Sunday 6 January 2013

Vẫn còn chuyện mèo để nói (Đương Thời số 28 (2-2011).

Cứ tưởng hai ẩn dụ trong câu thành ngữ mèo mả, gà đồng đã rõ như ban ngày nhưng sự thật thì lại chẳng đơn giản đến thế. Bằng chứng là trong 1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm (Nxb Văn Nghệ, 2009), tác giả Lê Gia đã thay chữ đổi nghĩa của vế trước thành “mèo mã” mà hiểu như sau:
Mèo mã, cũng nói là ‘mèo mỡ’. Do hai chữ miều mã là cô gái lẳng lơ chỉ có bộ mã tốt đẹp bên ngoài. Chữ miều (cũng đọc là miêu, đồng âm với chữ miêu là con mèo), có nghĩa là cô gái lẳng lơ, lãng mạn, gái đĩ, chơi bời, bắt nhân tình với nhiều người. Chữ  là nhãn hiệu dán trên gói hàng. Dáng vẻ đẹp tốt bên ngoài (hàng mã). Mèo mỡ thì chữ mỡ được hiểu thêm theo chữ  là nhìn xéo, liếc mắt, đá lông nheo, và chữ mộ là tìm kiếm, rủ rê (…) Cũng hiểu thêm là con mèo chờn vờn miếng thịt mỡ.”
Những lời giảng “ly kỳ” kiểu như trên có rất nhiều trong quyển 1575 của ông Lê Gia. Nhưng nó chỉ có thể “hấp dẫn” những độc giả thích phiêu lưu mạo hiểm trong rừng chữ nghĩa mà không cần đến nguyên tắc và phương pháp chứ làm sao có thể đứng vững được trước một sự soi rọi chặt chẽ và nghiêm cẩn về ngữ nghĩa và từ nguyên. Từ hình thức gốc là mèo mả (chữ mả dấu hỏi) sang “mèo mã” (chữ “mã” dấu ngã), rồi “mèo mỡ” đã là cả một sự đại nhảy vọt cực kỳ vô lý về chính tả và từ ngữ mà chẳng có tác giả nào nghiêm túc và có kiến thức tối thiểu về ngôn ngữ dám thực hiện. Nhưng cái sai nặng nề nhất của tác giả Lê Gia là ở chỗ ông đã không hề quan tâm rằng mèo trong mèo mả là mèo thú còn mèotrong mèo mỡ thì lại là mèo người. Xin lưu ý là ở đây, ta đang  nói về nghĩa gốc của chữ mèo trong từng danh ngữ đang bàn, chứ không phải nghĩa bóng.
Ngay từ cái câu đầu tiên mà chúng tôi trích thì ông Lê Gia đã nhầm. Ông khẳng định rằng mèo mã cũng nói là “mèo mỡ”. Hoàn toàn sai! Ông không biết hai tiếng “cũng nói” dùng để làm gì. Nó dùng để nói về những biến thể ngữ âm của cùng một đơn vị như: giở chứng cũng nói trở chứnggiở giời cũng nói trở trờidát gái cũng nói nhát gáidáo dác cũng nói nháo nhácbình an cũng nói bình yên; v.v.. Từng cặp thí dụ này chỉ khác nhau về mặt ngữ âm chứ về ngữ nghĩa thì chúng hoàn toàn như nhau vì thực ra chỉ là một. Chúng khác với các đơn vị cận âm cận nghĩa, nhất là có một âm tiết trùng nhau tuyệt đối như:đại diện và đại biểuhoa liễu và da liễuhành động và cử động; v.v.. Tuy đại diện và đại biểu là hai đơn vị đồng nghĩa nhưng ta không thể nói rằng “đại diện cũng nói đại biểu”. Dẫn chứng: đại biểu quốc hội không thể nói thành đại diện quốc hội; đại diện của Liên đoàn Bóng đá Argentina không thể nói thành đại biểu của Liên đoàn Bóng đá Argentina; v.v.. Còn hoa liễu chỉ là một khái niệm hẹp hơn da liễunên ta không thể nói rằng “hoa liễu cũng nói da liễu”. Cũng thế, “mèo mã” (theo cách “sáng tạo” và cách hiểu của ông Lê Gia) và mèo mỡ rất khác nhau về mặt nghĩa nên làm sao có thể nói “mèo mã cũng nói là mèo mỡ”! Ở đây,  đâu có phải là một biến thể ngữ âm của mỡ. Huống chi, “mèo mã” chỉ là một danh ngữ ảo do tác giả Lê Gia sáng tác ra chứ làm gì có trong tiếng Việt.
Rồi đến hai chữ “miều mã”, thì cũng chỉ là một cấu trúc ảo do ông sáng tác. Huống chi nếu miều là một yếu tố Hán Việt thì ông cũng chẳng hề cho ta biết tự dạng của nó ra sao. Và nếu đây có đích thực là một yếu tô Hán Việt thì cũng không thể nói rằng chữ miều cũng đọc thành miêu như ông đã viết. Lý do: “cũng nói”, “cũng đọc” là những tiếng dùng để nói về từng cặp hiện tượng đồng đại. Còn miều và miêuthì lại là những hiện tượng lịch đại, nghĩa là cái sau kế thừa cái trước chứ không tồn tại trong cùng một giai đoạn lịch sử với nó. Ngữ âm học lịch sử về các yếu tố Hán Việt đã chứng minh rằng giữa hai tiếng có cùng phụ âm đầu d-, l-, m-, n-, v.v., cùng gốc mà cùng vận khác thanh, thì tiếng mang thanh 2 (dấu huyền) xưa hơn tiếng mang thanh 1 (không dấu): – dầm trong mưa dầm xưa hơn dâm  trongdâm vũ; – liền trong gắn liền xưa hơn liên  trong liên từ; – màng trong mùa màng xưa hơn mang trong mang nguyệt; v.v.. Khi miêu xuất hiện thì miều chết dần, rồi chết hẳn trong ngôn ngữ hằng ngày mà chỉ còn tồn tại trong thư tịch; trong khi đó thì giở và trởdáo dác và nháo nhácdát và nhát,an và yên, có thể cùng tồn tại song song, thường là ở những địa phương khác nhau. Vì vậy nên mấy tiếng “cũng nói”, “cũng đọc”  mới áp dụng được cho những trường hợp nàymà không áp dụng được cho trường hợp của miều – miêu.
Ông Lê Gia lại giảng rằng “chữ  là nhãn hiệu dán trên gói hàng”. Thì cũng sai. Chữ  này, Hán tự là,có nghĩa là chữ số, phương tiện để thể hiện con số; rồi trong tiếng Việt, nó mới có nghĩa rộng là ký hiệu bằng số dùng để đánh dấu riêng cho từng mặt hàng. Với cái nghĩa rộng này, nó mới có mặt trong danh ngữ đẳng lập mẫu mã đâu phải là nhãn hiệu hàng hóa. Mà cũng chẳng phải là “dáng vẻ đẹp tốt bên ngoài” vì đây chỉ đơn giản là cái dáng vẻ bên ngoài nói chung, không phân biệt đẹp, xấu, như đã được giảng trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên:
“ : [khẩu ngữ] vẻ bên ngoài, cái hình thức phô ra bên ngoài: – Con gà tốt mã vì lôngRăng đen vì thuốc rượu nồng vì men – (…) từ ngày nghỉ hưu bác ấy xuống mã nhanh quá (..)”.
Ông Lê Gia còn gắn chữ mỡ trong mèo mỡ với chữ “mã” (?) là “nhìn xéo, liếc mắt, đá lông nheo”, và cả chữ “mộ” là “tìm kiếm, rủ rê” (…). Đây là một kiểu liên hệ hoàn toàn không thích hợp, như chúng tôi đã có nhận xét nhiều lần, kể cả trên Đương Thời. Thực ra, ở đây, mèo là một danh từ hoàn toàn độc lập với mèo trong mèo mảmèo chó, v.v.. Nó có nghĩa là bồ, là nhân tình và chỉ dùng  cho phái nữ. Cònmỡ cũng có tính chất giống hệt như chuột trong mèo chuột, nghĩa là một từ bị truất nghĩa để đồng hóa về nghĩa với mèo (chỉ người), nhằm diễn đạt một cách không có thiện cảm cái nghĩa “nhân tình nhân ngãi nhăng nhít”. Vậy về mặt cú pháp - ngữ nghĩa, mèo mỡ là một cấu trúc giống như những phe phẩy,văn nghệ văn gừngchính trị chính em, v.v., những cấu trúc hài hước - chê bai, mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập. Và vì nó mang tính chất này, và chỉ tính chất này mà thôi, nên cấu trúc mèo mỡ cũng chẳng dính dáng gì đến chuyện “con mèo chờn vờn miếng thịt mỡ” cả.
Tóm lại, đây chỉ là chuyện mèo mả, với chữ mả (dấu hỏi) trong mồ mả, không liên quan gì đến chữ “mã” (dấu ngã) của ông Lê Gia. Nhưng để chống đỡ cho chữ “mã” của mình, ông Lê Gia biện hộ:“ Và có lẽ do liên tưởng đến cái mả ngoài đồng nên trong dân gian ta lại có câu Mèo mả gà đồng và dùng theo nghĩa: Con mèo bỏ nhà ra sống ở gò mả, nơi có nhiều hang ổ chuột (…) Nhưng thực tế ít có con mèo nào làm như vậy.” Thực ra thì rất nhiều con mèo “thích” làm như vậy, nghĩa là thích ở mả, như có thể thấy trong vô số ảnh ở trên mạng. Chúng còn họp bầy họp đàn nữa ấy chứ! Những con mèo ở các nghĩa trang Montmartre (Pháp), Recoleta (Argentina) hay Guayaquil (Ecuador), v.v., là mèo mả chứ không phải mèo nhà. Đó là những con mèo hoang, không còn “thường trú” tại nhà chủ nữa. Ở Paris chẳng hạn, nơi mà mèo là con vật yêu, tây đầm ôm chum chủm. thậm chí còn cho ngủ chung giường thì chẳng con mèo nhà nào lại thỉnh thoảng vào nghĩa trang chơi rồi về. Sống ở nghĩa trang chỉ là những con mèo bỏ nhà chủ, “nhất khứ bất phục hoàn” mà thôi. Huống chi, một nghĩa trang như Père-Lachaise ở Paris rộng hơn 43ha thì mèo vào đấy chỉ để sống chung với  Molière, Honoré de Balzac, La Fontaine, Colette và những danh nhân khác chứ làm gì có chuyện vào chơi rồi về. Lạ một điều là nhiều con rất tốt mã. Ở một số nước, người ta phải lập kế hoạch triệt sản những con mèo này; nếu không thì đội quân của chúng sẽ càng ngày càng đông.
Vậy mèo trong mèo mả là mèo thú còn mèo trong mèo mỡ là mèo người, hoàn toàn khác nhau cả về ngữ nghĩa lẫn từ nguyên. Đồng thời mả ở đây đồng nghĩa với mồ và đi chung với danh từ này để tạo thành danh ngữ đẳng lập mồ mả. Góp phần khẳng định cho cách hiểu này về từ mả là vế trước của câu tục ngữ Mèo lành chẳng ở mảả lành chẳng ở hàng cơm. Với sự tồn tại của từ mả trong câu tục ngữ này thì toàn bộ lập luận có vẻ như rất bác học của ông Lê Gia cũng đã bị lật đổ.
Mèo mả ở Nghĩa trang Guayaquil (Ecuador).

No comments:

Post a Comment