Thursday 30 August 2012

Học chữ quốc ngữ chỉ để đọc truyền đơn cộng sản thôi sao?



Nguyễn Hưng Quốc tiếp tục bàn về tính chính trị của ngôn ngữ. Kỳ này ông giới hạn bàn luận trong phạm vi quốc gia.  
Sau năm 1945, chính quyền Việt Minh cương quyết loại trừ tiếng Pháp, chỉ sử dụng tiếng Việt, và trong tiếng Việt, chỉ sử dụng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chính và học đường cũng là vì lý do chính trị: Thứ nhất, thực hiện chiêu bài dân tộc hóa họ đã đặt ra ngay từ thời Văn hóa Cứu quốc; thứ hai, lực lượng của họ chủ yếu đến từ công nhân và đặc biệt nông dân, những người ít học và có vốn văn hóa thấp. Để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các tầng lớp ấy, ngay sau Cách mạng tháng Tám, họ tung ra ngay hai chiến dịch: Một, xóa nạn mù chữ một cách gấp rút (5); hai, chủ trương nói và viết một cách nôm na, đơn giản, thật dễ hiểu đối với mọi người. Cả hai đều nhắm đến một mục tiêu duy nhất: làm sao cho đông đảo quần chúng có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản.
Câu cuối cùng của đoạn vừa dẫn là kết quả của một sự suy diễn bóp méo sự thật lịch sử.
Đúng là có chuyện ngay sau khi giành được chính quyền vào tháng 8/1945, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tìm cách phổ biến chữ quốc ngữ song song với xúc tiến việc giảng dạy bằng tiếng Việt ở các cấp. Chỉ một tuần lễ sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, chủ tịch Hồ Chí Minh đà dành một buổi tiếp đoàn lãnh đạo Bộ Giáo Dục gồm bộ trưởng Vũ Đình Hòe, giám đốc đại học vụ Nguyễn Văn Huyên, giám đốc trung học vụ Ngụy Như Kontum để bàn về việc dạy, học và thi bằng tiếng Việt ở tất cả các bậc học, ngay trong niên học đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cơ sở để bộ giáo dục đề xuất phương án trên là thành tựu của Hoàng Xuân Hãn, nguyên bộ trưởng giáo dục – mỹ thuật thời Bảo Đại, và cộng sự, trong đó có các nhân vật chủ chốt của chế độ mới như Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Thanh, Ngụy Như Kontum (Nguyễn Đình Đầu, 1997:182).
Ngày 8/9/1945, theo chỉ chị của chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ trưởng nội vụ Võ Nguyên Giáp ký hai sắc lệnh liên quan đến việc triển khai việc dạy học và thi cử bằng tiếng Việt và thành lập nha bình dân học vụ (Nguyễn Văn Khang, 2003:312). Sắc lệnh 19 quy định: “Việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam trên 8 tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ đó sẽ bị phạt tiền”. (Nguyễn Văn Khang, 2003:25 ; Đinh Văn Đức, 2005:89 ; Nguyễn Thiện Giáp, 2007b:35). Sắc lệnh 20 thành lập Nha Bình Dân Học Vụ (Nguyễn Văn Khang, 2003:25 ;  Nguyễn Thiện Giáp, 2007b:35): chỉ trong vòng một năm nha này tổ chức được 75,805 lớp và xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người (Lê Mậu Hãn, 2005:159) ; Nguyễn Xuân Minh, 2006:29). Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước sau không có một văn bản nào cưỡng bách học chữ quốc ngữ để  đông đảo quần chúng có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản.
Sự suy diễn của Nguyễn Hưng Quốc không hoàn toàn vô căn cứ. Bất cứ chính sách ngôn ngữ nào ở bất kỳ nước nào và bất cứ thời điểm nào cũng phải thể hiện mong muốn và ý chí của người ban hành chính sách, tức nhà cầm quyền. Người được xóa nạn mù chữ trong những ngày cuối 1945 đầu 1946 chắc chắn có thể đọc được cái tờ truyền đơn tuyên truyền của đảng Cộng sản, nhưng họ cũng có thể đọc được truyền đơn của các đảng phái khác chứ. Nếu một đảng không phải cộng sản lên nắm chính quyền sau tháng 8/1945, đảng đó sẽ phổ cập chữ quốc ngữ hay chữ Pháp hay chữ Hán? Nếu đảng đó chọn chữ quốc ngữ thì Nguyễn Hưng Quốc sẽ gán cho họ tội gì?
Thực tế là vào năm 1959 tuyệt đại đa số dân chúng miền Bắc đã biết chữ (Nguyễn Văn Huyên (1975 :44)). Nhờ vậy sĩ số ở cả ba cấp học phổ thông đạt 2,9 triệu (27.800 học sinh cấp 3),  số sinh viên đại học đạt 11.400 (9 trường, 50 ngành),  số học sinh trung cấp chuyên nghiệp đạt 32.000 (Hà Huy Giáp; 1960:31). Có thể tất cả những người này đều phải đọc truyền đơn cộng sản, nhưng chế độ cộng sản còn cần họ dùng tiếng Việt và chữ quốc ngữ cho những mục đích khác.
Cùng thời gian đó đại đa số dân chúng miền Nam chỉ có trình độ 5 năm tiểu học, rất ít người có học vấn trung học (Aikman, 1970:78) và một số trường đại học ở miền Nam vẫn chưa thực hiện xong việc chuyển đổi ngôn ngữ giảng dạy từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Trong lời tựa của quyển Danh từ y học Lê Khắc Quyến (1966:5) viết như sau: “Ở bậc đại học, tiếng Việt chắc chắn sẽ là chuyển ngữ cho tất cả các bộ môn”. Ở thời điểm đó, Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn 9 năm nữa để tồn tại.

No comments:

Post a Comment