Tuesday, 21 May 2013

Chụt là gì? (Nguyễn Man Nhiên)

Chụt là gì?
Nguyễn Man Nhiên
Du khách đến Nha Trang, có dịp đi thăm Biệt thự Cầu Đá (còn gọi là Lầu Bảo Đại), Viện Nghiên cứu biển hay Hồ cá Trí Nguyên đều phải qua xóm Chụt, một xóm biển nằm cuối đường Trần Phú nối dài, nổi tiếng với những cửa hàng lâu đời bán đồ mỹ nghệ vỏ hải sản và cả món ăn dân dã bánh canh chả cá.
Nhưng Chụt nghĩa là gì? Tại sao gọi là xóm Chụt ? Khi có người tò mò hỏi như vậy thì hầu như dân địa phương đều trả lời: Chụt là do tiếng Pháp mà ra. Người Pháp viết CHUTT, mình đọc là Chụt. Có đúng vậy không?
Thời Pháp thuộc, khi chính quyền thực dân tráng nhựa con đường biển chạy thẳng xuống Cầu Đá (lúc đó có tên là Avenue de la Plage), họ đã đặt trụ cây số và khắc lên đó chữ CHUTT. Theo đó, các hàng quán nằm hai bên đường xóm Chụt có lẽ muốn Tây hóa nên đều ghi địa chỉ trên bảng hiệu là CHUTT. Và chữ CHUTT dần dần ăn sâu trong cách viết, cách nói của người địa phương, cho tới bây giờ, nhiều người vẫn tin chắc đó là tiếng Pháp.
Thực ra, trong tiếng Pháp không có từ CHUTT mà chỉ có CHUT- một thán từ có nghĩa: im, làm thinh, hoặc từ CHUTE nghĩa là rơi, rớt, sụp đổ ...
Vậy CHUTT, theo chúng tôi, chỉ là cách người Pháp ghi âm tiếng Chụt, một từ thuần Việt có mặt đàng hoàng trong tự điển.
Sách “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ” của Huình Tịnh Paulus Của xuất bản tại Sài Gòn năm 1895, một trong những quyển tự điển cổ về tiếng Việt Nam bộ, giải thích như sau:
Chụt: vũng nhỏ ở dựa gành có thể cho ghe thuyền núp gió.
Lại còn ghi rõ địa danh “Chụt Nha Trang” là “Chỗ núp gió ở tại Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa” (1).
Trong một bài vè kể lại thủy trình từ Huế vô Sài Gòn của dân ghe bầu - tức dân đi buôn bằng ghe thuyền ngày xưa - có đoạn:
Nha Trang xuống Chụt bao xa
Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng
Anh em mừng rỡ lăng xăng
Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra
Anh em chè rượu hỉ ha ... (2)
Sách “Đại Nam nhất thống chí - quyển XI- tỉnh Khánh Hòa” bản in đời Tự Đức khi viết về “Tấn Cửa Bé Cù Huân” cũng chép như sau: “Hòn Lam Nguyên có dân cư, phố xá liên tiếp nhau, gần đó là thôn Trường Tây, tục gọi là phố Đột, lưng tựa vào núi, mặt trông ra biển, mùa thu mùa đông gió to tung cát không thể ở được, phải dời đến hòn Lam Nguyên, đến mùa xuân mùa hạ lại trở về.” (3)
Trong đoạn văn trên, có mấy chi tiết đáng chú ý:
- Hòn Lam Nguyên, sách ĐNNTC bản in đời Duy Tân chép là Bồng Nguyên, (ở đây có thể có nhầm lẫm trong khi sao chép, vì chữ Lam và chữ Bồng (Hán tự) có tự dạng rất giống nhau) tức đảo Trí Nguyên, hiện nay là một khóm dân cư của phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang.
- Tục danh của vùng này được phiên là phố Đột (nguyên tác chữ Hán ghi là “Đột phố”). Từ phố trong tiếng Hán cổ có nghĩa là cửa biển hoặc bến cảng (ví dụ cảng thị Hội An xưa kia có tên là Hoài Phố). Theo chúng tôi, thật ra “đột” là cách ký mã Hán-Việt âm nôm “Chụt”.
Qua đó, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Chụt là một từ thuần Việt đã có trước khi người Pháp đặt chân tới Nha Trang.
Xóm Chụt là tục danh của làng Trường Tây - trước đây thuộc xã Vĩnh Nguyên, huyện Vĩnh Xương, nay thuộc phường Vĩnh Nguyên thành phố Nha Trang. Xưa kia cuộc sống, sinh hoạt ở Chụt diễn ra khá xô bồ, tấp nập. Dân ghe bầu từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vô Nam đều ghé Chụt. Họ mừng rỡ gặp nhau, chén thù chén tạc vui vẻ, trao đổi tin tức, tình hình mua bán. Họ cũng không quên mua lá buông để kết đệm buồm và song mây để chằng cột buồm - hai loại lâm đặc sản của rừng núi Khánh Hòa và được bày bán rất nhiều ở Chụt.

CHÚ THÍCH:
(1) Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, 2 tập, Sài Gòn 1895, tr. 172.
(2) Bửu Cầm, Hải môn ca, Văn hóa nguyệt san (Sài Gòn), tập XIII quyển 9 (9/1964).
(3) Đại Nam nhất thống chí, tập III, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr. 106.
Nguyễn Man Nhiên
Ngày đăng: 25.12.2006

5 comments:

  1. Bài Chụt là gì? của tác giả Nguyễn Man Nhiên đạo văn của Lê Ký Thưởng. Ông NMN đã viết thư xin lỗi tác giả trên mạng vanchuong.org vào năm 2015. Sau khi đăng bài xin lỗi của ông NMN thì mạng này xóa tất cả các sáng tác ông. Sau đây tôi - LÊ KÝ THƯƠNG trình đăng bức thư xin lỗi của ông NMN. Và tôi mong Google xóa bài của ông NMN để tránh gây hiểu lầm tai hại.
    BÀI CẬY ĐĂNG
    TÁC GIẢ CHÍNH BÀI “CHỤT LÀ GÌ” LÀ AI?
    LÊ KÝ THƯƠNG

    Về địa danh Chụt, những gì có liên quan đến bài viết của anh mà T đã sử dụng trái phép, T sẽ hủy bỏ hết. Dĩ nhiên nếu cần viết lại về Chụt, T sẽ viết với những tư liệu và phát hiện riêng của mình. (...)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin cảm ơn rất nhiều. Mong nhận được bài "chính chủ" để thay thế bài này.

      Delete
  2. BÀI CẬY ĐĂNG
    TÁC GIẢ CHÍNH BÀI “CHỤT LÀ GÌ” LÀ AI?
    LÊ KÝ THƯƠNG

    Thời gian gần đây, tôi có dự định sưu tập những bài viết của mình từ khi mới biết cầm bút sáng tác đến nay , làm bản thảo duy nhứt cho con cháu mình sau này. Trong quá trình sưu tập, không may cho tôi là lạc mất bài “CHỤT LÀ GÌ?” mà tôi đã in lần đầu trên tập san Văn Nghệ Nha Trang năm 1985, chỉ còn hy vọng bài này được in lần thứ hai trên BÁCH KHOA VĂN HỌC SỐ 5, THÁNG 5-1991. Vừa rồi, trong những ngày đầu năm 2015, may mắn cho tôi là nhờ một người quen làm ở Thư viện Tổng hợp TP. HCM - ở đây còn lưu trữ đủ bộ BKVH, tìm ra bài “Chụt là gì?” của tôi. Và còn mừng nữa là đầy đủ bằng chứng là bài “Chụt là gì?” của tôi xuất hiện khá lâu trước bài “Chụt là gì?” ký tên Nguyễn Viết Trung do Hội Văn Học Nghệ Thuật Khánh Hòa in năm 2004 và bài “Chụt là gì?” ký tên Nguyễn Man Nhiên đăng trên mạng vanchuongviet.org ngày 25.12.2006.
    Khi phát hiện sự trùng khớp đặc biệt về nội dung và câu chữ trong văn bản, ngày 14-1-2015 tôi đã gởi thư điện tử cho ông Nguyễn Viết Trung (Nguyễn Man Nhiên) kèm theo bản photocopy bài “Chụt là gì?” của tôi đăng trên BKVH, bản photocopy bài của ông Trung in trên sách “Từ dinh Thái Khang đến tỉnh Khánh Hòa” – trang 67, 68, 69 và bản photocopy đăng trên mạng vanchuongviet.org, hỏi cho biết lý do tại sao có sự trùng khớp như vậy? Đồng thời đề nghị ông Trung gỡ bài trên mạng vanchuongviet.org để tránh sự hiểu lầm về sau, ông không trả lời. Đến ngày 16-1-2015, tôi sợ thư điện tử của mình bị thất lạc, bèn gởi tin nhắn hỏi lại, nhưng ông Trung vẫn im lặng. Tôi đã kiên nhẫn chờ đợi qua một tuần, ông Trung vẫn cố tình phớt lờ thắc mắc của tôi. Điều này khiến tôi suy nghĩ ông Trung không tôn trọng sự thật hiển nhiên.
    Vì vậy, hôm nay tôi buộc lòng phải lên tiếng về bài “Chụt là gì?” để quý độc giả minh định.
    Sài Gòn, 22-1-2015
    • Đồng kính gởi: - Ban biên tập Tạp chí Nha Trang (Hội VHNT Khánh Hòa), 34 Yersin, TP. Nha Trang, tỉnh KH. Và Ban biên tập vanchuongviet.org. Để cậy đăng.
    • Ông Nguyễn Viết Trung (Nguyễn Man Nhiên) – email: mannhien@gmail.com. Để biết.

    ReplyDelete
  3. Chào Trung,
    Tôi đã đọc @ Trung gởi cho tôi. Không cần biết thực bụng Trung nghĩ gì nhưng qua hai bài của Trung (1 gởi cho vanchuongviet.org va 1 là cái email tôi vừa mới nhận) tôi nghĩ rằng Trung đã ý thức được việc làm sai trái của mình, muốn sửa sai, và cũng mong muốn giữ cho mọi chuyện không đi quá xa theo hướng tiêu cực.
    Có lẽ Trung cũng hiểu rằng thoạt đầu tôi cũng chỉ muốn sự việc trở về đúng chỗ của nó như trong email đầu tiên tôi gởi riêng cho Trung , nhưng vì Trung không trả lời thư tôi (mà bây giờ Trung đã giải thích lý do) nên tôi đã nghĩ Trung không tôn trọng tác giả bài viết bị sao chép (Chụt là gì?), do đó tôi nghĩ cần phải đưa sự việc ra công luận.
    Nay Trung đã ngỏ lời xin lỗi công khai và còn trần tình thêm qua thư này, tôi sẵn sàng bỏ qua những chuyện cũ và sẽ đáp ứng yêu cầu của Trung: nói chuyện lại với Hội để sự việc có thể dừng ở đây như Trung mong muốn.
    Lê Ký Thương

    ReplyDelete
  4. CHỤT LÀ GÌ?
    Khách du lịch (*) đến Nha Trang, có dịp thăm Khu Nghỉ mát Biệt thự (lầu vua Bảo Đại), Viện Nghiên cứu biển (trước đây gọi là Hải học viện Nha Trang) hay hồ cá Trí Nguyên đều phải qua xóm Chụt. Đây là một xóm ven biển, nằm cuối đường Độc Lập (nay là đường Trần Phú) đã một thời nổi tiếng món phở gà của ông Nguyễn Bảy, mà mọi người quen gọi là “phở Chụt”.
    Nhưng Chụt nghĩa là gì?
    Khi có người tò mò hỏi như vậy thì hầu như dân địa phương đều trả lời là CHỤT là do tiếng Pháp mà ra. Người Pháp viết CHUTT, mình đọc là CHỤT (?).
    Có đúng vậy không?
    Chúng tôi đã tra cứu các tự điển tiếng Pháp không có chữ CHỤT mà chỉ có chữ CHUT – một tiếng ta thán có nghĩa: im, làm thinh. Và chữ CHUTE nghĩa là: rơi, rớt, sa ngã, thất bại, suy đồi, đốn mạt…
    Nhưng câu trả lời trên không phải là vô lý. Thời Pháp thuộc, khi người Pháp tráng nhựa con đường biển chạy thẳng xuống cảng Cầu Đá, họ đã đặt trụ cây số và khắc lên đó chữ CHUTT. Theo đó, các hiệu buôn nằm hai bên đường xóm Chụt có lẽ muốn Tây hóa đều ghi trên bảng hiệu là CHUTT. Và chữ CHUTT dần dần ăn sâu trong cách viết, cách nói của người địa phương – cứ tin chắc đó là chữ Pháp – cho tới giờ. Chúng tôi thiển nghĩ có sự nhầm lẫn như vậy, vì người Pháp phát âm chữ CHỤT thành CHUTT, nên viết là CHUTT.
    Vậy CHỤT nghĩa là gì? Tại sao gọi là xóm Chụt?
    Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895) của Huình Tịnh Của, Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức. Tự Điển Việt Nam của Lê Ngọc Trụ và Lê Văn Đức, Việt Ngữ Chính tả tự vị đều giải thích: Chụt là vũng nước nhỏ ở dựa gềnh biển có thể cho ghe thuyền núp gió. Trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị còn ghi cụ thể: (CHỤT) NHA TRANG – chỗ núp gió tại Nha Trang về tỉnh Khánh Hòa.
    Trong bài VÈ THỦY TRÌNH TỪ HUẾ VÔ SÀI GÒN của dân ghe bầu, tức dân đi buôn bằng ghe thuyền ngày xưa có đoạn:
    Nha Trang xuống CHỤT bao xa
    Kẻ vô mua đệm, người ra mua chằng.
    Anh em mừng rỡ lăng xăng,
    Người hỏi thăm vào, kẻ hỏi thăm ra.
    Anh em chè rượu hỉ ha…
    Qua đó, chúng ta thấy CHỤT đã có trước khi người Pháp đặt chân tới Nha Trang và chúng ta có thể hình dung được cảnh sinh hoạt khá tấp nập ngày xưa ở đây. Dân ghe bầu từ Nam ra Bắc hoặc từ Bắc vô Nam đều ghé vô CHỤT. Họ mừng rỡ gặp nhau, chén thù chén tạc vui vẻ, trao đổi tin tức, tình hình buôn bán và điều quan trọng là mua lá buông (đệm) làm buồm và song mây làm cột buồm (chằng). Hai thứ lâm sản này có rất nhiều ở Khánh Hòa và chỉ có bán ở Chụt vào thời đó.
    Qua nhiều thời ký phát triển, xóm Chụt ngày nay trở thành một khu phố thuộc thành phố Nha Trang. Các cơ sở hành chánh, kinh tế, văn hóa đều tập trung ở đây. Nó lại gần cảng Cầu Đá, một trong những cảng lớn của Miền Trung, nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển trong tương lai.
    LÊ KÝ THƯƠNG
    (Bài đăng trên BÁCH KHOA VĂN HỌC, số 5 – tháng 5-1991)

    * NVT (NMN) sửa lại: Du khách – Theo “Từ dinh Thái Khang đến tỉnh Khánh Hòa” (Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa ấn hành, 2004 và vanchuongviet.org, ngày 25-12-2006).

    ReplyDelete