Danh tướng Nguyễn Tri Phương
bị ban tổ chức một cuộc thi sử Việt “phong” làm Tổng đốc Hà Nội
LÊ NGUYỄN
Thiết tưởng đã đến lúc song song với công tác cải tổ việc dạy và học lịch sử trong nhà trường, thổi luồng sinh khí mới cho học sinh biết yêu sử Việt, xem đó là một lãnh vực không thể thiếu trong kiến thức khi ra đời, cần khơi dậy phong trào tìm hiểu sử Việt, trao đổi, tranh luận về những vấn đề lịch sử như một thứ sinh hoạt thường xuyên trong đời sống cộng đồng…
I.
Kiến thức lịch sử, một câu chuyện dài trong nền học vấn còn nhiều bất cập của ta, tưởng chừng chỉ biểu lộ sự yếu kém trong đầu óc các thư sinh của thế kỷ 21 vốn còn rất lúng túng về lịch sử dân tộc, không ngờ còn hiển hiện cả trong lớp người có chữ nghĩa đã trưởng thành, thậm chí ở các cơ quan truyền thông và văn hoá. Cách đây ít lâu, dư luận râm ran khá nhiều về trường hợp bộ phim Trùng Quang tâm sử, trong đó những người thực hiện đã đồng nhất hoá hai nhân vật lịch sử Nguyễn Suý thời Trùng Quang đế (1409-1413) và Nguyễn Xí trong giai đoạn Lê Lợi khởi nghĩa chống quân Minh (1418-1428).
Vào internet, ta dễ dàng gặp những bài thơ, bản nhạc ca ngợi tiếng sáo khoan thai, dìu dặt của chàng lái đò Trương Chi trong mối tình tuyệt vọng với nàng Mỵ nương thuở nào. Trên thực tế, các nghệ sĩ của chúng ta đã nhầm lẫn giữa Trương Lương, nhân vật lịch sử có tiếng sáo mê hồn thời Hán Sở tranh hùng trong lịch sử Trung Quốc và Trương Chi trong truyền thuyết dân gian Việt Nam, vốn chỉ có một giọng ca trong trẻo tuyệt vời:
Ngày xưa có anh Trương Chi,
Người thì thậm xấu, hát thì thậm hay
Trong đời thường, nếu chúng ta chịu khó thưởng thức những nhạc phẩm bất hủ của Văn Cao (Trương Chi), Phạm Duy (Khối tình Trương Chi)… thì sự thể chẳng ra nông nỗi.
Cách đây không lâu, chính ban tổ chức cuộc thi sử Việt của một tờ báo lớn đã nhầm lẫn về chức vị của danh tướng Nguyễn Tri Phương trong sự kiện Pháp chiếm thành Hà Nội vào tháng 11 năm 1873, “phong” ông làm Tổng đốc, trên thực tế lại là giáng chức ông, vì khi chỉ huy binh sĩ bảo vệ thành Hà Nội, ông là Khâm mạng Tuyên sát Đổng sức đại thần, thay mặt nhà vua để giám sát, đốc thúc việc bố phòng các cơ sở quân sự ở miền Bắc, cương vị lớn hơn cả Tổng đốc và Thượng thư. Mặt khác, vào thời điểm ấy, không có chức danh “Tổng đốc thành Hà Nội”, chỉ có chức danh Tổng đốc tỉnh Hà Nội do Bùi Thức Kiên đảm trách. Gần đây hơn, tại Festival Huế, như báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10.6.2010 đăng tải, trong một màn “tái hiện lịch sử”, ban tổ chức đã khoác cho chúa Nguyễn chiếc hoàng bào, mà quên rằng trong thời kỳ quân chủ phong kiến, chỉ có nhà vua mới mặc trang phục màu vàng. Thực quyền cao nhất nước, lấn át cả vua Lê, nhưng các chúa Trịnh cũng chưa hề mặc hoàng bào, chỉ mặc áo màu tía để phân biệt với các quan lại dưới quyền.
II.
Ngày nay, chúng ta phải bằng lòng chấp nhận một số nhầm lẫn do lịch sử để lại, nhất là trong mấy mươi năm đầu Pháp thuộc, do tình trạng ngôn ngữ bất đồng, xin đơn cử một vài trường hợp tiêu biểu trên đất Sài Gòn xưa:
1- Từ Chí Hoà ra Kỳ Hoà:
Theo một số sử liệu, Chí Hòa là tên một ngôi làng do những người theo Thiên Chúa giáo thành lập vào những năm đầu triều đại Gia Long (1802-1820). Năm 1860, sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn lần thứ nhất (1859) rồi mang phần lớn quân trở ra Đà Nẵng (sợ triều đình Huế đánh úp căn cứ Đà Nẵng của họ), chỉ để lại một số ít canh giữ khu vực sông Bến Nghé, danh tướng Nguyễn Tri Phương trở vào Sài Gòn xây dựng một đồn lũy kiên cố để chuẩn bị phản công quân Pháp. Về mặt chính danh, đại đồn này chỉ được chính sử (Đại Nam thực lục chánh biên, Quốc triều chánh biên toát yếu) gọi là “đồn Gia Định”, nhưng do đồn được xây dựng trong khu vực làng Chí Hòa nên người đương thời gọi là đồn Chí Hòa. Tuy nhiên, ngày 25.2.1861, đồn bị quân Pháp chiếm giữ sau một ngày tấn công ác liệt, và hai ngày sau, Tư lệnh quân viễn chinh là Phó đô đốc (Hải quân Trung tướng) Charner đã gửi một báo cáo về Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp, trên báo cáo ghi: Fort de Ki-Hòa, 27 fevrier 1861… (Jean Bouchot - Documents pour servir à l’histoire de Saigon - Saigon 1927, trang 29). Rõ ràng đây là cách phiên âm nhầm lẫn từ Chí Hòa của tiếng Việt ra tiếng Pháp, nhưng đáng tiếc là từ đó, sự nhầm lẫn này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong công văn giấy tờ của chính quyền thực dân Pháp và báo chí đương thời, đến nỗi nhiều tác giả Việt vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 sử dụng địa danh Kỳ Hòa như một lẽ đương nhiên (trong đó có cả học giả Trần Trọng Kim, tác giả bộ Việt Nam sử lược).
Cũng còn may là địa danh Chí Hòa vẫn còn tồn tại bên cạnh địa danh biến thể của nó là Kỳ Hòa, chứ không hoàn toàn bị “khai tử” như một vài trường hợp khác.
2) Dakao hay Đất Hộ?
Tổ chức hành chánh “hộ” tồn tại ngay từ những năm đầu Pháp thuộc. Trong bản lý lịch của Đỗ Hữu Phương, một trong những người miền Nam cộng tác đắc lực nhất với thực dân Pháp, do chính quyền thực dân thành lập năm 1865, thấy ghi ông ta là “Hộ trưởng” và người Pháp dịch là “Chef du quartier” (Trưởng khu). Như vậy, trong tổ chức hành chánh Việt Nam, ngay từ thập niên 1860 (và có thể trước đó nữa), đã có cấp hành chánh “Hộ”, có thể xem tương đương với cấp Tổng về sau và cấp Phường ngày nay. Ngày 4.4.1867, Thống đốc Nam Kỳ De La Grandière ban hành nghị định thành lập Ủy ban Thành phố Sài Gòn đầu tiên, tổ chức “hộ” mặc nhiên bị bãi bỏ. Ngày 30.8.1905, Hội đồng thành phố Sài Gòn ra quyết nghị tái lập chức danh Hộ trưởng, cả thành phố chia thành 6 hộ, trong đó có hộ Tân Định. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, tổ chức hộ bị bãi bỏ do các hộ trưởng không làm được việc. Cũng xin nhắc lại là thời Pháp thuộc, dất công thường được phân làm hai loại: công thổ xã, gọi nôm na là đất làng, thuộc quyền quản lý của cấp xã; và công thổ quốc gia thuộc chính quyền trung ương. Do đó, vào thời điểm tổ chức “hộ” còn tồn tại, một khu vực thuộc hộ Tân Định có tên “Đất Hộ” (đất của hộ). Từ này khi xuất hiện trong công văn, giấy tờ của thực dân Pháp, đã bị biến thể thành Dakao, và ngày nay, chúng ta mặc nhiên khai tử từ gốc (Đất Hộ) để sử dụng một từ sai lạc (Dakao) như là từ căn bản của mình.
Dù vậy, từ Đất Hộ đến nay vẫn còn ăn sâu vào ký ức những người sinh trưởng tại Sài Gòn những năm 1940 trở về trước.
3) Lăng Tô hay Láng Thọ?
Thời Pháp thuộc, tại khu vực nay thuộc quận 4, có một địa điểm tên Láng Thọ, nơi nam thanh nữ tú thường rủ nhau đi hóng mát chiều chiều, thực dân Pháp in trong công văn, giấy tờ của họ là Langto và từ đó, tên Lăng Tô dần “soán ngôi” từ Láng Thọ ban đầu.
4) Thuận Kiều, Tong-keou hay Đông Khẩu?
Thuận Kiều là tên một đồn binh nổi tiếng của vùng đất Sài Gòn xưa trong kháng chiến chống Pháp, nằm trong khu vực gần Tham Lương ngày nay. Tên này đã bị người Pháp phiên âm “méo mó” là Tong-keou và không lâu sau, một vài cây bút Việt Nam, do không nắm vững được nguồn gốc của từ này, đã phiên âm theo tiếng Việt là… Đông Khẩu. May là tên Thuận Kiều còn tiếp tục tồn tại vào thập niên 1950, khi được đặt cho một ấp thuộc xã Bà Điểm, quận Hóc Môn (gần ngả tư An Sương và xa lộ Đại Hàn), và ngày nay còn là tên của một trong những con đường có quán cơm tấm nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
III.
Những nhầm lẫn do lịch sử để lại là chuyện đã đành, hầu như chúng ta không thể nào cải sửa được, song với những nhầm lẫn do chính chúng ta vô tình tạo ra thì không nên để chúng mãi tồn tại, xin đơn cử mấy trường hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh:
1) Trần Khắc Chân, Trần Khắc Chung, hay Trần Khát Chân.
Gần khu vực ngả tư Phú Nhuận, có một con đường gần thẳng góc với đường Hoàng Văn Thụ mang tên Trần Khắc Chân. Tìm hết trong sách sử, không thấy một nhân vật nào có tên như thế, chỉ có Ngự sử Đại phu Trần Khắc Chung, thời vua Trần Anh Tông (1293-1314) và Thượng tướng Trần Khát Chân thời vua Trần Thuận Tông (1388-1398), phải chăng do sự liên tưởng mà người đặt tên đường đã “ghép nối” hai từ trên thành Trần Khắc Chân?
2) Trương Quốc Dung hay Trương Quốc Dụng?
Trương Quốc Dụng (1797-1864) là một trong những đại thần triều Tự Đức (1847-1883), từng giữ chức Hình Bộ Thượng thư, chủ biên bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sau khi mất, được truy thăng Đông các Đại học sĩ (chánh nhất phẩm). Từ nhiều năm qua, tên ông được đặt cho một con dường trong phạm vi quận Phú Nhuận, nhưng bị đổi thành Trương Quốc Dung. Tuy chỉ thiếu một dấu chấm nhỏ, song Dung và Dụng là hai từ quá đỗi khác nhau.
Hanh Thông Tây chứ không phải Hạnh Thông Tây
3) Hanh Thông hay Hạnh Thông?
Hanh Thông xã và Hanh Thông Tây là tên những xã cố cựu của vùng đất Gia Định xưa, nằm trong phạm vi quận Gò Vấp- TPHCM ngày nay. Giở quyển Từ điển tiếng Việt của tác giả Phan Canh (NXB Mũi Cà Mau, 1997), ta sẽ thấy từ “hanh thông” có nghĩa là “trôi chảy, thịnh tốt”, tuy nhiên, nếu có dịp đi trên đường Quang Trung, quận Gò Vâp, chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy một ngôi chợ to, bên trên mặt chợ, người ta đắp nổi các từ “Chợ Hạnh Thông Tây”. Hai từ “hạnh thông” không có nghĩa gì hết, chúng vô tình phủ nhận một địa danh lâu đời có ý nghĩa và từng ăn sâu trong ký ức của người Sài Gòn xưa.
Thiết tưởng đã đến lúc song song với công tác cải tổ việc dạy và học lịch sử trong nhà trường, thổi luồng sinh khí mới cho học sinh biết yêu sử Việt, xem đó là một lãnh vực không thể thiếu trong kiến thức khi ra đời, cần khơi dậy phong trào tìm hiểu sử Việt, trao đổi, tranh luận về những vấn đề lịch sử như một thứ sinh hoạt thường xuyên trong đời sống cộng đồng, mới hy vọng phục hồi được những gì mà chúng ta đã đánh mất trong một thời gian dài. Nếu vẫn điềm nhiên để cho những nhầm lẫn do chính chúng ta tạo ra tiếp tục hiện diện trong đời sống xã hội, thì không biết hàng trăm năm sau, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ nghĩ sao về sự tắc trách của cha ông họ?
No comments:
Post a Comment