Wednesday 2 January 2013

Nhìn kên kên hóa đại bàng (Người Đô Thị,số 95, 25- 4-2011).

Xin chớ lẫn lộn  kên kên với đại bàng.
        Số là, trong bài “Bóng Phật trên núi Hùng”, đăng trên Kiến thức Ngày nay số 744, ngày 10-4-2011, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng đã viết:
        “ Thứu Lĩnh/Thứu Sơn hay Linh Thứu Sơn/Linh Sơn là tên gọi chữ Hán của ngọn núi Kênh Kênh [sic] (Phạn: Garuda-kūta; Pali: Gjjha kūta; âm Hán: Kỳ-xà-quật) ở phía đông bắc thành Vương Xá, nước Ma-yết-đà, miền Trung Ấn Độ. Được gọi tên như vậy vì hình dáng núi này giống như đầu con chim thứu và trong núi có loại chim này sinh sống.”
        Rất tiếc là với văn phong đầy chất bác học, đoạn văn ngắn trên lại chứa tới ba cái lỗi không thể bỏ qua. Lỗi thứ nhất thì rất dễ thấy và đã được chúng tôi đánh dấu bằng chữ “sic” trong ngoặc vuông. Đây là lỗi chính tả: kên kên chứ không phải “kênh kênh” (chữ “kênh” này chỉ dùng trong các trường hợp như con kênh xanh xanh, hoặc kênh xì-po, v.v.). Lỗi thứ hai cũng là lỗi chính tả, nhưng của tiếng Pali:gijjha chứ không phải “gjjha”. Nặng nhất là cái lỗi thứ ba mà chúng tôi mạn phép nói kỹ dưới đây.
        Để cho tính chất bác học được hoàn hảo, ông Huỳnh Ngọc Trảng chẳng những đã nêu hai cái tên chữ Hán của ngọn núi mình muốn nói đến, rồi diễn nghĩa tên chữ Hán của nó bằng tiếng Việt, mà còn chăm chút ghi chú cả những hình thức gốc của những cái tên đó trong tiếng Sanskrit và tiếng Pali, rồi cuối cùng là hình thức phiên âm sang tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt nữa. Chỉ tiếc có một điều là cái tên  bằng tiếng Sanskrit mà ông Trảng đưa ra thì lại chẳng hề có nghĩa là núi Kên Kên, tức Thứu Sơn hay Thứu Lĩnh. Ông đã nhầm gdhra thành “garuḍa”, nghĩa là ông đã biến con kên kên chuyên ăn xác chết (gdhra) thành con Đại bàng huyền thoại (Garua), chúa tể của loài chim, kẻ thù của loài rắn (vì rất khoái ăn rắn) và là vật cữi của thần Viṣṇu. Ông cứ ngỡ garua là hình thức Sanskrit tương ứng với tiếng Pali gijjha (mà ông viết thiếu mất chữ “i” sau chữ “g”) trong khi tương ứng với Sanskrit garua lại là hình thức Pali garua. Vậy ta có:
–      Sanskrit garua tương ứng với Pali garua; 
còn
       – Sanskrit gdhra thì mới tương ứng với Pali gijjha.
        Có lẽ ông Huỳnh Ngọc Trảng chỉ muốn vận dụng cái vốn Sanskrit – Pali “cây nhà lá vườn” của mình, chứ nếu ông chịu tra cứu thì chẳng thiếu sách để cho ông sử dụng. Và  ông sẽ thấy Kỳ Xà Quật耆闍崛 phải là hình thức phiên âm từ tiếng  Sanskrit gdhra-kūa hoặc tiếng Pali gijjha-kūa.”
Nhưng Kỳ Xà Quật nghĩa là gì? Dĩ nhiên đây chẳng phải là “hang rắn lạ” (kỳ = lạ;  = rắn; quật = hang) vì những chữ hữu quan chỉ là những tiếng dùng để phiên và ghi âm mà thôi. Muốn tìm nghĩa của nó thì phải đi ngược lên tiếng Sanskrit hay tiếng Pali. Quật 崛 dùng để phiên âm a, có nghĩa là đỉnh, chóp còn gdhra(S)/gijjha(P) thì có nghĩa là kên kên nên các nhà sư người Trung Hoa mới dịch gdhra-kūa(S)/gijjha-kūa(P) thành Thứu Sơn 鷲山, hoặc Thứu Phong 鷲峰, nghĩa là núi Kên Kên hay đỉnh Kên Kên. Chính chữ Thứu 鷲 có nghĩa là “kên kên” đấy! Người Triều Tiên đọc ba chữ Kỳ Xà Quật 耆闍崛 thành Kisagul còn người Nhật thì đọc thành Gishakutsu. Người Anh dịch thành Vulture Peak còn người Pháp là  Pic du Vautour.
Còn garua(S)/garua(P) thì được người Trung Quốc phiên âm thành Ca lâu la 迦樓羅. Họ cũng có dịch nghĩa từ này thành Kim xí điểu – chứ không phải “Kim xỉ điểu”, như đã in trong Từ điển Phật học Việt Nam của Thích Minh Châu & Minh Chi –, như chúng tôi đã nhận xét trên Kiến Thức Ngày Nay số 126, ngày 15-12-1993. Về vấn đề này, chúng tôi đã viết:
“  (có sách phiên ) là cánh; vậy kim xí điểu là “chim cánh vàng”. Đây là ba tiếng mà người Trung Hoa đã dùng để chỉ giống chim thần trong huyền thoại Ấn Độ mà tiếng Sanskrit gọi là garua (Pali: garua). Người Trung Hoa cũng phiên âm tên này thành ca lâu la hoặc ca lưu la. Con garuḍa, tức kim xí điểu, có đầu chim – chứ không phải đầu người – mỏ chim, cánh chim, móng chim và chân người, mình người – chứ không phải mình chim. Nó là vật cỡi của thần Viṣṇu bên Ấn giáo, là chúa tể của loài chim và là kẻ thù của loài rắn. Do đặc điểm này mà trong tiếng Sanskrit nó còn được gọi là nāga-damana, nghĩa là kẻ thuần phục loài rắn.”
Vậy thì garua khác gdhra vì một đằng là đại bàng còn một đằng là kên kên. Garua là biểu tượng của đất nước Indonesia (ngay cả sau khi nước này chuyển sang đạo Hồi). Công ty Hàng không Quốc gia của nước này là  Garuda Indonesia. Nó cũng là biểu tượng của Vương quốc Thái Lan, với cái tên phiên âm rút ngắn trong tiếng Thái Lan là Khruth.
Tóm lai, ông Huỳnh Ngọc Trảng đã cách cái mạng của kên kên thành đại bàng. Đây là một kiểu nhìn gà hóa cuốc trong chữ nghĩa.

No comments:

Post a Comment