Wednesday 8 May 2013

Có chân trong ban chấp hành (Nguyễn Đức Dân)




                                                                      GS TS  NGUYỄN ĐỨC DÂN

1.    Tiếng Việt cũng như mọi ngôn ngữ khác, theo dòng thời gian luôn luôn có những từ ngữ mới xuất hiện. Trở lại thời tiền sử khi  vượn-người  đang trở thành người, thì tiếng nói  bộ lạc nào chắc cũng chỉ chừng  dăm bảy chục từ liên quan đến  cuộc sống  bầy đàn cần thiết cho những truyền  tin hàng ngày như  ăn uống, đi lại, săn bắt, con mồi, kẻ thù, sống chết, cây cối, trời đất, nắng mưa…và một vài từ trỏ bộ phận cơ thể con người đầu, mặt, tay, chân…Xã hội  phát triển  và nhu cầu giao tiếp ngày càng tăng thì những  khái niệm, những  thông tin mới ngày càng nhiều, thế là con người phảiđặt ra những từ ngữ mới.  Nhưng đặt  từ ngữ mới thế nào khi  ngoài chính mình con người hầu như chưa hiểu biết gì về thiên nhiên?  Thế là con người lấy mình để nhận thức thiên nhiên và đặt tên cho những đối tượng xung quanh. Từ đây có giả thuyết con người là trung tâm vũ trụ (anthropocentrism). Có thể hình dung quá trình đặt ra từ mới như sau: thấy những đối tượng  nào về hình thức hoặc tính chất  giống  những bộ phận cơ thể con người thì cho chúng cùng tên với bộ phận con người. Con người nhìn bằng mắt thì cái bộ phận mà con thú dùng để nhìn cũng được gọi là “mắt”.   Đó là cách lấy con người làm  trung tâm để gọi tên các con vật, các sự vật, hiện tượng…  Mỗi dân tộc nhìn chính mình và nhìn thế giới theo những cách  khác nhau.  Chẳng hạn, người Việt thấy con người có tứ chi (hai tay, hai chân). Và tay  là một bộ phận khái quát mà những bộ phận nhỏ của nó có tên  gọi chung là taycánh tay, bàn tay, ngón tay  mà người Anh gọi bằng những từ hoàn toàn khác nhau:arm, hand, finger. “Cánh tay” là “arm” nhưng với người Việt từ “cánh” gợi trong nhận thức là cái gì đótừ trung tâm vươn xa ra, thế là hình thành mấy chục từ ghép mà tiếng đầu tiên là cánh: cánh buồm, cánh chim, cánh bèo, cánh cửa, cánh cung, cánh hoa, cánh quạt, cánh quân, cánh sen…Trong khi đó, người Anh lại dùng “arm” để tạo ra những cụm từ mà người Việt gọi là cành cây, nhánh sông, nhánh biển, tay ghế… Sự khác nhau trong nhận thức về phân cắt thế giới khách quan, về những đặc điểm các bộ phận con người cùng sự khác biệt loại hình giữa các ngôn ngữ dẫn tới quá trình phát triển nghĩa của những  từ ngữ trỏ bộ phận con người cũng khác nhau. Lấy từ chân làm  ví dụ.
2. Trong  con người, chân  là bộ phận thấp nhất giúp ta đứng vững. Thế là bộ phận thấp nhất làm giá đỡ cho  những   đối tượng tự nhiên hoặc nhân tạo  được nhiều dân tộc  gọi  tên  là “chân”:   chân tường, chân cột, chân giường, chân bàn, chân đèn, chân cầu thang; chân đồi, chân núi, chân chống(xe đạp), chân kính (đồng hồ), chân vạc, … Có những cái chân có hình dáng riêng: sập chân quỳ; lư hương chân quỳ; quần  cắt kiểu  chân què của phụ nữ nông thôn Bắc Bộ xưa
 Nhưng với chân trời, hoặc “chân mây mặt đất một màu xanh xanh”(Nguyễn Du), thì người Pháp,  người Anh và người Nga lại dùng một từ gốc Latinh  horizon, chẳng dính líu gì tới “chân” cả.
Trong khi chúng ta nói chân răng, chân tóc,  chân móng tay, thì người Pháp lại thấy ở những đối tượng trên có đặc điểm cắm sâu vào như rễ cây để đứng vững nên họ có lối nói rễ răng, rễ tóc, rễ móng tay.
Chân vịt,  chân rết là cách lấy chân người gọi tên chân con vật. Từ đây lại dùng tên này để gọi những đối tượng nào có hình dáng hoặc công dụng giống như thế: chân vịt của con tàu, hệ thống mương máng chân rết, công ty mở thêm nhiều chân rết ở các địa phương…
     3. Chân để con người đứng ở một vị trí. Vậy thì “có chỗ đứng trong thị trường” là “có chân trong thị trường”.  Cái vị trí này là  vị thế con người trong một tổ chức xã hội Ấy thế là chân được dùng hoán dụ cho thành viên của một tổ chức: “chạy được một chân trong ban chấp hành”,  “có chân trong hội đồng quản trị”; “có chân trong đội tuyển quốc gia”; “xin được  một chân bán hàng ở Trung tâm thương mại”; “còn thiếu một   chân  tổ tôm”… Tiếng Anh,  tiếng  Pháp và tiếng Nga không có kiểu chuyển nghĩa theo cách dùng hoán dụ từ chân. Người ta  dùng trực tiếp từ “thành viên” (member, membre, член). 
Kết hợp  nghĩa “thành viên” với nghĩa “ở vị trí thấp nhất” ,  người Việt nhận thức ở từ chân  một nghĩa mới. Nó   trỏ người ở những nghề nghiệp có vị trí thấp trong một tổ chức , những người phụ việc, phục vụ cho cán bộ  lãnh đạo:  “Anh ta là một  chân chạy trong công ty”, “Chưa tìm được việc làm , thôi thì trước mắt kiếm một chân sai vặt, chân chạy cờ, chân loong toong  hay một chân bảo vệnào đó cũng được”… Tục ngữ  “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”  đã  khái quát tay để cầm nắm thành tay là công cụ  lao động. Mà chân ở vị trí thấp nhất, nên từ  tay chân, chân tay chỉ loại công cụ lao động thấp nhất – bọn đàn em, bộ hạ, thuộc hạ cho những đại ca,  những ông trùm và  những người quyền thế.
    4. Dùng  tay, chân  để trỏ  người là một điểm đặc biệt của tiếng  Việt. Hầu như không thấy trong tiếng Anh,  tiếng Pháp và tiếng Nga.  Trong khi chúng ta nói tay chơi, tay ngang, tay sai,  tay súng, tay thợ, tay trong… thì để chỉ mỗi loại người này  tiếng Anh lại dùng một từ trong đó không có yếu tố “tay”:  playboy; layman;  lackey
Tay, chân được dùng trỏ các vận động viên thể thao . Dùng tay  trỏ vận động viên chơi môn thể thao bằng tay. ‘Võ sĩ thép’ Mike Tyson chỉ được xếp vị trí cuối cùng trong danh sách 10  tay đấmhuyền thoại của quyền Anh’; “Minh Quân vô địch giải các tay vợt xuất  sắc”,  “Việt Nam góp mặt haitay cơ tại vòng tứ kết giải Billards 9 bóng châu Á”; “Tay đua 24 tuổi người Ý  Marco Mimoncelli  tử nạn ngày 13.01.2011”;  “27.12 tới, vào đúng mùa cưới, chân sút vàng của đội tuyển Việt Nam  Phạm Thành Lương đã quyết định “đưa nàng về dinh” …(trích ViệtBáo.com),  “danh hiệu kỳ đạo của cáctay cờ Việt Nam”(trang www.thanglongkydao). Các bạn còn gặp   “tay đập”,   “tay chắn” trong bóng chuyền.  Và “tay kiếm cừ khôi” là tên một trò chơi game.
Điều  thú vị trên đây hầu như cũng không thấy trong tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga.

No comments:

Post a Comment