Monday, 12 November 2012

Từ nguyên của "thiết tha", "thướt tha"? (Trần Trọng Dương)

Từ nguyên của "thiết tha", "thướt tha"?



‘THIẾT THA’ hay ‘THƯỚT THA’?

Trần Trọng Dương
đã đăng: “Thiết tha” hay “thướt tha”? Thông báo Hán Nôm học. 2007. Nxb KHXH. Hà Nội.


Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu đang tiến hành đi tìm nguyên tác Truyện Kiều để “tiến tới những bản phiên âm thể hiện được nguyên dạng của tác phẩm về âm đọc, ngữ nghĩa và ý đồ sáng tác của tác giả, từ đó mà chú giải, khảo luận hướng dẫn người đọc hiểu đúng các bản phiên âm hiện hành.” [Nguyễn Tài Cẩn 2004:375]. Có hai xu hướng đi tìm nguyên tác Truyện Kiều chủ yếu sau: 1.Xu hướng khai thác/ phục nguyên từ ngữ cổ tiếng Việt; 2.Xu hướng so sánh các bản Kiều Nôm cổ, thống kê các chữ cùng xuất hiện trong nhiều văn bản Nôm cổ. Đại diện cho xu hướng thứ hai là cuốn Tư liệu Truyện Kiều-từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn do nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học ấn hành năm 2004. Theo xu hướng thứ nhất là một số bài viết của các học giả trong và ngoài nước như Nguyễn Tài Cẩn, An Chi, Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo, Nguyễn Tuấn Cường…

Gần đây, chúng tôi cũng đã công bố hai bài viết về vấn đề từ cổ trong Truyện Kiều qua trường hợp chữ THƠ RƠ. Hai bài viết trên đều dùng phương pháp tìm các khả năng biến âm của thanh phù để tìm ra âm đọc của chữ thông qua tra cứu từ vựng ở các bộ từ điển cổ. Phương pháp này có ưu thế ở chỗ: nó có thể giúp người đọc khảo sát hầu như toàn bộ các khả năng đọc có thể xảy ra (trên lý thuyết), và kiểm chứng các khả năng ấy thông qua sự ghi nhận của từ điển. Ví như trường hợp của chữ THƠ RƠ, từ trước đến nay từ này vẫn được phiên là Lơ thơ hay Tha la. Từ việc khảo sát các tự dạng Nôm, chúng tôi đưa ra 1456 khả năng đọc của mã chữ và kiểm tra các khả năng ấy qua tra cứu các từ điển cổ. Kết quả là chúng tôi chứng minh được rằng Tha la là cách phiên sai lầm theo mặt chữ bắt đầu từ từ điển Génibrel và Tha la không hề xuất hiện trong bất cứ một cuốn từ điển nào trước hay cùng thời với nó; Lơ thơ với nghĩa “rủ xuống” cũng không hề xuất hiện trong bất cứ một cuốn từ điển cổ nào, Lơ thơ là một từ mới xuất hiện vào quãng đầu thế kỷ XX (1931), và Thơ rơ hay Rơ thơ là cách đọc cổ của từ lơ thơ qua sự ghi nhận một cách có hệ thống của các từ điển từ A. de Rhodes, Taberd, Bỉ Nhu đến Huình Tịnh Của.

Trong bài viết này, chúng tôi cũng thử phục nguyên một từ cổ thông qua phương pháp trên. Đó là các trường hợp Thướt tha.

Thướt tha là từ xuất hiện hai lần trong Truyện Kiều ở các vị trí câu: Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, 170; Dưới đào dường có dáng người thướt tha, 290. Trước tiên, chúng tôi khảo sát tự dạng Nôm của chữ này qua một số bản Nôm cổ. Kết quả như sau:




Qua 12 bản Nôm và Quốc ngữ cổ ta thấy rằng: tại vị trí câu 170 có 4 dị bản, trong đó thướt tha切 他 xuất hiện 2 lần, La tha羅他 xuất hiện 2 lần, Đã ra xuất hiện 2 lần, còn lại Tha la 他 羅xuất hiện 6 lần tại vị trí câu 290 chỉ có độc bản Thướt tha 切 他. Như biện luận của chúng tôi ở hai bài viết trước thì đã ra 乑 歮 là cách viết sai của他 羅Thơ rơ. Thướt tha切 他 chỉ xuất hiện hai lần (so với 6 lần của Tha la 他 羅). Chúng tôi tạm đưa ra khả năng rằng: Thướt tha切 他 cũng là cách viết sai khác của 羅他rơ thơ. Và như vậy, tại vị trí câu 170 chỉ có thể đọc là: Bên cầu tơ liễu bóng chiều THƠ RƠ[1]/ RƠ THƠ [xem Trần Trọng Dương 2006a, 2006b].

Trở lại với vị trí 290, chúng tôi thấy việc xuất hiện các mã chữ Nôm và các bản phiên âm của câu này khá thống nhất. Với sự khảo sát của mình, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn liệt câu này vào loại nguyên bản do chính Nguyễn Du viết vì không hề có dị bản. Ở đây, ta không còn phải biện luận gì về tự dạng của chữ Nôm cả. Vấn đề là ở âm đọc. Chữ này vốn âm Hán Việt gồm có: 切đọc là thiết và 他đọc là tha. Khâu tiếp theo, chúng tôi thử kiểm tra các khả năng biến âm của hai âm này. Cụ thể như bảng dưới đây:

Bảng: các khả năng biến âm của THIẾT







Các khả năng đọc của Thiết = các khả năng biến âm của Th (10) x các khả năng biến âm của iết (11) = 110.

Các khả năng đọc của Tha = các khả năng biến âm của Th (10) x các khả năng biến âm của a (07) = 70.






Các khả năng đọc của Thiết tha = Các khả năng đọc của Thiết x Các khả năng đọc của Tha = 110 x 70 = 7700.

Để kiểm tra xem các khả năng đọc trên có xảy ra trên thực tế hay không, chúng tôi tiến hành tra cứu thông qua các bộ từ điển cổ. Kết quả là: âm Thướt tha và các âm khác không hề được ghi nhận trong bất cứ từ điển cổ nào. Từ này xuất hiện lần đầu trong Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến đức: “Thướt tha. Trỏ bộ dài lê thê.” [1931:588]. Tiếp đó là đến G. Hue: “Gracieux, svelte. Thướt tha. Tha thướt” [1044]. Đào Văn Tập: “Thướt tha. Chỉ dáng dài mà uyển chuyển” [612]. Từ điển của Viện Ngôn ngữ học: “Có dáng cao rủ dài xuống, chuyển động một cách mềm mại uyển chuyển.” [945]. Từ điển truyện Kiều: “THƯỚT THA (2): hình dung vật gì dài rủ xuống có vẻ kéo lê thê. Thượt là trong dài thượt. Về cấu tạo từ. xem Dần dà. Td. Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha, 170; Dưới đào dường có dáng người thướt tha, 290” [471].

Trong khi đó, âm Thiết tha lại được ghi nhận khá đều đặn bắt đầu từ từ điển của Bỉ Nhu: “Thiết tha切 磋 .cn. ráo riết, lắm, nhiều lắm.” [466], đến Taberd: “Thiết tha切 磋 . Vehementer. Rất, kịch liệt.”[495] và cuối cùng là Huình Tịnh Paulus Của: “Thiết tha. lắm lắm, bức lắm, ngặt lắm, cần kíp lắm.”[1010]. Tự điển Chữ Nôm ghi: “khẩn khoản, da diết, Hết mức, ráo riết.” [2006:1091]. Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức ghi: “thiết tha để ý đến vì thương yêu (già rồi, tui không còn thiết tha chi nữa. “đi hay ở vẫn thiết tha với Huế, vẫn bao lần nghe Huế nhói trong tim”- thơ Tô Kiều Ngân). Nghĩa xưa là đau đớn xót xa hoặc mức độ cao (đau đớn thiết tha, giận thiết tha). Từ cổ.P.Của.” [2004:866] Từ điển này không thấy ghi nhận chữ “thướt tha”.

Như vậy, theo sự ghi nhận của các từ điển trên, từ thiết tha là trạng từ hoặc tính từ. Để khảo sát sự hoạt động của từ này như thế nào, chúng tôi tạm khảo sát một số văn cảnh trong các văn bản cổ.

1.Thiết tha là trạng từ chỉ mức độ trong các câu: “xú phụ: vợ xấu thiết tha” trong Chỉ nam ngọc âm (tr.7b), “nghe chàng năn nỉ thiết tha” trong Phan trần (tr.69a). 2.Thiết tha là tính từ trong các câu “cảnh buồn người thiết tha lòng” trong Chinh phụ ngâm (16a), “Thiết tha ban tối khoe khoang nửa ngày” trong Nhị độ mai (tr.17b), “tiếng quạ bay kêu giọng thiết tha” trong Vị thành giai cú tập biên (tr.18a). Nếu là một trạng từ, thiết tha thường đứng sau tính từ vị ngữ, hay động từ vị ngữ. Nếu là một tính từ, từ này thường làm vị ngữ hay làm định ngữ cho danh từ.

Chữ thiết tha trong câu 290 “dưới đào dường có bóng người thiết tha” nên chăng là một tính từ. Tính từ vị ngữ này làm khu biệt và xác định tính chất, đặc điểm của danh từ “bóng người” đứng trước nó. Vậy nét nghĩa của chữ thiết tha ở đây là gì? Theo chúng tôi, đây có lẽ là một tính từ chỉ sự di chuyển nhanh, gấp, thấp thoáng, ẩn hiện. Với nét nghĩa như thế nó sẽ hô ứng với chữ “dường thấy” hết sức mong manh ở trên. Vì đây là đoạn tả tâm trạng chàng Kim Trọng lúc lân la chuyển đến làm hàng xóm với Vương gia, để “tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông”, nhưng “tấc gang động tỏa nguyên phong, tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”. Thế rồi, một buổi thấy dáng kiều thấp thoáng, “buông cầm xốc áo vội ra, hương còn thơm nức người đà vắng tanh”, chỉ có một chiếc kim thoa vướng trên cành đào. Người đẹp đi dạo thưởng hoa nhanh vậy! Nhưng cái thấp thoáng dáng kiều ấy, cái mùi hương khuê nữ ấy đã nhuốm màu tâm trạng của con người si tình kia rồi.





Sự tồn tại và diễn biến của THƯỚT THA, THIẾT THA

trong một số từ điển.







TÀI LIỆU THAM KHẢO

Alexandro De Rhodes.1651. Dictionarivm Annamiticivm- Lusitanvm- Latinvm Sacre Congragationis de Propagada fide Cardinales. ROME. (Từ điển Việt- Bồ- La). Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch. Nxb. Khoa học Xã hội. 1994.

Đào Duy Anh.1987. Từ điển Truyện Kiều, Phan Ngọc bổ sung sửa chữa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Gustave Hue.1937. Dictionaire Vietnamien Chinois Français ( Tự điển Việt- Hoa- Pháp), Nhà sách Khai trí, 62,Lê Lai-Saigon, 1971 (chụp theo ấn bản Imprimerie Trung Hòa, 1937)

Hội Khai trí Tiến đức.1931. Việt Nam tự điển, HANOI Imprimerie Trung-Bac Tan-Van. Mặc Lâm xuất bản.

Huình Tịnh Paulus Của.1895-1896. “大 南 國 音字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4. 1895-1896; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896).

J.F.M. Génibrel.1898. Dictionaire Annamite- Francais, Imprimerie de la Mission à Tân Định.

L.J. Taberd.1838. Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore.

Nguyễn Ngọc San & Đinh Văn Thiện. 2003. Từ điển từ Việt cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa. Hà Nội. (lần 01 Nxb. VHTT. H.2001)

Nguyễn Quang Hồng (chủ biên).2006. Tự điển chữ Nôm. Nxb.Giáo dục.1546

Nguyễn Quảng Tuân. 2004. Chữ nghĩa Truyện Kiều. Nxb.Văn Học.Hà Nội.272.

Nguyễn Tài Cẩn. 2004.Tư liệu Truyện Kiều-từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Nhà xuất bản Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học. Hà Nội.637.

Paul Schneider.1993. Dictionnaire historique des ideogrammes Vietnamiens, Domaine Carlone- 98, boulevard Edouard Heriot- BP 209- 06204 NICE Cedex 3 (France), Nice.

Pierre Pegneaux de Béhaine.1772-1773. Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị An nam La tinh), bản chép tay.

Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu). 1772-1773. Tự vị An Nam La Tinh (Dictionarium Anamitico Latinum 1772- 1773), Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Nxb.Trẻ. 1999.

Thanh Nghị.1951.Việt Nam tân từ điển. Nhà in Thời Thế 185/54 đường Colonel Grimaud- Saigon.

Trần Trọng Dương.2006a, Đi tìm âm đọc cổ cho hai chữ LƠ THƠ, t.c Hán Nôm số 03. Tr 44-53.

Trần Trọng Dương.2006b, Thử tầm nguyên hai chữ THA LA, The international conference on Nom Script, www.nomfoundation.org .





--------------------------------------------------------------------------------

[1] A. de. Rhodes ghi: “Cây thơ rơ: cây không có lá, trụi lá.” [1651: 223]. Từ điển của Bá Đa Lộc Bỉ Nhu cũng ghi: “撪冟3 Thơ rơ. Cây trụi lá.” [1773: 470]. Từ điển Taberd cũng ghi: “撪囉 thơ rơ, arbor foliis expoliata.” [1838: 499]. Tra trong từ điển của Huình Tịnh Paulus Của thì thấy: “盧 lơ thơ: xơ rơ, thưa thớt” [1895 - 1896:573], “撪xơ .n. Rã rời, tan tác, còn cái xác không, cái bã không, cái vỏ không. Xơ xơ: rách rã, tơi bời, tan tác. Xơ rơ (xác rác): thưa thớt còi cụt, trơ trọi, còn nhánh không, (cây cối). Bão bùng cành ngọn xơ rơ.” [1895 – 1896: 1198]; “撪 rơ,… xơ rơ: thưa thớt, xờ xạc. (cây cỏ)” [1895 – 1896:874]; “Thơ rơ: xơ rơ thưa thớt, như cây mùa đông, nhánh lá xơ rơ. Thơ thơ. id.” [1895 – 1896: 1018]. Từ điển Tiếng Huế: “Thơ rơ (xơ rơ) cây trụi lá, nghĩa bóng vẻ thiểu não (Cây thầu dầu thơ rơ, dáng điệu anh cũng xơ rơ in nhau)[2004:874].

Sunday, 11 November 2012

TÌM HIỂU DANH HIỆU HOÀNG ĐẾ VÀ DANH VỊ HOÀNG ĐẾ Ở VIỆT NAM - Phạm Văn Thắm

Phạm Văn Thắm 73. Tìm hiểu danh hiệu Hoàng đế và danh vị Hoàng đế ở Việt Nam
Cập nhật lúc 10h52, ngày 11/08/2009
Viện Nghiên cứu Hán Nôm


Hoàng đế (皇帝) là một từ gốc Hán mang các nét nghĩa người thủ lĩnh trong chế độ quân chủ hoặc người cầm quyền cao nhất trong các triều đại của chế độ phong kiến(1). Ở Việt Nam, từ Hoàng đế được dùng để chỉ nhà vua của một triều đại. Từ này xuất hiện lần đầu tiên vào thời Đinh. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: 殿 (Mậu Thìn nguyên niên đế tức vị kiến quốc hiệu Đại Cồ Việt tỷ kinh ấp vu Hoa Lư động triệu tân đô trúc thành tạc trì, khởi cung điện chế triều nghi quần thần thượng tôn hiu viết Đại Thắng Minh hoàng đế. - Năm Mậu Thìn thứ nhất, nhà vua lên ngôi, dựng quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế. Hai chữ Hoàng đế được bề tôi sử dụng để tôn vinh nhà vua khi còn sống như là một danh hiệu. Từ Hoàng đế còn xuất hiện trong các trường hợp sau:
- Khi nhà vua lên ngôi trị vì đất nước, được gọi ngay là Hoàng đế. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đoạn chép về vua Lý Thái Tông như sau: 太宗... (Thái Tông hoàng đế húy Phật Mã, nhất danh Đức Chính, Thái tổ trưởng tử... Thái Tổ băng lại Phụng Hiểu chi trung dũng đồng tâm tế nạn, tức Hoàng đế vị. - Thái Tông hoàng đế húy là Phật Mã, lại có tên Đức Chính, là con trưởng của Thái tổ... Khi Thái Tổ băng hà nhờ sự đồng tâm trung dũng của Phụng Hiểu cứu nạn đã lên ngôi hoàng đế). Đoạn chép về Lý Nhân Tông: ... (Nhân Tông hoàng đế húy Càn Đức, Thánh Tông trưởng tử... Thánh Tông băng toại tức hoàng đế vị, tại vị ngũ thập lục niên thọ lục thập tam tuế. - Nhân Tông hoàng đế húy Càn Đức, con trưởng của Thánh Tông... Khi Thánh Tông băng hà, bèn lên ngôi hoàng đế, ở ngôi 56 năm thọ 63 tuổi).
- Khi nhà vua băng hà, quần thần dâng tôn hiệu là Hoàng đế. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi vua Lý Thánh Tông băng hà, bề tôi dâng tôn hiệu Ứng thiên Sùng nhân Chí đạo Uy khánh Long tường Minh văn Duệ vũ Hiếu đức Thánh thần Hoàng đế. Như vậy, từ Hoàng đế được bề tôi sử dụng để tôn vinh nhà vua khi sống và khi mất như là một danh hiệu, hoặc tôn vinh nhà vua khi lên ngôi như là một danh vị. Sự khác nhau giữa danh hiệu và danh vị hoàng đế ở Việt Nam như sau:
1- Về danh hiệu hoàng đế
Hai chữ Hoàng đế (皇帝) xuất hiện lần đầu vào năm 221 trước công nguyên. Sử sách chép rằng Tần vương Doanh Chính tiêu diệt 6 nước Ngụy, Hàn, Triệu, Sở, Yên và Điền Tề thống nhất đất nước. Vua Tần cho rằng danh hiệu Vương () không thích hợp với ông bèn lệnh cho quan Thừa tướng và Ngự sử bàn đổi danh hiệu để công lao thống nhất đất nước của nhà vua được lưu truyền hậu thế. Khi bàn đổi danh hiệu, các quan đại thần là Thừa tướng Vương Oản, Ngự sử đại phu Phùng Khiếp, Đình úy Lý Tư cùng các vị có học thức uyên bác đã trao đổi với nhau rồi dâng thư nói rằng công lao của nha vua rất to lớn, các bậc ngũ đế cũng không sánh được, đời xưa có tam hoàng là Thiên hoàng 天皇, Địa hoàng 地皇 và Thái hoàng 泰皇, trong đó Thái hoàng 泰皇 là cao quí nhất, nên xin đổi danh hiệu vương là Thái hoàng. Tần Doanh Chính sau khi xem xét đã hạ lệnh bỏ chữ Thái để lại chữ Hoàng , lấy chữ đế thời thượng cổ để ghép lại thành Hoàng đế 皇帝. Ý nguyện của Tần Doanh Chính lấy hiệu hoàng đế là để công lao sự nghiệp của ông được lưu lại cho con cháu muôn đời. Từ hoàng đế một khi xuất hiện được các triều đại quan niệm đó là danh hiệu cao quí nhất, cho nên các đời vua về sau đều dùng danh hiệu này. Như vậy, hoàng đế là một danh hiệu mang nét nghĩa tôn kính, không có nội dung cụ thể.
2- Sự khác nhau giữa danh hiệu và danh vị hoàng đế
Tần Doanh Chính sau khi lấy hiệu Hoàng đế, sai bề tôi suy nghĩ đề xuất các nội dung bảo đảm quyền uy hành xử cho Hoàng đế. Trước hết, về cách xưng hô, Hoàng đế tự xưng là Trẫm , mệnh ban ra gọi là chế , lệnh ban xuống gọi là chiếu . Đến đời Hán, những qui định cho danh hiệu Hoàng đế được cụ thể hơn. Thiên tử nhà Hán chính hiệu là Hoàng đế tự xưng là Trẫm. Thần dân gọi Hoàng đế là bệ hạ 陛下. Lời của Hoàng đế gọi là chế chiếu 制詔, sử quan ghi chép sự việc dâng lên vua gọi là thướng . Vật dụng hoàng đế dùng như xa giá, y phục, khí giới gọi là thừa dư 乘與. Nơi hoàng đế ở gọi là cấm trung 禁中, ấn hoàng đế dùng gọi là tỷ . Mệnh lệnh của Hoàng đế ban ra gọi một là sách thư 策書, hai là chế thư 制書, ba là chiếu thư 詔書, bốn là giới thư 戒書. Như vậy, danh vị hoàng đế mang một nội dung cụ thể gồm: từ ngữ xưng hô giữa hoàng đế với dân chúng có khác nhau biểu thị địa vị tôn kính; các cách thức gọi các vật dụng mà hoàng đế sử dụng biểu thị sự linh thiêng thánh thần của hoàng đế; các qui chế thi hành chính lệnh dựa trên các bằng cứ ấn triện, chiếu thư... bảo đảm sự quyền uy trong việc hành xử của Hoàng đế. Những qui định cho danh vị hoàng đế ngày càng phát triển. Từ ngữ xưng hô không chỉ dành cho Hoàng đế mà còn dành cho cả người thân thuộc cùng huyết thống với hoàng đế như phụ thân của hoàng đế gọi là Thái thượng hoàng 太上皇, mẹ đẻ là Hoàng thái hậu 皇太後; vợ gọi là Hoàng hậu 皇后, con trai là Hoàng tử 皇子, con gái là công chúa 公主, cháu là Hoàng tôn ... sự xuất hiện và thay đổi các mĩ tự ghi niên hiệu của hoàng đế, các miếu hiệu, thụy hiệu, lăng hiệu đi theo hoàng đế đến khi mất đã biểu thị sự chính thống của thế hệ và tính liên tục của hoàng đế.. danh vị hoàng đế có nội dung bao hàm từ khi được tôn vinh, đến quá trình phát triển và kéo dài tận khi mất.
Ở Việt Nam, danh hiệu Hoàng đế được dùng để tôn vinh nhà vua khi sống và khi mất. Còn danh vị Hoàng đế mang một nội hàm cụ thể. Trước hết về từ ngữ xưng hô. Điều thống nhất giữa các Hoàng đế ở Việt Nam khi nắm quyền thì đều xưng là Trẫm, thần dân xưng hô với Hoàng đế là bệ hạ. Nhưng cũng có vị vua như Lý Thái Tông khi nắm quyền thì chiếu lệnh cho các quan tâu việc trước mặt vua thì gọi vua bằng Triều đình(2), Lý Cao Tông bảo người gọi vua bằng Phật. Hoặc như nhà Trần gọi vua bằng Quan gia... Về từ ngữ chỉ các vật dụng vua dùng thì đều có chữ Ngự như bài thơ vua viết ra gọi là Ngự đề, xe vua đi gọi là Ngự giá. Điều quan trọng hơn là xem xét các phương tiện giành cho vua thực thi quyền lực như ấn triện, chiếu chế, dụ chỉ...
Chú thích:
(1) 四角 號馬 新 辭典 。 商務印書館 。 1996。 北京 。
(2) Đại Việt sử ký toàn thư. T.I, Nxb. KHXH, H. 1998, tr.256.
Tài liệu tham khảo
1- Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. KHXH, H. 1998.
2- 中國官制史。中國出版集團。東方出版中心2001.
3-中國官制大辭典黑龍江出版社./.

Saturday, 10 November 2012

Nguồn Gốc Chức Linh Mục Trong Tân Ước (Nguyễn Khắc Hy)



Từ Ngữ Và Vai Trò Lãnh Đạo
Trong bài trước, chúng ta đã bàn đến gốc của danh từ Linh Mục. Trong Thánh Kinh viết bằng tiếng Hi Lạp, họ dùng từ hiereus để chỉ Tư Tế của Do thái giáo và các dân ngoại.
Ngay trong Tân Ước, danh từ này cũng được dùng nhưng hạn chế trong thư gởi tín hữu Do Thái, thư 1 và 2 Phêrô và sách Khải Huyền. Tác giả của những thư trên dùng từ này để chỉ chức năng của một dân tộc hơn là cá nhân. Vì thế, nếu căn cứ vào danh từ chỉ chức năng cá nhân, chúng ta thấy vắng bóng hình ảnh Linh Mục (hiereus) trong Tân Ước. Mặc dù người đọc tìm thấy nhiều danh từ nói đến chức năng Tư Tế trong Do thái giáo cũng như ngoại giáo, nhưng không thấy nhắc đến Tư Tế/ Linh Mục là Kitô hữu hay trong Kitô giáo.
Khi không dùng danh từ hiereus, các tác giả Tân Ước dùng một từ khác để chỉ một chức năng tương tự trong cộng đồng Kitô hữu mới hình thành: presbyteros.[1] Chính từ này được dịch là Linh Mục ngày nay nên chúng ta cũng nên tìm hiểu nguốn gốc từ này trong lịch sử.
Như trong bài trước đã nói đến, từ “presbyteros” (nghĩa đen là “người lớn tuổi”) được dùng trong Kinh thánh chỉ những người đóng vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn Israel hơn là nhắm đển tuổi tác của họ.
Về mặt xã hội, thông thường những người lớn tuổi (Trưởng Lão – Bô Lão) thường là người đứng đầu một bộ tộc, hay chi họ, dù không nhất thiết là như thế. Họ cũng là những cố vấn của vua, của các quan quyền trong kế hoạch đất nước, nhất là khi có chiến tranh.
Thời Chúa Giêsu, từ “presbyteros” được dùng trong những cộng đoàn Do Thái lưu vong để chỉ những công dân được kính trọng, hay những nhà lãnh đạo cộng đoàn.
Trong Tân Ước, ta không đọc thấy danh từ này trong bốn phúc âm và trong các thư của thánh Phaolô,[2] nhưng ta thấy trong Công Vụ Tông Đồ, sách Khải Huyền, thư của Gioan, Timôthê, Titô và Giacôbê.
Thánh Luca dùng từ này nhiều lần trong Công Vụ Tông Đồ để nói đến vai trò lãnh đạo chính của cộng doàn, và thường là một vài người đồng lãnh đạo chứ không là một cá nhân.[3] Trong các thư của Timotê và Titô, danh từ presbyteros được dùng đồng nghĩa để chỉ một chức năng, một con người với từ episkopos.
Từ những bằng chứng trên, các nhà kinh thánh suy luận rằng, trong Tân Ước có nhiều danh từ khác nhau được dùng để chỉ vai trò lãnh đạo trong những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, tuy nhiên danh từ “Tông Đồ” và “Nhóm Mười Hai” là hai danh từ phổ biến và có ý nghiã quan trọng nhất. Ngoài Tin Mừng Gioan, cả ba thánh sử đều dùng 2 từ này.[4]
Thật ra, trong Tân Ước có nhiều danh từ nói lên vai trò lãnh đạo cộng đoàn như: thánh sử, thầy dạy, ngôn sứ và tôi tớ (hypèretès). Danh từ Mục Tử được dùng với ý là lãnh đạo mục vụ trong thư gởi Ephêsô, và “Thầy Giảng” (kèryx) cũng được dùng tương tự trong 1 và 2 Timôtê và Titô.
Qua nhiều danh từ dùng bởi nhiều tác giả hay cộng đoàn khác nhau, ta có thể kết luận rằng trong Tân Ước thời sơ khai, vai trò và chức năng giám mục và linh mục không rõ ràng với những phân biệt cụ thể như ta hiểu ngày nay. Những khác nhau về danh xưng trong nhiều cộng đoàn cũng nói lên quá trình tìm kiếm một danh xưng thích hợp và được chấp nhận bởi Giáo hội trong thời gian sơ khởi này.
Nói như thế chúng ta không từ chối lời dạy của Giáo hội trong Giáo lí Công Giáo là Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh, Truyền chức cho các Tông đồ/ Giám Mục, và các ngài tiếp tục truyền chức cho những người kế vị. Cái khác nhau là: một bên tìm hiểu về mặt lịch sử của chức Linh Mục, một bên nhắm đến thần học tính của chức Linh Mục.[5]
Dù thần học đi đối với lịch sử, vì lịch sử luôn là kết qủa của những tiến triển của thời gian và trong thời gian, nhưng thần học vượt thời gian, và được mặc khải trong thời gian, nhưng không nhất thiết phải luôn luôn là như vậy.
Chúa Giêsu Thượng Tế/ Linh Mục Thượng Phẩm
Giáo lí Công giáo dạy rằng chức Linh Mục của Chúa Kitô là điểm khởi đầu của những hiểu biết về chức năng Linh Mục. Về phương diện thần học, đây là điều không có gì tranh cải.
Nhưng về phương diện lịch sử, chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu Kitô không là một dấu hiệu tự nó đầy đủ để chứng minh những hiểu biết về chức năng Linh Mục ngày này. Nói cách khác, có nhiều diễn biến lịch sử về ý nghĩa chức năng Linh Mục được Giáo hội dạy mà ta không tìm thấy trong Kinh thánh hay trong vài thế kỉ đầu của Giáo hội.
Ví dụ, nhiều thần học gia Tin Lành lí luận rằng trong Kinh Thánh không nói đến chức Linh Mục như ta thấy ngày nay. Hay họ lí luận là Chúa Giêsu không thuộc dòng dõi Levi, và không là thầy Rabbi hay thành viên Pharisiêu, mà chỉ là một người dân bình thường trong xã hội Do thái, nên khi hiểu chức năng Linh Mục theo nghĩa bóng, họ cắt nghĩa rằng mọi người đều mang chức năng này, và không nhất thiết chỉ là những người được chọn để được tấn phong. Hơn nữa, hình thức tấn phong một linh mục (hay mục sư) chỉ là hình thức hành chính để quản trị hơn là về căn tính thần học của bản chất Linh Mục.[6]
Nhưng nhìn chung, những thần học gia Kitô giáo (Công giáo, Chính Thống giáo và Tin Lành…) đều có một cái nhìn khá giống nhau về chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu.
Trước hết về mặt lịch sử, Chúa Giêsu được gọi là Linh Mục chỉ tìm thấy trong thư gởi tín hữu Do thái. Trong thư, tác giả so sánh hình ảnh Chúa Giêsu là Thượng Tế với Thượng Tế Do thái vào nơi Cực Thánh trong đền thờ mỗi năm một lần để hiến tế máu chiên làm lễ đền tội cho mình và cho dân (Heb 9:6-7).
Tuy nhiên, (nhất là với những ai hiểu chức năng Linh Mục ngày nay), ta không thấy tác giả liên kết Chúa Giêsu Thượng tế/ Linh Mục với Thánh Lễ hay Bữa Ăn Cuối Cùng, cũng như không nhắc đến rằng những Kitô hữu khác cũng là những Tư Tế/ Linh Mục (tư tưởng được anh em Tin Lành khai thác nói đến tính Linh Mục cộng đồng trong mọi Kitô hữu đã chịu phép thanh tẩy).
Hơn nữa, trong câu “chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Heb 10:10; và 7:27), cụm từ “Chỉ Một Lần Là Đủ” cắt nghĩa được tại sao không có hình bóng những Linh Mục khác trong Tân Ước: vì họ chỉ muốn nói đến một Giêsu Linh Mục/ Thượng Tế mà thôi, và không còn ai khác.
Ta cũng nên biết là thư gởi tín hữu Do Thái có thể được viết sau khi Jerusalem bị tàn phá (năm 70 AD). Vì không còn đền thờ nên Thượng Tế không còn vào đền thờ để dâng lễ hằng năm nữa. Do đó, chức năng dâng của lễ trong đền thờ để này tạm thời ngưng hoạt động. Ý nghĩa “Chỉ Một Lần Là Đủ” được hiểu rõ hơn trong hoàn cảnh lịch sử này, nghĩa là, lúc này các Thượng Tế không còn dâng lễ trong đền thờ, nhưng Đức Giêsu Kitô Thượng Tế đã làm thay “chỉ một lần là đủ” cho nhân loại.
Thứ hai, tư tưởng thần học đàng sau cách hiểu chức năng Tư Tế/ Linh Mục trong thư gởi Do thái là điều quan trọng và căn bản. Các thần học gia Kitô giáo đề cao chức năng Linh Mục của Chúa Giêsu khi Ngài dâng lễ cầu nguyện và đền tội thay cho mọi người (Heb 10:12).
Theo quan niệm này (và là quan niệm mới, vì Tư Tế dâng của lễ chứ không dâng mình làm của lễ cho dân bao giờ) thì không đòi hỏi phải có những điều kiện như sinh ra trong dòng họ Levi, hay không cần dâng lễ vật ở nơi thánh thiêng như đền thờ, hay không theo một nghi thức nào. Đây là một bước ngoặt trong lối diễn giải sự liên kết chức năng Tư Tế/ Linh Mục của Cựu Ước với con người Đức Giêsu Kitô, và mở ra một chân trời mới cho cách hiểu về chức năng Tư Tế/ Linh Mục cho những người theo Ngài sau này. Nói cách khác, trong khi chức năng Tư Tế/ Linh Mục của Chúa Giêsu và các môn đệ là sự tiếp nối những gì được hứa và nói đến trong Cựu Ước, chức năng này không phải bị gò bó trong những luật lệ cũ giới hạn trong Do Thái giáo.
Thứ ba, nếu cách hiểu về chức năng Tư Tế/ Linh Mục trong thư gởi Do thái được xem là điểm khởi đầu về thần học Linh Mục, nghĩa là Chúa Giêsu Thượng Tế “vừa dâng lễ, vừa là của lễ”, thì rõ ràng thánh Phaolô đã có cùng một quan điểm thần học này cho dù Ngài không dùng danh từ này trong thư Ngài viết.[7]
Ngoài thánh Phaolô, trong Tân Ước nói chung, các thánh sử đều nhìn cuộc đời và cái chết Chúa Giêsu trên thánh giá như một hiến tế có tính cách tôn giáo (tư tưởng chết cho tội người khác, và chịu đau khổ vì người khác). Nhiều tác giả Tân Ước nói đến Chúa Giêsu là mục tử hay chủ chiên. Ví dụ, tác giả thư 1 Phêrô gọi Ngài là “Vị Mục Tử tối cao” (1 Pet 5:4), là Mục tử (1 Pet 2:25), là “Chiên vẹn tuyền, không tì ố” (1 Pet 1:19) dâng lên đền tội thế gian.
Những tư tưỏng này cùng được tìm thấy trong Tin Mừng Gioan nhiều lần khi Chúa Giêsu nói: ta là mục tử nhân lành, hi sinh mạng sống vì chiên (Jn 10:11-12), để gánh tội trần gian (Jn 1:29),
Thứ tư là trong khi thần học Tân Ước nhấn mạnh yếu tố chính của chức năng Tư Tế/ Linh Mục là cầu nguyện và dâng lễ vật, các thánh sử và các tác giả khác cũng không tách biệt mà còn gắn liền năng quyền Tư Tế với năng quyền Ngôn Sứ và Vương Đế như một phần bản năng của chức Linh Mục Chúa Giêsu.
Chẳng hạn thánh Gioan khi nói đến Thượng Tế là người dâng lễ đền tội cho dân, và là của lễ đền tội cho dân, thánh sử nói đến thịt và máu Con Người trở thành của ăn và của uống cho người khác (Jn 6:53-56). Thánh sử Gioan cũng nói đến vaì trò Ngôn Sứ như Thầy Dạy vì “chiên nghe và đi theo chủ” (Jn 10:27-28). Và tư tưởng vương quyền cũng được Gioan đề cao với cái chết của Chúa Giêsu khi bản án trên thánh giá có ghi: “vua dân Do thái” (Jn 19:19), và khi Chúa Giêsu nói với Philatô: “nước ta không thuộc về chốn này” (Jn 18:36).
Những tư tưởng này cũng được nhấn mạnh trong các thư của thánh Phaolô, trong thư 1 Phêrô, thư của Gioan và nhất là trong thư gởi Do Thái.
Trong thư gởi Do thái, chức năng Tư tế của Chúa Giêsu Kitô bao gồm vìệc Ngài được Chúa Cha chọn và tôn vinh (5:4-6), việc Ngài vâng phục (5:7-8), và chết để đem lại ơn cứu chuộc (9:15), và việc Ngài bầu cử cho chúng ta trên thiên đàng (7:25). Chức năng Ngôn Sứ của Chúa Giêsu Kitô được nói đến vì Ngài là con mà Thiên Chúa chọn để nói qua Ngài (1:1-2). Chức năng Vương Quyền được hiểu không chỉ thuộc dòng dõi Aaron hay Lêvi (để ứng nghiệm kinh thánh) nhưng là của dòng Menkisêdê, “vua của công chính” (7:2). Đồng thời Ngài cũng là vị Mục Tử cao cả đổ máu ra để thiết lập giao ước vĩnh cửu cho chiên Ngài (13:20).
Tóm lại, theo thư gởi Do thái và tư tưởng thần học của những tác giả Tân Ước, vai trò Linh Mục của Chúa Giêsu được hiểu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vì tội làm con người xa Thiên Chúa, và con người không tự mình có khả năng làm hoà với Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã là Đấng mở đầu bằng việc cho Con Chúa xuống thế: “Thiên Chúa trong Đức Kitô, hoà hợp thế gian với Ngài” (2 Cor 5:19). Và vì sứ mạng của Ngài là chữa lành căn tính băng hoại của chúng ta qua việc mặc lấy chính nó, Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác yếu hèn, chịu đói khát, cực khổ, cám dỗ, hành hạ (Mt 8:17; Is 53:4), để không có gì mà Ngài không biết (Heb 4:15).
Danh Từ Linh Mục/ Tư Tế Được Hiểu Trong Tân Ước
Đa số những nhà Kinh Thánh ngày nay cho rằng trong Tân Ước, danh từ Tư Tế/ Linh Mục (hiereus) được dùng với 3 cách hiểu khác nhau.
Trước hết, đây là một từ chuyên môn dùng cho Tư Tế Do thái, và được nói đến vài lần trong Tân Ước.[8]
Thứ hai, chỉ trong thư gởi tín hữu Do Thái gọi Chúa Giêsu là Tư Tế (hiereus) với một vài điểm đáng chú ý. Một là Chúa Giêsu “trở nên” Linh Mục khi ngài vào nơi Cực Thánh, tức trong thư gởi Do Thái nói đến “sau khi sống lại từ cõi chết” và đến ngồi bên phải Chúa Cha. Theo cách hiểu này, Chúa Giêsu là Linh Mục trên trời chứ không là Linh Mục khi còn dưới thế. Hai là Chúa Giêsu “trở nên” Linh Mục chứ không “sinh ra là” Linh Mục như trong dòng dõi Lêvi, mà Ngài theo dòng Menkisêđê. Như thế Chúa Giêsu thay thế chỗ cho Tư Tế Do Thái dâng lễ trong đền thờ, và những ai theo Ngài cũng không cần Tư Tế nữa, vì chính Ngài ngự bên Chúa Cha để cầu nguyện cho họ luôn. Ba là tính duy nhất của Chúa Giêsu Linh Mục. Nghĩa là, chỉ có Chúa Giêsu là Linh Mục duy nhất trung gian giữa Thiên Chúa và con người (Heb 7:26; 9:28; 10;10).
Thứ ba, có 3 lần danh từ Tư Tế/ Linh Mục (hiereus) được áp dụng cho những ai theo Chúa Giêsu. Trong 1 Peter 2:5 mời gọi mọi người “trở nên tư tế thánh thiện”. Trong 1 Peter 2:9 nhắc nhở: “anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa…” Trong sách Khải Huyền nói: “Ngài cũng làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ sẽ làm chủ mặt đất này” (5:10)
Chính 3 đoạn văn trên áp dụng Tư Tế/ Linh Mục cho mọi người đã đem lại nhiều tranh cải giữa các nhà thần học.
Martin Luther và John Calvin (cha đẻ của các giáo phái Cải Cách Tin Lành) cho là mọi người đều là Tư Tế/ Linh Mục, và không có sự chọn lựa hay phân biệt. Công đồng Trentô (1545-1563) của Giáo hội Công Giáo phủ quyết lời dạy này, và cho là chức này chỉ dành riêng cho một số được chọn lựa mà thôi, nghĩa là, chỉ những ai chịu chức mới thật sự được hiểu đúng nghĩa Tư Tế/ Linh Mục.[9]
Tại Sao Ta Không Tìm Thấy Từ “Linh Mục” Trong Tân Ước Và Trong Những Cộng Đoàn Tiên Khởi
Đọc Kinh thánh và lịch sử Giáo Hội, ta không thấy từ “Linh Mục” được dùng để chỉ những nhà lãnh đạo trong Giáo Hội. Câu hỏi là tại sao?
Dù không có giải thích nào tự xưng là có thể cắt nghĩa đầy đủ về lí do sự vắng bóng của danh từ Tư Tế/ Linh Mục được dùng trong Tân Ước và trong thời kì đầu Giáo hội, nhiều nhà Kinh Thánh cũng cố gắng chú thích tư tưởng này dựa theo những dữ kiện chứa đựng trong Tân Ước, với những phương pháp phê bình luận thiết thực để làm sáng tỏ vấn đề.
Cách giải thích được nhiều người chấp nhận là trong thời kì đầu, hình ảnh con người và chức năng Tư Tế của Do Thái giáo lúc đó có nhiều hoen ố nên không được nhiều người kính nể. Chẳng hạn như Tư Tế bấy giờ thi hành quyền lực hơn là phục vụ, hay Tư Tế không chuyên tâm vào việc thờ phượng.
Với tư tưởng này, vì các Kitô hữu tiên khởi không chấp nhận vai trò Tư Tế trong Do Thái giáo nên họ cũng không muốn những nhà lãnh đạo của họ phản ánh hình ảnh tiêu cực đó. Kết qủa là họ không muốn gọi người lãnh đạo cộng đoàn mình bằng danh từ Tư Tế/ Linh Mục.
Và đây là có thể là lí do đưa đến việc các sách trong Tân Ước không dùng từ này để chỉ những người lãnh đạo cộng đoàn.
Đến cuối thế kỉ thứ hai, danh từ Tư Tế/ Linh Mục bắt đầu được phục hồi để chỉ những người lãnh đạo cộng đoàn. Đây là một thay đối quan trọng trong những phát triển của phẩm trật Giáo hội.[10]
Kết Luận:
Khi nói về vai trò lãnh đạo trong Giáo hội sơ khởi, dù ta không tìm ra danh từ “Tư Tế” hay “Linh Mục” trong Tân Ước để chỉ các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tông đồ hay các Kitô hữu, nhưng tư tưởng thần học căn bản được nói đến trong Tân Ước, rằng Chúa Giêsu Kitô là (1) Tư Tế/ Linh Mục dâng của lễ đền tội; (2) là chính của lễ đền tội (hay của ăn nuôi sống người khác); (3) là trung gian giữa Thiên Chúa với con người; (4) là Đấng cầu bầu cho con người trên Thiên Đàng.
Chỉ trong và qua Đức Giêsu Kitô Linh Mục, căn tính và chức năng Linh Mục mới thật sự được hiểu và có ý nghĩa.


[1] Nên nhớ là từ presbyteros (Hilạp) dịch ra Latin là presbyter (và sang tiếng Anh “priest”, tiếng Pháp “prêtre”, tiếng Đức “priester”. Trong khi đó, từ nguyên gốc chuyên môn hiereus của Hilạp được dịch qua Latin sacerdos có mang tính hiến tế. Từ Presbyteros không có nghĩa hiến tế cho bằng nói đến những người lãnh đạo cộng đoàn (mà trong Tân Ước ngày nay dịch là Kỳ Mục – từ dịch tương đương nghĩa củaepiskopos).
[2] Thật ra trong Mt, Mk, Lk có dùng từ presbyteros, nhưng họ hoàn toàn không dùng để chỉ lãnh đạo cộng doàn Kitô hữu, hay nói đến CGS, mà nói đến Tu Tế Do thái mà thôi. Riêng với Phaolo, kể các tác giả thư Colôsê và Ephêsô mà ngày nay ta tin là viết thay cho Phaolô, cũng không dùng.
[3] Trong Công Vụ Tông Đồ, Luca có nói đến từ episkopos, nhưng dung từ presbyteros thường xuyên hơn.
[4] Đây là hai danh từ nói đến vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn. Với vai trò nhân chứng hay là những người theo Đức Giêsu Kitô, từ “Môn Đệ” được thánh Gioan dùng với một ý nghĩa đặc biệt. Và thánh Phaolô cũng dung nhiều từ khác nhau để mô tả vai trò lãnh đạo: ngôn sứ, thấy dạy, phó tế, tôi tớ, cha, giám thị (proistamenos) và phụng vụ (leitourgos). Đặc biệt là sau khi Chúa Giêsu Sống Lại, Nhóm Mười Hai đóng một vai trò rất quan trọng, nhưng họ dần dần rút lui, và sau chương 12 cúa Công Vụ Tông Đồ, họ biến mất và nhường chỗ cho Paul và những tông đồ khác.
[5] Nhiều nhà Kinh thánh Tin Lành lên tiếng rằng trong Tân Ước, ta không đọc thấy chỗ nào nói đến Nhóm Mười Hai được gọi là giám mục hay linh mục, hay chi tiết hơn là không có việc họ được phong chức làm giám mục hay linh mục. Họ cũng lí luận rằng nếu ta tìm thấy có những liên quan đến chức năng này là vì ta đọc Tân Ước với cái nhìn ngược lại trong lịch sử. Nghĩa là, ta đọc Kinh thánh với phương thức eisegesis(đọc theo nội dung Tân Ước) chứ không exegesis (là chú thích nội dung, hay để cho bản văn nói chuyện với mình). Giáo hội Công giáo lien kết mật thiết Bữa Ăn Cuối Cùng và việc thiết lập chức vụ Linh mục.
[6] Chúng ta sẽ bàn về chức năng linh mục cộng đồng của mọi Kitô hữu và chức năng linh mục của những người được tuyển chọn để phục vụ công việc tông đồ của Giáo hội (tức các linh mục ngày nay) trong một bài khác.
[7] Tư tướng Chúa Giêsu Linh Mục được nhắc đến nhiều lần và nhiều cách trong các thư thánh Phaolô, khi Ngài nói đến sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu chuộc cho con người. Thánh Phaolô không ngừng nhắc nhở rằng sau khi sống lại, Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha vinh quang và đặt bên phải để Ngài thi hành chức năng Tư Tế/ Linh Mục là tiếp tục công việc tự hiến mình và chuyển cầu cho chúng ta (Rom 8:34). Thánh Phaolô cũng nói đến Chúa Giêsu “đã chịu đóng đinh vì mang thân phận yếu hèn, nhưng nay Người đang sống nhờ quyền năng của Thiên Chúa.” (2 Cor 13:4).
[8] Tiếng Do Thái gọi Tư Tế là kôhèn (và tiếng địa phương Chúa Giêsu nói Aramaic cũng dùng từ này). Trong thời kì Chúa Giêsu, văn chương Do thái (và rõ nhất là các sách Tân Ước) được viết bằng tiếng Hi lạp. Các tác giả Tân Ước dùng từ hiereus (Hi Lạp) để dịch chữ kôhèn.
[9] Chúng ta sẽ bàn đến lời dạy của công đồng Vatican II rằng “mọi thành viên chịu phép rửa đều có chức năng tư tế cộng đồng” (Lumen Gentium 10-13) trong một bài khác.
[10] Chúng ta có những tài liệu chính xác về sự tái phục hồi danh từ Tư Tế/ Linh Mục này qua 2 nguồn liệu ta có ngày này. Tài liệu thứ nhất là những bài viết được gọi là “Những Giáo Huấn các Tông Đồ – Didascalia Apostolorum”, được viết khoảng đầu thế kỉ thứ 3 nhằm giáo dục các tín hữu ở phía Bắc Syria. Bảng nguyên gốc (Hilạp) đã mất mát nhiều, nhưng bản dịch của tài liêu này ra tiếng Syriac vẫn còn gần như nguyên vẹn. Thứ hai là những bài viết của Origen nói đến Tư Tế trong Cựu Ước là báo trước cho Tân Ước, và Aaron là hình ảnh báo trước Chúa Giêsu Thượng Tế/ Linh Mục.

Lm Nguyễn Khắc Hy

Tìm hiểu chữ “Cần” trong địa danh Cần Đước (Cao Tự Thanh)

Tìm hiểu chữ “Cần” trong địa danh Cần Đước


1. Tìm hiểu truyền thống của một địa phương, không thể không chú ý tới địa danh – tên gọi của địa phương ấy. Trong hầu hết các trường hợp, địa danh là một chứng cứ ngôn ngữ – lịch sử phản ánh nguồn gốc hoặc đặc điểm của địa phương về điều kiện tự nhiên hoặc sinh hoạt kinh tế, dân tộc hoặc tôn giáo, phong tục hoặc tâm lý cư dân… Đối với việc tìm hiểu Đất và Người Cần Đước, điều này lại càng có ý nghĩa vì “Cần Đước” hiện không chỉ là tên gọi của một khu vực địa lý thông thường, mà còn là tên gọi của một khu vực hành chính, có tính chất pháp quy.
2. Phải nói ngay rằng không thể tìm hiểu “Cần Đước” một cách biệt lập với hệ thống các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” như Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Lố, Cần Thơ… Sự ghi chép trong nhiều thư tịch, tài liệu cổ hiện có là bằng chứng về tính hệ thống của các địa danh này: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1774), Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820), Địa bộ triều Minh Mạng (1836), Đại Nam Nhất thống chí (khoảng 1865) hầu như đều dùng một chữ Hán thống nhất (thảo đầucân) để viết chữ “Cần” trong các địa danh nói trên. Nhiều bản Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc chữ Nôm sưu tầm được trước nay (có câu Đoái sông Cần Giuộc…) hay Lãnh binh Trương Định truyện chữ Hán của Nguyễn Thông (có câuBùi Quang Diệu bảo Cần Đức – Đước…) cũng viết chữ “Cần” như vậy. Rõ ràng hệ thống địa danh trên đã hình thành từ lâu đời, đồng thời sự lặp lại cùng một chữ “Cần” thống nhất trong nhiều địa danh như vậy còn cho phép nghĩ rằng các địa danh này được cấu tạo theo kiểu kết cấu chính phụ, trong đó “Cần” là yếu tố chính, có ý nghĩa từ vựng độc lập và mang chức năng chỉ định xác định. Những lời giải thích như “Cần Đước” là con cần đước (ba ba) (1) hay “Cần Giờ” là “cân giờ” (đo giờ, tính giờ) nói trại ra (2) … chỉ là kết quả của một sự suy diễn chủ quan, sai lầm vì không chú ý tới toàn bộ hệ thống chung cũng như tới chữ “Cần” trong một hằng số ý nghĩa từ vựng – chức năng.
3. Nhưng mặc dù nhìn chung được ghi lại trong thư tịch cổ Việt Nam một cách thống nhất, chữ “Cần” (rau cần) ở đây vẫn không có một ý nghĩa từ vựng rõ ràng, thậm chí khi đi với Giờ, Giuộc, Đước, Lố, Thơ… còn trở nên tối nghĩa trong tiếng Việt cũng như tiếng Việt Hán. Hiển nhiên đây là một chữ Nôm dùng ghi âm một tiếng có nguồn gốc ngoài tiếng Việt. Theo chiều hướng này và quan sát các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trên bản đồ hiện nay, có thể thấy ngay rằng tiếng mà người Việt nói và viết là “Cần” đây không thuộc ngôn ngữ Chăm vùng Nam Trung Bộ đồng thời cũng rất ít có khả năng thuộc các ngôn ngữ Mạ, S’tiêng hay Mnông vùng Đông Nam Bộ. Khả năng duy nhất hợp lý chỉ có thể là nó thuộc ngôn ngữ Khmer vùng Trung và Tây Nam Bộ đồng bằng sông Cửu Long (3).
4. Tuy nhiên, trên một phương hướng hợp lý như vậy, nhiều lời giải thích cụ thể về các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trên cơ sở tiếng Khmer được đưa ra trước nay vẫn chưa có giá trị thuyết phục – ý nghĩa khẳng định. Trương Vĩnh Ký chẳng hạn, trong Petit cours de Géographie de la Basse Cochinchine (Tiểu giáo trình Địa lý Nam Kỳ) xuất bản ở Sài Gòn năm 1875, không rõ căn cứ vào đâu, đã đưa ra một danh sách đối chiếu 187 địa danh Việt – Khmer, trong đó có một số mở đầu bằng chữ “Cần” như Cần Giờ là Srock Kanco, Cần Giuộc là Kantuoc, Cần Đước là Anơơk, Cần Lố là Srock Cahloh… Chưa nói tới lối đổi ngang địa danh một cách đơn giản như vậy dễ tạo ra những ngộ nhận lịch sử về hoạt động của người Việt ở Nam Bộ các thế kỷ trước, lời giải thích này cũng mang tính chất võ đoán, mơ hồ. Chẳng hạn, khó mà hiểu được tại sao Srock Kanco, Kantuoc và Anơơk đều có thể trở thành những địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” trong tiếng Việt như nhau; cũng như việc chuyển từ tiếng Khmer sang tiếng Việt như trên là tuân theo các quy luật ngữ âm hay phiên dịch – đổi ngang về ý nghĩa từ vựng… Về mặt phương pháp, lối tư duy ngôn ngữ ở đây cũng phạm sai lầm giống hệt như trong kiểu giải thích “Cần Đước” là con ba ba, “Cần Giờ” là cân giờ nói trại ra…, nghĩa là đều cố gắng quy mỗi địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” về một từ có trước và mang ý nghĩa cá biệt một cách tùy tiện, chỉ khác nhau ở chỗ một thì hướng về tìm từ ấy trong tiếng Việt, một thì hướng về tìm trong tiếng Khmer. Cho nên cần phải xác định cả phương hướng lẫn phương pháp ngay từ giả thuyết: nếu tìm nguồn gốc chữ “Cần” trong các địa danh nói trên nơi tiếng Khmer, thì phải tìm tới một từ Khmer duy nhất (tương ứng với việc chữ “Cần” được viết khá thống nhất trong thư tịch cổ Việt Nam), đảm bảo được việc chuyển thành chữ “Cần” trong tiếng Việt một cách nhất quán (có ý nghĩa từ vựng độc lập và chức năng xác định, không bị thay đổi trong mọi trường hợp – không có ngoại lệ) và hợp lý (về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ).
5. Trở lại với những ghi chép có liên quan trong thư tịch cổ Việt Nam, có thể tìm được cơ sở cho một giả thuyết về nguồn gốc của chữ “Cần” trong hệ thống địa danh nói trên. T
rong Gia Định thành thông chíSơn xuyên chí, phần Vĩnh Thanh trấn, Trịnh Hoài Đức có viết về sông Mạt Cần Dưng “hiệp lưu với sông Thoại Hà” và sông Thoại Hà “hiệp lưu với sông Cần Dưng”. Mạt Cần Dưng và Cần Dưng đây chỉ là hai tên gọi của cùng một con sông, con sông này trong Đại Nam Nhất thống chíTỉnh An Giang, mục Sơn xuyên chí được ghi bằng một cái tên “Cần Dưng” duy nhất, với chữ “Cần” viết là thảo đầu + cân. Điều đã xảy ra với địa danh Cần Dưng này rõ ràng là sự lặp lại điều đã xảy ra trước đó với các địa danh Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ…; tóm lại chữ “Cần” ở đây chính là “Mạt Cần” rụng “Mạt”. Và từ Khmer mà người Việt nói và viết là “Mạt Cần” rồi giản lược thành “Cần” ấy có thể là một từ được đọc là “Mák kék” theo giọng Pali hay “Môkô” theo giọng Khmer), dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “con đường” (4). Hệ thống các địa danh Cần Giờ, Cần Giuộc, Cần Đước, Cần Thơ… vì vậy rất có thể vốn là Mạt Cần Giờ – đường “Giờ”, Mạt Cần Giuộc – đường “Giuộc”, Mạt Cần Đước – đường “Đước”, Mạt Cần Thơ – đường “Thơ”…, những đường sông ở các thế kỷ trước vẫn là tuyến giao thông chủ yếu của cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và tất nhiên phải được ghi lại trước tiên bằng ngôn ngữ của người Khmer với tư cách là cư dân bản địa.
6. Việc xác nhận mức độ chính xác của giả thuyết này tất nhiên còn cần có thời gian cũng như sự nghiên cứu của các ngành khoa học có liên quan, song ít nhất cách hiểu “Cần” vốn là “Mạt Cần” tức “Mák kék” hay “Môkô” – đường (sông) như trên cũng đáp ứng được một số yêu cầu đặt ra đối với việc giải thích các địa danh mở đầu bằng chữ “Cần” hiện có. Trước hết, áp dụng vào tất cả các địa danh này, nó hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh (tiền đề) địa lý – tự nhiên, đồng thời cả ý nghĩa từ vựng lẫn chức năng chỉ định loại hình địa hình “đường (sông)” của chữ “Cần” tức “Mạt Cần” không hề thay đổi. Thứ nữa, từ “Môkô” trong tiếng Khmer hay “Mák kék” trong tiếng Pali chuyển thành “Mạt Cần” trong tiếng Việt chẳng có gì trái với các quy luật ngữ âm, mặt khác từ “Mạt Cần” tới chỗ chỉ còn “Cần” cũng hoàn toàn phù hợp với tập quán giản lược trong lời ăn tiếng nói của người Việt – cần lưu ý rằng “Mạt Cần” đối với họ không có một ý nghĩa từ vựng cụ thể xác định nào nên cũng chẳng có giá trị gì hơn là “Cần”, nhất là khi sau “Cần” còn có Giờ, Giuộc, Đước, Thơ… quá đủ cho số đông trong việc gọi tên một địa điểm hay khu vực. Bên cạnh đó, xét trong bối cảnh việc khai phá đồng bằng sông Cửu Long của người Việt các thế kỷ trước thì sự hiện diện song song của “Cần Giờ” và “Mạt Cần Dưng” trongGia Định thành thông chí năm 1820 cũng như sự chuyển biến từ “Mạt Cần Dưng” năm 1820 tới “Cần Dưng” trong Đại Nam Nhất thống chí năm 1865 là hoàn toàn hợp lý. Miền Trung Nam Bộ và các khu vực cửa biển, cửa sông… ở Nam Bộ được người Việt khai phá sớm, tỷ lệ và số lượng người Khmer trong cộng đồng cư dân ở những nơi này cũng thấp, địa danh tiếng Khmer bước hẳn vào tiếng Việt trước thì tất nhiên phải được Việt hóa nhanh hơn; còn miền Tây Nam Bộ ở những nơi sâu hơn trong đất liền được người Việt khai phá muộn, tỷ lệ và số lượng người Khmer trong cộng đồng cư dân lại cao, địa danh tiếng Khmer có điều kiện để được bảo lưu trong tiếng nói lâu hơn thì quá trình Việt hóa cũng kéo dài hơn ít nhất là trong thư tịch của người Việt.
7. Nhiều năm qua, các thế hệ người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long đã truyền lại cho nhau sử dụng, nhưng không truyền lại lời giải thích đầy đủ và chính xác về nguồn gốc và nhất là quá trình diễn tiến của hệ thống địa danh mở đầu bằng chữ “Cần”. Địa danh Cần Đước cũng nằm trong tình hình chung ấy. Cho nên, nếu trong tương lai ý nghĩa của chữ “Cần” được làm sáng tỏ, thì ý nghĩa của chữ “Đước” cũng như những “Giờ”, “Giuộc”, “Lố”, “Thơ”… vẫn còn phải được tiếp tục tìm hiểu dài lâu, mặc dù có thể đó chỉ còn là những vấn đề chi tiết. Nhưng nếu quả những người Việt trước kia theo cửa biển Soài Rạp vào đất này thác thổ khai cương đã nhận nơi người Khmer cái tên Mạt Cần Đước với nghĩa đen là đường sông Đước rồi lãng quên, thì đó chủ yếu là vì họ đã biến nó thành Cần Đước với nội dung khác hẳn ý nghĩa ban đầu trong quá trình khai phá dải đất hoang kề cận bờ đông sông Vàm Cỏ này thành ruộng đồng làng mạc. Trong ý nghĩa này, việc một tên sông Khmer trở thành một tên đất Việt Nam, và hơn thế nữa, tên gọi chính thức của một khu vực hành chính như Cần Đước hiện nay thật cũng mang giá trị như một biểu trưng độc đáo, một biểu trưng về công lao to lớn của nhiều thế hệ người Việt trong gần ba trăm năm nay đã đổ mồ hôi, xương máu để góp phần khai phá và giữ gìn vùng đất nước ở phương nam.
Tháng 11. 1987
(1) Về chữ viết, trên nguyên tắc chữ “Cần” trong từ “Cần Đước” (ba ba) phải được viết bằng một chữ Nôm có bộ trùng. Nhưng Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị, Sài Gòn, 1895 – 1896, Tome I, tr. 99 và J. F. M. Génibrel trongDictionnaire Annanite Francais, Sài Gòn, 1898 (deuxième édition), tr. 71 lại viết làcan (trúc đầu + can), nghĩa Việt và âm Nôm là “cần” (cần câu), không chính xác lắm nhưng đều không phải là thảo đầu + cân(2) Ban Tuyên giáo huyện Duyên Hải, Truyền thống cách mạng của nhân dân huyện Duyên Hải, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1986, tr. 8 (3) Theo Annuaire génerale de l’Indochine 1907 thì Cần Đước là tên gọi Khmer của xã Tân Ân (nay thuộc huyện Cần Đước “Tân Ân ou Cần Đước: nom cambodgien”). (4) Theo Hoàng Học, Từ điển Khơme – Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tập II, tr. 1165 thì từ này còn có một nghĩa nữa là “mặt trận” như “mặt trận dân tộc giải phóng”, “mặt trận đoàn kết” nhưng nghĩa này có vẻ hiện đại nên không đề cập tới ở đây.