“Mình hạt sương mai”? (Năng Lượng Mới số 149 ,24-8-2012).
by An Chi on Friday, August 24, 2012 at 4:36am ·
BẠN ĐỌC : Bác An Chi kính mến! Để chỉ người phụ nữ có vóc dáng mảnh mai người ta dùng thành ngữ “Mình hạt sương mai”. Thành ngữ này viết là: "Mình hạt (giọt) sương mai" hay "Mình hạc xương mai" thì đúng ạ? Có người thì lại nói bốn chữ "mình hạt sương mai" là mỏng manh dễ vỡ như giọt sương buổi sớm. Mong bác giải thích giúp. Cảm ơn bác nhiều.
Phan Lương, TPHCM.
AN CHI : “Mình hạc xương mai” là một câu thành ngữ chính xác và lâu đời cùng một kiểu cấu trúc cú pháp – ngữ nghĩa với hàng loạt câu khác: đầu bạc răng long, đầu bù tóc rối,bụng cao dạ dốc, bụng mang dạ chửa, bụng ỏng đít beo (teo), mặt bủng da chì, lưng dài vai rộng, má đào mày liễu, mặt hoa da phấn, mặt xanh nanh vàng, môi son má phấn,tóc bạc da mồi, tóc mây mày nguyệt, vai u thịt bắp, v.v..
Đặc điểm của những thành ngữ này là câu nào cũng bao gồm hai danh ngữ chính phụ (từ đứng sau bổ nghĩa cho danh từ trung tâm đứng trước); hai danh ngữ này đẳng lập đối với nhau; các danh từ trung tâm đều là những danh từ chỉ bộ phận cơ thể của con người và toàn bộ thành ngữ có tác dụng miêu tả hình dạng của con người. Thí dụ : đầu bạc răng long gồm có hai danh ngữ đầu bạc và răng long; trong đầu bạc thì bạc bổ nghĩa cho đầu còn trong răng long thì long bổ nghĩa cho răng; đầu bạc và răng long là hai danh ngữ đẳng lập với nhau chứ không có danh ngữ nào phụ thuộc vào danh ngữ kia về mặt cú pháp; trong đầu bạc thì đầu là danh từ trung tâm còn trong răng long thì răng là danh từ trung tâm, cả hai đều chỉ bộ phận cơ thể con người; thành ngữ này có tác dụng miêu tả hình dạng của những người già cả. những câu thành ngữ còn lại cũng thế. Câumình hạc xương mai cũng bao gồm hai danh ngữ là mình hạc và xương mai; trong mình hạc thì hạc bổ nghĩa cho mình là danh từ trung tâm, trong xương mai thì mai bổ nghĩa cho xương là danh từ trung tâm; cả mình lẫn xương đều chỉ bộ phận cơ thể con người; còn toàn bộ thành ngữ thì miêu tả hình dáng của những người mảnh khảnh, đặc biệt là phụ nữ.(Thêm khi đưa lên FB : Cũng có thể theo một quan điểm khác mà xem từng cấu trúc trên đây không phải danh ngữ mà là một cấu trúc chủ-vị).
Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng “mình hạc xương mai” là “nhỏ xương ốm yếu, thanh cảnh, cốt cách lịch sự” (Xin x. chữ “mình”). Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) giảng là “[vch] ví thân hình mảnh mai, duyên dáng của người phụ nữ”.
Còn “mình hạt sương mai” chẳng qua là câu nói trẹo trọ theo sở thích chủ quan hoặc do thiếu hiểu biết về chữ nghĩa từ câu “mình hạc xương mai” mà thôi. Cũng may là cái câu “mình hạt sương mai” vô duyên đó chưa “lây lan” đến mức phải lo lắng. Ta có thể lên mạng để nhặt ra nhưng cũng không nhiều, chẳng hạn :
– Thoitrangsao.vn : Nữ diễn viên Lee Da Hae khoe dáng vóc “mình hạt sương mai”;
– Caycanh.sangnhuong.com : Cây có dáng mình hạt sương mai;
– Lời bài hát “Đóa hoa vô thường” của Trịnh Công Sơn trong album “Hồng Nhung và Những Bài Top Ten” do im jess đăng trên nhacso.net : Tìm em tôi tìm, mình hạt sương mai.
Trường hợp thuvienbao.com viết “Mình hạt xương mai” để nói về Bảo Hân thì chữ “hạt” (thay vì hạc) ở đây có lẽ chỉ là do sai chính tả. Trường hợp của im jess trên nhacso.net thì thực sự vô ý thức vì trong album nói trên, diva Hồng Nhung, người gốc Bắc, nói giọng Bắc, đã phát âm chữ thứ sáu trong câu đầu của ca từ thành [hak6] một cách rất rõ ràng, nghĩa là với “c” cuối (chứ không phải “t”). Huống chi, lời bài hát đã được in chính xác trong tuyệt đại đa số các nguồn là : “Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai.”Thoitrangsao.vn, mốt miếc chưa biết hay ho đến đâu nhung chữ nghĩa thì rõ ràng là … dốt nát. Nếu từ ngữ mà nó dùng là một cấu trúc chính xác về mặt ngữ nghĩa thì tội nghiệp cho Lee Da Hae, cô ta sẽ là một nữ diễn viên yểu mệnh. Như giọt sương mai mà lại, tan liền ngay sau khi nắng lên! Rồi các cô nàng chân dài khác cũng thế. Nên nhớ rằng đây là tả hính dáng mà chẳng có dáng người nào lại tròn và nhỏ nhắn như hạt sương. Đến như cây kiểng mà cũng “có dáng mình hạt sương mai” (nghĩa là “tan trong chốc lát), như đã giới thiệu trên caycanh.sangnhuong.com thì chắc chắn các vựa cây cảnh sẽ dẹp tiệm.
Chỉ cần một chút xíu nhạy bén mà so sánh với những câu thành ngữ kể trên, ta cũng đã có thể thấy ngờ ngợ về cái cấu trúc cú pháp – ngữ nghĩa bất thường của câu này. Nhịp của những câu trên là “ 2 – 2 ” đều đặn còn của câu này là “ 1 – 3 ” trong đó ta thấy hiện tượng bổ nghỉa (BN) dây chuyền rườm rà (‘mai’ BN cho ‘sương”, “sương mai” BN cho “hạt”, “hạt sương mai” BN cho “mình”). Tóm lại, “mình hạt sương mai” chỉ là một lối nói trẹo trọ, méo mó từ câu thành ngữ gôc là “mình hạc xương mai” mà ra.
No comments:
Post a Comment