Wednesday, 22 May 2013

Về cái chết của ông chủ bút tạp chí Nam Phong (Thái Vũ)


Tôi cũng ngạc nhiên đi đến phân vân khi trên số 46 báo TPCN, nhà báo Xuân Ba ghi trên đầu cột số 5 là… “Nhờ hỏi thăm các chứng nhân còn sống mới biết Phạm Quỳnh mất ngày 6 tháng 9 năm 1945…"
Nhưng ở trang 204, trong bài Introduction au Nam Phong 1917 – 1934 bà Phạm Thị Ngoạn, (con gái thứ 6 kể cả trai lẫn gái) của Thượng chi Phạm Quỳnh lại ghi rõ, tôi cứ trích theo bản tiếng Pháp trong toàn tập Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, nouvelle série, no 2 et 3, 2e trimestre 1973, Tome XVIII: “Khi ở Huế đầu tháng Tám 1945, Mặt trận Việt Minh đang cướp chính quyền, trước cả ngày tuyên bố thoái vị Hoàng đế (Bảo Đại) và cả ngày tuyên bố Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội: un groupe armé pénétra en voiture dans la villa Hoa Đường et enleva l’ancien ministre et son gendre Nguyễn Tiến Lãng, C’est le 23 Aout 1945, à 14 heures (16ème jour du 7èm mois de l’année At Dau)
"Pham Quynh ne revint jamais"
Vâng, đó là lời ghi của bà Phạm Thị Ngoạn: Phạm Quỳnh không bao giờ trở về nữa. Bà ghi rất rõ tháng ngày theo Dương lịch: 23 tháng Tám 1945, lúc 14 giờ (tức 2 giờ chiều) (ngày 16 tháng 7 năm ất Dậu)
Rõ ràng là thế, bà Phạm Thị Ngoạn, sinh năm 1922, hẳn tháng Tám 1945 bà đâu có nhỏ, đã là 23 tuổi và là vợ của Nguyễn Tiến Lãng, Lãng tiếp nhận làm chủ bút tạp chí Nam Phong năm 1934 của bố vợ, hiệu là Hán Thu đồng thời nằm trong Văn phòng báo chí Thống sử Bắc Kỳ, thuộc trung tâm Hành chính Bảo hộ – (Administration centrale du Protectorat).
Như vậy ngày 23 tháng Tám năm 1945 là ngày Phạm Quỳnh bị bắt cùng cha con Ngô Đình Khôi. Để rõ hơn, chúng tôi ghi “Chú thích 2” của bà Phạm Thị Ngoạn cùng trang 209 ở bài trên của bà “Hai người, Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh bị bắt cùng ngày (23-8-1945) bởi những người cầm vũ khí và bí mật bị giữ trong một ngôi nhà kín bỏ hoang (Bà Ngoạn dùng chữ “hơi lạ” (dans un pressoir abandonné chữ đó có nghĩa là “máy ép”) dễ hiểu lầm nếu dịch)”
Bà Phạm Thị Ngoạn dẫn chứng một đoạn viết của nhà báo Thanh Lãng (trang 459 – 460) là “sau ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945, Phạm Quỳnh không tham gia trong chính phủ Trần Trọng Kim, không chạy theo đám thực dân người Pháp, cũng không tham gia đảng phái chính trị nào hay gia nhập Việt Minh. Hơn nữa, người ta thấy ông sống một cuộc sống vô tư… Nếu thực tình Phạm Quỳnh đã là một tên tay sai cho Pháp, hoặc tồi tệ hơn nữa là một gián điệp của Pháp, ông ta sẽ không bị sống cách biệt, đơn độc như thế để rồi cuối cùng dễ dàng rơi vào tay Việt Minh…”.
Chứng minh xong điều đó của nhà báo Thanh Lãng về trường hợp Phạm Quỳnh, bà Ngoạn viết thêm để nhắc lại là “ngày đó Phạm Quỳnh được chính quyền (Việt Minh) mời đến dự một cuộc họp ở tòa khâm sử cũ (Bản tiếng Pháp của bà Ngoạn: invité à une réunion à l’ancien Résident supérieure…) ngày 23 tháng Tám 1945 (chúng tôi nhấn đậm T.V) vào đầu sáng buổi nghỉ trưa của ông tại biệt thự Hoa Đường ở An Cựu, gần Huế, để bị bắt giam rồi giết hại ít lâu sau đó”.
Bài viết đoạn trên của bà Phạm Thị Ngoạn khá trung thực, chúng tôi dịch đúng ý bà viết vì có lẽ chính bà đã chứng kiến buổi trưa hôm 23 tháng Tám đó, như phần lớn anh chị em của bà, kể cả Phạm Tuyên.
Tờ TPCN số 47, ngày 20/11/2005 đã giải đáp trong bài “Hai Bộ trưởng Quốc phòng và tám vị tướng một ngôi trường”. Đó là Bộ trưởng Phan Anh và Bộ trưởng Tạ Quang Bửu! Ngôi trường đó là trường Thanh niên Tiền tuyến ở Huế được thành lập thời Chính phủ Trần Trọng Kim, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Thanh niên Phan Anh, là cơ sở của Việt Minh cho đến ngày 23/8/1945 khi khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở Huế thành công.
Trường Thanh niên Tiền tuyến là nơi hội tụ những thanh niên trí thức, vốn là sinh viên gốc miền Trung từ các trường Đại học ngoài Hà Nội trở về, sau ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945.  Họ là một tổ chức nhỏ trong Mặt trận Việt Minh.
Họ là ai? Ngoài hai Bộ trưởng vừa nhắc ở trên, họ là Cao Văn Khánh là Phan Hàm, Võ Quang Hồ, Đào Văn Liêu, Nguyễn Thế Lâm, Cao Pha, Đặng Văn Việt, Đoàn Huyên… là Lê Tư Đồng trong nhóm Việt Minh Trung bộ, là Lê Khánh Khang, Hồ Văn Điểm… mà báo TPCN số 47 nêu tên.
Thiếu tướng Phan Hàm sau này, lúc đó được chú Trần Hữu Dực phụ trách Việt Minh Trung bộ, chỉ định làm chủ tịch Thanh niên tiền tuyến (TNTT).
Ngày 21/8/1945, khi vua Bảo Đại đang được Đại sứ Nhật – Yokohama bảo vệ làm “Quốc trưởng Đại Nam”, đang ngồi ở điện Kiến Trung, thì Đặng Văn Việt và Cao Pha vào nội thành hạ cờ “quẻ ly”, treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ kinh thành Huế. Lệnh treo cờ do Phan Hàm phân công.
Ngày 22/8, trước ngày khởi nghĩa, Lê Tư Đồng (Việt Minh Trung bộ) trao lệnh cho Phan Hàm (Việt Minh TNTT) phải đưa những người dễ tạo điều kiện “gây hấn” ra khỏi thành phố Huế, nghĩa là… đối với hai vị họ Phạm và họ Ngô. Chỉ thị: “Đưa họ rời Huế mới được mít – tinh”. Phân công: - Phan Hàm và Võ Quang Hồ đến thăm biệt thự Hoa Hồng trên bờ sông An Cựu. Còn Đặng Văn Việt và Đặng Viết Châu lên phía bờ sông gần nhà thờ Phú Cam.
Nhưng đến hai “cửa quan” đó, dù là trí thức vẫn là dân thường vô danh tiểu tốt. Lại phải có súng để đề phòng bất trắc, phản ứng lại của cái gia đình danh tiếng, đầy uy thế và đông con cháu, đầy tớ (người làm) đó.
Bởi rằng thời gian đó, dân quanh vùng cho biết “nhà cụ họ Phạm” có một bộ phận lính khố xanh khoảng 20 – 30 bảo vệ (ăn mặc cả đồ thường). Gia đình cụ họ Ngô ở Phú Cam cũng có một đội bảo vệ như vậy.
Hơn nữa, nói là Quân Giải Phóng (gọi theo ngoài Bắc lúc ấy) nhưng anh em TNTT làm gì… có súng. May là anh em gần đây thường tổ chức lừa lính Nhật, cả sĩ quan để “ăn cắp” súng.
Sau  này khi bọn Tàu vàng Tưởng Giới Thạch vào thì… mua súng khá rẻ và khá dễ (1 tô bún bò đầy thịt là được 1 “cá”). Vậy là Phan Hàm và Võ Quang Hồ có 2 khẩu súng 6 – cỡ 35.
Nhưng chưa xong! Hai “cậu cử tương lai” thường mặc áo “sơ mi” quần tây, nay thắng bộ đồ quân sự thì làm sao vô lọt “cửa quan”, nhất là khi các quan đang cảnh giác “dân đen cách mạng làm liều” kiểu thời phá ngục Bastille Đại cách mạng Pháp 1789… thì nguy.
Các quan nhỏ như tri huyện, thừa phái hay đến “chầu” quan Thượng, phải đội khăn đóng, bận áo dài đen. Vậy là “2 cậu” phải xoay đủ bộ trong thời gian ngắn (thời đó dễ vô cùng): áo dài đen, khăn đóng, quần trắng. Cùng lúc là cử người đi “do thám”, để biết rõ tình hình và địa thế khuôn viên villa des Roses.
Nhà các quan có bảo vệ trên 20 người là đông, nên “bên mình” cũng phải lo… tác chiến. Đã hẹn trước với anh Phan Tử Lăng chỉ huy đồn lính khố xanh (là Việt Minh TNTT) để lo 2 xe và mấy anh thanh niên sẽ cùng hướng cầu An Cựu. Trước khi đến nhà cụ Thượng, 2 anh cũng đã xin ý kiến của Việt Minh Thuận Hóa là anh Lê Tư Đồng: Nếu họ chống cự hay có triệu chứng bỏ chạy thì… bắn. Đến 1g trưa, tức 13g (1), nhanh nhẹn và “oai hùng” thẳng tiến. Xe đỗ gần cổng vào, 2 vị “thừa phái” ung dung đi vào không ai hỏi gì.
Nhưng có “sự cố”, vì lúc anh Phan Hàm vừa bước xuống xe để đi vào thì Nguyễn Tiến Lãng vừa từ trong nhà đi ra, Nguyễn Tiến Lãng nhỏ người, gầy nhưng rất tinh và khôn (có lẽ vì thấy có 2 xe), nên… biết ngay “có chuyện xấu”, quay người bỏ chạy.
Anh Phan Hàm bắn, nhưng súng chúc nòng không nổ, Nguyễn Tiến Lãng vội chuồn, còn “ông chỉ huy” Phan Hàm “đút khẩu súng 6 vào túi” (lúc kể, anh Phan cười: Tưởng là hóc đạn, chứ mình đâu có biết… bắn).
Nhờ vậy, nên… êm thắm, Cụ thượng họ Phạm không nghi ngờ gì. Anh Võ Quang Hồ lên lầu, thấy cụ đang ngồi trên ghế salông, khẽ chào và đưa giấy của Việt Minh. Cụ đứng lặng rồi cùng đi xuống lầu.
Anh Phan Hàm ở dưới… “khám nhà” cả trên lầu, thấy ở tủ sách nhỏ của con gái Phạm Quỳnh (không biết của cô nào) vàng lá xếp đống, trong đó. Niêm phong nhà, lầu. Tất cả người nhà cụ Thượng họ Phạm kể cả cụ đều xuống nhà dưới. Đột nhiên, Phạm Quỳnh xin lên lầu cho lấy một “quả trầu” – vì cụ Thượng thường ăn trầu. Thật không ngờ dưới bàn để toàn vàng…
Bắt xong Phạm Quỳnh, mới họp lính bảo vệ, giải thích và vận động họ, vì chính quyền chưa thuộc về cách mạng. Trưa đó Phạm Khuê và Phạm Giao đều đi vắng.
Phạm Giao hiệu là Tiêu Diêu, có viết báo ở Huế. Trong tình thân, tôi hỏi anh Phạm Hàm về cả đống vàng đó, có tịch thu không. Anh bảo: “Mình đâu có để ý vì đang lo bắt Phạm Quỳnh, vả lại không quan tâm, thời đó là thế.
Đến trường hợp Tổng đốc Ngô Đình Khôi! Kể về tội thì Khôi đâu có lớn bằng Quỳnh, nhưng nguy hiểm hơn Quỳnh nếu phải bảo vệ cách mạng. Năm 1985 đó, nhiều người ở Huế vẫn ủng hộ Khôi, cụ thể là một số anh em trong trường TNTT: có tin là đám ủng hộ Khôi sẽ chống lại cách mạng.
Ngay sau đó, anh em TNTT đưa Phạm Quỳnh đến giam ở lao Thừa phủ, có cả Nguyễn Tiến Lãng cũng mới bị bắt. Đó là lệnh của Việt Minh Trung bộ.
Còn Đặng Văn Việt và một cậu nữa được phân công đến Phú Cam bắt Ngô Đình Khôi. Khôi hiền lành đi theo không chút chống cự hay phản ứng. Nhưng lúc ấy Ngô Đình Huân là con trai lại có mặt ở nhà. Huân đã đỗ cử nhân thái độ anh cũng nhẹ nhàng.
Anh đến bên bố nói, mọi người nghe rõ: “Con đi với cậu”. Thực tình không có lệnh bắt Ngô Đình Huân. Anh tưởng bố chỉ bị bắt “tạm” như… bị gọi đi làm rồi về. Có lẽ Ngô Đình Khôi cũng nghĩ như vậy, nên gật đầu. Đặng Văn Việt cũng gật đầu: “Được cậu cứ đi”.
Phan Hàm buồn buồn: “Một cái chết khó đoán, nhưng đúng là Huân bị… chết oan”. Bắt xong thì tin ở Huế loan đi là đã cướp chính quyền. Cách mạng tháng Tám thành công: Đó là ngày 23 tháng Tám năm 1945.
* * *
Mít tinh mừng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 thành công tốt đẹp. Cả Huế người là người và cờ đỏ sao vàng phấp phới khắp mọi nơi.
Song dư âm về chuyện có một số người dự định chống lại cách mạng, chống lại chính quyền mới còn phảng phất vì Bảo Đại vẫn còn ngồi trong điện Kiến Trung. Đó là điều tất yếu với những cuộc cách mạng thay đổi chính quyền, dù ở bất cứ nước nào, xưa và nay.
Tối đó, tôi được chú Trần Hữu Dực cho theo xe con của chú Tài bên Tài chính ra Vinh. Trời rét nhẹ, mưa phùn khi xe đến phà Sông Gianh, có tấm biển báo rõ to chữ Bac (tiếng Pháp, nghĩa là bến phà).
Còn ở Huế?
Tối đó, anh Phan Hàm bảo với anh Nguyễn Thế Lâm là ngay đêm phải “giải” hai cụ ra khỏi thành phố, nghĩa là cả Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi (có Ngô Đình Huân). Anh Nguyễn Trung Lập, TNTT, đi theo xe. Anh Lập lúc đó không phải trong nhóm Việt Minh trường TNTT.
Dặn dò thế nào không rõ, vì cũng là mới khởi nghĩa cách mạng thành công ở Huế nên anh Lập nôn nóng trở về. Xe ra đến Hiền Sĩ, cách Huế chừng 20km, cũng không xa giáp ranh tỉnh Quảng Trị.
Đây là vùng cây cối um tùm, nhất là thuở đó, nhà dân thưa thớt, cách quãng. Năm 1980 – 1986, tôi qua lại nhiều lần vẫn thấy cây hoang dại khá rậm rạp. Khởi nghĩa mới thành công, ai lại không vui, vậy là anh “giam tạm” mấy người trong một gian nhà bỏ trống, nhờ mấy “dân quân tự vệ” cũng mới vào đoàn trông coi rồi… theo xe về Huế ngay…
Lịch sử có những chuyện “gặp gỡ” khá kỳ lạ là hôm sau mấy tên biệt kích Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ, vì như vừa nói, ngoài Hiền Sĩ có đất trống, cây dại cao thấp mọc rậm rịt như rừng, bọn chúng đâu biết là Pháp – Nhật đã bị chính quyền cách mạng… xóa sổ.
Và cũng tình cờ làm sao, khi mấy tên biệt kích nhảy dù an toàn, đang đi… về Huế, bị dân quân chặn lại, bắt giam để báo về Huế với đầy đủ vũ khí hiện đại, thức ăn nước uống, lại nhốt sát bên cạnh nhà giam Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi. Dân quân địa phương không biết gì đã đành, báo cáo về Huế mấy vị lãnh đạo mới nắm chính quyền sốt dẻo lại không chú ý gì vì đang bận chúi mũi bao việc tày trời mới được đảm nhận.
Việc “bỏ quên” đó thật tai hại, vì nơi giam các cụ và 6 tên biệt kích dù chỉ cách có… 1 hàng rào!
Anh em TNTT đã “hốt” thực sự. Anh Phan Hàm kể tiếp: “Tin đó làm anh em TNTT hốt, vội đi xe có đầy đủ vũ khí ra gấp Hiền Sĩ, vừa đi vừa bàn kế hoạch”.
Ba TNTT được Phan Hàm phái theo, trong đó có anh Lê Thiệu Huy (con cụ Phó bảng Lê Thước, tuy nhà ở Đức Thọ, Hà Tĩnh vẫn vô Huế tham gia TNTT bảo vệ cách mạng).
Anh Lê Thiệu Huy giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Đến nơi bí mật tiếp cận hàng rào, anh Lâm Quang Minh nấp, kê súng lên vai anh bạn sẵn sàng như đã bàn là “nếu chúng trở chứng thì đánh”. Lúc ấy 2 tên biệt kích Pháp ngồi ngoài hiên, bọn còn lại ở trong nhà.
Lê Thiệu Huy gọi và ra hiệu nói chuyện. Hai tên ở ngoài hiên vội chạy vào nhà. Tên Castella, thiếu tá chỉ huy ra nói chuyện, hỏi ngay: “Phạm Quỳnh ở đâu?” Rõ ràng là chúng nhảy dù có chủ đích nhưng không biết là Phạm Quỳnh ở ngay nhà bên cạnh.
Lê Thiệu Huy nói: “Tôi được chỉ thị của Chính phủ tôi là bắt giữ các anh lại!”. Tên Castella vặn: “Chính phủ nào”. Đáp ngay: “Chính phủ lâm thời!”. Castella nói xấc: “Quel drôle de… gouvernment!”. Các anh rạo rịt tay súng, nhưng Lê Thiệu Huy vẫn bình tĩnh: “Chính phủ là thiêng liêng, dù là Chính phủ lâm thời…”.
Nhưng anh em đã ào xông vào… Bọn Pháp sợ vì lúc ấy dân quanh đó và dân quân vài người đến, thấy đông chúng xin hàng ngay. Tịch thu súng, mọi thứ tịch thu hết. Lúc anh em về lại Huế, báo cáo cấp trên là tùy lãnh đạo, ngoài ra không biết gì.
Vì vậy, sau đó anh em TNTT cách ly bọn biệt kích Pháp, đưa xuống Sỵa, còn đám 2 cụ thì giao cho dân quân địa phương xử lý, chứ không phải Việt Minh Trung bộ (tức chính quyền mới thành lập), theo lời anh Hoàng Ngọc Diệu là dân địa phương (Hiền Sĩ), kể sau này.
Sự thật quá rõ ràng, vì ngày 23/8, sau khi tuyên bố chính quyền Cách mạng được thành lập, chỉ mới vừa đúng 1 ngày, người ta đang lo bao việc lớn, khi quân Nhật đầu hàng còn “bảo vệ các cơ sở” để bàn giao cho quân Tàu Tưởng vào giải giáp, lại tin quân Pháp theo quân Anh đang có âm mưu chiếm lại Sài Gòn, đánh Việt Nam.
Cũng là lúc Bảo Đại còn đó, đang ngồi ở điện Kiến Trung, mọi việc đều cấp bách thì cái chuyện giải 2 cụ ra xa thành phố cũng chỉ là việc nhỏ, tránh những người chống đối phá quấy.
Mà lúc ấy trong dân chúng, buổi đầu cách mạng, cũng là trong ngày đầu chính quyền mới do dân làm chủ thì mấy tiếng Việt Gian, diệt Việt gian kèm theo hành động lan truyền… khắp mọi nơi, nhất là đối với những người có “thành tích” thân pháp.
Mà hai cụ họ Phạm là Ngô thì rõ ràng quá, tránh sao lúc trong dân, chỉ mới hưởng 1 ngày đầu chính quyền cách mạng, còn căm thù bọn thống trị Pháp và đám tay chân người bản xứ của chúng, có hành động manh động. Đó hẳn là “nỗi uẩn khúc” cuối cùng của ông chủ báo Nam Phong… cho nên dù cái ngày đó là ngày 23 tháng Tám năm 1945 hay ngày 6 tháng 9, nghĩa là trên 10 ngày sau cũng chỉ là trong phạm vi giai đoạn thời gian của sự việc.
Ngày 02-12-2005
Nhà văn Thái Vũ

Tuesday, 21 May 2013

Chụt là gì? (Nguyễn Man Nhiên)

Chụt là gì?
Nguyễn Man Nhiên
Du khách đến Nha Trang, có dịp đi thăm Biệt thự Cầu Đá (còn gọi là Lầu Bảo Đại), Viện Nghiên cứu biển hay Hồ cá Trí Nguyên đều phải qua xóm Chụt, một xóm biển nằm cuối đường Trần Phú nối dài, nổi tiếng với những cửa hàng lâu đời bán đồ mỹ nghệ vỏ hải sản và cả món ăn dân dã bánh canh chả cá.
Nhưng Chụt nghĩa là gì? Tại sao gọi là xóm Chụt ? Khi có người tò mò hỏi như vậy thì hầu như dân địa phương đều trả lời: Chụt là do tiếng Pháp mà ra. Người Pháp viết CHUTT, mình đọc là Chụt. Có đúng vậy không?
Thời Pháp thuộc, khi chính quyền thực dân tráng nhựa con đường biển chạy thẳng xuống Cầu Đá (lúc đó có tên là Avenue de la Plage), họ đã đặt trụ cây số và khắc lên đó chữ CHUTT. Theo đó, các hàng quán nằm hai bên đường xóm Chụt có lẽ muốn Tây hóa nên đều ghi địa chỉ trên bảng hiệu là CHUTT. Và chữ CHUTT dần dần ăn sâu trong cách viết, cách nói của người địa phương, cho tới bây giờ, nhiều người vẫn tin chắc đó là tiếng Pháp.
Thực ra, trong tiếng Pháp không có từ CHUTT mà chỉ có CHUT- một thán từ có nghĩa: im, làm thinh, hoặc từ CHUTE nghĩa là rơi, rớt, sụp đổ ...
Vậy CHUTT, theo chúng tôi, chỉ là cách người Pháp ghi âm tiếng Chụt, một từ thuần Việt có mặt đàng hoàng trong tự điển.
Sách “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ” của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản tại Sài Gòn năm 1895, một trong những quyển tự điển cổ về tiếng Việt Nam bộ, giải thích như sau:
Chụt: vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió.
Lại còn ghi rõ địa danh “Chụt Nha Trang” là “Chỗ núp gió ở tại Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa” (1).
Trong một bài vè kể lại thủy trình từ Huế vô Sài Gòn của dân ghe bầu - tức dân đi buôn bằng ghe thuyền ngày xưa - có đoạn:
Nha Trang xuống Chụt bao xa
Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng
Anh em mừng rỡ lăng xăng
Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra
Anh em chè rượu hỉ ha ... (2)
Sách “Đại Nam nhất thống chí - quyển XI- tỉnh Khánh Hòa” bản in đời Tự Đức khi viết về “Tấn Cửa Bé Cù Huân” cũng chép như sau: “Hòn Lam Nguyên có dân cư, phố xá liên tiếp nhau, gần đó là thôn Trường Tây, tục gọi là phố Đột, lưng tựa vào núi, mặt trông ra biển, mùa thu mùa đông gió to tung cát không thể ở được, phải dời đến hòn Lam Nguyên, đến mùa xuân mùa hạ lại trở về.” (3)
Trong đoạn văn trên, có mấy chi tiết đáng chú ý:
- Hòn Lam Nguyên, sách ĐNNTC bản in đời Duy Tân chép là Bồng Nguyên, (ở đây có thể có nhầm lẫm trong khi sao chép, vì chữ Lam và chữ Bồng (Hán tự) có tự dạng rất giống nhau) tức đảo Trí Nguyên, hiện nay là một khóm dân cư của phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
- Tục danh của vùng này được phiên là phố Đột (nguyên tác chữ Hán ghi là “Đột phố”). Từ phố trong tiếng Hán cổ có nghĩa là cửa biển hoặc bến cảng (ví dụ cảng thị Hội An xưa kia có tên là Hoài Phố). Theo chúng tôi, thật ra “đột” là cách ký mã Hán-Việt âm nôm “Chụt”.
Qua đó, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Chụt là một từ thuần Việt đã có trước khi người Pháp đặt chân tới Nha Trang.
Xóm Chụt là tục danh của làng Trường Tây - trước đây thuộc xã Vĩnh Nguyên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phường Vĩnh Nguyên thành phố Nha Trang. Xưa kia cuộc sống, sinh hoạt ở Chụt diễn ra khá xô bồ, tấp nập. Dân ghe bầu từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vô Nam đều ghé Chụt. Họ mừng rỡ gặp nhau, chén thù chén tạc vui vẻ, trao đổi tin tức, tình hình mua bán. Họ cũng không quên mua lá buông để kết đệm buồm và song mây để chằng cột buồm - hai loại lâm đặc sản của rừng núi Khánh Hòa và được bày bán rất nhiều ở Chụt.

CHÚ THÍCH:
(1) Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 2 tập, Sài Gòn 1895, tr. 172.
(2) Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hóa nguyệt san (Sài Gòn), tập XIII quyển 9 (9/1964).
(3) Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr. 106.
Nguyễn Man Nhiên
Ngày đăng: 25.12.2006

Monday, 20 May 2013

"Món nợ" với Giáo sư Trần Đức Thảo (Ha Anh)


08.5.2013-22:20
GS Trần Đức Thảo




NVTPHCM- Gần nửa thế kỷ từ khi có chủ trương "quét sạch những nọc độc của Trần Đức Thảo trong việc giảng dạy triết học", ngày 7.5, lớp hậu sinh ngồi lại nơi ngày xưa ông làm Phó Giám đốc, nhắc tới những “món nợ” mà ngày hôm nay cần trả.

Một con người đặc biệt

GS Trần Đức Thảo thuộc “thế hệ vàng một đi không trở lại” trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ 20: học hành bài bản ở nước ngoài và trở về tham gia cách mạng.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng những sự kiện tinh thần và chính trị đặc biệt: từ cuộc tranh luận với nhà văn nổi tiếng Jean Paul Sartre 1949 đến việc trở về Việt Nam tham gia cách mạng 1951/1952, từ sự hiện diện trong vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm 1956 đến việc trở lại và qua đời trong âm thầm tại Pháp 1993, và cuối cùng là việc tác phẩm Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II, năm 2000.
Trong tham luận của mình, GS văn học Nguyễn Đình Chú đã phác họa “con người – sự nghiệp” của Trần Đức Thảo với 5 khía cạnh cơ bản:
Là người con ưu tú của Kinh Bắc – Bắc Ninh, cái nôi của người Việt, văn hóa Việt; là một trí thức trọn đời yêu nước với nhiều biểu hiện; là một lưu học sinh đã làm vẻ vang cho tổ quốc trên đất Pháp với tấm bằng thủ khoa thạc sĩ triết học đến nay chưa có người thứ hai; là triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế với những hành động, tác phẩm nổi trội, có ý nghĩa phát triển chủ nghĩa Mác theo hướng “duy vật biện chứng nhân bản” và người khai sinh bộ môn Lịch sử tư tưởng triết học cho giáo dục Việt Nam.
GS Phạm Thành Hưng (cùng biên soạn 2 công trình nổi tiếng trong số di sản đồ sộ của GS Thảo), nhìn nhận: Ông là hiện tượng tiêu biểu của người trí thức Việt Nam thế kỷ 20, người vừa là sản phẩm, vừa là nạn nhân của thời đại; đồng thời cũng là người góp phần tạo ra thời đại. Ông không thể thành thiên tài mà chỉ là môt "thần đồng triết học", vì đã chấp nhận làm một trí thức hiến thân cho cách mạng.
Các tác phẩm của Trần Đức Thảo được nghiên cứu nhiều ở nước ngoài. Một số tác phẩm nổi tiếng của ông đã được nhắc tới ở Việt Nam như: Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức, Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không con người,v.v...
Trước đó, Trường CĐ Sư phạm phố Ulm - Pháp (nơi GS Thảo tốt nghiệp thủ khoa lúc 26 tuổi) cũng đã dành hẳn 2 ngày tổ chức hội thảo về Trần Đức Thảo và dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức vào năm 2013. GS Trần Văn Đoàn (ĐH Đài Loan, ủy viên Liên đoàn Triết học thế giới) nói, Trần Đức Thảo là “nhà triết học có một vị trí đặc biệt” khi phản ánh về vị trí của ông trong giới triết học quốc tế.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế
“Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo” - Ảnh: Lê Văn Long

Sửa sai lối làm khoa học "mờ, nhòe"

Được nhìn nhận là danh giá nhất trong "những ôm trùm văn hóa sáng danh của đất nước", nhưng số phận của Trần Đức Thảo nghiệt ngã chẳng ai bằng. Ông đã gặp bi kịch suốt cuộc đời làm triết học trong hoàn cảnh phi triết học, hoàn cảnh mà người ta chỉcần minh họa và phổ biến những luận điểm triết học có sẵn, không cần sự nghiên cứu, khám phá.
Sau khi qua đời, giá trị của GS Trần Đức Thảo được Nhà nước nhìn nhận lại với những truy tặng: huân chương Độc lập, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Một phần nhỏ trong số di sản đồ sộ của ông đã được tập hợp, dịch sang tiếng Việt và xuất bản. Tiến sĩ Cù Huy Chữ đã bỏ công lưu trữ di sản bề thế của ông với gần 200 tác phẩm bằng tiếng Việt, Pháp và Đức với khoảng 15 ngàn trang, mà chỉ riêng danh mục để liệt kê về "di sản Trần Đức Thảo" đã dày hơn 500 trang.
Cho rằng "một đất nước hùng cường, sánh với với năm châu không thể không có triết học", GS Nguyễn Đình Chú đặt vấn đề: cần nghiên cứu, khám phá toàn diện và thấu đáo giá trị tư tưởng triết học Trần Đức Thảo, để từ đó thúc đẩy triết học Việt Nam.
Tuy nhiên, vị giáo sư cao tuổi cũng nhận thấy "điều này không dễ" bởi đòi hỏi người làm phải có trình độ tiếng Pháp, đặc biệt là tiếng Đức thật giỏi; có trình độ hiểu biết nhất định về triết học thế giới; có hiểu biết về khoa học tự nhiên như vật lý học hiện đại, sinh vật học, khoa học nhân văn (nhân chủng học, sử học, tâm lý học, ngôn ngữ học, logic học) và quan trọng nhất là năng lực tư duy trừu tượng khoa học, trong khi thế mạnh của người Việt lại là tự duy cụ thể.
Nhìn nhận ởkhía cạnh khác, GS Hoàng Chí Bảo phân tích, lâu nay việc nghiên cứu triết học ởViệt Nam bị mờ, nhòe vì lẫn với lý luận chính trị. Vị ủy viên Hội đồng lý luận trung ương này đề xuất cần sửa sai; trả lại cho triết học vị trí độc lập, tách hẳn nghiên cứu triết học độc lập với lý luận chính trị, nếu không thì nghiên cứu khoa học sẽ tiếp tục lạc hậu.

Bài học "siêu sư phạm"

Tiếp thu những bài học từ di sản đồ sộ của GS Trần Đức Thảo là điều không dễ với đa số người Việt Nam. Tuy nhiên những học trò, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã thụ giáo được ít nhiều tinh thần cao đẹp từ nhà khoa học chân chính này.
Một số học trò khóa 1 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn còn nhớ tới hình ảnh người thầy đến lớp không một mẩu giáo án, không ngồi ở ghế mà ngồi lên bàn, không hề nhìn sinh viên, chỉ ngước lên trần giảng đường, nói thì lúng túng, thỉnh thoảng tự mỉm cười. Giờ giảng cho sinh viên sư phạm nhưng sinh viên y dược học chung sân cũng sang nghe, đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông từ phòng chính đến chuồng gà chật ních người nghe và tĩnh lặng.
Theo GS NguyễnĐình Chú, người thầy tưởng như "phản sư phạm" ấy chính là một bậc "siêu sư phạm" vì đã gieo vào lòng ông một ám ảnh suốt đời về phải đeo đẳng và phấn đấu thèm khát suy nghĩ, thèm khát một năng lực tư duy trừu tượng khoa học.
Còn PGS Phạm Thành Hưng đúc kết, việc nghiên cứu và xuất bản di sản triết học của Trần Đức Thảo để lại hai bài học. Bài học về phương pháp tư duy và bài học "không kém phần quan trọng, đồng thời dễ có nhất", là bài học về nhân cách của người trí thức, cũng là bài học làm người.
GS Hưng cũng đem tới hội thảo một câu chuyện ông quan sát bấy nay.
Do điều kiện sống thiếu thông tin trầm trọng, phải đợi đến khi xuất bản sách Trần Đức Thảo, PGS Hưng mới có trong tay trọn vẹn văn bản "Nội dung xã hội truyện Kiều" mà GS Thảo viết cho Tập san ĐH Sư phạm. Bài phê bình văn học sử này khiến ông có cảm giác như đã đọc ở đâu rồi, những ý kiến này có vẻ trùng lặp với một số quan niệm, luận điểm trong các chuyên luận hay giáo trình đại học nào đó. Đọc lại nhiều lần, đưa ra so sánh, PGS Hưng mới biết các tác giả chuyên luận và một số nhà phê bình đàn em đã thực sự kế thừa các luận điểm của Trần Đức Thảo mà không hề chú thích nguồn, xuất xứ.
"Tôi nghĩ, chắc các tác giả đó cũng không có điều kiện, hoặc không có đủ dũng khí đến gặp mà "có nhời" với cụ. Giai phẩm Tập san... chắc chắn thuộc số tư liệu kín, độc giả phổ thông rất khó có điều kiện tiếp xúc. Hơn nữa, việc chú thích một nhân vật hàng đầu của phong trào Nhân văn - Giai phẩm sẽ để những hệ lụy khó lường" - PGS Hưng phỏng đoán.

Nghỉ mà chưa an

Sau khi nghỉ ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cuộc đời GS Thảo là chuỗi cô đơn, với những câu chuyện rớt nước mắt về một lối sống không thể giản tiện hơn (bỏ gạo lẫn nước mắm nấu cơm, bán dần đồ đạc, sách vở để sống, đi trên vỉa hè thường lẩm bẩm một mình...).
Trong những năm cuối đời, GS thiết tha một điều là sau khi mất, sẽ được về an giấc ngàn thu nơi quê cha đất tổ ở làng Song Tháp.
GS Nguyễn Đình Chú không giấu nổi nước mắt khi nhắc nhớ: "Triết gia không vợ con, lại xa quê họ tổ, chỉ có một người cháu ruột đã cao tuổi và sống trong Nam. Hài cốt của ông được nhà nước lệnh cho sứ quán đưa từ nghĩa tang Pere Lachaise về Văn Điển, nhưng ông nghỉ mà chưa an. Mong quê nhà đón ông vềyên nghỉ".
HẠ ANH (VNN)

GS Trần Đức Thảo sinh tại làng Song Tháp, Châu Khê, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, năm 1917
Năm 1936, ông được nhận học bổng sang Paris, Pháp để thi vào trường Đại học Sư phạm Paris. Ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học hạng nhất tại Pháp lúc mới 26 tuổi (1942).
Thay mặt sinh viên và trí thức Việt Nam du học ở Pháp, Trần Đức Thảo đã viết thư gửi về Tổ quốc, bày tỏ tình yêu nước nồng nàn.
Năm 1952 ông về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp.
Sau 1954 về Hà Nội, ông kết hôn, đến năm 1967 thì ly hôn.
Năm 1955, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Ông bị quy tội dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ.

Sunday, 19 May 2013

Trần Đức Thảo Nhà triết học tài danh yêu nước (Ngô Vương Anh)


13.5.2013-21:45
Nhà triết học Trần Đức Thảo (1917-1993)

Nhà triết học tài danh yêu nước

NGÔ VƯƠNG ANH

NVTPHCM- Cuộc Hội thảo khoa học “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo” (Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tại Hà Nội) vừa qua đã phần nào cung cấp thêm những hiểu biết về ông.

Trong Từ điển triết gia thế giới, mục từ tên ông chiếm gần hai trang. Nhưng có lẽ Trần Đức Thảo là nhà khoa học Việt Nam được biết đến ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước.

Nhà triết học hiếm hoi của Việt Nam được thế giới biết đến

Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917. Quê gốc của ông ở làng Song Tháp (nay thuộc xã Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) nhưng Trần Đức Thảo học tập và trưởng thành ở Hà Nội. Thân phụ ông tham gia Đông Kinh nghĩa thục năm 1907, có công cải cách, mở mang làng Song Tháp và được nhân dân kính trọng.
Sau khi đỗ tú tài toán học, triết học và học năm đầu đại học Luật, năm 1936, Trần Đức Thảo sang Pháp học một năm dự bị rồi trở thành học sinh trường Cao đẳng Sư phạm danh tiếng ở phố Ulm. Cần phải nói thêm rằng dù là trường Cao đẳng nhưng đây là trường danh giá bậc nhất của nền giáo dục Pháp đường thời. Muốn thi vào đây phải học qua hai năm dự bị sau khi đỗ tú tài. Trong vài ngàn thí sinh trường chỉ chọn lấy vài chục người. Những người thi hỏng có thể chuyển ngay sang học năm thứ hai ở các trường đại học khác. Dòng thuyết minh sau tên tác giả sách hoặc bài viết: Cựu học sinh trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm được đánh giá cao hơn các bằng cấp khác.
Trong khi học triết học tại trường này, Trần Đức Thảo còn hoàn thành thêm một bằng đại học về giáo dục (trường coi đây là điều kiện để tốt nghiệp). Năm 1943, ông là thủ khoa thạc sĩ triết học (nhưng vì là người của xứ thuộc địa nên chỉ được nhận giải đồng thủ khoa).
Tạp chí Nghiên cứu Đông Dương đưa tin: “Một thạc sĩ mới người Bắc kỳ - Công báo ngày 28-8-1943 thông báo cho chúng ta biết thành công sáng chói của giới đại học với vị trí thứ 1 đồng hạng của ông Trần Đức Thảo trong kỳ thi triết học...”.
Cho đến những năm 50 của thế kỷ trước, Trần Đức Thảo là người ngoại quốc duy nhất thủ khoa thạc sĩ của trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm. Ông có quan hệ học thuật gắn bó với nhiều tên tuổi lớn trong giới triết học như Alexander Kojeve (người Pháp gốc Nga), Jean Paul Sartre (Pháp), Daniel J Herman (Anh), Robert Cohen (Mỹ), Vincent von Wroblewsky (Đức), Feruccio Rossi - Landy (Ý), Ubajenhi Lurektop (Liên Xô)... Trong số những người viết những dòng đánh giá cao Trần Đức Thảo còn có: Roger Gaurudy - cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm phố Ulm, Ủy viên Bộ Chính trị, lý luận gia của Đảng Cộng sản Pháp, Andre’ Haudicuort - nhà ngôn ngữ học tài danh, Lucien Sève - nhà nhà triết học có tiếng của Pháp...
Tháng 6-2012, trường Cao đẳng Sư phạm phố D’Ulm đã tổ chức một Hội thảo hai ngày về Trần Đức Thảo và còn dự định tổ chức lần thứ hai trong năm 2013.
Ở Việt Nam, những học giả lớn đều trân trọng Trần Đức Thảo: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Phan Ngọc... Sinh thời, GS Trần Văn Giàu khi giảng cho sinh viên năm thứ nhất đã giới thiệu: “Muốn biết thế nào là triết học thi hãy đợi đến năm thứ hai để nghe thày Trần Đức Thảo, người đã đọc gần hết sách ở thư viện Paris...”.
Cũng có người đánh giá ông là người Việt Nam ưu tú thứ ba trên đất Pháp trong thế kỷ XX, sau Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Nhiều học giả coi ông là nhà triết học duy nhất (cho đến nay) của Việt Nam trên diễn đàn khoa học quốc tế. Với Chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo được đánh giá là người đã có công phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng thành chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. C. Marx là người “tạo dựng”. Trong triết học ông đã tạo nên một hệ thống tư duy tổng thể và tiếp thu cái mới, Trần Đức Thảo cũng là một triết gia “tạo dựng” theo nghĩa đó.
Thông thạo tiếng Pháp, tiếng Đức, nghiên cứu sâu sắc Heghen, Husserl, Trần Đức Thảo để lại cho nhân loại khoảng 15 nghìn trang viết bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Đức. Những tác phẩm được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của ông là Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng; Tìm hiểu nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức (tác phẩm được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000), Logic của cái hiện tại sống động. Nhưng để đọc và hiểu những gì Trần Đức Thảo viết phải tích lũy được những tri thức nhất định cần thiết (thông thạo tiếng Pháp (hoặc), tiếng Đức, am hiểu về môi trường xã hội và môi trường khoa học mà ông đã sống, hiểu biết về nhiều môn khoa học khác...) điều này không phải ai (ở Việt Nam) cũng đã đạt được.

Người trọn đời yêu quê hương đất nước

Trần Đức Thảo cũng giống nhiều thanh niên trí thức Việt Nam yêu nước khác quyết tâm học “để cho người Pháp biết rằng dân tộc Việt Nam mình cũng thông minh chẳng thua gì người Pháp”. Có một “thế hệ vàng” những trí thức ưu tú: Từ Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Hoàng Xuân Hãn đến Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa sau này. Thậm chí có người đã phải cảnh báo chính quyền Pháp “hãy coi chừng những người Việt Nam xuất chúng như thế” (!) với những trường hợp như Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên.
Từ năm 1944, đang là Tùy viên nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Trần Đức Thảo đã trình bày tham luận về Xây dựng nền dân chủ ở Đông Dương và tiếp xúc với Đảng Cộng sản Pháp. Sau ngày 2-9-1945, ông viết truyền đơn, họp báo ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Trả lời phỏng vấn của báo Le Monde: “Người Đông Dương sẽ làm gì để đón tiếp khi quân đội quân viễn chinh của Leclecre tới ?”, Trần Đức Thảo khẳng khái nói: “Phải nổ súng”. Câu nói này đã làm cho ông phải đi tù ba tháng vì tội “gây mất an ninh cho nước Pháp”. Trong tù, Trần Đức Thảo viết bài báo nổi tiếng Về Đông Dương (Sur L’ Indochine đăng trên tạp chí Les Tempers modernes) nêu rõ quyết tâm bảo vệ nền độc lập và phản đối thực dân Pháp trở lại Đông Dương. Trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp (1946) Trần Đức Thảo làm thư ký cho Người và xin được về nước nhưng đã “bị” khuyên ở lại thêm một thời gian. Hơn 5 năm sau đó ông tiếp tục phát triển sự nghiệp triết học của mình theo hướng macxit và viết nhiều bài kêu gọi kiều bào ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc. Khi ông vẫn còn ở Pháp, ngày 4-9-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cử ông là ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục.
Năm 1951, Trần Đức Thảo rời Paris tìm đường qua London, Praha, Matxcova, Bắc Kinh về Tân Trào tham gia kháng chiến như một “hiện tượng cá biệt” trong giới trí thức khi đó. Sau năm 1954, ông khai sinh môn Lịch sử tư tưởng triết học ở Việt Nam và tiếp tục đề xuất những ý tưởng nền tảng cho việc phát triển giáo dục đại học nước nhà theo hướng khoa học, dân tộc và hiện đại để theo kịp thế giới, kết hợp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải coi trọng khoa học xã hội và nhân văn... Những ý tưởng này tới nay vẫn mang tính thời sự.
Không một lời phàn nàn dù gặp những tình huống khó khăn, nhiều học trò thấy thầy Trần Đức Thảo giữ một thái độ “im lặng hiền từ”. Ông không bao giờ “hối tiếc” quyết định về nước của mình. Qua đời âm thầm tại Paris ngày 24-4-1993, khi một tác phẩm lớn còn dang dở, mong muốn cuối cùng của ông là sẽ được an táng nơi quê cha đất tổ.
THEO NHÂN DÂN

Saturday, 18 May 2013

NGND, Giáo sư Nguyễn Lân: Vị “Sư biểu” của thời đại mới (Hồng Hạnh - Dân Trí)


NGND, Giáo sư Nguyễn Lân: Vị “Sư biểu” của thời đại mới


(Dân trí) -Ngày 10/12, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân Cuộc đời và sự nghiệp”. Tại hội thảo, nhiều giáo sư, nhà giáo dục, nhà văn nổi tiếng của Việt Nam chia sẻ và tự hào mình được là học trò của GS Nguyễn Lân.

Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân
Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Nguyễn Lân.

Giáo sư Nguyễn Lân - một nhân cách lớn...
GS.VS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định GS Nguyễn Lân là một nhân cách lớn.
“Bài học lớn nhất, và cũng có thể nói, quan trọng nhất tôi học được ở GS Nguyễn Lân là lý tưởng cách mạng, sự nghiệp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân có ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Đấy là bài học giáo sư để lại cho tôi, cho đời, cho tất cả chúng ta. Và theo được trọn vẹn bài học đó là sự phấn đấu cả cuộc đời” - Viện sĩ Phạm Minh Hạc cho biết.
Nhà giáo Nhân dân (NGND) Nguyễn Lân sinh ngày 14/6/1906, mất ngày 7/8/2003. Trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp trồng người, sự nghiệp khoa học và cách mạng, NGND Nguyễn Lân không ngừng học hỏi, khổ luyện, tận tâm, tận lực vì nhà trường vì học trò. Trong mọi công việc, trên mọi vị trí, thầy luôn nỗ lực để làm tốt nhất công việc của mình. Thầy là tấm gương sáng ngời về nhân cách của người thầy, của nhà khoa học cho rất nhiều thế hệ noi theo.
Theo GS, VS Phạm Minh Hạc, một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của bài giảng, qua tấm gương của GS Nguyễn Lân, một phần khá quan trọng là làm sao thiết lập được quan hệ giao tiếp giữa người giảng và sinh viên, nói đơn giản, quan hệ gần gũi giữa thầy - trò ngay trong giờ lên lớp. Làm sao người giảng và người nghe tựa như tạo được một hợp lưu giữa truyền đạt và tiếp thu. "Giờ giảng trang nghiêm mà rất gần gũi. Có nhiều nguyên nhân, vốn tri thức, sự chuẩn bị bài, tuổi tác, cuộc đời… với cán bộ giảng dạy trẻ khó có tất vả “vốn liếng” đó. Bài học thầy để lại là cần coi trọng mỗi quan hệ giao lưu trên lớp trong giờ giảng làm nền chuyển tại nội dung và hiệu ứng sư phạm tích cực. Tất cả toát lên từ nhân cách người thầy cần rèn rữa bền bỉ. Bài học đó tôi theo đuổi suốt cuộc đời".
NGND, GS Nguyễn Đình Chú: “GS Nguyễn Lân thật xứng đáng được liệt vào hàng sư biểu. Không chỉ thế, còn là người đặt nền móng đầu tiên cho nền khoa học Giáo dục Việt Nam chính thức ra đời năm 1954 với các công trình: Lịch sử giáo dục học thế giới; Giáo trình giáo dục học; Giảng dạy trên lớp; Công tác chủ nhiệm lớp. Nhà giáo dục học Nguyễn Lân đã làm khoa học giáo dục dựa trên sự thấm nhuần sâu sắc truyền thống giáo dục của dân tộc, của phương Đông”.
 ...Một mẫu mực chân thực trong cư xử

 ...Một mẫu mực chân thực trong cư xử
Bên cạnh những đóng góp cho nền giáo dục nước nhà, NGND Nguyễn Lân còn là tấm gương nhân ái, mẫu mực với sinh viên, cán bộ, đồng nghiệp. Những người được may mắn học thầy, làm việc vùng thầy đều cảm nhận sâu sắc được sự đức độ, tấm lòng bao dung và sự khích lệ từ thầy. Sức mạnh tinh thần của thầy đã lan truyền, tiếp sức cho nhiều cán bộ, học trò.
Nhà văn Ma Văn Kháng, Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Một giọng nói thanh trong trẻ trung. Một nguồn sinh lực tràn trề trong từng âm tiết. Một tâm tình tha thiết hướng vào đối tượng thân yêu là học trò. Một khối lượng kiến thức uyên thâm có được sau những miệt mài nhẫn nại. Tất cả tạo nên một trường quyến rũ, một sức hấp dẫn mãnh liệt. Kỷ niệm đầu tiên về thầy và cũng là bài học quý giá đầu tiên tôi tiếp nhận được từ thầy, để trở thành tâm niệm đinh ninh trên bước đường làm thầy và sau đó làm nghề viết văn của tôi là như vậy. Làm một con người, trước hết hãy tạo ra một hấp lực bằng sự tỏa sáng từ nội lực và tâm hồn mình”.
GS Hồ Ngọc Đại tâm sự: “Tôi vừa là bạn học với con thầy, vừa là thuộc cấp của thầy nhưng bao giờ thầy cũng gọi tôi là “ông”: Ông Đại ơi, việc là thế này… Ông Đại ơi, có lẽ phải là… Mỗi lần, lần nào cũng như lần nào, chuyện nào cũng như chuyện nào… Thầy vẫn với cử chỉ trân trọng và thân mật như thế. Tôi mãi mãi nhớ, mỗi lần như thế, vẫn nét mặt, giọng nói tôn trọng và thân mật như thế. Thầy là một mẫu mực chân thực trong cư xử với người khác, với người trong nhà và với học trò”.
GS Đinh Xuân Lâm, Viện Sử học, học trò cũ nhận định: “Nhìn lại con đường đi của NGND, GS Nguyễn Lân, có thể khẳng định đó là con đường phục vụ toàn tâm toàn ý sự nghiệp “trồng người” vao cả, sự nghiệp “giáo dục” quang vinh. NGND, GS Nguyễn Lân vì những đóng góp to lớn trong ngành và ngoài xã hội đã được Đảng, Nhà nước, các tổ chức tôn vinh với nhiều hình thức, nhiều danh hiệu, nhiều huân chương cao quý, cả áo lụa Bác Hồ gửi tặng. Thế hệ học sinh, sinh viên chúng tôi vô cùng tự hào có một người thầy, một vị “Sư biểu” của thời đại mới”.
Hồng Hạnh

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐÃ NHỔ ĐƯỢC HAI CÁI GAI (Nguyễn Lân - Nhân Dân)

Báo NHÂN DÂN
Chủ nhật, ngày 18-5-1958, trang 3
Đấu tranh vạch mặt bọn phá hoại “Nhân văn – Giai phẩm”
NHỮNG NGƯỜI TRÍ THỨC TRUNG THỰC LÊN TIẾNG
Giáo sư Nguyễn Lân: “TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐÃ NHỔ ĐƯỢC HAI CÁI GAI
Trường Đại học Sư phạm đã nhổ được hai cái gai của nhà trường. Đó là Trương Tửu và Trần Đức Thảo.

Trường Đại học sư phạm có nhiệm vụ đào tạo những người giáo viên nhân dân tốt, nắm được những tri thức khoa học tiên tiến và thấm nhuần những phẩm chất cao quý của nền đạo đức xã hội chủ nghĩa, để toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, toàn tâm toàn ý rèn luyện thế hệ trẻ thành những người thợ tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhưng trong mấy năm vừa qua kết quả của nhà trường đã phần nào không đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và tấm lòng kỳ vọng tha thiết của nhân dân: một số sinh viên tốt nghiệp ở trường ra, về địa phương, đã dạy xằng, làm bậy, khiến cho các cấp lãnh đạo bực mình, phụ huynh học sinh chán ghét, và một số học sinh chịu ảnh hưởng xấu xa. Có người khi dạy về Cách mạng tháng Tám đã tuyên bố ở giữa lớp rằng lòng biết ơn của nhân dân đối với Đảng và Hồ Chủ tịch là một công thức (!), có người đã dùng bài “Người khổng lồ không tim” làm một bài giảng văn thay cho những bài thần thoại trong chương trình; có người đã cả gan dám nói với học sinh rằng chế độ ta đã như cái trôn chảo thì bôi đen cũng là vô ích; có người lại còn phát triển tự do cá nhân đến nỗi yêu đương nữ học sinh một cách bừa bãi; còn có người tự cao tự đại đến mức coi khinh tất cả các bạn đồng nghiệp dạy trước mình, thậm chí khi cấp trên cử dạy ở một trường cấp II thì không nhận và nói rằng: “Tôi dạy những người dạy cấp II chứ không dạy học sinh cấp II”...
Thực ra trong số sinh viên tốt nghiệp trường Đại học sư phạm, có những kẻ dạy xằng, làm bậy như thế chỉ là một thiểu số, bên cạnh những người đã tỏ ra cần cù và khiêm tốn trong nghề. Nhưng con sâu bỏ rầu nồi canh, nên đã xảy ra tình trạng đáng buồn là các khu, các ty rất e ngại khi được tin có những sinh viên tốt nghiệp Đại học sư phạm được bổ nhiệm về địa phương mình.
Những kết quả tai hại trên đây do đâu mà có? Phải chăng vì trường Đại học sư phạm đã không làm tròn cái nhiệm vụ quang vinh mà Đảng mà Đảng và Chính phủ đã giao cho? Phải chăng vì sinh viên không chịu tiếp thu sự giáo dục của nhà trường?
Không phải thế: Nhà trường vẫn cố gắng rất nhiều và đã đạt nhiều thành tích trong công tác giáo dưỡng và giáo dục, còn anh em sinh viên thì nói chung rất tích cực, rất chăm chỉ học tập và tu dưỡng.
Sở dĩ có những lệch lạc ở một số sinh viên khoa Văn và khoa Sử là vì họ đã chịu cái ảnh hưởng tàn khốc của Trương Tửu và Trần Đức Thảo.
Trong vài năm vừa qua ở trường Đại học sư phạm có cái hiện tượng “trống đánh xuôi, kèm thổi ngược”:
Nhà trường đòi hỏi các cán bộ giảng dạy trước khi lên lớp phải soạn giáo trình và giáo án; nhưng Tửu và Thảo thì không chịu viết giáo trình, lấy cớ là môn mình phụ trách khó quá chưa thể cho in thành tài liệu được. Sự thực là họ sợ mực đen giấy trắng dễ biểu lộ những tư tưởng phản động của họ. Họ thường tay không lên lớp rồi nói lung tung, không theo một phương pháp sư phạm nào. Vì không có giáo án nên đã có lần Trương Tửu không chuẩn bị, phải nhai lại một bài đã giảng kỳ trước, làm cho sinh viên hết sức công phẫn. Cũng vì không chuẩn bị nên Trần Đức Thảo giảng rất khó hiểu, nhiều sinh viên đã phàn nàn là không hiểu y muốn nói gì. Có người tưởng rằng y dạy khó hiểu là vì y dạy cao quá. Sự thực thì dù nội dung có cao, có sâu đến đâu mà nắm vững phương pháp sư phạm, người ta vẫn có thể giảng một cách dễ hiểu được. Còn như định tâm nói ra những ý phản động lại dùng chủ nghĩa Mác Lê-nin để làm cái bình phong thì tất nhiên phải diễn đạt một cách úp úp, mở mở, nên giảng khó hiểu không phải là lạ lùng gì!
Một yêu cầu quan trọng mà nhà trường đề ra là giáo sư lên lớp phải quan tâm đến việc giáo dục tư tưởng cho sinh viên, phải khiến cho sinh viên thấm nhuần chủ nghĩa xã hội khoa học, dùng chủ nghĩa duy vật biện chứng mà giải thích mọi hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội, đứng trên lập trường Đảng, lập trường của giai cấp vô sản mà nhận định mọi vấn đề. Đó là điều tâm niệm của mọi cán bộ giảng dạy yêu nước, yêu nghề và tự trọng. Nhưng Trương Tửu và Trần Đức Thảo thì ngược lại, chỉ âm mưu dùng cái diễn đàn của trường đại học để đả kích chế độ, đả kích Đảng và xuyên tạc chân lý. Thí dụ: Tửu đã say sưa giảng về Vũ Trọng Phụng để chứng minh rằng Vũ Trọng Phụng sáng suốt hơn Đảng. Còn Thảo thì trong hai năm dạy lịch sử tư tưởng chỉ cố ý dừng lại ở Hê-ghen, không hề giảng đến Mác, Thảo luôn luôn dùng cái “hạt nhân duy lý” để xóa nhòa ranh giới giữa duy vật và duy tâm, xóa nhòa ranh giới giữa ta và địch. Quả là Tửu và Thảo đã dụng tâm làm tan rã lòng tin tưởng của sinh viên vào Đảng, vào chế độ.
Chính vì Trương Tửu và Trần Đức Thảo có manh tâm chống Đảng, chống chế độ nên trong hai năm nay, họ đã gây nên ở trường Đại học sư phạm một không khí nặng nề, khó thở: Họ là giáo sư, là chủ nhiệm khoa, nghĩa là những người có cương vị trong hội đồng lãnh đạo của nhà trường. Nhưng thực ra họ luôn luôn tìm cách biến những buổi họp hội đồng lãnh đạo thành những cuộc cãi vã, thành những dịp để họ công kích ban giám đốc, công kích các đảng viên. Cho nên trong các buổi họp hội đồng lãnh đạo, ít khi người ta đi được đến những kết quả cụ thể về xây dựng chuyên môn, xây dựng tổ chức, mà phần lớn thời gian chỉ là để giải quyết những vấn đề tủn mủn, vụn vặt do họ nêu lên hoặc là để họ gây thêm mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường. Có người đã cho rằng Tửu và Thảo luôn luôn dùng cái thủ đoạn “đảo nghị” mà nghị sĩ Pác-nen đã dùng ở nghị viện nước Anh hồi cuối thế kỷ thứ 19, để hội đồng lãnh đạo nhà trường không làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho.
Không những Tửu và Thảo chĩa mũi dùi vào các đảng viên mà họ thường mạt sát với những lời sống sượng, thô bạo, họ còn tìm cách dèm pha tất cả những người ngoài Đảng không ăn cánh với họ. Riêng đối với những kẻ nghe theo họ thì họ đề cao, tâng bốc, đòi cho được hưởng quyền lợi nọ kia. Với cái óc bè phái ấy, họ đã phá hoại tinh thần đoàn kết rất cần thiết cho việc xây dựng nhà trường.
Thái độ hung hăng, phá phách của Tửu và Thảo ở trường Đại học sư phạm có phải là do sự bất mãn hay không? Chúng tôi thiết nghĩ họ không có lý do gì bất mãn cả, vì Đảng và Chính phủ đối đãi với họ thật là đã quá hậu.
Nhiều người đã ngạc nhiên không hiểu vì sao Trương Tửu mà có thể là giáo sư đại học được. Không những y có cái quá khứ chẳng hay ho gì, mà ngay đến cái vốn tri thức của y cũng rất là nông cạn, như người ta đã phân tích nhiều lần trên báo chí. Ấy thế mà Tửu vẫn được làm giáo sư trường Đại học sư phạm thì còn bất mãn nỗi gì?
Còn Trần Đức Thảo thì từ khi hòa bình lập lại được cử làm Phó giám đốc trường Đại học Văn khoa rồi làm chủ nhiệm khoa Sử, có quyền điều khiển nhiều giáo sư khác, trong đó có những đảng viên như ông Trần Văn Giàu; Thảo lại được sử dụng một cái quỹ mua sách cho khoa hàng mấy chục triệu đồng, thậm chí đã mua cho khoa Sử một bộ “Địa chất học” giá hai triệu đồng mà cũng không ai ngăn cản được; Thảo lại còn buộc nhà trường phải công nhận những việc rất vô lý, thí dụ như đòi giữ lại ở khoa Sử môn Tâm lý học là một môn ở bất cứ trường Đại học sư phạm nước nào cũng phải đi liền với môn giáo dục học. Ấy thế mà trong mấy năm không ai có thể thay đổi cái tình trạng bất hợp lý đó. Ngoài ra Thảo còn có những đòi hỏi rất nhiều về phương diện vật chất; trong khi anh em cán bộ giảng dạy khác không có nhà ở hoặc phải ở chen chúc bốn năm người trong một phòng nhỏ thì Thảo được ở một cái nhà lầu cao ráo, rộng rãi; thế mà vẫn cứ luôn luôn mè nheo, bắt dọn đi dọn lại, sửa đi sửa lại. Thảo dồn ép đồng chí phụ trách quản trị đến nỗi đồng chí này đã phải thốt ra lời nói rằng: “Đứng trước ông Thảo, tôi như người cố nông đứng trước địa chủ trong thời phong kiến!”. Thảo được chiêu đãi như thế, còn có lý gì bất mãn nữa?
Vấn đề này, chúng tôi vẫn cứ tự đặt ra trước khi học tập hai văn kiện, nhưng không sao giải quyết được..
Phải chờ đến khi đã học tập, anh em các tổ được giác ngộ, yêu cầu Tửu và Thảo phải kiểm thảo, rồi anh em góp thêm nhiều hiện tượng, chúng tôi mới hiểu được rằng Trương Tửu và Trần Đức Thảo không phải chỉ là những người trí thức bất mãn mà rõ ràng là những kẻ có mưu đồ xấu xa về chính trị. Trước những hiện tượng cụ thể anh em nêu lên mà Tửu và Thảo không thể chối cãi được, chúng tôi mới thấy được những tư tưởng phản động có thể hạ phẩm giá con người đến mức độ nào. Một số sự việc đã khiến chúng tôi phải sửng sốt không ngờ những người vẫn mệnh danh là đại trí thức như Tửu và Thảo mà có thể ti tiện, đê hèn như thế.
Quả đợt học tập hai văn kiện là một cơn gió lành mạnh đã thổi bạt được những rác rưởi của chủ nghĩa xét lại, đã lật được mặt nạ một số người trước đây người ta vẫn cho là thượng lưu trí thức, và riêng đối với trường Đại học sư phạm, đã nhổ được hai cái gai gây ra bao nhiêu vướng víu trong việc xây dựng nhà trường.
Gai đã nhổ rồi, không khí trường Đại học sư phạm trở nên khác hẳn: mọi người, mọi thành phần, sau đợt học tập, đã cùng đứng trên một lập trường, cùng thống nhất một ý chí, nên tình đoàn kết càng ngày càng chặt chẽ. Trên cơ sở của mối đoàn kết đó, mọi công tác của nhà trường như tổ chức, giảng dạy, học tập, lao động... đều tiến hành được đều đặn, với một đà phấn khởi chưa từng có.
Từ nay nhà trường như một thân thể đã cắt được cái ung thư trở nên lành mạnh, khỏe khoắn. Nhất định trong một tương lai ngắn, trường Đại học sư phạm của chúng ta sẽ xứng đáng là một trường Đại học xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với nhiệm vụ đào tạo những người giáo viên tốt cho nền giáo dục phổ thông đương một ngày một vươn lên mạnh mẽ.
GS Nguyễn Lân