by An Chi on Wednesday, June 27, 2012 at 9:18pm ·
Là người sinh ra tại Sài Gòn cách đây gần 70 năm, chúng tôi rất vui mừng đón nhận quyển Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh (TĐTPSGHCM) do Thạch Phương - Lê Trung Hoa chủ biên và do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2001. Đây là một quyển sách cần thiết và bổ ích mà một vài tờ báo đã giới thiệu. Tuy thế chúng tôi vẫn muốn nêu lên một số điểm mà chúng tôi cho là còn sai sót hoặc chưa hợp lý để các nhà chủ biên và những người dùng sách thẩm định thêm.
Điểm đầu tiên là ở cái tên của quyển sách. Thông thường, khi một vùng, một nước hoặc một thành phố, v.v... , được đổi tên thì người ta chỉ còn gọi nó bằng cái tên mới chứ không ai ghép với tên cũ để gọi, thí dụ: (tỉnh) Tiền Giang thay cho Mỹ Tho chứ không phải (tỉnh) «Mỹ Tho - Tiền Giang», (nước) Myanmar thay cho Miến Điện chứ không phải (nước) «Miến Điện - Myanmar», Volgograd thay cho Stalingrad chứ không phải «Stalingrad - Volgograd», v.v... Dĩ nhiên là người ta có thể ghép tên cũ với tên mới để chỉ mốc thời gian, chẳng hạn «300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh» (1698-1998) «1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010-2010), v.v... Nhưng để gọi tên, mà lại là gọi đích danh về mặt khoa học và/hoặc hành chính vào một thời điểm cụ thể thì nhất định không ai ghép như thế. Chính vì không thể ghép như thế cho nên, mặc dù được biên soạn để kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bộ sách do Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình chủ biên vẫn chỉ mang tên «Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh» chứ không phải «Địa chí văn hóa Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh».
Đặt các tên sách như hai nhà chủ biên đã có sáng kiến thì chỉ làm cho nó rườm rà một cách vô ích mà thôi, đồng thời cũng là tỏ ra không tôn trọng một sự thay đổi chính thức về mặt hành chính thực sự có hiệu lực đã hơn một phần tư thế kỷ.
Điểm thứ hai là các nhà chủ biên không nêu rõ tiêu chuẩn lựa chọn mục từ nên người đọc dễ có cái cảm giác là hoặc họ đã lựa chọn một cách tùy tiện hoặc họ chỉ đưa vào quyển từ điển những tư liệu có sẵn trong tay họ mà thôi.
Người ta không biết tại sao phần «Nhân vật» có tên của tướng Ely mà lại không có tên của tướng De Lattre de Tassigny trong khi dân Sài Gòn còn «quen» với tướng sau hơn cả tướng trước.
Người ta cũng không biết tại sao các nhà chủ biên ghi nhận tên của Đinh Xuân Nguyên (Thanh Lãng) mà lại không ghi nhận tên của Trần Kim Bảng (Thiên Giang), Phạm Văn Hạnh (Thê Húc) và Lê Nguyên Tiệp (Tam Ích). Thiên Giang, Thê Húc và Tam Ích là ba cây bút trụ cột của nhóm «Chân trời mới» mà các tác phẩm (do Nam Việt xuất bản) hồi đầu thập kỷ 1950 đã đem đến cho người đọc những tư tưởng và quan niệm tiến bộ về văn nghệ (riêng Thiên Giang thì năm 1968 đã ra vùng giải phóng rồi ra nước ngoài để tuyên truyền cho chính phủ CMLTCHMNVN).
Người ta cũng có thể thắc mắc tại sao phần «Địa danh» có rất nhiều «Cây» mà Cây Quéo và Cây Thị thì lại không trong khi nó đang tồn tại với tư cách là những tên vùng: Cây Quéo thuộc các phường 5, 6, 7 còn Cây Thị thì thuộc phường 11, cả hai đều thuộc quận Bình Thạnh.
Tất nhiên là người đọc còn có thể thắc mắc về rất nhiều thứ không được nói đến nữa chỉ vì các nhà chủ biên đã không nêu rõ những tiêu chuẩn cụ thể và tạm đủ để cho họ có thể tự mình giải đáp mà loại trừ dần dần từng thắc mắc.
Điểm thứ ba là đối với (những) biệt danh của những nhân vật nổi tiếng thì các nhà chủ biên đều nhất loạt chuyển chú về tên thật của họ cả.
Việc này hoàn toàn không phải lẽ. Thông thường, đối với những nhân vật đó, người ta chỉ chính thức ghi nhận vào từ điển cái tên được toàn thể xã hội biết đến mà thôi. Thí dụ như người ta ghi nhận «Maxime Gorki» làm mục từ chính thức thay vì «Alexei Maximovitch Pechkov» mặc dù đây mới là tên thật của nhà văn Xô viết này. Người ta chỉ ghi nhận «Molière» thay vì «Jean-Baptiste Poquelin» mặc dù đây mới là tên thật của nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ XVII, v.v... Còn trong TĐTPSGHCM thì tất cả các danh tính quen thuộc với toàn xã hội đều được chuyển chú về từng tên thật tương ứng, chẳng hạn: «Dương Tử Giang (X. Nguyễn Tấn Sĩ)» - «Đông Hồ (X. Lâm Tấn Phác)» - «Nam Quốc Cang (X. Nguyễn Văn Sinh)», v.v... Có lẽ nào các nhà chủ biên lại không biết rằng đây là chuyện xã hội chứ không phải chuyện gia đình, cũng không phải là chuyện khai lý lịch cho cán bộ tổ chức. Người đọc biết đến tác giả của tập truyện ngắn «Một vũ trụ sụp đổ» và tiểu thuyết «Tranh đấu» qua cái tên Dương Tử Giang chứ không phải Nguyễn Tấn Sĩ nên cái người mà họ muốn biết tiểu sử là nhà văn Dương Tử Giang chứ tuyệt đối không phải là anh cán bộ hay anh công dân Nguyễn Tấn Sĩ, càng không phải là ông anh, ông chú hay ông bác Nguyễn Tấn Sĩ trong gia đình họ Nguyễn.
Cũng tương tự như vậy đối với những trường hợp khác. Việc các nhà chủ biên chuyển chú các biệt danh được xã hội biết đến về từng tên thật tương ứng là một sự áp đặt đối với người đọc. Chẳng những thế, đó còn là một sự xúc phạm đối với những người có biệt danh hữu quan nữa vì chính họ đã muốn xã hội biết đến mình qua (những) biệt danh mà họ đã đặt ra chứ không phải là tên «cha sinh mẹ đẻ».
Điểm thứ tư là trong phần «Địa danh» các nhà chủ biên đã cung cấp cho người đọc một định nghĩa không dùng được về chính khái niệm «địa danh». Họ đã viết như sau: «Địa danh là những từ hoặc ngữ cố định, được dùng làm tên riêng của các địa hình tự nhiên, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều (như cầu, đường, công viên). Còn tên các công trình xây dựng thiên về không gian ba chiều (đình, chùa, nhà ở, cơ quan) không thuộc phạm trù của địa danh» (trang 289).
Với định nghĩa độc đáo trên đây, hai nhà chủ biên đã mặc nhiên xem các địa hình là những hiện tượng «thiên về không gian hai chiều» và đã ngang nhiên biến chúng thành mặt phẳng trừu tượng không hề tồn tại trong thực tế. Chỉ cần nhắc đến đỉnh cao nhất thế giới là Chomolungma (Everest), 8.848m và vực sâu nhất là Mariannes, -11.034m thì cũng đủ thấy cái thao tác «trừu tượng hóa» đó của các nhà chủ biên là hoàn toàn vô lý. Các vùng lãnh thổ cũng không phải là những mặt phẳng «thẳng băng» vì nói chung đó là những vùng có địa hình đa dạng: đồng bằng, cao nguyên, đồi núi, v.v... Đến như những cây cầu mà các nhà chủ biên cũng cho là những «công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều» thì thật oan uổng cho những thứ đó. Xin mời các vị chủ biên đọc mục «cầu Mỹ Thuận» ở trang 561 của chính các vị:
«Tổng chiều dài: 1,535m,
Chiều rộng mặt cầu: 24m,
Chiều cao trụ tháp: 116,5m,
Độ cao thông thuyền: 37,5m.»
Dài dằng dặc, rộng thênh thênh và cao vòi vọi đến như thế thì «thiên về không gian hai chiều» thế nào được! Cũng may mà quý vị còn chưa nói rằng đó là công trình «thiên về không gian một chiều» vì thấy nó nằm vắt ngang một cách thẳng băng từ bên này sang bên kia sông!
Vậy tên của đình chùa, nhà ở, cơ quan có phải là địa danh hay không là vì lý do hoàn toàn khác chứ không phải vì đó là những «công trình xây dựng thiên về không gian ba chiều» cũng như không phải vì cầu, đường công viên là những «công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều» mà tên của chúng được thừa nhận là địa danh.
Điểm thứ năm là các nhà biên soạn đã cung cấp cho người đọc nhiều chi tiết mâu thuẫn nhau và đây là một điều kiêng kỵ đối với một quyển từ điển. Sau đây là mấy dẫn chứng.
Cũng là tên của vị thống suất đã đặt nền hành chính chính thức ở Gia Định năm 1698 mà phần «Sự kiện» thì chính thức ghi «Nguyễn Hữu Kính (cũng đọc là Nguyễn Hữu Cảnh)» (trang 17) nhưng phần «Nhân vật» thì lại chính thức ghi Nguyễn Hữu Cảnh (cũng đọc là Kính)» (trang 192).
Trang 51 ghi «tháng 12-1920, năm trăm học sinh trường Chasseloup-Laubat bãi khóa» nhưng trang 53 thì lại ghi «ngày 17-8-1928 toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn». Vậy năm 1920 trường này đã có hay chưa?
Trang 106 ghi: «(...) người ta nghe thấy 5 tiếng nổ, Hai nhân viên CIA đã bắn vào ngực Nguyễn Thái Bình». Còn trang 203 thì lại ghi «(...) tên phi công Gene Waughn đè chặt anh xuống sàn máy bay để cho tên tình báo William Heary Mills bắn bốn phát đạn vào ngực».
Trang 85 ghi «tháng 8 năm 1954 (...) phái đoàn chính phủ VNDCCH do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn» nhưng trang 232 thì ghi là đến 20-9-1955 ông Phạm Văn Đồng mới làm Thủ tướng.
V.v... và v.v...
Điểm thứ sáu là các nhà chủ biên đã cung cấp cho người đọc rất nhiều chi tiết sai mà sau đây chỉ là vài dẫn chứng ít ỏi:
«Lê Bá Cang. Trường cấp II hoạt động ở Sài Gòn trong thời gian 1954-1975. Trường ở góc Lý Tự Trọng - Thủ Khoa Huân.» (trang 748).
Thực ra thì từ giữa thập kỷ 1950, trường Lê Bá Cang đã dời về đường Audouit (nay là Cao Thắng) chứ không còn ở đường Lagrandière (Lý Tự Trọng) nữa.
«Vĩnh Bảo (Nxb). Năm thành lập: 1970. ĐC: 66 Lê Lợi, SG» (trang 885).
Chỉ mười mấy chữ thôi mà đã có đến năm chỗ sai. Thứ nhất là ông Đào Văn Tập trước sau vẫn gọi cơ sở xuất bản của mình là «Nhà sách Vĩnh Bảo» chứ không gọi là nhà xuất bản (Nxb). Thứ hai là về thời điểm thành lập («1970»), hai nhà chủ biên đã đi trễ đến 20 năm. Dẫn chứng: Năm 1949, nhà sách Vĩnh Bảo đã ấn hành Tiền vàng và tiền giấy của Vũ Văn Hiền và Việt-nam văn-học-sử trích-yếu, t.1 của Nghiêm Toản. Thứ ba, «66 Lê Lợi» là một địa chỉ sai: thực ra là 66 ter, Bonard (bấy giờ chưa đổi thành Lê Lợi) tức là tại địa chỉ trung tâm Kim hoàn Sài Gòn hiện nay (nằm giữa hai con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Nguyễn Trung Trực, chứ số 66 thì còn nằm phía bên này đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tính từ đường Pasteur đi tới). Thứ tư, 66 ter Bonard (Lê Lợi) cũng là một địa chỉ muộn màng vì khi mới thành lập thì nhà sách Vĩnh Bảo đặt tại số 46 Lagrandière - 156 Pellerin (nay là góc Lý Tự Trọng - Pasteur). Thứ năm, số 66 ter Bonard ban đầu là nhà in Vĩnh Bảo về sau mới sửa lại làm nhà sách, chứ không phải là nhà sách ngay từ đầu.
«Yểm Yểm thư quán, (Nxb). Nhà sách kiêm xuất bản. Năm thành lập: 1970. ĐC: 72 Trần Văn Thạch, SG». (trang 886).
Ở đây có 4 chỗ sai. Thứ nhất, tên của hiệu sách này là «Yiễm Yiễm thư quán» (viết «Yiễm Yiễm», đọc «Diễm Diễm», theo lời giải thích của chủ nhân) chứ không phải là «Yểm Yểm». Thứ hai, đây không phải nhà xuất bản mà chỉ là một chi nhánh của Yiễm Yiễm thư trang, số 113-115, đường Kitchener (nay là Nguyễn Thái Học, Quận 1), do ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết chủ trương. Thứ ba, ngay cả Yiễm Yiễm thư trang cũng không phải là nhà xuất bản mà chỉ là nơi phát hành của nhà xuất bản Bốn phương, cũng do ông Đông Hồ và bà Mộng Tuyết làm chủ. Thứ tư, về thời điểm thành lập, các nhà chủ biên cũng đi trễ gần hai thập kỷ vì Yiễm Yiễm thư quán thành lập hồi thập kỷ 1950 chứ không phải năm 1970.
Những chỗ sai như trên có quá nhiều nên trong phạm vi một bài báo chúng tôi không làm sao nêu ra cho hết được.
Điểm thứ bảy là các nhà chủ biên đã bỏ quên nhiều thứ quan trọng từng góp phần tạo nên bộ mặt một thời của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Sau đây là một vài dẫn chứng.
Phần «Đường phố» dày 123 trang (trang 393-516) với khoảng 800 mục từ ghi tên đường phố nhưng không hề có tên đường Cây Mai là một con đường thuộc loại xưa nhất của thành phố mà Trương Vĩnh Ký đã nhắc đến trong quyển Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (1885). Con đường này liên quan đến gò Cây Mai, chùa Cây Mai, Bạch Mai thi xã, rồi cả đồn Cây Mai về sau nữa. Thật là oan uổng nếu nó không được nhắc đến.
Phần «Giáo dục - Khoa học» (trang 721-787) ghi nhận hơn 1000 tên của các trường tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng, đại học và các trung tâm dạy nghề nhưng lại không có tên của trường Marc Ferrando, một ngôi trường nổi tiếng khắp vùng Bà Chiểu - Gia Định hồi nửa đầu thế kỷ XX. Dĩ nhiên là các nhà chủ biên không thể trả lời rằng vì họ không biết đến nó nên nó không quan trọng và không xứng đáng được ghi nhận.
Phần «Báo chí» (trang 823-872) đã nêu tên của hơn 580 cơ quan báo viết, báo nói, báo hình mà không có tên của: Revue Indochinoise Economique et Juridique (R.I.E.J); Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises (B.S.E.I.), một tạp chí nghiên cứu ra đời tại Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX;Đài phát thanh Pháp-Á (Radio France-Asie); v.v...
– Ở phần «Xuất bản» (trang 873-890), trong khi nâng Yiễm Yiễm thư quán từ chi nhánh của một hiệu sách lên thành nhà xuất bản thì các nhà chủ biên đã quên mất (hay không biết đến?) một cơ quan xuất bản rất quan trọng của Việt kiều (yêu nước hẳn hoi) tại Pháp do KS Nguyễn Ngọc Bích làm giám đốc: Nxb Minh Tân, ban đầu ở số 6, rue Albert Sorel, Paris XIV, sau dời về số 7, rue Guénégaud, Paris VI, mà «đại diện thẩm quyền» tại Việt Nam là Bích Vân thư xã 105 Galliéni (nay là Trần Hưng Đạo, Quận 1), Sài Gòn.
Dĩ nhiên là họ còn quên nhiều thứ quan trọng khác nữa mà vì khuôn khổ bài báo nên chúng tôi không thể nêu ra cho hết được.
Điểm thứ tám là vì quá tham lam về số lượng các mục từ của nhiều phần, đặc biệt là các phần «Kinh tế», «Văn hóa - Xã hội», v.v..., nên các nhà chủ biên đã tạo cho người đọc cái cảm giác là họ muốn biến quyển từ điển của mình thành một thứ niên giám hoặc danh bạ. Nói một cách khác, hình như họ muốn thay thế tính trí tuệ của nó bằng những sự liệt kê liên miên, không cần có trọng điểm. Về thực chất, nội dung của những sự liệt kê kiểu đó rất thích hợp với loại sách danh bạ hoặc niên giám. Một quyển niên giám như The Time Almanac 2000 do Borgna Brunner biên tập, dày 1040 trang, chỉ cần dành ra 22 trang rưỡi (pp.886-908) là đã đủ để liệt kê hơn 1.500 trường đại học và cao đẳng công và tư ở 50 bang của toàn nước Mỹ, với các chi tiết tối cần thiết.
Điểm thứ chín là các nhà chủ biên đã trình bày nhiều mục hoặc nhiều phần trong quyển từ điển của mình một cách rất thiếu khoa học. Trước nhất, họ đã gộp làm một nhiều cơ sở khác nhau vì hoàn toàn không mang tính chất kế thừa (của cơ sở sau đối với cơ sở trước). Sau đây là một số dẫn chứng:
«Pháp-Hoa Đông Dương. Trường trung học do người Hoa và người Pháp thành lập trong thời gian 1907-1911. Về sau đổi tên thành trường Bác Ái. Nay là Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM» (trang 761).
Cứ như mục từ này thì về mặt tổ chức và nội dung chương trình, Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM kế thừa trường Bác Ái còn trường Bác Ái thì kế thừa trường Trung học Pháp Hoa. Thực ra, đó là ba trường hoàn toàn riêng biệt thay thế nhau để sử dụng một cơ sở «nhà đất». Xin nói thêm rằng cái mà các nhà chủ biên gọi là trường «Pháp Hoa Đông Dương» thì tên tiếng Pháp là «Lycée Franco-Chinois» còn tên tiếng Hoa thì lại là «Trung Pháp trung học» (chứ cũng không phải là «Pháp Hoa»).
Kế đến, ở nhiều chỗ, thứ tự của bảng chữ cái đã không được tuân thủ nên việc sắp xếp các mục từ trở nên lộn xộn. Chẳng hạn, đáng lẽ phải xếp theo thứ tự: Lê Sĩ Quý - Lê Thành Kinh - Lê Thị Nam - Lê Thị Phỉ - Lê Thị Riêng - Lê Thọ Xuân thì tại các trang 170-171, các nhà chủ biên lại xếp: Lê Thọ Xuân - Lê Sĩ Quý - Lê Thành Kim - Lê Thị Nam - Lê Thị Phỉ - Lê Thị Riêng. Hoặc đáng lẽ phải xếp theo thứ tự: Nguyễn Thị Lan - Nguyễn Thị Lựu - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thị Một - Nguyễn Thị Nga thì tại các trang 207-208, họ lại xếp Nguyễn Thị Lựu -Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thị Một - Nguyễn Thị Nga - Nguyễn Thị Lan v.v... Đã gọi là từ điển thì thứ tự «a, b, c» phải chính xác tuyệt đối.
Ở «Bảng đối chiếu tên đường trước năm 1954 và hiện nay (trang 510-514), các nhà chủ biên cũng gộp làm một nhiều con đường khác nhau nhưng lại cùng tên làm cho người đọc không khỏi ngỡ ngàng vì khó hiểu. Thí dụ:
«Trước năm 1954: Abattoir - Hiện nay: Cao Bá Nhạ, Huỳnh Đình Hai, Hưng Phú, Nguyễn Thái Học». (trang 510).
Người ta không hiểu tại làm sao chỉ có một con đường «Abattoir» trước năm 1954 mà hiện nay lại đồng thời có đến 4 con đường «Abattoir».
– «Abattoir de Cầu Kho» nay là Cao Bá Nhạ (Quận I).
– «Abattoir» (Bà Chiểu) nay là Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh);
– «Abattoir» (Quận 8) nay là Hưng Phú;
– «Boulevard de l’Abattoir» (gần chợ Cầu Ông Lãnh) nay là Nguyễn Thái Học (Quận I)
Cần phải nói thêm rằng mấy tiếng «trước 1954» của hai nhà chủ biên cũng không chính xác vì trước 1954 thì đường Nguyễn Thái Học mang tên Kitchener còn đường Cao Bá Nhạ thì mang tên Général Leman (chứ không phải «Abattoir»).
V.v... và v.v...
Cuối cùng, điểm thứ mười, là các nhà chủ biên đã hào phóng cống hiến cho người đọc một bảng mục lục hoàn toàn thừa thãi.
Hoàn toàn thừa thãi vì họ đã dành ra đến 70 trang để sao y toàn bộ các mục từ trong phần chính văn theo đúng thứ tự «a, b, c» mà chính họ đã sắp xếp. Bảng mục lục này là một thứ kiểu mẫu «không tiền» (vì chưa ai làm) đã đành mà cũng chắc chắn là «khoáng hậu» (vì sẽ không ai làm theo). Thay vì 70 trang – để cho người tiêu dùng phải tốn thêm tiền một cách oan uổng – các nhà chủ biên chỉ cần làm đúng một trang mục lục (nêu rõ các phần) là đủ. Trên thế giới này, đối với loại từ điển viết bằng chữ cái La Tinh, ai lại làm mục lục cho phần chính văn bao giờ?
Trở lên là mười điều nhận xét về quyển TĐTPSGHCM mà chúng tôi mạo muội nêu lên để các nhà chủ biên và độc giả thẩm định. Chúng tôi cho rằng một quyển từ điển về Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần những mục từ chọn lọc theo những tiêu chuẩn thật chặt chẽ (chứ không cần nhiều đến như đã thấy) để phác họa cho người đọc thấy được sự ra đời của Sài Gòn xưa (tức vùng trung tâm của Chợ Lớn) và sự phát triển toàn diện của nó để trở thành Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay qua các giai đoạn: - thời Nguyễn - thời Pháp - thời Mỹ - thời sau Giải phóng (30-4-1975). Trong quyển từ điển mà chúng tôi hình dung thì nhiều phần trong TĐTPSGHCM sẽ trở thành những bảng phụ lục hữu ích chứ từng mục từ của mỗi phần đó không thể – vì không xứng đáng – trở thành những mục từ chính thức. Quyển từ điển đó sẽ có một (hoặc vài) bảng sách dẫn (index) thật chi tiết và thông minh chứ không phải một bảng mục lục dài dằng dặc như đã thấy.
Đối với quyển TĐTPSGHCM, chúng tôi rất nhất trí với «Lời nhà xuất bản» rằng đây chỉ là một «tập tài liệu tra cứu» chứ chưa phải là một «công trình từ điển».●
(Tháng 4-2001)
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1-2003 (Xuân Quý Mùi).
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 501-514.