Tuesday 22 January 2013

Nguồn gốc địa danh Huế (Tuệ An)

Học giả Nguyễn Văn Tố từng chỉ ra hàng loạt địa danh gốc Chăm hiện hữu khắp tỉnh Thừa Thiên. Ví dụ: An Lỗ, Lai Trung, Liễu Cốc, Mậu Tài, Mỹ Xuyên, Nguyệt Biều, Thanh Phước, Tiên Nộn, Ưu Điềm. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng sông Ô Lâu, làng Sình, thị trấn Sịa xuất xứ từ tiếng Chăm.
1. Oa chuyển thành uê?
Tháng 4-1992, tại TP.HCM, hội thảo khoa học lần thứ II về triều Nguyễn được tổ chức. Tham dự hội thảo đó, với báo cáo Huế - một di sản sáng giá do triều Nguyễn để lại, nhà nghiên cứu Phan Thuận An tái khẳng định: “Lịch sử chính thức của vùng Thuận Hoá thuộc Đại Việt mới bắt đầu cách đây non 700 năm, sau cuộc hôn nhân Chàm – Việt năm 1306 giữa quốc vương Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Hai châu Ô – Lý được dùng làm sính lễ dâng tặng cho nhà Trần, nghĩa là cho dân tộc Đại Việt. Ô – Lý trở thành Thuận Hoá (1307). Chữ Hoá(化) bị đọc trại thành Huế về sau.”
 Trong cuốn sách Theo dòng lịch sử, giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Vua Trần đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hoá. Địa danh Thuận Hoá có từ đó và tên Huế là đọc trạnh từ tên Hoá.”
Soạn tập I Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, Nguyễn Đắc Xuân ghi: “Thuận Hoá là đất cũ hai châu Ô và Ry (Lý) xưa, Thuận Hoá đọc gọn lại và trại ra thành Huế.”
Đinh Xuân Vịnh cũng chép không khác vào Sổ tay địa danh Việt Nam: “Địa danh Huế bắt nguồn từ các địa danh Châu Hoá đời Trần, Thuận Hoá đời Lê, đọc tắt là Huế.”
Lập luận trên nghe càng có vẻ hữu lý khi người ta củng cố bằng cứ liệu chuyển hoá ngữ âm tiếng địa phương: hoà vẫn được dân Huế nóihuề và hoa lắm lúc được dân Huế nói huê. Do đó, Hoá chuyển thành Huế cũng hợp lẽ.
Thế nhưng, xét tổng quát ngữ âm vùng Huế, chưa thể đúc kết thành quy luật oa => uê đối với phần vần gồm cặp nguyên âm cuối ấy được. Chẳng người Huế bình thường nào phát âm hội hoạ thành hội huệ và thuỷ hoả thành thuỷ huể, cả giáo hoá và phong hoá cũng không phát âm thành giáo huế và phong huế. Thực tế lịch sử cho thấy hoa buộc phải đọc thành huê hoặc thành ba do kiêng huý tên riêng của bà Hồ Thị Hoa (1719–1807; chính phi của vua Minh Mạng) theo lệnh triều đình ban bố từ niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, tức năm Tân Sửu 1841. Do đó, tỉnh Thanh Hoa đổi ra tỉnh Thanh Hoá, cửa Đông Hoa đổi ra cửa Đông Ba, cầu Hoa đổi ra cầu Bông. Còn hoà đọc trại thành huề là từ năm Quý Mùi 1883, lúc hoàng tử Hồng Dật lên làm vua Hiệp Hoà.
 
2. Biến đổi ngữ âm và ký tự
Vấn đề đặt ra: địa danh Huế xuất hiện tự bao giờ?
Từ điển Địa danh thành phố Huế của Trần Thanh Tâm và Huỳnh Đình Kết ghi nhận: “Đến nay vẫn chưa rõ từ Huế ra đời vào lúc nào và nó được ký âm như thế nào bằng chữ Hán – Nôm. Điều tra trong văn liệu cổ thì từ Huế được ký âm là 化 được tìm thấy trong tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn tương truyền của Lê Tư Thành (1442–1497) tức vua Lê Thánh Tông, lên ngôi năm 1460, đi đánh Chiêm Thành ngang qua xứ Huế năm 1470, song việc xác minh tập sách này có phải của vua Lê Thánh Tông không cũng chưa đi đến kết luận. Đến năm 1553, tác giả Dương Văn An cũng ghi từ Huế là 化 trong tác phẩm Ô châu cận lục. Cả hai trường hợp này đều không đứng vững vì chữ này đều có thể đọc là Hoá hoặc Huế. Từ Huế được viết bằng mẫu tự Latinh đã xuất hiện lần đầu vào năm 1653 trong tác phẩm Voyage et Missions (Hành trình và truyền giáo) do giám mục Alexandre de Rhodes biên soạn, ông là người có công san định chữ quốc ngữ đã được nhiều người ký âm trước đó. Trong tác phẩm này, ông đã dùng từ Kẻ Huế để chỉ Kim Long.”
Có thật Alexandre de Rhodes [A Lịch Sơn Đắc Lộ] (1591–1660) viết nguyên dạng Huế hoặc Kẻ Huế chăng?
Năm 1915, trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: tập san Đô Thành Hiếu Cổ), học giả Léopold Cadière đã trích mấy đoạn từVoyage et Missions của Alexandre de Rhodes trong bài Les Européens qui ont vu le vieux Hué (Những người Âu từng thấy Huế xưa). Xin dẫn lại đôi câu liên quan: “Thành phố mà đức vua ngự trị gọi là Kehue, triều đình rất đẹp (...). Khi đi qua, chúng tôi nghỉ lại ở Hoâ”. Và đây là sự phân tích của Léopold Cadière: “Trước hết, hãy chú ý tên thành phố trong văn bản: Kehue. Chỗ khác, Alexandre de Rhodes lại viếtHoâ. Còn từ điển của ngài thì ghi Hoá, Kẻ Hoá và Hué, Kẻ Hué. Tôi còn thấy vài tài liệu thời ấy dạng Hoé nữa. Kehue là dạng viết gộp củaKẻ Hué. Riêng dạng Hoâ tương đương dạng Hoá, dấu mũ trên chữ a chắc do ấn công người Âu nhầm lẫn. Dẫu sao, vào thời Alexandre de Rhodes, dạng Huế như hiện nay với âm ê đóng là chưa có. Hồi trước, người ta phát âm tên kinh đô với âm cuối mở, hoặc là a, hoặc là e, chứ dạng Hoé đã biến mất lâu rồi. Như vậy chứng tỏ trong quá khứ từng tồn tại các dạng Hoé, Hué, Hoá. Tài liệu của các tác giả Âu châu gồm Bồ Đào Nha, Hà Lan và Pháp cùng hoặc sau thời đó có ghi Sinua, Sennua, Senua, Singoa; tất cả đều phiên âm tên hành chính Hán – Nôm của vùng này là Thuận Hoá. Ví thử dạng Huế với âm cuối ê đóng như hiện nay đã hiện hữu trong quá khứ, ắt Alexandre de Rhodes ghi nhận rồi, bởi nơi mục từ chỉ kinh đô ở từ điển của mình, ngài không quên liệt kê đồng thời các dạng có a tận cùng với các dạng có e tận cùng. Trong khi chờ đợi thêm thông tin mới, tôi nghĩ có thể kết luận rằng tên thủ phủ của chúa Nguyễn thời Alexandre de Rhodes có dạng là Hoá hay Hué, chứ dạng Huế bấy giờ chưa xuất hiện, còn dạng Hoé thì mất hẳn tự đời nào”.
 
3. Gốc gác địa danh Huế: tiếng Chăm
Thực tế, dạng Hoé tiền thân của địa danh Huế chẳng hề mất, mà vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cư dân thuộc cộng đồng Việt Nam đa dân tộc: người Chăm.
Trước thế kỷ XIV, chính xác là trước năm Đinh Mùi 1307 — lúc triều Trần chính thức tiếp quản hai châu Ô và Ry (Lý) — thì người Chăm tại lưu vực sông Hương gọi địa bàn mình trú ngụ bằng tên Hoé. Niên điểm ấy trở về sau, khá đông người Chăm dời lần vào phía Nam, song vẫn còn một số người Chăm nán lại trên mảnh đất mà họ đã chôn nhau cắt rốn và sống cộng cư hoà ái với người Kinh từ phía Bắc mới “chân ướt chân ráo” tới lập nghiệp. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chi tiết vào năm Nhâm Thìn 1472, niên hiệu Hồng Đức thứ III: “Ra sắc chỉ cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm.” Nhiều gia đình người Chiêm, tức Chăm, mang họ Bá, Bạch, Cái, Chế, Hàm, Hứa, Ma, Ông / Ôn, v.v., lưu lại xứ Thuận Hoá bấy giờ vẫn gọi đất này là Hoé giống trước kia và giống cách phát âm của bà con họ ở Ninh Thuận lẫn Bình Thuận ngày nay. Địa danh cổ xưa đó về sau được Dictionnaire Căm - Vietnamien - Français (Từ điển Chăm - Việt - Pháp)của Gerard Moussay xuất bản tại Phan Rang năm 1971 ghi là Hwe.
Hwe tiếng Chăm có nghĩa hương thơm, chẳng mấy chốc chuyển thành Huế tiếng Kinh và được ký âm Hán – Nôm là 化. Điều đó khiến hậu thế ngộ nhận rằng Huế do Hoá đọc trại ra. Sự thật thì diễn biến ngược lại. Há lẽ chỉ mỗi Hoá biến thành Huế, còn Thuận 順 lại không biến thành địa danh nào?
Với lối chính tả Việt ngữ sử dụng mẫu tự Latinh (chữ quốc ngữ), dạng Huế cũng sớm được ổn định, ít nhất là từ thế kỷ XVIII. Năm 1755, đại uý hải quân Pháp Le Floch de la Carrière quan trắc thực địa để vẽ Plan d’une partie des côtes de la Cochinchine (Bản đồ một phần duyên hải xứ Đàng Trong) rồi đem về Lorient ấn loát vào đầu tháng 7-1787, đã ghi tên dòng Hương bằng nguyên văn sông Huế và chua thêm tiếng Pháp rivière du Roi (sông Vua). Cũng tại Lorient, giám mục Pierre Pigneaux de Béhaine [Bá Đa Lộc] đã đáp tàu thuỷ đến trước đấy bốn tháng. Giai đoạn 1772–1773, soạn thảo Dictionnarium Anamitico Latinum  Bá Đa Lộc cũng ghi rõ Huế kèm chú giải: “Kinh đô chúa Đàng Trong”. Được xem là kế thừa và phát triển bộ từ điển in năm 1651 của Alexandre de Rhodes, công trình này tạo nền móng cho các bộ từ điển của Tabert, của Génibrel ra đời vào thế kỷ XIX.
Nhiều tổ chức lẫn cá nhân bao lâu đã đầu tư nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn hoá Chăm đối với văn hoá Huế nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung. Ảnh hưởng ấy lần lượt được khám phá qua vô số biểu hiện cụ thể, từ âm nhạc và vũ đạo đến điêu khắc và kiến trúc, từ phong tục tập quán đến miếng ăn tiếng nói, v.v. Năm 1943, với khảo luận Noms et lieux Cham - Annamites (Tên và địa điểm Chăm - Việt), học giả Nguyễn Văn Tố từng chỉ ra hàng loạt địa danh gốc Chăm hiện hữu khắp tỉnh Thừa Thiên. Ví dụ: An Lỗ, Lai Trung, Liễu Cốc, Mậu Tài, Mỹ Xuyên, Nguyệt Biều, Thanh Phước, Tiên Nộn, Ưu Điềm. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng sông Ô Lâu, làng Sình, thị trấn Sịa xuất xứ từ tiếng Chăm. Tuy nhiên, đến hôm nay, rất hiếm người nhận thấy rằng ngay cả địa danh “lớn” là Huế cũng có từ nguyên Chăm ngữ.
Tuệ An

1 comment: