Friday 10 August 2012

Bác ngữ học gia Phan Ngọc đã nâng cấp công trình của học giả Đào Duy Anh như thế nào? (Huệ Thiên / An Chi)

Bác ngữ học gia Phan Ngọc đã nâng cấp công trình của học giả Đào Duy Anh như thế nào?

by An Chi on Tuesday, July 10, 2012 at 1:26am ·
Huệ Thiên

Để «Khoa học hóa và hiện đại hóa công việc của thế hệ trước mà nâng công trình của Đào Duy Anh lên hàng từ điển ngữ văn theo quan điểm của ngôn ngữ học» (lời của Phan Ngọc), đến tết Bính Dần 1986 thì Phan Ngọc đã sửa chữa xong Từ điển Truyện Kiều theo giấy ủy nhiệm của tác giả Đào Duy Anh ký ngày 10 tháng 11 năm 1985. Chỉ tiếc rằng sách được sửa chữa xong trước khi Đào Duy Anh qua đời (1988) mà ở đầu sách lại không có lấy một lời nào của tác giả cho biết ông có hài lòng hay không, hoặc hài lòng đến mức nào về đứa con tinh thần mà mình đã phó thác cho người khác sửa chữa (còn tờ giấy ủy nhiệm nhưng không phải bút tích in ở đầu sách thì độc giả lại chẳng cần đến). Và cũng chỉ tiếc rằng những chỗ mà Phan Ngọc đã sửa chữa hoặc bổ sung thì lắm chỗ lại sai, đặc biệt là phần bổ sung về mặt từ nguyên. Dưới đây là một số dẫn chứng chọn lọc [1].
1. Phan Ngọc viết: «Áo khăn. Nghĩa đen là cái áo và cái khăn chít trên đầu. Nên nhớ người Trung Quốc đội mũ chứ không chít khăn, người Việt chít khăn. Cái khăn (chữ Hán là cân) là của phụ nữ dùng để quàng trên đầu chứ không phải để chít. Nguyễn Du dùng áo khăn để chỉ y phục nam giới là nhìn với con mắt Việt Nam, nói theo giọng Việt Nam» (BPN, tr. 31).
Trong Bg, Đào Duy Anh đã không giảng hai tiếng áo khăn. Toàn bộ lời giảng trên đây là do Phan Ngọc bổ sung. Chỉ tiếc rằng người sửa chữa đã nói oan cho Nguyễn Du khi khẳng định rằng tác giả Truyện Kiều «dùng áo khăn để chỉ nam giới là nhìn với con mắt Việt Nam, nói theo giọng Việt Nam»: Tàu tất đấy, từ «giọng» cho đến «con mắt». Xin hãy đọc Thanh Tâm Tài Nhân qua bản dịch của Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân, đoạn giới thiệu Sở Khanh: «Thúy Kiều nghe ngâm xong, ló đầu nhòm ra, thì thấy một gã thư sinh khăn lượt áo hoa (chúng tôi nhấn mạnh – HT), đương loanh quanh ngâm ngợi ở dưới chân lầu gần đó».[2] Sau đây cũng là đoạn đó, theo bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm: «Thúy Kiều nghe đoạn, ngoái cổ trông ra chỉ thấy một chàng thư sinh khăn áo dịu dàng (cũng chúng tôi nhấn mạnh – HT), đứng ở trước lầu bên cạnh, ra vẻ tưởng nhớ bâng khuâng» [3].
Vậy thật là sai lầm nếu cho rằng nam giới Trung Hoa không xài khăn. Nếu lại cho rằng Thanh Tâm Tài Nhân tả sai, thì xin hãy đọc những lời sau đây của các nhà nghiên cứu về văn hóa cổ Trung Hoa, đặc biệt là vào đời Minh: «Đời Minh, quan phục vẫn là khăn đầu (chúng tôi nhấn mạnh – HT) và áo bào cổ tròn. Nhưng bấy giờ khăn đầu sơn đen, ngắn và rộng, gọi là ô sa mạo (mũ lụa đen). Bọn thống trị nhà Minh đặt ra loại khăn «bình định bốn phương» và mũ «nhất thống lục hợp» để tỏ ý nền thống trị được củng cố. Loại khăn và mũ này dùng cho thư sinh (cũng chúng tôi nhấn mạnh – HT), nhà buôn và dân đô thị».[4] Còn sau đây là nói về đời Đường và đời Tống: «Người Tống ăn mặc rập khuôn theo người đời Đường, có thay đổi chút ít. Đời Đường quấn khăn trên đầu, khi buộc khăn, hai đầu múi hướng về phía trước buộc chặt tóc, rồi quấn ra sau đầu thắt một vòng, phần còn lại buông xuống tự nhiên(chúng tôi nhấn mạnh – HT)».[5]
Cũng do cách nhìn lệch trên đây, mà đối với cụm từ ăn mặc nâu sồng ở câu 2039, Phan Ngọc đã giảng như sau: «Nên chú ý lối ăn mặc nâu sồng không phải là lối ăn mặc của sư sãi Trung Quốc mà là lối ăn mặc của sư sãi Việt Nam» (BPN, tr. 32). Nhưng rất tiếc rằng ở đây Nguyễn Du chỉ dùng mấy tiếng «ăn mặc nâu sồng» theo hoán dụ để chỉ người tu hành chứ hoàn toàn không phải để miêu tả y phục cụ thể trên người Kiều khi nàng vừa xuất hiện tại am Chiêu Ẩn của vãi Giác Duyên sau khi trốn khỏi gác Quan Âm trong vườn nhà Hoạn Thư.
Vậy không thể nói Nguyễn Du đã mặc quần áo Việt Nam cho các nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân được.
2. Phan Ngọc viết: «Ban ngày. Gốc ở từ Khơme pêl là lúc, thngay là mặt trời. Ban ngày là lúc có mặt trời» (BPN, tr. 41).
Nhưng pêl lại là một từ Khmer (Khm.) gốc Sanskrit (Skt.), bắt nguồn ở danh từ velā, có nghĩa là giờ, khi, lúc, thời kỳ,... Mối quan hệ Khm. pêl < Skt. velā là một hiện tượng mà các tương ứng ngữ âm đập ngay vào mắt. Thứ nhất, giữa Khmer và Sanskrit, nguyên âm chính ở đây là một. Thứ hai, đã thành quy luật hiện tượng Khm. p < Skt. v:
– Khm. piêt (âm nhạc) < Skt. vādya;
– Khm. pianô (con khỉ) < Skt. vānara;
– Khm. pichây (sự chiến thắng) < Skt. vi-jaya;
– Khm. prưk (cây) < Skt. vŗkşa;
– Khm. pêch (lời nói) < Skt. vacas;...
Thứ ba, cũng là hiện tượng bình thường vì đã thành quy luật việc âm tiết thứ hai của từ Sanskrit đã rụng mất khi đi vào tiếng Khmer nhưng phụ âm đầu của nó thì trở thành âm cuối của âm tiết trước trong tiếng Khmer:
– Khm. chial (cái sọt) < Skt. jāla (lưới, phên);
– Khm. đôl (cái cân) < Skt. tulā;
– Khm. tial (cùn, lụt) < Skt. dalita;
– Khm. nil (xanh) < Skt. nīla;
– Khm. phal (diệp cày) < Skt. phāla; v.v... .
Vậy pêl là một từ Khmer gốc Sanskrit nên tất nhiên nó chẳng có liên quan gì đến từ ban trong ban ngàycủa tiếng Việt vì ban là một từ Việt gốc Hán hiển nhiên bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 班 mà âm Hán Việt hiện đại là... ban, có nghĩa là thứ tự trong không gian hoặc thời gian (Từ hải, nghĩa 3: thứ đệ dã; vị thứ dã).
Phan Ngọc còn khẳng định rằng bây trong bây giờ cũng do pêl của tiếng Khmer mà ra (xem BPN, tr. 46). Nhưng cũng như đối với ban, chính nguồn gốc Sanskrit của pêl đã loại trừ mối quan hệ giữa nó với từ bây của tiếng Việt. Cách đây hơn 45 năm, Phan Khôi đã chứng minh rằng bây là kết quả của một sự nói ríu hai tiếng bằng này, cũng như bấy của bằng ấy và bao của bằng nào [6]. Đây là một cách giải thích rất đáng tin vì có căn cứ vững chắc.
3. Phan Ngọc viết: «Bài bây. Từ gốc Khơme pai là cẩu thả, piây là hư hỏng, bài bây do đó có nghĩa là xấu xa» (BPN, tr. 40).
Chính Đào Duy Anh đã giảng rất đúng rằng bài bây là «trò liều lĩnh, trò vô sỉ» (Bg, tr. 25). Vậy câu «Lão kia có giở bài bây» có nghĩa là nếu lão kia (chỉ Mã giám sinh) có giở trò xằng bậy. Trong cấu trúcgiở bài bây thì bài nhất thiết phải là danh từ vì người ta chỉ có thể nói: giở ngón gian lận, giở trò lưu manh, giở mánh xỏ lá, giở thói đê tiện, ... chứ không thể nói «giở gian lận», «giở lưu manh», «giở xỏ lá» «giở đê tiện», v.v... Khẳng định như Phan Ngọc rằng bài bây ở đây là xấu xa (tính từ) là đã không đếm xỉa gì đến đặc điểm cú pháp của cấu trúc đang xét. Bài bây thực chất là một từ tổ danh từ trong đó bài có nghĩa là trò, là ngón, là thói,... còn bây là tính từ và có nghĩa là xằng bậy. Bây là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 非, có nghĩa là sai, trái, mà âm Hán Việt hiện đại là phi còn âm xưa chính là... bây. Vậy bây cũng không liên quan gì đến tiếng Khmer piai – chứ không phải «piây» – có nghĩa là hư hỏng vì đây lại là một từ Khmer gốc Sanskrit bắt nguồn ở từ vy-aya, có nghĩa là hư hỏng, tàn lụi. Còn về âm lý thì Khm. piai < Skt. vy-aya là hiển nhiên mà riêng mối quan hệ Khm. p < Skt. v thì đã được chứng minh ở mục 2.
4. Phan Ngọc viết: «Bàn bạcBạc là gốc từ Khơme piêc là nói, tức là bàn và nói, không phải từ láy âm» (BPN, tr. 41).
Thực ra, piêk (chữ «c» của Phan Ngọc chính là [k]) là một từ Khmer gốc Sanskrit bắt nguồn ở vakti có nghĩa là lời nói. Xin thuyết minh một chút về mối quan hệ Khm. piêk < Skt. vakti. Thứ nhất, việc âm tiết thứ hai (-ti) của vakti bị bỏ hẳn khỏi tiếng Khmer là hiện tượng có thể thấy một cách «đại trà» nên bất tất phải chứng minh. Thứ hai, âm cuối của piêk và của vak(ti) chỉ là một. Thứ ba, mối quan hệ Khm. p < Skt. v đã được chứng minh. Thứ tư, Khm. iê (ia). < Skt. a có thể thấy được qua hàng loạt thí dụ:
– Khm. piathia (sự hành hạ) < Skt. vadha;
– Khm. piêt (tán bẹp) < Skt. vadh;
– Khm. piês (bịt, bọc, tráng... ) < Skt. vas; .
– Khm. chia (là, «to be», «être») < Skt. ja;
– Khm. riêng (hình dáng) < Skt. ran. ga;...
Vậy piêk của tiếng Khmer chẳng có liên quan gì đến bạc trong bàn bạc, còn bàn bạc thì lại là âm cổ Hán Việt của hai chữ 辯白 mà âm Hán Việt hiện đại là biện bạch và âm Quảng Đông hiện đại là pàn pạk. Phan Ngọc đã đúng ở một điểm duy nhất: bàn bạc không phải là một từ láy âm.
5. Phan Ngọc viết: «Bơ vơVơ nghĩa là không chắc chắn (nói vơ), không có căn cứ, cơ sở (nhận vơ). Về cấu tạo, xem bát ngát» (BPN, tr. 60). Còn ở mục bát ngát, tác giả đã viết: «b- là tiền tố để tạo nên những từ láy có nghĩa tình cảm như bỡ ngỡ, bùi ngùi, bảng lảng» (BPN, tr. 44). Ý Phan Ngọc muốn nói rằng trong bơ vơ thì b- cũng là một tiền tố để tạo nên từ láy có nghĩa tình cảm.
Nhưng thật khó mà biết được bơ vơbát ngát và bảng lảng chỉ những tình cảm nào trừ phi nói liều rằngbát ngát, chẳng hạn, là tình cảm của cánh đồng, còn bảng lảng thì là tình cảm của bầu trời, ... Thật ra chỉ vì quá say mê với hiện tượng hình vị nhỏ hơn âm tiết (ở đây là «tiền tố» b-) nên Phan Ngọc đã quên bẵng đi rằng bơ đích thực là một từ có nghĩa như chính ông đã thừa nhận tại mục «bơ thờ» ngay ở trên. Ông đã viết: « là không có gì hết, như ta vẫn nói tỉnh bơ, bơ đi tức là coi như không (...)» (BPN, tr. 60). Xin nói thêm: đây chính cũng là  trong cầu bất cầu bơ mà nghĩa theo mặt chữ là «hai lần cầu cứu vào chỗ trống không» (cầu bất = cầu bơ = kêu cứu vào chỗ không có gì, không có ai) còn nghĩa thông dụng hiện hành là bơ vơ, không nơi nương tựa. Từ  cũng còn được thấy trong khẩu ngữ của phương ngữ Nam Bộ với các từ tổ bơ miệng, bơ mỏ, nghĩa là mỏ không, miệng trống; chẳng có cái chi mà nhét vào... bụng. Vậy bơ vơ cũng không phải là từ láy âm vì đó đích thực là một tổ hợp đẳng lập.
6. Phan Ngọc viết: «Cả. Chữ cả Mường là lớn, đây có nghĩa là to lớn với sắc thái không gì lớn bằng» (BPN, tr. 68).
Chúng tôi xin phụ chú rằng ở đây, từ cả của cả tiếng Mường lẫn tiếng Việt đều là mượn từ tiếng Hán mà nguyên từ (etymon) là một từ ghi bằng chữ 嘏 có nghĩa là to lớn, cao cả, mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là giả (Từ hải: giai ả thiết, âm giả, mã vận) còn âm xưa thì lại đúng là... cả (Quảng vận: cổ nhã thiết, thuộc vận bộ ). Các cuốn từ điển Hán Việt thông dụng đã phiên âm nhầm chữ này thành hổ (Nguyễn Quốc Hùng) hoặc hỗ (Đào Duy Anh, Đỗ Văn Đáp, Thiều Chửu). Nhưng một chữ thuộc thanh mẫu kiến và vận bộ mã thì không thể đọc thành «hổ» hoặc «hỗ» được.
Tóm lại, cả là một từ Việt gốc Hán thuộc loại «lão làng» vì nó rất xưa và theo chúng tôi thì nó đã được mượn muộn nhất cũng vào đời nhà Hán cai trị nước ta.
7. Phan Ngọc viết: «Coi sóc. Sóc là gốc ở từ Khơme xrăs nghĩa là lấy hàng rào rào lại; do đó coi sóc là trông nom cẩn thận» (BPN, tr. 81. )
Thực ra sóc là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 畜, có nghĩa là chăn nuôi, nuôi dưỡng, vun xới, bồi dưỡng [7], mà âm Hán Việt hiện đại là súc còn âm xưa thì lại là... sóc.
8. Phan Ngọc viết: «Cơn. Gốc ở từ Khơme kal với nghĩa đơn thuần là lúc» (BPN, tr. 91).
Vấn đề không «đơn thuần» như thế. Thứ nhất, kal là một từ Khmer gốc Sanskrit, bắt nguồn ở danh từkalā, có nghĩa là phần, bộ phận, phần thời gian,... Thứ hai, vì từ kal có gốc Sanskrit nên tất nhiên nó chẳng liên quan gì đến cơn trong cơn mưa, cơn gió, cơn giận, cơn buồn, v.v... của tiếng Việt, vốn là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 根 có nghĩa là rễ, là nguồn gốc, mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là căn, âm chính thống hiện đại là cân (âm này chỉ tồn tại trên lý thuyết), còn âm Hán Việt cổ đại thì lại chính là... cơnCơn có nghĩa gốc là rễ, là gốc, rồi mới có nghĩa phái sinh là nguồn gốc (như có thể thấy trong nguồn cơn). Với nghĩa là gốc cây, cơn đã được dùng theo hoán dụ để chỉ khái niệm «cây» trong phương ngữ Bắc Trung Bộ (còn cây trong tiếng Việt phổ thông thì bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 荄, cũng có nghĩa là rễ, mà âm Hán Việt hiện đại là cai). Với nghĩa là nguồn gốc của sự việc, cơn lại được dùng theo hoán dụ để chỉ cái diễn tiến của chính sự việc đó như trong cơn mưa, cơn bão, cơn giận, cơn buồn, v.v... . .
9. Phan Ngọc viết: «Can quaCan là cái gậy để đánh, qua là cái giáo, nghĩa rộng là chiến tranh, ở khía cạnh giao chiến» (BPN, tr. 71).
Có lẽ trong khi sửa chữa Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, Phan Ngọc đã tơ tưởng đến danh từcanne (= cái gậy) của tiếng Pháp (người thông thạo nhiều thứ tiếng đôi khi vẫn bị «ảo ảnh» như thế) nên mới ra nông nỗi chăng. Còn sự thật thì xưa nay ai cũng hiểu can 干 là cái khiên, cái mộc, cái lá chắn. Chính Đào Duy Anh đã giảng rất đúng: «Can là cái mộc để che, qua là cái mũi qua để đâm. Can qua là binh khí; nghĩa rộng là cuộc đánh nhau, cuộc chiến tranh» (Bg, tr. 50). Có lẽ Phan Ngọc muốn chứng minh rằng mình thực sự có sửa Đào Duy Anh nên mới giảng như thế chăng? Thực ra Hán tự cũng có một chữ can 杆 có nghĩa là cái gậy nhưng chữ này chẳng có liên quan gì đến hai chữ can qua.
10. Về câu «Dễ dò rốn bể, khôn lường đáy sông», Phan Ngọc đã theo «ngữ pháp của sự đối xứng» mà giảng rằng ở đây «khôn là không khôn (... ). Khôn cũng có nghĩa như khéo, ta vẫn nói khôn khéo. Tức là dò rốn bể là chuyện khó và lường đáy sông là chuyện dại» (BPN, tr. 138).
Chỉ có Phan Ngọc mới hiểu tính từ khôn như thế – và hiểu sai – chứ ai cũng hiểu một cách bình thường rằng khôn ở đây nghĩa là khó. Và khôn lường đáy sông chỉ rất đơn giản là khó lường đáy sông đó mà thôi.
11. Về hai tiếng dày dày trong câu «Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên», Phan Ngọc đã giảng rằng đó là «mỡ màng», «phốp pháp» (BPN, tr. 128).
Tả thân hình của một người đẹp sắc nước hương trời mà bắt người đọc phải nghĩ đến mấy tiếng «mỡ màng», «phốp pháp» thì nghe... ghê rợn quá. Tòa thiên nhiên Thúy Kiều khoả thân mà toàn những mỡ và thịt như thế thì Thúc Kỳ Tâm chỉ có nước... chạy dài chứ làm sao mà «Sinh càng một tỉnh mười mê» đến nỗi «trăm nghìn đổ một trận cười như không»!
Với mấy tiếng dày dày, Nguyễn Du chẳng qua chỉ muốn nói rằng: Đấy, nó «lồ lộ» ra đấy; nó «nồng nỗng» ra đấy, có nhìn thì nhìn. Thúc Sinh đã nhìn, đã ngắm và đã chấm. Chấm là chấm cái tấm thân «mai cốt cách» kia chứ nếu ưa «phốp pháp», «mỡ màng» thì chẳng thà... ôm đại Tú bà còn hơn. Tóm lại, dày dày và cả câu thơ đang xét chẳng qua chỉ là một hình thức uyển ngữ mà thôi.
12. Phan Ngọc viết: «Dò la. La nghĩa gốc ở chữ las Khơme là rõ ràng, sau này vì không đứng một mình nên mất nghĩa. Do đó nó có nghĩa là tìm tòi cặn kẽ» (BPN, tr. 140).
Thực ra, tiếng Khmer las chẳng có liên quan gì đến từ la trong dò la của tiếng Việt vì đó là một từ Khmer gốc Sanskrit bắt nguồn ở căn tố LAS, có nghĩa là lấp lánh, chói lòa, hiện ra. Còn la thì lại là một từ Việt gốc Hán và chính nó là âm Hán Việt hiện đại của chữ 邏 có nghĩa là đi vòng quanh mà quan sát động tĩnh, nghĩa là đi tuần tra. Còn  là âm xưa của chữ du 遊 và du la 遊邏 là... dò la, nghĩa là hai tiếng này đã nằm trong một cấu trúc tiếng Hán sẵn có. Nhưng  trong dò la (xin ghi là dò1) lại ngẫu nhiên có một từ đồng âm là dò trong thăm dò (xin ghi là dò2), cũng là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ , có nghĩa là rình rập, «dò la», mà âm Hán Việt hiện đại cũng là du. Do không nắm vững từ nguyên mà ngày nay người ta hiểu nghĩa của dò trong dò la bằng nghĩa của dò2 trong khi lẽ ra nó phải là dò1. Vì vậy mà dò la không còn là đi vòng quanh đây đó trong phạm vi trách nhiệm để tuần tra mà lại có nghĩa là dòm ngó, rình rập để thu thập những gì cần biết.
13. Đào Duy Anh đã giảng hai tiếng dùi mài trong câu «Ngẩn ngơ trăm nỗi, dùi mài một thân» là «chỉ cái thân đau khổ như bị dùi bị mài» (Bg, tr. 109). Chúng tôi không cho rằng một lời giảng như thế là đúng nhưng dù sao thì nó cũng chưa «tân kỳ» bằng lời giảng có sửa chữa sau đây của Phan Ngọc: «Chỉ cái thân đau khổ như cái dùi bị mài (chúng tôi nhấn mạnh – HT). Chữ dùi mài ở đây theo nghĩa gốc là cái dùi bị mài để làm thành cái kim. Sau này, khi chuyển thành động từ, nó có nghĩa là làm việc kiên nhẫn, không kể khó khăn, vất vả, còn cái gốc bị quên đi» (BPN, tr. 148).
Thành ngữ Trung Hoa có câu ma chữ thành châm (mài cái chày, cái dùi thành cây kim), đồng nghĩa với câu tiếng Việt có công mài sắt, có ngày nên kim, để nói về tác dụng tích cực của sự kiên nhẫn. Tự cổ chí kim, chẳng có ai hiểu đó là cái chày, cái dùi hoặc cục sắt cảm thấy đau đớn vì bị mài mòn thì làm sao có thể nói như Phan Ngọc rằng đó là cái nghĩa gốc đã bị quên đi? Cái «nghĩa» này chẳng qua là do Phan Ngọc sáng tác ra mà thôi. Do đó mà cũng chẳng có chuyện hai tiếng giùi mài (chúng tôi chủ trương viết giùi với gi-) «trở thành động từ» vì tự chúng đã là động từ ngay trong cái cấu trúc ghép đẳng lập đó rồi. Giùi là biến thể tiền kỳ của giồi trong trau giồi; giùi/giồi là đánh cho bóng, mài là chà cho nhẵn. Hai tiếng giùi mài đi chung với nhau để nói lên sự kiên trì và sự mải mê đến nỗi quên hết mọi sự vật chung quanh nhằm tập trung tinh thần cho công việc. Từ đây mới nảy ra cái ý «trơ trọi», «lẻ loi»... và giùi mài một thân, theo chúng tôi, chỉ là «thui thủi một mình», đúng như Nguyễn Quảng Tuân đã giảng.[8]
14. Chữ đồng trong đồng cốt đã được Đào Duy Anh giảng như sau: «Người đệ tử của thần tiên trong Đạo giáo tự xưng là đồng tử của thần tiên nên ngươi ta thường gọi tắt là ông đồng» (Bg, tr. 136). Phan Ngọc chỉ lược bỏ mấy tiếng mà giữ lại gần như nguyên vẹn lời giảng của Đào Duy Anh (xem BPN, tr. 172), nghĩa là ông đã thừa nhận từ nguyên của từ đồng trong đồng cốt do Đào Duy Anh đưa ra.
Rất tiếc rằng sự thật lại không phải như thế vì đồng trong đồng cốt lại có nghĩa gốc là cái kiếng, cái gương. Thật vậy, A. de Rhodes đã ghi nhận và giảng như sau: «Đồng, cái đồngGương, kiếng.Gương. Cùng một nghĩa. Soi đồng: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm đồng, làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy đồng: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính. Mời đồng: Mời những thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính».[9] Cứ như trên thì các ông đồng, bà đồng đã được gọi theo hoán dụ bằng tên của chính cái công cụ có tính chất đặc trưng mà họ sử dụng để hành nghề. Đặc điểm của nghề đồng bóng còn được phản ánh trong thành ngữ ngồi đồng chiếu kính mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị.
Chẳng qua, do đồng (= gương) đã trở thành một từ cổ và do nhiều người cũng không nắm rõ đặc điểm của nghề đồng bóng nên Đào Duy Anh mới đoán rằng đồng là do «đồng tử của thần tiên» mà ra!
15. Phan Ngọc viết: «Gai góc. Góc không phải là cái góc mà do chữ kok Khơme nghĩa là dày đặc, gai dày đặc; vì góc không đứng một mình với nghĩa này nên mất nghĩa, vả lại do hình thức có vẻ như láy âm cho nên gai góc chuyển nghĩa như chông gai» (BPN, tr. 183).
Cách ghi âm của Phan Ngọc về từ có nghĩa là «dày đặc» trong tiếng Khmer (kok) là không thích đáng vì yếu tố cuối âm tiết ở đây là visarga, thể hiện trong văn tự Khmer bằng hai khuyên tròn nhỏ (:). Đó thực chất là một h vô thanh [h]. Nhưng giả sử cách ghi âm của Phan Ngọc có hợp lý thì cái từ có nghĩa là dày đặc đó của tiếng Khmer cũng chẳng có liên quan gì đến từ góc trong gai góc của tiếng Việt như Phan Ngọc đã gán ghép một cách hoàn toàn võ đoán và phi lý.
Góc là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ , có nghĩa là gai hoặc bụi cây gai, mà âm Hán Việt hiện đại là cức. Từ này còn có một nghĩa rộng nữa là góc cạnh (Từ hải: «lăng liêm») và xét theo nghĩa này, chúng tôi ngờ rằng cức có quan hệ về nguồn gốc với giác (= góc) mà âm Hán Việt xưa là góc nhưng âm chính thống hiện đại phải là các/cốc. Nhưng dù sự thật có như thế nào thì gai tronggai góc cũng chỉ có quan hệ từ nguyên với cức chứ không liên quan gì đến cái từ có nghĩa là «dày đặc» kia của tiếng Khmer.
16. Phan Ngọc viết: «Lăn lóc. Lăn là chạy bằng cách chuyển động tròn thân mình, lóc là chữ láy với hậu tố -óc để chỉ sự kéo dài như trằn trọc» (BPN, tr. 258).
Có lẽ vì quá say sưa với các «khuôn dẫn xuất» để tạo từ láy mà Phan Ngọc đã quên – hoặc không hề biết – rằng lóc là một từ độc lập, tất nhiên là có nghĩa cụ thể và riêng biệt mà Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận trong Đại Nam quấc âm tự vị và giảng như sau: «Lóc. Lần lần đưa mình tới, chuồi tới (...) Lăn lóc. Và lăn và lóc, chịu khó nhọc ghe đàng». Xin nói thêm rằng đây cũng là từ lóc trong khóc lóc, một từ láy giả hiệu rút ngắn từ thành ngữ khóc lăn khóc lóc dùng để miêu tả việc biểu hiện chữ hiếu bằng cách lăn ra trên mặt đường mà khóc trong đám tang ngày xưa.
Vậy lăn lóc – và cả khóc lóc nữa – không phải là từ láy.
17. Phan Ngọc viết: «Hơi. Gốc ở chữ hôi Khơme là bay ra, tức là cái bay ra từ một vật» (BPN, tr. 226). Rõ là khó tin.
Thực ra, hơi là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 氣, có nghĩa là... hơi, mà âm Hán Việt hiện đại là khí.
Về mối quan hệ h - kh, thì hơi khí cũng giống như:
– hang (hốc) ~ khanh 坑 (= hang);
– (hắt) hủi ~ (trừ) khử 去;
– hiếm (hoi) ~ khiếm 欠 (= thiếu);
– (hiểm) hóc ~ khúc 曲 (quanh co);
– (lỗ) hổng khổng 孔 (= lỗ hổng);...
Còn về mối quan hệ ơi i, thì hơi khí cũng giống như:
– dời (nhà) ~ (thiên) di 移;
– lơi (ra) ~ ly 離(= rời);
– (cơ) ngơi ~ nghi 宜;
– gởi (gắm) ~  寄;
- (ca) ngợi - nghị 議; v.v...
Cuối cùng mối quan hệ thanh 1 ~ thanh 5 giữa hơi và khí chẳng phải là điều gì khó chứng minh nên xin miễn nêu dẫn chứng.
18. Phan Ngọc viết: «Lênh đênh. Chỉ việc trôi trên mặt nước, phiêu giạt. Đênh Khơme là đuổi, đánh. Về cấu tạo từ, xem lã chã» (BPN, tr. 264). Phan Ngọc nhắc đến mục «lã chã» để khẳng định rằng tronglênh đênh thì đênh là «chữ chính ở sau» còn lênh là yếu tố láy trong đó l- là tiền tố còn -ênh là hậu tố, điệp vận của chữ sau (của đênh) để đóng vai trò «hình vị nối liền» (Xem BPN, tr. 252).
Từ đênh của tiếng Khmer thực ra chẳng có phận sự gì ở đây cả vì lênh đênh là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ đôi ghi bằng hai chữ 伶仃, có nghĩa là cô đơn, lẻ loi, không nơi nương tựa, mà âm Hán Việt hiện đại là linh đinh. Về mối quan hệ ênh inh, người ta có hàng loạt thí dụ: bềnh bồng bình bồng; bệnh bịnh; kênh rạch kinh rạch; mênh mông minh mông; hoan nghênh hoan nghinh; ...
19. Phan Ngọc viết: «Lượt. Do chữ Khơme lơc là lần» (BPN, tr. 278).
Thực ra, lượt là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 列 mà âm Hán Việt hiện đại làliệt, có nghĩa là thứ tự trên dưới, trước sau trong không gian hoặc trong thời gian. Và mối quan hệ -uơ- - -iê-, người ta cũng có hàng loạt thí dụ:
– (ốc) bươu ~ biêu 贆;
– chườm (nước nóng) ~ triêm 沾;
– chượp (cá ướp để làm nước mắm) ~ triếp 鮿;
– tươm (tất) ~ tiêm (tất) 纖 (悉);
– (đi) tướt ~ tiết 泄;
– trườn (tới) ~ triền 躔 ; ...
20. Phan Ngọc viết: «Ngoài là gốc Bahnar ngoaitrong là gốc Khơme khnong, chứ không phải gốc Hán». (BPN, tr. 335).
Thực ra, ngoai là một từ mà tiếng Bahnar đã mượn của tiếng Việt ngoài, còn ngoài của tiếng Việt chỉ đơn giản là âm xưa của chữ 外 mà âm Hán Việt hiện đại là ngoại. Mối quan hệ ngoài ngoại biểu hiện ở tương ứng thanh 2 - thanh 6, trong đó thanh 2 bao giờ cũng xưa hơn, có thể được chứng minh qua nhiều thí dụ:
– (muôn) loài ~ (chủng) loại;
– (lăng) loàn ~ (lăng) loạn;
– (lõa) lồ ~ (lõa) lộ;
– mồ (mả) ~ mộ (chí);
– (nhu) mì ~ (nhu) mị;
– nề (hà) ~ (câu) nệ;
– (nỗi) niềm ~ (kỷ) niệm;
– (khiêm) nhường ~ (khiêm) nhượng;...
Ngoài ngoại là một tương ứng nằm trong một hệ thống tương ứng chặt chẽ và phong phú như thế thì ta nỡ nào rứt cái từ ngoài ra mà gán cho nó cái nguồn gốc Bahnar.
Còn trong thì cũng không thể nào do tiếng Khmer khnong mà ra được, chỉ đơn giản vì nó là âm xưa của chữ 中 mà âm Hán Việt hiện đại là trung. Mối quan hệ trong ~ trung thể hiện bằng tương ứng -ong -ung cũng có thể được chứng minh bằng hàng loạt thí dụ:
– (hình) dong ~ (hình) dung;
– (lính) dõng ~ (hương) dũng;
– tòng (bách) ~ tùng (bách);
– tòng (thư) ~ tùng (thư);
– (tùy) tòng ~ (tùy) tùng (Trên đây là ba chữ tòng/tùng khác nhau)...
Trong điều kiện của cả một hệ thống tương ứng như trên mà cố tình rứt từ trong ra khỏi đó để gán cho nó cái nguồn gốc Khmer kia thì là hoàn toàn võ đoán.
Trở lên là 20 chỗ sai sót của Phan Ngọc mà chúng tôi đã tạm nhặt ra từ Từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh do ông sửa chữa. Sự lựa chọn của chúng tôi có ý nhắm vào những trường hợp có liên quan đến từ nguyên và từ láy âm, là những lĩnh vực mà trước đây Đào Duy Anh đã không chú ý đến. Ngược lại, Phan Ngọc đã đặc biệt quan tâm đến hai lĩnh vực này nhưng chính tại đây ông đã bộc lộ sở đoản của mình một cách sinh động nhất. Về từ nguyên, BPN có những khuyết điểm như sau:
Một là Phan Ngọc đã không hề quan tâm đến những mối tương ứng ngữ âm có quy luật giữa các từ được so sánh. Thao tác của ông rất đơn giản: ông chỉ cần tìm xem hai từ đồng nghĩa hoặc cận nghĩa trong hai ngôn ngữ được xét có đồng âm hoặc cận âm với nhau hay không. Nếu có thì chúng có quan hệ từ nguyên. Thực ra, đó có thể chỉ là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên mà trường hợp của tính từ bad trong tiếng Anh và tính từ bad trong tiếng Iran (đều có nghĩa là xấu) đã trở thành một thí dụ điển hình, mặc dù hai ngôn ngữ này cũng có họ hàng với nhau.
Lại có nhiều trường hợp hai từ đồng nghĩa của hai ngôn ngữ lại cận âm, thậm chí đồng âm với nhau nhưng đó chỉ là do ngôn ngữ này đã vay mượn của ngôn ngữ kia mà thôi. Hiện tượng này rất phổ biến tại Đông Dương là khu vực mà sự đan xen văn hóa và ngôn ngữ rất phức tạp. Ngược lại có nhiều trường hợp mà những từ cùng gốc trong hai ngôn ngữ lại có cách phát âm khác hẳn nhau, chẳng hạn tiếng Pháp évêque và tiếng Bồ Đào Nha bispo đều bắt nguồn từ tiếng La Tinh episcopus (giám mục). Vậy nếu không căn cứ vào những luật đối ứng ngữ âm chặt chẽ khi phân tích về từ nguyên thì kết luận sẽ rất ít có giá trị hoặc hoàn toàn không có.
Hai là Phan Ngọc đã không quan tâm đến lịch sử của ngôn ngữ đang xét – trong đó có lịch sử từ vựng – và lịch sử của tộc người nói ngôn ngữ đó khi tiến hành so sánh nên đã luôn luôn phạm lỗi đem râu ông nọ cắm cằm bà kia như chúng tôi đã phân tích cụ thể ở trên: nhiều từ Khmer gốc Sanskrit đã bị ông cho là cùng gốc với những từ Việt gốc Hán. Chính vì không chú ý đến các lĩnh vực trên đây mà có người đã khẳng định một cách ngộ nghĩnh rằng tiếng Khmer kuj (dương vật) là do tiếng Pháp couille (tinh hoàn) mà ra mặc dù trước lúc tiếp xúc với tiếng Pháp thì người Khmer đã có kuj rồi, vì đây là một từ Khmer gốc Sanskrit bắt nguồn ở từ guhya (còn Pāli là guyha) cũng có nghĩa là... cái đó.
Ba là vì quá hồn nhiên mà Phan Ngọc đã thực hiện «đại trà» cái kiểu khẳng định như sau: «Ai gốc ở từ Brâu côai là người» (BPN, tr. 28); «bạc là gốc từ Khơme piêc là nói» (BPN, tr. 44); «bông từ gốc Mã Lai là bunga» (BPN, tr. 59); «mảng là nghe, gốc ở chữ mảng Mường là nghe» (BPN, tr. 284); «ngoài là gốc Bahnar ngoai» (BPN, tr. 335)... Một cách diễn đạt như thế đã buộc người đọc hiểu rằng ai của tiếng Việt là mượn ở tiếng Brâu; bạc, ở tiếng Khmer; bông, ở tiếng Mã Lai; mảng, ở tiếng Mường còn ngoàithì ở tiếng Bahnar! Điều này trái hẳn với dụng ý của Phan Ngọc là muốn người ta hiểu rằng những cặp từ Việt - Brâu, Việt - Khmer, Việt - Mã Lai, Việt - Mường, Việt - Bahnar trên đây là những cặp từ cùng gốc. Cách diễn đạt đang xét là một cách diễn đạt không được phép vì đó là một lỗi sơ đẳng trong cách diễn đạt từ nguyên học.
Bây giờ xin nói qua về lý thuyết từ láy âm của Phan Ngọc.
Đối với toàn bộ các âm tiết được xem là yếu tố láy, Phan Ngọc đã cho rằng chúng đều gồm có một tiền tố và một hậu tố. Trong từ láy phụ âm đầu, bẽ bàng chẳng hạn, thì bẽ là tiếng chính còn bàng là tiếng láy trong đó b- là tiền tố láy lại âm đầu của tiếng chính và -ang là hậu tố diễn đạt ý nghĩa khái quát chung cho cả khuôn dẫn xuất. Trong tứ láy vần, tần mần chẳng hạn, thì mần là tiếng chính còn tần là tiếng láy trong đó t- là tiền tố diễn đạt ý nghĩa khái quát chung cho cả khuôn dẫn xuất và -ân là hậu tố láy lại vần của tiếng chính. Nhưng nếu đúng như thế thì đâu là thân từ của bàng, của tần, và của toàn bộ những tiếng láy khác? Đã không có thân từ thì căn cứ vào đâu mà phân định tiền tố và hậu tố? Cái lý thuyết Phan Ngọc về tiền tố và hậu tố trong từ láy âm xem ra rất bấp bênh vì chính lý thuyết gia cũng không nắm được những khái niệm mà mình vận dụng. Chúng tôi chưa thấy công trình ngữ học nào mà việc phân định tiền tố và hậu tố lại không lấy thân từ làm căn cứ. Hay là ông Phan Ngọc cũng muốn đi con đường của ông Hồ Lê [10] là lật nhào các khái niệm chuyên môn sẵn có để làm một cuộc đổi đời trong ngữ học?
Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai trong lý thuyết Phan Ngọc về từ láy mà chúng tôi muốn nêu lên là sự khái quát hóa ý nghĩa của các lớp hình thái học được tạo ra bằng phương pháp láy cũng tỏ ra không ổn như chúng tôi đã có lưu ý tại mục 5 ở trên. Phan Ngọc đã nói một cách rất tự tin rằng mỗi lớp hình thái học «có trên 100 từ như thế cùng những nét nghĩa như nhau» (BPN, tr. 49) hoặc «trong tiếng Việt có trên 140 từ như thế và đều được giải thích một cách nhất loạt» (BPN, tr. 22), ... Nhưng mới có năm bảy trường hợp mà Phan Ngọc đã cưỡng ép các từ như bát ngát, bảng lảng phải diễn đạt «tình cảm» rồi thì ai còn dám tin rằng «hàng trăm từ như thế mà lại cùng những nét nghĩa như nhau»! Chúng tôi mạo muội cho rằng phải đi con đường khác nếu muốn phát hiện ra bản chất đích thực của «hiện tượng láy» trong tiếng Việt chứ không thể tiến hành các thao tác mổ xẻ theo kiểu của các ông Tây đối với các «thí vật» bản xứ: tiếng Việt, theo chúng tôi, không có kiểu hình vị nhỏ hơn âm tiết. Người Việt không thể nhìn tiếng Việt bằng con mắt của người châu Âu.
Trở lên là mấy nhận xét tóm tắt về những chỗ yếu của Phan Ngọc trong công việc mà ông đã được nhà văn hóa tên tuổi Đào Duy Anh ủy nhiệm (?) cho thực hiện. Và nếu được phép phát biểu ý kiến cuối cùng thì xin nói thẳng: đối với Từ điển Truyện Kiều, chúng tôi vẫn ái mộ văn bản «chửa sửa» (Bg) chứ không phải văn bản đã «sửa chữa» (BPN).●

* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 4. 1997.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 369-390.


[1] Trong dẫn chứng, Bg là ký hiệu chỉ bản gốc Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (KHXH, Hà Nội, 1974) còn BPN là bản do Phan Ngọc sửa chữa (KHXH, Hà Nội, 1989).

[2] Truyện Kim Vân Kiều, Nxb. Hải Phòng, 1994, tr.146.

[3] Dẫn theo Phạm Đan Quế, Truyện Kiều đối chiếu, Nxb. Hà Nội, 1991, tr.192.

[4] Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý (chủ biên), Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc, bản dịch do Lương Duy Thứ chủ biên, Văn hóa thông tin, 1994, tr.132-133.

[5] Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý (chủ biên), Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc, bản dịch do Lương Duy Thứ chủ biên, Văn hóa thông tin, 1994, tr.132-133.

[6] Việt ngữ nghiên cứu, Văn nghệ, Hà Nội, 1955, tr.130-135 và 142-143.

[7] Xem các nghĩa 1,2,3 của chữ này trong Hán ngữ đại tự điển, Thành Đô, 1993.

[8] Truyện Kiều, khảo đính và chú giải, KHXH, 1995, tr.168.

[9] Bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, KHXH, 1991.

[10] Liên quan đến Hồ Lê, có thể tham khảo: Anh Hoàng, «Giáo trình ngôn ngữ học đại cương ở bậc đại học và cao đẳng - nhận xét và kiến nghị», Thông tin KH & CN TT-H, số 2.1997, tr.84-90.
Nguồn Facebook An Chi (Huệ Thiên)

No comments:

Post a Comment