Tuesday, 8 January 2013

BÀN VỀ CHỮ “CHÚNG”, CHỮ “GIỐNG” VÀ CÁC CHỮ CÓ LIÊN QUAN TRONG TRUYỆN KIỀU - Lê Thành Lân

40. Bàn về chữ “chúng” chữ “giống” và các chữ có liên quan trong Truyện Kiều (TBHNH 2005)
Cập nhật lúc 08h18, ngày 18/08/2007
Viện Công nghệ thông tin
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Vấn đề chữ nghĩa Truyện Kiều là câu chuyện muôn thủa, đã có nhiều người bàn và còn nhiều người tham gia. Hôm nay, chúng tôi chỉ bàn thêm đôi chút và đặt ra một câu hỏi mới đồng thời cũng thử tìm lời giải đáp cho nó. Có thể cách lý giải của chúng tôi chưa hoàn toàn thỏa đáng, nhưng dù sao cũng là một câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi mình đặt ra.
Bản Nôm Đoạn trường tân thanh của Kiều Oánh Mậu (bản KOM) được khắc in năm 1902 đã ngự trị văn đàn Truyện Kiều cả thế kỷ 20. Vào năm 1925, bản Quốc ngữ Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (bản KK) đã dựa chủ yếu vào bản KOM như nhiều nhà nghiên cứu đã viết cũng chỉ làm cho việc truyền bá nội dung cơ bản của bản KOM sâu rộng hơn nữa. Bởi thế việc khảo cứu chữ nghĩa thường phải viện dẫn tới bản KOM và chừng mực nào đó đề cập đến bản KK.
Chúng tôi thấy, trong bản KOM có 7 câu dùng chữ Hán “chủng” để ghi chữ Nôm “giống”; ở các câu 1728, 2066, 2097 viết nguyên dạng, không kị húy; ở các câu 857, 243, 258, 1194 viết đảo vế phải trái để kị húy. Với tỷ lệ như vậy, có thể thấy ngay rằng, Kiều Oánh Mậu không cố ý kị húy.
Khi khảo cứu về chữ húy ở bản Duy Minh Thị 1872 (bản DMT), và chừng mực nào ở bản Liễu Văn đường 1871 (L 71), Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đặc biệt chú ý đến chữ “giống” và chữ “lan”. Về chữ "giống", Giáo sư đã lập ra bảng 2 ở trang 57 cuốn Tư liệu Truyện Kiều - Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Để phục vụ cho lập luận của mình, chúng tôi dựa vào bảng 2 đó và lập thành 2 bảng: bảng 1 cho các văn bản Nôm có niên đại sớm, bảng 2 cho một vài văn bản Quốc ngữ mà chúng tôi quan tâm hơn cả.
Chúng tôi phân biệt bảy câu cần khảo cứu thành 3 nhóm như sau: nhóm 1 gồm ba câu: 853, 1728, 2066; nhóm 2 gồm ba câu: 243, 258, 2097; nhóm 3 có một câu 1194. Cụ thể các câu này là:
Nhóm 1:

853
Tuồng chi là /giống-chốn/ hôi tanh
1728
Diếc rằng những /giống/ bơ thờ quen thân
2066
Khen rằng khéo /giống-hệt-tạc/ của nhà Hoạn nương
Nhóm 2:

243
Cho hay là /thói-giống/ hữu tình
258
Làm chi đem /thói-giống/ khuynh thành trêu ngươi
2097
/Khéo-hại-giống/ oan gia, của phá gia
Nhóm 3:

1194
Hồng nhan phải /chúng-giống/ ở đời mãi ru?
II. NHẬN XÉT VỀ CÁC BẢN NÔM
Chúng tôi chọn 9 bản Nôm có niên đại sớm để khảo cứu:
1. Năm bản có nguồn gốc Hà Nội:
Một là bản Liễu Văn đường 1866 (bản L 66). Bản này bị mất 864 câu, phần còn lại khá giống bản hai.
Hai là bản Liễu Văn đường 1871 (bản L 71).
Ba là bản Thịnh Mỹ đường 1879 (bản TMĐ).
Bốn là bản Quán Văn đường 1879 (bản QVĐ).
Năm là bản VNB-60 (bản VNB). Bản này mất bìa, song, nhiều nhà nghiên cứu đoán định rằng nó rất gần với 4 bản trên, tức là thuộc cùng dòng văn bản được khắc in tại phường Hàng Gai, Hà Nội và rất có thể có niên đại vào cuối thế kỷ XIX.
Theo chúng tôi các bản này khá thống nhất với nhau, không có người biên tập, chắc rằng không bị các vị có học chủ quan nhuận sắc. Chúng tôi có cảm nhận rằng có thể chúng vẫn giữ được nhiều câu chữ của Nguyễn Du.
2. Hai bản có nguồn gốc Nam Kỳ:
Sáu là bản Duy Minh Thị 1872 (bản DMT), bản này đã được Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn khảo cứu rất kỹ trong cuốn Tư liệu Truyện Kiều - Bản Duy Minh Thị 1872. Theo khảo cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, con đường truyền bản của bản gốc bản này đã từng qua Kinh đô Huế, vào Nam Kỳ và được khắc in ở Phật Sơn, Trung Quốc. Duy Minh Thị có thể không sửa, nhưng theo chúng tôi trên đường truyền bản nó có bị sửa. Theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, ít nhất nó đã từng bị sửa đi để kị húy và sau đó lại sửa lại theo những những định lệ giảm nhẹ mức kị húy. Nhược điểm là khắc sai nhiều bởi thợ khắc Trung Quốc không biết chữ Nôm.
Bảy là bản Abel des Michels (bản AM) in năm 1884, phần chữ Nôm do Trần Ngươn Hanh chép tay, chủ yếu tham khảo bản DMT và chừng mực nào đó là bản LVĐ và có thể cả bản Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét.
Nói chung, đã có người biên tập là có sự nhuận sắc, sửa chữa một cách chủ quan. Theo cách nghĩ của chúng tôi, bản bảy không phải là bản Kinh, cũng không phải là bản Phường mà là bản lai (hybrid) ít nhất từ 3 văn bản: DMT, LVĐ và Trương Vĩnh Ký (có thể thấy điều này qua chữ “chủng-giống” ở câu 1194) và chính ông cũng có thể sửa chữa, nhuận sắc. Do được Trần Ngươn Hanh chép tay, biên tập ở trong Nam Kỳ để in tại Paris nên không cần kỵ húy, ta thấy rõ qua các câu 853, 1728, 1194.
3. Hai bản có nguồn gốc Huế:
Tám là bản Kiều Oánh Mậu (bản KOM), khắc in năm 1902. Theo phân tích của chúng tôi, bản này giống bản bảy ở chỗ nó không phải là bản Kinh, cũng không phải bản Phường như một số nhà nghiên cứu lớp trước đã phân loại, mà là một bản lai (hybrid) điển hình nhất, vì đã được tham khảo từ nhiều loại văn bản, ngoài ra còn bị Kiều Oánh Mậu sửa nhiều, tức là nhuận sắc một cách chủ quan. Ngoài ra bản này còn chịu ảnh hưởng nhiều của việc nhuận sắc của các vị quan trong triều đình Huế qua bản Kinh mà Đào Nguyên Phổ mang ra Hà Nội tặng cho Kiều Oánh Mậu, trong đó có cả việc sửa chữa do kị húy. Ông thấy rõ cái tai hại của việc kị húy này: “duy chỗ nào gặp chữ tên húy nhà vua thời lại thay đi, làm sai lạc cả chân diện của bản gốc”; nên có tái lập nguyên chữ, nhưng không triệt để. Việc “đính ngoa” này không khỏi có phần chủ quan và chúng thường khó tách bạch khỏi sự “nhuận sắc” khác nên cũng là nguyên nhân làm văn bản xa rời nguyên tác của Nguyễn Du và gây nên những “lỡ đỡ” trong việc khảo cứu của chúng ta ngày nay. Bởi thế 7 chữ “giống” ở bản của ông không thể hoàn toàn tin cậy được và cũng khó bàn cho được rốt ráo. Kiều Oánh Mậu thật sự không có ý định kị húy, vì ông ở Bắc Kỳ, xa triều đình và đã đến lúc thấy rõ nhà Nguyễn chỉ làm vì. Trong 7 chữ “chủng” có đến 3 chữ được viết nguyên dạng, 4 chữ còn lại đảo vế, có thể do quá quen với chữ viết húy, nay thuận tay chép theo, hoặc nó nằm sẵn trong bản Kinh mà ông không để ý phục nguyên cho hết.
Chín là bản Nguyễn Hữu Lập (bản NHL), một bản chép tay năm 1870 tại Huế, đã được Nguyễn Hữu Lập “san cải”; mới được công bố mấy năm nay, trước khi in chụp đã bị sửa chữa, tuy vậy cũng cần và có thể đem ra đối chiếu (tất nhiên cần xem đồng thời cả 2 bản đã công bố).
Nguyễn Hữu Lập chép Truyện Kiều ngay ở kinh đô Huế vào năm 1870, nên ông kị húy rất nghiêm ngặt, tất cả các chữ “chủng" đều nhất loạt thêm một bộ chữ lạ (một dạng của chữ “khí”). Song, cũng như bản KOM, bản NHL chịu ảnh hưởng của sự nhuận sắc của các vị quan trong triều và tất nhiên cả của bản thân người chép nên dễ bị xa rời nguyên bản.
Tóm lại: theo chúng tôi, đặc điểm nổi bật nhất của các bản gốc Hàng Gai là không có người biên tập, của các bản Nam Kỳ là không kỵ húy, của các bản gốc Huế là có sự nhuận sắc của các vị quan trong triều đình Huế.
III. VỀ VẤN ĐỀ CHỮ HÚY
Bàn đến chữ “giống” không thể không bàn về vấn đề kị húy, bởi chuẩn mực nhất là lấy chữ Hán “chủng” để ghi chữ Nôm “giống”. Song, chữ “chủng”? là một trong 3 tên của vua Gia Long, thuộc loại trọng húy, việc kiêng kị rất nghiêm ngặt và về nguyên tắc là được kéo dài cho đến hết thời Nguyễn. Theo cuốn Chữ húy Việt Nam qua các triều đại của Phó giáo sư Ngô Đức Thọ: Năm 1803 có định lệ cấm dùng, đổi thành chữ “thực” ? . Năm 1834 quy định tùy theo nghĩa có thể đổi thành chữ “thực” hoặc chữ “loại” ?. Việc đổi dùng hai chữ trên là quy định cho chữ Hán, ở đó về nghĩa của các chữ “thực” và “loại” gần đủ để thay thế cho chữ “chủng”. Đối với chữ Nôm, một thứ chữ ghi âm, tình hình có khác, ở đây các chữ "thực" và "loại" đã được dùng để ghi âm khác rồi: chữ Hán “loại” ghi âm “loại” và “loài”; chữ Hán “thực” chỉ ghi âm “thực”; cả hai đều không thể đọc thành âm “giống” được.
1. Tất nhiên, nếu có ý định kị húy thì người ta không thể dùng 2 chữ trên theo định lệ mà phải dùng các cách khác.
1.1. Cách thứ nhất là: thay đổi câu văn, theo từng trường hợp cụ thể, người ta thay hẳn một chữ Nôm khác cho chữ “giống” sao cho không làm phương hại nhiều đến nghĩa của cả câu văn mà vẫn đúng niêm luật; chẳng hạn có thể dùng các chữ “chốn”, “hệt”, “tạc”, “thói”, “hại”, “khéo”... Khi đó việc ghi chữ Nôm chẳng còn lo kị húy.
Ngày nay ta đọc, gặp các chữ trên, có 2 khả năng xẩy ra: a) Rất có thể Nguyễn Du đã dùng chính một trong các chữ Nôm đó, không liên quan gì đến chữ “chủng” và vì vậy, chúng không liên quan gì đến việc kị húy, khiến người đời sau phải sửa chữa. Nếu giờ đây chúng ta đoán sai rằng nguyên Nguyễn Du đã viết chữ “chủng” để ghi âm chữ “giống”; rồi do kị húy, người sau đem đổi dùng chữ khác; ta chủ quan “đính ngoa”, sửa thành chữ “chủng” để ghi âm “giống” thì chính là “lợn lành chữa lợn què”. b) Nếu quả thật trong nguyên tác của Nguyễn Du là chữ “chủng” để ghi âm “giống”; rồi do kị húy người đời sau sửa đổi, chép thành chữ khác thì việc “phục nguyên” lại thành chữ “chủng” để ghi chữ “giống” là đúng. Phân biệt cho được hai trường hợp này là rất khó.
1.2. Cách thứ hai là không thay đổi câu văn, vẫn dùng chữ “chủng” để ghi âm “giống”, nhưng các chữ “chủng” này viết theo kiểu kị húy, nghĩa là viết sao cho người đọc vẫn có thể đoán được đó là chữ “chủng” để đọc Nôm thành âm “giống”.
Khi “tầm nguyên”, gặp trường hợp này, thì đơn giản, ta dễ dàng khôi phục lại nguyên dạng chữ "chủng".
(Song, để khẳng định có kị húy hay không nhằm xác định niên đại của văn bản thì lại khó. Vì chữ Nôm chưa được điển chế: một chữ có thể đọc thành nhiều âm; một âm có thể viết bằng nhiều chữ; lại còn hiện tượng viết giản. Gặp những chữ mà ta có thể đọc được thành chữ “chủng” có trường hợp có 2 cách hiểu: a) Có người cho rằng: người xưa viết khác đi để kị húy. b) Có người cho rằng: người xưa không có ý kiêng kị gì cả, chỉ là viết giản thể cho gọn, và cũng có khi viết nhầm hay khắc nhầm).
2. Lại có trường hợp vôn dĩ Nguyễn Du không viết chữ có liên quan gì đến chuyện kị húy, chẳng hạn không viết chữ “chủng”, giống như trong trường hợp 1.1.a; nhưng người đời sau, chẳng hạn các vị quan trong triều đình Huế, đã nhuận sắc theo ý riêng chủ quan của mình sao cho “hay hơn”, viết thành một chữ thuộc diện phải kị húy, chẳng hạn chữ “chủng”, đến khi chép thì căn cứ theo định lệ kị húy mà thêm vào một bộ chữ lạ như ở Nguyễn Hứu Lập; hoặc không chủ ý kị húy như ở Kiều Oánh Mậu; nhưng khi in, lúc thì để nguyên dạng lúc thì đảo bộ đối với chữ “chủng”, như các chữ “chủng” khác ở nguyên tác. Trường hợp này rất dễ lẫn với trường hợp 1.1.b.
Tóm lại: có ba trường hợp cần biện luận cho rõ:
+ 1.1. a: Nguyên tác không phải "chủng-giống, người sau chẳng thay đổi gì cả. Nay ta phải giữ nguyên.
+ 1.1. b: Nguyên tác là chủng-giống”, người sau kị húy nên đổi thành chữ khác. Nay ta cần đính ngoa, phục nguyên chữ chủng-giống.
+ 2. Nguyên tác không phải chủng-giống, người sau nhuận sắc cho hay hơn mà đổi thành giống viết chủng hoặc dưới dạng kị húy hoặc không. Nay ta phải đính ngoa, sửa bỏ chữ chủng-giống”.
Phân biệt đúng thì phục nguyên được chính xác.
Cái khó chính là ở chỗ: ta không biết đây là trường hợp nào trong 3 trường hợp trên. Đây chính là điểm dễ nảy sinh những nhận định khác nhau. Chúng ta phải biện biệt một cách hệ thống: Một là, xem tất cả các bản cổ viết như thế nào. Hai là, xem xét các bản cùng loại (cùng một xuất xứ) rồi căn cứ vào đặc điểm nổi bật của loại đó mà biện luận.
Chúng tôi ngợ rằng có thể các vị quan trong triều đình Huế đã sửa lại các câu 243, 258, 2097 cho hay hơn theo ý riêng của mình, thể hiện ở các bản KOM và NHL, tức là rơi vào trường hợp 2.
IV. THỬ PHỤC NGUYÊN MỘT VÀI CHỮ
Chủ yếu chúng tôi căn cứ vào các bản Nôm nêu trên, xin xem bảng 1.
1. Các câu dễ được mọi người nhất trí
Qua bảng 1 ta có thể tin rằng Nguyễn Du đã viết chữ "giống" ở 3 câu 853, 1728, 2066. Tại đây, ta thấy ngay các biến thể khác nhau của chữ "chủng" mà chúng tôi đã phiên là "giống", chưa cần bàn đến việc có kị húy hay không.
Đối với câu 853, trong 9 bản Nôm, chỉ có 1 bản DMT dùng chữ "chuẩn" để ghi âm "chốn", các bản còn lại đều dùng chữ "chủng" hoặc nguyên dạng (bản L 71 và AM) hoặc thay bộ "hòa" bằng bộ "tài gảy", hoặc đảo vế, hoặc thêm một bộ lạ như chữ “khí” (bản NHL). Các bản Quốc ngữ đều nhất trí là chữ “giống”.
Câu 1728 các bản Nôm dù có dùng cách viết nào cũng vẫn đủ để ta biết nó là chữ "chủng" mà đọc thành "giống". Các bản Quốc ngữ đều nhất trí là chữ “giống”. Khỏi phải bàn.
Các chữ ở câu 2006 khá phân tán: trong số 5 bản Nôm Hàng Gai, có 3 bản ghi âm "giống", 2 bản ghi âm "tạc"; 2 bản Nam Kỳ đều ghi âm "hệt". Hai bản gốc Huế ghi “giống”. Theo "đa số" và cũng theo nhịp điệu và ý nghĩa của cả câu ta có thể tin rằng Nguyễn Du đã viết chữ "giống". Trừ bản Trương Vĩnh Ký, các bản Quốc ngữ đều cho là “giống”. Chúng tôi cũng đồng ý như vậy.
2. Các câu có nhiều ý kiến khác nhau
Gần đây nhất là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn thiên về cho rằng các chữ này đều vốn là chữ "giống", nguyên tác Nguyễn Du dùng chữ "chủng"; do kị húy tên của vua Gia Long mà trước đây đổi dùng chữ khác, nay cần "phục nguyên". Chữ "chủng" này kị húy rất nghiêm ngặt và về nguyên tắc là trong suốt thời nhà Nguyễn. Giáo sư còn khảo cứu cả chữ "lan" là tên của mẹ già của vua Gia Long. Theo Phó giáo sư Ngô Đức Thọ chữ "lan" này bị cấm dùng vào năm 1803, phải đổi thành chữ "hương"; năm 1825 được viết nhưng phải thêm 3 nét gãy ở trên, năm 1833 làm văn cho phép dùng, cấm đặt tên người, tên đất. Theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, lúc đầu, tất cả các chữ "lan" đã được đổi "hương". Về sau do việc giảm nhẹ mức kiêng kị mà các chữ này có thể và đã một phần được đổi trở lại thành "lan". Trên cơ sở khảo cứu cả 2 chữ "chủng" và "lan" Giáo sư nhận định: “Có điều, trong xu hướng chung đó, ý nghĩa 2 bên có chỗ khác nhau: ở địa hạt kị húy, càng bỏ được những dấu vết tích cổ bao nhiêu là càng tốt bấy nhiêu, bởi vì làm những sự cách tân như bỏ HƯƠNG phục hồi lại LAN hoặc bỏ THÓI, CHỐN, HỆT, KHÉO phục hồi lại GIỐNG ... đó chính là gạt bỏ được những cái tai hại của các lệnh xưa để trở về với nguyên tác của Nguyễn Du” (trang 58 cuốn Tư liệu Truyện Kiều - từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu).
Theo chúng tôi, ở các câu 243, 258, 2097 có phần chắc là Nguyễn Du đã không viết chữ "giống". Bảy bản Nôm đầu (5 bản Hàng Gai, 2 bản Nam Kỳ) không bản nào lưu lại dấu tích của chữ "giống" cả. Có lẽ các vị quan trong triều đình Huế đã nhuận sắc thành chữ "giống", mà vết tích lưu lại ở bản NHL có cả sự kị húy, còn lưu ở bản KOM về cơ bản không có ý định kị húy, nhưng có lúc vô tình đã kị húy. Chúng tôi cho rằng, đối với các bản Hàng Gai và Nam Kỳ, nếu chỉ vì kỵ húy thì đối với các câu ở nhóm 2 này người xưa có thể cũng chỉ cần xử lý như ở nhóm 1, tức là thay bằng các mã chữ khác với chữ “chủng”.
Hai câu đầu, cả bảy bản chỉ có một trường hợp viết không thật chính xác còn đều nhất loạt ghi âm "thói". Sự giống nhau hoàn toàn này khiến cho chúng tôi tin rằng quả thật Nguyễn Du đã viết chữ "thói". Tại câu 243 trong 5 bản Quốc ngữ trước, có 3 bản coi là “thói”, 2 bản coi là “giống”. Tại câu 258 cả 5 bản Quốc ngữ đều coi là “thói”.
Câu 2097 hơi phân tán, có 2 chữ "hại", 5 chữ "khéo". (Tại bản QVĐ thiếu 2 nét của bộ “bát”, ở giữa lại thừa một nét thành chữ “sinh”. Tại bản AM thiếu 2 nét của bộ “bát”. Sự thiếu này có thể xem là cách viết giản). Trong Tự điển Truyện Kiều Giáo sư Đào Duy Anh luận về câu 88: “/Khéo-hại/ thay thác xuống làm ma không chồng” đã cho rằng vốn gốc đây là chữ "khéo", do viết hoặc khắc nhầm, thiếu nét mà ở một số bản thành ra chữ "hại". Chịu ảnh hưởng của Giáo sư mà theo thuyết này khi bàn về câu 2097, chúng tôi cho rằng đó là chữ “khéo”. Các bản Quốc ngữ đều cho là “khéo”.
Như vậy là, chúng tôi nghiêng về việc cho rằng: với 3 câu này, các bản Hàng Gai và Nam Kỳ về cơ bản rơi vào trường hợp 1.1.a, còn các bản gốc Huế thuộc trường hợp 2. Tức là: nguyên tác là chữ “thói”, chữ “khéo”, chứ không phải chữ “chủng -giống”; về cơ bản các bản Hàng Gai và Nam Kỳ đã bảo lưu được nguyên chữ, còn các bản gốc Huế bị “nhuận sắc” một cách chủ quan thành “chủng-giống”. Tất nhiên chúng tôi không phải là người đầu tiên nêu ra ý kiến này và cũng không dám coi đây là tiếng nói cuối cùng.
3. Một đề xuất mới
Câu 1194 khá đặc biệt, năm bản Hàng Gai không có người biên tập để in và cả bản DMT là bản theo Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn là có thể Duy Minh Thị không sửa chữa khi đem in đều ghi chữ "chúng". Bản AM chép là “giống” có thể là do Aben des Michels và Trần Ngươn Hanh đã tham khảo Trương Vĩnh Ký mà nhuận sắc lại. Các vị quan trong triều đã nhuận sắc thành "chủng" như vết tích còn ở bản KOM và bản NHL. Các bản Quốc ngữ đều nhất trí phiên thành “giống”, mở đầu bởi Trương Vĩnh Ký (điều này có truyền đến bản AM) như được nêu ở bảng 2.
Có thể coi như: xét về diễn tiến thao tác trên văn bản ở nhóm 3 cũng giống ở nhóm 2: về cơ bản các bản không có người biên tập thì bảo lưu được từ nguyên tác, có người biên tập thì bị “nhuận sắc” cho hay hơn.
Ta dễ nhận thấy sự giống nhau tuyệt đối ở sáu bản Nôm đầu đều ghi là "chúng" ở câu này và đặc biệt khác hẳn chữ "chủng" ở các câu khác trong mọi bản để ghi chữ "giống".
Với nhận xét trên, chúng ta có ngợ rằng: đúng là Nguyễn Du đã viết chữ "chúng" ở câu này, và rằng Nguyễn Du không dùng chữ này để ghi chữ Nôm "giống". Vậy, đây là chữ Nôm gì? Luận đoán đơn giản nhất thì đây là chính là chữ "chúng". Theo sự tra cứu của chúng tôi, hầu hết các Tự điển chữ Nôm đều dùng chữ Hán "chúng" chỉ ghi chữ Nôm "chúng", không dùng để ghi một chữ Nôm nào khác, kể cả chữ "giống", tuy các nhà làm tự điển đều có lấy Truyện Kiều làm tài liệu tham khảo, nếu không nói là tài liệu tham khảo chính, khi biên soạn Tự điển chữ Nôm. Có lẽ trong Truyện Kiều chỉ có duy nhất câu này dùng mã chữ Hán "chúng". Tự điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh cũng không có từ mục "chúng", như vậy chắc là ngoài câu này mà Đào Duy Anh đã phiên thành "giống" thì không còn chữ "chúng" Hán và Nôm nào nữa. vậy luận đoán đơn giản nhất có khi lại đúng: ở câu này Nguyễn Du viết chữ và âm "chúng". Việc nhuận sắc của các vị quan trong triều thành chữ "giống" thì đã rõ qua bản KOM và bản NHL và tuy như vậy câu văn có vẻ xuôi và dễ hiểu, nhưng có lẽ cần bàn lại.
Vấn đề là đọc "chúng" như vậy có ổn không? Chữ "chúng" là Nôm hay Hán? cả câu sẽ được hiểu như thế nào?
Nếu là chữ Nôm thì nó có nghĩa là bọn, “cái bọn sống ở đời". Cũng có nghĩa.
Song, có lẽ là chữ Hán, đó là "chúng sinh". Đoạn này Kiều đang than cho thân phận mình, theo triết lý nhà Phật. Xin trích cả đoạn:
"Tiếc thay trong giá trắng ngần,
Đến phong trần cũng phong trần như ai.
Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải chúng [sinh] ở đời mãi ru!”
Theo Tự điển Phật học Hán Việt thì "chúng sinh" có một nghĩa thứ ba là: "Sự sống chết trải qua nhiều lần, cho nên gọi là chúng sinh. Không gọi là chúng tử, bởi có sống ắt có chết, cho nên chỉ nêu chữ sinh đại diện". Lại có mục từ "chúng sinh giới” là “cách gọi đối lại với Phật giới. Trong 10 giới, gọi chung 9 giới khác là chúng sinh giới". Phải chăng Kiều mong kiếp sau thoát khỏi chúng sinh giới?
Quả thật, chúng tôi không biết nhiều về chữ nghĩa, càng không biết nhiều về Phật học, nay liều mà cưỡng giải như vậy; mong được các vị cao minh chỉ giáo.
Biết rằng việc bàn về chữ nghĩa trong Truyện Kiều là khó và còn lâu dài, ở đây chúng tôi chỉ mạo muội nêu ra một chi tiết bất chợt xuất hiện trong khi đọc sách.
Bảng 1: Các chữ trong các bản Nôm có niên đại sớm


Bảng 2: Các chữ trong một vài bản Quốc ngữ và ý kiến của chúng tôi (cột cuối)
Câu
TV Ký
BKỷ-TTKim
NV Hoàn
NT Giang
ĐD Anh
NT Cẩn

LT Lân

853
giống
giống
giống
giống
giống
giống
giống
1728
giống
giống
giống
giống
giống
giống
giống
2066
hệt
giống
giống
giống
giống
giống
giống








243
thói
giống
thói
giống
thói
giống
thói
258
thói
thói
thói
thói
thói
giống
thói
2097
khéo
khéo
khéo
khéo
khéo
giống
khéo








1194
giống
giống
giống
giống
giống
giống
chúng
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.379-391)

Sunday, 6 January 2013

Từ “ tê giác ” đến “ trâu Tây Tạng” – An Chi ( Từ chữ đến nghĩa – Đương Thời số 7-2009).

      Trong bài“ Con trâu, tuổi Sửu và chữ Ngưu” trên Đương thời số 1 (Xuân Kỷ Sửu, 2009), chúng tôi có viết rằng “tê giác” là một cách gọi tên kỳ quặc dành cho con , mà tên trong tiếng Hán là tê ngưu犀 牛.Không kỳ quặc sao được vì hai tiếng tê giác 犀 角 có nghĩa là sừng (của con) tê, chứ đâu phải dùng để chỉ đích thân con vật ( là con tê ). Trước đây, ở trong Nam, người ta gọi con vật này là tây, còn ngoài Bắc là . Cho đến giữa thập kỷ 1950, ở trong Nam, người ta vẫn còn gọi con tê là con tây. Chỉ sau 1954 ở Miền Bắc, rồi sau 1975 trong cả nước, người ta mới đổi tên “cúng cơm” của con vật này từ /tây thành “tê giác”. Còn vào thời xưa thì cả ở miền Bắc, người ta cũng gọi nó là contây.                                
      Chứng cứ là cách đây gần 130 năm, Dictionarium Latino-Annamiticum (Từ điển La Tinh - An Nam) của M.H.Ravier (Ninh Phú,1880) có ghi hai mục từ sau: 
       “ Rhinoceros (…) 1. Con tây; tê ngưu (…) 3. Bình bằng tây giác (…)”.                                                                                      
       “Rhinoceroticus (…). (sự gì) Thuộc về con tây.”                     
       Chữ nghĩa của M.H.Ravier rất rõ ràng: tây là biến thể ngữ âm của , đồng nghĩa với tê ngưu(đương nhiên có nghĩa là con tê) ; tây giác là biến thể ngữ âm của tê giác và có nghĩa là sừng tê. Vậy “ bình bằng tây giác” là bình làm bằng sừng tê; chứ nếu hiểu tây giác (hoặc tê giác) theo tiếng Việt toàn dân hiện đại thì đó sẽ là “bình làm bằng nguyên cả thân thể của con tây, tức con  tê”.                                 Xa hơn Ravier, từ giữa thế kỷ XVII, Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum ( Từ điển Việt Bồ La –  Roma,1651) của A. de Rhodes chỉ ghi nhận có âm tây:                           
       “Tâycon tây : bada (tiếng Bồ), rhinoceros (tiếng La) ”. Bada là tiếng Bồ Đào Nha thời A. de Rhodes ( nay là rinoceronte), bắt nguồn từ tiếng Mã Lai badak, có nghĩa là tê/tây , đồng nghĩa vớirhinoceros trong tiếng La Tinh.                
       Nhưng đến gần cuối thế kỷ XVIII thì Dictionarium Annamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (1772-73), biên soạn ở trong Nam, đã ghi nhận cả tây lẫn . Rồi đến 1931 thì Việt-Nam Tự-Điển do Hội Khai-Trí Tiến-Đức ở Hà Nội khởi thảo (Imprimerie Trung-Bac Tân-Van, 1931) chỉ ghi nhận có mà không còn thấy tây nữa.  
       Cứ như trên thì, trong một thời gian dài, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc đều gọi con vật đang xét làtây. Rồi về sau, trong cả nước, tây đã chuyển thành  nhưng trong sự giằng co giữa hai biến thể ngữ âm này, người Nam vẫn tiếp tục giữ âm tây còn ngoài Bắc thì đã chọn . Nhưng cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài trước đây, cũng như cả trong Nam lẫn ngoài Bắc về sau, không ở đâu gọi con vật đó là “tây giác” hoặc “tê giác” cả. Lý do: như đã nói, tê giác/tây giác là sừng (của con) tê, mà trong Nam còn gọi là u tâyĐại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng u tây là “Cái sừng ở trước mũi con tây, người khách lấy làm một vật quí báu, cũng là vị thuốc mát.” Cho đến gần cuối thập kỷ 1960 ở Miền Bắc, Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) cũng còn lưỡng lự giữa  và tê giác (bị xem là hai đơn vị đồng nghĩa) nên mới có hai mục từ: 
      “ Tê .– Cg. Tê giác, tê ngưu. Loài thú có guốc lẻ, da dày, trên mũi có một hoặc hai sừng.” 
      “ Tê giác .– Nh. Tê (loài thú). ”
      Cách trình bày hai mục từ trên đây cho thấy tuy lưỡng lự nhưng tập thể tác giả đã nghiêng hẳn về tính chính xác của ngôn ngữ. Vì thế nên họ mới lấy  làm mục từ chính, chứ Tê giác thì chỉ được “chuyển chú ” về mục . Còn bây giờ thì toàn quốc đều nhất tề xài cái cách gọi kỳ quặc là tê giác. Vìtê giác là u tây (Nam), tức sừng tê (Bắc) cho nên gọi con vật có cái u, cái sừng này là “tê giác” thì cũng vô duyên như gọi con cọp là “hổ cốt” (xương cọp), con rồng là “long tu” (râu rồng), con gấu là “hùng chưởng” (bàn tay gấu), con hươu là “lộc nhung” (sừng non của hươu), v.v.. Đây là hậu quả hiển nhiên của sự thiếu hiểu biết về các yếu tố Hán Việt, mà tiếc thay, lại còn là những yếu tố thông dụng nữa! Nó gợi ý cho sự cấp thiết của việc dạy từ, ngữ Hán Việt thành giờ riêng ở bậc tiểu học. 
      Trở lên là chuyện tên con “tê giác”. Bây giờ xin nói đến “trâu Tây Tạng”.  Đây là ba tiếng mà tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ “sáng tác”  để dịch hai tiếng “Tây ngưu” trên Kiến Thức Ngày Nay, số tân niên để giới thiệu món ngon vật lạ nhân Xuân Kỷ Sửu (2009). Dưới đây là lời của  tác giả đó nói về con vật “mới lạ” này: 
      “Trước khi tìm hiểu món ngon này (món “da Tây ngưu” – AC), hãy xem qua lý lịch của giống trâu Tây Tạng. Tây ngưu chuyên sống dưới chân những ngọn núi cao ở phía Tây Trung Quốc có khí hậu ẩm thấp, rừng cây thưa thớt. Loài thú giống trâu này được gọi là Tây ngưu (Seaigan) hay Tây ngu hoặc Tê ngưu. Chúng rất hung dữ và mạnh mẽ như voi, thân hình to lớn, cao tới 2 thước, dài khoảng 3 thước rưỡi, nặng từ 2 tới 3 tấn. Khác với trâu, Tây ngưu chỉ có một sừng ngay trên sống mũi dài từ 60 đến 70 phân ( … ). Tây ngưu là giống đa tình cũng như con người; những con đực thường húc nhau để giành con cái, và chúng cũng đánh ghen với nhau khi con cái “léng phéng” với con đực khác ( … ) Có 3 loại Tây ngưu: giống có một sừng, lông màu đen gọi là “Hắc Tây ngưu”, giống có hai sừng, lông trắng gọi là “Bạch Tây ngưu”, còn một giống nữa chỉ sống trên đỉnh núi, không bao giờ xuống triền núi, chân núi hay thung lũng, gọi là “Sơn Tây ngưu” ( … ) Da Tây ngưu rất dày ( … ) Sau khi hạ được Tây ngưu, người ta chỉ cắt lấy sừng và mấy miếng da nách ( … ) ”. 
      Trên đây là những gì mà tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ cung cấp cho độc giả của Kiến Thức Ngày Nay. Nhưng ai có chút kiến thức phổ thông cũng biết rằng cái con vật mà tác giả này không biết tên bằng tiếng Việt nên mới gọi là “trâu Tây Tạng” chẳng qua là con tê. /tây là một cái tên chắc chắn đã có từ thời Bắc thuộc còn bây giờ thì toàn quốc đã cải thành “tê giác”. Nhưng chẳng thà cứ gọi nó bằng cái tên tê giác vô duyên sẵn có – sự vô duyên này , rủi thay, dù sao cũng đã thành lệ – còn hơn là gọi bằng cái tên vô duyên mới toanh và quái đãn là “trâu Tây Tạng”! Mà con “trâu ” này (Tây ngưu) nào có sống ở Tây Tạng cho cam! Tác giả đó cứ đoán mò rằng tây ở đây là “Tây Tạng” nhưng nào có phải! Chữ tây trong tây ngưu là  còn chữ tây trong Tây Tạng là 西; hai chữ (và cả hai nghĩa) hoàn toàn khác nhau. Đoạn “lý lịch của giống trâu Tây Tạng” trên đây còn cho thấy tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ chỉ căn cứ vào tài liệu không được cập nhật, chẳng những không được cập nhật mà còn quá lạc hậu nữa, không hợp với “kiến thức ngày nay”. Chẳng hạn như việc phân thành ba giống trong đó có giống “sơn tây ngưu”. Đây là một khái niệm mơ hồ, mặc dù nó có được nhắc đến trong tác phẩm danh tiếng, chẳng hạn Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) đời Minh. Ngày nay, người ta chia 4 giống tê (Ceratotherium, Diceros, DicerorhinusRhinoceros) thành 5 loài:  
      – Tê trắng hai sừng, thân dài 4m, cao 1,80m, nặng 1400 – 3500kg, tên khoa học là Ceratotherium simum, sống ở miền Nam và miền Trung châu Phi, một số ít ở miền Tây châu Phi;
      – Tê đen hai sừng, thân dài 3,50m, cao 1,60m, nặng 800–1500kg, tên khoa học là Diceros bicornis, sống ở miền Nam châu Phi, Kenya và một số rất ít ở Senegal;
        Tê Sumatra hai sừng, thân dài 2–3m, cao 1–1,50m, nặng 600–950kg, tên khoa học làDicerorhinus sumatrensis, sống ở Sumatra, Borneo và bán đảo Mã Lai;
      – Tê Java một sừng ngắn, thân dài 2–4m, cao 1,50–1,70m, nặng 900–2300kg, tên khoa học làRhinoceros sondaicus, sống ở Java, Việt Nam (người miền Nam thấy sừng nó ngắn nên mới gọi là cáiu); 
      – Tê Ấn Độ một sừng dài, thân dài 3–3,80m, cao 1,75–2m, nặng 800–2700kg, tên khoa học làRhinoceros unicornis, sống ở Nepal và miền Bắc Ấn Độ.  
       Ta chẳng thấy có loài nào sống ở Tây Tạng cả. Ngay cả khi sao chép cách phiên âm tây ngưuthành “seaigan”, tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ cũng đã nhầm chữ cái cuối cùng của hình thức phiên âm từ “u” thành “n”. Đúng ra – nếu tác giả chép đúng sáu chữ cái trước – phải là seaigau vì phải là gau thì mới ứng được với ngưu . Hình thức phiên âm này chỉ có thể là một thổ ngữ của tiếng Hán ở miền Đông Nam Trung Quốc vì các phương ngữ khác không còn “g” . Và đây có nhiều khả năng là tiếng Triều Châu (còn giữ được “g”). Hai chữ Hán mà tác giả đó chép hình thức phiên âm thành “seaigan” chính là犀 牛 mà Triều Châu âm tự điển của Đạt Phủ   và Trương Liên Hàng    phiên âm làsai¹ghu5. Nhưng dùng một thổ ngữ như thế này để phiên âm thì không hợp lý vì từ lâu, người ta đã dùng âm Bắc Kinh (Quan thoại) và theo lối pīnyīn. Vậy hình thức phiên âm sẽ là xīniú. Đây mới thật sự là cập nhật.  
         Cũng cần nói thêm rằng vì tác giả chỉ nói về “miếng ăn” nên mới viết “ người ta chỉ cắt lấy mấy miếng da nách” chứ thực ra, để phục vụ cho cả “miếng võ” thì người ta phải lấy nguyên bộ da (bỏ cả bộ da thì chẳng thậm lãng phí ư ?). Để làm gì? Thưa để làm áo giáp cho binh lính. Chính tác giả chẳng đã viết “Da Tây ngưu rất dày, dai như gân và cứng như sắt, vũ khí rất khó xuyên thủng” là gì? Vì thế nên người ta mới lấy da nó mà làm áo giáp, gọi là tê giáp 犀甲.Và số lượng tê giáp được dùng thời xưa thì không ít. “Câu Tiễn phạt Ngô ngoại truyện” trong Ngô Việt Xuân Thu chép rằng binh lính của Ngô Phù Ta mặc tê giáp có đến mấy vạn người (dĩ nhiên là kể cả tê giáp dỏm làm bằng da trâu (thuỷ ngưu)). Chính vì lý do này nên danh ngữ tê giáp cũng còn được dùng theo hoán dụ để chỉ quân đội nữa. Và chính việc “sưu tầm” da tê vì miếng võ ( chứ không chỉ vì miếng ăn) mới là một trong những nguyên nhân làm cho loài tê sớm tuyệt chủng ở cái nôi của nền văn minh Trung Hoa chứ vào đời Thương thì nó cũng đã từng sinh sống ngang dọc tại lưu vực Hoàng Hà cùng với  trâu, voi, v.v., như cứ liệu khảo cổ học và vật hậu học đã khẳng định (Xin x. bđd). Thậm chí ta còn có thể khẳng định một cách cụ thể rằng trong ba loài của châu Á thì tê Sumatra hai sừng lúc bấy giờ vẫn còn sống ở Trung Quốc nên mới làm nguyên mẫu cho những chiếc bình đựng hình con tê bằng đồng xanh  đời Thương.
        Nhưng có lẽ còn thảm thương hơn cả sự tuyệt chủng kia là việc tác giả Tôn Nữ Thanh Thuỷ so sánh con tê với con người về mặt … “đa tình” mà lại còn có cả … việc “những con đực húc nhau để giành con cái” và “việc đánh ghen”! Thật là chẳng đẹp mặt cho loài người tí ti nào! Xin thưa với bà(?) rằng “giành cái” là chuyện bản năng của toàn loài (tê) chứ “giành gái” thì chỉ là chuyện bản tính của cá thể (người) mà thôi. Dù là để mua vui cho độc giả thì cũng chẳng nên so sánh như thế, có phải không, thưa bà tôn nữ ?

Vẫn còn chuyện mèo để nói (Đương Thời số 28 (2-2011).

Cứ tưởng hai ẩn dụ trong câu thành ngữ mèo mả, gà đồng đã rõ như ban ngày nhưng sự thật thì lại chẳng đơn giản đến thế. Bằng chứng là trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm (Nxb Văn Nghệ, 2009), tác giả Lê Gia đã thay chữ đổi nghĩa của vế trước thành “mèo mã” mà hiểu như sau:
Mèo mã, cũng nói là ‘mèo mỡ’. Do hai chữ miều mã là cô gái lẳng lơ chỉ có bộ mã tốt đẹp bên ngoài. Chữ miều (cũng đọc là miêu, đồng âm với chữ miêu là con mèo), có nghĩa là cô gái lẳng lơ, lãng mạn, gái đĩ, chơi bời, bắt nhân tình với nhiều người. Chữ  là nhãn hiệu dán trên gói hàng. Dáng vẻ đẹp tốt bên ngoài (hàng mã). Mèo mỡ thì chữ mỡ được hiểu thêm theo chữ  là nhìn xéo, liếc mắt, đá lông nheo, và chữ mộ là tìm kiếm, rủ rê (…) Cũng hiểu thêm là con mèo chờn vờn miếng thịt mỡ.”
Những lời giảng “ly kỳ” kiểu như trên có rất nhiều trong quyển 1575 của ông Lê Gia. Nhưng nó chỉ có thể “hấp dẫn” những độc giả thích phiêu lưu mạo hiểm trong rừng chữ nghĩa mà không cần đến nguyên tắc và phương pháp chứ làm sao có thể đứng vững được trước một sự soi rọi chặt chẽ và nghiêm cẩn về ngữ nghĩa và từ nguyên. Từ hình thức gốc là mèo mả (chữ mả dấu hỏi) sang “mèo mã” (chữ “mã” dấu ngã), rồi “mèo mỡ” đã là cả một sự đại nhảy vọt cực kỳ vô lý về chính tả và từ ngữ mà chẳng có tác giả nào nghiêm túc và có kiến thức tối thiểu về ngôn ngữ dám thực hiện. Nhưng cái sai nặng nề nhất của tác giả Lê Gia là ở chỗ ông đã không hề quan tâm rằng mèo trong mèo mả là mèo thú còn mèotrong mèo mỡ thì lại là mèo người. Xin lưu ý là ở đây, ta đang  nói về nghĩa gốc của chữ mèo trong từng danh ngữ đang bàn, chứ không phải nghĩa bóng.
Ngay từ cái câu đầu tiên mà chúng tôi trích thì ông Lê Gia đã nhầm. Ông khẳng định rằng mèo mã cũng nói là “mèo mỡ”. Hoàn toàn sai! Ông không biết hai tiếng “cũng nói” dùng để làm gì. Nó dùng để nói về những biến thể ngữ âm của cùng một đơn vị như: giở chứng cũng nói trở chứnggiở giời cũng nói trở trờidát gái cũng nói nhát gáidáo dác cũng nói nháo nhácbình an cũng nói bình yên; v.v.. Từng cặp thí dụ này chỉ khác nhau về mặt ngữ âm chứ về ngữ nghĩa thì chúng hoàn toàn như nhau vì thực ra chỉ là một. Chúng khác với các đơn vị cận âm cận nghĩa, nhất là có một âm tiết trùng nhau tuyệt đối như:đại diện và đại biểuhoa liễu và da liễuhành động và cử động; v.v.. Tuy đại diện và đại biểu là hai đơn vị đồng nghĩa nhưng ta không thể nói rằng “đại diện cũng nói đại biểu”. Dẫn chứng: đại biểu quốc hội không thể nói thành đại diện quốc hội; đại diện của Liên đoàn Bóng đá Argentina không thể nói thành đại biểu của Liên đoàn Bóng đá Argentina; v.v.. Còn hoa liễu chỉ là một khái niệm hẹp hơn da liễunên ta không thể nói rằng “hoa liễu cũng nói da liễu”. Cũng thế, “mèo mã” (theo cách “sáng tạo” và cách hiểu của ông Lê Gia) và mèo mỡ rất khác nhau về mặt nghĩa nên làm sao có thể nói “mèo mã cũng nói là mèo mỡ”! Ở đây,  đâu có phải là một biến thể ngữ âm của mỡ. Huống chi, “mèo mã” chỉ là một danh ngữ ảo do tác giả Lê Gia sáng tác ra chứ làm gì có trong tiếng Việt.
Rồi đến hai chữ “miều mã”, thì cũng chỉ là một cấu trúc ảo do ông sáng tác. Huống chi nếu miều là một yếu tố Hán Việt thì ông cũng chẳng hề cho ta biết tự dạng của nó ra sao. Và nếu đây có đích thực là một yếu tô Hán Việt thì cũng không thể nói rằng chữ miều cũng đọc thành miêu như ông đã viết. Lý do: “cũng nói”, “cũng đọc” là những tiếng dùng để nói về từng cặp hiện tượng đồng đại. Còn miều và miêuthì lại là những hiện tượng lịch đại, nghĩa là cái sau kế thừa cái trước chứ không tồn tại trong cùng một giai đoạn lịch sử với nó. Ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Hán Việt đã chứng minh rằng giữa hai tiếng có cùng phụ âm đầu d-, l-, m-, n-, v.v., cùng gốc mà cùng vận khác thanh, thì tiếng mang thanh 2 (dấu huyền) xưa hơn tiếng mang thanh 1 (không dấu): – dầm trong mưa dầm xưa hơn dâm  trongdâm vũ; – liền trong gắn liền xưa hơn liên  trong liên từ; – màng trong mùa màng xưa hơn mang trong mang nguyệt; v.v.. Khi miêu xuất hiện thì miều chết dần, rồi chết hẳn trong ngôn ngữ hằng ngày mà chỉ còn tồn tại trong thư tịch; trong khi đó thì giở và trởdáo dác và nháo nhácdát và nhát,an và yên, có thể cùng tồn tại song song, thường là ở những địa phương khác nhau. Vì vậy nên mấy tiếng “cũng nói”, “cũng đọc”  mới áp dụng được cho những trường hợp nàymà không áp dụng được cho trường hợp của miều – miêu.
Ông Lê Gia lại giảng rằng “chữ  là nhãn hiệu dán trên gói hàng”. Thì cũng sai. Chữ  này, Hán tự là,có nghĩa là chữ số, phương tiện để thể hiện con số; rồi trong tiếng Việt, nó mới có nghĩa rộng là ký hiệu bằng số dùng để đánh dấu riêng cho từng mặt hàng. Với cái nghĩa rộng này, nó mới có mặt trong danh ngữ đẳng lập mẫu mã đâu phải là nhãn hiệu hàng hóa. Mà cũng chẳng phải là “dáng vẻ đẹp tốt bên ngoài” vì đây chỉ đơn giản là cái dáng vẻ bên ngoài nói chung, không phân biệt đẹp, xấu, như đã được giảng trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên:
“ : [khẩu ngữ] vẻ bên ngoài, cái hình thức phô ra bên ngoài: – Con gà tốt mã vì lôngRăng đen vì thuốc rượu nồng vì men – (…) từ ngày nghỉ hưu bác ấy xuống mã nhanh quá (..)”.
Ông Lê Gia còn gắn chữ mỡ trong mèo mỡ với chữ “mã” (?) là “nhìn xéo, liếc mắt, đá lông nheo”, và cả chữ “mộ” là “tìm kiếm, rủ rê” (…). Đây là một kiểu liên hệ hoàn toàn không thích hợp, như chúng tôi đã có nhận xét nhiều lần, kể cả trên Đương Thời. Thực ra, ở đây, mèo là một danh từ hoàn toàn độc lập với mèo trong mèo mảmèo chó, v.v.. Nó có nghĩa là bồ, là nhân tình và chỉ dùng  cho phái nữ. Cònmỡ cũng có tính chất giống hệt như chuột trong mèo chuột, nghĩa là một từ bị truất nghĩa để đồng hóa về nghĩa với mèo (chỉ người), nhằm diễn đạt một cách không có thiện cảm cái nghĩa “nhân tình nhân ngãi nhăng nhít”. Vậy về mặt cú pháp - ngữ nghĩa, mèo mỡ là một cấu trúc giống như những phe phẩy,văn nghệ văn gừngchính trị chính em, v.v., những cấu trúc hài hước - chê bai, mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập. Và vì nó mang tính chất này, và chỉ tính chất này mà thôi, nên cấu trúc mèo mỡ cũng chẳng dính dáng gì đến chuyện “con mèo chờn vờn miếng thịt mỡ” cả.
Tóm lại, đây chỉ là chuyện mèo mả, với chữ mả (dấu hỏi) trong mồ mả, không liên quan gì đến chữ “mã” (dấu ngã) của ông Lê Gia. Nhưng để chống đỡ cho chữ “mã” của mình, ông Lê Gia biện hộ:“ Và có lẽ do liên tưởng đến cái mả ngoài đồng nên trong dân gian ta lại có câu Mèo mả gà đồng và dùng theo nghĩa: Con mèo bỏ nhà ra sống ở gò mả, nơi có nhiều hang ổ chuột (…) Nhưng thực tế ít có con mèo nào làm như vậy.” Thực ra thì rất nhiều con mèo “thích” làm như vậy, nghĩa là thích ở mả, như có thể thấy trong vô số ảnh ở trên mạng. Chúng còn họp bầy họp đàn nữa ấy chứ! Những con mèo ở các nghĩa trang Montmartre (Pháp), Recoleta (Argentina) hay Guayaquil (Ecuador), v.v., là mèo mả chứ không phải mèo nhà. Đó là những con mèo hoang, không còn “thường trú” tại nhà chủ nữa. Ở Paris chẳng hạn, nơi mà mèo là con vật yêu, tây đầm ôm chum chủm. thậm chí còn cho ngủ chung giường thì chẳng con mèo nhà nào lại thỉnh thoảng vào nghĩa trang chơi rồi về. Sống ở nghĩa trang chỉ là những con mèo bỏ nhà chủ, “nhất khứ bất phục hoàn” mà thôi. Huống chi, một nghĩa trang như Père-Lachaise ở Paris rộng hơn 43ha thì mèo vào đấy chỉ để sống chung với  Molière, Honoré de Balzac, La Fontaine, Colette và những danh nhân khác chứ làm gì có chuyện vào chơi rồi về. Lạ một điều là nhiều con rất tốt mã. Ở một số nước, người ta phải lập kế hoạch triệt sản những con mèo này; nếu không thì đội quân của chúng sẽ càng ngày càng đông.
Vậy mèo trong mèo mả là mèo thú còn mèo trong mèo mỡ là mèo người, hoàn toàn khác nhau cả về ngữ nghĩa lẫn từ nguyên. Đồng thời mả ở đây đồng nghĩa với mồ và đi chung với danh từ này để tạo thành danh ngữ đẳng lập mồ mả. Góp phần khẳng định cho cách hiểu này về từ mả là vế trước của câu tục ngữ Mèo lành chẳng ở mảả lành chẳng ở hàng cơm. Với sự tồn tại của từ mả trong câu tục ngữ này thì toàn bộ lập luận có vẻ như rất bác học của ông Lê Gia cũng đã bị lật đổ.
Mèo mả ở Nghĩa trang Guayaquil (Ecuador).

Wednesday, 2 January 2013

Nhìn kên kên hóa đại bàng (Người Đô Thị,số 95, 25- 4-2011).

Xin chớ lẫn lộn  kên kên với đại bàng.
        Số là, trong bài “Bóng Phật trên núi Hùng”, đăng trên Kiến thức Ngày nay số 744, ngày 10-4-2011, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng đã viết:
        “ Thứu Lĩnh/Thứu Sơn hay Linh Thứu Sơn/Linh Sơn là tên gọi chữ Hán của ngọn núi Kênh Kênh [sic] (Phạn: Garuda-kūta; Pali: Gjjha kūta; âm Hán: Kỳ-xà-quật) ở phía đông bắc thành Vương Xá, nước Ma-yết-đà, miền Trung Ấn Độ. Được gọi tên như vậy vì hình dáng núi này giống như đầu con chim thứu và trong núi có loại chim này sinh sống.”
        Rất tiếc là với văn phong đầy chất bác học, đoạn văn ngắn trên lại chứa tới ba cái lỗi không thể bỏ qua. Lỗi thứ nhất thì rất dễ thấy và đã được chúng tôi đánh dấu bằng chữ “sic” trong ngoặc vuông. Đây là lỗi chính tả: kên kên chứ không phải “kênh kênh” (chữ “kênh” này chỉ dùng trong các trường hợp như con kênh xanh xanh, hoặc kênh xì-po, v.v.). Lỗi thứ hai cũng là lỗi chính tả, nhưng của tiếng Pali:gijjha chứ không phải “gjjha”. Nặng nhất là cái lỗi thứ ba mà chúng tôi mạn phép nói kỹ dưới đây.
        Để cho tính chất bác học được hoàn hảo, ông Huỳnh Ngọc Trảng chẳng những đã nêu hai cái tên chữ Hán của ngọn núi mình muốn nói đến, rồi diễn nghĩa tên chữ Hán của nó bằng tiếng Việt, mà còn chăm chút ghi chú cả những hình thức gốc của những cái tên đó trong tiếng Sanskrit và tiếng Pali, rồi cuối cùng là hình thức phiên âm sang tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt nữa. Chỉ tiếc có một điều là cái tên  bằng tiếng Sanskrit mà ông Trảng đưa ra thì lại chẳng hề có nghĩa là núi Kên Kên, tức Thứu Sơn hay Thứu Lĩnh. Ông đã nhầm gdhra thành “garuḍa”, nghĩa là ông đã biến con kên kên chuyên ăn xác chết (gdhra) thành con Đại bàng huyền thoại (Garua), chúa tể của loài chim, kẻ thù của loài rắn (vì rất khoái ăn rắn) và là vật cữi của thần Viṣṇu. Ông cứ ngỡ garua là hình thức Sanskrit tương ứng với tiếng Pali gijjha (mà ông viết thiếu mất chữ “i” sau chữ “g”) trong khi tương ứng với Sanskrit garua lại là hình thức Pali garua. Vậy ta có:
–      Sanskrit garua tương ứng với Pali garua; 
còn
       – Sanskrit gdhra thì mới tương ứng với Pali gijjha.
        Có lẽ ông Huỳnh Ngọc Trảng chỉ muốn vận dụng cái vốn Sanskrit – Pali “cây nhà lá vườn” của mình, chứ nếu ông chịu tra cứu thì chẳng thiếu sách để cho ông sử dụng. Và  ông sẽ thấy Kỳ Xà Quật耆闍崛 phải là hình thức phiên âm từ tiếng  Sanskrit gdhra-kūa hoặc tiếng Pali gijjha-kūa.”
Nhưng Kỳ Xà Quật nghĩa là gì? Dĩ nhiên đây chẳng phải là “hang rắn lạ” (kỳ = lạ;  = rắn; quật = hang) vì những chữ hữu quan chỉ là những tiếng dùng để phiên và ghi âm mà thôi. Muốn tìm nghĩa của nó thì phải đi ngược lên tiếng Sanskrit hay tiếng Pali. Quật 崛 dùng để phiên âm a, có nghĩa là đỉnh, chóp còn gdhra(S)/gijjha(P) thì có nghĩa là kên kên nên các nhà sư người Trung Hoa mới dịch gdhra-kūa(S)/gijjha-kūa(P) thành Thứu Sơn 鷲山, hoặc Thứu Phong 鷲峰, nghĩa là núi Kên Kên hay đỉnh Kên Kên. Chính chữ Thứu 鷲 có nghĩa là “kên kên” đấy! Người Triều Tiên đọc ba chữ Kỳ Xà Quật 耆闍崛 thành Kisagul còn người Nhật thì đọc thành Gishakutsu. Người Anh dịch thành Vulture Peak còn người Pháp là  Pic du Vautour.
Còn garua(S)/garua(P) thì được người Trung Quốc phiên âm thành Ca lâu la 迦樓羅. Họ cũng có dịch nghĩa từ này thành Kim xí điểu – chứ không phải “Kim xỉ điểu”, như đã in trong Từ điển Phật học Việt Nam của Thích Minh Châu & Minh Chi –, như chúng tôi đã nhận xét trên Kiến Thức Ngày Nay số 126, ngày 15-12-1993. Về vấn đề này, chúng tôi đã viết:
“  (có sách phiên ) là cánh; vậy kim xí điểu là “chim cánh vàng”. Đây là ba tiếng mà người Trung Hoa đã dùng để chỉ giống chim thần trong huyền thoại Ấn Độ mà tiếng Sanskrit gọi là garua (Pali: garua). Người Trung Hoa cũng phiên âm tên này thành ca lâu la hoặc ca lưu la. Con garuḍa, tức kim xí điểu, có đầu chim – chứ không phải đầu người – mỏ chim, cánh chim, móng chim và chân người, mình người – chứ không phải mình chim. Nó là vật cỡi của thần Viṣṇu bên Ấn giáo, là chúa tể của loài chim và là kẻ thù của loài rắn. Do đặc điểm này mà trong tiếng Sanskrit nó còn được gọi là nāga-damana, nghĩa là kẻ thuần phục loài rắn.”
Vậy thì garua khác gdhra vì một đằng là đại bàng còn một đằng là kên kên. Garua là biểu tượng của đất nước Indonesia (ngay cả sau khi nước này chuyển sang đạo Hồi). Công ty Hàng không Quốc gia của nước này là  Garuda Indonesia. Nó cũng là biểu tượng của Vương quốc Thái Lan, với cái tên phiên âm rút ngắn trong tiếng Thái Lan là Khruth.
Tóm lai, ông Huỳnh Ngọc Trảng đã cách cái mạng của kên kên thành đại bàng. Đây là một kiểu nhìn gà hóa cuốc trong chữ nghĩa.

Cuốn sách "Bên thắng cuộc" của Huy Đức: Cái nhìn thiên kiến về lịch sử (Đức Hiển - Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh)


02/01/2013 - 07:05

(PL)- Chưa bàn đến những chi tiết cụ thể của cuốn sách này, góc tiếp cận của tác giả đã khó vươn tới điều mình muốn: Hiểu đúng về bản chất của cuộc chiến tranh.

Bên thắng cuộc là cuốn sách gồm hai tập của Huy Đức. Phần I với tựa đềGiải phóng đã phát hành trên mạng Internet từ trung tuần tháng 12-2012. Nội dung xoay quanh những diễn biến tại Việt Nam từ sau ngày thống nhất 30-4-1975. Lời đầu sách, tác giả viết “không ai có thể bước tới tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ. Nhất là một quá khứ chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm”.
Ngày thống nhất
30-4-1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn 20 năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”.
Ngay những dòng đầu tiên của chương đầu tiên, tác giả đã gói cuộc chiến chống ngoại xâm vỏn vẹn vào 20 năm. Song cuộc kháng chiến ấy thật sự bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước đó, khi người lính đầu tiên của quân xâm lược Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam. Từ đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, người Mỹ đã bộc lộ âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ trận Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến giành độc lập vì vậy đã trải qua thêm một chương bi tráng và khốc liệt: chống Mỹ.
Sự thật không thể phủ nhận là người Pháp đã khởi đầu chiến tranh, người Mỹ thay vai chuyển nó sang một giai đoạn khác và cả dân tộc này đã đổ máu xương để kết thúc nó. Không phải chỉ có 20 năm và càng không thể là cuộc chiến“da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách” như Huy Đức đã viết.
Lịch sử diễn ra liên tục nhưng trong Bên thắng cuộc, nó bị cắt khúc ra, nhìn nhận như là cuộc chiến ý thức hệ, cuộc nội chiến Nam-Bắc của nội bộ người Việt từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975. Cách lập luận này, người Mỹ đã nói từ mấy chục năm trước đó khi muốn có cớ can thiệp vào đất nước ta. Dù vậy, người Mỹ không thể phủ nhận sự thật là người Việt đang chiến đấu vì Tổ quốc mình.

Bìa cuốn sách Bên thắng cuộc do Huy Đức xuất bản với tư cách cá nhân và phát hành trên mạng Internet tháng 12-2012.
Cuộc chiến giành độc lập của người Việt Nam thực sự đã nổ ra từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930 với rất nhiều cuộc khởi nghĩa và những phong trào đấu tranh, dù bị đàn áp, thất bại nhưng chưa bao giờ quy phục. Những người cộng sản chỉ nối tiếp sứ mệnh mà lịch sử giao phó. Vì thế, nó là cuộc chiến không của một chính thể mà của cả dân tộc. Càng không là cuộc chiến của miền Bắc XHCN với nửa nước còn lại. Vì thế, 30-4-1975 là ngày đất nước thống nhất sau hơn một thế kỷ bị xâm lược, đô hộ và chia cắt, không phải “Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc”. Đó không phải là chiến thắng của một “bên thắng cuộc” hạn hẹp mà là chiến thắng của mọi người Việt Nam, trong đó cả những người từng ở phía bên kia.
Một nhân vật trong cuốn Bên thắng cuộc sau khi đọc sách đã nói rằng nếu không vì lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà chỉ là cuộc chiến Bắc-Nam thì sẽ không có những người ở Lạng Sơn, Thái Bình xung phong lên đường ra trận và chết ở Cà Mau. Và đâu phải chỉ có bộ đội miền Bắc vào Nam đánh Mỹ, chính nhân dân cả miền Nam đã làm nên Nam Bộ kháng chiến thời kháng Pháp rồi cùng nổi dậy Đồng khởi từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm phá hủy hiệp định đình chiến và truy sát những người kháng chiến. Người Việt ở cả hai miền đã cùng cầm súng chống ngoại xâm.
Viết về chiến tranh không thể không nói đến mục đích, ý nghĩa, đối tượng, quy mô, thời gian và các bên tham chiến. Khi mục đích chống xâm lược giành độc lập và thống nhất nước nhà bị bỏ qua, sẽ không thể lý giải thỏa đáng nguyên nhân và ý nghĩa của chiến thắng, còn bóp méo sự thật lịch sử dù với bất cứ lý do gì thì đều là tệ hại.
Ngày cuối chiến tranh và “tù cải tạo”
Huy Đức viết: “Cuốn sách này bắt đầu từ những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé 13, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”.
Tác giả đòi hỏi “hiểu trung thực về quá khứ” nhưng lại nói về “bên thắng cuộc” bằng cách ghi nhận chỉ một phần những gì diễn ra với một số ít người ở phía bên kia. Nhiều trang sách đề cập những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tự sát trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, mà tác giả gọi là “tuẫn tiết”. Sự tuyệt vọng dẫn đến cái chết ấy ở đây xin không bình luận. Nhưng tác giả từng là lính, không thể không biết những đồng đội thế hệ trước mình đã làm gì trong những ngày ấy. Hình ảnh ngày cuối chiến tranh không đơn giản chỉ là những chiến xa bánh xích hiền lành với những anh bộ đội miền Bắc lạ lẫm ở Dinh Độc lập sáng 30-4-1975.
Hơn 10 năm trước, một đoàn làm phim của hãng BBC qua Việt Nam, họ muốn làm một bộ phim về ngày cuối chiến tranh từ trận đánh cầu Rạch Chiếc. Nơi đó, trong ba ngày cuối cùng, một đơn vị bộ đội biệt động đã quần nhau với hai tiểu đoàn Trâu Điên giữ cầu và nhà máy điện Thủ Đức cùng với lực lượng chi viện hùng hậu. Nhiều người lính đã hy sinh trên cầu để chiếc cầu, nhà máy điện được giữ nguyên, cửa ngõ ấy mở ra cho những đoàn tăng T.54 vào giải phóng và góp phần giữ nguyên vẹn Sài Gòn cho hôm nay. Và trong những ngày ấy, có rất nhiều sự hy sinh như thế của những người lính giải phóng.
Bên thắng cuộc hướng suy nghĩ của người đọc rằng chế độ mới thiếu nhân văn khi nói về điều kiện sống của những sĩ quan chế độ Sài Gòn bị đưa đi học tập. Thật ra cái khó khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng chiến, không lẽ tác giả không biết? Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước. Không nhắc đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế... như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam. Cuốn sách cũng đã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và thân nhân trong Luật 10-1959.
Cần phải đặt trong sự tương quan khi nhận định về sự nhân văn nhưng tác giả cuốn Bên thắng cuộc đã không làm hoặc không muốn làm điều đó.
Để có bản tin giải phóng trên loa phóng thanh mà cậu bé 13 tuổi nghe khi đang vật nhau với bạn ven đồi, phải trả giá bằng trăm ngàn mất mát, đau thương chứ không đơn giản chỉ là việc húc đổ cổng Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc.
Nếu lịch sử được mô tả chỉ từ một hướng với sự sắp đặt thiên kiến thì nó không còn là lịch sử nữa.
Trên đây chỉ là một số nhận xét về cuốn sách. Người viết không có ý định đi sâu vào tính chính xác của từng sự việc, từng chi tiết bởi nó không mới và không hẳn cần thiết. Tuy nhiên, đã có phản hồi bất bình của những nhân vật trong sách, từ cả hai phía, về tính chính xác của các sự kiện và cách trích dẫn cắt cúp, tách bối cảnh ra khỏi sự kiện để gián tiếp giải thích nguyên nhân theo chủ kiến của tác giả.
Công bằng mà nói, lao động và khả năng của Huy Đức đối với việc sưu tập tư liệu cho cuốn sách là điều cần được nhìn nhận. Với ưu thế là phóng viên của nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, anh có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin. Rất tiếc những thông tin ấy được cố ý sắp đặt để phục vụ chủ kiến của tác giả, vì vậy nó hoàn toàn không chân thật.
NGUYỄN ĐỨC HIỂN
TP.HCM ngày 31-12-2012
Hợp tác xã và thời bao cấp

Không thể phủ nhận nền kinh tế bao cấp đã không còn phù hợp sau một thời gian áp dụng nhưng cũng không thể chỉ nhìn thời bao cấp ở những trì trệ trong những ngày cuối cùng của nó. Tại một giai đoạn lịch sử nhất định, nhất là tại miền Bắc trước năm 1975, nó đã góp phần quan trọng tạo nên một hậu phương vững chắc để phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy khi phê phán hay rút kinh nghiệm đều cần phải đặt trong bối cảnh, thời điểm đặc biệt. Một doanh nhân đã nói: Có thể xem nền kinh tế bao cấp như một thai nhi nằm trong bụng mẹ. Thằng anh ra trước không thể chê trách thằng em mày có miệng, có mũi sao không thể tự ăn mà lại ăn qua dây rốn. Nhưng khi đã ra đời, sẽ là vô lý khi thằng em đã thành người mà vẫn phải nuôi sống mình bằng sợi dây rốn ấy. Thời bao cấp cũng cần được nhìn nhận như thế.
Bên thắng cuộc phê phán mô hình hợp tác xã ở miền Bắc trước giải phóng nhưng không nhìn thấy một điều: Nếu thời điểm ấy chia ruộng khoán ngay, những gia đình có con em đi bộ đội sẽ không còn nhân lực lao động. Ai sẽ yên tâm đi chiến đấu khi ở nhà không có người nhận khoán? Hợp tác xã đã giải quyết được vấn đề này và nhiều vấn đề khác vào thời điểm ấy.