lợi cho công cuộc truyền giáo vì đã chinh phục được một số người quyền quí có thế giá ở trong Dinh. Tại nhà một bà tên là Gioanna, Pina đã dạy giáo lý bằng tiếng bản xứ khiến người nghe có thể cảm nhận đích thực suối nguồn của đạo. Gaspar Luis còn cho biết thêm, Pina được triều đình kính trọng nhờ những hiểu biết về toán học và thiên văn của ông. Ông đã nhận huấn luyện cho những nhà Chiêm tinh của Hoàng tử Kỳ thuật tính thiên văn. Nhưng công trình hệ trọng hơn hết mà Pina đã làm được ở Dinh trấn Thanh Chiêm là công cuộc sáng tạo chữ Quốc ngữ theo mẫu tự La tinh. Để làm được việc khó khăn này, ngoài những cố gắng vượt bậc của ông còn cần có sự hỗ trợ của những người Việt. Trước hết là các thanh niên giáo dân ở các nhà đạo, nhà thờ, trong số đó Pina đã nhắc đến một người tên André trong bức thư viết dở dang tại Hội An vào năm 1623. "Trong một nhà đạo cần ít nhất có ba người giúp chúng ta các dịch vụ vặt vãnh hàng ngày, đối với họ cần dành thời gian để học chữ,cả người của họ lẫn người của chúng ta... Những năm đầu tôi đã dạy cho một người tên là André, sau đó cậu ta ở lại với cha Marquez như người phiên dịch của cha và về sau cha bề trên đã dùng cậu ta với chức năng như vậy" (4, tr 178). André và những thanh niên giáo dân làm phiên dịch, biết tiếng Bồ Đào Nha nên có thể giúp đỡ ông rất nhiều khi nghiên cứu tiếng Việt. Alexandre De Rhodes khi đến Thanh Chiêm để học tiếng Việt, ngoài việc lãnh giáo ở Pina, cũng ghi lại những nỗ lực đóng góp của người bản xứ đã giúp ông nhanh chóng gặt hái kết quả trong học tập: "Người giúp tôi đắc lực là một cậu bé người xứ này. Trong ba tuần lễ đã dạy tôi các dấu khác nhau và cách đọc hết các tiếng. Cậu không hiểu tiếng tôi mà tôi thì chưa biết tiếng cậu, thế nhưng cậu có trí thông minh biết được những điều tôi muốn nói. Và thực tế cũng trong ba tuần lễ, cậu học các chữ của chúng ta, học viết và học giúp lễ nữa. Tôi sửng sốt thấy trí thông minh của cậu bé và trí nhớ chắc chắn của cậu. Từ đó cậu đã làm thầy giảng giúp các cha" (5.tr 55,56). Nhưng quan trọng hơn vẫn là các trí thức bản xứ. Đó là các Nho sĩ, các nhà sư, các quan lại v.v..., những tinh hoa của xứ Đàng Trong từ Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá đến Bình Định, Phú Yên, khắp nơi đã hội tụ về đây. Họ là những cộng tác viên đắc lực của Pina trong công trình ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Làm được việc khó khăn này Pina xác nhận không đâu lí tưởng hơn Dinh Chiêm, cơ quan đầu não của xứ Quảng Nam, vì chỉ có nơi này mới qui tụ nhiều người học thức cần thiết cho công trình nghiên cứu tiếng bản xứ của ông. Hội An và Nước Mặn (Qui Nhơn) không thể đáp ứng yêu cầu này. Mặc dầu Hội An là nơi đô hội sầm uất nhưng chỉ có lợi cho công việc thương mãi hơn là cho việc nghiên cứu ngôn ngữ. Người ta không thể tìm thấy lời giải đáp cho vấn đề ở những thương nhân người Tàu, người Nhật mà chỉ có ở những văn nhân nơi thủ phủ.
Cuối năm 1624, Alexandre De Rhodes được cử đến Đàng Trong. Vừa đến nơi ông đã cùng giáo sĩ Antonio De Fontes về ngay Thanh Chiêm làm phụ giảng cho Pina, nhưng việc khẩn thiết hơn hết là để học tiếng Việt với bậc thầy "giảng giáo lý không cần thông dịch".
Trú sở Thanh Chiêm như thế có thể xem là trường dạy chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Francisco De Pina từ chỗ đem nhiệt tâm phụng sự chúa Kitô đã trở thành cha đẻ chữ Quốc ngữ. Chữ mà ông chỉ khiêm tốn xem như một công cụ, một phương tiện mầu nhiệm để chinh phục người bản xứ, đưa họ trở lại đạo, nhưng ông đã đem hết nhiệt huyết và tuổi thanh xuân để miệt mài nghiên cứu, lại trở thành văn tự chính thức của một quốc gia, trở thành một công cụ tuyệt hảo cho Việt Nam trên đường phát triển và hội nhập vào cộng đồng quốc tế.
Pina, Alexandre De Rhodes đã học tập, nghiên cứu, làm việc nhiều năm ở Dinh trấn Thanh Chiêm để tạo nên chữ Quốc ngữ. Do đó Dinh trấn Thanh Chiêm nói riêng và Quảng Nam nói chung chính là miền đất đã có vinh hạnh làm nơi chào đời của chữ Quốc ngữ.
II. QUẢNG NAM - NƠI TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ
1. Mục đích phổ biến chữ quốc ngữ
Cuối thế kỷ XIX các phong trào vũ trang Cần vương hoàn toàn thất bại, thực dân Pháp đã thiết lập nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam, Nho học bước vào con đường suy tàn, không còn đáp ứng được những yêu cầu của đất nước. Trước tình đó, đầu thế kỷ XX phong trào Duy Tân do các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo với một đường lối chủ trương mới mẽ, tiến bộ, khởi lên từ Quảng Nam đã làm nô nức lòng người, khắp nơi một phong khí mới ào ào dâng lên. Mục tiêu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" trở thành động lực thúc đẩy nhân dân tập hợp dưới bóng cờ của phong trào, trong đó mục tiêu khai dân trí được đặt lên hàng đầu. Muốn tiến bộ, muốn chống lại kẻ thù phải làm cho dân khôn ra, phải cắt cái ngu, cái dại đã đưa dân tộc vào vòng bị trị. Công cụ để tiến hành sứ mệnh đó không gì tiện dụng hơn chữ Quốc ngữ.
Mặc dầu lúc bấy giờ chữ Quốc ngữ còn có nhiều nhược điểm, nhưng so với chữ nôm thì lại đơn giản, có tính khoa học hơn nhiều, do đó thuận lợi cho việc truyền bá chủ nghĩa Duy tân và nâng cao dân trí, vì vậy các nhà lãnh đạo phong trào bèn ra sức hô hào học chữ Quốc ngữ:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta,

(Khuyến học - Trần Quí Cáp)
Ta muốn vận dụng chữ Quốc ngữ như một khí cụ cứu nước, thực dân Pháp lại muốn dùng chữ Quốc ngữ như một công cụ để thống trị đất nước ta ,nô dịch dân ta.
2. Pháp truyền bá chữ Quốc Ngữ để làm công cụ nô dịch:
Ngay sau khi chiếm Nam kỳ (1867), Pháp bãi bỏ các kì thi chữ Hán và thay vào đó một nền giáo dục Pháp Việt. Họ đã thấy ngay vai trò lợi hại của chữ Quốc ngữ nên quyết tâm đào tạo những người biết chữ Pháp, chữ Quốc ngữ để làm tay sai cho họ trong việc cai trị. Nhiều nghị định liên tiếp được ban hành nhằm mục đích phổ biến chữ Quốc ngữ, dùng nó thay thế chữ Hán và chữ Nôm:
Ngày 14/11/1874 ,Thiếu tướng Hải quân Krantz giữ chức Thống soái Nam kỳ, đã ký nghị định mở trường trung học Chasse Loup Laubat ở Sài Gòn vừa dạy tiếng Pháp vừa dạy chữ Quốc ngữ cho con em người Pháp đang cai trị tại Nam kỳ và con em các quan lại làm việc với họ.
Ngày 6/4/1878, Thống đốc Nam kỳ ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Hán hay chữ Nôm.
Ngày17/1/1879, Thống đốc Nam kỳ là bá tước Lafont ký nghị định mở trường Trung học Mỹ Tho.
Ngày 17/3/1879, chính quyền thuộc địa Pháp thiết lập Sở Học chánh Nam kỳ và đặt chương trình giáo dục Pháp Việt đầu tiên ở Nam kỳ.
Ngày 18/11/1896, Toàn quyền Đông Dương A. Rousseau kí nghị định cho phép mở trường Quốc Học Huế.
Ngày 27/4/1904, thực dân Pháp ra nghị định thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt ở Bắc kỳ.
Năm 1906, Toàn quyền Paul Beau ra nghị định bắt dân các xã lập trường tiểu học dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây...
Những nỗ lực phổ biến chữ Quốc ngữ của thực dân Pháp nhằm mục đích loại bỏ nền văn hoá Hán Nôm từ hàng ngàn năm đã ăn sâu vào cội rễ tư tưởng người Việt để thay vào đó là nền văn hoá Pháp, hầu củng cố chế độ thực dân, tất yếu phải gặp sức kháng cự của nhân dân yêu nước. Vì vậy, dù Pháp ra lệnh lập xã học, dân chúng vẫn không chịu học chữ Quốc ngữ do họ đề xướng.
3. Phong trào Duy Tân truyền bá Chữ Quốc ngữ để làm công cụ cứu nước
Đối với các nhà cách mạng, chữ Quốc ngữ là công cụ hữu hiệu để truyền bá chủ nghĩa Duy Tân: "Quyết đem học mới thay nô kiếp", là phương tiện để khai dân trí:
Trước hết phải học ngay Quốc ngữ,
Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau,
Chữ ta, ta đã thuộc làu,
Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài

(Sẵn cơ sở để khai tâm trí - Đông kinh nghĩa thục)
Cùng một phương tiện nhưng dùng với hai mục đích trái ngược nhau, phải nói sao cho dân hiểu, dân làm, tránh hiểu sai, hiểu lầm, không để cho kẻ địch lợi dụng, quả là một trận chiến cam go. Việc dạy chữ Quốc ngữ trong các trường Duy Tân buổi đầu không dễ dàng vì gặp phải sự chống đối của lớp người bảo thủ. Nhiều người đã kiên quyết không cho con em đi học thứ chữ "của Tây,của cố đạo" nhưng nhờ lòng kiên trì, nhiệt tình yêu nước, các giáo viên tân học đã tạo được sự hiểu biết cũng như lòng tin vào tiền đồ của dân tộc, càng ngày số người theo học càng đông. Phong trào học chữ Quốc ngữ đã được nhân dân hưởng ứng nồng nhiệt, tại Quảng Nam chỉ trong vòng năm, sáu tháng 40 trường tân học đã được dựng lên để dạy chữ Quốc ngữ, truyền bá cái học mới. Từ chỗ bài Tây, tả đạo, cái gì của thực dân cũng ghét, như tinh thần cụ Đồ Chiểu, xà phòng không dùng, dầu Tây không thắp, huống gì chữ Quốc ngữ là đại sự của quốc gia lại do kẻ xâm lược tạo ra. Làm cho dân ý thức đó là nguồn lợi của nước nhà, đưa chữ Quốc ngữ giữ vai trò có quan hệ sinh tử đối với vận mệnh đất nước, khiến cho họ nhận ra cái hồn của dân tộc "chữ Quốc ngữ là hồn trong nước" quả là kỳ công của các nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân. Không chỉ dạy chữ Quốc ngữ cho dân ta, phong trào còn dùng chữ Quốc ngữ để dịch các sách Âu, Mỹ,Trung Quốc hầu phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật, triết học, kinh tế... để mở mang dân trí, ý thức dân quyền, đưa đồng bào tiến bước trên đường Duy Tân, cứu đất nước thoát khỏi vòng đô hộ của thực dân Pháp:
Sách Âu Mỹ, sách China
Chữ kia ,chữ nọ dịch ra tinh tường
...Một người học muôn người đều biết
Trí ta khôn trăm việc phải hay
Lợi quyền đã nắm trong tay
Có cơ tiến hoá, có ngày văn minh

(Khuyến học - Trần Quí Cáp)
Công cuộc phổ biến chữ Quốc ngữ của phong trào Duy Tân đã được triển khai bằng nhiều hoạt động mạnh mẽ nhất là từ năm 1906 trở đi. Năm 1906, nhân nghị định của Toàn quyền Paul Beau bắt dân các xã lập trường dạy chữ Quốc ngữ, chữ Tây các nhà Duy Tân đã lợi dụng thời cơ đó để hợp pháp hoá chủ trương dạy chữ Quốc ngữ mà trước đây họ phải hoạt động một cách bí mật .Các cụ Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, công khai tổ chức những buổi diễn thuyết cổ động cho tân học gây được những xúc động mạnh mẽ trong hàng ngũ thân hào, nhân sĩ, khiến họ tự nguyện góp công, góp của dựng lên những ngôi trường Duy Tân trong các xóm làng. 40 trường tân học đã mọc lên khắp nơi, có nhiều trường đã gây được ảnh hưởng lớn, uy tín vang khắp tỉnh như trường Phú Lâm, Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại.
Phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ bắt đầu từ Quảng Nam sau lan rộng ra cả Trung kỳ, Bắc kỳ. Năm 1907, cụ Phan Châu Trinh ra Hà Nội cùng các thân hào nhân sĩ đất Bắc như các cụ Lương văn Can, Nguyễn Quyền... thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây là một trường có quy mô tổ chức lớn, có nhiều giáo sư xuất sắc, vang danh khắp nước.
Công cuộc Duy Tân đang được triển khai mạnh mẽ, quần chúng nhiệt tình hưởng ứng, nhưng tiếc rằng phong trào hoạt động chẳng được mấy năm thì đến năm 1908 nhân cuộc biểu tình chống sưu thuế của nhân dân Quảng Nam và các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, bắt giam các lãnh tụ Duy Tân, đày đi Lao Bảo, Côn Lôn, Trần Quí Cáp - nhà cách mạng giáo dục lỗi lạc của phong trào - bị tử hình. Các trường tân học bị đóng cửa, giáo viên bị đánh đập, giam cầm. Phong trào tan rã nhưng chữ Quốc ngữ đã gắn sâu vào lòng dân tộc, cùng nhân dân tiếp tục tiến bước trên đường thắng lợi cho đến khi nước nhà Độc lập đã trở thành thứ chữ chính thức của nước ta.
Từ khi chữ Quốc Ngữ chào đời cho đến khi được nhân dân đón nhận, Quảng Nam có vinh dự làm cái nôi khai sinh chữ Quốc ngữ cũng chính là nơi đầu tiên dấy lên phong trào học chữ Quốc ngữ mang tính đại chúng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Cistoforro Borri - Xứ Đàng Trong năm 1621, bản dịch Hồng Nhuệ & Nguyễn Nghị, TP Hồ Chí Minh, 1997
2. Đỗ Quang Chính - Lịch sử chữ Quốc Ngữ, Ra khơi, 1972
3. Gaspar Luis - Lettre du Père Gaspar Luis sur la Concincina, dẫn theo L.Cadière, Bulletin des Amis du Vieux Hue, 1931, 3-4
4. Roland jacques - L’oeuvre de quelques Pioniers Portugais dans le... domaine de la linguistique Vietnammienne jusqu’en 1650 INALCO, Paris 1995
5. Alexandre De Rhodes - Tự điển An Nam - Bồ Đồ Nha - La tinh, bản dịch Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, Khoa học xã hội, 1991
6.Alexandre De Rhodes - Hành trình và truyền giáo, Đại kết, UBĐKCG, TP Hồ Chí Minh, 1994
7. Châu Yến Loan - Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, Đà Nẵng, 2002
8. Châu Yến Loan - Hội An-Đà Nẵng-Thanh Chiêm miền đất khai sinh chữ Quốc Ngữ, Xưa&Nay, số 94,06/2001, tr8-10
9. Châu Yến Loan - Phong trào Duy Tân với công cuộc phổ biến chữ Quốc ngữ, Văn hoá Quảng Nam, số 41,9-10/2003
10. Châu Yến Loan - Pina ở Thanh Chiêm, Vai trò lịch sử Dinh trấn Quảng Nam, Sở Văn hoá Thông tin Quảng Nam, kỷ yếu Hội thảo, 9/2002
11. Nguyễn Văn Xuân - Phong trào Duy Tân, Đà Nẵng, 1995
12. Nguyễn Văn Xuân - Hội An, Đà Nẵng, 1999
Châu Yến Loan

Thursday, 26 July 2012

Do đâu có tên chồn mác?

Mác có thể là từ mượn âm tiếng Pháp (martre) mà cũng có thể là dạng rút gọn của mác tét. Từ này có âm rất gần với tên La Tinh (Martes martes). Chồn mác Mỹ và chồn mác-tét Mỹ là một (tiếng La Tinh là Martes americana; tiếng Pháp là martre américain). Rất khó đoán được người đặt tên chồn lấy tiếng nào làm gốc. Tuy nhiên có thể thấy rõ dấu vết của tiếng La Tinh trong tên chồn mác ba-ra (Eira barbara)

Wednesday, 25 July 2012

Từ nguyên của "khăng", "săng" (Trần Trọng Dương)

từ nguyên của "khăng", "săng"

Về mặt từ nguyên, thì "săng" có lẽ là một từ gốc Nam Á, ( có loại cây gọi là Săng lẻ ở Tây Nguyên?). Tiếng Mường có các từ chỉ gỗ như "kơn, gỗ, săng"[xem Nguyễn Văn Tài 2006: 225].
Từ điển "Chỉ Nam ngọc âm" thế kỷ XVI-XVII ghi: "MAO THỨ: tranh săng lợp qua" (26a), "LUÂN TÀI: thợ khéo chọn săng" (tr.34b), "MỘC TƯỢNG: tạc làm tượng săng" (44b), "ÁP MỘC: khéo tiện cây đầu nên săng"(63a).
Từ điển của A de RHodes ghi: "săng: gỗ, cây. Gỗ: cùng một nghĩa. săng cỏ: cây và cỏ. Blanh săng: tranh dùng để lợp nhà, nhưng không phải là rơm lúa" [tb1994: 201].

Sách "Lý hạng ca dao" thế kỷ XIX ghi: "đục đến chạm, chạm đến săng" (3b)

Từ nghĩa này nên mới có, "săng" là trỏ cái hòm bằng GỖ để chôn người chết,
kiểu như chữ "tầu sáu ván" của ta ngày nay.
Từ điển của A de RHodes ghi: "Săng: hòm, săng dùng để chôn người chết. Cái săng, cái quan: cùng một nghĩa. Áo săng: tấm vải phủ hòm, săng" [tb1994: 201].
Từ điển của Huình Tịnh Của cuối tkXIX ghi

"săng: hòm chôn người ta. Muốn ăn thì lăn vào bếp, muốn chết thì lết vào săng: muốn cho có mà ăn thì phải chịu khó nhọc"[tr.900]. Từ đển Tự Đức thánh chế cũng ghi nhận "cái săng" (q.IV, tr 19b)
Từ thế kỷ XV về trước, có lẽ từ SĂNG này là một từ có tổ hợp phụ âm đầu,
đọc là *khlăng.
Cứ liệu để đi đến nhận định này là hai dạng chữ Nôm dùng thanh phù "lăng棱" và thanh phù "khang 康".
Lưu tích của nó hiện còn trong từ "khăng" (trò chơi của trẻ em, dùng các đoạn GỖ mà đánh). "Đánh khăng" là "đánh gỗ" vậy.

như vậy, câu "bật săng văng tiểu" nghĩa là "bật nắp quan tài và quật tiểu lên",
Câu này liên quan đến "văn hóa quật mả":), trong các cuộc chiến tranh, đều có hiện tượng này, Ví dụ như vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng quân Nguyên về thăm lăng mộ, thái miếu đã từng thốt rằng: "xã tắc hai phen chồn ngựa đá" (ngựa ở lăng mộ). cái này cần khảo thêm các tư liệu ở Đại việt sử ký toàn thư và các bộ sử khác.
Hay việc nhà Nguyễn quật mả Quang Trung, Ngọc Hân,...
những việc như thế rất nhiều.