Wednesday, 3 April 2013

Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Tý/Tử *chút chuột (Nguyễn Cung Thông)



Nguyễn Cung Thông

Vào ngày 7 tháng 7 năm 2009, một số cô gái Việt Nam bị bắt vì có những hoạt động trái phép (như thoát y trước khi được 'môi giới hôn nhân' cho các đàn ông Hàn quốc). Điều đáng ghi nhận từ sự cố trên là các cô gái được xem mắt đều có trình độ học vấn thấp và
'... Tuy nhiên, theo các cô gái, nếu trúng tuyển họ chỉ được đối tượng môi giới trả 500 USD. Điều đáng buồn, nhiều cô gái khi được cán bộ lấy lời khai thậm chí còn không biết mình sinh năm nào, họ chỉ biết trả lời tuổi con gì trong 12 con giáp! Thậm chí có cô không biết tên thật của cha, mẹ mình!' hết trích - xem chi tiết trên nhiều trang mạng nhưhttp://nld.com.vn/2009070703282134p0c1019/thoat-y-cho-dan-ong-han-quoc-xem-mat.htm hayhttp://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Phap-luat/325821/Moi-gioi-hon-nhan-trai-phep-cho-nguoi-nuoc-ngoai-Xu-ly-hinh-su-moi-du-suc-ran-de.html …v.v…
Ta có thể thấy ngay là cầm tinh con nào (của năm mình sinh ra) rất quan trọng đối với người Việt Nam/VN, ngay cả khi không biết chữ (La Tinh hay Hán Nôm ...). Có người còn tin vào ảnh hưởng của con vật (của năm sinh) vào vận mạng đời sống tương lai của mình. Nhìn qua tên gọi các năm sinh từ một góc độ khác hơn, bài viết của GS TS Nguyễn Văn Lợi/NVL "Câu chuyện: "MÃO: MÈO hay THỎ?" và sự tiếp xúc văn hoá, ngôn ngữ các dân tộc phương Đông" (đăng vào khoảng tháng 3/2011) rất đáng chú ý - xem chi tiết toàn bài trang nàyhttp://www.vietlex.com/ngon-ngu-hoc/91-Cau_chuyen-_MAO-_MEO_hay_THO_va_su_tiep_xuc_van_hoa,_ngon_ngu_cac_dan_toc_phuong_Dong . Vài nhận xét của NVL trong bài trên rất dễ gây ngộ nhận cũng như cho thấy ông không thấu đáo cách giải thích về khả năng nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp. Phần này chú trọng đến con giáp đầu tiên Tý/Tử 子 và các tương quan ngữ âm với chuột tiếng Việt. Một số dữ kiện đã được ghi nhận trước đây trong bài viết ‘Nguồn gốc Việt Nam của tên 12 con giáp - Tý/Tử-*chút-chuột (phần 10)’ đã đăng trên những trang mạng nhưhttp://www.khoahoc.net/baivo/nguyencungthong/280208-muoihaicongiap-ty.htm hay bạn đọc nên xem bài trên (phần 10) trước khi đọc phần 10A (bài viết này) cho liên tục.
Có lẽ nên nhắc lại loạt bài viết về 12 con giáp đã đăng lên các mạng toàn cầu như sau
- các bài số 1, 2, 3 giới thiệu tổng quát về nguồn gốc VN của tên 12 con giáp
- các bài số 4, 4A, 4B viết về chi Mão Mẹo mèo
- bài số 5 viết về chi Hợi gỏi *kui cúi (heo/lợn)1
- bài số 6 viết về chi Thân *khôn khọn (khỉ)
- bài số 7 viết về chi Tỵ rắn
- bài số 8 viết về chi Thìn/Thần long-rồng
- bài số 9 viết về chi Dần *kính kễnh
- các bài số 10, 10A viết về Tý chút *chuốt chuột
- các bài 11, 11A viết về chi Sửu *tlu/klu tru trâu2
- bài số 12 viết về chi Tuất *chuak *sio chó
- bài số 13 viết về chi Ngọ *ngự ngựa
- bài số 14 viết về chi Dậu *rơga gà
- các bài số 15, 15A viết về chi Mùi Vị *mjei dê
Các bài viết riêng với các chủ đề khác (cũng đánh số từ 1 đến 15 như trên):
- Tại sao Nhật, Hàn, Inđô … không đặt vấn đề với nguồn gốc tên 12 con giáp? (phần 1)
- Ngưu là trâu hay bò?
Như vây là có ít nhất 22 bài viết khác nhau về cùng một chủ đề - nhớ rằng các bài đánh số 4A, 4B ... là các bài viết riêng (cập nhật) và tiếp theo bài 4 (bài đầu tiên), cũng như các bài 10A hay 15A ...v.v... Đây là không kể các bài viết nhỏ hay các bài phát ra, phỏng vấn (ở Melbourne/Úc hay California/Mỹ) và trao đổi trên các diễn đàn từ năm 2000 - như diễn đàn Viện Việt Học, Quách Hiền, Nguyễn Phúc Anh, đài phát thanh BBC Tiếng Việt ... Và không kể các bài viết đưa ra các vết tích của tiếng Việt (cổ) trong tiếng Hán (cổ) hỗ trợ cho khả năng nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp
- Vết tích liên hệ long-rồng và sông qua ngôn ngữ (phần 1)
- Tản mạn về danh từ ‘cá sấu’ : vết tích phương Nam trong tiếng Hán (phần 1)
- Tản mạn về danh từ trà (chè) (phần 1)
- loạt bài "Bụt hay Phật"
...v.v...
Sau khi xem qua hình ảnh tổng quát về các từ HV (Hán Việt) hay VH (Việt Hán) trong ngôn ngữ, trở lại chủ đề này và hãy xem lại các cách đọc (phiên thiết) của chữ 子
a) tức lý thiết 卽里切 (Đường Vận/ĐV), tổ tự thiết 祖似切 (Tập Vận/TV) âm tử 音梓
b) tài tứ thiết 才四切 (Chính Tự Thông)
c) tử đức thiết 子德切 âm tắc 音則 (Khang Hy)
(không thấy phiên là tức di thiết 卽移切 hay tương chi thiết 將支切 - đọc là tý/tí như 訾)
Thành ra không phải ngẫu nhiên mà âm 'Hán Việt' lại dùng âm Tý (một tý/tí - một chút so với *chuột) mà không thấy dùng âm Tử3 子cho tên 12 con giáp (tự điển Việt Bồ La/1651) cũng như cách gọi 'ông Tí' là 'ông chuột' (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị/1896). So với chữ 梓 lại đọc là tử chứ không theo cách phiên thiết hay là tức ly thiết 卽里切/ĐV hay tổ sĩ thiết 祖士切/Vận Hội có âm tỷ/tì 耔 (hay 秄).
1. Bàn thêm về thành phần hài thanh Tý/Tử 子
Ngoài các liên hệ như tỷ 姊 (chị), tự 寺(chùa), thì thời 時 chừ (giọng Huế), các âm tốt/thốt 卒hay thúc 倏so với chợt ...v.v... đều chứng tỏ liên hệ ngữ âm t-ch rất rõ nét như đã nêu ra trong bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Tý Tử chút *chuốt chuột (phần 10)"; ta còn có thể nhận ra tương quan ngữ âm t-ch qua các dữ kiện sau đây.
1.1 Tiếng kêu chiêm chíp, chút chít 吇 吇 (từ láy)
Một chữ hiếm trong vốn từ Hán cổ là tử吇theo Tập Vận4
Chữ tử 吇 viết bằng bộ khẩu口hợp với chữ Tý 子 theo Tập Vận/TV chỉ tiếng kêu của chim (tiếng Việt còn dùng âm chíu chít, chiêm chíp ... đây là các tiếng tượng thanh hay nhái theo tiếng chuột hay chim kêu)
【 集韻】 祖似切, 音子。 吇吇, 鳥聲
【Tập Vận】 tổ tự thiết,âm tử。*chit chit,điểu thanh
Không thấy loài chim nào lại hót với âm ‘tý tý’ hay ‘tử tử’ - so với chiêm chíp, chít chít, chíu chít - cũng như âm thanh phát ra từ loài chuột, khối lượng nhỏ như loài chim nên thường phát ra các âm có tần số cao5. Tiếng chim kêu là chiêp (tiếng Môn), k-chiêp (Khme), chíp chíp ... ch-chim ch-chíp (Thái), chiep chiep (Lào), kchiep kchiep (Mã Lai) ...v.v...
Ngoài liên hệ đến chút chít (tiếng kêu của loài chuột, chim, gà ...), thành phần hài thanh tử子còn liên hệ đến huyết thống (gia đình) - rất khác với tiếng Hán tôn 孫 hay tử tôn 子孫 , tằng tôn 曾 孫, huyền tôn 玄孫 (cháu chít, cháu chắt) so với tằng tổ (曾 祖, ông cố - ba đời) …
chắt (con của cháu, ba đời - tằng tôn)
chít (con của chắt, bốn đời - huyền tôn)
chút (con của chít, năm đời) (Việt Nam tự điển6 , 1956)
'Chít, nhỏ chít: nhỏ bé, chát chút chít : cháu đời thứ bốn
...
Chút chít, cháu chát, chút chít: cháu chắt' (tự điển Việt Bồ La)
Rõ ràng khái niệm huyết thống và âm thanh (phụ âm đầu ch-) đã từng hiện diện trong tiếng Việt mà tiếng Hán chỉ có ký âm là tử 子 : mấu chốt của các tương quan này là chính là phạm trù nghĩa của các âm chút/chít hàm ý nhỏ hay ít. So với các ngôn ngữ láng giềng, tiếng Môn: con chút con chik; tiếng Thái chuôt, trutx, xuôt hay jéet จี๊ด (rất nhỏ) ... đều gợi ý nhỏ nhoi, tý ty (tí ti). Các cách dùng cháu chắt chít chút (tiếng Việt, Môn, Khme ...) như đã ghi nhận phù hợp với kết quả nghiên cứu trước đây của tác giả Paul K. Benedict7; ông đã từng so sánh các ngôn ngữ ở Đông Nam Á và kết luận rằng tiếng Hán đã nhập vào một số từ về liên hệ (tổ chức) gia đình, cũng như hệ thống xã hội và chính trị của người Trung Quốc cổ đại đã bị ảnh hưởng và thay đổi rất nhiều khi tiếp xúc với các dân tộc từ phương Nam (Benedict đề nghị dùng danh từ riêng Austro-Thai-x hay AT-x để chỉ ngôn ngữ phương Nam 'nguyên thuỷ' đã từng hiện diện này). Trong bài viết gần đây hơn "Austroasiatic loanwords into Sino-Tibetan" - xem chi tiết trang này http://sealang2.net/archives/mks/pdf/18-19:1-13.pdf , Benedict ghi nhận các tương quan về danh từ chỉ cha mẹ giữa tiếng tiền-Waic (proto-Waic), tiếng tiền Miến-Tạng (proto Tibeto-Burman) và tiếng tiền Hán-Tạng (proto Sino-Tibetan) và đề nghị thêm một cách giải thích qua khả năng hiện tượng vùng (areal features).
Tương quan tử (tý) và chút chít (tiếng kêu) còn vết tích trong cách dùng *chi chi 吱吱 chỉ lên tiếng (kêu lên) hay *chiu chiu 啾啾 (thu thu HV jiū jiū BK) thường gặp hơn, như hiện diện trong tự điển HV của Thiều Chửu chẳng hạn. Tương quan t-ch của tý tử - *chút chuột không chỉ có mặt trong tiếng Việt, nhưng còn để lại dấu ấn trong các ngôn ngữ miền Nam TQ, như giọng Mân Việt 閩南語 : đọc tý tử giống như chi2 chu2 - xem các giọng đọc tý tử trang nàyhttp://tool.httpcn.com/Html/Zi/24/PWKOKOMETBUYBUYAZ.shtml , hay qua cách phiên thiết. Thường thì âm chi 之 dùng để phiên phụ âm mặt lưỡi tắc (vô thanh) ch-, như châm 針 (cái/ cây kim, kim là âm cổ còn duy trì trong tiếng Việt) đọc là
【 廣韻】 之林切
[Quảng Vận] chi lâm thiết (đọc là châm - âm châm 音斟)
Dựa vào một số cách phiên thiết trung cổ như trên, ta có cơ sở phục nguyên một cách đọc cổ hơn của Tử/Tý 子
1.2 Chớp 䁒 tập HV (chớp mắt, nháy mắt)
Chữ hiếm 䁒 có các cách đọc trung cổ như sau
【 廣韻】 子入切 【 集韻】 卽入切
[Quảng Vận] tử nhập thiết [Tập Vận] tức nhập thiết - đọc là tập HV so với các dạng chợp/chớp/chập/chặp trong khẩu ngữ.
Để ý âm tử 子 được dùng để chỉ chớp (mắt), phản ánh qua giọng Quảng Đông của âm này là cap1 caap1 zap6 (so với giọng BK là zí, jí). Tiếng Hán thường dùng chữ trát 眨 để chỉ chớp (mắt) hơn.
1.3 Chữ tiếp 楫 (mái chèo), theo Thuyết Văn Giải Tự (biên hiệu 3769)
楫,[ 子葉切 ], 舟櫂也。 從木咠聲
Tiếp [tử diệp thiết] chu trạo dã . tùng mộc *chập/tập thanh
【 集韻】 側立切, 音戢。 聚也
【Tập Vận】 trắc lập thiết,âm tập。Tụ dã
Một nghĩa của tiếp là tụ tập (chập lại, chắp, chợp …) - đây là vết tích của tương quan phụ âm đầu t- (tử, dùng trong cách phiên thiết tử diệp thiết) và phụ âm ch- (chập).
1.4 Chữ tức 鯽 là cá nốc, cá diếc …
Tức HV so với jì, jí BK - giọng Hẹ là tsit7 tsit8, giọng Mân Nam là chit1 - cũng là loài cá chép. Cá chép thường được biết là lý hay lý ngư 鯉 魚; hãy so sánh cách phiên thiết phụ âm đầu của âm trung cổ tức鯽
【 廣韻】 子力切 【 集韻】 節力切
[Quảng Vận] tử lực thiết [Tập Vận] tiết lực thiết
Đây cũng là một dữ kiện cho thấy liên hệ của phụ âm đầu t- (tử) và ch- (chép).
1.5 Chữ xiệp/tiệp 啑
Theo các thư tịch TQ thì xiệp/tiếp có thể đọc như
【 音義】 啑, 子答反
[Âm Nghĩa] xiệp, tử đáp phản
【 集韻】 所答切, 音霎。 又子洽切, 音眨
[Tập Vận] sở đáp thiết,âm siếp。Hựu tử hiệp thiết,âm trát - nhắc lại: trát có nghĩa là chớp (nháy, chợp mắt).
Tiếng Việt còn duy trì các dạng cổ hơn là chép (miệng, môi), bép xép ... đều hàm ý nói nhiều (đa ngôn mạo 多言貌). So với các từ chắc, chặc (lưỡi), hay chùn chụt (hôn chùn chụt, bú chùn chụt ...); đây là các từ nhái lại hoạt động của môi khi nói chuyện (tượng thanh cũng như tượng hình).
Từ láy toàn phần xiệp xiệp diễn tả tiếng kêu (tần số cao) của côn trùng
〖啑啑〗∶蟲鳴聲
〖xiệp xiệp 〗∶trùng minh thanh
2. Tử 子 trong văn hoá Hán ám chỉ loài nào?
Từ giáp văn, kim văn và chữ triện, ta có thể nhận ra nguồn gốc của chữ tử là hình đứa bé với cái đầu khá lớn, chẳng liên hệ gì đến loài chuột và tính chất tổng quát nhỏ nhoi (chút, tý); như vậy là chữ tử 子có nguồn gốc liên hệ đến loài người (không phải thảo mộc hay loài vật nào cả); xem chi tiết ở bảng tóm tắt trang sau
Xem các bộ thủ như bộ thử (chuột), khuyển, trỉ, thỉ ... không thấy trường hợp nào dùng chữ tử để tạo chữ mới, nhưng bộ trùng thì có thể kết hợp với chữ tử thành chữ tử 虸 (là chữ hiếm, tần số dùng là 40 trên 65348624):
【 唐韻】 卽里切 【 集韻】 祖似切, 音子. 虸蚄, 蟲名。 害稼
【Đường Vận】 tức lý thiết 【Tập Vận】 tổ tự thiết,âm tử。tử phương,trùng danh。Hại giá
Tử (phương) là loại sâu ăn hại mùa màng cũng như loài chuột vậy. Tuy nhiên, tử (phương) là loài sâu Mythimna separata khác xa loài chuột với quá trình biến thái hoàn toàn như sau - trích từ trang http://www.hudong.com/wiki/%E7%B2%98%E8%99%AB
Nếu tử đã từng chỉ loài chuột hay một loài tương tự như vậy, ta có cơ sở để lý giải về nguồn gốc ‘phương Bắc’ của âm và nghĩa của tử một cách tương thích. Nhưng tình hình lại khác hẳn, tử (âm trung cổ - ít nhất là từ thời Đường Vận hay khoảng 751 SCN) chỉ loài sâu bọ, dẫn đến một kết quả là khả năng ký âm của tử hay tý cho âm *chut/chuot của một tiếng nước ngoài nhập vào tiếng Hán cổ điển; tiếng ngoại quốc ấy có thể chính là tiếng Việt (cổ) của phương Nam dựa trên các tương quan ngữ âm đã được nêu ra.
3. Âm ‘chuột’ qua các thư tịch Hán Nôm
3.1 Chuột được ghi âm là 卓 trác HV trong An Nam Dịch Ngữ7 , so sánh với các cách đọc trung cổ của chữ trác
【 唐韻】竹角切 【 集韻】 側角切, 音涿
【Đường Vận】 trúc giác thiết 【Tập Vận】 trắc giác thiết,âm trác
Âm trác phù hợp với âm chuật (chuột, tự điển Việt Bồ La), so với chữ Nôm dùng truật (???) (chữ này rất hiếm) với các cách đọc như sau
【 廣韻】 丑律切 【 集韻】 敕律切, 音黜
【Quảng Vận】 sửu luật thiết 【Tập Vận】 sắc luật thiết,âm truất。
Chữ truất (???) còn cách viết khác là 䟣; đã từng được ghi nhận trong Thuyết Văn Giải Tự, Ngọc Thiên, Long Kham Thủ Giám ...
3.2 Chước 䶂 là sóc hay chuột?
Chữ hiếm chước 䶂. thường được giải thích trong các tài liệu TQ (Khang Hy, Hán Ngữ Đại Tự Điển) là loài sóc (squirrel), đã có mặt ít nhất trong Thuyết Văn Giải Tự, biên hiệu 6372, chỉ một loài chuột
䶂,[ 之若切 ], 鬍地風鼠。 從鼠勺聲。
䶂,[chi nhược thiết ],hồ địa phong thử。Tùng thử chước thanh。
Quảng Vận/QV còn ghi lại là chước thuộc loài chuột (thử thuộc 鼠屬, thử danh 鼠名- hay bay 能飛 năng phi - so sánh với truất (???) bên trên), nhưng nhỏ hơn (tựa thử nhi tiểu dã 似鼠而小也). QV còn ghi một cách đọc khác của chước là
tức lược thiết 卽略切 - so với cách đọc
tức ước thiết 卽約切 âm tước 音爵 (TV)
Rõ ràng nói lên liên hệ của phụ âm t- (tước, tử) và ch- (chước, chuột). Nguyên âm -ươ của thành phần hài thanh chước 勺 có một biến âm là -uô như chữ dược 藥 đọc là dĩ chước thiết 以灼切/ĐV hay dặc ước thiết 弋約切/Vận Hội: tiếng Việt bây giờ đọc là thuốc (*thuốt); so với chước 䶂 và chuột. Một điểm đáng chú ý ở đây là chước còn có thể đọc là báo: ba giáo thiết, âm báo 巴校切, 音豹 (TV). Một âm báo (beo) để chỉ hai loài vật (chuột và beo) phản ánh phần nào trường hợp hợp một âm ngoại quốc đã nhập vào tiếng Hán và tạo ra sự trùng hợp hi hữu này. Chước còn có thể viết bằng bộ khuyển hợp với chữ chước犳 (chữ hiếm) nghĩa cổ là báo (con beo). Không những cùng bộ gặm nhấm (Rodentia), chước (loài chuột) còn có liên hệ ngữ âm đến sóc qua tương quan ch-s/x (chung quanh - xung quanh, chéo – xéo, chẻ - xẻ …); điều này phù hợp với cách dịch sóc là tông thử 鬆鼠 (chuột có nhiều lông) trong vốn từ Hán hiện nay; sóc bay (flying squirrel - thuộc tông Pteromyini) còn được gọi là ngô thửphi thử 鼯鼠, 飛鼠 (chuột bay). Tiếng Nhật cũng dùng các từ lật thử, mộc thử 栗鼠, 木鼠 hay risu リスđể chỉ loài chồn. Tiếng Việt còn dùng tổ hợp chuột sóc hay sóc chuột cho vài họ thuộc bộ gậm nhấm này - xem thêm chi tiết trang dưới. Sóc là prok (tiếng Khme), Prok (Bahna, Rơngao, Chăm), prò (Kơho, GiaRai) - so với *pơ-rau (tiền Bahna, Mường de Uý Lộ) và sáu (Việt).
(khó phân biệt được loài sóc này và chuột - nhất là nhìn từ xa hay khi chúng đang di động)
3.3 Chữ hiếm *chươc/chat 虳 là chuột?
Trích Ngọc Thiên (khoảng 543 SCN), chữ hiếm 虳có nghĩa là chuột có tần số dùng là 11 trên 171894734 có một âm đọc là
【 玉篇】 九勿切。 鼠也
【Ngọc Thiên】 cửu vật thiết。Thử dã。
1. Cách đọc cửu vật thiết (*kât, quất, khuất, *chuat/truat/xuat) còn là cách phiên âm các chữ 趉 (chữ hiếm nghĩa là chạy đi/tẩu 走), khuất 屈 - để ý phụ âm k- của cửu tương ứng với ch- ngạc hoá như căn gian, keo giao, kéo giảo, kẹp giáp ... xem thêm chi tiết trao đổi trên diễn đàn Viện Việt Học trang VVH - Forum :: Tiếng Việt :: căn - gian
趉,[ 瞿勿切 ], 走也。 從走出聲 (TVGT biên hiệu 1040)
*chuat/truât/xuât,[cù vật thiết ],tẩu dã。Tùng tẩu xuất thanh
Các dị thể của chữ趉 *chuat/truat trên rất đáng chú ý vì có dạng dùng chữ tử子làm thành phần hài thanh, trích từ trang http://dict.variants.moe.edu.tw/yitic/frc/frc13711.htm
Một kết luận cho phần 10 (bài đăng trước đây) và phần 10A (bài này): ta có cơ sở thành lập tương quan ngữ âm giữa Tý Tử và chút *chuột, không những thế tiếng Việt còn duy trì nhiều liên hệ như huyết thống cũng như các vết tích Hán cổ hỗ trợ cho khả năng Tý tử 子 là một dạng ký âm của một tiếng nước ngoài, và dĩ nhiên người Hán không hiểu Tý Tử từng là tên gọi loài chuột khi nhập vào tiếng Hán cổ. Theo tác giả William G. Boltz9 thì một dạng âm cổ phục nguyên của Tý Tử là *tsjǝgx hay rất gần với âm *chơkh (chơc) tiếng Việt hiện đại. Tiếng Thái cũng dùng âm chuat để chỉ chi đầu tiên, nhưng lại gọi con chuột là nŏo (hay nưu) หนู cho thấy âm chuat này mượn từ tiếng Việt. Tiếng Khme10 cũng dùng dạng *ju:t (chuột) để chỉ chi Tý Tử và chuột, nhưng lại không thấy dùng trong quan hệ huyết thống (cháu, chắt, chít, chút11) không như tiếng Môn (chăk là chắt) và dạng tuch (Khme) là chút. Khả năng nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp phản ánh quá trình giao lưu (cho qua cho lại) linh hoạt của các dân tộc cổ đại (Bách Việt) đã từng sống gần nhau ở phía Nam Trường Giang thời Tiên Tần. Điều này còn thấy trong nhiều di chỉ từ phương Nam và ngay cả từ Tây Á và Phi Châu được khai quật từ lăng mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu12. Đây là một đề tài khác rất lý thú và cần được nghiên cứu cẩn thận dựa vào các dữ kiện khảo cổ, lịch sử (văn bản và truyền thuyết), ngôn ngữ và sinh vật học: như nghiên cứu về di truyền học cũng cho thấy quá trình giao lưu văn hoá cổ đại rất có thể đã xẩy ra mà tên gọi 12 con giáp là một kết quả tự nhiên mà thôi - xem bảng so sánh đánh dấu di truyền (genetic marker) Y-chromosome phần dưới
Phân bố nhóm haplogroup O (Y DNA) ở Á Châu - trích trang http://en.wikipedia.org/wiki/Austro-Tai_peoples#cite_note-13
(tóm lược từ các bài viết của Jerold Edmondson và Shi Hong et al13)
Do đó, không nên chỉ dựa vào một dữ kiện '... Chẳng hạn, để chứng minh tên gọi Tí chính là «chuột», tác giả lập luận: Trong tiếng Việt từ tí (trong câu: Nghỉ một tí) và từ chút (trong câu: Nghỉ một chút) là hai từ đồng nghĩa. Thời cổ đại (khi tiếng Việt chưa có 6 thanh điệu như ngày nay) chút và chuột có cách phát âm giống nhau, như vậy Tí chính là Chuột...' (NVL, bài viết đã dẫn bên trên) để cho rằng lập luận trên không có cơ sở mà không xem kỹ các dữ kiện khác - thật ra chỉ có tiếng Việt mới có hiện tượng ‘cho tôi một tý/ tí' hay 'cho tôi một chút' và 'chút là cháu năm đời', chính vì vậy mà người viết thường nêu ra hiện tượng ngôn ngữ này (rất dễ nhớ) như một khởi điểm cho hàng loạt các dữ kiện tương tự dẫn đến kết luận "nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp".
4. Phụ chú và phê bình thêm
Để dễ nhìn thấy vấn đề đặt ra, bạn đọc nên xem thêm các bài viết về "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp" trên các trang mạng nhưhttp://www.khoahoc.net/baivo/nguyencungthong/150606-muoihaicongiap-2.htm hay bảng so sánh tên gọi 12 con giáp trong các ngôn ngữ Đông Nam Á trong bài viết số 2 (phần 2)http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&id=81 v.v…
1) Bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Hợi gỏi *kui cúi (heo/lợn) (phần 5)" trình bày tại Hội Thảo quốc tế về tiếng Việt tại Viện Việt Học (California, Hoa Kỳ, 2006)
2) Bài "Nguồn gốc Việt (Nam) của tên 12 con giáp - Sửu *tlu/klu tru trâu (phần 11)" trình bày tại Hội Thảo quốc tế Việt Nam Học kỳ 3 tại Hà Nội (12/2008)
3) có thể khi nhập (ngược) vào tiếng Việt, năm Tử hay giờ Tử còn có thể mang nghĩa ngược lại với năm hay giờ sinh: Tử có thể là chết 死 viết bằng bộ ngạt; do đó người Việt dùng âm Tý/tí để phân biệt với Tử chăng? Tuy nhiên, nghĩa của Tý/tí lại trùng hợp với các âm chút và chuột khiến ta phải đặt lại vấn đề. Tương tự như trường hợp của chi Mùi, âm Mùi là dạng cổ hơn của Vị (vô phí thiết 無沸切/ĐV/TV âm vị 音味), tiếng Việt không thấy ai dùng dạng Vị cả! Chính tiếng Việt còn duy trì các âm cổ (Mẹo Mão so với mèo, Mùi so với Vị dê, Tý chút so với chuột ...) và do đó ta cần phải đặt lại vấn đề về nguồn gốc thật sự tên gọi 12 con giáp, thay vì tin tưởng (theo truyền thống) vào nguồn gốc từ phương Bắc một cách mù quáng từ đời này qua đời kia.
4) không những đã hiện diện trong Tập Vận (1067), chữ tử 吇đã có mặt trong Long Kham Thủ Giám 龍龕手鑑 (LKTG) hoàn tất vào năm 997 bởi nhà sư Hành Quân 行均. Tên nguyên thuỷ là Long Kham Thủ Kính 龍龕手鏡 nhưng vì tỵ huý của ông nội vua Tống Thái Tổ (tên là Kính 敬, đồng âm với 鏡) nên đổi thành Giám. Tài liệu này còn xếp khoảng trên 26000 chữ (đa số là dị thể) thành các nhóm chữ chính 正 tục 俗 hiện hành (kim 今), xưa (cổ 古) và dùng tương đương (或作 hoặc tác); ngoài phiên thiết các âm LKTG còn có rất nhiều tục tự trong cuốn Âm Nghĩa Thư 音義書 này - nhờ đó mà một số học giả có thể giải mã các trường hợp chữ hiếm từ các tài liệu khai quật ở Đôn Hoàng 敦煌 - một thành phố và trạm dừng chân lớn trong thời kỳ vàng son của con đường tơ lụa huyền thoại.

Một trang của Long Kham Thủ Giám
Tử 吇còn có nghĩa là rên siếc, đọc là tư tất thiết 資悉切 (LKTG), cùng nghĩa với tức 喞 (rên rỉ).
5) tiếng chuột kêu là chuuchu (Nhật), ccik-ccik (Hàn), cyik-cyik (Thổ Nhĩ Kỳ), chít chít (Việt), cit-cit (Inđônêsian) ... Tiếng chim kêu là chíu chít, chít chít (Việt) so với tiếng Anh dùng các động từ như chirp, chat, chatter, chitter ... ngay cả con gà còn gọi là chick(en), tiếng lóng là chook. Bạn đọc có thể xem thêm bảng tóm tắt các âm thanh phát ra từ các loài chim (nhỏ, lớn) hay chuột, mèo, hổ ... trang này http://www.eleceng.adelaide.edu.au/personal/dabbott/animal.html
6) nhưng theo 'Đại Nam Quốc Âm Tự Vị' (1895) thì P. Của cho rằng chút là cháu bốn đời, cũng như theo Gustave Hue (1937) trong ‘Dictionnaire vietnamien chinois francais’ ghi chút là 'petit-fils de la quatrième génération'. Nếu xem chú (chú em, chú rể, chú mày so với em của bố/ba) đại diện cho thế hệ thứ hai, thì các từ cha chú cháu chắt chít chút tạo thành một chuỗi tên gọi họ hàng đáng chú ý trong tiếng Việt. Về các danh từ (hay đại danh từ) chỉ quan hệ thân thích (bà con), ta nên phân biệt một lớp từ Hán Việt khác liên quan đến gốc Hán Tạng như
chú thúc HV 叔
bác bá HV伯
cậu cữu HV舅
...
Đây là một chủ đề thú vị (kinship terms/tên gọi họ hàng) và nên được tra cứu chi tiết thêm, nhưng không nằm trong phạm vi bài viết này.
7) theo cuốn "Austro-Thai, Language and Culture, with a glossary of roots" viết bởi nhà ngữ học người Mỹ Paul K. Benedict - NXB New Haven (1975). Benedict là một trong những học giả Tây phương nổi tiếng vì đặt lại vấn đề và đưa ra các dữ kiện ngôn ngữ cho thấy ảnh hưởng của phương Nam vào văn hoá ngôn ngữ TQ cổ đại, như nguồn gốc của tên 12 con giáp là từ phương Nam chứ không phải từ phương Bắc hay của người Hán (hiện tượng mượn lại/back loan). Năm 1976, Jerry Norman và Mei Tsu-lin xác nhận thêm một lớp từ trong tiếng Hán có gốc Nam Á - xem bài "The Austroasiatics in Ancient South China: Some Lexical Evidence"; thí dụ như giang 江 là mượn của phương Nam (Nam Á/Austroasiatic) với dạng âm cổ là *krong hay *krung, và nơi giao lưu văn hoá khi tộc Hán di thiên và gặp các dân tộc phương Nam ở khu vực Hồ Bắc (湖北) - khoảng 1000 TCN tới 500 TCN, nhưng còn có thể trước đó nữa vào thời nhà Thương ... Thật ra, tiếng Việt còn duy trì một số âm cổ thuộc dạng *krong với phụ âm r nhược hoá như
扛,[ 古雙切 ], 橫關對舉也。 從手工聲 (biên hiệu 7922, Thuyết Văn Giải Tự)
Giang,[cổ song thiết ],hoành quan đối cử dã。Tùng thủ công thanh
Tiếng Việt còn giữ các dạng âm cổ là KHIÊNG, GÁNH, GỒNG (phụ âm đầu là phụ âm cuối lưỡi) so với dạng ngạc hoá giang và dạng xát hóa sông
杠,[古雙切 ],牀前橫木也。从木工聲 (biên hiệu 3656, Thuyết Văn Giải Tự)
Giang [cổ song thiết] sàng tiền hoành mộc dã。Tùng mộc công thanh
Tiếng Việt còn giữ một dạng âm cổ là (cái) CÁN (phụ âm đầu là phụ âm cuối lưỡi vô thanh tắc k) so với kán (tiếng Thái, Lào), cản (Nùng)...
Một nhận xét lạc quan và đáng thêm vào ở đây là các học giả TQ bắt đầu nhìn lại vấn đề nguồn gốc phương Nam một cách khách quan và thuận lợi hơn, phản ánh qua những tài liệu gần đây trên mạng - trích trang http://www.zdic.net/zd/zi/ZdicE6ZdicB1Zdic9F.htm
南方的河流多称“江”,如:“珠江”、“沅江”;北方的河流多称“河”,如:“洛河”、“渭河”、“漳河”
Nam phương đích hà lưu đa xưng“ giang”, như:“ Châu giang” 、“ Nguyên giang”; Bắc phương đích hà lưu đa xưng“ hà”, như:“ Lạc hà” 、“ Vị hà” 、“ Chương hà”
8) "An Nam Dịch Ngữ" Vương Lộc giới thiệu và chú giải - NXB Đà Nẵng, Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội, Đà Nẵng 1995)
9) theo bài viết "The Old Chinese Terrestrial Rames in Saek" của GS William G. Boltz (Đại Học Washington), đăng trong cuốn "Studies in the Historical Phonology of Asian Languages" thuộc bộ 'Current Issues in Linguistics Theory' - chủ biên William G. Boltz và Michael Shapiro, NXB John Benjamins - trang 53-67.
10) xem chi tiết về âm Khme cổ (khmer ancien) trong bài "Le cycle des douze animaux: histoire d'un contact ancien entre Vietnam et Cambodge" của tác giả Michel Ferlus - đăng trong hội thảo về Ngôn Ngữ Học 'The Sixth International Symposium on Pan-Asiatic Linguistics' (25-26/11 năm 2004, Hà Nội).
11) liên hệ giữa nguyên âm u- (chút) và uô- (*chuốt-chuột) rất dễ nhận ra khi so sánh các cách đọc sau
thuộc 屬 thành phần hài thanh là thục 蜀 - chi dục thiết 之慾切 QV/TV
chuông 鐘 chung HV (thành phần HT là đồng hay *đung) - chức dung thiết 職容切 ĐV
cuộc 局 cục HV
luộc/luốc 綠 lục (sắc xanh biếc)
khung 框 khuông (khuôn)
khùng 狂 cuồng (cự vương thiết 巨王切/QV) hay còn đọc là cuống (cụ phóng thiết 具放 切/TV) -phát cuồng 發 狂 là phát khùng, cuồng cuồng 狂狂 là cuống cuồng ...v.v...
thuộc 熟 thục - đọc là thị lục thiết (Ngọc Thiên) hay thù lục thiết (QV) 【 玉篇】 市六切 【 廣韻】 殊六切
chuộc 贖 thục - đọc là thần thục thiết 神蜀切/QV/TV như cách dùng thục tội 贖罪 ~ chuộc tội. Để ý Thích Văn còn ghi nhận rằng thục có thể đọc là thụ 【 釋文】 贖, 又音樹. Đây là một bằng chứng cho thấy trường hợp nhược hóa phụ âm cuối cũng như chuột và tử (phụ âm cuối vô thanh tắc k/t/p mất đi)
chuốc (rót rượu) 酬 thù - âm trù 音儔/TV
chuột *chụt chút
...v.v...
12) xem chi tiết bài viết về lăng mộ Triệu Văn Đế của tác giả Nguyễn Duy Chính tranghttp://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/12963-phat-hien-mo-trieu-da-nam-viet/ và các trao đổi trên diễn đàn Viện Việt Học trang http://www.viethoc.org/phorum/read.php?15,29271,page=4…v.v…
13) xem chi tiết bài viết của Jerold A. Edmondson "The power of language over the past: Tai settlement and Tai linguistics in southern China and northern Vietnam" (2006) trang nàyhttp://ling.uta.edu/~jerry/pol.pdf
 ***********************************************************************************************************************


Saturday, 30 March 2013

Tại sao chỉ có nội y gợi cảm mà không có nội y khiêu dâm?

Các từ tiếng Pháp lingerie érotique, lingerie sexy, lingerie suggestive, lingerie de séduction (tương ứng với tiếng Anh là erotic lingerie, sexy lingerie, suggestive lingerie, seductive lingerie) cùng chỉ các loại trang phục lót mà người Việt gọi là nội y gợi cảm hay nội y quyến rũ. Không có cái gọi là nội y khiêu dâm. Báo đăng ảnh khiêu dâm có thể bị phạt hành chính, nhưng đăng ảnh gợi cảm thì bình yên vô sự.

Friday, 29 March 2013

Dâm ô là gì?



Dâm ô là dâm dục xấu xa (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:149), thậm chí có thể nói là dâm dục một cách xấu xa, nhơ nhuốc (Nguyễn Kim Thản, 2005:443; Hoàng Phê, 2006:245). Các nhà soạn từ điển làm như thể người Việt có thể dâm dục một cách tốt đẹp hay sạch sẽ được.
Bản thân từ dâm dục vốn chẳng có gì tốt đẹp. Đó là sự ham muốn thú nhục dục quá độ hoặc không chính đáng (Hoàng Phê, 2006:245), tức là nếu ham muốn vừa phải, chính đáng, đúng đắn, hợp lý... thì không bị gán cho tiếng dâm dục.

Wednesday, 27 March 2013

LINH MỤC ĐẶNG ĐỨC TUẤN VÀ CUỐN SÁCH THUẬT TÍCH VIỆC NƯỚC NAM - Vũ Thu Hà & Nguyễn Ngọc Quỳnh

25. Linh mục Đặng Đức Tuấn và cuốn sách thuật tích việc nước Nam (TBHNH 2003)
Cập nhật lúc 21h39, ngày 22/04/2007
VŨ THU HÀ
NGUYỄN NGỌC QUỲNH
Viện nghiên cứu tôn giáo
Linh mục Đặng Đức Tuấn (1806 - 1974) là một trí thức Công giáo tiêu biểu thời cận hiện đại, là người Công giáo đầu tiên đưa ra ý tưởng kính Chúa và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Ông quê ở Gia Hựu, huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định. Ông thông thạo Hán văn và am hiểu Nho học, từng có thời gian 7 năm du học ở trường đào tạo giáo sĩ Pênang (Malaixia), sử dụng được tiếng La tinh, Pháp, Anh, hiểu biết về thần học, triết lý, lịch sử Giáo hội. Linh mục Tuấn trước tác khá nhều, được các bậc thức thức giả thời bấy giờ coi là người có kiến văn, là một trang quốc sĩ.
Những di thảo của Linh mục Đặng Đức Tuấn để lại cho thấy tinh thần yêu nước của một người Công giáo Việt Nam, biết kết hợp hai lý tưởng Thiên Chúa và Tổ quốc. Bên cạnh những tác phẩm như Nguyên đạo, Minh đạo là những tác phẩm tình bày bản chất, giáo lý đạo Công giáo nhằm giải tỏa những sự ngộ nhận, hiểu lầm của các nhà Nho đối với đạo, là những sách bàn về kế sách đánh giặc như Hoành mao hiến bình Tây sách, Sát tả bình Tây hịch, Minh đạo bình Tây sách… ngoài ra Đặng Đức Tuấn còn để lại nhiều bài văn thơ chữ Hán liên quan đến vấn đề quốc sử và giáo sử như Nguyễn vương phục quốc, Gia Long thống nhất, Những ngày truyền giáo đầu tiên, Việc cấm đạo thời Minh Mạng, Thiệu Trị… và các bài văn tế kể về hoạn nạn của ông như Trên đường lâm nạn, Phụng chỉ lai kinh điều trần việc nước việc đạo, các bài văn tế khóc giáo dân tử nạn…
Bài viết này chúng tôi giới thiệu thêm một cuốn sách chữ Nôm do Linh mục Đặng Đức Tuấn viết.
Cuốn sách Thuật tích việc nước Nam, được viết bằng chữ Nôm, là thơ viết theo thể văn. Bản viết tay gồm 56 trang; khổ 31x22cm. Có ký hiệu, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm là: AB.196.
Nội dung sách khá có thể được chia làm hai phần chính:
Phần thứ nhất kể lịch sử truyền đạo Công giáo ở Việt Nam.
Thơ kể vắn tắt từ khi người Bồ Đào Nha đến truyền giáo dưới triều Lê Vĩnh Tộ, đến khi người Pháp nhận việc truyền giáo ở Việt Nam vào thời Cảnh Hưng. Kể lại bối cảnh lịch sử cuối triều Lê: Lê Chiêu Thống chạy sang cầu cứu nhà Thanh, sau mất ở phương Bắc, Quang Trung lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Vương lưu vong:
“Lê Chiêu Thống tìm nơi cầu viện
Qua thanh triều an kiệt, giá băng
Tây Sơn mặc sức hung hăng
Phân chia cõi đất xâm lăng ngôi trời
Bời bời khắp chốn đòi nơi
Du nghiêng thế nước bặt hơi anh hung
Thái Đức, Cảnh Thịnh, Quang Trung
Trăm hai sông núi ngàn trùng phong ba
Nam Bắc lừng lẫy binh qua
Xoay nền tiếm vị đốt toà vương công
Đàng ngoài nhẫn đến Đàng Trong
Lê gia thành quách hoàn không tro tàn
Nguyễn chúa tỵ nạn gian quan
Đã qua Phú Quốc lại hoàn Trấn Tiên”
Sau đó bài vãn kể việc giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh, phò tá Nguyễn vương sang nước Xiêm, mang hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, đem quân và tầu chiến về giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn.
“Ra tay tá quốc An Nam
Dực phù Nguyễn chúa đem sang Xiêm thành
Vua tôi thầy vữa xuất hành
Mấy trung non nước tới thành Kim Lan
Nguyễn chúa ở lại Xiêm bang
Đức thầy phụng mệnh lại hoàn Tây Dương
Bôn lo khôi phục cố cương
Một phen toan tính một trường phân ly
Đông cung niên thiếu ra đi”
(Đông cung Thị Nguyễn vương trưởng tử tòng Bá Đa Lộc vãng Tây Dương)
“Thác cô gánh nặng quyền thời nghĩa thông
Trèo non vượt biển mấy trùng
Một lòng ái kính một lòng nghĩa nhân
Về cố quốc thiệt hơn bày tỏ
Xin viện binh đem tộ Nguyễn gia”
Khi Bá Đa Lộc mất, vua thương tiếc và điếu tang phong tặng rất hậu:
“Núi Kỳ Sơn ngàn tầm chất thảm
Thành Quy Nhơn ảm đạm phong swong
Ngẫm than hai chữ vô thường
Ngàn năm ly biệt một trường bi ai
Cảm công đất rộng trời dài
Ngự bài điếu ngự bài sắc phong
Về Gia Đình Đàng Trong an táng
Lập lăng phần nêu sáng công cao
Đông cung chu lệ thấm bào
Tống chung một thuở ngậm sầu ba thu”.
Sau khi kể lại thời kỳ tốt đẹp của đạo Công giáo thời vua Gia Long và đầu đời Minh Mệnh, bài vãn kể đến cuộc cấm đạo đầu tiên vào năm Minh Mệnh thứ 13 (1932).
“Chỉ truyền cấm đạo mọi nơi
Minh Mệnh trị đời năm thứ mười ba
Năm bắc khắp cõi gần xa
Đạo thánh triệt hạ các cha tử hình
Giáo nhân ai chẳng thuận tình
Trảm giảo lập tức lôi đình oai gia
Ai mà thập chữ bước qua
Thị là thiên thiện chỉ tha về nhà”
Vua Minh Mệnh là vốn rất không ưa Công giáo, năm 1832 đã bắt đầu trục xuất các Thừa sai. Sau cái chết của Lê Văn Duyệt, phó vương Nam kỳ, là người bảo trợ công khai cho Công giáo, tiếp đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, mà các Thừa sai và giáo dân đã có dinh slíu vào làm cho nhà vua thêm cứng rắn. Thực ra nguyên nhân sâu xa về phía triều đình gây nên cuộc cấm đạo là nhà vua nhìn thấy trong sự phát triển mạnh của đạo Công giáo một nguy cơ về mặt tư tưởng đối với Nho giao smà vương triều Nguyễn đặt cơ sở trên đó, có thể có hại cho uy quyền của vương triều. Nhưng nguyên nhân trực tiếp việc đàn áp dân Công giáo vùng miền Trung, một chi tiết lịch sử được linh mục Tuấn cho biết là sự tranh chấp đất đai giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo tại hạt Thừa Thiên:
“Dương Sơn Cổ Lão cơ cầu
(Dương Sơn, Cổ Lão hai xã tại Thừa Thiên hạt)
Kiện nhau giới hạn tranh nhau đất làng
Dương Sơn có đạo vẹn toàn
Cổ Lão không đạo quyết toan kỳ thù
Bời lòng căm ghét phao vu
Trước thưa huyện phủ sau vô pháp đường
Rằng đạo ỷ thế Tây Dương
Phiên kinh đạo trưởng mối giềng đôi co
Cao minh chê lấp khôn dò
Việc đầu thời nhỏ sau to bằng trời
Chỉ truyền cấm đạo mọi nơi”.
Tuy triều đình cấm đạo gắt gao, nhưng do những cố gắng của các nhà truyền giáo và giáo dân, đạo vẫn phát triển.
“Kể phen ở tối đi thầm
Sói hùm chi quản sơn lâm chi nài
Ra tay phạt gốc giống gai
Viên nho vun quên đắc tài dưỡng nuôi
Gại năm nhen nhóm lần hồi
Dịch kinh ấn sách trau dồi đàn chiên
Bản quốc Linh mục chức truyền
Trong thời nguy hiểm khắp miền giữ chăn
Tìm học đồ gửi Pênang
Cho học thông thái để hằng giảng khuyên
Lại chia gánh nặng đàn chiên
Gia Định một mối Thừa Thiên một quyền
Trong ngoài đều có mối giường
Đạo tuy nghiêm cấm đèn thiêng sáng ngời
Giáo nhân ở các phương trời
Thấy gương phúc đức như lời ủy an
Bắc nam ngàn dặm quan san
Quyền trên có đủ ân ban cũng đồng”.
(Gia Định Giám mục Nghĩa, Bình Định Giám mục Thể, Thừa Thiên Giám mục Phan, Nghệ An Giám mục Liệu, Lạng Sơn Giám Sơn Vọng. Tự Gia Định chí Lạng Sơn Giám mục ngũ nhân)
Ba vụ tàu chiến Tây Dương xâm phạm Đà Nẵng vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) năm Tự Đức thứ 9 (1856) và Tự Đức năm thứ 11 (1858) đã làm cho triều đình càng thêm nghi ngờ đạo trưởng, giáo dân tiếp tay cho giặc Pháp. Nhiều lệnh cấm đạo nghiêm khắc được ban hành, đạo Công giáo trải qua bao nhiêu sóng gió, người Công giáo thực sự đứng giữa hai làn đạn:
“Mượn câu giảng đạo làm danh
Làm cho giáo hữu tán tình phen ni
Làm cho nhà nước sinh nghi
Bàn cấm đầu mục khinh khi đạo trời
Làm cho xao xác trong đời
Rung động đến nước đổi dời gió trăng
Ngôi ải Vân khói tan mấy khúc
Cõi Đồng Nai gió xúc ngọn sầu
Khôn cùng mọi nỗi lo âu
Một mình ở giữa hai đầu bắn nhau
Nghĩ thôi mà sợ người sau
Bách tùng đã đốn tranh lau nào trừ
Ngạn rằng diều quạ ăn dừa
Bắt cò phơi nắng nghiêm nhật khắp nơi
Giữa đường mang ách ra đời oan ương
Kẻ ở Tây Dương qua bắn súng
Người bên Nam Việt lạ mang gông
Trời cao khổ vấn khôn đâu thấu
Lý vạy tình ngay nào xét công
Khác trời khác biển Tây Đông
Vì giữ đạo chúa cùgn dồng vấn vương
Mật truyền tỉnh phủ huyện đường
Đạo nhân tận số đền trường đầu khai
Bất kỳ già trẻ gái trai
Mỗi tháng đòi bắt mặc hoài lao đao
Những đi mời xuống ra vào
Cửa nhà bỏ đó hư hao kể gì
Đến quan dạy bảo một khi
Bay mà xuất giáo tất thì xá cho
Đứa nào cứng cổ cưỡng cô
Thừng roi có đó nẹp vỗ có đây
Bay đừng quen chối dại ngây
Đạo ta thì bỏ đạo tây lại thờ
Xá tu cải đạo bây giờ
Bước qua thập tự ngĩ nhờ xá ân…”
Những cuộc cấm đạo đó đã đem lại bao nhiêu đau khổ cho giáo dân và những thiệt hại nặng nề cho các giáo phận. Khi Linh mục Tuấn khi được tha trở về thì: “Tuấn về thăm viếng đã nhiều. Mười phần cố cựu tàn phiêu bảy phần”. Bài vãn còn kể lại tên các giáo sĩ, giáo dân đã tử vì đạo qua các đợt khủng bố với những lời thương xót và ca ngợi.
Phần thứ hai của sách là lời tự thuật của linh mục Tuấn về cuộc đời và những gian khổ ông trải qua cùng những việc ông đã làm cho giáo dân và triều đình từ khi ông bị bắt cho đến khi được thả.
Ông vốn sinh trong gia đình theo đạo Công giáo, cha mẹ anh em đều không còn, sau khi được thụ phong Linh mục ở trường dòng Pênang, ông về làm Mục vụ ở Quảng Ngãi, được khoảng 5, 6 năm thì lệnh cấm đạo cảu triều đình được thi hành nghiêm ngặt, ông phải trốn tránh một thời gian. Năm 1862, Linh mục Tuấn bị bắt giải về tỉnh đường Tư Nghĩa. Tại đây ông một mực kêu oan và xin viết tờ khai, trong đó ông trình bày thành thật rõ ràng về đạo Công giáo cùng sự oan uổng của ông và giáo dân. Bị giam cầm, tra tấn, ông cũng không thay đổi thái độ. Lúc đó có quan bộ Hình, trong Cơ Mật viện đi kinh lý qua, quan đầu bèn tỉnh tâu bày việc của Linh mục Tuấn. Quan Triều đình liền lệnh đưa Linh mục Tuấn về Huế. Ông bị tra tấn đến nỗi không tự đi được phải cho người cáng. Đến Huế, ông ra mắt Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp, những người được vua ra lệnh xét hỏi ông về hai việc: Về văn nguyên đạo Gia Tô và về duyên cớ hành động của quân Pháp, Linh mục Tuấn trình bày:
“Đạo dạy thờ Chúa linh thiềng
Dựng nên trời đất cầm quyền tử sinh
Hễ người thời có tính linh
Giữ lối đạo chính trường sinh cõi trời
Đạo dạy thờ vua dưới trời
Vì vua thay mặt chúa trời trị dân
Đạo dạy thảo kính sinh thân
Cù lao báo nghĩa tư cần đền ơn
Đấy là ba đấng trọng hơn
Hội ra quân phụ có quyền khác nhau.
Rô Ma có một giáo hoàng
Cội đầu hội thánh mối mang đạo trời
Tuy là đạo ở khắp nơi
Giáo hữu chốn chốn vâng lời pa pa
Như giặc bởi nước Rô Ma
Thì tôi cam chịu đạo qua phá rầy
Vốn nay chẳng phải làm vây
Lãng Sa nước khác đến gây chiến trường
Giặc này tôi chẳng biết tường
Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh
Vậy nên gây cuộc chiến tranh
Nói đi giảng đọa hoành hành lao niên
Xin thôi lấy việc năm trên
Đạo mà nội qứng với thuyền Lãng Sa
Thời khi thuyền ấy mới ra
Thời là bỏ xứ chạy ồn theo Tây
Bởi đạo không có lòng này
Đây đó bình tịnh xưa nay như thường
Phụng công giữ pháp mọi đường
Binh thuế như hcúng kiều lương như người
Không ý mạn pháp…
Không làm đạo tặc không lời khinh khi
Chẳng dám xuất giáo tuỳ thời
Là vì đạo chúa chẳng vì Lãng Sa
Triều đình là lượng mẹ cha
Bắt roi thời chịu thứ tha thời nhờ
Dễ đâu tôi dám nói vờ
Việc việc đều có sờ sờ chẳng không”
Sau những lời điều trần đó ông được đối xử tử tế hơn. Sau đó ông được quan Thượng mời lên nói chuyện và được yêu cầu làm tờ trình lên vua:
Ngày sau quan Thượng đòi mời
Đem vào mật thất một bên dạy ngồi
Hỏi sao cơ sự đầu đuôi
Truyền soạn cơm nước xong rồi mới ăn
Ăn rồi quan mới hỏi năng
Triều đình nhiều kẻ băng xưng nghi ngờ
Bề trên cũng đã làm ngơ
Cực vì các tỉnh sớ tờ thường tâu
Xin làm nhiều sự cay sâu
Bề trên cũng chịu từ sau đến rày
Như nay đạo trưởng là đây
Làm điều trần án dâng ngay ngự tiền
Nói rõ sự tích căn nguyên
Lượng vua phán đặc việc hiền chớ lo”.
Lúc bấy giờ triều đình Tự Đức đang gặp khó khăn. Phía bắc Lê DuyPhụng nổi loạn, phía nam tranh chấp với Pháp. Triều đình Huế đành phải chọn nhượng bộ Pháp để rảnh tay đối phó với những xuộc nổi loạn phía bắc có vẻ nguy hiểm hơn. Hiệp ước Sài Gòn ký ngày 5/6/1862 trong đó công nhận sự tự do hành đạo của đạo Công giáo và nhượng cho Pháp 4 tỉnh miền đông Nam Kỳ là Biên Hoà, Gia Định, Định Tưởng và đảo Côn Lôn. Trong cuộc ký kết này Linh mục Tuấn được cử làm phái viên phụ tá hai ông Phan Thanh Giản và Lân Duy Hiệp thay mặt triều đình.
“Thuyền Tây ra Huế tháng ba
Hỏi triều đình có chịu hòa hay không
Vua sai quan xuống hội dồng
Chịu giao hoà cuộc cho xong nước nhà
Đến ngày mười bốn tháng ba
Tàu Tây ra lại gửi thư lên thành
Xin cho quan lớn xuất hành
Vào trong Gia Định lập thành lời giao
Triều đình bàn luận lao xao
Khó sao khó định ông nào ra đi
Vì còn nhiều lý kinh nghi
Chưa biết bàn định lý gì cho hay
Phan, Lâm đòi Tuấn hỏi ngay
Tàu Tây xin vậy Tuấn bày làm sao
Tuấn rằng ông lớn lượng cao
Thưa tâu hoàng đế xin vào Đồng Nai
Cho tôi tòng phái mấy người
Tôi cảm quả quyết không ai làm gì
Hoà đặng thời ta hào đi
Bằng hòa chẳng đặng ta thì về ngay
Quan Lâm về tấu nội ngày
Vua ban sắc xuống y rày lời xin”.
Linh mục Tuấn cùng phái bộ đến Sài Gòn. Qua bài thơ ta có thể cảm nhận được không khí Sài Gòn sầm uất, nhộn nhịp, năng động và đang biến đổi rất nhanh chóng, mở ra với thế giới bên ngoài thời bấy giờ. Thật là tương phản với chính sách bảo thủ cô lập của triều đình Huế.
“Đến thành Gia Định tàu dừng
Quan Tây bắn súng chào mừng vang tai
Nam kỳ thiên hạ ai ai
Nghe tầu vua đến ra ngoài ngóng trông
Các dân các nước quá đông
Dập dìu tàu lửa tàu đồng bốn phương
Nghênh ngang phố xá cầu lương
Giang sơn chốn cũ khách thương lạ lùng”.
Phần cuối kể về cuộc thương lượng và ký kết, xong việc Linh mục Tuấn trở về Huế. Các giáo dân bị bắt dần dần được tha và Linh mục cũng trở về quê.
Cuối cùng văn bản cho biết bài vãn di Khâm sai Đặng Đức Tuấn sáng tác. Người chép lại có tên là Lý, chép vào ngày mồng 6 tháng 3 năm Canh Thìn.
Lịch sử truyền đạo Công giáo vào Việt Nam đã xảy ra những sự kiện đáng tiếc mà Linh mục Đặng Đức Tuấn vừa là nhân chứng vừa là người trong cuộc, hơn thế ông đã cửu động đem tài sức của mình tham gia để có thể cải thiện tình hình trong phạm vi có thể. Và điều chúng ta rất biết ơn là ông đã ghi chép lưu lại cho hậu thế. Cùng với những tác phẩm khác của Linh mục Đặng Đức Tuấn, cuốn sách thơ Nôm Tích việc nước Nam của ông là tài liệu quý báu cho những người nghiên cứu lịch sử Thiên chúa giáo nước nhà.
Thông báo Hán Nôm học 2003, Tr.210-222

Tuesday, 26 March 2013

Giao cấu và dâm ô khác nhau thế nào?



Ông Đỗ Văn Đương, viện phó viện khoa học kiểm sát thuộc viện kiểm sát nhân dân tối cao, định nghĩa hành vi giao cấu như sau:
Hành vi giao cấu trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm không chỉ hiểu là giữa nam với nữ, mà diễn ra cả giữa những người đồng giới. Giao cấu được hiểu là việc đưa bộ phận sinh dục của người này chủ động tác động vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người kia, không phân biệt là đồng giới hay khác giới. Như vậy, nếu một người chủ động sử dụng bộ phận sinh dục của mình để “quan hệ” với người khác (không nhất thiết phải là hai bộ phận sinh dục với nhau) thì là giao cấu. Còn nếu chỉ sử dụng tay, chân… tác động vào bộ phận sinh dục của người khác thì coi là dâm ô
Giao cấu, theo cách ông Đỗ Văn Đương định nghĩa, thực chất là quan hệ tình dục. Có điều ông không đủ can đảm để thay đổi từ ngữ trong luật (không thay giao cấu bằng quan hệ tình dục) trong khi vẫn định nghĩa ỡm ờ hành vi giao cấu bằng cách dùng từ quan hệ trong dấu nháy nháy.
Định nghĩa có phần tùy tiện của ông Đỗ Văn Đương vẫn rất bất tiện trên thực tế. Theo đó Bill Clinton có giao cấu với Monica Lewinsky (chủ động sử dụng bộ phận sinh dục của mình để quan hệ với người khác) nhưng cô thực tập sinh chỉ phạm tội dâm ô mà thôi (dùng miệng tác động vào bộ phận sinh dục của tổng thống). Kinh khủng nhất là vợ chồng có hôn thú hẳn hòi nếu chỉ sử dụng tay, chân… tác động vào bộ phận sinh dục của người khác thì coi là dâm ôĐược cái tự tác động vào bộ phận sinh dục của mình thì không phải giao cấu cũng không phải dâm ô.

Monday, 25 March 2013

Thế nào là giao cấu?



Từ điển xưa rất e ấp, thẹn thùng khi phải định nghĩa giao cấu: nói giống đực giống cái đi lại với nhau (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:216). Nhưng thế nào là đi lại?  Có phải là nói chung về việc chơi bời thăm viếng nhau (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:178) hay không? Hẳn là không rồi. Thế thì tại sao cứ phải ngầm hiểu rằng hễ giống đực giống cái đi lại với nhau tất phải có chuyện giao cấu?  

Giao cấu là từ Hán Việt, được Đào Duy Anh (2005:298) định nghĩa là âm và dương giao hợp với nhau = trai gái làm tính giao với nhau (relations sexuelles).

Lê Văn Đức (1970a:554) định nghĩa giao hợp = giao cấu và giao cấu là ăn nằm, đi lại, lấy nhau giữa một nam một nữ hay một đực một cái (Lê Văn Đức, 1970a:553).

Nguyễn Kim Thản (2005:671) định nghĩa giao cấugiao nhau giữa bộ phận sinh dục ngoài của giống đực và của giống cái (ở động vật). Giao hợpgiao cấu (chỉ nói về người) (Nguyễn Kim Thản, 2005:671).

Như vậy các nhà soạn từ điển không thừa nhận quan hệ tính giao (relations sexuelles) giữa nam với nam, giữa nữ với nữ. Hành vi tính giao giữa nam và nữ cũng chỉ được tính là thành sự khi xảy ra sự giao cấu tức là khi dương vật được đưa vào âm đạo. Do đó, theo tiêu chuẩn Việt Nam, việc nữ thực tập sinh Monica Lewinsky thổi kèn cho tổng thống Bill Clinton không phải là tính giao vì không xảy ra sự giao cấu. Vẫn theo tiêu chuẩn Việt Nam, việc lắp đít người nữ bằng dương vật của người nam cũng không phải là giao cấu.


Sinh sản, duy trì nòi giống là một trong những chức năng cơ bản của hoạt động tình dục. Trong nhận thức của người Việt, cái chức năng đó chiếm vị trí quan trọng nhất và trở thành nỗi ám ảnh duy nhất đè nặng lên các định nghĩa của giao cấu. Các khía cạnh khác của tình dục không được người Việt xem là quan yếu, do đó không được nhà soạn từ điển đưa vào định nghĩa.