Friday, 11 January 2013

Giai thoại về địa danh: Cái Tàu (Huỳnh Thăng)

Giai thoại về địa danh: Cái Tàu 
Gắn liền với địa danh Cái Tàu ở huyện U Minh còn có những tên gọi được nhiều người biết đến như: sông Cái Tàu, xóm Cái Tàu, chợ Cái Tàu, ngã ba Cái Tàu, vàm Cái Tàu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa danh "Cái Tàu" đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay, trước cả thời kỳ Nguyễn Ánh bôn tẩu xứ Cà Mau. Đầu tiên là tên sông, rồi thành tên xóm, tên chợ, tên vàm… Con sông Cái Tàu dài khoảng 43 km, bắt nguồn từ ngã ba Cái Tàu, chảy qua xóm Cái Tàu về phía thị trấn U Minh rồi đổ ra Vịnh Thái Lan.
Địa danh "Cái Tàu" mang nguồn gốc dân gian rất rõ nét. Chữ "Cái" được dùng cho tên gọi các dòng sông ở khắp ba miền của Tổ quốc. Những con sông lớn như: sông Hồng, sông Gianh, sông Tiền, sông Hậu… đều được người địa phương gọi là sông Cái. Tác giả Lê Bá Thảo viết trong sách "Đời sống con sông" (1960) đã khẳng định: "Sông Hồng cũng có tên gọi là sông Cái" với lý giải như sau: "Cái có nghĩa là mẹ. Nhân dân ta đã ví các con sông lớn chảy qua địa phận mình ở như con sông mẹ, còn các sông nhỏ đổ vào sông Cái gọi là sông Con". Sách "Đại Nam quốc âm tự vị" (1895) của Huỳnh - Tịnh Paulus Của cũng giải thích sông Cái là "sông lớn, sông mẹ".
 
 Trái dâu - một đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cái Tàu.                Ảnh: LÊ HỮU LỢI
Hầu hết các con sông lớn, sông chính của từng địa phương đều có tên gọi dân gian là "sông Cái" trước khi được đặt những tên khác. Và liên hệ với các địa danh mang từ tố "Cái" để thấy rằng, từ những tên gọi chung là "sông Cái" kết hợp với yếu tố khác (tên vùng đất, đặt điểm riêng…) trở thành những địa danh cụ thể: Cái Sắn, Cái Thia, Cái Bé (Kiên Giang), Cái Nước, Cái Tàu, Cái Rắn (Cà Mau), Cái Bè (Tiền Giang), Cái Mơn (Bến Tre), Cái Vồn (Vĩnh Long), Cái Răng (Cần Thơ)… Từ tên gọi chung theo thời gian được chuyển hóa thành tên gọi riêng là một trong những quy luật hình thành của địa danh.
Về nguồn gốc của từ "Cái" thì nhiều tài liệu khẳng định đây là một từ thuần Việt, và đã được người Việt sử dụng từ rất sớm. Khoảng thế kỷ thứ VIII, khi vị anh hùng Phùng Hưng qua đời, dân chúng suy tôn ông là "Bố Cái Đại Vương", chữ "Cái" (danh từ) ở đây có nghĩa là mẹ. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, với tác động của văn hóa, việc sử dụng từ tố này đã mang nhiều tầng ý nghĩa. Đầu tiên, "Cái" có nghĩa mẹ, và "sông Cái" có nghĩa là sông mẹ.
Đặc điểm này tương đồng với cách gọi sông Mê-Kông của người Thái Lan và người Lào, họ dùng chữ "Mê-Kông" (phiên âm) để gọi tên con sông lớn với ý nghĩa "Kông" là sông,"Mê" là mẹ. Cách thức gọi những sự vật quan trọng, chính yếu là "Cái" có lẽ xuất phát từ nguồn gốc mẫu hệ xa xưa của cư dân Nam Á. Chính vì thế, từ này còn mang nghĩa phái sinh khác, "Cái" là chính, là giữa, là chủ yếu.
Đối với địa danh "Cái Tàu", bằng cách tiếp cận đầu tiên là sông Cái Tàu có thể giải thích: "Cái" là cách dân gian gọi con sông chính (hoặc sông mẹ), vì hai bên tả ngạn và hữu ngạn có rất nhiều sông rạch nhỏ chảy về nhiều hướng, dẫn nước hòa vào hệ thống sông rạch nhỏ nằm chằng chịt ở xứ U Minh.
Về nguồn gốc chữ  "Tàu", theo cách gọi của người xưa dùng để chỉ những vùng nước lợ. Có tài liệu giải thích, "Tàu" có nghĩa là lạt. Sông Cái Tàu ở U Minh có lẽ do được hòa lẫn bởi nước ngọt của sông Trèm Trẹm với nguồn nước mặn bên dòng Ông Đốc chảy qua rồi đổ ra Vịnh Thái Lan nên trở thành nước lợ, thứ nước lạt lạt, không mặn mà cũng không ngọt, được cư dân đến định cư sớm ở đây gọi là nước "tàu". Như vậy có thể giải thích, địa danh "Cái Tàu" là dòng sông chính (sông Cái) nước lợ của vùng U Minh.
Nguồn gốc địa danh Cái Tàu mang đậm màu sắc dân gian và lưu lại nhiều dấu tích của lưu dân thời kỳ khai phá vùng đất phương Nam. Địa danh này còn gắn liền với cuộc nổi dậy chống giặc Pháp của hai anh em Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự vào cuối thế kỷ 19, đó là những năm sau khi thực dân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ.
Theo sử liệu, Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự là con trai của ông Đỗ Văn Nhân (vốn là cử nhân dưới triều Nguyễn). Vào năm 1872, hai anh em họ Đỗ đã chiêu mộ nghĩa quân tại làng Khánh An để tổ chức nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đã diễn ra ác liệt tại vàm sông Cái Tàu và kéo dài được khoảng 3 năm. 
Nghĩa quân của anh em họ Đỗ đã thắng nhiều trận lớn, thu nhiều vũ khí của địch, giết và bắt sống nhiều tù binh. Tuy nhiên, do thế cùng lực kiệt, đến giữa năm 1875 thì không chịu nổi sức đàn áp của giặc Pháp, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự bị giết vào ngày 3/8/1875. Hiện nay, mộ của hai ông vẫn được con cháu dòng họ Đỗ chăm nom và có tổ chức cúng giỗ hằng năm.
Điều đáng lưu ý là cuộc khởi nghĩa này có hàng trăm nghĩa quân và hào kiệt các nơi tập hợp về để tham gia, trong đó có sự tham gia của Trương Quyền, con trai của Bình Tây Đại Nguyên Soái - Trương Định, và hai người con trai của cụ Phan Thanh Giản ở Bến Tre là Phan Tôn (tự là Quý Tướng) và Phan Liêm (tức Phan Thanh Liêm). Sau khi thân phụ tuẫn tiết, hai ông khởi binh chống Pháp ở Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc (1867-1870) và bí mật đến rừng U Minh góp sức cùng họ Đỗ khởi binh.
Cuộc khởi nghĩa của Đỗ Thừa Luông, Đỗ Thừa Tự tuy thất bại nhưng đã gây tiếng vang lớn ở nhiều nơi, làm cho giặc Pháp khiếp sợ, phải huy động nhiều lực lượng để đàn áp. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của người dân Việt Nam ở mảnh đất cuối trời Tổ quốc vào thời kỳ tiền cách mạng./.
Huỳnh Thăng

No comments:

Post a Comment