Saturday, 11 August 2012

LỐI XƯA XE NGỰA …HỒN QUÊ CŨ ! (Tôn Thất Thọ)

( Bài đã gởi đăng trên tạp chí SG Xưa&NAY, số 1/2008)
Một hình ảnh đẹp ở các tỉnh Nam Bộ đã đi vào quá khứ: hình ảnh của những chiếc xe thổ mộ rong ruổi ngược xuôi trên các néo đường quê .
Đã từ lâu, chiếc xe thổ mộ đã gắn liền với những phiên chợ sáng chiều của người dân quê Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một...Nó không những là phương tiện đi lạithuận tiện, mà với dáng vẻ độc đáo ,chiếc xe đã tạo cho khung cảnh đồng quê Nam Bộ trở nên duyên dáng và có” hồn “hơn !
Xe thổ mộ là loại xe ngựa chở khách ,có hai càng bằng gỗ, do một con ngựa kéo. Tại sao nó có tên là thổ mộ ? .Có người giải thích vì xe có mui cong nhỏ, trông giống cái gò mã nên được gọi là “ thổ mộ”. Lại có người cho rằng, nó bắt đầu từ tên xe là “ thảo mã”. Lâu ngày đọc trại ra thành “ thổ mộ” ( theo Paulus Của ). Lại có ý kiến giải thích nó có nguồn gốc từ chữ “Tombreau” của Pháp đọc trại thành thổ mộ; điều này, cụ Vương Hòng Sển trong cuốn “Tự Vị Tiếng Việt miền Nam” đã bác bỏ và cho biết rằng , người Pháp họ không bao giờ gọi xe thổ mộ làtombreau cả mà gọi là Boite d’allumettes ( hộp quẹt ), có lẽ vì cái hình dáng nhỏ nhắn của nó như cái hộp quẹt chăng ?
Có thể ban đầu, khi người Pháp mới sang, họ dùng xe ngựa để kéo pháo. Giống ngựa họ đem từ châu Âu, châu Phi sang. Ngựa giống này cao to, có khả năng kéo nặng được. Lần lần, có nhiều con không thể kéo pháo được nữa, chúng bị dạt ra để kéo đồ vật lặt vặt, kể cả kéo cỏ cho những con kéo pháo ăn. Chính vì thế mà có tên xe là “ thảo mã’ ( xe ngựa kéo cỏ ), lâu ngày đọc thành thổ mộ ?
Cho dù nó có nguồn gốc thế nào, thì cái tên thổ mộ đẫ được người dân Nam Bộ gọi đã khá lâu, ít nhất là vào thời điểm sau khi quân Pháp đến chiếm đóng Nam Kỳ .
Người đánh xe ngựa được gọi là” xà ích “, theo nhà văn Bình Nguyên Lộc trong cuốn “ Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” thì “xà ích” là tiếng có nguồn gốc từ Phi- líp- pin.
Những người đánh xe ngựa ( xà ích ) vốn là những nông dân chất phác, phóng khoáng cởi mở. Họ nhanh chóng tiếp thu một phương tiện giao thông mới, cải tiến nó thành một loại xe chở khách có vóc dáng nhỏ, gọn,phù hợp với đường sá của nông thôn miền Nam. Hình thức xe cũng khá thẩm mỹ. Tuy giản dị với mái vòm cong cong, nhỏ nhắn nhưng khi di chuyển trên đường làng thì trông rất hài hòa với những ụ rơm, lũy tre làng của phong cảnh đồng quê.
Để hành nghề xe ngựa, việc quan trọng nhất là phải biết chọn ngựa. Lựa chọn ngựa bắt đầu từ màu lông, xái ngựa,tuổi ( xem răng ),mõm ( mõm nhọn kén ăn hơn mõm bằng ). Sau đó là huấn luyện .Việc huấn luyện ngựa do những vị cao tuổi học tập và truyền lại từ sách” Mã Kinh” của Tàu . Có người kỹ lưỡng hơn thìlại coi thêm mạng theo ngũ hành: mạng của người cần phải hợp với mạng của ngựa ! Ví dụ : người mạng Thổ chọn ngựa ô; mạng Thủy chọn ngựa Kim ( hoặc khứu) lông nâu nhạt ; mạng Mộc chọn ngựa Kim than ( ngựa trắng điểm đen); mạng Hỏa chọn ngựa Vang ( lông đỏ ).
Thời trước ,xe thổ mộ cũng hoạt động theo luật định. Ai muốn hành nghề xà ích đều phải qua một cuộc thi khảo hạch để nhà chức trách cấp bằng chứng nhận. Người lái xe phải đủ 18 tuổi, có đủ sức khỏe, trước khi thi phải thuộc 36 ký hiệu giao thông trên đường y như thi lái xe bây giờ vậy. Bởi vì lúc đó, xe thổ mộ chẳng những chở khách xuôi ngược ở các vùng nông thôn ngoại thành, mà nó còn chở hàng hóa và khách vào tận các chợ Bến Thành, Cầu Muối...Vì thế, người xà ích phải hiểu biết luật giao thông đường bộ và có tay nghề cao để đảm bảo an toàn giao thông. Trên xe phải có chuông, nút ấn chuông được đặt bên cạnh chỗ ngồi của người xà ích. Xe chạy khi trời tối phải có đèn lái ở hai bên, hai cái đèn có hình dáng là hai cánh tay người cầm hai chân đèn. Quy định này do người Pháp đặt ra. Đèn được đốt cháy bằng khí đá, nó chẳng soi sáng được bao nhiêu, cốt để cho người đi đường thấy có xe ngựa mà tránh ! Dưới gầm xe phải có bao đựng phân ngựa, không để ngựa phóng uế bừa bãi ra công lộ, Xe ngựa nào không thực hiện đủ những quy định trên sẽ bị “ phú lít” xử phạt ngay. Xem thế ta thấy xe ngựa ngày xưa cũng khá văn minh !
Có người nói rằng,lúc trước xe ngựa khi chạy trong thành thị thì xà ích che đi một phần cặp mắt của ngựa ,chỉ cho nó nhìn thấy phía trước từ 2 đến 3 mét ; mục đích là để cho ngựa khỏi bị phân tâm mà chạy “lạc hướng” dễ gây tai nạn . Mỗi xe thổ mộ được trang bị một “ bộ nhíp” giảm xóc. Tất cả các loại xe như xe bò, xe ngựa kéo, xe lừa...của ta từ trước đó chưa hề biết đến cái nhíp giảm xóc bao giờ.Cùng với sự tồn tại của chiếc xe ngựa là những nghề phụ thuộc theo nó như : nghề xén tóc và xén lông cho ngựa, nghề đóng móng sắt ngựa, nghề đóng thùng xe... Nghề đóng móng sắt do người châu Âu du nhập vào. Ngựa xứ ta trước đó chưa hề đóng móng sắt.
Thời gian khoảng nửa đầu thế kỷ 20, ở vùng Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Dầu Một cóhơn 1000 chiếc xe thổ mộ. Có lẽ nó là phương tiện di chuyển công cộng trên bộ đầu tiên ở nước ta, sau đó mới đến các loại phương tiện khác. Cũng như nhiều nghề khác, nghề xà ích cũng có tính cha truyền con nối . Ở khu Tân Định xưa ,có con đường nhỏ mang tên Mã Lộ, đó là đường xe thổ mộ chạy. Xe thổ mộ cũng có bến như xe buýt hiện nay . Ngoài ra, ở khu vực kênh Nhiêu Lộc ( khu vực gần chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay) có một khu vực gọi ’Bến tắm ngựa” , đây là nơi xà ích thường cho ngựa xuống tắm mát nghỉ ngơi sau thời gian dài rong ruổi mệt nhọc trên các ngã đường. Đối với người dân Sài Gòn- Gia Định và các vùng lân cận,những chiếc xe mui vòm khum cong như những nấm mộ xuôi ngược trên những con đường đất đỏ,( sau được rải đá rồi tráng nhựa);với hình ảnh những chú ngựa nhỏ con, gõ móng lốp cốp trên mặt đường nhựa, cùng với nhạc cổ leng keng ngày trước là một phương tiện chuyên chở rất gần gủi và thân thiện ,nhất là đối với bạn hàng các chợ và người bình dân đi lại từ nơi này sang nơi khác. Trong những ngày giáp Tết ,xe thổ mộ càng đẹp và rực rỡ hơn vì rực vàng hoa vạn thọ, hoa huệ, cúc ...từ các vùng Gò Vấp, Bà Điểm đổ vào bán ở các chợ nộithành.
Mỗi cổ xe thổ mộ đang chạy như là một bản hợp tấu giàu âm điệu. Âm điệu nền là tiếng vó ngựa lộc cộc giòn giã nện xuống đường.Tiếng khua lốc cốc của cây ví ( thanh thép nằm giữa trục bánh xe). Tiếng lục lạc leng keng ngân vang trên cổ ngựa. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng “cốc keng” ngân vang mà rời rạc từ cái chuông xe . Và cuối cùng là lâu lâu lại trỗi lên tiếng hý dài của con tuấn mã sung mãn đầysinh lực ! Tất cả như một bức họa mỹ thuật toát lên nhiều âm thanh của một bản hòa tấu sinh động, và bức họa đó đã thực sự đi vào dĩ vãng , đi vào lịch sử một vùng quê xưa...
Tôn Thất Thọ
( T/c X&N)

No comments:

Post a Comment